SAIGÒN - Kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, 13/10/2010, giáo xứ Tử Đình, hạt Xóm Mới, Sài Gòn, đã hiệp dâng thánh lễ đồng tế ngoài trời vào lúc 9 giờ 30. Tại sao giáo xứ nhận thánh Giuse là quan thầy mà ngày hôm nay nhiều người giáo dân lại coi đây là “ngày truyền thống” và qui tụ rất đông đủ?

Xem hình ảnh

Thánh lễ ngày truyền thống hằng năm

Ở giáo xứ Tử Đình có một hội gọi là Gia đình Fatima, được thành lập cách đây 70 năm do Đức ông Đa Minh Đinh Đông Cương khởi xướng khi còn ở miền Bắc và nhận Đức Mẹ hiện ra tại Fatima làm bổn mạng. Khi hội này chuyển vào giáo xứ Tử Đình, cha xứ GB. Đào Duy Thứ thấy lòng sùng kính Đức Mẹ tại đây trở nên rất sốt sắng, cha cho xây đài Đức Mẹ tại cuối nhà thờ. Hiện nay, hội vẫn còn hoạt động, trợ giúp giáo xứ nhiều công việc chung. Từ ngày đó đến nay, cứ vào ngày 13 tháng 5 đến 13 tháng 10 hằng năm giáo xứ đều có thánh lễ trong nhà thờ vào buổi trưa; đặc biệt ngày 13 tháng 10 thánh lễ được cử hành tại đài Đức Mẹ, nhiều giáo dân ở khu vực lân cận cũng đến tham dự và trở thành một “ngày truyền thống” trong nếp sống đạo của người giáo dân.

Buổi sáng hôm nay, ở Sài Gòn mưa lất phất, chẳng có gì hứa hẹn ngày nắng ráo tốt đẹp. Thế nên, trời vừa tạnh một chút là cộng đoàn tập trung, lần hạt 50 kinh rất sốt sắng và kiệu Đức Mẹ trên con đường bọc quanh giáo xứ. Đài Đức Mẹ được trang trí đẹp hơn ngày thường rất nhiều: một vầng trăng khuyết bằng hoa Tulip màu vàng dưới chân Đức Mẹ, chung quanh còn có nhiều hoa hồng trắng, hồng nhạt, nhiều nhất là nơi kiệu Đức Mẹ, làm cho người dự dễ thấy lòng lâng lâng một cảm xúc thanh tao, thánh thiện.

Bàn thờ tuy cách giáo dân một hàng rào nhưng ở một thế cao như một quả đồi thu nhỏ nên ai cũng có thể nhìn thấy cha chủ tế là cha chánh xứ Vinh Sơn Nguyễn Minh Huấn, hai linh mục đồng tế và một thầy của dòng Đồng Công. Và người giáo dân vùng Xóm Mới vốn có lòng sùng đạo lại cảm thấy ấm áp hơn khi cha chủ tế giảng về tình mẹ, một thứ tình không có gì sánh được, để rồi dẫn đến mẫu gương trong đời sống đức tin của Mẹ Maria. Một mẫu gương đời sống đi qua nhiều thử thách; bước vào sự huyền nhiệm của cuộc đời qua biến cố truyền tin; chia sẻ cuộc sống với Chúa Giêsu qua việc dõi theo bước hành trình của con mình một cách âm thầm.. .Khi cuộc đời đã thăng hoa trong ân sủng của Thiên Chúa, Mẹ Maria có đủ thế giá để ban mọi ơn lành trong đời sống đức tin của chúng ta.

Có thể nói, nhiều Kitô hữu biết đến biến cố Fatima là vì lần hiện ra sau cùng của Đức Mẹ ngày 13/10/1917 tại đây có kèm theo một mệnh lệnh và hứa nếu mọi người thi hành thì Thiên Chúa sẽ cứu thế giới. Cha chủ tế nhắc lại nội dung mệnh lệnh Fatima rất quen thuộc nhưng không thể là thừa trong thánh lễ hôm nay; đó là hãy ăn năn đền tội, tôn sùng trái tim Mẹ và năng lần hạt Mân Côi.

Cuối thánh lễ, cha đồng tế làm phép những chai nước suối để cạnh kiệu Đức Mẹ và cuối lễ, nhiều giáo dân lên lấy những cành hồng và nhận một chai “nước suối Đức Mẹ” đem về nhà.

Bầu khí thân thiện của giáo xứ có 56 năm tuổi

Bước vào hội trường thứ 2 phía sau lưng nhà thờ để dự tiệc mừng “ngày truyền thống” của giáo xứ, người ta không khỏi ngạc nhiên về một không gian thoáng đẹp với cánh trái là bức phù điêu các thánh, bên phải là khoảng không gian rộng, đáp ứng cho bữa tiệc chung đông người. Tiệc được ông chủ tịch HĐMV GB. Vũ Văn Tuấn tuyên bố lý do và cha chánh xứ thánh hóa của ăn - một cách làm cũng như nhiều giáo xứ khác – nhưng bầu khí trở nên thân thiện vì văn nghệ thì cây nhà lá vườn, cha xứ hát rất tự nhiên, cha và ông trùm đi chào bàn, cụng ly thân thiện như tiệc cưới. http://www.youtube.com/watch?v=9dKRmuFYKTA

Nhìn quang cảnh đó, nhiều người sống lâu năm ở vùng này mới thấy đó là hình hảnh đẹp, nếp sống đạo của một giáo xứ trở nên vui qua nhiều công sức của những linh mục chánh xứ từng phục vụ ở đây và sự chung sức của cộng đoàn giáo dân. Cách đây khoảng hơn 15 năm, giáo xứ thì nghèo trên địa bàn dân cư phức tạp; nhiều gia đình làm nghề đánh cá trên sông, các con hẻm lầy lội, chật hẹp, những căn nhà ọp ẹp và nhiều giáo dân còn ăn trầu, đầu vấn khăn mỏ quạ, răng đen, đến nhà thờ đọc kinh còn đội cái nón lá rách…Nay, tất cả đã thay đổi; nhà thờ đẹp hơn, giáo dân đã lên bờ, chỉ còn một số ít gia đình sống ven sông vì không muốn xa rời ngôi nhà thờ quen thuộc này.

Tử Đình là một nhà thờ ở miền Bắc, năm 1954, linh mục Dom. Đinh Đồng Cương cùng giáo dân chuyển vào miền Nam và hình thành nên một giáo xứ ở cuối vùng Xóm Mới. Cái tên Tử Đình là do ngày trước, ở ngoài Bắc có một cái đình, nhiều người bên lương sống quanh đó. Nhờ được truyền giáo tốt nên cả cái làng này theo đạo, nhiều vị lớn tuổi trong làng uyên thâm nho học nên nói rằng “khai tử một cái đình”, thế là có cái tên Tử Đình!

Theo dòng thời gian, từ một vùng đất hoang sơ sình lầy, cỏ cây um tùm, vì chiến tranh nên cũng chẳng ai làm ruộng….cha đã cùng giáo dân biến vùng này thành nơi có đất canh tác, trên có bến dưới có thuyền, làm nghề chài lưới để sinh sống. Sau 56 năm, nhà thờ Tử Đình và những giáo dân chân chất ngày xưa ấy, cùng với con cháu, đã trở thành một cộng đoàn dân Chúa vững mạnh trên vùng đất đã được đô thị hóa.

Với nếp sống đạo rất tốt và lòng sùng kính Đức Mẹ đặc biệt, vùng Xóm Mới, nơi có nhà thờ Tử Đình, đã làm cho hình ảnh Giáo hội sinh động, rõ nét giữa lòng xã hội. Có phải chính vì lòng nhiệt thành sốt sắng ấy, từ ông bà cha mẹ, ảnh hưởng đến các con các cháu mà vùng Xóm Mới này có khá nhiều linh mục xuất thân từ đây – một nét son từ lòng sùng kính Đức Maria?