Lá thư Canada: TIẾNG TRỐNG MÚA LÂN

Canada mừng lễ Lao Động vào đầu tháng Chín. Viêc này khác quê mình. Việt Nam quê ta mừng lễ Lao Động vào đầu tháng Năm vì ta theo lối Tây. Ở Canada, sau lễ Lao Động là ngày tựu trường. Các em bé được cha mẹ dắt đến trường, tung tăng chạy nhảy, nói chuyện líu lo như một bầy chim non, ôi dễ thương làm sao. Những hình ảnh này bao giờ cũng làm tôi nhớ liền tới bài văn: Hằng năm cứ về cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi nao nức những kỷ niện mơn man của buổi tựu trường…( Quê Mẹ/Thanh Tịnh). Rồi bài này lại dẫn tôi đến nhà văn Anatole France bên Pháp. Ông cũng viết về ngày tựu trường trong cuốn Le Livre de Mon Ami giống y như vậy. Các măng non thơ ngây và trong trắng như những bầy tiên nhỏ!

Ở đây niên học khai giảng vào đầu mùa thu chứ không vào cuối thu như nhà văn Thanh Tịnh viết, nhưng những hình ảnh thơ mộng và những cảm giác nôn nao thì giống y như nhau.

Tại Canada các xe bus chở học sinh sơn màu vàng rực. Mỗi buổi sáng xe vàng chạy cùng khắp. Mỗi lần thấy xe là mỗi lần tôi nghĩ ngay trong đầu: đây là những mầm non, đây là những bông hoa đang chúm chím, đây là tương lai của đất nước này.

Canada có chính sách cưỡng bách giáo dục: trẻ em phải đi học cho tới tuổi 16, riêng tại tỉnh bang Ontario nơi tôi đang sống và tỉnh bang New Brunswick phía đông thì tới 18 tuổi. Trường công, trường tư, trường nhà thờ, tất cả hoàn toàn miễn phí. Ngân sách dành cho giáo dục là 7% ngân qũy quốc gia. Theo thống kê 2009, chỉ riêng ngành đại học có 870.000 sinh viên. Trong số này, 1/3 là sinh viên ngoại quốc. Đông nhất là sinh viên đến từ Trung Quốc chiếm 33%, rồi đến Đại Hàn 24%. Sinh viên từ Hoa Kỳ chiếm 9.6%. Viêc này chứng tỏ nền giáo dục của Canada rất cao. Sinh viên Hoa Kỳ sang đây du học chắc vì học phí thấp và vì ban giảng huấn giỏi. Điều này rất đúng các cụ ạ, vì Tổ chức The Times Higher Education bên Anh vừa công bố danh sách 200 đại học dang tiếng trên thế giới, Canda có 9 đại học nằm trong đầu danh sách này. Đại học Toronto đứng thứ 13. Các cụ muốn biết thêm vài chuyện đại học ở đây, phải không cơ. Xin kể ngay: Đại học lâu đời nhất ở Canada là Université de Laval, có từ năm 1663, và đại học đông sinh viên nhất hiện nay là University of Quebec. Đại học Toronto có 18 phân khoa và được thành lập vào năm 1827.

Cũng đúng mùa khai trường này có một cuộc họp cao cấp về giáo dục liên quốc gia, gồm Canada, Nga, Úc và Anh. Ông Arne Duncan, cố vấn về giáo dục của Tống Thống Hoa Kỳ cũng sang dự thính. Sau 2 ngày dự hội nghị, ông Duncan đã lên tiếng nhiệt liệt ca ngợi nền giáo dục của tỉnh bang Ontario. Ông bảo Hoa Kỳ còn cần học hỏi thêm về nên giáo dục ở đây. Ông thán phục chương trình giáo dục rất thực tế vừa phát triển tài năng vừa ngăn ngừa bạo lực và dự án lớp vườn trẻ + mẫu giáo sẽ học cả ngày thay vì chỉ học nửa buổi như hiện nay.

Nhân vừa nói tới ban giảng huấn đại học giỏi, tôi liền nhớ tới giải thưởng toán học Fields mà Tiến sĩ Ngô Bảo Châu của Việt Nam vừa đạt được. Các cụ có biết Fields là ai không ? Thưa đó là qúy danh của Tiến sĩ John Charles Fields (1863-1932), một giáo sư tóan học lỗi lạc của Canada. Ông sinh tại bang Ontario. Ông là một thiên tài về tóan. Ông từng là chủ tịch Hiệp hội Khoa Học của Anh, Mỹ và Canada. Thế giới đã dùng tên ông để đặt cho giải thưởng quốc tế về toán. Nó tương đương với giải Nobel, các cụ thấy chưa. Chúng tôi cầu mong Tiến Sĩ Ngô Bảo Châu sẽ là một John Charles Fields của Việt Nam.

Xin khoe các cụ một tin khác cũng vừa xuất phát từ Canada liên hệ tới sự thông thái của dân xứ này: Hiệp hội ngư nghiệp Aqua Bounty ở tỉnh bang Prince Edward Island miền đông Canada vừa thí nghiệp thành công việc biến đổi gene của cá hồi salmon, làm cho loại cá này sinh trưởng nhanh chóng và lớn gấp đôi loại cá hồi bình thường. Thế có nghĩa là rồi đây cá salmon Canada sẽ bự hơn, đẻ nhiều hơn, và sẽ tràn đầy thị trường quốc tế`. Nhưng việc biến đổi giống cá này chưa được thi hành ngay vì còn chờ sự cho phép của Bộ Y tế.

Đó là tin vui về cá hồi ở miền đông. Còn về miền tây, cá hồi cũng là một tin vui lớn. Không biết gia tộc cá hồi có thông tin cho nhau hay không, mà tự nhiên năm nay cá hồi tràn ngập miền tây Canada. Theo truyền thống, hàng năm cá hồi rủ nhau về sinh quán, cá từ vùng biển nước mặn bơi ngược vào dòng sông nước ngọt để sinh đẻ. Năm nay cá hồi hương rất nhiều, ngư dân bội thu. Xưa nay Canada xuất cảng cá hồi đi khắp thế giới. Đĩa cá hồi trên bàn ăn của các cụ dám là cá hồi Canada đó nha.

Chuyện cá hồi làm tôi đưa độc giả đi xa qúa rồi. Xin trở về tin sinh hoạt đầu thu. Ngoài tin tựu trường, tin nổi nhất là Ngày Chạy Bộ Terry Fox. Ở Canada, ai cũng biết Terry Fox. Đời anh là một trang sử đẹp vô cùng. Terry Fox sinh năm 1958 tại Winnipeg thuộc tỉnh bang Manitoba, miền trung Canada. Năm 18 tuổi, anh mắc bệnh ung thư xương. Anh phải cắt một ống chân, cắt lên qúa đầu gối. Khi nằm trong bệnh viện điều trị, anh nảy ra sang kiến sẽ chạy bộ dọc chiều ngang nước Canada từ đông sang tây, mục đích là đánh thức lương tâm toàn quốc về ung thư và gây qũy cho việc nghiên cứu và chữa trị. Anh đã lên đường, chạy khập khiễng với một chân thật một chân giả. Truyền hình truyền thanh và báo chí đã đưa cuộc chạy bộ của anh lên hang đầu và cập nhật luôn luôn. Sau 143 ngày, khi anh đã chạy bộ được 5.373 cây số, anh gục ngã vì bệnh ung thu đã lên tới phổi. Anh về miền Vĩnh Hằng ngày 28.6.1981 khi vừa tròn 22 tuổi xuân. Cả nước thương tiếc anh. Để ghi nhớ việc anh chạy bộ vì đại nghĩa, hàng năm, cứ vào trung tuần tháng Chín, các thành phố khắp cõi Canada đều tổ chức các cuộc chạy bộ mang tên ‘Terry Fox Run’. Tính đến nay, Quỹ Terry Fox đã gây được 400 triệu đô la cho viêc nghiên cứu.

Ngoài tin chạy bộ Terry Fox, tin Đức Lạt Lai Lạt Ma sẽ tới Toronto vào tháng 10 sắp tới đã được báo chí loan báo rầm rộ. Ngài sẽ tới đây để thuyết giảng về hai đề tài: Các phương thức nhân bản để xây dựng và gìn giữ hòa bình thế giới, và Tám bài kệ để chuyển hóa Tâm. Các buổi thuyết giảng này do Trung Tâm Văn Hóa Tây Tạng chi nhánh Canada tổ chức. Tôi thấy ai cũng mê Đức Phật Sống Tây Tạng này. Chỉ nguyên bộ mặt lúc nào cũng tươi cười, chỉ nguyên bộ y phục đơn giản và đôi dép cao su ngài mang đã đủ chinh phục toàn thế thính chúng. Ngài chỉ cho ta con đường đi tới hạnh phục. Tôi mê nhất cái tâm vô cùng tốt lành của ngài. Ngài không bao giờ có y thuyết giảng để mời gọi thính chúng bỏ đạo mình đang theo để chuyển sang đạo Phật Tây Tạng. Tôi nhớ mãi câu chuyện một thanh niên Do Thái đã cải sang đạo Công Giáo để mưu tìm hạnh phúc, nhưng anh vẫn chưa thấy hạnh phúc, anh chạy tới gặp ngài để xin tu theo Phật Giáo Tây Tạng. Ngài đã tươi cười bảo anh đừng cải đạo. anh hãy tiếp tục sống cho trọn vẹn đạo Chúa. Tuyệt vời qúa chứ. Xưa nay nào đã có đạo trưởng nào nói được như ngài!

Lại còn tin này khá độc đáo: Bà cụ già Hazel McCallion thị trưởng thành phố Mississauga sát ngay bên cạnh Toronto vừa tuyên bố sẽ ra ứng cử chức thị trưởng nhiệm kỳ thứ 12. Năm nay cụ sơ sơ mới 89 tuổi xanh. Rõ ràng cụ già mà vẫn nghĩ mình còn dư sức gánh vác việc nước. Rõ ràng thân lão mà tâm bất lão. Bà đã làm thị trưởng 11 nhiệm kỳ liên tục, điều hành một thành phố rộng 288 cây số vuông, dân số 730.000 trong đó có 10 ngàn người Việt. Thành phố lớn chứ có bé đâu. Bà thông minh sáng suốt, cần mẫn, và cứng rắn. Mỗi lần tái ứng cử thì bà chỉ ghi danh mà thôi, không bao giờ bà đi vận động. Thế mà dân chúng vẫn bầu cho bà. Bà sinh quán ở bang Quebec, rồi đến bang Ontario lập nghiệp. Bà lập gia đình và sống trên mảnh đất nhà chồng ở Mississauga. Và bà đã sống chết với quê nhà chồng trong bao nhiêu năm nay. Ở đây ai cũng gọi bà là ‘Bà Già Gân’, giống y chang Cụ Trần Văn Hương ngày xưa của Miền Nam. Cụ Hương khi làm đô trưởng Saigon không đi công xa mà đi xe đạp. Bà già này cũng gần giống như vậy, bà không dùng tài xế mà bà tự lái xe đến sở. Chuyện kể rằng cách đây 4 năm bà đã bị cảnh sát công lộ thổi còi phạt vì bà đã quẹo phải khi có đèn đỏ. Bà vui vẻ nộp phạt. Thấy bà đã 85 tuổi vàng, ngoài tiền phạt, cảnh sát thu hồi bằng lái, không cho bà lái xe nữa. Ai cũng bảo giá mà nước Canada này có nhiều bà già gân như vậy thì sẽ còn hay biết bao nhiêu nữa.

Tôi quên chưa khoe các cụ là đầu mùa thu này dân làng tôi họp nhau ở nhà ông ODP. Ông cũng muốn khoe cái lan can rộng lớn quay ra vườn rau của ông. Ông làm món tôm chiên bột để dân làng nhậu lai rai khai vị trong khi ông nấu món chính. Món chính phải ăn nóng. Đó là món cá xốt Tứ Xuyên. Chính tay ông làm lấy, trước mặt mọi người. Ông ướp cá với giấm, tương, xì dầu, chút tiêu, chút muối. Khi dân làng đã ăn xong món tôm chiên bột thì ông lấy cá vừa ướp ra, nhúng cá vào trứng gà rồi lăn qua bột năng, cho vào chảo dầu sôi, chiên cho vàng. Rồi bầy ra đĩa, đổ nước xốt đã làm sẵn với ớt xanh ớt đỏ và hành tây lên trên. Ui chao, đĩa cá xốt bốc khói ngùn ngụt, thơm làm sao. Mời các cụ xơi với cơm nóng. Ngon chứ, phải không ạ. Vừa ngon, vừa bổ, vừa lành.

Dân làng An Lạc của tôi ăn uống rất tận tình, không hề khách sáo. Ai cũng sung sướng và hể hả về bữa cơm toàn hải sản này. Ăn xong thì dân làng mới nói chuyện. Bữa nay chúng tôi ăn món cá Tứ Xuyên tức là ăn theo cái bếp của Tàu. Ông ODP chủ nhà vừa cười vừa nói: Mình ghét cái máu Đại Hán đầy tính xâm lăng của Tàu, nhưng mình không thể ghét cái bếp và cái nền văn chương chữ nghĩa của Tàu. Bếp Tàu có cái hay riêng của nó.

Cụ B.95 lên tiếng hỏi: Lão gốc nhà quê, xưa nay chỉ biết nấu món VN truyền thống, xin ông nói cho lão nghe bếp Tàu và bếp VN có khác nhau gì không. Câu hỏi này đã chạm tới mạch điện kiến thức của ông ODP. Ông nói ngay, dễ như lấy cái kẹo trong túi. Theo ông thì bếp ta ưa ăn rau tươi, rau sống, còn bếp Tàu thì không ăn rau sống bao giờ, bao giờ cũng nấu chín. Ta ưa dùng hành khô và xả, Tàu thì không. Ta ưa hầm, lửa liu riu, Tàu thì ưa xào, lửa to. Ta không ưa nhiều mỡ và bột sột sệt, Tàu thì xài nhiều mỡ và các chất làm cho món ăn trở nên sột sệt. Ta nêm bằng nước mắm, Tàu nêm bằng xì dầu. Ta có rất nhiều rau thơm như hành, ngò, xả, tía tô, kinh giới, Tàu dùng toàn những vị thuốc. Chính vì bếp ta dùng nhiều gia vị tươi như vậy nên món VN vừa ngon vừa thơm vừa lành. Năm 1987, Craig Clairborne nhà biên khảo về thức ăn nổi tiếng của báo The New York Times đã cho rằng các món ăn VN được xếp vào hạng các món ngon nhất thế giới. Trên đây tôi vừa nói là bếp Tàu ưa xào với lửa to. Thực ra nói như vậy chưa đúng. Người Tàu có rất nhiều cách nấu như hầm, nấu, ninh, xào, hấp, rang, luộc, om, nhúng. Điểm then chốt của bếp Tàu là họ chú ý tới ngọn lửa, lúc nào lửa to lúc nào lửa nhỏ. Vì đất Tàu rộng và Tàu có rất nhiều sắc tộc khác nhau nên cái bếp của Tàu cũng đa dạng, hương vị mỗi vùng mỗi khác. Đại loại thì người phương Nam thích vị ngọt, người phương Bắc thích vị mặn, Tứ Xuyên và Hồ Nam thích ăn cay, Sơn Đông thích ăn chua.

Cụ Chánh giơ tay xin nói: Lão vừa đọc trên báo là người Tàu có một món hầm rất ngon rất bổ, họ đặt tên là món ‘Phật Nhảy Tường’, cái tên này nghe vừa hỗn láo vừa xúc phạm, nhưng họ không có ý xấu đó. Họ chỉ cốt ý nói lên cái ngon vĩ đại của món này, nó ngon đến độ Đức Phật cũng không nhịn nổi nên Ngài cũng phải nhảy tường vào bếp nếm món ăn này. Tôi hỏi ông Lý Anh tác giả bài viết về các món ăn thì ông cho biết cái món ‘hỗn láo’ kia ghi trong các thực đơn là ‘Phật thìu xượng’ ( www.thoibao.com, section A, 3.9.2019 ).

Nghe hấp dẫn qúa. Dân làng tôi đang rủ nhau đi phố Tàu để nhậu món này.

Thấy khi bàn chuyện ăn uống thì mắt ai cũng sáng rực lên, Cụ Chánh liền căn dặn: Lão cũng vừa đọc trên báo là theo cuộc điều tra mới đây thì cứ 5 người Canada có một người béo phì, và bộ y tế đang tính tới chuyện giáo dục dân chúng về ăn uống. Bà con làng ta cũng nên để ý tới chuyện ăn uống nha. Lâu lâu nhậu một bữa thì được chứ ngày nào cũng đại tiệc thì nguy lắm đa.

Ông H.O. nghe tới chuyện béo phì thì có nhận xét này: Tôi đã quan sát việc béo phì này lâu rồi, và tôi nhận thấy liền ông mập phì khác liền bà. Liền ông thì mập phì mặt tiền, tức là cái bụng to như cái trống, còn liền bà thì mập phì mặt hậu, tức là mập phía sau, hai cái mông như hai cái thúng và hai bắp đùi trông như hai đùi voi.

Dân làng ai cũng gật gù cho rằng anh H.O. nói có lý. Chị Ba Biên Hòa phụ họa: Anh nói rất đúng. Liền ông gì mà bụng như cái trống, liền bà gì mà mông như cái thúng!

Và ông ODP tiếp tục bài thuyết trình chuyện thời sự. Trong các tin nóng bỏng thì tin Do Thái và Palestine gặp nhau bàn chuyện hoà bình là đáng chú ý nhất. Hai sắc dân này vì tổ tiên là cùng một cha nhưng khác mẹ nên hai bên đánh nhau chí chạp, chơi được nhau cú nào là chơi liền tay. Tình cờ mới đây tôi đọc được bài thơ, nghe thì tiếu lâm nhưng nó hay thấm thía. Bài thơ tiếu lâm‘chơi nhau’ như sau:

Ông Ả Rập vào tiệm Do Thái
Hỏi mua vài cái nịt ngực đen
Ông Do Thái mang nịt cho xem
Ông Ả Rập không thèm coi giá

Ông trả tiền rồi lấy tất cả
Bốn chục đồng một cái, khá cao!
Ông Ả Rập hôm sau lại vào
Hỏi xem còn nịt nào bán nữa

Ông Do Thái gặp được món bở
Liền hớn hở lên giá năm chục
Ông Ả Rập lục đục mang về
Ôm khệ nệ hai tay hai bó

Ông Ả Rập trở lại sau đó
Hỏi xem có nịt nữa bán không
Ông Do Thái bưng ra một chồng
Tăng gía bảy chục đồng một cái.

Bỗng tò mò ông Do Thái hỏi:
‘Ông làm gì với khối nịt này?’
Ông Ả Rập liền trả lời ngay:
‘Tôi cắt đôi thành hai cái nón

Bán cho người Do Thái từng món
Một trăm đồng một nón.
Lời chán !’


Dân làng nghe xong liền phá ra cười. Quả là hay, qủa là thâm. Tôi thấy bài thơ này trên mạng, không thấy tên tác giả. Người Do Thái mà hiểu được tiếng Việt và đọc được bài thơ này thì sẽ đi tìm tác giả làm thịt chứ không chơi. Các cụ có nghĩ như vậy không ?

Rồi anh John được yêu cầu kể chuyện cười khi học tiếng Việt. Anh này nhìn tôi cười rất ranh mãnh và nói: Đầu tiên xin cho tôi kể một tin rất đáng chú ý trong tháng này là Canada vừa chọn xong đại sứ mới cho VN. Đó là bà Deborah Chatsis, 48 tuổi. Bà này sinh quán tại bang British Columbia, tốt nghiệp luật khoa tại đaị học Ottawa và hậu đại học tại Harvard danh tiếng của Hoa Kỳ. Bà làm việc lâu năm trong ngành ngoại giao. Những việc này không có gì đáng nói vì làm ngoại giao thì phải thế. Điều đáng nói là bà này có gốc Da Đỏ The First Nations, và bây giờ làm đại sứ Canada ở Việt Nam. Mà theo nhóm ông Trà Lũ chủ trương thì người Da Đỏ ở Canada đều là con Mẹ Âu Cơ thời lập quốc, họ đã sang Canada cách đây mấy chục ngàn năm, từ đó suy ra: bà đại sứ này có gốc VN. Thật là tuyệt vời. Sao giống y chang chuyện ông tân Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở VN hiện nay, ông Lê Ân, người Mỹ có gốc VN. Ha ha, các cụ đã thấy trái đất này tròn chưa ?

Đó là chuyện thời sự người Canada gốc Da Đỏ làm đại sứ ở VN, tức là ở quê hương của chính tổ tiên mình. Bây giờ tôi xin nói về chuyện vui khi tôi học tiếng Việt. Tôi thấy cái lối nói lái trong tiếng Việt hay vô cùng, không nước nào có. Chuyện nói lái thì đầy trong sách. Gần đây tôi gặp chuyện này: Rằng một ông già kia có 3 người con trai tên Sơn, Hải và Nam. Chúng đã lớn. Đứa nào cũng xin ông chia gia tài để ra ở riêng nhưng ông không cho. Ông rất giàu, ông có rất nhiều vàng cất kỹ trong tủ. Một ngày kia ông bỗng dưng lăn ra chết, trên tay chỉ còn cầm một miếng giấy vẽ nguệch ngoạc một qủa đồi và một đường thẳng. Ông muốn để gia tài cho ai đây ? Không ai hiểu ý ông muốn nói gì. Các con ông đem việc này ra toà. Ông toà một người nổi tiếng thông thái đã tìm ra. Ông giải thích như sau: Cái đồi và đường thẳng tức là đồi thẳng. Đồi thẳng là đồi không cong. Đồi không cong tức là còng không đôi. Còng không đôi tức là còng không hai. Còng không hai tức là hài không cong. Hài không cong là hài thẳng. Hài thẳng là Thằng Hải. Vậy đứa con tên Hải được ông cho gia tài.

Dân làng nghe xong đều lắc đầu: sao mà câu chuyện lắt léo qúa vậy. Chắc ông quan tòa được ông già hiện về mách nước chứ tự nhiên mà trí khôn nghĩ ra được vậy sao.

Anh John trả lời: Thì thế, thế mới là giai thoại chứ, giai thoại nói lái để chọc cười mà. Nói lái đã có từ xưa, được ghi chép rõ ràng trong văn học, từ thời Trạng Quỳnh, Bai Giai Tú Xuất. Bây giờ tôi thấy một lối chọc cười khác, rất mới, rất phổ thông, đó là lối chơi chữ, lối định nghĩa ngộ nghĩnh. Chẳng hạn tôi vừa đọc bài này trên liên mạng điện toán, mang tiêu đề ‘Chuyện Dê’. Xin phép tác giả ẩn danh để mang ra trình làng:

gọi là Dương

Dê to lớn có quốc tịch Pháp gọi là Đại Tây Dương
Dê không thích đánh nhau gọi là Thái Bình Dương
Dê nghèo phải đi làm khổ sở là Dương cực
Lịch khoả thân gọi là Dương lịch
Hai con dê cao hứng gọi là Dương dương tự đắc
Dê đi nước ngoài gọi là Xuất dương
Cuộc đời của dê gọi là Dương thế
Dê không mặc áo gọi là Dương trần
Dê không ngay thẳng dọi là Dương gian
` Dê sung sức gọi là Cường dương
Dê ngồi xe lăn gọi là Liệt dương
Dê biển gọi là Hải dương
Tiếng kêu của dê gọi là Âm dương
Ăn thịt dê gọi là Hưởng dương
Dê đực gọi là Nam dương
Vàng bạc quý báu của dê là Dương châu
Dê hay đi du lịch gọi là Du dương
Dê thái giám gọi là Thái dương

Để dân làng cười thỏa thuê về chuyện Con Dê Dương xong, Ông ODP tiếp sức anh John trong mục thời sự. Ông xin kể chuyện nhà Văn Kim Dung vừa đậu Tiến Sĩ văn chương ở Đại Học Cambridge bên Anh. Nguời miền Nam chúng ta ai mà chả biết Kim Dung. Nói tới Kim Dung là nói tới chuyện Anh Hùng Xạ Điệu, Cô Gái Đồ Long,Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Đỉnh Ký... Ông là một thiên tài về chuyện kiếm hiệp. Ông viết không nhiều, chỉ có 14 tác phẩm mà thôi, nhưng tất cả đều đã làm say mê mọi người trên thế giới. Sách của ông đã được dịch sang nhuều thứ tiếng và được chuyển vào lãnh vực điện ảnh. Lãnh Hạ, nhà văn và nhà báo uy tín ở Hương Cảng đã đánh giá Kim Dung là tiểu thuyết gia kiếm hiệp sáng chói nhất trong 100 năm văn học Trung Hoa. Kim Dung được phong là giáo sư danh dự của nhiều đại học nổi tiếng. Ông được tặng nhiều huân chương ngoại quốc cao quý nhất, như Huân Chương OBE của vương quốc Anh, Bắc Đẩu Bội Tinh của Pháp. Ngày 22.6.2005 ông được Đại học Cambridge tặng học vị Tiến Sĩ Danh Dự...

Kim Dung đã lên tới tột đỉnh danh vọng. Nhưng ông đã không ở trên đỉnh danh vọng này. Ông còn đi một bước nữa làm mọi người phải kinh ngạc và kính phục. Đó là việc năm 2005, sau khi nhận bằng tiến sĩ danh dự của Cambridge tặng xong, ông đã ghi tên đi học thực sự để lấy bằng MA và PhD ở chính Cambridge. Khi báo chí phỏng vấn tại sao ông cắp sách đi học khi đã 81 tuổi và sau khi đã được tặng bằng Tiến Sĩ, Kim Dung trả lời: « Cái tôi muốn không phải là học vị, mà là kiến thức ». Sau 5 năm cặm cụi học hành, tháng 7. 2010 vừa qua, ông đã đậu bằng tiến sĩ thực sự. Các cụ đã phục cụ Dr. Kim Dung chưa ?

Cụ Chánh xin góp thêm ý: Con người ta quả là có số mệnh. Năm 1950, Ông Kim Dung, 26 tuổi, muốn đi làm cho bộ ngoại giao nhưng bộ ngoại giao từ chối. Ông chỉ xin được việc làm nơi thư viện. Và vì gần rừng sách nên chữ nghĩa đã thấm vào người ông, đã biến ông thành một nhà văn sáng chói. Chứ nếu hồi đó ông mà được nhận vào bộ ngoại giao thì bây giờ ông chỉ là một nhân viên ngoại giao già mà thôi. Cũng như bà J.K.Rowling tác giả bộ truyện phù thủy Harry Potter nổi tiếng, ban đầu chỉ là một bà mẹ độc thân nghèo túng, ai ngờ chữ nghĩa đã đưa bà lên đài danh vọng cùng với một núi tiền.

À, mà thôi. Tôi mải nói chuyện văn chương chữ nghĩa mà quên chưa kể hết chuyện tháng Chín. Sau tuần lễ tựu trường là đến Tết Trung Thu. Người Canada da trắng không ăn tết này, còn người Việt phe ta thì mừng rất trọng thể. Tại Toronto, Hội Phụ Nữ VN đã tổ chức Tết Trung Thu cho các em rất thành công vào chiều ngày 25.9.2010. Ai cũng cảm thấy lòng vui rộn rã khi nghe các em hát những bài đã thành truyền thống:

- Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, Em rước đèn đi khắp phố phường, Lòng vui

sướng với đèn trong tay, Em múa ca trong ánh trăng rằm... (Rước đèn tháng Tám / Vân Thanh)


- Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ..( Chú Cuội / Lê Thương).

Riêng tôi, tiếng trống múa lân ‘ tùng cà rùng tùng xoèng ‘ đã làm tôi nhớ thương quê hương Việt Nam vô cùng.