Thái Bình, ngày 14/10/2010 các cha đang làm mục vụ trong giáo phận đã trở về Toà giám mục tham dự buổi tĩnh tâm tháng.

Mặc dù thời tiết mưa gió và công việc bận mải tại các giáo xứ, nhưng các cha thu xếp để về tham dự đông đủ, các cha đã đặt việc tĩnh tâm là điều trên hết và quan trọng, vì sau những ngày làm việc mục vụ các ngài cũng cần có thời gian nghỉ ngơi bên Chúa và gặp gỡ bề trên giáo phận cũng như anh em linh mục đoàn.

Đúng 8g00 Đức cha khai mạc và nói lên tâm tình của ngày tĩnh tâm, sau đó cha giảng phòng –Gioan Baotixita Đỗ Bá Dương, quản hạt Hưng Yên, chia sẻ về chủ đề tĩnh tâm tháng 10: “LINH MỤC VÀ NĂM THÁNH”. Ngài khai mở khía cạnh: LINH MỤC LÀ “CẦU NỐI” GIỮA TRỜI VÀ ĐẤT:

“Trong năm thánh linh mục vừa qua có nhiều đề tài viết về ơn gọi, thiên chức và con người linh mục giúp mọi người hiểu biết hơn về nhiều khía cạnh xung quanh người linh mục. Đây là dịp thuận tiện để các linh mục tái khám phá căn tính ơn gọi và đời sống linh mục nhằm hiệu chỉnh và sống đúng với ơn gọi ấy.

Trong giới hạn của mình, xin chia sẻ một ý nhỏ: linh mục là “cầu nối” giữa trời và đất. Nói cách khác, linh mục là “cầu nối” giữa Thiên Chúa và con người. Qua “cầu nối” này Thiên Chúa biểu lộ tình yêu của Ngài đối với con người tội lỗi, và cũng qua “cầu nối” này con người có thể gặp được Thiên Chúa trong tâm hồn.

Vì yêu thương nhân loại, Thiên Chúa đã tự tìm đến cứu giúp con người. Ngài có ý tưởng thiết lập “cầu nối” với con người. Ý tưởng hay kế hoạch đó, Thiên Chúa đã tỏ cho Giacob trong giấc chiêm bao: “ Chiếc thang cấp, dựng trên đất, nhưng đỉnh thấu trời, và có những thần khí của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên đó” ( St 28,12). Các thánh giáo phụ cho rằng: “ cái thang” ám chỉ con Thiên Chúa xuống thế làm người và là “cầu nối” trời và đất. Thiên Chúa là “kỹ sư” thiết kế và thi công “cầu nối” đó nơi Người Con Duy Nhất là Đức Giêsu Ki-Tô.

Chính Thiên Chúa cũng khẳng định điều này khi nói chuyện với ông Nathanaen: “Ông sẽ thấy trời mới mở ra và các thiên thần của Thiên Chúa lên xuống trên con Người” (Ga 1, 51). Qua cái chết và sự phục sinh, Chúa Giêsu đã trở nên Đấng Trung Gian duy nhất và là nguồn mạch ân sủng để Thiên Chúa cứu độ con người và con người ngụp lặn trong đại dương yêu thương của Thiên Chúa.

Để tiếp tục chuyển ban ân sủng cho nhân loại, Chúa Giêsu đã thông chia chức linh mục của Người cho các Tông Đồ trong bữa Tiệc Ly. Qua Bí Tích Truyền Chức, một số người được chia sẻ chức linh mục thừa tác của Chúa Giêsu Ki-Tô và trở nên “Alter Christus” ( Chúa Ki-Tô thứ hai).

Khi các Linh mục thi hành 3 sứ vụ: Tư Tế, Tiên Tri và Vương Đế, sẽ trở nên đại diện của Chúa Ki-Tô, và là “cầu nối” giữa Thiên Chúa và con người.

Người Linh mục có thực sự trở nên mối dây liên kết giữa Thiên Chúa và con người? Hệ tại ở đời sống và mọi hoạt động của người Linh mục có liên kết VỚI Đức Ki-tô, TRONG Đức Ki-Tô và VÌ Đức Ki-Tô hay không?

Không sống với Đức Kitô, cuộc sống của người linh mục sẽ tẻ nhạt, buồn chán và dễ mất phương hướng. Mọi hoạt động của người linh mục kể cả những việc thánh thiện đạo đức nếu không có tâm tình liên kết với Đức Kitô thì chẳng khác nào: “Thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng” (1Cr 13,1) mà Thánh Phaolô đã cảnh báo. Không gắn kết với Đức Kitô bằng đời sống cầu nguyện và Bí Tích Thánh Thể, chúng ta dễ tìm điểm tựa nơi Danh, Lợi và Thú. Lẽ dĩ nhiễn như Chúa nói: Cành nho nào không liên kết với cây nho, chỉ sinh nho dại (Ga 15,15).

Bên cạnh đó, trong Chúa Kitô, chúng ta không sợ đi sai đường vì chính người đã khẳng định: “Thầy là đường là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Trong đời sống mục vụ của người linh mục, nhiều khi quá hăng say nhiệt tình với công việc tông đồ đến độ mệt mỏi, lòng vẫn vui và tự nhủ: “Công việc nhà Chúa làm hao mòn thân tôi” (Tv 69,10). Không hoạt động trong Chúa Kitô, có khi chúng ta lại đang làm hại Người và Giáo Hội như tình trạng của Thánh Phaolô trước khi ngã ngựa trên đường Đamat. Sống và hoạt động trong Đức Kitô, người linh mục mới mở lòng ra cảm thông và gần gũi với người nghèo, người tội lỗi, kẻ nghiện ngập và những người đau khổ hay kém may mắn.

Hơn thế nữa, người linh mục cũng phải can đảm xác tín như Thánh Phaolô: “Vì Người, tôi đành mất hết và tôi coi tất cả như rác để được Đức Kitô và kết hợp với Người” (Pl 3,8). Không vì Chúa Giêsu Kitô, chúng ta dễ chạy theo cái tôi, dễ tính toán thiệt hơn và thường lựa việc làm và chọn người để phục vụ. Như thế linh mục sẽ không còn phụ thuộc về mọi người, và không còn là “ Cầu Nối” giữa Thiên Chúa với nhân loại.

Sau cùng, để linh mục trở thành chiếc “Cầu Nối” giúp mọi người tìm thấy mình và ơn gọi của mình trong tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta cũng biết chạy đến với Đức Maria, là Mẹ Đức Kitô, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ các linh mục. Qua tràng chuỗi Mân Côi, Mẹ sẽ dạy chúng ta kết nối mọi dân tộc thành nhân loại với Đức Kitô, con yêu dấu của Mẹ.

Ước chi mỗi giây phút trong đời sống, mọi tư tưởng và hành động của các linh mục luôn liên kết với Đức Kitô, trong Đức Kitô và vì Đức Kitô sẽ trở thành “ Cầu Nối” dẫn lối mọi dân tộc tìm về cội nguồn Chân Thiên Mỹ, và tung hô Chúa là Cha. Amen”.


Sau đó chầu Thánh Thể, các cha có thời gian hồi tâm và cùng hiệp dâng thánh lễ đồng tế với Đức giám mục. Trong bài giảng Đức cha nói lên tâm tình của ngài khi về giáo phận Thái Bình, ngài đã đi thăm gần hết các giáo xứ trong giáo phận. Ngài cảm động thấy có những cha mặc dù tuổi tác và sức khoẻ bệnh tật, nhưng các ngài vẫn âm thầm hy sinh phục vụ không biết mỏi mệt. Đồng thời ngài cũng thấy sự khao khát mong mỏi của giáo dân có nhiều linh mục phục vụ đoàn chiên. Đức cha khích lệ động viên các cha và xin Chúa ban ơn cho các cha. Đặc biệt ngài nhấn mạnh việc truyền thông trong thời đại ngày nay. Nó như con dao hai lưỡi, mặt tốt giúp cho việc loan bao Tin Mừng, nhưng nếu dùng để phê phán, xuyên tạc thì thật là nguy hiểm. Vì thế các linh mục phải cảnh tỉnh trước dư luận, trước thông tin cần cân nhắc và đối chiếu Tin Mừng của Chúa để đón nhận hay truyền đạt.

Buổi chiều cùng ngày, có hai giờ hội thảo mục vụ do Đức cha giáo phận chủ sự. Với những thông tin và trả lời những thắc mắc mục vụ các cha gặp trong các môi trường giáo xứ. Các cha đặc trách các ban ngành cũng báo cáo về hoạt động của ban, như ban Caritas, ban loan báo Tin Mừng…

4g30 kết thúc buổi tĩnh tâm, các cha ra về mang theo tinh thần và lòng nhiệt thành tông đồ của Chúa Kitô tiếp tục phục vụ trong các giáo xứ giáo họ.