Phỏng vấn ông Shabhaz Bhatti, Bộ trưởng đặc trách các tôn giáo thiểu số Pakistan về luật phạm thượng chống Hồi giáo

Sáng thứ tư 17 tháng 11 vừa qua Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã kêu gọi trả tự do cho bà Asia Bibi, một tín hữu công giáo Pakistan bị kết án tử hình oan ức vì tội gọi là ”phạm thượng chống Hồi giáo”. Ngỏ lời với 30.000 tín hữu vào cuối buổi tiếp kiến chung tai quảng trường Thánh Phêrô Đức Thánh Cha nói: ”Trong những ngày này, cộng đồng quốc tế rất lo âu theo dõi tình trạng khó khăn của các tín hữu kitô tại Pakistan. Họ thường là nạn nhân của bạo lực hoặc kỳ thị. Đặc biệt hôm nay, tôi bầy tỏ sự gần gũi tinh thần của tôi với bà Asia Bibi và thân nhân của bà, đồng thời tôi kêu gọi trả tự do hoàn toàn cho bà càng sớm càng tốt. Ngoài ra, tôi cũng cầu nguyện cho những người ở trong tình trạng tương tự, để nhân phẩm và các quyền căn bản của họ được hoàn toàn tôn trọng”.

Bà Asia Bibi, 37 tuổi, mẹ của hai người con, đang bị giam từ năm ngoái tới nay và là phụ nữ đầu tiên tại Pakistan bị toà kết án tử hình về tội gọi là ”phạm thượng chống Hồi giáo”. Trong phiên xử ngày 11 tháng 11 vừa qua các thẩm phán của tòa án tại Punjab cho rằng bà Bibi đã xúc phạm tới ngôn sứ Mahomed trong một cuộc tranh luận với các đồng nghiệp. Thật ra, bà đã chỉ trả lời cho vài đồng nghiệp cho rằng bà là người vô đạo, bất tín và yêu cầu bà bỏ Kitô giáo. Vì câu trả lời đó bà Bibi đã bị các phụ nữ Hồi đánh đập và tố cáo với cảnh sát ở làng Ittanwali thuộc bang Punjab. Thế là bà Bibi bị bắt với lời cáo gian là phạm thượng chống Hồi giáo, và bị kết án tử hình.

Luật phạm thượng chống Hồi giáo đã do nhà độc tài, tướng Mohammad Zia ul-Haq đưa ra hồi năm 1986 để lôi kéo sự ủng hộ của tín hữu hồi. Điều B của khoản 295 liên quan tới các xúc phạm tới Kinh Coran, có thể bị phạt tù chung thân, trong khi điều C đưa ra án tử hình hay tù chung thân cho những ai thiếu kính trọng đối với ngôn sứ Mohammed. Nhưng luật này thường bị các tín hồi Pakistan lạm dụng như vũ khí chống lại các kẻ thù nghịch họ, hay các chính khách đối lập và các nhóm tôn giáo thiểu số. Tổng thống Musharraf đã không thành công trong việc tu chính luật phạm thượng này để ngăn chặn các lạm dụng bất công trên đây, vì sự chống đối của các lãnh tụ hồi cuồng tín. Theo một phúc trình mới đây của Hội Đồng Giám Mục Pakistan, từ năm 1986 tới năm 2009 vừa qua đã có 964 người bị kết án vì tội phạm thượng, trong đó có 119 tín hữu kitô.

Ngày 12 tháng 11 vừa qua Đức Cha Bernard Shaw, Giám Mục giáo phận Lahore, bao gồm làng Ittanwali, đã trực tiếp thỉnh cầu Đức Thánh Cha Biển Đức XVI lên tiếng về vụ này. Đức Cha cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng để cứu sống một người vô tội, và ngài cũng kệu gọi mọi phụ nữ Pakistan: ”Chúng tôi cũng nói với tất cả mọi phụ nữ toàn nước Pakistan: bà Asia cũng là một bà mẹ như tất cả chị em, hãy bênh vực bà ấy, đừng để cho các con của bà ấy phải mồ côi”. Đức Cha hy vọng các tổ chức kitô và hồi giáo cộng tác với nhau cho hòa bình hòa hợp chống lại thứ tôn giáo cuồng tín này.

Đức Cha Rufin Anthony, Giám Mục giáo phận Islamabad-Rawalpindi, thì bình luận rằng: ”Án tử hình đưa ra cho bà Asia Bibi thật là một điều xấu hổ. Luật phạm thượng bị lạm dụng và lèo lái với các lý do đê tiện. Đã đến lúc phải hủy bỏ luật này đi để cho Pakistan là một quốc gia tân tiến”. Một phụ nữ sống trong làng Ittanwali cho biết bầu khí trong làng không lành mạnh, người dân đầy ác ý, ganh ghét tỵ hiềm, không cảm tình và tàn ác.

Đức Cha Joseph Coutts, Giám Mục Faisalabad, Chủ tịch Caritas Pakistan khẳng định: ”Khi yêu cầu hủy bỏ luật phạm thượng, chúng tôi không có các cứ chỉ xúc phạm tới ngôn sứ Mohammed, nhưng chúng tôi than phiền việc áp dụng nó để triệt hạ một kẻ thù bằng cách vu khống họ phạm thượng. Luật này bị lạm dụng vì không dự trù có các bằng chứng, mà chỉ cần một chứng từ hay lời tố cáo để buộc tội kẻ khác là đủ. Giáo Hội Công Giáo cương quyết can đảm bênh đỡ gia đình bà Asia Bibi và tất cả nhữn gai bị luật này kết án oan ức”.

Ông Salmaan Taseer, thống đốc bang Punjab, nói ”Việc kết án tử hinh bà Bibi là một đều gây hổ nhục cho toàn nước Pakistan. Luật phạm thượng là một tàn dư của chế độ quân phiệt của tướng Zia ul-Haq và ngày nay nó được dùng để bách hại các tín hữu kitô”. Ông bảo đảm để việc xử tử không được thi hành trong khi chờ phán quyết của tòa Thượng Thẩm.

Ông Mehdi Hassan, chủ tịch Ủy Ban bảo vệ nhân quyền Pakistan, tuyên bố rằng: ”Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì cần thiết để lật ngược bản án từ Tòa thượng thẩm Lahore. Vì nó là một lạm dụng luật phạm thượng để gây thiệt hại cho các nhóm tôn giáo thiểu số và là một thí dụ điển hình của các vu vi phạm trắng trợn quyền con người”.

Ông Peter Jacob, thư ký Ủy ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Pakistan, định nghĩa vụ kết án tử hình bà Asia Bibi là ”một xúc phạm phỉ nhổ vào phẩm giá con người và sự thật”. Ông khẳng định rằng tín hữu công giáo toàn nước Pakistan sẽ làm mọi sự có thể để lật ngược bản án này trên Tòa Thượng Thẩm Lahore.

Luật sư người hồi Aslam Khali đã tình nguyện bào chữa cho bà Asia Bibi và đề nghị kháng án lên Tòa án Lahore, đòi phía nguyên cáo phải đưa ra các bằng chứng cụ thể, cũng như lên Tòa án liên bang Sharia, vì ”chính huật hồi giáo nghiêm cấm kết án tử hình phụ nữ và các người không phải là tín hữu hồi giáo”.

Tại nhiều nơi trên thế giới các vị lãnh đạo tôn giáo và chính trị xã hội cũng như nhiều tổ chức nhân quyền, đã lên tiếng bênh vực bà Asia Bibi, phát động ngày cầu nguyện và xin chữ ký để tranh đấu cho bà được tự do.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Shabhaz Bhatti, Bộ trưởng đặc trách các tôn giáo thiểu số Pakistan, về luật phạm thượng chống Hồi giáo. Ông Shabhaz Bhatti là tín hữu công giáo đầu tiên được chọn làm thành viên của chính quyền Pakistan.

Hỏi: Thưa ông Bộ trưởng, tình hình an ninh tại Pakistan hiện nay ra sao, sau khi xảy ra vụ khủng bố tại Karachi?

Đáp: Trong thời gian qua, tình trạng báo động càng lúc càng gia tăng và tình hình rất đáng lo ngại. Các người Taliban và lực lượng Al Qaeda muốn tiếp tục khủng bố để phá hủy nền dân chủ và hòa bình tại Pakistan.

Quân đội, các cơ cấu dân sự, và các nơi công cộng như các đền thờ Hòi giáo và các nhà thờ kitô cũng như các trung tâm thờ tự khác trở thành các mục tiêu tấn công khủng bố của họ. Các lực lượng khủng bố này theo đuổi một chương trình ma qủy là khủng bố và tấn công khắp mọi nơi để khuynh đảo tình hình an ninh quốc gia và các cơ cấu của nó. Cách đây ít ngày, họ đã khủng bố thành phố Lahore, rồi Karachi. Thách đố họ đưa ra rõ ràng và chúng tôi đang chứng kiến cảnh bạo lực khủng bố kinh hoàng leo thang. Không có thành phố nào, kể cả thủ đô, được coi là an toàn cả. Cả khi chúng không được sự đồng ý của người dân đang phải sống trong các vùng lụt lội, chúng cũng có thể gây ra cảnh khủng bố giữa các nạn nhân thiên tai đang phải sống trong sự tuyệt vọng. Nhưng chính quyền và quân đội sẽ biết bảo vệ nền dân chủ trong nước.

Hỏi: Như thế có nghĩa là từ nay trở đi các tín hữu kitô tại Pakistan sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn hay sao thưa ông Bộ trưởng?

Đáp: Vâng, đúng thế. Các kitô hữu đã luôn luôn là đối tượng của lời rao giảng thù nghịch của tổ chức Al Qaeda, vì lực lượng này muốn đuổi kitô hữu ra khỏi nước, như đang xảy ra trong vùng Trung Đông. Tôi xin lập lai, trong lúc này đây, không có ai có thể cảm thấy mình được an ninh cả. Nhưng các nhóm tôn giáo thiểu số là mục tiêu có thể của phong trào khủng bố.

Hỏi: Đề cập đến vấn đề kỳ thị tôn giáo, ngày 12 tháng 11 vừa qua các Giám Muc đã lại một lần nữa yêu cầu chính quyền hủy bỏ luật phạm thượng. Ông Bộ trưởng đã lập đi lập lại rằng chính quyền sẽ làm điều đó. Vậy đã đến lúc hủy bỏ luật này chư thưa ông?

Đáp: Phải loại bỏ luật này, bởi vì nó phản hiến pháp. Tôi cũng như tổng thống và thủ tưởng Pakistan đều dấn thân để hủy bỏ luật này. Và trong các giờ phút này, tôi ghi nhận một điều mới mẻ quan trọng: đó là dấn thân của ngoại trưởng Qureshi trước ngoại trường Franco Frattini của Italia trong nỗ lực canh chừng để ngăn ngừa các lạm dụng và sử dụng luật phạm thượng này để chống lại các tín hữu tôn giáo thiểu số. Ngoại trường Frattini đã có công mạnh mẽ khẳng định sự tự do tôn giáo.

Hỏi: Ông Peter Jacob, thư ký Ủy ban Công Lý và Hòa Bình của Hội Đồng Giám Mục Pakistan, đã tuyên bố rằng trong các tháng qua đã có ít nhất 5 trường hợp tương tự như trường hợp của bà Asia Bibi bị vu khống và bị kết án tử hình vì phạm thượng, có đúng thế không, thưa ông Bộ trưởng?

Đáp: Thường khi các lời tố cáo đều gian dối. Liên quan tới trường hợp của bà Asia Bibi, tôi đã cho thành lập một ủy ban điều tra và Tòa Thượng Thẩm, nơi người ta sẽ thảo luận việc kháng án, đã không xác nhận án tử hình. Nhưng mà cả khi bà Asia Bibi có được tha bổng và trả tự do đi nữa, thì sự kỳ thị chống lại bà vẫn không chấm dứt, và bà sẽ phải rời bỏ làng quê của mình, nếu không sẽ có nguy cơ bị các người hồi cuồng tín giết chết. Và đây lại là một lý đo khác nữa để hủy bỏ luật phạm thượng của Pakistan.

(Avvenire 13-11-2010)