LM. Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế: tự do tôn giáo ở Việt Nam là căn bản của mọi quyền

Trả lời phỏng vấn của hãng tin AsiaNews, cha Thành nói về dấn thân của Dòng Chúa Cứu Thế cho công cuộc truyền giáo, giúp đỡ người nghèo và người khuyết tật, giáo dục trẻ em để xây dựng hòa bình trong công lý và sự thật.

Sài Gòn – Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Asianews, cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành cho hay: "Một số cộng đoàn đã mời tôi đến cử hành Thánh Lễ, nhưng cơ quan công quyền đã không cho phép và thậm chí một số thành viên của Hội Đồng Giám Mục nhìn tôi như thể tôi là một 'người hủi'. Cha là Bề trên Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế, một dòng tu hiện diện ở Việt Nam kể từ năm 1924, đây là dòng kết hợp việc công bố Tin Mừng và bảo vệ nhân quyền, nhất là quyền tự do tôn giáo.

Luôn mạnh mẽ dấn thân truyền giáo, tỉnh dòng hiện nay làm mọi việc tốt nhất để duy trì và phát triển các hoạt động truyền giáo ở những nơi dòng đã hiện diện trước khi thống nhất đất nước vào năm 1975. Đặc biệt, kể từ những năm 90, họ đã tổ chức các hoạt động mục vụ, xã hội và bác ái ở huyện Cần Giờ, một khu vực nghèo khổ và bị lãng quên của Sài Gòn.

Dòng Chúa Cứu Thế đã hiện diện ở đó từ năm 1991. Họ đã tạo ra một nơi để chăm sóc y tế miễn phí bằng cách phối hợp với Hội Hồng Thập Tự địa phương. Các tu sĩ chăm sóc cho trẻ mồ côi, người già và trẻ em bị bỏ rơi. Trường học cho người tàn tật đã được thiết lập vào năm 1992 và hàng trăm trẻ em đã được chăm sóc và giúp đỡ ở các trung tâm cứu tế dựa trên các nguyên tắc của cộng đồng.

Ở những nơi khác, hàng trăm trẻ em và người trẻ khó khăn đã được đến trường để học chữ hay học nghề trong các cộng đồng nghèo như Cần Giờ, An Nghĩa, An Thới Đông ở huyện Cần Giờ. Hoạt động truyền giáo cũng diễn ra ở Hà Nội, Sài Gòn và Tây Nguyên đối với người dân tộc thiểu số. "Linh mục già làng" Tín (cha Tín) và các tu sĩ của dòng đã làm việc tại Pleiku với phần đông dân cư và đã rửa tội cho hàng ngàn người.

Cha Thành cho hay: "Họ làm việc vì lợi ích của tất cả mọi người, họ cầu nguyện và sống để phục vụ Tin Mừng, để mời gọi hòa giải giữa các nhóm xã hội, tôn trọng công lý và sự thật".

Cha cho biết thêm: "Tôi sống và tôi cống hiến sự phục vụ cho các tín hữu theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Chúng tôi đang cố gắng tiến lên phía trước trong một môi trường khó khăn để xây dựng hòa bình, tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo. Vì vậy, hôm nay tôi quyết định trò chuyện với AsiaNews về những ưu tư của tôi. Điều làm tôi đau đớn là bị phân biệt đối xử, nhưng tôi vẫn đặt niềm tin vào Thiên Chúa và Giáo Hội, để phục vụ anh em và chị em của tôi".

"Tôi là thư ký của Ủy ban Nghệ thuật Thánh của Hội đồng Giám Mục và tôi tham gia vào việc xây dựng Đền Thánh Mẫu Toàn Quốc La Vang. Tôi chứng kiến cách mà hàng trăm ngàn người, Công Giáo và không Công Giáo đến với Đức Mẹ La Vang để tìm sự giúp đỡ về sức khỏe, hạnh phúc, gia đình, giáo dục trẻ em, thanh bình và an ninh trong đời sống của họ, họ tìm kiếm sự giúp đỡ vật chất và tinh thần. Việc xây dựng bắt đầu vào dịp kết thúc Năm Thánh, ngày 6 tháng 1, là năm tổ chức kỷ niệm 350 Giáo Hội tại Việt Nam và kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam".

Cuối cùng cha Thành nói về sứ điệp của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cho Ngày Thế Giới Hòa Bình: "Tự do tôn giáo không chỉ là gia sản của các tín hữu, nhưng là của toàn thể gia đình nhân loại. Nó là yếu tố cần thiết cho một nhà nước dân chủ: nó không thể bị khước từ mà không vi phạm cả về các quyền và sự tự do, bởi vì nó là tổng thể và nền tảng của chúng. Đây là phép thử cho sự phù hợp với tất cả các quyền con người khác. Trong khi nó thúc đẩy thực hiện mọi khả năng của con người chúng ta, nó tạo ra các điều kiện cần thiết cho thành tựu phát triển toàn diện có thể minh chứng được, có ảnh hưởng đến toàn bộ con người trong toàn bộ chiều kích duy nhất của mình".