Lễ Xuân Tân Mão

Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể GXVN Paris


Chúa nhật 20.02.2011: Đoàn Kytô Vua, Thiếu Nhi Thánh Thể GXVN Paris đã cùng Cộng Đoàn cử hành Thánh Lễ Đầu Xuân Tân Mão, khai mạc cho năm sinh nhật thứ 25 thành lập đoàn (1986-2011).

Trong một nhà nguyện được nới rộng với phòng khánh tiết, cả ngàn thiếu nhi và phụ huynh đã chen chật, ngồi đầy. Mọi người đều hướng về bàn thờ. Một con lân to thật to, tiến ra, nhảy múa, rồi bái phục trước bàn thờ. Một phút im lặng trang nghiêm. Ca đoàn thiếu nhi theo tiếng nhạc vĩ cầm, hát ca nhập lễ mừng xuân: « Vườn địa đàng có nụ là nụ tầm xuân, nở ra óng ả (í a) ven trời reo vui. Nói a lên tình là tình yêu Chúa Trời dựng nên chúng sinh muôn loài, để thông phần hạnh phúc với Người ». Hòa theo nhịp ca, đoàn lễ rước cha chủ tế, hai cha đồng tế và thầy phó tế tiến lên bàn thờ.

Xem hình Lễ Xuân Tân Mão

Ca nhập lễ chấm dứt, tiến ra máy vi âm, cha Tuyên Úy chủ tế nhắc cho các em và cộng đoàn về ý chỉ cầu nguyện của Thánh Lễ Đầu Xuân, đặc biệt cầu nguyện cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Ngài nhắc đến lời ca nhập lễ ngày mồng hai tết:

« Con ơi giữ lấy lời cha
Chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm
Đèn soi trong chốn tối tăm
Ấy là chính những lời răn lệnh truyền.
Nhớ cầu cho bậc tổ tiên
Khắc ghi công đức, một niềm tri ân.


Sau phúc âm, thầy phó tế PHẠM BÁ NHA chia sẻ Lời Chúa. Với chủ đề « Xem quả biết cây », thầy Nha nhắc lại lịch sử 25 năm của Đoàn Kytô Vua, Thiếu Nhi Thánh Thể, được thành lập năm 1986, đi vào hai ý tưởng chính: « Đoàn TNTT đã gieo giống và trồng cây ». và « Thời gian sau thiếu nhi, các gia đình phải tiếp tay vun trồng ».

1.- 25 năm, Đoàn THTT đã gieo giống và trồng cây

Tết Tân Mão năm nay là lần thứ 25 các thành phần của Đoàn Kytô Vua về đây ăn tết chung với nhau. Đây cũng là dịp để đoàn khai mạc năm sinh nhật thứ 25 thành lập đoàn. Mỗi năm mỗi khác, theo nhịp các tiến bộ kỹ thuật và xã hội. Nhưng mỗi năm, thấy con cháu khôn ngoan hơn, hiền hạnh hơn, hiếu thảo hơn, đạo đức hơn, có cha mẹ nào, có ông bà nào mà không vui lòng, hả dạ ?

1986, 25 năm trước đây, chiều thứ bảy đầu tháng 09, hôm ấy là ngày khai giảng niên học mới, niên học 1986-1987, nhưng khác với những ngày khai giảng trước và sau. Vì hôm ấy là ngày khai sinh Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể tại GXVN Paris, với việc thành lập Đoàn Kytô Vua. Sân giáo xứ ở Boissonnade, dẫu đã được Ban Thường Vụ khai công, nới rộng và làm sạch, vẫn nhỏ, nhưng cũng đủ chứa cả trăm người, thiếu nhi và cha mẹ, vừa là tiên khởi, vừa là thành phần sáng lập phong trào ở giáo xứ. Lần đầu tiên đeo khăn quàng, nhiều em ngơ ngác, ngộ nghĩnh. Nhưng có khăn quàng, xếp hàng, các em đã bắt đầu cảm thấy có một cái gì khang khác. Khác ở chổ nào, các em chưa nhận ra rõ rệt, nhưng mơ huyền, như mình là ấu nhi, là thiếu nhi, là nghĩa sĩ, là lính của Chúa Kytô Vua. Dưới cái lều vải to che nắng mưa, lòng các em và tâm tình các phụ huynh thấy lâng lâng, vui vui, nhất là lúc cùng nhau nhìn lên bàn thờ, đặt trên sân khấu, cuối sân, để dâng lễ.

1996, 10 năm sau ngày thành lập, số các em ghi tên học tiếng việt, học giáo lý và nhập đoàn càng ngày càng đông. Ban Giám Đốc và HĐMV ra công gắng sức, đã xây được một nhà giáo lý, dọc theo hàng rào, cho các em.

1998, Giáo xứ, nhờ sự vận động của BGĐ và BTV-HĐMV, đã được Đức Hồng Y Lustinger, tổng giám mục Paris, cho phép xử dụng một cơ sở mới, rộng hơn cơ sở cũ nhiều lần, lại có nhiều phòng, có thể xử dụng như những lớp học. Ở cơ sở mới này, số 38, rue des Epinettes, quận 17, các em thiếu nhi là những người ưu tiên. Nhờ cơ sở rộng rãi hơn, số các em đến giáo xứ mỗi chiều thứ bảy có phần tăng thêm.

2011, hiện nay, trung bình, ở cơ sở mới này, hàng năm có trên 200 em chuẩn bị ấu, ấu, thiếu và nghĩa sĩ, dành cả chiều thứ bảy, từ 15 giờ đến 19 giờ, đến họp mặt tại giáo xứ. Chương trình xoay quanh 4 sinh hoạt chính:

• Các lớp tiếng việt: từ chưa biết gì về tiếng mẹ đẻ, dần dần các em đã biết gọi được tên mẹ, tên cha, tên ông bà, biết chào hỏi, biết đọc, biết viết tiếng việt,…
• Sinh hoạt hội đoàn: từ nhút nhát, e thẹn, các em đã mạnh dạn trong hàng ngũ, múa vũ, hát ca, diễn kịch,. .trước đám đông. Lát nữa, trong phần Văn Nghệ Xuân, chúng ta sẽ được chứng kiến tận mắt khả năng ngôn ngữ tiếng việt và khả năng diễn xuất của các em trước công chúng.
• Các lớp giáo lý: từ chưa biết làm dấu, chưa thuộc kinh lậy cha, kinh kính mừng,. .vài ba năm sau, con cháu chúng ta đã biết và được xưng tội, rước lễ, lãnh phép thêm sức,…niềm vui nào cao hơn cho các cha mẹ công giáo ?
• Tham dự thánh lễ: từ chưa hiểu gì về đạo, con cháu chúng ta đã dần dà hiểu được rằng Thánh Lễ là trung tâm đời sống đạo, diễn lại Hy Tế của Đấng Cứu Thế, diễn lại cuộc tử nạn của Đấng Cứu Chuộc, diễn lại bữa tiệc ly, Chúa lập Phép Thánh Thể và chức Linh Mục,… thành ra con cháu chúng ta yêu mến thánh lễ hơn, năng tham dự thánh lễ hơn.

Bên cạnh 4 sinh hoạt chính và bình thường trên, còn những sinh hoạt dành riêng cho các trưởng, là các khóa huấn luyện. Và những buổi chầu Mình Thánh dành cho các trưởng, các giáo lý viên và các phụ huynh, để trở về nguồn, múc lấy ân sủng, sưởi ấm tâm hồn, tìm được những sáng kiến mới, hàn huyên với Chúa.

Nhờ những sinh hoạt trên, con cháu chúng ta đã đạt được những kết quả tốt về Thánh Kinh, về đạo và đã bắt đầu đưa ra được những so sánh, những nhận xét, hay những áp dụng cụ thể. Vào năm 2005, sau khi đã xem các anh chị huynh trưởng diễn tuồng Thương Khó, một cháu nhỏ, khoảng 8 tuổi đã hỏi bà nội: Sao Chúa Giê su trong tuồng diễn đã đi dép ? Trong Thánh Kinh con thấy Chúa đi chân không ? Kìa, bà nhìn lên thánh giá mà coi. Chúa đâu có đi dép ! Một khung cảnh khác: mới đây tôi được nghe một giáo lý viên kể rằng: trong lớp học của chị, cho các em tuổi từ 8 đến 10, hầu hết các em đều biết tên các thánh tông đồ. Có em còn đặt câu hỏi: Ai là người thay thế Giuđa ?

Sự khám phá và hiểu biết về đạo mà các em đang từ từ đạt được. Đó quả là một kết quả nhãn tiền. Kết quả ấy có được, là nhờ công lao cha Tuyên Úy, Các Giáo Lý Viên, Các huynh trưởng.

Năm 1986, nhiều em trong đoàn thiếu nhi lúc đó, mới là thiếu nhi, nghĩa sĩ của đoàn. Hôm nay, 2011, sau 25 năm, các em nghĩa sĩ 1986 đã trở thành ông bố, bà mẹ. Không còn là thiếu nhi thánh thể nữa, nhưng họ đã là bố mẹ của thiếu nhi thánh thể. Họ sống tinh thần TNTT với những hành động và tâm tư khác. Họ tận tụy, hy sinh cho con cái, cho TNTT. Họ nhập vào một đại gia đình thiêng liêng, gia đình TNTT.

Chính nhờ những bàn tay khéo léo, những tấm lòng quảng đại và tận tụy của những bậc cha mẹ cựu thiếu nhi, cựu huynh trưởng này, mà các sinh hoạt của Đoàn Kytô Vua, TNTT – GXVNP đã được hiệu quả hơn. Ngày nay, hằng năm, bao nhiêu dịp lễ của đoàn là bấy nhiêu dịp đóng góp của các vị: từ các ngày Rước Lễ Lần Đầu, ngày Lễ Thêm Sức, đến những Văn Nghệ Xuân, Giáng Sinh, Quan thầy đoàn, cấm trại,…

Tất cả những sinh hoạt này của các em, với sự đóng góp của Ban Giám Đốc, của HĐMV, của các anh chị huynh trưởng, của các giáo lý viên, của các phụ huynh… đã tạo thành một đặc điểm độc đáo của Giáo Xứ Việt Nam Paris. Ít giáo xứ khác ở Paris có được những sinh hoạt trẻ sầm uất như vậy ! Các Đức Cha thuộc Tổng Giáo Phận Paris rất vui mừng và khen ngợi giới trẻ GXVN Paris, đặc biệt là Đoàn TNTT. Ngày 04.07.2010 vừa qua, khi các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam quy tụ về Nhà Thờ Đức Bà, để cùng Đức Hồng Y André Vingt-Trois và Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn, cử hành Năm Thánh 2010, kỷ niệm 50 năm thành lập Hàng Giáo Phẩm ở Việt Nam, linh mục điều hành lễ nghi đã rõ rệt khen ngợi và thán phục các em TNTT của GXVN Paris, vì có hàng ngũ, quy củ và biết tham gia vào nhiều công việc trong thánh lễ.

Trước những thành quả trên, trước những công lao của những người trách nhiệm, hôm nay, ngày đầu xuân, với tâm tình biết ơn, chúng ta, tất cả trong đại gia đình TNTT, cùng nhau xin Chúa ban nhiều ơn lành hồn xác cho hai cha tuyên úy, như những người cha; cho các bậc phụ huynh, như những anh chị trong nhà: cho các huynh trưởng, là những người con lớn; và cho các em trong các ngành chuẩn bị ấu, ấu, thiếu, nghĩa sĩ, là những người con nhỏ của gia đình.

2. Cho tương lai, sau thiếu nhi, các gia đình phải tiếp tay vun trồng

25 năm gieo giống, trồng cây. Người chủ trồng đã làm xong nhiệm vụ. Xin trao lại cho thợ vun xới, chăm sóc. Điều này vừa hiểu theo nghĩa lịch sử của Đoàn Kytô Vua, vừa hiểu theo nghĩa lịch sử cuộc đời của từng em trong phong trào TNTT.

Trong những năm các em sinh hoạt với đoàn, các cha tuyên úy, các giáo lý viên, các huynh trưởng và các phụ huynh trong Ban Phụ Huynh TNTT,. . đã chu toàn trách nhiệm giáo dục. Nhưng thời gian trôi qua, lớn lên, nhiều em không còn ở trong đoàn nữa, nhưng công việc giáo dục vẫn còn phải được thi hành. Những năm còn lại trong việc giáo dục này, là thời gian vun trồng của các bậc cha mẹ trong gia đình. Hạt giống dẫu tốt, nhưng nếu gặp đất xấu, lại thêm nắng gắt,.. trước sau mầm non cũng có nhiều nguy cơ phải héo tàn, úa chết ! Đó là thảm cảnh đã từng thấy, và có người đã chia sẻ: Các em khi còn là TNTT thì ngoan và tốt. Nhưng sau khi chịu Phép Thêm Sức, đã bỏ đoàn; và bây giờ thì….

Điếu đó cho thấy rằng cha mẹ trong các gia đình phải tiếp tay vun trồng. Bằng cách nào ? Phải tạo cho đất vườn được tốt, xới bừa đất cho thoáng, tưới bón cho đều. Cụ thể là cha mẹ phải làm gương sáng trong việc đọc kinh cầu nguyện mỗi ngày, tham dự thánh lễ chúa nhật đều đặn, thực thi bác ái đúng mức. Nhất là sống và giữ cho cuộc sống gia đình được hòa thuận, yên vui. Uốn nắn con trong và bằng tình thương.

Vài gương tiền nhân có thể giúp các cha mẹ biết vun trồng cho con cái mình: Thánh Monica kiên tâm giáo dục con mỗi ngày, là thánh Augustinô. Mẹ thánh Don Bosco già yếu, nhưng luôn ở bên con và chăm sóc các trẻ mồ côi. Mẹ của ĐHY Nguyễn Văn Thuận đã dậy ngài kinh kính mừng và đã kể tiểu sử các thánh tử đạo việt nam cho ngài nghe.

Trong việc vun trồng này, cần phải tỷ mỷ. Như việc làm dấu, đọc kinh, cũng phải làm đến nơi, đến chốn. Ban nãy, lúc bắt thánh lễ, cha tuyên úy đã bảo chúng ta, làm dấu chậm rãi, vừa làm, vừa đọc, và làm theo lời đọc. Ngài có ý bảo ta làm cho đúng. Làm theo hiểu. Và nhờ hiểu mà ta làm.

Một thanh niên Ý kể lại rằng: hồi cha thánh Piô (1887-1969) còn sống, một hôm anh lén vào nhà thờ. Anh leo lên gác đàn, gian giữa, nơi cha Piô thường cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa. Anh nhanh nhẹn quỳ bên cha thánh, chờ cha ban phép lành. Những mấy phút đã qua, cha vẫn không động đậy. Đánh bạo, anh lấy tay động vào người cha. Thay vì ban phép lành, cha nói với anh:

-Sao con đến đây quấy rầy người đang cầu nguyện ? Anh ấp úng:
-Thưa cha, tại con thấy nhà thờ mở cửa, con vào để gặp cha. Cha nghiêm khắc nói:
-Trước tiên, con phải học cách thức làm dấu thánh giá nghiêm chỉnh khi vào nhà thờ. Rồi sau đó, mới chào hỏi người quen biết. Anh chống chế:
-Con đã làm dấu hẳn hoi mà ! Cha Piô nghiêm giọng:
-Con đừng nói dối. Con chỉ rờ trên trán, trên mũi, trên môi mà thôi. Anh thú nhận:
-Đúng. Con đã làm dấu cách vội vàng, vì nóng lòng gặp cha. Cha dịu giọng:
-Giới trẻ chúng con không biết cầu nguyện chân thành tha thiết. Trong khi đó, thế giới này đang cần lời cầu nguyện của chúng ta.


Anh còn kể lại lời cha thánh nói với ba của anh, mỗi khi ông đến gặp và xưng tội với cha. Cha nói: “Phải mạnh dạn sửa trị con cái. Phải cứng rắn giáo dục con cái. Nếu không, con sẽ không chu toàn nhiệm vụ người cha”.

Thưa các phụ huynh quý mến,

Muốn có mùa gặt tốt, muốn có những gánh lúa vàng, muốn có những người con ngoan, chúng ta chỉ có một cách là theo giữ lời khuyên của cha thánh Piô: “Phải mạnh dạn sửa trị con cái. Phải cứng rắn giáo dục con cái”.

Lời kết thúc chia sẻ nặng trĩu ý nghĩa. Hai phút yên lặng như xoáy các phụ huynh vào với nhiệm vụ giáo dục của mình.

Rồi Thánh lễ đã được tiếp tục. Nhưng một nét độc đáo của các thánh lễ Đoàn Kytô Vua cần được tô đậm. Đó là vào lúc “Chúc Bình An”, ca đoàn luôn luôn cất lên và cả cộng đoàn hát theo bài: ” “Cầu cho cha mẹ 2”: “Xin Chúa í a chúc lành cho đời cha mẹ của con, Công ơn là như núi non, dưỡng nuôi con bao ngày vuông tròn. Con sinh đến trong đời, an vui nhờ có ơn trời và ơn cha mẹ siốt ngày coi nhẹ khổ đau. Xin cho cha mẹ con thắm mãi tình son của Chúa Trời, cho con giữa gia đình luôn sống theo tình người con ngoan ». Bài ca càng ý nghĩa và cảm kích vào Lễ Xuân, Xuân Tân Mão.

Paris, ngày 23 tháng 02 năm 2011

Trần Văn Cảnh