Scotland: Hồng y mô tả vũ khí hạt nhân của Anh là "đáng xấu hổ”

Scotland – Phát biểu tại một cuộc biểu tình chống lại vũ khí hạt nhân bên ngoài căn cứ hải quân Faslane ở Gare Loch ngày 16-4, Đức Hồng y Keith O'Brien mô tả chương trình vũ khí hạt nhân của Anh là "đáng xấu hổ", và kêu gọi chính quyền Anh "hãy làm đúng và từ bỏ chương trình này”. Trích dẫn lời của ĐTC Biển Đức 16, Đức Hồng y nói: “Trong một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không có người chiến thắng, nhưng chỉ có nạn nhân."

Sau đây là toàn văn bài diễn văn của Hồng y O'Brien:

Thật là một niềm vui lớn cho tôi được ở đây tại Faslane hôm nay, cùng với các bạn cũ của tôi là Cha Alan McDonald và Bruce Kent, và rất nhiều người đã thực hiện cuộc hành trình đến đây vì chứng tá tuyệt vời này của hòa bình. Cả ba chúng tôi đã cùng phát biểu lần đầu tại Edinburgh, năm 2006, tại lễ khánh thành Trung tâm Lauriston của Dòng Tên, và chúng tôi cũng đã chia sẻ diễn đàn tại Glasgow và các nơi khác, và tôi nghĩ tất cả chúng ta sẽ sẵn sàng và muốn làm điều gì đó cho thời gian tới, tuy nhiên, cần phải có thời gian lâu dài. Chúng ta sẽ làm điều này vì sứ điệp chúng ta chia sẻ ở đây là một sứ điệp quan trọng, là sứ điệp nền tảng, vì nó nằm ở trung tâm đức tin Kitô giáo.

Khi chúng ta bước vào Tuần Thánh, sau đó là mùa Phục sinh cao cả, chúng ta nhắc lại và sẽ nhắc lại rằng điệp khúc của Chúa Giêsu Kitô là câu "bình an ở với anh em”. Chúng ta đang ở đây để lặp lại sứ điệp này, không chỉ là một ước muốn cho chính mình, nhưng như là một ước muốn cho toàn thể gia đình nhân loại, một ước muốn cho hòa bình, hòa bình sâu đậm dựa trên một sự thoát khỏi sự sợ hãi, bắt nguồn trong ước mơ của một thế giới thoát khỏi mối đe dọa của sự huỷ diệt.

Tôi đang nói về giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo về vũ khí hạt nhân trong nhiều năm nay, nói thông điệp của chúng ta cho bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe, và tôi rất hài lòng để lặp lại giáo huấn ấy một lần nữa ngày hôm nay. Như các bạn sẽ thấy, đó là một giáo huấn phù hợp, một phần trung tâm của lập trường phò sự sống của chúng ta, giáo huấn lấy phẩm giá con người làm cốt lõi. Và đó là một thông điệp mà tôi rất vui để nhắc lại ở đây, tại cổng căn cứ Faslane, vốn là trung tâm của ngành công nghiệp vũ khí hạt nhân của Anh.

Tôi đã nhận nhiều lời mời đến đây để tham dự các sự kiện đại kết trong các năm qua, và tôi đã chưa thể đến được, vì vậy tôi đặc biệt vui mừng để có thể làm như vậy ngày hôm nay, ở thời điểm hiện tại, khi có nhiều nhu cầu hơn bao giờ hết để loại bỏ các vũ khí hủy diệt hàng loạt của chúng ta.

Thông điệp nhất quán của Giáo Hội Công Giáo là rõ ràng và đơn giản, và đã được tóm lược bởi ĐTC Biển Đức 16 trong thông điệp đầu tiên của Ngài cho Ngày Hòa bình Thế giới, trong năm 2006. Ngài nói chuyện với chính phủ Anh, và với một ít chính phủ các nước khác, vì họ nhầm lẫn tin rằng vũ khí hạt nhân có một vị thế trong một xã hội văn minh. Đó là sứ điệp của ĐTC: "Quan điểm này, cho rằng vũ khí hạt nhân có vị thế trong một xã hội văn minh, không chỉ là độc hại mà còn hoàn toàn giả dối. Trong một cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không có người chiến thắng, nhưng chỉ có nạn nhân. Sự thật của hòa bình đòi hỏi rằng tất cả mọi người... đồng ý thay đổi ý hướng của họ bằng các quyết định rõ ràng và vững chắc, và phấn đấu cho một giải trừ hạt nhân tiến bộ và phối hợp".

Cũng cần lưu ý là trong cùng một thông điệp cho Ngày Hòa bình Thế giới, ĐTC Biển Đức 16 đã chọn để nhắc đến toàn bộ việc mua bán vũ khí, chứ không chỉ vũ khí hạt nhân. Đó là một lời dạy mà chúng ta quên nhìn đến khi gặp nguy hiểm. Việc sản xuất vũ khí, từ khẩu súng lục nhỏ nhất đến bệ phóng tên lửa, và máy bay chiến đấu, là việc kinh doanh lớn lao, một ngành công nghiệp lớn, và nước Anh có một vai trò hàng đầu, điều đó thật là xấu hổ cho chúng ta. Xin trích dẫn lời ĐTC lần nữa: "Làm thế nào có thể có một tương lai hoà bình, khi các khoản đầu tư vẫn thực hiện trong việc sản xuất vũ khí và trong nghiên cứu, nhằm phát triển vũ khí mới?".

Tôi đã thấy sự thật của việc này cho bản thân mình, qua thời gian, khi tôi đi với SCIAF (Quỹ cứu trợ quốc tế Công giáo Scotland) đến thăm các dự án phát triển, được sự hỗ trợ của người dân Scotland. Các người nghèo nhất trên thế giới phải trả giá cao nhất cho thương mại vũ khí, vốn đem lại đau khổ cho họ, và vận may cho các công ty phát triển và sản xuất các loại vũ khí.

Các Giám mục Scotland của chúng ta đã thường xuyên lặp lại đòi hỏi hòa bình của ĐTC Biển Đức, và của ĐTC tiền nhiệm Gioan Phaolô II, và tôi xin lặp lại một lần nữa tại đây. Ở đây, tại cổng của căn cứ Faslane, không có nơi nào tốt hơn để nói rằng không phải dũng cảm cho nước Anh khi có các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khủng khiếp. Thật xấu hổ khi có các vũ khí ấy. Nếu chính phủ của chúng ta mong muốn thực sự lòng can đảm, chính phủ cần đơn phương từ bỏ sự răn đe hạt nhân, đưa ra chứng tá và động lực thúc đẩy các quốc gia khác cũng làm như vậy.

Tên lửa Trident đã nhanh chóng trở thành lỗi thời, và chúng ta có cơ hội ngay bây giờ để làm điều đúng và từ bỏ vũ khí này. Chúng ta có cơ hội trở nên người xây dựng hòa bình, vang vọng ước muốn Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô cho một nền hòa bình lâu dài. Tôi tin rằng tất cả chúng ta tiếp tục làm việc và cầu nguyện với nhau cho điều này, và tôi cảm ơn quý bạn vì chứng tá mà các bạn làm hôm nay. Xin Thiên Chúa chúc lành cho mỗi người anh em với hòa bình sâu sắc, Tuần Thánh này và lễ Phục Sinh. (ICN 16-4-2011)

Nguyễn Trọng Đa