Một chuyến đi của sự hồi sinh và lòng nhân ái. Chuyến đi khởi thức cho những lý tưởng dấn thân cao đẹp. Họ - những sinh viên công giáo căng tràn nhựa sống tuổi 20 - hát vang bản trường ca Giêsu bất hủ. Con tim bùng cháy, và những bàn tay mở ra nồng nàn…
Xem hình ảnh
Cứ ngỡ sẽ lỗi hẹn với các bạn sinh viên tổ Trường Thi trong chuyến đi Yên Hòa lần này, nhưng cuối cùng lại may mắn được chiêm bái sắc cờ thiêng Vàng - Trắng cùng những cuộc gặp bất ngờ nơi địa đầu giáo phận.
Chiếc xe buýt cồng kềnh lao đi, bỏ lại sau lưng thành Vinh ầm ào náo nhiệt, cả đoàn người thả hồn đong đưa theo giai điệu Con đường Giêsu mà một nữ sinh xứ Kẻ Gai đã cất lên tự bao giờ. Chẳng biết có phải do duyên nợ mà tôi được chọn là người can dự vào khá nhiều hoạt động của tổ Trường Thi Fatima, và cũng không rõ cơn cớ vì sao mình lại may mắn được tham gia vào nhiều chuyến đi mang tính thiện nguyện.
Tôi cứ phảng phất ý nghĩ rằng, giữa bối cảnh giới trẻ dường như đang ngày một già đi trong lòng giáo phận, giữa xu hướng nhiều tổ nhóm sinh viên hướng về những cuộc tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao này nọ thì việc Trường Thi Fatima chọn công tác từ thiện làm tâm điểm hoạt động trong ngày mừng lễ Quan thầy, cũng là ngày cầu cho ơn thiên triệu thật ý nghĩa, thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao…
Chợt nhớ những câu thơ nằm lòng của nhiều năm trước:
“Nếu là con chim chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
Gập ghềnh lắc lư hơn ba giờ đồng hồ, xe chúng tôi cuối cùng cũng tiến vào được khuôn viên nhà xứ. Cha F.X. Đinh Văn Minh cùng khoảng 300 bạn trẻ Yên Hòa đã nghiêm ngắn chờ sẵn từ lúc nào. Chương trình có muộn hơn đôi chút so với dự kiến, nên sau ít phút chào thăm cha xứ, đoàn được thông báo trở ra nhà thờ để tham dự buổi nói chuyện của cha giáo Phêrô Nguyễn Hiệu Phượng.
Chúng ta sinh ra trong cuộc đời này để làm gì? Chúng ta đang ở đâu và sẽ đi về đâu? Vẫn với cái dáng người dong dỏng nhưng cung cách ăn vận hãy còn trẻ trung và khỏe khoắn; vẫn với cách đặt vấn đề và lối diễn giải khúc chiết, khoát hoạt, cha giáo thật biết cách khơi gợi ngọn lửa riêng của người trẻ, như đã từng làm cho thứ lửa ấy bừng rực lên nơi biết bao thế hệ sinh viên công giáo.
Tíu tít bộn bề với việc tổ chức trong ngày đón tiếp “phái đoàn từ thành phố lên”, nhưng tôi vẫn may mắn được cha xứ thu xếp cho một chút thời gian cùng những tở mở thân tình. Cha Minh giờ nom đã “có da có thịt” hơn rất nhiều so với hồi ngài còn là một đại chủng sinh. Những câu chuyện không đầu không cuối dắt dẫn chúng tôi chu du xuôi ngược về những kỉ niệm thuở hàn vi. Chuyện nối chuyện. Hình như không có lớp lang rành mạch. Đang bồi hồi về những tháng ngày mài đũng trên ghế giảng đường lại trầm tư những đoản khúc nhân tình thế thái. Đang miên man kể về những bước ngoặt trên cung đường dâng hiến, chợt nhoàng sang những ngày hoạt động sôi nổi trong phong trào sinh viên công giáo Vinh. Một phần tuổi trẻ của cha đã neo đậu ở đấy.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Chàng cựu sinh viên khóa 36 Sư phạm Tiếng Anh, Đại học Vinh ngày ấy, giờ đã là vị chủ chăn đáng kính của giáo xứ với hơn 2.500 nhân danh. Đời sống kinh tế khó khăn, giáo dân chủ yếu sống bằng nghề thuần nông. Những người con của xứ sở này lại lên đường nhập vào dòng thác người, ngược xuôi bám trụ khắp nhiều miền xa xăm. Chất giọng ngài chợt chùng xuống, trầm ấm khi kể về những trăn trở, ưu tư của đời mục vụ…
Đồng hồ chỉ 4 giờ chiều. Nắng chói chang và gió lồng lộng. Chúng tôi có mặt tại Trại Phong Quỳnh Lập, nơi mà hơn 50 năm về trước, Đồng Mí được xem là một mảnh đất chết. Đây không chỉ là nơi những bệnh nhân của con vi rút Hasen đang từng ngày ăn mòn cơ thể họ tìm về điều trị mà đó còn là quê hương, là mái nhà để họ sống nốt những ngày còn lại với những người đồng cảnh ngộ. Ở đó, họ không phải đối diện với những ánh mắt kỳ thị, sự xa lánh cay nghiệt của cộng đồng, thậm chí là những đứa con mà họ rứt ruột sinh ra, nuôi nấng trưởng thành, là những người vợ, người chồng mà họ đã một thời thề non hẹn biển…
Lúc 16h 30, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành (15/5/2011), Thánh lễ mừng Bổn mạng Tổ Trường Thi Fatima được cử hành ngay tại khuôn viên Trại Phong với sự tham dự của các bệnh nhân, nhóm sinh viên công giáo, giới trẻ giáo xứ Yên Hòa và cả những người không cùng niềm tin tôn giáo. Bài chia sẻ Lời Chúa của linh mục chủ tế hướng cử tọa về hình ảnh một Đấng Chăn Chiên giàu lòng trắc ẩn, không bao giờ bỏ rơi nhưng luôn ân cần săn sóc đoàn chiên của mình. Ngài mời gọi các bạn trẻ phải biết sống trọn lý tưởng Tin Mừng, đến với cộng đồng nhân loại, với những bất hạnh, khổ đau, bằng một trái tim rạo rực tình yêu và những bàn tay mở ra đầy bánh.
Chiều muộn. Trời sậm hẳn. Trại Phong thoắt cái đã nhá nhem chạng vạng. Những món quà trao vội. Những tấm bánh mì cũng được chuyền tay nhau. Bữa tối của bệnh nhân và các bạn sinh viên trôi qua thật nhẹ nhàng, trầm lắng.
Tôi bất giác nghĩ, hóa ra, nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn của những người bạn trẻ ấy vẫn trĩu nặng những yêu thương, vẫn chia sớt ân tình, mà đôi khi chỉ nhìn những “hầm hố” phía bên ngoài, ta không thể nào thấu hiểu nổi.
Những bàn tay đã được mở ra thật sự. Khi “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, phần xác sẽ vơi đi bao thứ tất tả. Rồi phần hồn sẽ yên tĩnh và thanh thản bao nhiêu trong cái cõi ta bà nhân sinh vô thường này.
Phải là sông, là bể những giọt nước mắt đau thương dằng dặc trong cõi tục lụy, nhưng cũng nhiều lắm những giọt nước mắt của sự sẻ chia, đồng cảm nơi những bất hạnh của con người. Người trẻ là thế, như những ngọn nến, để dâng tặng cho đời ánh sáng, phải tự đốt cháy thân mình đến cạn kiệt. Đó phải chăng là biểu hiện sinh động, là cốt lõi của tinh thần “Bén rễ và được xây dựng trên Chúa Kitô” (Cl 2, 7) mà họ đang hướng tới.
Được biết các bạn tổ Trường Thi đang có dự định góp sách báo, mở một thư viện cho các em học sinh nhỏ tại đây, tuy chưa thấm tháp gì nhưng có thể coi đó là một nghĩa cử. Lại lẩn thẩn nghĩ thêm, với việc xúm tay và chung lưng đấu cật của các nhà hảo tâm, cầu mong cho những sắc cười trẻ thơ cứ lan dài choán mãi với tổ ấm làng phong này.
Phút hồi tâm khép lại một ngày đáng nhớ nơi “miền biên viễn”. Biển Quỳnh Lập lưu luyến hát khúc giã biệt. Âm thanh dìu dặt, lúc rộn rã, lúc phảng phất từa tựa trống, tựa chiêng lẫn cồng nhưng chẳng phải cồng chiêng lẫn trống. Cuồn cuộn bắp tay săn chắc của những chàng trai trong thứ y phục chẳng xa mấy với thuở hồng hoang, lúc khoan thai, lúc rậm rịch rộn ràng tiến lui quanh đống lửa. Hoà quyện với âm nhạc là điệu múa của các cô gái Yên Hòa uyển chuyển, duyên dáng, giàu chất thơ; vũ điệu của các cô gái Trường Thi Fatima rộn ràng, cuồng nhiệt. Tiếng hát trổi cao. Ánh lửa trại bập bùng. Men rượu cần chếnh choáng.
Đêm bừng thức lý tưởng tuổi thanh xuân…
Xem hình ảnh
Cứ ngỡ sẽ lỗi hẹn với các bạn sinh viên tổ Trường Thi trong chuyến đi Yên Hòa lần này, nhưng cuối cùng lại may mắn được chiêm bái sắc cờ thiêng Vàng - Trắng cùng những cuộc gặp bất ngờ nơi địa đầu giáo phận.
Chiếc xe buýt cồng kềnh lao đi, bỏ lại sau lưng thành Vinh ầm ào náo nhiệt, cả đoàn người thả hồn đong đưa theo giai điệu Con đường Giêsu mà một nữ sinh xứ Kẻ Gai đã cất lên tự bao giờ. Chẳng biết có phải do duyên nợ mà tôi được chọn là người can dự vào khá nhiều hoạt động của tổ Trường Thi Fatima, và cũng không rõ cơn cớ vì sao mình lại may mắn được tham gia vào nhiều chuyến đi mang tính thiện nguyện.
Tôi cứ phảng phất ý nghĩ rằng, giữa bối cảnh giới trẻ dường như đang ngày một già đi trong lòng giáo phận, giữa xu hướng nhiều tổ nhóm sinh viên hướng về những cuộc tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao này nọ thì việc Trường Thi Fatima chọn công tác từ thiện làm tâm điểm hoạt động trong ngày mừng lễ Quan thầy, cũng là ngày cầu cho ơn thiên triệu thật ý nghĩa, thật đáng quý, đáng trân trọng biết bao…
Chợt nhớ những câu thơ nằm lòng của nhiều năm trước:
“Nếu là con chim chiếc lá
Thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không trả
Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.
Gập ghềnh lắc lư hơn ba giờ đồng hồ, xe chúng tôi cuối cùng cũng tiến vào được khuôn viên nhà xứ. Cha F.X. Đinh Văn Minh cùng khoảng 300 bạn trẻ Yên Hòa đã nghiêm ngắn chờ sẵn từ lúc nào. Chương trình có muộn hơn đôi chút so với dự kiến, nên sau ít phút chào thăm cha xứ, đoàn được thông báo trở ra nhà thờ để tham dự buổi nói chuyện của cha giáo Phêrô Nguyễn Hiệu Phượng.
Chúng ta sinh ra trong cuộc đời này để làm gì? Chúng ta đang ở đâu và sẽ đi về đâu? Vẫn với cái dáng người dong dỏng nhưng cung cách ăn vận hãy còn trẻ trung và khỏe khoắn; vẫn với cách đặt vấn đề và lối diễn giải khúc chiết, khoát hoạt, cha giáo thật biết cách khơi gợi ngọn lửa riêng của người trẻ, như đã từng làm cho thứ lửa ấy bừng rực lên nơi biết bao thế hệ sinh viên công giáo.
Tíu tít bộn bề với việc tổ chức trong ngày đón tiếp “phái đoàn từ thành phố lên”, nhưng tôi vẫn may mắn được cha xứ thu xếp cho một chút thời gian cùng những tở mở thân tình. Cha Minh giờ nom đã “có da có thịt” hơn rất nhiều so với hồi ngài còn là một đại chủng sinh. Những câu chuyện không đầu không cuối dắt dẫn chúng tôi chu du xuôi ngược về những kỉ niệm thuở hàn vi. Chuyện nối chuyện. Hình như không có lớp lang rành mạch. Đang bồi hồi về những tháng ngày mài đũng trên ghế giảng đường lại trầm tư những đoản khúc nhân tình thế thái. Đang miên man kể về những bước ngoặt trên cung đường dâng hiến, chợt nhoàng sang những ngày hoạt động sôi nổi trong phong trào sinh viên công giáo Vinh. Một phần tuổi trẻ của cha đã neo đậu ở đấy.
Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Chàng cựu sinh viên khóa 36 Sư phạm Tiếng Anh, Đại học Vinh ngày ấy, giờ đã là vị chủ chăn đáng kính của giáo xứ với hơn 2.500 nhân danh. Đời sống kinh tế khó khăn, giáo dân chủ yếu sống bằng nghề thuần nông. Những người con của xứ sở này lại lên đường nhập vào dòng thác người, ngược xuôi bám trụ khắp nhiều miền xa xăm. Chất giọng ngài chợt chùng xuống, trầm ấm khi kể về những trăn trở, ưu tư của đời mục vụ…
Đồng hồ chỉ 4 giờ chiều. Nắng chói chang và gió lồng lộng. Chúng tôi có mặt tại Trại Phong Quỳnh Lập, nơi mà hơn 50 năm về trước, Đồng Mí được xem là một mảnh đất chết. Đây không chỉ là nơi những bệnh nhân của con vi rút Hasen đang từng ngày ăn mòn cơ thể họ tìm về điều trị mà đó còn là quê hương, là mái nhà để họ sống nốt những ngày còn lại với những người đồng cảnh ngộ. Ở đó, họ không phải đối diện với những ánh mắt kỳ thị, sự xa lánh cay nghiệt của cộng đồng, thậm chí là những đứa con mà họ rứt ruột sinh ra, nuôi nấng trưởng thành, là những người vợ, người chồng mà họ đã một thời thề non hẹn biển…
Lúc 16h 30, Chúa Nhật Chúa Chiên Lành (15/5/2011), Thánh lễ mừng Bổn mạng Tổ Trường Thi Fatima được cử hành ngay tại khuôn viên Trại Phong với sự tham dự của các bệnh nhân, nhóm sinh viên công giáo, giới trẻ giáo xứ Yên Hòa và cả những người không cùng niềm tin tôn giáo. Bài chia sẻ Lời Chúa của linh mục chủ tế hướng cử tọa về hình ảnh một Đấng Chăn Chiên giàu lòng trắc ẩn, không bao giờ bỏ rơi nhưng luôn ân cần săn sóc đoàn chiên của mình. Ngài mời gọi các bạn trẻ phải biết sống trọn lý tưởng Tin Mừng, đến với cộng đồng nhân loại, với những bất hạnh, khổ đau, bằng một trái tim rạo rực tình yêu và những bàn tay mở ra đầy bánh.
Chiều muộn. Trời sậm hẳn. Trại Phong thoắt cái đã nhá nhem chạng vạng. Những món quà trao vội. Những tấm bánh mì cũng được chuyền tay nhau. Bữa tối của bệnh nhân và các bạn sinh viên trôi qua thật nhẹ nhàng, trầm lắng.
Tôi bất giác nghĩ, hóa ra, nơi sâu thẳm nhất trong tâm hồn của những người bạn trẻ ấy vẫn trĩu nặng những yêu thương, vẫn chia sớt ân tình, mà đôi khi chỉ nhìn những “hầm hố” phía bên ngoài, ta không thể nào thấu hiểu nổi.
Những bàn tay đã được mở ra thật sự. Khi “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, phần xác sẽ vơi đi bao thứ tất tả. Rồi phần hồn sẽ yên tĩnh và thanh thản bao nhiêu trong cái cõi ta bà nhân sinh vô thường này.
Phải là sông, là bể những giọt nước mắt đau thương dằng dặc trong cõi tục lụy, nhưng cũng nhiều lắm những giọt nước mắt của sự sẻ chia, đồng cảm nơi những bất hạnh của con người. Người trẻ là thế, như những ngọn nến, để dâng tặng cho đời ánh sáng, phải tự đốt cháy thân mình đến cạn kiệt. Đó phải chăng là biểu hiện sinh động, là cốt lõi của tinh thần “Bén rễ và được xây dựng trên Chúa Kitô” (Cl 2, 7) mà họ đang hướng tới.
Được biết các bạn tổ Trường Thi đang có dự định góp sách báo, mở một thư viện cho các em học sinh nhỏ tại đây, tuy chưa thấm tháp gì nhưng có thể coi đó là một nghĩa cử. Lại lẩn thẩn nghĩ thêm, với việc xúm tay và chung lưng đấu cật của các nhà hảo tâm, cầu mong cho những sắc cười trẻ thơ cứ lan dài choán mãi với tổ ấm làng phong này.
Phút hồi tâm khép lại một ngày đáng nhớ nơi “miền biên viễn”. Biển Quỳnh Lập lưu luyến hát khúc giã biệt. Âm thanh dìu dặt, lúc rộn rã, lúc phảng phất từa tựa trống, tựa chiêng lẫn cồng nhưng chẳng phải cồng chiêng lẫn trống. Cuồn cuộn bắp tay săn chắc của những chàng trai trong thứ y phục chẳng xa mấy với thuở hồng hoang, lúc khoan thai, lúc rậm rịch rộn ràng tiến lui quanh đống lửa. Hoà quyện với âm nhạc là điệu múa của các cô gái Yên Hòa uyển chuyển, duyên dáng, giàu chất thơ; vũ điệu của các cô gái Trường Thi Fatima rộn ràng, cuồng nhiệt. Tiếng hát trổi cao. Ánh lửa trại bập bùng. Men rượu cần chếnh choáng.
Đêm bừng thức lý tưởng tuổi thanh xuân…