Giám mục giáo phận Rumbek thảo luận về sự ly khai của Nam Sudan

ROMA - Đúng một tháng nữa, châu Phi sẽ có một quốc gia mới, khi Nam Sudan tách rời khỏi miền Bắc nước Sudan.

Việc tách rời giữa miền Nam giàu dầu mỏ và miền Bắc Sudan là điều dễ hiểu. Các túi bạo lực vẫn đang tiếp diễn, và không ai đoan chắc là Nam Sudan sẽ thực hiện được trọn vẹn sự quản lý hành chính của mình.

Tuy nhiên, cư dân Kitô hữu và người dân thờ vật linh ở miền Nam đang nôn nóng cho một sự tách rời khỏi miền Bắc đông người Hồi giáo.

Hãng tin ZENIT đã nói chuyện với một trong các nhân vật hoạt động cho hòa bình, Đức cha Cesare Mazzolari, giáo phận Rumbek, ở Nam Sudan.

Vị Giám mục người Ý 74 tuổi, thuộc Dòng Truyền giáo Comboni Thánh Tâm Chúa Giêsu, và đã làm việc ở Sudan trong ba thập niên, làm Giám mục giáo phận Rumbek từ năm 1999.

ZENIT: Với sự thành lập của Nam Sudan, điều gì sẽ thay đổi cho người dân và cho tình hình địa chính trị của Bắc Phi?

Đức Giám mục Mazzolari: Sự ly khai của Nam Sudan trình bày một mục tiêu của nền tự do cho một dân tộc bị áp bức hơn 20 năm vì nội chiến. Tôi thấy trước một thời kỳ của Kitô giáo sẽ ngày càng sâu sắc hơn. Biểu tượng này của nền tự do theo kiểu châu Phi, của nền tự do được ước muốn mãnh liệt, cũng có thể nhìn thấy ở Bắc Phi với các cuộc cách mạng đã xảy ra trong các tháng qua. Điều này không có nghĩa là cũng sẽ có chia cắt trong các quốc gia châu Phi khác, nhưng chắc chắn cách thức Nam Sudan đang đi theo đã được đánh giá cao, và được hỗ trợ trên toàn bộ châu Phi.

ZENIT: Lập trường của Giáo Hội Công Giáo ra sao? Và bằng cách nào các Kitô hữu góp phần vào việc giúp khai sinh và phát triển Nam Sudan?

Đức Giám mục Mazzolari: Đối với một quốc gia có tỉ lệ mù chữ cao nhất thế giới - chỉ có 15% nam giới và chỉ 9% nữ giới có thể biết đọc và biết viết - hơn bao giờ hết, chúng tôi cần đào tạo một giai cấp quản trị của tương lai, để cho quyền tự quyết của họ được đầy đủ và trưởng thành, trong dấu hiệu của hy vọng và sự phục hồi cơ bản bản sắc của họ. Là Giáo Hội, chúng tôi vẫn còn có một trách nhiệm lớn lao trong việc xây dựng nhà nước mới: Chúng tôi phải dạy nghệ thuật kiên trì của đối thoại, giao tiếp và hòa giải, để thiết lập các cơ sở của một quốc gia mới, vốn đã chỉ biết con đường bạo lực mà thôi.

ZENIT: Đâu là các kế hoạch giáo dục cho sự phát triển được cổ vũ bởi hội CESAR, mà Ngài làm chủ tịch? Và, đặc biệt, làm thế nào Ngài sẽ xây dựng trung tâm đầu tiên để đào tạo giáo viên ở Nam Sudan?

Đức Giám mục Mazzolari: Tổ chức CESAR ra đời năm 2000, để tìm kiếm viện trợ ngoài châu Phi, và nó là một liên kết thực sự và hợp lý giữa việc truyền giáo và các nhà tài trợ. Các quĩ thu được sử dụng trong các lĩnh vực khác nhau, theo nhu cầu của thời điểm: từ chăm sóc mục vụ cho đến giáo dục, từ y tế đến viện trợ nhân đạo, như được ghi trong trang web của chúng tôi www.cesarsudan.org

Hiện nay chúng tôi đang xây dựng một trung tâm cho giáo viên ở Cuiebet, một địa điểm cách Rumbek khoảng 80km (50 miles). Hàng năm một trường học sẽ đào tạo 30 giáo viên, để họ có thể cung cấp giáo dục cơ bản cho hơn 5.000 trẻ em chỉ trong năm năm đầu hoạt động. Việc thực hiện công tác này đòi hỏi sự cam kết của các tổ chức quốc tế; chúng tôi kêu gọi họ để họ có thể giúp một xung động mới cho các dự án trong lãnh thổ này, vốn chịu đau khổ vì nội chiến và nghèo đói. Đây là lý do tại sao chúng tôi hỗ trợ việc thành lập một đại sứ quán Ý tại Juba, vốn sẽ ảnh hưởng đến sự thay đổi có ý nghĩa theo chiều hướng này.

Zenit: Bằng cách nào, các tổ chức quốc tế, các chính phủ và các Giáo hội Thiên chúa giáo góp phần thực hiện các dự án phát triển cho Nam Sudan?

Đức Giám mục Mazzolari: Thật không may, Nam Sudan là đất nước nghèo nhất thế giới, 90% người dân sống dưới mức 1 USD / ngày. Tuy nhiên, ở bề mặt và dưới lòng đất của quốc gia nước này che giấu nhiều tài nguyên phong phú và cần được phát hiện: dầu, vàng, gỗ quý hiếm, như gỗ mun và gỗ gụ. Nhưng hiện đang thiếu người dân có khả năng làm cho tài nguyên này được biết đến trong và ngoài biên giới của miền Nam Sudan. Ý tưởng xây dựng một cửa hàng thợ mộc đi chính xác theo hướng này: đầu tư vào Nam Sudan, làm cho người dân Nam Sudan có khả năng khai thác các nguồn tài nguyên, mà đất nước cung cấp cho họ.

ZENIT: Đâu là những khó khăn mà Ngài tiên liệu? Và nguồn nhân lực nào cần được huy động?

Đức Giám mục Mazzolari: Chúng tôi sẽ không có sự hội nhập ngay lập tức, do đó miền Bắc và miền Nam sẽ phải chấp nhận sống nghèo ít nhất là thêm 10 năm nữa. Không có bệnh viện, trường học, nguồn nước, cơ sở hạ tầng. Sự viện trợ của cộng đồng quốc tế sẽ là cần thiết để đạt được nhiều mục tiêu, mà độc lập sẽ mang lại cho chúng tôi. Các cuộc tấn công khiêu khích liên tục của chính phủ Khartoum, với sự chiếm đóng quân sự ở khu vực Abyei, nơi bị tranh chấp vì các mỏ dầu ở đó, dễ dẫn đến chiến tranh. Nhưng chính quyền của miền Nam phản ứng tốt với các hành động khiêu khích này, bằng cách làm cho chúng rơi vào hư không. Do đó, bầu không khí không phải là một trong những bầu khí thanh bình nhất, mặc dù tôi tin chắc rằng người dân đã quyết định về nền độc lập của họ, và sự chịu đựng thầm lặng của họ với chính phủ Khartoum là một minh chứng cho điều này. (Zenit 9-6-2011)

Nguyễn Trọng Đa