Theo tin Zenit ngày 16 tháng 6, Thứ Sáu qua, tại trụ sở trung ương ở Rôma của Cộng Đồng Sant’Egidio, Ông Riccardo Cristiani cho rằng cái khuôn mẫu trắng đen tốt chống xấu, hay Đông chống Tây, không còn giá trị ở Trung Đông nữa. Ông tuyên bố như thế trong tư cách chủ bút một tuyển tập các tường trình báo chí về Thế Giới Ả Rập, nhân khi trình bày tuyển tập này.

Ông cho biết các bài báo ông dịch từ tiếng Ả Rập qua tiếng Ý, viết trước khi xẩy ra Mùa Xuân Ả Rập, cho thấy “sự việc đã và đang thay đổi”. Ông nhận định rằng “khuôn mẫu ‘tốt chống xấu’ không còn là một động lực có giá trị nữa, và “người ta không còn có thể nói rằng quyền lợi của người Palestine đang được bênh vực trong khi vẫn bác bỏ quyền lợi của người Ả Rập”.

Tác giả tuyển tập giải thích rằng Mùa Xuân Ả Rập, tên gán cho một loạt các cuộc biểu tình chống chế độ, bắt đầu nổ ra vào cuối năm 2010, là “một phong trào của người trẻ” và “giới trẻ ngày nay đang đòi quyền của họ”. Ông Riccardo Cristiani, sau đó, đề cập tới sự kỳ thị chống lại các Kitô hữu, nhưng nhấn mạnh rằng tại Trung Đông, “mọi nhóm thiểu số đều bị kỳ thị cả”.

Alberto Bobbio, chủ bút tạp chí tiếng Ý Famiglia Cristiana, nói rằng tuyển tập này “gom về một mối nhiều suy tư khác nhau của các đồng nghiệp Ả Rập, nơi mạng sống người ta đang bị đe dọa”. Ông nói thêm: “Chỉ cần nói rằng cuốn sách này có chứa một bản liệt kê các nhà báo vừa mới bị giết là đã quá đủ”.

Gabriele Checchia, nguyên đại sứ Ý tại Lebanon, phát biểu rằng cuốn sách cho thấy hiện đang có một cuộc đánh cuộc về quan điểm mới này đối với Thế Giới Ả Rập, một “cuộc đánh cuộc không có kết quả chắc chắn”. Ông đề nghị lấy Lebanon làm kiểu mẫu cho Thế Giới Ả Rập, một kiểu mẫu có tính đến tính phức tạp của vùng này. Nhà ngoại giao này cho hay: Kiểu mẫu này nói lên một Thế Giới Ả Rập khoan dung, cởi mở, dù thỉnh thoảng vẫn có những thời kỳ bạo lực”.

Còn Linh Mục Paolo Garuti, Dòng Đa Minh, thì cho rằng cuốn sách này là “một máy quay phim nằm trong một chiếc nồi áp xuất trước khi nó nổ banh”. Linh mục cho hay: “Khó có thể còn dùng chủ nghĩa quốc gia Hồi Giáo cực đoan mà đánh lừa được thế hệ (trẻ) này nữa. Cha cho rằng tuổi trẻ trong Thế Giới Ả Rập không còn coi Tây Phương, hay ngay cả Do Thái, là kẻ thù ngoại bang nữa. Ngài gán việc này cho “kiểu mẫu truyền thông mới do thế giới đưa ra, nhất là internet” và kiểu truyền thông mới này “đã thay đổi rất nhiều não trạng của giới trẻ”. Theo cha Garuti, “khó có thể dùng chủ nghĩa quốc gia của Hồi Giáo cực đoan mà đánh lừa được thế hệ này”.

Chiến đấu cho tương lai

Mario Giro, giám đốc đối ngoại của Sant’Egidio, cho hay “người trẻ không còn sợ sệt nữa; Họ muốn có tương lai. Đây không phải là một âm mưu chính trị đầy bạo lực, và do đó, các khẩu hiệu bài Mỹ, bài Tây Phương hay Do Thái, không còn được nghe thấy nữa. Giro tự hỏi: “Thứ dân chủ nào sẽ phát sinh ra đây?” Và ông trả lời ngay: “Chắc chắn không phải là thứ dân chủ của ta”. Rồi ông nói tiếp: “diễn trình không được đi giật lùi, dù có nhiều bước trở lui và những hiệu quả phụ bất ngờ”

Giro giải thích rằng trong Thế Giới Ả Rập, 70% dân số dưới 30 tuổi, “Do đó, đây là những quốc gia không có định mệnh thuyết đối với tương lai”. Còn Francesco Peloso, phóng viên tại Vatican của nhật báo Ý Il Riformista, thì ca ngợi Vatican về chủ trương khôn ngoan của mình liên quan đến cuộc chiến Libya và Mùa Xuân Ả Rập, và cho rằng hiện đang thiếu sự phân tích và hiểu tổng quát về tính phức tạp trong các biến cố đang diễn ra.

Peloso cho rằng tuyển tập của Cristiani là một cuốn sách nhắm “phần nào giải Hồi Giáo quá khích (de-Islamizers) khỏi các quan điểm của ta”. Ông giải thích rằng “cái nhìn của thập niên vừa qua đã bị khuôn thước ý thức hệ làm ra sai lạc” vì cái nhìn này đã bị bôi đen bởi khẩu hiệu “vi phạm nhân quyền và đổ máu”. Peloso cho rằng đàng sau sự hỗn loạn “đang hiện hữu một thế giới chân thực… nơi các xã hội chưa ai tiên đoán được đang xuất hiện”. Ông nói thêm: cuốn sách này “thách thức những ai không biết phải đứng về phe nào”. Ông kết luận: “Gần đây, một điều gì đó đang thay đổi nhờ tầm nhìn của một số vị giám mục địa phương, những vị dám nói ‘thôi đủ rồi’ đối với những chế độ và các nhà lãnh đạo chính trị thối nát đang cầm quyền. Đây là một diễn trình vẫn còn đang tiếp diễn”.