Ba tháng trước, một phúc trình đặc biệt trên tờ The Tablet (của Anh) đã đặt câu hỏi: Người Công Giáo đi đâu hết cả rồi? Với nhiều dữ kiện giá trị trong tay, Gordon Heald, giám đốc điều hành một viện nghiên cứu có tiếng ở Anh, đã đưa ra nhận định như sau: không những việc tham dự Thánh Lễ vào Chúa Nhật giảm đi đều đặn tại Anh và tại Wales trong suốt 30 năm qua, mà con số thụ phong linh mục, chịu rửa tội, rước lễ lần đầu, thêm sức và nhất là hôn phối trong nhà thờ đã không ngừng giảm xuống một cách đáng ngại hết năm này qua năm nọ. Dù nhận rằng hiện tượng này khiến người đọc cảm thấy nản lòng, nhưng Heald cho rằng: cũng như bất cứ lúc nào khác, các con số kia cần được đọc trong một ngữ cảnh rộng rãi hơn. Bởi theo ông, khuynh hướng đi xuống xẩy ra cho mọi Giáo Hội Kitô Giáo tại Vương Quốc Thống Nhất, và đúng hơn tại toàn bộ lục địa Âu Châu.

Cái nhìn tiêu cực

Năm tuần sau, phúc trình đặc biệt của Heald làm Cha Dòng Tên người Bỉ là Jan Kerkhofs, một linh mục và là nhà xã hội học nổi tiếng, lên tiếng chứng minh rằng các con số đi xuống tại Anh và Wales quả thực đã được phản ảnh khắp Âu Châu. Dựa vào tác phẩm của mình tựa là Europe Without Priests (1995), Cha Kerkhofs đặc biệt lưu tâm tới con số đi xuống nơi các linh mục Công Giáo ở Âu Châu. Ngài đưa ra con số thống kê của 13 nước trong vòng 20 năm qua, phần lớn tại Tây Âu. Một phân tích chi tiết của Zulehner và Tomka năm 1999 cũng cho thấy những con số hay khuynh hướng tương tự ở Trung Âu và Đông Âu, chỉ sai lệch đôi chút. Tại Đông Đức cựu Cộng Sản, chẳng hạn, 73% dân số không thuộc bất cứ Giáo Hội nào. Con số của Cộng Hòa Czech cũng tương tự như thế. Các số thống kê tiêu cực của Đan Mạch và Thụy Điển cũng được nhiều người biết đến. Từ các dữ kiện tổng hợp trong các Nghiên Cứu Giá Trị Tại Âu Châu, Cha Kerkhofs đi đến kết luận này: có một hiện tượng xa dần Kitô Giáo để hướng về một thứ chủ nghĩa bất khả tri mơ hồ, tạo nên một thứ thế tục hóa Âu Châu hậu hiện đại và hậu Kitô Giáo.

Samuel Huntingdon, tác giả cuốn sách gây tranh luận Clash of Civilisations từng làm người ta chú ý khi mới xuất bản năm 1997, cũng có cùng một kết luận. Ông cho rằng tỷ lệ những người Âu Châu tuyên xưng các niềm tin tôn giáo, tuân giữ các thực hành tôn giáo và tham dự các hoạt động tôn giáo đang càng ngày càng giảm đi. Khuynh hướng này phản ảnh cả việc thù nghịch đối với tôn giáo lẫn việc dửng dưng đối với nó. Tuy thế, các quan niệm, giá trị và thực hành tôn giáo vẫn phảng phất trong toàn bộ nền văn minh Âu Châu. Theo Huntington, điều ấy có nghĩa: Âu Châu, khi làm suy yếu thành tố chính tạo ra mình là Kitô Giáo, quả đang lao đầu vào một cuộc khủng hoảng.

Nhà xã hội học tôn giáo người Anh là David Martin, có lúc giữ vai chủ tịch Hội Xã Hội Học Tôn Giáo Quốc Tế, cũng có cùng một kết luận. Ông nói: ở Âu Châu, việc thoát ly khỏi bất cứ thứ tôn giáo nào, nhất là khỏi Kitô Giáo, đã đạt tới những tỷ lệ chưa từng có trong lịch sử hiện đại. Âu Châu đã trở thành lục địa duy nhất thực sự thế tục trên thế giới. Theo Martin, ảnh hưởng của Phong Trào Ánh Sáng, vốn có nguồn gốc Âu Châu, nay hoàn toàn đã thấm nhiễm vào mọi bình diện tại Âu Châu, và do đó, Kitô Giáo đã mất ý nghĩa của nó. Nhà xã hội học tôn giáo người Mỹ sinh tại Vienna là Peter Berger, cách nay không lâu, cũng kết luận rằng Âu Châu đã trở thành một thảm họa cho Giáo Hội. Theo một phúc trình về Âu Châu trên tờ Herald Tribune, ngày nay Âu Châu là khu vực vô thần nhất trên trái đất.

Năm 1992, tuần báo Đức Der Spiegel xem sét vấn đề liệu tôn giáo có tương lai gì không, hay liệu Thiên Chúa đã thua cuộc chưa. Tờ này đã thực hiện một cuộc thăm dò ý kiến để thấy người Đức tin gì. Kết luận của tờ Der Spiegel được trình bày trong bài “Giã Biệt Thiên Chúa”. Theo đó, người Đức đã đánh mất niềm tin của họ vào Thiên Chúa và với niềm tin này là triết lý sống của Kitô Giáo. Tuy nhiên, ai cũng biết rõ chủ bút tờ Der Spiegel có khuynh hướng khá tiêu cực đối với Kitô Giáo, nên người ta có quyền nêu câu hỏi: ông ta đã giải thích kết quả cuộc thăm dò ý kiến kia ra sao, rất có thể việc giải thích này chịu ảnh hưởng ý kiến cá nhân của ông ta.

Dù gì, ta cũng phải nhìn nhận sự kiện này: trên lục địa Âu Châu vào lúc này, các số thống kê và các con số so sánh đều cho thấy một đà đi xuống trong việc thực hành tôn giáo, dù người ta không thể dùng thống kê để đo lường một số khía cạnh trong đời sống Giáo Hội.

Cái nhìn tích cực

Nhưng cũng có những dữ liệu khác cho thấy chiều hướng ngược lại. Các số thống kê tại Phi Châu và Á Châu cho thấy một sự gia tăng đáng kể về con số người Công Giáo ở cả hai lục địa. Trong tư cách đại diện đại kết của toàn bộ cộng đồng Kitô Giáo, Đức Giáo Hoàng vẫn được coi trọng trên khắp thế giới, nhất lả ở ngoài Âu Châu, và được giới truyền thông hết sức chú ý. Tạp chí Time bầu ngài là Người Của Năm 1994. Tháng Mười Một năm 1995, tờ Independent nói rằng Đức Giáo Hoàng là chiếc neo duy nhất trong thế giới hỗn mang hiện nay. Man vàn lời xưng tụng được gửi tới Đức HY Hume ngày ngài qua đời, không riêng gì từ Vương Quốc Thống Nhất, mà từ khắp nơi trên thế giới, là để dành cho một Kitô hữu điển hình của thời đại ta. Tôi được nhiều người cho hay các trường Công Giáo và Anh Giáo vẫn hết sức nổi danh tại Anh. Tại các nước khác,tình thế cũng vậy, nhất là tại Áo.

Như thế, ta thấy không thiếu các giọng nói nổi bật lên tiếng công bố cuộc phục hưng tôn giáo khắp thế giới, mà dấu chỉ đầu tiên đã khá hiển nhiên. Nhà xã hội học tôn giao người Pháp là Gilles Kepel đã nói lên ý kiến này trong cuốn sách của ông, tựa là La Revanche de Dieu (Cuộc Phục Thù Của Thiên Chúa). Còn các sử gia Hoa Kỳ như Weigel và Huntingdon cũng có cùng một cái nhìn như thế. Huntingdon nói một cách tổng quát hơn rằng: việc phục hưng tôn giáo trên khắp thế giới là một phản ứng chống lại chủ nghĩa duy tục, chủ nghĩa tương đối về luân lý, việc tự buông thả. Nó tái khẳng định các giá trị như trật tự, kỷ luật, làm việc, trợ giúp lẫn nhau và liên đới nhân bản.

Phong trào đại kết Taizé dành cho giới trẻ đã có những thành công đáng ngạc nhiên. Cách nay mấy năm, gần 100,000 người trẻ từ khắp các nước Đông và Tây Âu đã ùn ùn kéo nhau tới Vienna dự cuộc gặp gỡ Taizé dịp Lễ Giáng Sinh. Và năm 1997, có đến 1 tiệu người trẻ tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Paris để gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, dù với những động lực phức tạp.

Nhưng quan tâm lớn lao đối với tôn giáo phần lớn lại nằm bên ngoài các giáo hội Kitô Giáo. Con số lớn lao các giáo phái vừa mọc lên là dấu hiệu cho người ta thấy: nói chung, con người không thể chịu đựng hơn nữa cảnh chân không thiếu tôn giáo. Vì, như một cuộc nghiên cứu về tôn giáo và triết lý hiện sinh cho thấy, tôn giáo quả thuộc về yếu tính của nhân loại: con người, cả nam lẫn nữ, đều tìm kiếm đường dây nối họ với Thiên Chúa hay với một vị thần nào đó. Pascal chính là người đã tóm tắt kinh nghiệm hiện sinh trong tâm trí kiếm tìm của con người như sau: “Trái tim có những lý lẽ mà lý lẽ không hề hiểu”, một câu nói không bao giờ mất tính hùng hồn của nó trong lịch sử tư tưởng Âu Châu.

Tiếng nói các khoa học gia

Bất chấp chủ nghĩa hoài nghi phổ biến ngày nay đối với các tiến bộ và khám phá của khoa học, người ta vẫn đang hết sức lưu ý tới khoa vật lý nguyên tử và các hiện tượng thiên văn học. Bởi thế, khi các khoa học gia hàng đầu lên tiếng nói về Thiên Chúa, họ đều được người ta lắng nghe. Năm 1992, người trúng giải Nobel về vật lý (1984) và là giám đốc Hội Đồng Âu Châu Nghiên Cứu Hạch Nhân (CERN: Conseil Européen de Recherches Nucléaires) là Carl Rubbia, trong cuộc phỏng vấn của tờ Neue Zurcher Zeitung, đã tuyên bố rằng : Khi ta liệt kê con số các thiên hà hay thăm dò sự hiện hữu của các phân tử sơ đẳng, thì có lẽ không tìm ra chứng cớ chứng minh có Thiên Chúa. Nhưng trong tư cách một khoa học gia nghiên cứu, tôi hết sức có ấn tượng trước sự trật tự và vẻ đẹp tìm thấy trong vũ trụ và trong các hiện tượng vật chất. Và trong tư cách một người quan sát thiên nhiên, tôi không thể bác bỏ tư tưởng này: chính tại đây có sự hiện hữu từ trước của một trật tự sự vật cao hơn. Tôi nhận thấy ý nghĩ cho rằng tất cả những điều này chỉ là kết quả của trùng hợp hay chỉ là sự đa dạng về thống kê quả là không thể chấp nhận được. Ở đây, quả có sự hiện hữu của một trí hiểu cao hơn, vượt quá và vượt lên trên sự hiện hữu của chính vũ trụ.

Albert Einstein, nhà vật lý học vĩ đại nhất của thế kỷ 20 cũng đạt tới kết luận tương tự. Ông không theo một tín ngưỡng đặc thù nào, nhưng trong khảo luận cuối cùng về Khoa Học và Tôn Giáo, ông viết: “Tôn giáo của tôi hệ ở việc khiêm nhu chiêm ngưỡng tinh thần bất tận tự tỏ mình ra trong những chi tiết nhỏ nhoi nhất mà ta có thể thấy được bằng trí óc mỏng dòn yếu ớt của mình. Niềm xác tín hết sức cảm xúc ấy về sự hiện hữu của quyền lực suy luận thượng đẳng ấy tự tỏ mình ra trong vũ trụ khả niệm của ta. Chính điều đó tạo thành ý niệm của tôi về Thiên Chúa”.

Đi tìm ý nghĩa đời người

Công đồng Vatican II bổ túc các khẳng định khoa học trên khi bàn đến ý nghĩa của sự sống. Tuyên Ngôn về Liên Hệ của Giáo Hội với Các Tôn Giáo Không Phải Kitô Giáo nói rằng: Con người kiếm tìm trong các tôn giáo khác nhau câu trả lời cho các điều bí ẩn chưa ai giải đáp được về sự hiện hữu của con người (Nostra Aetate, 1). Các vấn đề đang đè nặng lên tâm hồn con người ngày nay hay ngày xưa cũng đều giống nhau. Nhân loại là gì? Đâu là ý nghĩa và mục đích của sự sống? Đau khổ do đâu phát sinh và nhắm cùng đích nào? Làm thế nào tìm được hạnh phúc chân chính? Điều gì xẩy ra sau khi chết? Phán xét là gì? Đâu là phần thưởng sau khi chết? Và sau cùng, mầu nhiệm tối hậu là gì, một mầu nhiệm vượt quá sự giải thích của con người, bao gồm toàn cuộc hiện sinh của ta, phát sinh ra nguồn cội của ta, và ta đang hướng tới?

Tất cả chúng ta đều đang đi tìm ý nghĩa và mục đích đời mình. Cả chủ nghĩa bất khả tri mơ hồ lẫn môi trường tục hóa đều không đem lại cho ta các câu trả lời thỏa đáng cho các mầu nhiệm chưa ai giải quyết được về sự sống con người. Nên con người vẫn đi tìm các giái đáp ở bất cứ chỗ nào tình cờ đang cung cấp nó hay ở bất cứ chỗ nào họ tình cờ tìm ra nó.

Vì cuộc đi tìm ý nghĩa và mục đích sự sống là một trong những vấn đề then chốt trong triết học, văn học và phân tâm học ngày nay. Tại Vienna, nhà trị liệu quá cố Viktor Frankl, một đệ tử của Freud, đã đặt căn bản phương pháp mà ông gọi là “logotherapy” (1) trên việc đi tìm ý nghĩa cuộc hiện sinh của ta. Việc đi tìm này không là một với cuộc đi tìm Thiên Chúa nhưng rất gần với cuộc đi tìm ấy. Đây không phải là việc đi tìm bất cứ ý nghĩa nào cho cuộc hiện sinh của ta, mà tìm cho được ý nghĩa cho chính cuộc sống của mình. Ngay những phát biểu sai lầm của tôn giáo trong các nền văn hóa khác nhau, xét cho tới nơi, cũng đều là những hoài mong có được câu trả lời đáng tin đối với các câu hỏi tối hậu trong cuộc hiện sinh của ta, một câu trả lời đối với sự bất ổn của đời ta.

Không một dân tộc nào vô tôn giáo

Chính môn tôn giáo học so sánh đã chỉ cho ta thấy rõ: theo tầm hiểu biết của ta, chưa bao giờ có một dân tộc hay một bộ lạc người nào không có tôn giáo. Chỉ sự kiện đó thôi cũng cho thấy tôn giáo liên hệ chặt chẽ với nhân loại, nó là một phần hữu thể ta. Như thế, tôn giáo học so sánh muốn chứng tỏ rằng thực hành tôn giáo là thiên bẩm (dowry) chủ yếu của linh hồn con người.

Nếu ta mở sách lịch sử, ta sẽ thấy ở mọi nơi và mọi lúc, các dân tộc bán khai và các tôn giáo chính trong các nền văn minh khác nhau đều hướng về Đấng Thiên Chúa hay các thần minh của họ trong tìm kiếm và khẩn cầu. Bất cứ nơi nào con người để lại dấu vết hay đền đài làm chứng tích đời họ, ta đều thấy các bằng chứng họ thực hành hy lễ cho các thần minh và khẩn cầu các vị trợ giúp.

Ở mọi lục địa và mọi thời đại, con người đều qùy gối khẩn cầu và ca ngợi, tạ ơn và tạ tội với Thiên Chúa, và để lại cho ta những biểu hiện của việc họ kêu van nài xin để nhiều thời đại sau ta có thể nhìn vào con người bên trong nhất của họ.

Những lời kinh cảm tạ đơn giản của người Yamana trên Tierra del Fuego, những lời khẩn cầu trên các bia mộ Ai Cập, những tiếng kêu tha thiết được bất tử hóa trên đất sét của họ bằng ngôn ngữ tượng hình, những lời cầu trời của người Trung Hoa, những lời kinh của người Hy Lạp và La Mã khẩn cầu cho chiến thắng và thành công, những tiếng tụng kinh đạo hạnh của kinh điển Phật Giáo, những ca khúc ngợi khen thần minh tại các vạn thần miếu Vedic và Avestic ở Ấn Độ và Ba Tư, đều là những kinh Vinh Danh (Gloria) nhiều giọng, bất tận, được đục hay khắc vào đá hoặc viết lên đất sét. Chúng đều là những kinh Miserere and De Profundis (Xin Thương Xót và Từ Vực Sâu) hết sức cảm động của những con người từng sống cả mấy nghìn năm trước dùng để khẩn cầu các quyền năng cao hơn mình trợ giúp và giải thoát. Ngay từ những thời xa xăm nhất của lịch sử thế giới mà ta có thể kiếm lại được các biểu hiện và nền văn minh nhân loại, các dấu vết và giọng nói khẩn cầu, khấn xin của những con người nhân bản vẫn được ta khám phá ra.

Và giờ đây, để so sánh, ta hãy lắng nghe lời của một con người đã từ bỏ việc đi tìm Thiên Chúa, đã từ khước không cầu nguyện nữa, và là người dứt khoát dơ cánh tay lên chống lại Thiên Chúa. Đó chính là Friedrich Nietzsche, người nhất định tìm cách giết Thiên Chúa, nghĩa là đặt con người vào chỗ của Người. Nói với mình, ông bảo: “Ngươi sẽ không bao giờ cầu nguyện lại nữa, không bao giờ thờ lạy lại nữa, không bao giờ an nghỉ lại trong một niềm tín thác bất tận nữa. Ngươi không được cho phép ngươi ngưng lại trước bất cứ sự khôn ngoan tối hậu nào, sự tốt lành tối hậu nào, quyền lực tối hậu nào, khi vận dụng tư tưởng ngươi. Ngươi không có đấng bảo hộ và bằng hữu đời đời nào cho bẩy thứ cô đơn của ngươi. Ngươi sống không cần thấy núi, thấy tuyết trên đỉnh chúng và lửa trong tâm chúng. Không còn người báo thù cho ngươi cũng không còn người hoàn thiện ngươi lần sau hết nữa. Không còn bất cứ lý lẽ nào cho những điều đang xẩy ra nữa, mà cũng không còn bất cứ yêu thương nào trong những điều sẽ xẩy ra cho ngươi nữa. Không còn nơi an nghỉ nào mở cửa cho trái tim ngươi nữa, nơi nó chỉ cần thấy chứ không cần tìm nữa. Ngươi phải chống lại bất cứ thứ sự bình an tối hậu nào… Ai sẽ cho ngươi sức mạnh để làm những điều ấy? Không ai từng có sức mạnh này” (Nietzsche, Fröhliche Wissenschaft, Aphorism 285.)

Đây là giọng nói của một con người muốn đặt mình vào chỗ của Thiên Chúa và do đó tự diệt vong mình ngay trong diễn trình ấy. Những quan điểm trái ngược nhau trên có nghĩa gì đối với các Kitô hữu ở lúc hừng đông của thiên niên kỷ mới? Một đàng, có những con số phản ảnh việc xa lìa Giáo Hội như một cộng đồng tín hữu, nhưng đàng khác, chúng ta lại bắt gặp một lòng hoài mong trông đợi Thiên Chúa. Đâu là lý do tạo ra đà xuống dốc cho các Giáo Hội Kitô Giáo? Có nên đổ lỗi cho xã hội không? Hay vì các Giáo Hội Kitô Giáo không hiểu các dấu chỉ của thời đại? hay không muốn hiểu chúng? Và do đó không nhận được sứ điệp của chúng? Hay tại lỗi của chính các Kitô hữu?

Bởi thế câu hỏi đầu tiên: có nên đổ lỗi cho xã hội không?

Trong thế kỷ 20, xã hội ta đã trở nên đa nguyên và đa văn hóa hơn bao giờ hết. Người ta dễ khám phá ra một sự biến đổi sâu rộng khắp mọi nơi. Khoa học và kỹ thuật đã thay đổi cuộc sống ta từ căn bản. Hai thế chiến đã tàn phá Âu Châu. Nhưng niềm tin vào tiến bộ khoa học như một thay thế cho tôn giáo, khởi đầu thế kỷ hết sức mạnh, nay đang bắt đầu lung lay.

35 năm trước đây, khi chưa có được những con số thống kê mà ta có hiện nay về việc người ta giảm quan tâm đối với niềm tin Kitô giáo, Công Đồng Vatican II đã thấy rằng “lịch sử đang tiến bước quá nhanh đến nỗi từng cá nhân riêng rẽ khó lòng theo kịp. Vận mạng cộng đoàn nhân loại trở thành một mà thôi và không còn bị phân tán thành nhiều dòng lịch sử khác nhau nữa. Như vậy từ một quan niệm tĩnh về vũ trụ, nhân loại đã bước sang một quan niệm động và tiến hóa hơn, do đó phát sinh những vấn đề hết sức phức tạp mới mẻ đòi phải có những phân tích và tổng hợp mới” (Vui Mừng và Hy Vọng, 5).

Xa hơn chút nữa, cũng hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng (9) này nhận định thêm: con người càng ngày càng ý thức được rằng các sức mạnh họ vừa tạo ra vẫn nằm trong bàn tay của họ. Kiểm soát chúng hay để chúng nô dịch mình là tùy ở họ. Chính đây là thế lưỡng nan của thời hiện đại. Như vậy, Công Đồng đã thấy trước sự biến đổi xã hội to lớn sẽ xẩy ra vào hừng đông thiên niên kỷ mới. Và, vào lúc kết thúc đệ nhị thiên niên kỷ, việc chẩn bệnh của Công Đồng quả đã tỏ ra rất đúng: vì muốn được tự lập hơn bao giờ hết, các cá nhân đã càng ngày càng phải dựa vào chính mình nhiều hơn và tỏ ra bất tín nhiệm đối với bất cứ thứ định chế nào. Người ta tra vấn thẩm quyền. Hậu quả là: một đàng, có sự bất an phổ quát và mất tình liên đới đối với các đồng loại, cả nam lẫn nữ, của mình. Và đàng khác, chủ nghĩa vị kỷ và ngạo mạn đã dẫn tới việc gia tăng chỉ trích nhà nước và xã hội. Giáo Hội, trong vai trò cộng đồng Kitô hữu, cũng không tránh khỏi việc bị chỉ trích này.

Công luận cũng đã trải qua một biến đổi lớn. Xã hội truyền thông đầy năng động và mềm dẻo đã thay thế cho trật tự ổn định trước đây của các định chế đã được thiết lập từ lâu. Hệ thống giá trị mới đang dần dần lấn áp. Hôn nhân và gia đình là những định chế chịu nhiều tác động hơn cả. Kể từ thập niên 1960, tự do và độc lập đã trở thành các khẩu hiệu của giới trẻ. Nhưng tự do vô trách nhiệm cho mình và cho người khác là một tự do mỏng dòn.

Một cách vô hình, quyền lực lưỡng giá (ambivalent) của truyền thông đang càng ngày càng trở nên nhân tố quyết định nơi công luận đa văn hóa. Ngày nay, các biến cố địa phương thường được thổi phồng thành chiều kích hoàn cầu, và mọi sự kiện đơn độc đều được tổng quát hóa. Ai cũng xác tín rằng họ hoàn toàn hiểu biết và do đó có thể bình luận và phê phán các biến cố dù xa xôi vạn dặm. Mọi sự đều ở trạng thái trồi sụt và chẳng có gì xem ra là có thể cả. Một đàng, ta có sự trăm hoa đua nở về nhận thức và kinh nghiệm, một lòng sẵn sàng mới để giúp người, một lòng sẵn sàng, nhờ sử dụng được hệ thống thông tin hoàn cầu, càng trở nên sắc bén hơn. Nhưng đàng khác, người ta đang nói tới quyền lực của các hình ảnh ác, bầu khí tàn nhẫn và bạo lực mà nhiều người vẫn cho là do ảnh hưởng của truyền thông. Xem ra, càng ngày người ta càng xác tín rằng giải quyết các tranh chấp bằng vũ lực dễ hơn bằng đối thoại. Chỗ đứng của Kitô Giáo trong tất cả các vấn đề này là đâu?

Câu hỏi thứ hai: Đà xuống dốc có phải là do lỗi của các Giáo Hội?

Với một vận tốc đau đầu, xã hội truyền thông, một xã hội chỉ để mắt vào phía nhân bản của Giáo Hội, cũng đã làm tăng cảm quan bất an đối với các thực hành của Giáo Hội. Do đó, được truyền bá bằng lối tường thuật một chiều của truyền thông, hình ảnh tiêu cực về Giáo Hội và đức tin Kitô Giáo đã được thổi phồng hết cỡ. Đối diện với khung cảnh ấy, các nhà lãnh đạo Giáo Hội càng ngày càng cảm thấy bất an. Một số vị muốn rút chân ra khỏi tình thế phức tạp ấy và hướng chú ý của mình vào bên trong. Họ bận bịu với những phê bình chỉ trích nội bộ, tự phê phán mình, cố gắng canh tân cơ cấu. Trong những cuộc thảo luận sau Công Đồng, khuynh hướng này trở nên gia trọng hơn nữa vì sự chia rẽ giữa những người bảo thủ và những người cấp tiến. Một thứ cảnh tự nhìn rốn mình trong Giáo Hội đang diễn ra.

Nhưng, quan tâm hàng đầu của các Giáo Hội Kitô Giáo, của mọi Giáo Hội, nhất là Giáo Hội Công Giáo, trước nhất và trên hết không phải là hình ảnh công về mình. Quan tâm hàng đầu của nó luôn phải là chuyển giao sứ điệp Tin Mừng bằng quan điểm vừa thích ứng vừa bất biến của mình. Do đó, ta đối diện với câu hỏi: làm thế nào tôi có thể chu toàn nhiệm vụ chuyển giao sứ điệp này trong thế giới như hiện nay? Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Nó đòi nhiều hơn mức bình thường sự hợp tác giữa các vị giám mục, linh mục và giáo dân. Cả ở đây, Công Đồng Vatican II cũng đã nhiều lần nhấn mạnh tới sự cần thiết của một hợp tác như thế. Như hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân”, số 33, từng nói: Ngày nay, các giáo dân được mời gọi một cách đặc biệt phải làm cho Giáo Hội hiện diện và sinh hoa trái tại những nơi và trong những hoàn cảnh mà chỉ nhờ họ Giáo Hội mới trở nên muối đất.

Và điều đó nữa cũng là lý do khiến các nhà lãnh đạo Giáo Hội không nên nhát sợ trước sự đa dạng lớn lao. Trong nhiều năm qua, sự nhát sợ của các vị trong phạm vi này đã dẫn tới chủ nghĩa tập quyền và bàn giấy thái quá, đầy tính phòng ngự. Từ ngày Công Đồng Vatican II đến nay, người ta càng ngày càng hiểu rõ: Giáo Hội Công Giáo đang đối diện với một vấn đề thuộc loại đặc biệt trong tương lai. Tín hữu Công Giáo tại các giáo xứ và giáo phận ngã lòng khi không thấy an tâm hay phấn khích chút nào từ cơ quan lãnh đạo trung ương của Giáo Hội, khi nhiều cảnh cáo về sai lầm hay lạc giáo xuất hiện trên rất nhiều văn kiện xuất phát từ Rôma, ngoại trừ các văn kiện và thông điệp do chính Đức Giáo Hoàng viết. Tín hữu Công Giáo chờ mong các dấu chỉ khích lệ và việc trao đổi tin tức hỗ tương như dấu chỉ hợp nhất và đa dạng.

Đây là lý do tại sao ngày nay, những câu hỏi như ta cần loại lãnh đạo nào trong Giáo Hội Công Giáo ngõ hầu duy trì được sự hợp nhất của nó trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, và ta có thể áp dụng các hình thức đa dạng nào mà không gây thiệt hại nghiêm trọng cho sự hợp nhất kia, vẫn cứ tiếp tục được đặt ra. Qua thông điệp Ut Unum Sint (số 95), hiển nhiên ta thấy Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II biết rất rõ những câu hỏi này. Trong thông điệp này, ngài nhấn mạnh tới mối nối kết giữa giám mục đoàn và đức giáo hoàng. Theo ngài, giám mục Rôma cũng là thành viên của giám mục đoàn, và các giám mục là anh em của ngài trong thừa tác vụ.

Dựa vào Chúa Thánh Thần, ta phải dành chỗ cho tính đa diện của Giáo Hội trong mọi lãnh vực và trong mọi vấn đề của đời sống Giáo Hội. Cộng đồng tín hữu bắt rễ trong các gia đình, trong các giáo xứ, nơi người tín hữu trưởng thành đi vào cộng đồng và trở nên Kitô hữu nhờ phép rửa và các bí tích. Chính các cộng đồng bé nhỏ, nhưng sống động này lập thành mạng lưới Giáo Hội với các nhận thức của họ về Kitô Giáo, những huấn giáo tôn giáo căn bản dành cho người lớn (giáo lý) và tình liên đới trung trinh của họ. Trong các thời buổi sóng gió, mạng lưới này cần thông tin, thông đạt, tăng cường và khích lệ từ các cơ cấu lớn hơn của Giáo Hội thế giới, là Giáo Hội, căn cứ vào nguyên tắc phụ đới, phải có tính nâng đỡ chứ không độc tài. Lúc ấy, tình liên đới của cộng đồng Giáo Hội sẽ tăng tiến.

Câu hỏi thứ ba và cuối cùng: đà xuống dốc có phải là lỗi của chính các Kitô hữu không?

Thiên Chúa tạo dựng những con người sống động chứ không phải các cơ cấu. Xét cho cùng, ta luôn luôn xử lý với những con người. Các cơ cấu tốt nhất vẫn vô ích nếu con người nhân bản thất bại. Đó là điều Chúa Giêsu muốn nói khi giảng dạy tại Israel, và sau Bài Giảng Trên Núi, đã nói như Mátthêu 5:13 ghi lại rằng: “Các con là muối đất; nhưng nếu muối mất vị, thì làm sao lấy lại được cái mặn của nó? Nó chẳng còn ích lợi chi cho điều gì hết ngoại trừ bị liệng đi… Các con là ánh sáng thế gian. Một thành xây trên đồi không thể bị che kín… Ánh sáng các con hãy chiếu rạng giữa muôn người, để khi thấy việc làm tốt của các con họ sẽ vinh danh Cha các con ở trên trời. Và sau cùng, ai nghe những lời này của Thầy và thực hành chúng sẽ như người khôn ngoan xây nhà trên đá”.

Điều này có nghĩa: thảo luận lời Chúa và chú giải về nó chưa đủ: trước nhất, ta phải mang nó ra thực thi và làm chứng cho nó bằng lối sống của ta. Không hề có câu trả lời ngoạn mục, không hề có công thức bí mật. Các giáo hội, tín hữu trong các giáo hội, phải là các nhà giải thích đáng tin cậy, phải là chứng nhân của tình Chúa yêu thương nhân loại. Đó chính là bí quyết của Mẹ Chân Phúc Têrêxa hoặc của Cha Thánh Maximilian Kolbe, những người đã thay đổi thế giới bao quanh họ. Và như thế, Kitô Giáo và các giáo hội của nó không cần phải sáng chế bất cứ điều gì mới. Họ chỉ cần ra đi công bố cùng một Tin Mừng, không hẳn bằng lời cho bằng làm chứng một cách yêu thương qua lối sống của mình.

Để làm nổi bật các cố gắng hiểu biết thế giới của mình, Công Đồng Vatican II bắt đầu hiến chế mục vụ vĩ đại về Giáo Hội trong thế giới ngày nay bằng một tuyên bố đổi mới có tính nhân bản Kitô Giáo rằng: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Vui Mừng Và Hy Vọng, 1). Với cái đà vĩ đại ấy, Công Đồng đã đem lại cho diễn trình tương lai của Giáo Hội một trang bị giá trị mà ta cần phải sử dụng nhuần nhuyễn. Chỉ cần lưu ý một số chữ then chốt ở đây: hình ảnh đổi mới về Giáo Hội, các cố gắng để phát huy việc đại kết, việc hợp tác giữa các linh mục và giáo dân, tầm quan trọng của các tôn giáo lớn theo quan điểm Kitô Giáo qua đối thoại liên tôn, và sau cùng việc nhấn mạnh tới tự do tôn giáo.

Kết luận

Ta có thể tóm lược như thế này: cộng đồng Kitô Giáo ở Âu Châu, một cộng đồng mà từ cuộc trở lại của Hoàng Đế Constantinô vào thế kỷ thứ tư trở về sau rất được công luận kính nể và hỗ trợ, nhưng ngày nay đang bị lật nhào trở lại chính mình bởi một môi trường sống không biết tin, dửng dưng và đôi khi còn thù nghịch nữa, và cũng như lúc khởi đầu phải tự xoay xở thế nào, thì nay cũng chỉ còn trơ lại các tài nguyên riêng của mình, những tài nguyên vốn từng diễn biến từ các yếu tố cả thần linh lẫn nhân bản. Các vết tích của một Giáo Hội thời Constantinô xem ra đang mờ dần, và một xoay chiều lần thứ hai cũng nền tảng không kém gì sự xoay chiều thời Constantinô đang chờ đợi ta. Đương đầu với làn gió lạnh lùng đối kháng, cộng đồng Kitô Giáo hợp nhất theo mẫu đại kết một lần nữa đang trở thành muối đất và ánh sáng trên đồi cao. Vì lời kêu gọi trở thành ánh sáng chiếu rọi từ đỉnh đồi cao, trở thành muối không mất vị mặn lúc nào cũng văng vẳng đối với lối sống Kitô Giáo mọi thời.

Sau cùng ta hãy lắng nghe giọng nói của một người mà đối với ông, làm chứng là điều quan trọng hơn cả: Hãy chiếu rọi như ánh sáng trong một thế giới âm u… Có lẽ người ta chả cần phải nói thế nếu đời ta thực sự chiếu rọi ra bên ngoài. Ta chả cần nói thế nếu ta để việc làm của ta lên tiếng. Có lẽ chả còn người ngoại đạo nếu tất cả chúng ta đều là những Kitô hữu chính danh, nếu ta tuân giữ các giới răn của Chúa Kitô. Nhưng thực ra, ta yêu tiền cũng như họ yêu, thực tế, còn hơn cả họ. Ta sợ chết cũng như họ sợ. Như thế làm sao họ bị các niềm tin của ta thuyết phục cho được? Bằng phép lạ ư? Đâu còn phép lạ. Bằng tác phong của ta ư? Tác phong ấy quá tệ. Bằng tình yêu chăng? Có thấy dấu vết nó ở nơi nào đâu? Đó chính là lý do tại sao có ngày ta phải tính sổ không phải chỉ là các tội lỗi của ta mà còn cả những thiệt hại do ta thực hiện.

Người diễn tả quan tâm của mình một cách mạnh mẽ như trên chính là Thánh Gioan Kim Khẩu, Thượng Phụ Constantinốp và là người đồng thời của Thánh Augustinô thế kỷ thứ năm. Điều Thánh Gioan Kim Khẩu nói lúc Kitô Giáo mới phôi thai cũng đúng đối với chúng ta trong xã hội đa văn hóa ngày nay khi ta khởi đầu một thiên niên kỷ mới. Lời mà thôi không đủ. Con người nhân bản và những điều họ làm mới là nhân tố quyết định.

Phóng dịch bài “The pull of God in a godless age” của Đức Hồng Y Franz König, Tổng Giám Mục Hưu Trí của Vienna, đăng trên tuần san The Tablet của Anh số 18/09/1999.

(1) Logotherapy là phương pháp trị liệu do nhà thần kinh học và phân tâm học Viktor Frankl khai triển. Nó được coi là “Trường Phái Trị Liệu Tâm Lý Thứ Ba Của Vienna” bên cạnh phân tâm học của Freud và tâm lý học cá nhân của Adler. Đây là loại phân tích hiện sinh tập chú vào ý chí tìm ý nghĩa, đối nghịch với học thuyết ý chí tìm quyền lực chịu ảnh hưởng Nietzsche của Adler, và ý chí tìm khoái lạc của Freud. Thay vì quyền lực hay khoái lạc, logotherapy xây dựng trên niềm tin cho rằng chính cố gắng đi tìm ý nghĩa đời người mới là sức mạnh hàng đầu, mạnh nhất nơi con người.