NHÂN KỶ NIỆM KIM KHÁNH THÀNH HÔN

Kính Anh Chị Th.

Sau khi nhận lời mời dự tiệc kim khánh thành hôn của anh chị, tôi cứ suy nghĩ lan man: Sẽ phải mừng anh chị thế nào đây trong một ngày đầy ý nghĩa thế này? Sẽ phải nói gì như lời chúc mừng cho một dịp rất trọng đại và ngày càng hiếm qúy thế này? Ý nghĩa và trọng đại vì biến cố này đánh dấu một chặng đường dài anh chị đã đi qua với bao nhiêu kỷ niệm mang đủ hết những hương vị của cuộc sống hôn nhân và gia đình, từ ngọt bùi, thơm ngon, cay đắng, mặn nồng, đến chua chát, nhạt nhẽo hay chán ngán. Hiếm quý là bởi vì với cái tỉ lệ ly dị hãi hùng như hiện nay, cứ hai đôi hôn phối thì có một đôi rã đám, thì kiếm đâu ra ngân khánh, nói gì đến kim khánh hay ngọc khánh? Chỉ như thế cũng đủ để mừng cho anh chị rồi!

Mừng kỷ niệm ngày thành hôn của anh chị, tôi không thể không nói đến hôn nhân, vốn là một đề tài khá nóng, nhất là khi mới đây, New York trở thành tiểu bang thứ sáu tại Hoa Kỳ công nhận hôn nhân đồng tính. Nhưng thôi, tạm gác cái vụ cong queo khó nói này qua một bên, để nói chuyện thẳng thắn cái đã.

Gloria Steinem, một nhà đấu tranh cho nữ quyền, một nhà báo và một nhà hoạt động xã hội của Hoa Kỳ trong thập niên 60-70, có kể rằng: khi người ta hỏi bà là tại sao phụ nữ không mê cái thú cờ bạc đỏ đen như cánh đàn ông, thì bà trả lời rằng bởi vì phụ nữ không có nhiều tiền bằng quý ông, nhưng bà lại thêm ngay rằng: nói như thế đúng, nhưng vẫn còn thiếu sót, phải nói là cái thú đam mê cờ bạc đỏ đen nơi người phụ nữ có thể nói được là thỏa mãn khi họ đi lấy…chồng. Hóa ra, đối với nhà đấu tranh cho nữ quyền này, hôn nhân là một canh bạc: nếu đỏ thì sẽ có hạnh phúc bên một người chồng tốt; còn nếu đen thì sẽ phải kéo lê những tháng ngày buồn bã dài đến vô tận, nếu không sớm tìm cách thoát ra.

Nữ phóng viên Mỹ, Mignon McLaughlin, lại hơi có vẻ mỉa mai khi tuyên bố rằng: “Một hôn nhân được coi là thành công thì đòi có sự “phải lòng” liên tục, nhưng chỉ với một người mà thôi.” Đúng là lý tưởng đến độ không tưởng: dễ có mấy ai ngày nào cũng bị chết điếng bởi tiếng sét ái tình chỉ với một người? Ngày nào cũng nhìn thấy mặt nhau, làm sao tránh khỏi nhàm chán, phải không anh chị?

Xưa nay, hôn nhân thường được nhìn dưới hai góc cạnh: bi quan và lạc quan. Tương tự như giọng điệu có vẻ yếm thế về hôn nhân của Gloria Steinem nói trên, một nhà văn thời Phục Hưng của Pháp, Michel de Montaigne, đã ví hôn nhân như một cái lồng chim. Những con chim đang tự do bay lượn bên ngoài thì cứ cố làm sao chui vào cho bằng được, trong khi những con “chim (đang) hót trong lồng” thì lại tìm đủ cách để vượt thoát ra.

Thế nhưng Socrates, nhà triết học lừng danh của Hy Lạp, đã lấy chính kinh nghiệm xương máu bản thân để gióng lên một lời kêu gọi đầy lạc quan yêu đời gửi đến quý vị nam nhi nào đang chuẩn bị bước qua ngưỡng cửa hôn nhân như thế này: “Các bạn ơi, cứ mạnh dạn kết hôn đi: nếu may mà lấy được vợ hiền thì sướng biết mấy; còn lỡ chẳng may không lấy được vợ hiền thì mình cũng sẽ trở thành…triết gia.”

Dù nhìn với ánh mắt bi quan yếm thế, hay với một cõi lòng rạo rực phơi phới theo kiểu “yêu như chưa yêu lần nào,” thì hôn nhân vẫn là một vấn đề muôn thuở, bởi vì nó chính là đời sống con người, mà cái gì liên quan đến con người, nhất là sinh bệnh lão tử, thì đều đưa đến các vấn nạn, lắm khi thật là nan giải.

Dẫu sao chăng nữa, cũng như bất kỳ một công trình nào của con người, chỉ thuần túy con người mà thôi, chưa nói đến tôn giáo hay siêu nhiên, hôn nhân chính là một thực tại sinh động, y như một mầm cây, cần được ươm bón, vun trồng, qua những chăm sóc tận tụy, là những hy sinh hằng ngày, dù lớn hay nhỏ, nhưng nhất thiết là phải liên tục và bền bỉ, thì mới mong có ngày tươi tốt, cành lá sum suê, rồi đâm bông kết trái, để trở thành một thân cổ thụ, đem lại bóng mát và chỗ nghỉ chân cho lũ cháu đàn con.

Trong ý nghĩa ấy, hy sinh và tự hiến, điều mà ngày nay càng khó hiểu, càng khó tìm, lại chính là yếu tố gắn liền với thực tại hôn nhân và hạnh phúc, đến độ không có hy sinh, tất sẽ không có hạnh phúc hôn nhân.

Ngay từ đầu, để bước vào hôn nhân, người con gái đã phải “hy sinh sự chú ý của biết bao chàng trai để đổi lấy sự thờ ơ đến lạnh lùng của một anh…chồng,” như nữ văn sĩ Helen Rowland và nữ tài tử Katharine Hepburn đã có cùng một nhận định. Trong khi đó, người con trai phải “lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt,” như sách Sáng Thế đã nói. Đã có nhiều giai thoại cứ tưởng như huyền thoại về việc người con trai đi tìm vợ, như chuyện Jacob ở rể tới mười bốn năm trời mới lấy được nàng Rachel (Sách Sáng Thế, chương 29-31). Ly kỳ hơn nữa là câu chuyện về chàng Tobia phải đi đến tận miền xa mới lấy được nàng Sarah, vốn mang tiếng là ‘sát phu.’ Chỉ bởi vì qua bẩy lần kết hôn, cứ đến đêm động phòng là anh chồng nào cũng lăn quay ra chết. Chẳng thế mà khi đến lượt Tobia trở thành chú rể, trong lúc tân lang và tân giai nhân còn đang du dương trong phòng, thì ở ngoài kia, ông bố vợ và đám nô bộc lại vác cuốc vác xẻng đi ra đào…huyệt (Sách Tobia, chương 3-10). Có lẽ vì thông cảm cho giới mày râu trong “công trình” đi tìm ý trung nhân mà Benjamin Tillett, một nhà xã hội học người Anh, đã nói một câu thấm thía: “God help the man who won’t marry until he finds a perfect woman, and God help him still more if he finds her,” xin tạm dịch là “Chúa phù hộ cho chàng thanh niên nào chỉ kết hôn khi đã tìm được người phụ nữ toàn hảo, nhưng Ngài còn phù hộ chàng nhiều hơn nữa khi chàng đã tìm thấy nàng rồi.” Thế mới rõ, khi kết hôn rồi, hoặc nói theo Michel de Montaigne, khi “chim đã vào lồng” rồi thì mới biết tay nhau!

Nói tới hy sinh tự hiến, là nói từ cả hai phía. Hy sinh là quên mình để sống cho người kia, là dành ưu tiên cho ‘đối phương,’ là nhẫn nhục cốt để gìn giữ hoà khí trong gia đình, cho đến khi tự hiến và hy sinh trở thành bản năng thứ hai của mỗi người. Một lần nữa, Michel de Montaigne đã thốt lên một cách rất ‘kinh nghiệm’ rằng: “Hôn nhân tốt đẹp chỉ có được giữa một người vợ mù và một anh chồng câm.” Tuy hơi có vẻ thậm xưng, tôi hiểu văn sĩ này chỉ muốn nhấn mạnh đến sự tự chế, tương kính, và cảm thông giữa vợ và chồng. Ogden Nash, một thi sĩ trào phúng của Mỹ, cũng nói cùng một ý tưởng, những bằng một văn phong khác: “Muốn hôn nhân hạnh phúc, thì khi sai, quý ông phải tự nhận mình sai, còn khi đúng, quý ông phải câm miệng lại.” Nhà văn Trà Lũ của Việt Nam cũng đưa ra một nguyên tắc thật giản dị để bảo vệ hạnh phúc. Tác giả viết mẩu chuyện vui như sau: " Trong bữa tiệc mừng đại thọ do con cháu tổ chức, có người xin cụ Phúc cho biết bí quyết giữ hạnh phúc gia đình. Cụ trả lời: Cả đời tôi chỉ tâm niệm có hai điều: Điều 1: vợ tôi bao giờ cũng đúng. Điều 2: Nếu vợ sai thì xem lại điều 1. Thì ra, không đâu bằng nơi đời sống hôn nhân, một sự nhịn đúng là chín sự lành. Cha ông ta đã rất chí lý: “Thuận vợ, thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn.”

Một nhân vật nữ khác, có tên là Madame de Rieux, đã nói một câu thời danh thế này: “Hôn nhân là một tấm vé số mà người đàn ông phải mua bằng sự tự do của mình, trong khi người phụ nữ phải lấy hết cả niềm hạnh phúc của cuộc đời thì mới mua được.” Trong khi đó, Amy Bloom, một văn sĩ Mỹ, đã dùng một hình ảnh đẹp khác để phác hoạ ra bức tranh hôn phối: “Hôn nhân chẳng phải là một nghi thức hay một đích điểm. Nó là một màn khiêu vũ lâu dài, điệu nghệ và thân mật của hai người, trong đó không có gì quan trọng hơn là cảm năng giữ thăng bằng của bạn và việc bạn chọn đúng đối tượng cho mình.”

Phải, chúng ta ai chẳng mong muốn một hôn nhân lâu bền và hạnh phúc. Nhưng làm gì có được nếu không có hy sinh, tự hiến, quân bình, như là kỹ năng sống hàng ngày. “Chúng ta đã tốn thì giờ tìm cho bằng được người yêu lý tưởng, nhưng lại không biết tự mình tạo ra một tình yêu lý tưởng.” Câu nói này của Tom Robbins, một văn sĩ Mỹ, khiến tôi càng tin rằng hôn nhân giống y như một bữa ăn, chính ta phải bỏ công ra sửa soạn, từ đầu đến cuối, từ nai lưng ra đi làm kiếm tiền, cho đến khi đi chợ, đem thức ăn về chuẩn bị nấu nướng, nêm nếm cho vừa miệng, rồi dọn ra bàn sẵn sàng cho một bữa tối ngon miệng, khi vợ chồng con cái quây quần bên nhau quanh bàn ăn, dưới mái gia đình ấm cúng. Bữa ăn hôn nhân không giống như mì ăn liền, ‘fast food’, hay tô phở tái gọi vội ăn cho qua bữa. Bữa ăn hôn nhân đúng là ‘muốn ăn thì phải lăn vào bếp.’

Nhìn anh chị, qua 50 năm thành hôn, vẫn phong độ, vẫn tươi tắn, với đầy đủ con cháu vui vầy hạnh phúc, khiến tôi liên tưởng đến câu nói của Jeanne Moreau, nữ tài tử kiêm đạo diễn Pháp: “Tuổi tác không cản trở bạn yêu đương, nhưng tình yêu có thể làm bạn trẻ mãi.” Dẫu sao, dù còn trẻ hay không còn trẻ nữa, dù bên ngoài có thay đổi ít nhiều, điều quan trọng nhất vẫn là thế này: liệu bản chất của mình có còn giữ được mãi nét tươi nhuận ngày nào chăng? Trong ý tưởng đó, tôi muốn kết thúc vài hàng tâm sự này bằng cách trích dẫn câu nói của N. D. Stice, một tác giả Mỹ, một câu nói được trích dẫn lại nhiều lần và nhiều nơi: “Like a plum, you are not getting any better looking, but you are getting sweeter” mà tôi xin tạm dịch là: ‘Giống như trái mận kia, bạn sẽ không còn vóc dáng dễ nhìn hơn đâu, thế nhưng bạn sẽ ngọt lịm hơn.”

Đó cũng là lời cầu chúc của riêng tôi, của chúng tôi, những người bạn của anh chị: “You are getting sweeter!”

07/16/11
Kính tặng Anh Chị Th.
Kỷ niệm 50 năm thành hôn (1961-2011)
Lễ kính Đức Mẹ Carmêlô

Nguyễn Kim Ngân