Caritas Sri Lanka: người dân cần nền hòa bình bền vững

Một hội nghị được tổ chức bởi Caritas Sri Lanka - Sedec nêu bật các mục tiêu của các nhà lãnh đạo chính trị: phẩm giá cho người Tamil, xem xét lại vấn đề ngôn ngữ quốc gia, tháo dỡ chính quyền quân sự ở phía bắc.

Colombo (AsiaNews) - Thay đổi thái độ, học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ và công nhận các quyền của người Tamil, trong đó có dấn thân "cần thiết" của các vị lãnh đạo tôn giáo: đây là những điểm chính mà chính phủ nên tập trung vào vì sự tốt đẹp của đất nước, vốn nổi lên từ một hội nghị của Caritas Sri Lanka - Sedec với chủ đề "Vai trò của các nhà lãnh đạo tương lai trong tiến trình chữa lành và hòa giải, hướng tới một nền hòa bình bền vững cho đất nước". Hiện diện tại hội nghị có các chính trị gia của chính phủ và phe đối lập, các chức sắc liên tôn giáo, các tu sĩ Phật giáo, các linh mục và các nhân vật nổi bật từ các tổ chức xã hội dân sự.

Các chính trị gia hiện nay đã nhất trí sự cần thiết để giải quyết vấn đề dân tộc. Dayasiri Jayasekara, một thành viên của Đảng Dân Tộc Thống Nhất (UNP) cho hay: "Tương lai của đất nước này sẽ bén rễ trên cơ sở sự hòa hợp và hòa bình giữa người Sinhala và người Tamil. Và sự trung gian của các tôn giáo góp phần cải thiện dân tộc và đất nước". Để đạt được điều này, chính trị gia thứ hai, MA Sumanthiran, thuộc Đảng Liên minh Dân Tộc Tamil (TNA) cho hay: "chúng ta nên nhận ra những thất bại của quá khứ, đừng giấu chúng dưới thảm". Chính trị gia người Tamil đã gửi một thông điệp tới Tổng thống Rajapaksa: "Nếu chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới, chúng ta nên đồng hành với nhau trong một quốc gia, chứ không phải là một đảng phái chính trị duy nhất".

Vijitha Herath, một thành viên của JVP (Janatha Vimukthi Peramuna, liên minh cầm quyền), cho biết: "Chúng tôi đã thắng chiến tranh nhưng không là hòa bình: quốc ca của chúng tôi vẫn là chỉ bằng tiếng Sinhala và gần đây [trong cuộc bầu cử vừa qua] chúng ta đã thấy các mối đe dọa mới và bạo lực chống lại người Tamil... Thông điệp nào chúng ta gởi cho người trẻ ở miền Nam và miền Bắc? Ít nhất giờ đây, người Tamil cần phải có tự do để sống với phẩm giá của mình. Nếu không có sự thống nhất quốc gia và quyền bình đẳng, sự phát triển chỉ là một huyền thoại ".

Hai năm sau khi kết thúc xung đột sắc tộc, vấn đề ngôn ngữ là một trong những sự phân biệt đối xử rõ ràng nhất trong người dân: tiếng Sinhala là ngôn ngữ chính thức của giới chính trị và toàn bộ bộ máy hành chính. Sujeewa Senasinghe, thành viên đảng UNP giải thích: "Nếu trước tiên, ngôn ngữ là một vấn đề, thì ngày nay nó đã trở thành nguyên nhân gây ra các vấn đề khác. Nếu người Tamil lên tiếng vì quyền lợi của mình, anh ta bị xem là một kẻ khủng bố. Các chính trị gia cần phải đưa kiến nghị của họ vào thực hành".

Sau đó, Senasinghe chuyển sang các vị lãnh đạo Kitô giáo và Phật giáo, cáo buộc họ không bao giờ chỉ trích tổng thống hay chế độ của ông khi họ phạm sai lầm. Tuy nhiên, cha Mangalaraj của giáo phận Jaffna, chỉ ra khó khăn để giúp người dân ở phía bắc của đất nước, bởi vì quân đội vẫn còn quản lý khu vực, sợ hãi lan rộng trong người dân và tước quyền tự do ngôn luận của họ.