Chuẩn bị lễ khai mạc ĐHGTTG Madrid 2011

Jornada Mundial da Juventude 2011

“Bén rễ và đặt nền tảng nơi Đức Giêsu Kitô, vững mạnh trong đức Tin” (x. Cl 2,7).

Buổi sáng 16.08, chuẩn bị khai mạc ĐHGTTG 2011 tại thủ đô Madrid, trời xanh mát, báo hiệu một ngày đẹp và chan hòa nắng ấm. Các phái đoàn các bạn trẻ khắp nơi tiếp tục tuốn về thủ đô, sau những ngày sinh hoạt và gặp gữ tại các giáo phận địa phương Tây Ban Nha. Các bạn trẻ mới đến và các đoàn tiếp tục ghi danh tham dự Ngày GTTG và làm thủ tục tham dự, nhận balô tại các địa điểm ấn định.

Theo đúng chương trình, thánh lễ khai mạc ĐHGTTG sẽ diễn ra vào lúc 20g tại quảng trường Cibiles, quảng trường lớn nhất và là trái tim của thủ đô Madrid.

Quảng trường Cibeles (Plaza de Cibeles) bắt đầu đại lộ lớn nhất Madrid - Paseo del Prado. Nổi tiếng nhất là giếng phun nước, với tượng nữ thần Cibeles. Giếng phun Cibiles trong tiếng Tây Ban Nha nguyên thủy gọi là Paseo de Recoletos. Sau này được cải tên mang danh hiệu nữ thần Cybele (hoặc nữ thần Ceres) một nữ thần thiên nhiên theo thần thoại Roma. Nữ thần Cybeles đứng trên xe chiến mã được hai con sư tử kéo. Công trình giếng phun này đã được xây cất dưới triều vua Charles đệ tam, do ông Vantura Rodriguez, Francisco Gutiérrez và Roberto Michel hoàn thành từ năm 1777 đến 1782…Đầu tiên, công trình giếng phun này được xây gần cung điện Buenavista, sau này vào thế kỷ XIX được rời về công trường hiện nay. Người dân thủ đô Madrid nào cũng thích tản bộ và tụ họp trong không khí mát buổi chiều tà…

Nhưng buổi chiều hôm nay, Đức Hồng Y Antonio Maria Rouco Varela, Tổng Giám Mục Madrid, sẽ chủ tọa thánh lễ long trọng khai mạc ĐHGTTG cùng với các Giám Mục, linh mục và hàng trăm ngàn bạn trẻ đang tuốn về từ khắp nơi trên thế giới.

Toàn thể giáo hội hoàn vũ cùng đồng hành với hàng giáo phẩm và giáo hội Tây Ban Nha…cùng đập một nhịp với trái tim của hàng bao triệu tín hữu và nhất là các bạn trẻ Tây Ban Nha. Đây là cơ hội có một không hai trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo tại Tây Ban Nha để nhìn lại cội nguồn đức tin phong phú của mình, để ý thức vai trò tái phúc âm hóa cho một xã hội đang bị tục hóa và càng ngày càng xa rời đức tin, để nhìn về tương lai với tất cả sự dấn thân và canh tân đức tin trong đời sống xã hội ngày hôm nay.

Cha Giuse Trần Đức Anh, giám đốc chương trình Việt Ngữ của đài phát thanh Vatican, trong bản tin phát đi vào ngày mùng 6.8 vừa qua đã phác học tổng quát những nét chính yếu của hiện tình Giáo hội Công giáo tại Tây Ban Nha và những hy vọng ĐHGTTG 2011 sẽ khơi dậy niềm tin nơi nhiều tín hữu Công giáo “nguội lạnh” tại đất nước này:

„Trưa thứ năm, 18:8 tới đây, ĐTC Biển Đức XVI sẽ đến Madrid, thủ đô Tây Ban Nha, để viếng thăm và gặp gỡ trong vòng 4 ngày, nhân dịp Ngày Quốc tế Giới trẻ lần thứ 26 tiến hành tại đây. Theo nhiều nhà phân tích, biến cố này không những là một niềm hy vọng lớn cho các bạn trẻ Công giáo thế giới, nhưng đặc biệt cho cả Giáo hội Công giáo tại Tây Ban Nha nữa.

Thống kê

Thực vậy, theo thống kê chính thức do Phòng Báo chí Toà Thánh công bố hồi trung tuần tháng 7 năm nay, Tây Ban Nha hiện có 46 triệu dân cư sống trên lãnh thổ rộng gần 506.000 cây số vuông, trong đó số tín hữu Công giáo gần 42.500.000 người, tương đương với hơn 92% dân số toàn quốc. Họ thuộc 70 giáo phận dưới sự coi sóc của 126 giám mục với sự cộng tác của hơn 16.680 linh mục giáo phận và 8.000 linh mục dòng. Tổng cộng là 24.778 vị. Số tu huynh trong Giáo hội Công giáo tại Tây Ban Nha hơn 3.800 thầy và hơn 50.300 nữ tu. Toàn nước này có 1.860 đại chủng sinh và 1.260 tiểu chủng sinh. Giáo hội Công giáo Tây Ban Nha tiếp tục có số thừa sai thuộc hàng đầu trên thế giới với hơn 15.000 người, trong đó có 109 giám mục gốc Tây Ban Nha tại hơn 30 nước, 2.500 linh mục dòng, 9.000 nữ tu và hơn 2.000 tu huynh, 1.500 thừa sai giáo dân.

Giáo hội Công giáo tại Tây Ban Nha cũng đảm trách 77 nhà thương, 54 bệnh xá, 1 viện phong cùi, hơn 800 nhà dưỡng lão, gần 4.500 trung tâm bác ái, trợ giúp hơn 2.764.000 người. Trong năm 2009, số thành viên và ân nhân của tổ chức Caritas Tây Ban Nha tăng 12,69% so với năm trước đó.

Trào lưu tục hoá

Nếu chỉ nhìn các con số thống kê, người ta không thấy được những thách đố lớn mà Giáo Hội tại Tây Ban Nha phải đương đầu.

Thực vậy, trong những thập niên gần đây, trào lưu tục hoá lan tràn tại Tây Ban Nha, kể cả trào lưu bài tôn giáo. Đảng Xã hội, do thủ tướng José Zapatero lãnh đạo, nắm chính quyền tại Tây Ban Nha, trong những năm qua đã thông qua những đạo luật đi ngược luân lý Công giáo, bất chấp sự chống đối mạnh mẽ của hàng giáo phẩm và các tín hữu Công giáo, như luật nới rộng luật cho phá thai, ly dị dễ dàng, giúp kết liễu sinh mạng bệnh nhân nan y và thụ thai trong ống nghiệm, công nhận các cặp đồng phái là hôn phối.

Số ơn gọi linh mục và tu sĩ tại Tây Ban Nha giảm sút trầm trọng và một cuộc thăm dò mới đây nơi giới trẻ nước này cho thấy chỉ có 10% cho biết mình là tín hữu Công giáo thực hành đạo, và 50% không thực hành đạo.

Hồi tháng 4 năm nay (2011), khi tiếp kiến tân đại sứ Tây Ban Nha cạnh Toà Thánh, ĐTC Biển Đức XVI đã bày tỏ quan tâm vì trong một số lĩnh vực của xã hội Tây Ban Nha, tôn giáo bị coi như vô ý nghĩa về phương diện xã hội, và thậm chí bị coi là điều gây xáo trộn, với kết quả là đức tin bị gạt ra ngoài lề, qua những hành động mạ lị, chế nhạo và dửng dưng và cả những hành động xúc phạm các đền đài và đồ đạo.

Để thẩm định khách quan về sự “sa sút” của Giáo hội Công giáo tại Tây Ban Nha, cũng cần để ý đến những dữ kiện lịch sử, đặc biệt là cuộc nội chiến tại nước này, bùng nổ cách đây đúng 75 năm. Cuộc nội chiến này ngày nay ít được người trẻ biết tới nhưng nó có ảnh hưởng rất sâu đậm trên Giáo Hội tại Tây Ban Nha.

Nội chiến và ảnh hưởng kéo dài

Trong 3 năm trời, từ 1936 đến 1939, phe quốc gia do trung tướng Francisco Franco lãnh đạo, đã chiến đấu với chính phủ cộng hoà tả phái tại đây khiến cho gần nửa triệu người Tây Ban Nha bị giết vì những khác biệt ý thức hệ ngày càng phân rẽ đất nước.

Ông José Sanchez, một chuyên gia về nội chiến tại Tây Ban Nha và là giáo sư hồi hưu tại đại học St. Louis ở Hoa Kỳ, nói: “Trong cuộc nội chiến đó, mỗi người đều phải đứng về một phe, dù họ có biết rõ về những nguyên nhân của chiến tranh hay không. Hàng giáo phẩm phải đương đầu với cuộc khủng hoảng gay go nhất trong lịch sử Tây Ban Nha và phần lớn đã ủng hộ chính nghĩa của phe quốc gia, nguyên nhân chính vì làn sóng bài giáo sĩ rất mạnh mẽ xảy ra khi chiến tranh mới bùng nổ”.

Sau khi đệ nhị cộng hoà tả phái được thành lập hồi năm 1931, nhà cầm quyền Tây Ban Nha ban hành những đạo luật kỳ thị chống các tín hữu Công giáo, ví dụ luật quốc hữu hoá các tài sản của Giáo Hội, thiết lập hệ thống cưỡng bách giáo dục công cộng, cấm các tu sĩ nam nữ không được dạy học, kể từ năm 1933 trở đi, cấm trưng bày các biểu tượng Công giáo tại các nơi công cộng, các tu viện bị đốt phá tại thủ đô Madrid, tại Malaga và nhiều nơi khác hồi đầu thập niên 1930, sau khi dòng Tên bị nhà nước giải tán và thỉnh thoảng xảy ra những vụ sát hại các tu sĩ.

Trong 3 năm nội chiến, hàng ngàn cơ sở Công giáo, gồm nhà thờ, đan viện, tu viện và trường học, bị đốt phá. Gần 7.000 người gồm các GM, LM và nữ tu bị sát hại cùng với hàng ngàn giáo dân khác, chỉ vì họ là Công giáo. Trong thời kỳ đó, ai mang đồ đạo như đeo ảnh đạo ở cổ, mang thánh giá hoặc xâu chuỗi mân côi, đều có thể bị giết dễ dàng.

Dưới thời Đức Gioan Phaolô II, và cả trong triều đại của Đức đương kim Giáo hoàng, đã có gần 1.000 vị tử đạo trong thời nội chiến Tây Ban Nha được phong chân phước.

Đức cha Tutilio J. Del Riego, GM Phụ tá giáo phận San Bernadino, bang California, Hoa Kỳ, sinh năm 1940 tại tỉnh nhỏ ở miền bắc Tây Ban Nha, tức là 1 năm sau khi nội chiến chấm dứt. Trong cuộc phỏng vấn dành cho Hãng tin Công giáo Hoa Kỳ, truyền đi hôm 28-7 vừa qua, ngài nói về những thách đố gia tăng trong thời hậu chiến tại Tây Ban Nha và cho biết: “Cả sau chiến tranh, người ta vẫn biết rõ ai thuộc phe nào. Tôi có 2 người bác ruột đã tham chiến trong thời nội chiến, cả hai đều theo phe quốc gia, vì đó là phe ở nơi họ sinh sống. Một người bác tôi tử trận và cha tôi lấy tên bác ấy đặt cho tôi”.

Theo Đức cha Del Riego, Tây Ban Nha đã mất một thời gian dài để chữa lành và tái thống nhất đất nước bị chia rẽ vì các ý thức hệ trái ngược nhau. Tuy nhiên, một trào lưu tục hoá mạnh mẽ và bài giáo sĩ vẫn lan tràn tại nước này. Theo một phúc trình mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Tông đồ ứng dụng, thì hiện nay chỉ có 19% tín hữu Công giáo Tây Ban Nha tham dự thánh lễ hằng tuần. Con số này đặc biệt giảm sút trong khoảng 15, 20 năm qua. Đức cha Del Riego nói: “Tôi đã chứng kiến tiến trình đó và cảm thấy đau lòng. Tôi nhận thấy điều đó mỗi khi tôi về tham gia đình ở Tây Ban Nha, thật là một thế giới khác biệt”.

ĐTC Biển Đức XVI đã bình luận về cuộc khủng hoảng trào lưu tục hoá ở Tây Ban Nha trong cuộc viếng thăm nước này hồi tháng 11 năm ngoái (2010) tại Đền thánh Santiago de Compostela và Barcelona. Thực vậy, trong cuộc họp báo trên máy bay, ngài nói: “Một đàng Tây Ban Nha vẫn luôn là một quốc gia có căn cội đức tin, nhưng đàng khác chính tại nước này mà trào lưu duy đời nảy sinh, một thứ trào lưu bài giáo sĩ, trào lưu tục hoá mạnh mẽ và có tính chất hung hăng, như chúng ta đã thấy trong thập niên 1930, và cuộc tranh luận, cuộc xung đột sôi nổi giữa tín ngưỡng và trào lưu tân tiến, đều xảy ra ngày nay tại Tây Ban Nha”.

Tiếp tục hy vọng

Tuy có những thách đố như thế, Đức cha Del Riego cho biết ngài vẫn hy vọng nơi Giáo Hội tại Tây Ban Nha: “Dù biết rằng chúng ta cần phải làm hết sức, nhưng tôi không lo lắng sợ hãi. Xét cho cùng, vị trách nhiệm duy nhất chính là Thiên Chúa, là Chúa Tể của lịch sử”.

Một dấu chỉ hy vọng có thể thấy tại một dòng nữ tu viện Tây Ban Nha, đó là dòng Iesu Communio, một dòng nữ đã được chính thức liên kết với các nữ tu thánh Clara khó nghèo ở Lerma, cách thủ đô Madrid 2 giờ xe. Dòng này có ơn gọi gia tăng liên tục từ thập niên 1980 đến nay. Phần lớn các nữ tu gia nhập dòng này ở lứa tuổi 20, 30, có bằng cấp đại học, một số là bác sĩ, luật sư, kỹ sư… Một số lớn các chị cho biết đã cảm thấy ơn gọi đi tu nhờ Ngày Quốc tế Giới trẻ. 75 năm sau cuộc nội chiến bùng nổ tại Tây Ban Nha, Ngày Quốc tế Giới trẻ sắp được khai mạc trên các đường phố tại Madrid nơi mà ít nhất có 4.000 giáo sĩ bị sát hại trong thời nội chiến, chắc hẳn đó là một dấu chỉ hy vọng cho Giáo Hội tại Tây Ban Nha.

Ban Tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ hiện nay cũng hy vọng với hàng ngũ đông đảo người trẻ Công giáo tràn ngập các đường phố Madrid không những kích thích niềm tin của người khác, nhưng còn hun nóng đức tin nguội lạnh của nhiều người Công giáo Tây Ban Nha nữa.

Ông Yago de la Cierva, Giám đốc Điều hành Ban Tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ Madrid, nói: “Tôi nghĩ ảnh hưởng của Ngày này sẽ rất lớn, ít nhất tôi hy vọng như vậy. Tây Ban Nha đang đau khổ vì tiến trình tục hoá rất sâu đậm và mau lẹ. Nhiều người trẻ Tây Ban Nha không hề được huấn luyện về tôn giáo và chúng tôi cần đảo lộn tình trạng này. Ngoài ra, tại Tây Ban Nha báo chí cũng rất hung hăng và bài Công giáo. Chúng tôi hy vọng Ngày Quốc tế Giới trẻ sẽ hữu hiệu trong việc trình bày Chúa Giêsu Kitô và Giáo Hội một cách chính xác hơn, dưới một ánh sáng chứng tỏ niềm vui của chúng tôi. Chúng tôi không phải là những người điên rồ hay buồn sầu, hoặc bị bóp méo và chúng tôi muốn dân chúng đến và xem”.

Cả Đức cha Del Riego cũng sẽ sẽ đến Tây Ban Nha với hơn 250 bạn trẻ và gia đình họ từ Giáo phận San Bernardino. Đức Cha xác tín rằng ĐGH cũng như các GM Tây Ban Nha hy vọng Đại hội Giới trẻ này sẽ giúp khơi dậy đức tin nơi nhiều người trẻ Tây Ban Nha và đây là cơ hội rất tốt. „

Chúng ta cùng hiệp thông trong niềm tin và hy vọng với toàn thể giáo hội Công Giáo tại Tây Ban Nha. Chúng ta cùng hiệp thông cầu nguyện cho các bạn trẻ và cho ĐHGTTG đem lại hoa trái đức tin phong phú và canh tân đổi mới bộ mặt của các gia đình, các giáo xứ, giáo hội Công Giáo tại Tây Ban Nha đúng như chủ đề của ĐHGTTG: “Bén rễ và đặt nền tảng nơi Đức Giêsu Kitô, vững mạnh trong đức Tin” (x. Cl 2,7).

Chắc chắn Jornada Mundial da Juventude 2011 sẽ là một ngày Lễ Hiện Xuống mới cho toàn thể GHCG tại Tây Ban Nha và cho hàng triệu bạn trẻ đến tham dự.

Tường trình từ thủ đô Madrid buổi sáng chuẩn bị Thánh lễ khai mạc ĐHGTTG 2011

Lm. Stephanô Bùi Thượng Lưu

Xin chú ý:

Địa điểm sinh hoạt giáo lý cho người Việt Nam:

The Parish Cristo de la Paz,

Calle de Porto Alegre, 8 - 28019 Madrid.

Nằm trong vùng ngoại ô Parque de ló Castillos Madrid, cách tring tâm chừng 15 cây số.

Trạm xe San Jose de Valderas