Lễ hội Diwali của Ấn giáo: "Cùng nhau cổ vũ sự tự do tôn giáo"

Thông điệp của Hội Đồng Toà thánh về Đối Thoại Liên Tôn

ROMA - "Kitô hữu và người Ấn giáo: Cùng nhau cổ vũ sự tự do tôn giáo", đó là chủ đề thông điệp của Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội Đồng Toà thánh về Đối Thoại Liên Tôn, và Đức Tổng Giám mục Pier Luigi Celata, Tổng thư ký Hội đồng, trong lễ hội Diwali (Ánh Sáng) của người Ấn giáo. Hội đồng Toà thánh nhắc lại rằng quyền cơ bản về sự tự do tôn giáo bao gồm quyền "chuyển qua tôn giáo khác”.

Một lưu ý của Hội đồng này cho biết rằng Lễ hội Diwali (Ánh sáng) được cử hành bởi tất cả người Ấn giáo, và được biết đến với tên gọi "Deepavali", nghĩa là "bấc đèn dầu". Dựa một cách tượng trưng vào thần thoại cổ xưa, lễ hội trình bày chiến thắng của chân lý trên sự dối trá, của ánh sáng trên tối tăm, của sự sống trên sự chết, của cái thiện trên cái ác. Lễ hội kéo dài ba ngày, đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới và nó có đặc tính là sự hòa giải gia đình, đặc biệt là giữa anh chị em với nhau, và việc thờ phượng Thượng Đế. Nó sẽ được cử hành năm nay vào ngày 26-10-2011.

Về sự tự do tôn giáo, thông điệp nhận xét rằng "chủ đề này là trung tâm ở nhiều nơi, thu hút sự chú ý của chúng ta về các thành viên của gia đình nhân loại phải đối mặt với định kiến, thành kiến, sự tuyên truyền thù hận, sự phân biệt đối xử và ngược đãi dựa vào lý lịch là người có tôn giáo”.

Và chính sự bất khoan dung truyền cảm hứng cho ước vọng tự do tôn giáo: "Trong nhiều góc của thế giới, sự tự do tôn giáo là câu trả lời cho các cuộc xung đột bị thúc đẩy bởi tôn giáo. Chính giữa bạo lực do các xung đột gây ra, nhiều người mong muốn có sự chung sống hòa bình và phát triển con người toàn diện".

Đức Hồng y Tauran và Đức Tổng Giám mục Celata nhắc lại rằng, "sự tự do tôn giáo là một trong các quyền con người cơ bản được nêu trong phẩm giá của con người", và rằng "nếu sự tự do này bị thoả hiệp hoặc bị từ chối, tất cả các quyền con người khác sẽ bị suy yếu", bởi vì "sự tự do tôn giáo nhất thiết phải bao gồm loại trừ sự cưỡng bức, cho dù đó là sự việc của cá nhân, nhóm, các cộng đồng hoặc tổ chức".

Vì vậy, nó cũng là trách nhiệm của các chính quyền: “Trong khi sự thực hành quyền này bao gồm sự tự do cho bất cứ ai tuyên xưng, thực hành và truyền bá tôn giáo hay tín ngưỡng của mình, nơi công cộng hay nơi riêng tư, một mình hoặc trong cộng đồng, thì chính quyền dân sự, cá nhân và các nhóm cần phải tôn trọng sự tự do của người khác. Hơn nữa, quyền này bao gồm quyền thay đổi tôn giáo của mỗi người".

Thông điệp nhấn mạnh, sự tự do này tạo điều kiện dễ dàng cho “việc xây dựng một trật tự xã hội và nhân bản", và trái lại, việc vi phạm sự tự do này đe dọa hòa bình thế giới.

Thông điệp kêu gọi trách nhiệm của Liên Hiệp Quốc: "Chúng ta hãy tìm kết hợp các nỗ lực của mình, hướng tới một trách nhiệm chia sẻ về cổ vũ sự tự do tôn giáo, bằng cách yêu cầu nhà lãnh đạo của các quốc gia không bao giờ coi thường chiều kích tôn giáo của con người".

Thông điệp kết thúc với lời nhắc đến cuộc gặp gỡ sắp tới tại Átxidi (Assisi, Ý) vào ngày 27-10, “để nhắc lại lời cam kết cách đây 25 năm, bên cạnh Chân phước Gioan Phaolô II , nhằm làm cho các tôn giáo thành nguồn mạch của hòa bình và hòa hợp”. (ZENIT.org 20-10-2011)

Phạm Kim An