HỘI NHẬP VĂN HOÁ
TRONG TÔNG HUẤN GIÁO HỘI TẠI CHÂU Á


Nhập đề

Những lời cuối cùng của Đức Giêsu Phục Sinh trước khi lên trời vẫn vang vọng như thúc giục chúng ta là những môn đệ của Người: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,18-20). Sứ mạng ra đi gặp gỡ những con người thuộc đủ mọi dân tộc để chia sẻ cho họ Tin Mừng về Đức Giêsu Kitô là sứ mạng hàng đầu của các Kitô hữu, đặc biệt là của những người đã tận hiến cho Đức Giêsu vì Nước Trời.

Tuy nhiên, dù châu Á là nơi khai sinh của Đức Giêsu và cũng là nơi Đức Giêsu lập Giáo Hội, số tín hữu Công giáo hiện nay cũng chỉ đạt được 140 triệu trong số 4.024 triệu người trong suốt 2000 năm truyền giảng Tin Mừng (x. Catholic Almanac 2010, NXB. Our Sunday Visitor, tr. 335). Có người đã nói đến sự thất bại, có kẻ nói đến sự bất lực của các môn đệ Đức Giêsu và tính kém hiệu quả của Tin Mừng. Tuy nhiên, những con số thống kê không thể nào nói lên được thực tại nhiệm mầu của Đức tin Công giáo, càng không phải là thước đo lòng đạo đức hay sự thành bại của việc truyền giáo. Chúng chỉ là những dấu chỉ nhắc nhở ta suy nghĩ sâu xa hơn về những vấn đề.

Để cho việc loan báo Tin Mừng có hiệu quả hơn, Đức Thánh Cha (ĐTC) Gioan Phaolô II đã nói đến văn hoá và việc hội nhập văn hoá trong toàn bộ chương IV của Tông huấn Giáo Hội tại châu Á (GHCA) từ số 19 đến 23. Ngài nhắc đến từ văn hoá 129 lần ở các số 1, 2, 4, 5, 6, 7, 9, 14, 17, 20, 21, 22, 23 và 48 (riêng chương IV có 5 số đã nhắc tới 45 lần) và từ hội nhập văn hoá 21 lần ở các số 9, 20, 21, 22, 23, 27 và 48. Điều đó cho ta thấy ĐTC quan tâm đến văn hoá và sự hội nhập văn hoá (HNVH) như thế nào trong tông huấn này.

Thật vậy, một trong những nguyên nhân chính yếu khiến Tin Mừng chưa thể phổ biến rộng rãi cho các dân tộc châu Á đó là những người rao giảng Tin Mừng đã không để ý nhiều đến nền văn hoá của mỗi dân tộc, biến Kitô giáo thành một thứ xa lạ với đời sống thường ngày của con người. Đức Hồng y Ratzinger, nay đang là Đức Thánh cha Bênêđíctô XVI, đã giúp chúng ta hiểu rằng: "Đức tin tự nó là văn hoá. Không có đức tin trần trụi, cũng chẳng có văn hoá thuần tuý" (x. J. Ratzinger, Niềm tin vào Đức Kitô trước sự thách đố của các nền văn hoá, diễn đàn ở HĐGM Á Châu, ngày 3 - 5/3/1993, Documentation Catholique, số ra ngày 16-7-1995; x. BTHT 5/1999, tr 169-206) vì chỉ có con người thực tế, sống trong một nền văn hoá nhất định và chính con người ấy đang tin và sống với niềm tin của mình. Vì thế, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II giới thiệu giải pháp cần thiết là phải làm sao cho đức tin Kitô Giáo Hội nhập vào văn hoá và mọi sinh hoạt của con người trong xã hội. Hội nhập văn hoá là công việc khẩn thiết cho mọi thành phần Giáo Hội ở châu Á hiện nay (GHCA, số 21 và 22).

Vì thế, người tín hữu, nhất là các linh mục, tu sĩ đặc biệt quan tâm đến vấn đề hội nhập văn hoá qua việc học hỏi tông huấn GHCA của ĐTC. Đây là một vấn đề cấp bách và quan trọng nhưng chúng ta lại chưa có những chuyên viên nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong khả năng hạn hẹp của mình, chúng tôi xin được bàn về một vài điểm cơ bản sau đây:

1. Xác định ý nghĩa và nội dung của từ "văn hoá, hội nhập văn hoá".
2. Thực tế và các thách đố của Giáo Hội tại châu Á và tại Việt Nam về vấn đề HNVH.
3. Các nguyên tắc của Giáo Hội đặt ra cho việc HNVH.
4. Việc HNVH của Giáo Hội Việt Nam thời đã qua và thời nay.
5. Linh mục, tu sĩ và việc HNVH trong công cuộc truyền giáo.

1. XÁC ĐỊNH Ý NGHĨA VÀ NỘI DUNG CỦA TỪ NGỮ

1.1. Văn hoá

Từ văn hoá có nhiều nghĩa. Nó được dùng để chỉ những khái niệm bao hàm nhiều ý nghĩa khác nhau. Chẳng hạn, trong văn chương Trung Hoa cổ, người ta thấy có tới 160 nghĩa (x. Phùng Quý Nhâm, Cơ sở văn hoá Việt Nam, giáo trình trường Đại học Sư phạm TP. HCM., 1996, tr.5). Sách Chu Dịch có viết: “Quan hồ nhân văn, dĩ hoá thành thiên hạ” (xem dáng vẻ con người, lấy đó mà giáo hoá thiên hạ); hoặc “Văn hoá nội tập, vũ công ngoại tu” (văn hoá làm cho bên trong hoà thuận, vũ công sửa sang cái bên ngoài). Nói chung, văn là vẻ đẹp do mầu sắc tạo ra, là hình thức đẹp trong lễ, nhạc, trong cách cai trị, trong ngôn ngữ, cách cư xử…; hoá có nghĩa là dạy dỗ, làm cho hình thành.

1.1.1. Trong Từ điển Tiếng Việt 2005 của Viện Ngôn Ngữ Học, ta thấy có 5 ý nghĩa sau đây:

- Tổng thể nói chung những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lịch sử. Ví dụ: kho tàng văn hoá dân tộc, văn hoá phương Đông...
- Những hoạt động của con người nhằm thoả mãn nhu cầu đời sống tinh thần (nói tổng quát). Vd: phát triển văn hoá, công tác văn hoá...
- Tri thức, kiến thức khoa học (nói khái quát). Vd: học văn hoá, trình độ văn hoá…
- Trình độ cao trong sinh hoạt xã hội, biểu hiện của văn minh. Vd: sống có văn hoá, ăn nói thiếu văn hoá,...
- Nền văn hoá của một thời kì lịch sử cổ xưa qua các di vật tìm được. Vd: văn hoá Đông Sơn,...

Trong tông huấn GHCA cũng như trong bài này, chúng ta nhấn mạnh nhiều đến ý nghĩa đầu tiên với khái niệm cơ bản Văn hoá là tổng thể các giá trị. Tuy nhiên, 4 ý nghĩa sau cũng được dùng lẫn lộn trong các văn bản, nhất là trong các số 20-23 của Tông huấn.

Trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, mục từ Văn Hoá được trình bày rất nhiều và được hiểu theo nghĩa nhân văn rất rộng. Ta có thể nhắc đến định nghĩa của ông F. Mayor đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hoá tại Venise năm 1970: “Văn hoá bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động”. Định nghĩa của ông E. B. Taylor, nhà xã hội học văn hoá Anh, cũng mô tả rõ hơn: “Văn hoá hoặc văn minh là một chỉnh thể phức hợp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, tập tục và bất kỳ năng lục, thói quen nào khác mà con người cần có với tư cách là một thành viên của xã hội” (Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB TĐBKVN, 2005).

Văn hoá của một dân tộc hiểu theo nghĩa căn bản nhất là toàn bộ những cái qua đó một dân tộc tự biểu hiện mình, tự nhận biết mình và giúp các dân tộc khác nhận biết mình. Như thế, văn hoá có thể được hiểu là toàn bộ những hoạt động sáng tạo và những giá trị của nhân dân một nước, một dân tộc về mặt sản xuất vật chất và tinh thần trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước (Từ điển Bách khoa Việt Nam, NXB TĐBKVN, 2005).

Theo Đông Phương, "văn" đối với "võ". Văn có nghĩa là "vẻ đẹp". "Văn hoá" có nghĩa là làm cho trở thành đẹp, thành có giá trị. Văn hoá chỉ chứa cái đẹp, cái giá trị. Các giá trị văn hoá theo mục đích có thể chia thành giá trị vật chất (phục vụ cho nhu cầu vật chất thí dụ: nhà ở 3 gian, 2 chái, trầu cau), giá trị tinh thần (phục vụ cho nhu cầu tinh thần như đình làng, các lễ hội,...). Các giá trị phải do con người sáng tạo ra (phân biệt với giá trị tự nhiên như các khoáng sản trong lòng đất). Sự sáng tạo đó là cả một quá trình lịch sử liên tục, tích luỹ qua nhiều thế hệ trong các hoạt động thực tiễn của con người (thí dụ: Văn hoá Đông Sơn trong giai đoạn lịch sử cách nay khoảng 2.700 năm ở vịnh Bắc Bộ thời các vua Hùng). Những giá trị đó phải làm thành một hệ thống chặt chẽ. Vì thế, người ta có thể định nghĩa văn hoá theo nghĩa chuyên môn như sau: “Văn hoá là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích luỹ qua các quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” (x. Trần Ngọc Thêm, Tìm hiểu về Bản sắc Văn hoá Việt Nam, NXB Tổng Hợp Tp. HCM, 2004, tr. 20-27).

1.1.2. Công đồng Vatincan II, trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes đã xác định 5 ý nghĩa của từ “văn hoá” như trong Từ điển Tiếng Việt: “Đặc điểm của một nhân vị là chỉ đạt tới nhân tính đích thực và trọn vẹn nhờ văn hoá, nghĩa là nhờ việc trau dồi những ưu phẩm và giá trị của bản tính. Vì vậy, mỗi khi đề cập đến cuộc sống nhân loại, bản tính và văn hoá liên kết với nhau hết sức chặt chẽ”.

“Theo nghĩa tổng quát, từ "văn hoá" bao gồm tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác; cố gắng chế ngự cả trái đất bằng tri thức và lao động; làm cho đời sống xã hội, đời sống gia đình cũng như đời sống chính trị trở thành nhân đạo hơn, nhờ tiến bộ trong các tập tục và định chế; sau hết, diễn tả, thông truyền và bảo tồn trong các công trình của mình, những kinh nghiệm tinh thần và hoài bão lớn lao của các thời đại, để giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn”.

“Vì vậy, văn hoá nhân loại thiết yếu mang tính cách lịch sử và xã hội, và từ "văn hoá" thường mặc thêm một ý nghĩa xã hội học cũng như nhân chủng học. Chính vì ý nghĩa này mà người ta nói đến sự đa tạp của các nền văn hoá. Thật vậy, có nhiều cách sử dụng sự vật, nhiều cách làm việc và diễn tả tư tưởng, nhiều cách phụng tự và tạo nên thuần phong mĩ tục, nhiều cách thiết lập luật lệ và định chế pháp lý, nhiều cách phát triển khoa học, nghệ thuật và trau dồi thẩm mĩ, nên mới phát sinh nhiều cách chung sống và nhiều hình thức hoà hợp các giá trị của cuộc sống. Như thế, từ các định chế lưu truyền, hình thành một di sản riêng cho mỗi cộng đoàn nhân loại. Cũng do cách thức ấy mà hình thành một môi trường lịch sử nhất định của con người, bất cứ dân tộc nào hay thời đại nào, để từ môi trường đó con người rút ra những giá trị hầu thăng tiến nền văn minh nhân loại” (số 53).

1.1.3. Trong tông huấn GHCA, ĐTC đã gián tiếp nhắc đến các yếu tố cơ bản về văn hoá để chúng ta nhận thức được nội dung lớn lao của vấn đề.

- Trước hết, ngài xác nhận: "Châu Á có nhiều nền văn hoá", được hiểu như là những hệ thống giá trị. Ngài nói: "Thánh Thần đã cho chúng ta hiểu biết chân lý toàn diện, thì cũng có thể giúp chúng ta đối thoại với các giá trị văn hoá và tôn giáo của các dân tộc được kết quả" (GHCA, số 21).

- “Văn hoá là kết quả xuất phát từ cuộc sống và sinh hoạt của một tập thể nhân loại, thì đối lại những con người thuộc tập thể này lại được khuôn đúc trong một phạm vi rộng bởi chính nền văn hoá, trong đó họ đang sinh sống. Nếu con người và xã hội thay đổi, văn hoá cũng sẽ thay đổi theo. Ngược lại, nếu văn hoá đổi thay thì con người và xã hội cũng được văn hoá ấy biến đổi theo" (GHCA, số 21). Như thế, ĐTC như muốn xác định các giá trị của nền văn hoá là do con người sáng tạo và tích luỹ qua những hoạt động trong môi trường sống của mình giữa xã hội. Ví dụ, trong xã hội phong kiến ở Việt Nam thời trước, quan niệm "trai thì năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng" bắt nguồn từ loại hình văn hoá nông nghiệp đã thay đổi thành gia đình "một vợ một chồng" trong nền văn hoá mới, trong đó giá trị người phụ nữ được nâng cao.

1.1.4. Đức hồng y Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, trong bài phát biểu với Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, họp tại Hồng Kông từ ngày 3 đến 5-3-1993, đã định nghĩa: "Văn hoá là hình thức chung, được phát triển qua dòng lịch sử, diễn tả các quan niệm và giá trị chi phối đời sống của một cộng đồng". Nó bao gồm các yếu tố sau đây:

- Trước hết, văn hoá có liên quan với tri thức và các giá trị. Văn hoá là một nỗ lực hiểu biết về thế giới và cuộc sống con người trong thế giới nhằm phục vụ những ích lợi căn bản của đời sống con người. Nhờ sự hiểu biết này, con người biết cách hành xử theo các giá trị tạo nên đạo đức học. Trong sự hiểu biết năng động này, con người luôn đặt vấn đề Thiên Chúa hay thần linh. Các nền văn hoá lớn đều giải thích về thế giới con người sống để bắt thế giới quy phục Đấng thần linh.

- Văn hoá luôn gắn liền với một chủ thể xã hội trong đó mỗi cá nhân vượt qua chính mình để đạt tới một chủ thể mang tính xã hội rộng lớn hơn. Chủ thể này vừa thu thập kinh nghiệm, vừa gọt dũa để hình thành nên các quan niệm nơi cá nhân.

- Văn hoá có tính lịch sử nghĩa là có khả năng biến chuyển theo dòng thời gian vì con người luôn tìm tòi hiểu biết để thích nghi với những biến đổi của môi trường và lịch sử bên ngoài (x. DC, số ra ngày 16-7-1995; BTHT số 5-1999, tr. 169-206).

1. 2. Hội nhập văn hoá

Hội nhập văn hoá là một từ ngữ mới được hình thành trong Giáo Hội Công giáo và được nêu lên trong các văn kiện quan trọng của Giáo Hội như Hiến chế Tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, số 13; Tông huấn Loan báo Tin Mừng, số 20; thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ, số 52. Trong tông huấn GHCA, ĐTC nhắc đi nhắc lại từ này nhiều lần, đặc biệt ở số 21 (4 lần) và 22 (10 lần).

1.2.1. Định nghĩa:

Hội nhập là hoà mình vào trong một cộng đồng lớn (nói đến quan hệ giữa các dân tộc, các quốc gia). Ví dụ: Hội nhập vào cộng đồng quốc tế là một yêu cầu tối thiểu của thời đại, Việt Nam hội nhập vào khối ASEAN.

Hội nhập văn hoá là hoà mình vào trong nền văn hoá hay đúng hơn là chấp nhận một hệ thống giá trị mới.

Chủ thể hội nhập ở đây được xác định là một cá nhân hay một tập thể (cộng đồng Giáo Hội) tiếp nhận một phần hay toàn bộ hệ thống giá trị đã có sẵn của một dân tộc nào đó. Ví dụ các thừa sai nước ngoài khi đến Việt Nam giảng đạo đã học tiếng nói của ngưới Việt, ăn mặc như người Việt, trình bày giáo lý theo cách hiểu của người Việt. Như thế là họ đang hội nhập vào nền văn hoá Việt Nam. Do đó khi sống ở Việt Nam, họ đã tự do chọn lựa các giá trị tốt đẹp của nền văn hoá Việt Nam để làm giàu cho các giá trị có sẵn của mình, chứ không đánh mất nền văn hoá của mình để trở thành một người hoàn toàn theo nền văn hoá Việt Nam. ĐHY Ratzinger đề nghị "chúng ta không nên nói hội nhập văn hoá mà phải nói là sự gặp gỡ giữa các nền văn hoá hay có thể nói là tính giao thoa văn hoá" (Inter - culturality) (x. J. Ratzinger, Niềm tin vào Đức Kitô trước sự thách đố của các nền văn hoá, 5-3-1993, Bản tin Hiệp Thông số 2-1999, tr. 17). Thực ra, ngày nay từ hội nhập văn hoá đã bao gồm việc gặp gỡ và giao lưu giữa các nền văn hoá rồi.

1.2.2. Trong Tông huấn Giáo Hội tại châu Á

Chủ thể hội nhập trước hết hiểu là Giáo Hội. "Nhờ hội nhập văn hoá, về phần mình, Giáo Hội sẽ trở thành một dấu chỉ dễ hiểu hơn giúp người ta hiểu bản chất của mình, đồng thời Giáo Hội cũng trở thành một dụng cụ đắc lực hơn để thi hành sứ mạng (x. Sứ vụ Đấng Cứu Thế, số 52). Sự liên kết với các nền văn hoá luôn luôn là một phần trong cuộc hành trình của Giáo Hội qua lịch sử" (x. GHAC, số 21).

Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của việc đưa đức tin Kitô Giáo Hội nhập văn hoá vào châu Á (GHAC, số 21). Ngoài tác nhân chính là Chúa Thánh Thần, chủ thể hội nhập chính là Giáo Hội được hiểu như là cộng đồng Kitô hữu. Những con người này, hay Giáo Hội, có một nền văn hoá riêng, nghĩa là có cả một hệ thống giá trị vật chất cũng như tinh thần được sáng tạo và tích luỹ qua dòng lịch sử. Bây giờ Giáo Hội gặp gỡ và đối thoại với một nền văn hoá nào đó, "trong quá trình gặp gỡ các nền văn hoá khác nhau của thế giới, Giáo Hội chẳng những truyền đạt các chân lý và giá trị của mình, cũng như đổi mới các nền văn hoá ấy từ bên trong, mà còn thu dụng nhiều yếu tố tích cực có sẵn từ các nền văn hoá khác nhau ấy" (GHAC, số 21).

Một thí dụ cụ thể, khi Kitô giáo được truyền vào Việt Nam cách đây 3, 4 thế kỷ, dân tộc ta lúc đó đang chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo và nền quân chủ độc tài, phong kiến. Nho giáo dạy người dân phải trung với vua vì vua là thiên tử thay Trời trị dân, có toàn quyền sinh sát đến độ "quân sử thần tử, thần bất tử bất trung". Người Công giáo lại được dạy chỉ có Chúa Trời làm chủ của sự sống, là Cha hết mọi người và tất cả đều là anh em nên đều bình đẳng với nhau về giá trị làm người, dù vẫn có tôn ti trật tự trong xã hội. Đức Giêsu Kitô là Thiên Tử, là Con Chúa Trời, không bắt ai chết mà lại còn chết thay cho mọi người để hoà giải mọi người với Thiên Chúa. Vì thế, người tín hữu không chống đối, phản loạn đối với vua, nhưng họ không thể tuân lệnh vua bỏ đạo được. Dù có bị bách hại, bị giết chết nhưng người tín hữu vẫn không thù oán kẻ bách hại mình. Trái lại, họ vẫn yêu thương và trung thành với vua, với dân tộc. Như thế, Giáo Hội đã thật sự truyền đạt các chân lý về yêu thương, tự do, về giá trị làm người cho nền văn hoá Việt Nam và cuộc hội nhập văn hoá này đã mang lại nhiều ích lợi cho dân tộc Việt.

Hơn nữa, việc hội nhập văn hoá bao gồm nhiều giá trị trên các lĩnh vực khác nhau, nên chủ thể hội nhập có thể trao đổi, gặp gỡ và đón nhận các giá trị trên nhiều bình diện khác nhau. Vì thế, ĐTC nói đến việc đưa Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, hay đưa những giá trị về đức tin, thần học, phụng vụ, linh đạo, huấn giáo của Kitô Giáo Hội nhập vào một nền văn hoá nhất định (ở đây là đưa vào niềm tin, quan niệm, đời sống của cộng đồng người Việt Nam trong một giai đoạn nhất định) (x. GHCA, số 22). Vấn đề đã được Công đồng Vatican II bàn sâu hơn trong hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes từ số 54 đến 62.

Tóm lại, muốn loan báo về Đức Giêsu và chia sẻ Đức Giêsu như một quà tặng vô cùng quý giá cho đồng bào và anh em trên lục địa châu Á này, chúng ta phải hiểu người đang nghe mình là ai, nghĩa là đang thuộc về nền văn hoá nào. Họ có thể là người Việt Nam với 54 dân tộc khác nhau, hay là người Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Lào, Cambodia… Một khi xác định được nền văn hoá của họ, với những khái niệm và giá trị khác với Kitô giáo, ta lại phải tìm cách đối thoại để giới thiệu nền văn hoá Kitô giáo bằng những loại hình ngôn ngữ thích hợp khiến họ có thể hiểu được, trước khi mở lòng đón nhận những giá trị khác biệt của ta. Quá trình hội nhập văn hoá này “là con đường bắt buộc các nhà truyền giáo phải đi qua khi giới thiệu đức tin Kitô giáo và biến nó thành một phần trong di sản văn hoá của một dân tộc” (GHCA, số 21).

Tuy nhiên, việc tìm hiểu nền văn hoá và việc hội nhập văn hoá không phải là chuyện đơn giản, dễ dàng như thực tế đã chứng tỏ trong lịch sử truyền giáo cho các dân tộc ở châu Á.

2. THỰC TẾ VÀ CÁC THÁCH ĐỐ CỦA GIÁO HỘI TẠI CHÂU Á VÀ TẠI VIỆT NAM VỀ VẤN ĐỀ HNVH

2.1. Lịch sử của Giáo Hội tại châu Á cũng lâu đời như chính Giáo Hội vì chính tại châu Á,

Lịch sử của Giáo Hội tại châu Á cũng lâu đời như chính Giáo Hội vì chính tại châu Á, Đức Đức Giêsu đã thổi Thần Khí xuống trên các môn đệ, sai họ ra đi tới tận cùng trái đất để loan báo Tin Mừng và quy tụ các cộng đồng tín hữu. Từ Jêrusalem, Giáo Hội đã phát triển sang Antiokia, Roma và xa hơn nữa, tới Ethiopia, Scythia và Ấn Độ. Truyền thống cho rằng, chính Thánh Tôma Tông đồ đã có mặt ở Ấn Độ vào năm 52. Các thương gia Ba Tư mang Tin Mừng đến Trung Quốc vào thế kỷ V, sau 2 thế kỷ Giáo Hội tại đây sa sút và gần như biến mất. Vào thế kỷ XIII, Tin Mừng lại được loan báo lần nữa cho người Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc nhưng không tồn tại được trước sự bành trướng của Hồi giáo vì thiếu sự thích nghi với các nền văn hoá địa phương khi gặp gỡ các tôn giáo lớn như Ấn giáo, Phật giáo... Những nỗ lực của Thánh Phanxicô Xaviê và những yêu cầu của Bộ Truyền bá Đức tin xin các nhà truyền giáo tôn trọng các nền văn hoá địa phương đã có những kết quả tích cực hơn vào thế kỷ XVI, XVII. Nhiều dòng tu đã dốc hết tâm lực cho công cuộc truyền giáo ở châu Á (GHCA, số 9). Tuy nhiên, sau tất cả những cố gắng ấy, Giáo Hội đang hiện diện thế nào trong lục địa mênh mông này?

2.2. Một vài số liệu về Giáo Hội tại Á Châu

Chúng ta hãy xem thử một vài số liệu về dân số Công giáo so với dân số quốc gia của một số nước để thấy kết quả truyền giáo 2000 năm qua (tính đến 31-12-2010) theo thống kê Toà Thánh:



Tổng cộng có khoảng hơn 140.894.000 người Công giáo trên tổng số 4.024.970.000 dân, chiếm 3,0% trong đó nếu trừ đi 71 triệu người Philippines thì các nước Châu Á chỉ còn lại khoảng 70 triệu người Công giáo. (x. Catholic Almanac 2010, tr.335). Kết quả này thật nhỏ bé sau 2000 năm truyền đạo với biết bao máu và nước mắt, tiền của và công sức của cả Giáo hội toàn cầu, so với tín đồ Hồi giáo là 1,5 tỷ, Ấn giáo là 900 triệu, Phật giáo là 376 triệu. Ở Nhật chẳng hạn có nhiều trường Công giáo, hằng trăm trường Trung Tiểu học Công giáo với cả ngàn thừa sai, nhưng cả chục năm nay, hầu như số tín hữu chẳng tăng them được là bao, mỗi năm chỉ chừng 1,2 ngàn người theo đạo. Người ta tự hỏi, tại sao người châu Á lại ít theo đạo Công giáo như vậy?

2.3 Một vài số liệu về Giáo hội Việt Nam

Kể từ khi hạt giống Tin Mừng được gieo vào Giáo hội Việt Nam năm 1553, nhất là từ năm 1615 đến 1665 các thừa sai dòng Tên ở cả hai miền Nam-Bắc, cho tới khi Toà Thánh thành lập hai địa phận đầu tiên ở Đàng Trong và Đàng Ngoài, số tín hữu vào năm 1659 là khoảng 100.000 người. Năm 1793 cả hai miền Nam bắc có 320.000 tín hữu, năm 1855 có 426.000 tín hữu chiếm 4% dân số. Năm 1907, số tín hữu lên đến 872.000 chiếm 7% dân số, năm 1933 có 1.296.178 (7,2%), năm 1963 có 2.389.310 (8,27%). Sau đó tỉ lệ người Công giáo giảm dần: năm 1990 có 4.342.000 người (6,86%), năm 2000 (tính đến 31-12-2000) có 5.303.445 trên tổng số dân 81.176.524 (6,5%). Tính đến ngày 31-12-2010, Giáo hội Việt Nam có 6.400.567 tín hữu giáo dân( theo thống kê điều tra dân số ngày 1-4-2009 là 5.677.086 người trên tổng số 85.846.997 dân số cả nước trên tổng số dân 86.930.000. hơi cao so với thực tế. Số liệu giáo dân của VPTTK HĐGM, tr13). Số linh mục từ 4 người vào năm 1648, 43 (năm 170), 119 (năm 1800) tăng lên 385(năm 1900), 1.914 (năm 1960) 2.408 (năm 2000) và 4.050 (năm 2010). Số nam nữ tu sĩ cũng tăng lên nhanh: năm 1670 có hai nữ tu Mến Thánh Giá, năm 1933 có 3.944 tu sĩ, năm 1960 có 5.789 tu sĩ và năm 2000 có 11.174 tu sĩ và năm 2010 có 17.663 tu sĩ.

Theo các báo cáo của các giáo phận gửi về Văn phòng Thư k‎ý Hội đồng Giám mục Việt Nam, trong vài chục năm gần đây, cả nước mỗi năm có khoảng 30-40 ngàn người lớn được rửa tội. Riêng Năm Thánh 2000 có 35.096 người. Năm 2010, số người lớn theo đạo là 42.272. Tính chung, đa số rửa tội vì lý do hôn nhân.

Chúng ta tự hỏi với biết bao cố gắng trong đời sống tu trì, cầu nguyện hy sinh, với bao nhiêu hoạt động từ thiện bác ái ở ngoài xã hội, với biết bao vất vả trong môi trường giáo dục, y tế… tại sao số người lớn trở lại đạo ít như vậy?

2.4. Câu trả lời cho thách đố của Giáo Hội tại châu Á

Các nghị phụ trong Hội nghị Đặc biệt của Thượng Hội đồng dành cho châu Á từ 19-4 đến 14-5-1998, cũng như chính ĐTC Gioan Phaolô II, đã dành nhiều thời giờ phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém hiệu quả trong việc truyền giáo. ĐTC đã trình bày về những khó khăn và thách đố đối với Giáo Hội tại châu Á trong chương I từ số 5-9 của Tông huấn. Tuy nhiên, tất cả các nghị phụ và ĐTC đều tập trung vào một khó khăn và thách đố lớn nhất: làm sao để trình bày Đức Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, Đấng Cứu Độ thế giới khác hẳn với các đấng cứu độ khác được các tôn giáo lớn giới thiệu ở Á Châu.

Thật vậy, Giáo Hội tại châu Á sống trong một bối cảnh có quá nhiều nền văn hoá và tôn giáo khác nhau (GHCA, số 20). Các tôn giáo này lại giới thiệu các thần linh của mình như là Đấng cứu độ, do đó thật khó khăn khi người Kitô hữu rao giảng Đức Giêsu Kitô như là Đấng Cứu Độ duy nhất, vì rao giảng như thế có nguy cơ xúc phạm đến nền văn hoá và tôn giáo của các dân tộc. Hơn nữa, trong cách rao giảng và sống đạo, các nhà truyền giáo cũng như các tín hữu Á Châu không biết đã trình bày Đức Giêsu thế nào khiến cho người ta lầm tưởng là Ngài là một người Tây phương hơn Đông phương (GHCA, số 20), có thể vì các nhà truyền giáo Tây phương bị ảnh hưởng bởi những nền văn hoá tại nơi xuất xứ của họ. Đằng khác, có thể vì những nhà truyền giáo thiếu hiểu biết về nền văn hoá bản địa của châu Á, chưa giới thiệu Đức Giêsu cho người châu Á theo những hình thức văn hoá và cách tư duy của người Á Châu. Vì thế, cần phải đưa đức tin hội nhập vào nền văn hoá của các dân tộc địa phương để giúp họ “có thể nắm bắt được ý nghĩa cứu độ phổ quát của mầu nhiệm về Đức Giêsu và về Giáo Hội Người” (GHCA, số 20).

Ngoài việc đổi mới cách loan báo Đức Giêsu Kitô, ĐTC cũng nói đến những lĩnh vực then chốt cần hội nhập văn hoá: đó là thần học, nhất là môn Kitô học, phụng vu, Kinh Thánh và việc đào tạo các người rao giảng Tin Mừng (GHCA, số 22). Cuộc hội nhập về các lĩnh vực này đã được thực hiện cả ngàn năm nay nhưng hình như chưa đạt được yêu cầu phải có, nên đời sống người tín hữu chưa hội nhập thật sự với xã hội mình sống. Các môn thần học hầu như sao chép nguyên văn cách suy nghĩ thiên về luận lý và hành động của người phương Tây nên chưa chú ý đến cách suy nghĩ thiên về cái “tâm” và chiêm niệm của người phương Đông. Đặc biệt, môn Kitô học chưa trình bày Đức Giêsu như một người đang sống rất gần gũi với con người, nhất là người châu Á, chứ không phải chỉ là một mớ những tri thức rời rạc, những dữ liệu vô hồn để minh chứng về một con người lịch sử như đang được dạy trong nhiều chủng viện và tu viện hiện nay (x. Ý kiến các nghị phụ Nhật Bản trong Thượng Hội đồng 1998).

Những nghi lễ phụng vụ phương Tây cũng chưa được thích nghi với tâm hồn người châu Á nặng về suy tư, chiêm niệm và cảm nghiệm. Nhất là lối sống đạo của người tín hữu Kitô ngày nay dường như chỉ tập trung vào phụng vụ bí tích mà quên đi sự hội nhập vào xã hội mình đang sống để thăng tiến con người và biến đổi thế giới (x. GHCA, số 23).

Tóm lại, thực trạng khó khăn trong vấn đề sống đạo và truyền đạo của Kitô hữu châu Á phần lớn nằm trong vấn đề HNVH. Đây là một khám phá mới và quan trọng của Thượng Hội đồng 1998 mà nhiều người chúng ta, cho đến nay, vẫn chưa quan tâm đúng mức. Một khi đã hiểu vấn đề, chúng ta nên chú ý đến các nguyên tắc Giáo Hội đề nghị cho việc HNVH.

3. CÁC NGUYÊN TẮC CỦA GIÁO HỘI ĐẶT RA CHO VIỆC HỘI NHẬP VĂN HOÁ

3.1. Nhận định sơ khởi

Vì Giáo Hội là một chủ thể văn hoá, có một nền văn hoá riêng và tác nhân chính yếu hoạt động trong Giáo Hội cũng như tác động đến nền văn hoá của Giáo Hội là Thiên Chúa Ba Ngôi, nên việc HNVH cũng cần phải theo những nguyên tắc chặt chẽ, chứ không phải là từng cá nhân riêng lẻ trong Giáo Hội muốn hội nhập thế nào cũng được theo quan niệm tự do của mỗi người.

Hơn nữa, khi tiếp xúc với những con người có nền văn hoá khác mình “để cống hiến cho họ Tin Mừng Cứu độ, Giáo Hội cố gắng tìm hiểu văn hoá của họ. Giáo Hội tìm cách để nhận biết não trạng và tâm hồn của người nghe, những giá trị và tập quán, những vấn đề và khó khăn, những hy vọng và ước mơ của họ. Một khi biết được và hiểu được những khía cạnh khác nhau này của văn hoá, Giáo Hội có thể bắt đầu cuộc đối thoại cứu độ” (GHCA, số 21). Do đó, HNVH không phải là một chuyện bỏ một nền văn hoá này để nhận một nền văn hoá khác, nhưng là một cuộc đối thoại giữa hai nền văn hoá để tìm ra những giá trị vật chất cũng như tinh thần tốt đẹp hơn, cao cả hơn cho cuộc sống con người.

Đây cũng không phải là cuộc đối thoại thuần tuý giữa những con người có các hệ thống giá trị khác nhau để rồi phải bỏ giá trị này để lấy giá trị kia. Những cuộc “lột bỏ” về văn hoá như thế luôn làm đau đớn con người vì văn hoá hay những giá trị đó đã ăn sâu vào con người hoặc đã gắn chặt với bản chất của một dân tộc. Con người không thể bỏ chúng mà không cảm thấy mất mát và bị xúc phạm. Vì thế rất nhiều cuộc HNVH đã thất bại trong lịch sử của các dân tộc. Người ta có thể nhân danh nền văn hoá và tinh thần dân tộc để từ chối nền văn hoá ngoại lai dù vẫn nhận ra được sự ưu việt của các giá trị mới.

Do đó, ĐTC đã xác định “Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của việc đưa đức tin Kitô Giáo Hội nhập văn hoá vào châu Á. Chính Thánh Thần sẽ đưa tất cả những ai tham dự cuộc đối thoại văn hoá này vào chân lý toàn diện và bảo đảm cho cuộc đối thoại ấy diễn ra trong sự thật, lương thiện, khiêm tốn và kính trọng” (GHCA, số 21). Người không làm đau hay làm vong thân con người “để những người Á Châu muốn đón nhận niềm tin Kitô giáo cho riêng mình, trong tư cách là người châu Á, có thể an tâm rằng: những hy vọng và ước mơ, những lo âu và đau khổ của họ chẳng những đã được Đức Giêsu ôm ấp lấy, mà chúng còn trở thành chính cái điểm, qua đó, ơn đức tin và quyền năng Chúa Thánh Thần đi vào cốt lõi sâu thẳm nhất của cuộc sống của họ” (GHCA, số 21). Vì thế, những ai muốn tham gia vào cuộc hội nhập này phải gắn bó mật thiết với Chúa Thánh Thần để nhận được ơn soi sáng của Người.

3.2. Giới thiệu những văn bản định hướng cho cuộc HNVH

Để định hướng cho cuộc HNVH này, Giáo Hội toàn cầu đã trình bày một số những nguyên tắc căn bản qua các văn kiện của các Bộ và Hội đồng Giáo hoàng thuộc Giáo Triều Roma. Chúng tôi chỉ xin giới thiệu một số văn kiện chính sau đây (x. Bản tin Hiệp thông, số 5-1999 với chủ đề Giáo Hội và văn hoá).

- Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes của Công đồng Vatican II từ số 53-62. Đây là văn kiện căn bản xác định văn hoá là gì (số 53), tình trạng văn hoá trong thế giới ngày nay (54-56), một vài nguyên tắc hướng dẫn việc phát triển văn hoá, mối liên hệ giữa đức tin và văn hoá, giữa Tin Mừng Đức Kitô và văn hoá (57-59), một số bổn phận cấp bách của Kitô hữu đối với văn hoá (60-62).

- Huấn thị của Hội đồng Giáo hoàng về Văn hoá ban hành ngày 23-5-1999 với chủ đề “Thử tìm một hướng mục vụ cho vấn đề văn hoá” (BTHT số 5/1999, tr 37-122). Đây là văn kiện khá quan trọng và là huấn thị cuối cùng của Hội đồng trước khi bước vào ngàn năm thứ ba. Huấn thị này mở ra một chân trời mới cho việc đưa tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào mọi lĩnh vực sinh hoạt của con người hiện nay. Công cuộc Phúc Âm hoá gắn bó mật thiết với nền văn hoá của mỗi dân tộc và ta không thể rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô một cách hiệu quả nếu chưa để ý đến nền văn hoá của mình và quanh mình.

Huấn thị dài hơn 80 trang A5 gồm 39 số chia thành 3 phần. Phần I trình bày về đức tin và văn hoá với một số đường hướng chỉ dẫn để có thể mang Tin Mừng đến các nền văn hoá khác nhau, phân biệt Phúc Âm hoá và hội nhập văn hoá, hướng mục vụ về vấn đề văn hoá. Phần II nói đến những thách thức và vận may như hiện tượng đô thị hoá quá nhanh, tình trạng mất gốc văn hoá của những con người ngày nay, các phương tiện kĩ thuật thông tin đại chúng, bản sắc dân tộc và các dân tộc thiểu số, các tình huống nóng bỏng trong các lĩnh vực văn hoá như nghệ thuật, giải trí, nét đa dạng trong văn hoá và đa nguyên trong tôn giáo, việc xuất hiện các tôn giáo mới. Phần III đưa ra những đề nghị cụ thể cho các hoạt động mục vụ về văn hoá như đổi mới cách trình bày sứ điệp Kitô giáo, đối thoại liên tôn, các sinh hoạt tại các giáo xứ: lễ hội, cuộc hành hương, tại các cơ sở giáo dục, tại các trung tâm đào tạo thần học và văn hoá Công giáo cho các văn nghệ sĩ, giới trẻ, các người du lịch, các người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội.

Huấn thị này rất đáng cho chúng ta tìm hiểu và nghiên cứu cho cuộc hội nhập văn hoá của Giáo Hội Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay.

- Huấn thị của bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích, ra ngày 21-1-1994 với chủ đề “Phụng vụ Roma và việc hội nhập văn hoá” để áp dụng đúng các số 37-40 của Hiến chế Phụng vụ thánh (BTHT số 5/1999, tr 123-168). Đây là văn kiện đặc biệt bàn về việc hội nhập văn hoá trong phụng vụ, giới thiệu những nguyên tắc chung hướng dẫn chúng ta đưa bản sắc dân tộc vào nghi lễ phụng vụ Roma. Văn kiện dài 45 trang A5 với 69 số nhỏ chia làm 4 phần. Phần I từ số 9-20 nói về tiến trình hội nhập văn hoá xuyên qua lịch sử cứu độ. Phần II từ số 21-32 kể ra những nhu cầu và những điều kiện sơ bộ cho việc hội nhập văn hoá trong phụng vụ. Phần III từ số 33-51 giới thiệu những nguyên tắc và thể thức thực hành cho cuộc hội nhập văn hoá của nghi lễ Roma. Phần IV từ số 52-69 xác định những khu vực thích nghi nghi lễ Roma. Văn kiện này đáng được các nhà chuyên môn tham khảo để đổi mới sự tham dự của các tín hữu trong phụng vụ.

- Bài viết của Stephen Bevans, SVD, 25 năm hội nhập văn hoá tại Á Châu của Liên hiệp Hội đồng Giám mục Á Châu, 1970-1995. Bài viết dài 33 trang A5, đăng trong Bản tin Hiệp Thông số 5-1999, tr. 218-251. Đây là những kinh nghiệm quý báu và sống động của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu cho cuộc hội nhập văn hoá. Chúng ta có thể tham khảo để tìm ra những định hướng cho việc hội nhập văn hoá ở Việt Nam.

Trong Tông huấn GHCA, ĐTC cũng tóm tắt những nguyên tắc cơ bản để HNVH trong lĩnh vực Kitô học, phụng vụ, Kinh Thánh cũng như trong lĩnh vực đào tạo nhân sự chuẩn bị cho công cuộc hội nhập này (số 22).

Sau khi điểm qua một vài nhận định và nguyên tắc cơ bản cho cuộc hội nhập văn hoá, chúng ta thử tìm hiểu một vài nét về việc hội nhập văn hoá của Giáo Hội Việt Nam từ trước đến nay.

4. VIỆC HNVH CỦA GHVN THỜI TRƯỚC VÀ THỜI NAY

Trong suốt dòng lịch sử của GHVN, chúng ta thấy sự cố gắng liên tục, tuy dù có lúc mạnh lúc yếu của các Kitô hữu, để hội nhập vào nền văn hoá. Họ bắt chước Đức Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, trong mầu nhiệp nhập thể. Thật vậy “nơi Đức Giêsu, người Nazareth, Thiên Chúa đã nhận lấy những yếu tố đặc thù của bản tính nhân loại, kể cả việc thuộc về một dân tộc nhất định (một nền văn hoá nhất định) … Nét đặc thù vật lý của xứ sở và những yếu tố địa lý của miền đất ấy là điều không thể tách rời được với sự thật là Ngôi Lời đã nhận lấy thân xác con người” (GHCA, số 5).

Họ bắt chước Giáo Hội vì “Giáo Hội sống và thi hành sứ mạng của mình trong những hoàn cảnh cụ thể của thời gian và không gian” (GHCA, số 5). Giáo Hội mang một nền văn hoá mới, văn hoá Tin Mừng, đến với các dân tộc “châu Á là những người rất tự hào về các giá trị tôn giáo và văn hoá của mình”. Trong cuộc gặp gỡ và đối thoại văn hoá, cả hai không phải đối đầu và phản kháng với nhau, nhưng trong tinh thần bổ sung và phối hợp hài hoà, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội sẽ giới thiệu Tin Mừng cho tất cả các dân tộc châu Á để sao cho vừa trung thành với truyền thống của mình, vừa không phản bội với cái hồn của Á Châu (GHCA, số 6). Chính trong tinh thần này, chúng ta tìm hiểu về việc HNVH của GHVN thời đã qua và thời hiện tại.

4.1. HNVH của GHVN thời đã qua

Các nhà truyền giáo đến Việt Nam vào thế kỷ XVI, XVII đã ý thức rất nhiều đến việc HNVH, nhất là các thừa sai dòng Tên trong thời kì khai sinh (1533-1659).

Bản thân và cuộc sống hằng ngày của họ đã nói lên một sự HNVH tuyệt vời. Họ không thể giấu được con người mình với vóc dáng cao lớn, da trắng, mắt xanh, mũi lõ (trừ các nhà truyền giáo Á Châu như Nhật Bản). Tuy nhiên, trong cách ăn mặc và đời sống, họ hoà nhập hoàn toàn với người dân Việt Nam: ăn cơm, cầm bát đũa, mặc áo dài, đội khăn đóng, học và nói tiếng Việt.

Trong việc dạy giáo lý và rao giảng Tin Mừng, các nhà truyền giáo dùng những kiểu nói gần với đời sống người Việt, dễ hiểu đối với người Việt. Thí dụ dù bị ảnh hưởng bởi chữ Hán, chữ Nôm, nhưng họ dùng từ Chúa Trời, Đức Chúa Trời thay vì Thượng Đế, Tạo Hoá Thiên, Thiên Chủ để gọi tên Thiên Chúa như người Trung Quốc đương thời. Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) đã trình bày giáo lý thích hợp với tầm hiểu biết của người Việt Nam qua cuốn Phép Giảng Tám Ngày: “Phương pháp tôi dùng là luận về linh hồn bất tử, và sự sống đời sau, từ đó chứng minh về tính Thiên Chúa, về sự quan phòng của Người, và dần dần mới đề cập tới mầu nhiệm khó hơn” (x. Hành trình truyền giáo, bản dịch của Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên, 1994, tr.73). Cách trình bày của cha gần gũi với những quan niệm của Khổng giáo đang chi phối dân tộc Việt Nam thời ấy như về tam cương, ngũ thường, như trung với vua, hiếu với cha mẹ. Cha giới thiệu Thiên Chúa như một người cha cao cả nhất với nền thần học về “tam phụ”.

* Trong đời sống phụng vụ và bí tích: các thừa sai nước ngoài luôn biết thích nghi với hoàn cảnh khó khăn và trình độ dân trí ở Việt Nam. Thí dụ: khi dâng lễ, để tránh việc nhàm chán do không hiểu tiếng La Tinh, dẫn tới việc chia trí, tham dự thụ động, các ngài sáng tác ra các bài ngắm lễ. Khi giải tội, để tránh hiểu lầm về việc linh mục ở một mình với hối nhân trong nơi kín đáo, nhất là tôn trọng phép tắc: “nam nữ thụ thụ bất tương thân”, Cha Đắc Lộ cho đục thủng tường bằng đất để người phụ nữ xưng tội ngoài nhà. Trong lễ nghi hôn phối, đôi nam nữ được làm phép chúc hôn ngay trong tiệc cưới và vị linh mục ăn trầu cau cùng với cô dâu chú rể.

Trong đời sống đạo đức thường ngày: biết người Việt chuộng các lễ hội, thơ văn, thích thi đua, đàn hát nên các thừa sai đã tổ chức những buổi trình diễn văn nghệ với các tuồng kịch về Kinh Thánh: Mùa Chay có ngắm đứng, ngắm nhân tài, Tuần Thánh có diễn tuồng Thương Khó, có khi cả làng tham dự vào các vai như: Chúa Giêsu, Mẹ Maria, các Tông đồ, Philatô cưỡi trâu với đoàn quân lýnh theo hầu đi bắt Giêsu, Giuđa, Madalena… Tháng 5, tháng 10 có dâng hoa, vãn hoa kính Đức Mẹ. Mùa hè có thi giáo lý giữa các họ, có múa rối nước, leo cầu ao lấy thưởng. Các thừa sai viết truyện, dịch các kinh ra chữ Nôm, sau này ra chữ Quốc Ngữ khiến giáo dân trở thành người có học thức trong một xã hội chỉ có thiểu số người giàu có mới đủ tiền cho con cái ăn học để ra làm quan. Chỉ riêng giáo sĩ Girolamo Majorica, trong khoảng năm 1632-1656, đã viết 45 tác phẩm lớn nhỏ bằng chữ Nôm, nổi tiếng nhất là cuốn Các Thánh Truyện năm 1646. Dù mất mát nhiều do thời gian, số trang còn lưu giữ hiện nay là 4.200 trang với khoảng 1.200.000 chữ.

Trong cuộc HNVH này, các thừa sai đón nhận những giá trị của văn hoá Việt Nam, nhưng đồng thời cũng giới thiệu những giá trị mới của Kitô giáo để sửa đổi và thăng hoa nền văn hoá ấy như quan niệm về một vợ một chồng trong xã hội chấp nhận chế độ đa thê, quan niệm về sự bình đẳng nam nữ trong xã hội cho rằng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, giới thiệu cách viết chữ mới thay cho chữ Hán, chữ Nôm mà sau này trở thành chữ Quốc Ngữ. Nhất là trong đời sống hằng ngày, người Việt thời đó không hiểu gì về khoa học, không biết giữ vệ sinh, thường dùng nước ao tù để tắm rửa, ăn uống, nên bị mắc nhiều tật bệnh, trẻ sơ sinh bị chết yểu, sản phụ dễ bị các chứng hậu sản… các giáo sĩ dạy cho biết những giá trị mới của khoa học để biết lọc nước, biết nấu chín nước để dùng… Các giáo sĩ dòng Tên chấp nhận một số phong tục tập quán Việt Nam như cho phép bái hương cúng giỗ ông bà, thờ kính tổ tiên, tế Đức Khổng Tử ở văn miếu như một hành động có tính dân sự và xã hội.

Chính trong tinh thần HNVH cởi mở ấy, các tín hữu Việt Nam thấy rằng theo đạo là được sống đúng địa vị làm người và làm con Thiên Chúa, được học hành, khoẻ mạnh, xinh đẹp, gia đình an vui hạnh phúc, nên dù gặp nhiều bách hại họ vẫn quyết tâm theo đạo. Các lương dân, khi nhìn vào đời sống tốt đẹp của người tín hữu, khi tham dự những lễ hội của người Công giáo, đã bị cuốn hút theo tôn giáo mới, bất kể những đe doạ, thiệt thòi. Vì thế, số tín hữu tăng rất nhanh, nhiều vị thừa sai mỗi năm rửa tội cả ngàn người.

Những thất bại và khó khăn trong việc HNVN: Dù Thánh Bộ Truyền bá Đức tin đã gửi huấn thị năm 1659 để nhắc nhở các Đại diện Tông toà được cử sang Việt Nam và Trung Hoa hãy tôn trọng tập tục của dân tộc bản xứ, nhưng các giáo sĩ người Pháp thuộc Hội Thừa sai Paris (M.E.P.) không chấp nhận sự dễ dãi của các thừa sai dòng Tên ở VN, cũng như ở Trung Hoa, nên đã xảy ra những vụ tranh cãi đáng tiếc. Toà Thánh đã nghiêng về quan điểm khắt khe của các cha M.E.P., nhất là trong việc thờ kính tổ tiên. Lệnh cấm đầu tiên vào năm 1704 thời ĐTC Clemens XI, năm 1715 tông chiếu Ex illa die nhắc lại những điều cấm và kèm thêm bản tuyên thệ phải từ bỏ lễ nghi Trung Hoa. Tại VN, ở giáo phận Đàng Trong, các cha dòng Tên đã phản đối và vẫn cho phép làm những việc trước đây nên có sự căng thẳng giữa các cha dòng Tên và vị Đại diện Toà Thánh. Cuối cùng, ĐTC Benedictus XIV ra tông chiếu Ex quo singulari năm 1742 giải quyết dứt khoát vấn đề lễ nghi Trung Hoa. Năm 1773 dòng Tên bị giải thể và mãi đến năm 1814 mới được phục hồi.

Sau khi Toà Thánh cấm các lễ nghi tôn kính tổ tiên ở Trung Hoa và ở VN, cuộc hội nhập văn hoá hầu như bị dừng lại. Nhiều người Á Châu đã coi Kitô giáo và nhất là Công giáo là đạo của người phương Tây. Các vua chúa ở châu Á càng có cớ để cấm đạo và bách hại đạo vì cho rằng theo đạo Công giáo là bỏ ông bà tổ tiên, là bất hiếu. Hơn nữa, do xuất hiện phái Duy Tự Do (bị Đức Gregorius XVI lên án năm 1832) và phái Duy Tân (bị Đức Pius IX lên án năm 1864), nhiều nhà thần học châu Âu cũng như châu Á không dám trình bày những quan điểm mới mẻ của mình cho những giá trị mới phù hợp với nền văn hoá mới.

Dù trong giai đoạn hình thành GHVN (1659-1802), các cha M.E.P. có phản đối việc tôn kính tổ tiên, nhưng trong các giai đoạn sau này, cho đến năm 1975, các thừa sai MEP đã đóng góp rất nhiều công sức cho việc hội nhập văn hoá bản địa, nhất là trong công cuộc truyền giáo cho các dân tộc thiểu số ở VN. Các ngài đã hội nhập vào đời sống các dân tộc không thua kém các giáo sĩ dòng Tên thời trước, nhất là đã tích cực tìm hiểu văn hoá các dân tộc thiểu số, giúp họ lập ra chữ viết, sưu tập thành các tự điển cho người Ba Na, Êđê, Xơđăng, M’nông, Xtiêng, Ra Glai…

Phải gần 200 năm sau, trong đường hướng cởi mở đối với các vấn đề về xã hội được ĐTC Leo XIII khởi đầu qua thông điệp Rerum Novarum (1891) và ĐTC Pius XII qua các thông điệp như Mystici Corporis (1943), Divino Afflante Spiritu (1943), Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin mới cho rằng lễ nghi tôn kính tổ tiên và Đức Khổng Tử chỉ có tính cách xã hội. Năm 1939, Thánh Bộ công bố huấn thị Plane Compertum est về vấn đề này. Năm 1965, HĐGMVN mới có thông báo cho phép những hình thức tôn kính tổ tiên mà chúng tôi trích dẫn sau đây:

4.2. Thông cáo của HĐGMVN về việc tôn kính ông bà tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ

“Ngày 20-10-1964, Toà Thánh, qua Bộ Truyền giáo, đã chấp thuận đề nghị của các Giám mục Việt Nam xin áp dụng Huấn thị Plane compertum est, về việc tôn kính tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ cho giáo dân Việt Nam. Để hiểu rõ tinh thần của Giáo Hội trong việc chấp thuận này, và để có những chỉ thị hướng dẫn cho việc áp dụng, Hội đồng Giám mục muốn nêu lên mấy điểm sau đây:

4.2.1. Giáo hội Công giáo đối với nền văn hoá và truyền thống các dân tộc

- Giáo Hội Chúa Kitô bao giờ cũng tha thiết thực hiện mệnh lệnh của Đấng Sáng Lập, để hiện diện khắp nơi và tuyên giảng Phúc Âm cho mọi người. Cố gắng đầu tiên của Giáo Hội là giúp sao cho con người được trở nên hình ảnh đích thực của Thiên Chúa và trung thực với sứ mệnh Kitô hữu của mình, để đạt cứu cánh sau hết là hạnh phúc đời đời. Công trình đó được thực hiện trong nội tâm của mỗi cá nhân. Nhưng nó có âm vang đến toàn diện cuộc đời và trong mọi lĩnh vực sinh hoạt của con người.

- Mặt khác, từ nguyên thuỷ cho đến ngày nay, Giáo Hội Công giáo vẫn tuân theo tiêu chuẩn Phúc Âm. Theo đó, Giáo Hội không huỷ bỏ hay dập tắt những giá trị thiện hảo, liêm chính, chân thành của các dân tộc. Có lẽ cũng vì bản tính nhân loại, dù còn mang dấu vết sự sa ngã của tổ tông, song vẫn giữ trong nội tâm một căn bản tự nhiên mà ánh sáng và ân sủng Thiên Chúa có thể soi chiếu, nuôi dưỡng và nâng lên tới một mức độ đức hạnh, một nếp sống siêu nhiên đích thực. Cũng vì vậy, Giáo Hội không bao giờ miệt thị, khinh chê tư tưởng cũng như nghệ thuật hoặc văn hoá của người không Công giáo. Trái lại, Giáo Hội đã từng góp phần thanh luyện hoặc bổ túc để đi đến chỗ hoàn hảo. Trải qua các thế kỷ, Giáo Hội đã thánh hoá những phong tục cũng như những truyền thống chân chính của các dân tộc. Giáo Hội cũng đã nhiều lần đem nghi lễ của miền này xứ nọ sáp nhập vào nền phụng vụ của mình, sau khi đã tu chỉnh cả tinh thần và hình thức, để ghi nhớ Mầu Nhiệm hoặc để tôn vinh các bậc thánh nhân hay các vị tử đạo.

- Đối với các tôn giáo khác, Giáo hội Công giáo cũng chủ trương một lập trường rõ rệt. Dĩ nhiên, Giáo Hội không thể tham dự vào các nghi lễ của các tôn giáo khác, hoặc coi tôn giáo nào cũng như tôn giáo nào, và lãnh đạm để mặc ai muốn hay không muốn tìm xem Thiên Chúa có mạc khải một Đạo không sai lầm, trong đó Thiên Chúa được nhận biết, kính mến và phụng thờ. Tuy nhiên, Giáo Hội không từ chối công nhận một cách kính cẩn những giá trị tinh thần và luân lý của các tôn giáo khác. Giáo Hội không phủ nhận điều gì vốn là chân lý và thánh thiện của bất cứ tôn giáo nào. Giáo Hội luôn luôn rao truyền Đức Kitô “là Đường đi, là Chân Lý và là Nguồn Sống” và, trong Đức Kitô, Thiên Chúa làm hoà với muôn vật. Tuy nhiên, Giáo Hội thành tâm và lưu ý cứu xét những hành động và sinh hoạt, những luật pháp và lý thuyết của các tôn giáo khác, tuy có sai biệt với những điểm Giáo Hội đề ra, song vẫn mang lại một tia sáng nào đó của chính chân lý hằng soi sáng mọi người. Vì thế, Giáo Hội khuyên giục con cái mình tuy vẫn phải giữ đức tin Công giáo toàn vẹn, nhưng phải làm thế nào để nắm giữ và phát triển những của cải thiêng liêng, luân lý và những giá trị xã hội, văn hoá, gặp được trong các tôn giáo khác nhờ những buổi hội thảo, sự học hỏi và sự cộng tác với các tín đồ của các tôn giáo này.

Chính lập trường đó của Giáo Hội được đúc kết trong tư tưởng của các Đức Giáo hoàng và trong Công đồng Vatican II, đã giải thích lý do quyết định của Toà Thánh, khi cho áp dụng huấn thị “Plane compertum est” tại Việt Nam ngày nay.

Và cũng chiếu theo tinh thần đó, các giám mục hội nghị tại Đà Lạt trong những ngày 13 và 14-6-1965 đã cho công bố thông cáo này”.

4.2.2. Thể thức áp dụng huấn thị Plane compertum est

- Nhiều hành vi cử chỉ xưa kia tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc bên ngoài và vì tâm tình, tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo hội Công giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho chúng được diễn tả bằng những cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ và tuỳ theo trường hợp.

Vì thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự chúng hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng, là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo ảnh, hình, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kị giỗ…) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.

- Trái lại, vì có nhiệm vụ bảo vệ đức tin Công giáo được tinh tuyền, Giáo Hội không thể chấp nhận cho người giáo hữu có những hành vi cử chỉ, hoặc tự chúng, hoặc do hoàn cảnh có tính cách tôn giáo trái với giáo lý mình dạy.

Vì thế, các việc làm có tính cách tôn giáo không phù hợp với giáo lý Công giáo (như bất cứ nghi lễ nào biểu lộ lòng phục tùng và sự lệ thuộc của mình đối với một thụ tạo nào đó như là đối với Thiên Chúa), hay những việc dị đoan rõ rệt (như đốt vàng mã), hoặc cử hành ở những nơi dành riêng cho việc tế tự … thì giáo hữu không được thi hành và tham dự. Trong trường hợp bất đắc dĩ, chỉ được hiện diện một cách thụ động như đã ấn định trong Giáo luật, khoản 1.258 (Bộ Giáo luật năm 1917).

- Đối với những việc mà rõ là thế tục hay tôn giáo, thì phải dựa theo nguyên tắc này, là nếu những hành vi đó, theo dư luận dân chúng địa phương, không coi như sự tuyên xưng tín ngưỡng của một tôn giáo (ngoài Kitô giáo), mà chỉ biểu lộ tâm tình tự nhiên, thì được coi như không trái với đức tin Công giáo, nên được thi hành và tham gia. Trong trường hợp chưa hết nghi nan, thì có thể hành động theo tiếng lương tâm lúc ấy: nếu cần, thì phải giải thích chủ ý của mình một cách khéo léo, hợp cảnh, hợp thời. Sự tham dự cũng chỉ được có tính cách thụ động.

Đó là những nguyên tắc chung, giáo hữu cần phải dựa vào mà xét đoán theo lương tâm và hoàn cảnh. Trong trường hợp hồ nghi, mọi người liên hệ không được theo ý riêng mình, mà sẽ phán đoán theo chỉ thị của Toà Thánh và bàn hỏi với các giáo sĩ thành thạo.

Yêu cầu quý cha phổ biến rộng rãi và giải thích tường tận thông cáo này không những trong các nhà thờ mà cả mỗi khi có dịp, không những cho anh em giáo hữu mà cho cả người ngoài Công giáo. Các vị phụ trách Công giáo Tiến hành cũng phải lấy thông cáo này làm đề tài học tập cho các hội đoàn trong các buổi họp và các khoá huấn luyện” (x. Sacerdos Linh Mục nguyệt san, số 43, tháng 7-1965, tr. 489-492).

4.3. Hội nghị Nha Trang

Ngày 14-11-1974, 7 giám mục Việt Nam (Tgm. Philipphê Nguyễn Kim Điền, Gm. Giacôbê Nguyễn Văn Mầu, Gm. Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Gm. Phaolô Huỳnh Đông Các, Gm. Giuse Trần Văn Thiện, Gm. Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang, Gm. Phêrô Maria Nguyễn Huy Mai) chủ toạ khoá hội thảo về Phúc Âm hoá ở Nha Trang, đã xác định cụ thể hơn về vấn đề thờ cúng tổ tiên trong 6 điểm. Chúng tôi xin trích nguyên văn sau đây:

1. Bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên được đặt dưới bàn thờ Chúa trong gia đình, miễn là trên bàn thờ không bày biện gì mê tín dị đoan như hồn bạch …
2. Việc đốt hương, nhang, đèn, nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ gia tiên và trước giường thờ tổ tiên là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm.
3. Ngày giỗ cũng là ngày “kị nhật” được “cúng giỗ” trong gia đình theo phong tục địa phương, miễn là loại bỏ những gì là dị đoan mê tín như đốt vàng mã… và giảm thiểu, canh cải những lễ vật để biểu dương ý nghĩa thành kính biết ơn ông bà như dâng hoa trái, hương đèn…
4. Trong hôn lễ, dâu rể được làm “lễ tổ, lễ gia tiên trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên” vì đó là nghi lễ tỏ lòng biết ơn, hiếu kính trình diện với ông bà.
5. Trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương để tỏ lòng tôn kính người đã khuất, cũng như Giáo Hội cho đốt nến, xông hương, nghiêng mình trước thi hài người quá cố.
6. Được tham dự nghi lễ tôn kính vị Thành Hoàng quen gọi là “phúc thần” tại đình làng để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử,đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải vì mê tín như đối với các “yêu thần, tà thần”.

Trong trường hợp thi hành các việc trên đây sợ có điều gì hiểu lầm nên khéo léo giải thích qua những lời phân ưu, khích lệ, thông cảm… Đối với giáo dân, cần giải thích cho hiểu việc tôn kính tổ tiên và các vị anh hùng liệt sĩ theo phong tục địa phương là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính có liên quan đến tín ngưỡng, và chính Chúa cũng truyền “phải thảo kính cha mẹ”, đó là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa”.

4.4. HNVH trong thiên niên kỷ mới

Kể từ năm 1975, nhiều hoạt động hội nhập văn hoá của GHVN hầu như dừng lại vì nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan. Nhiều tín hữu không còn để ý đến tầm quan trọng của văn hoá và việc hội nhập văn hoá trong đời sống khiến cho đạo và đời mỗi ngày một cách xa nhau, dù ai cũng hiểu rằng cần phải “tốt đạo đẹp đời”.

Một vài năm gần đây, HĐGMVN đã bắt đầu để ý hơn đến vai trò của văn hoá trong đời sống đức tin và đã đề nghị Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ nghiên cứu về vấn đề này, nhất là trong phạm vi phụng vụ. Trong Đại hội kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang ở Huế năm 1998 và 1999, người ta thấy một số hình thức lễ hội Công giáo với những nét văn hoá dân tộc được chính thức giới thiệu cho quần chúng như các buổi dâng hoa, dâng hương, đêm Diễn Nguyện với vở hát quan họ “10 cô trinh nữ”… Gần đây, từ ngày 26 đến 29-10-1999, Toà tổng giám mục Huế tổ chức buổi Toạ đàm về chữ hiếu với khoảng 150 tham dự viên. Uỷ ban giám mục về giáo dân cũng tổ chức Toạ đàm về một số vấn đề về văn hoá Công giáo Việt Nam từ khởi thuỷ đến đầu thế kỷ XX ở Huế từ ngày 23 đến 27-10-2000, với khoảng 250 tham dự viên. Tại Đại hội tháng 9-2001, HĐGM VN đã chấp thuận đề nghị của Uỷ ban Phụng tự về cách ban bình an trong thánh lễ giữa các vị ở trên cung thánh: từ nay không bắt tay, không áp má nữa, nhưng theo cung cách Á Đông hơn: hai người đứng gần nhau, quay mặt vào nhau, chắp tay lại, cúi đầu chào nhau và cùng nói: Chúa ở cùng cha (hoặc Chúa ở cùng anh, nếu là giáo dân).

Những hoạt động hiếm hoi này thật cần thiết để cho người tín hữu hiểu biết thêm về tầm quan trọng của việc HNVH. Tuy nhiên, chúng mới chỉ là những bước khởi đầu và mới tác động đến một số rất ít tín hữu, trong khi ĐTC Gioan Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng: “Tiến trình HNVH phải thu hút toàn thể dân Chúa vì đời sống Giáo Hội nói chung phải phản ánh niềm tin mà Giáo Hội đang loan báo và đang thủ đắc” (GHAC số 22).

5. LINH MỤC, TU SĨ VÀ VIỆC HỘI NHẬP VĂN HOÁ TRONG CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO

ĐTC đã nhấn mạnh mối liên kết mật thiết giữa đời thánh hiến và công cuộc truyền giáo, đặc biệt trong số 44. Ngài xác định: "Trong thinh lặng, người tu sĩ nêu gương nghèo khó và từ bỏ, thanh khiết và chân thành, quên mình trong vâng phục. Tất cả những điều ấy trở nên một chứng tá hùng hồn có thể đánh động mọi người thiện chí và đưa người thánh hiến tới chỗ đối thoại với các nền văn hoá và tôn giáo chung quanh cũng như với những người nghèo và những người không được ai bênh vực. Điều này làm cho đời thánh hiến đúng là một phương thế đặc biệt cho công cuộc phúc âm hoá được hữu hiệu". Điều xác quyết này đã được minh chứng trong lịch sử các tổ chức tu trì ở Việt Nam thời quá khứ cũng như hiện tại.

5.1. Hội nhập văn hoá thời quá khứ: Chúng ta có một thí dụ cụ thể về cuộc HNVH của các nữ tu Mến Thánh Giá (MTG) trong thời kì Giáo Hội bắt đầu hình thành tại Việt Nam.

Ngày 19-2-1670, Đức cha Lambert de la Motte đã chủ sự lễ khấn cho 2 nữ tu đầu tiên, chị Annê và Paula ở Phố Hiến. Kể từ đó các nữ tu MTG đã thực hiện cuộc HNVH bằng việc cộng tác chặt chẽ với các thừa sai và thầy giảng trong việc loan báo Tin Mừng Đức Giêsu cho đồng bào. Các chị dạy giáo lý cho các dự tòng, tân tòng, dạy kinh, dạy chữ cho các bổn đạo. Các chị là những người đầu tiên học chữ quốc ngữ và truyền lại cho dân chúng. Các chị truyền đạt những bài học về vệ sinh và khoa học thường thức để nâng cao sức khoẻ, kiến thức cho dân chúng. Các chị học về thuốc Bắc, thuốc Nam, cắt lể, bấm huyệt và trở thành như những y tá nông thôn thực thụ. Các chị học nghề hộ sinh giúp các phụ nữ về thai sản và trở thành những bà “mụ” được dân chúng kính trọng.

Thư viện của Hội Thừa sai Paris còn lưu giữ lại nhiều hình ảnh về sinh hoạt của các nữ tu dòng MTG ở tu viện Di Loan (Huế). Tu viện được thành lập vào hậu bán thế kỷ XVIII (1775-1799). Tu viện gồm 96 nữ tu, có một xưởng dệt luạ, 2 nhà thêu với 150 công nhân. Các chị dạy trong 6 trường học ngoài xứ đạo với khoảng 300 học sinh. Các hình ảnh do một hoạ sĩ tên Nguyễn Thứ vẽ tả cho ta thấy cảnh các chị mặc áo dài, cổ đeo áo Đức Bà và làm các việc thường ngày như ươm tơ, quay tơ, xe chỉ, kéo sợi, dệt luạ... Các chị giúp đỡ người nghèo khổ, nhận nuôi những trẻ em nghèo, rửa tội cho các trẻ hấp hối, dạy giáo lý, dạy thêu may cho các thiếu nữ, dạy học, đúc bánh lễ… (x. Nguyễn Ngọc Sơn, Người mục tử cộng đồng hướng về tương lai, NXB TP. HCM, 1996, tr. 194-203). Đây thật sự là cuộc hội nhập văn hoá khá hoàn chỉnh của các nữ tu MTG thời xưa.

Chúng ta cũng không thể không nhắc tới chị Anna Miều, 26 tuổi, dòng MTG Cái Mơn. Năm 1867 cha Bề trên Quý sai chị và một em nữa đi truyền giáo. Ban ngày, hai chị em với chiếc tay nải, đồ dùng cạo gió, ít viên thuốc tễ, đi vào các thôn làng để dạy đạo, dạy chữ, dạy cho người ta sống hợp vệ sinh. Đêm về, cả hai chui vào chiếc thuyền nan con neo bên bờ sông để nghỉ ngơi, cầu nguyện. Kết quả thật lạ lùng: trong vòng 2 năm, các chị đã giúp rửa tội cho hơn 600 người lớn và trẻ nhỏ (x. Kỷ yếu Hội dòng MTG Cái Mơn nhân dịp 150 năm thành lập). Cuộc hội nhập văn hoá thật sự luôn đem lại những kết quả phi thường ngay trong những năm cấm đạo khốc liệt nhất. Những sự kiện tiêu biểu trên đây như đang mời gọi các tu sĩ MTG ngày nay thúc đẩy tiến trình hội nhập văn hoá của mình.

5.2. HNVH của linh mục, tu sĩ ngày nay

Trong phạm vi bài học hỏi về tông huấn GHCA, chúng tôi chỉ xin giới thiệu tóm tắt vài điểm đáng lưu ý sau đây:

- Chúng ta đã biết, việc HNVH là công trình của Chúa Thánh Thần, chính Ngài giúp Giáo Hội hoàn thành sứ mạng do Đức Kitô trao phó. Vì thế, người linh mục, tu sĩ cần phải gắn bó với Chúa Thánh Thần trong việc "tìm gặp Chúa, sống tinh thần hiệp thông huynh đệ và phục vụ người khác.. Trong một thế giới mà ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa thường bị suy giảm, những người sống đời thánh hiến cần phải làm chứng một cách thuyết phục về sự ưu việt của Thiên Chúa và đời sống vĩnh cửu. Khi sống thành cộng đoàn, họ phải làm chứng về các giá trị của tình huynh đệ Kitô giáo và sức mạnh biến đổi của Tin Mừng" (44). Rất nhiều khi chúng ta chỉ cậy dựa vào sức mạnh của con người trong việc HNVH mà quên mất sức mạnh của Thiên Chúa (x. Cv 2,37; GHCA, số 43).

- Muốn HNVH thật sự và có kết quả, chúng ta cần tìm hiểu kỹ lưỡng bản sắc văn hoá Việt Nam để tìm ra những giá trị cơ bản, rồi nhận định so sánh với những giá trị của nền văn hoá Kitô giáo, sau đó chọn lựa những giá trị tốt đẹp hơn để thực hiện cuộc hội nhập. Đây là công việc cần nghiên cứu lâu dài và khó khăn chứ không phải là công việc hời hợt bên ngoài như mặc tấm áo thụng, đội khăn đóng, đi hài cong trong một cuộc dâng lễ vật hoặc xây nhà thờ có mái cong theo kiểu chùa hay đình nào đó. Công việc này đòi hỏi sự cộng tác của nhiều thành phần trong cũng như ngoài Giáo Hội, nên một vài cá nhân riêng lẻ, dù hết sức cố gắng cũng khó có thể thành công. Các linh mục, tu sĩ việt Nam hiện nay cónhiều điều kiện để cộng tác với nhau cho công cuộc này.

- ĐTC tha thiết nhắc nhở chúng ta cố gắng tìm hiểu văn hoá của các dân tộc sống quanh ta hay được ta phục vụ (GHCA, số 21). Việt Nam có tới 54 sắc tộc sống chung với nhau và nhiều khi chúng ta quá để ý tới người Kinh mà quên đi các nền văn hoá của các dân tộc thiểu số.

- Trong những lĩnh vực then chốt cần HNVH, ĐTC nhắc đến thần học, nhất là môn Kitô học, phụng vụ, Thánh Kinh, việc đào tạo các người rao giảng Tin Mừng và đào tạo giáo dân biết hoà nhập vào xã hội (GHCA số 22). Điều này thúc đẩy các linh mục cần chú ý đến việc học về Đức Kitô và sống với Ngài để có thể trình bày và giới thiệu Đức Kitô cho người khác một cách trung thực và gần gũi với cuộc sống của đời thường. Các vị linh mục cần phải có kinh nghiệm thật sự về Thiên Chúa và về con người qua đời sống chiêm niệm và hoạt động (GHAC, số 23). Các thất bại hoặc trì trệ trong việc truyền giáo hiện nay đã thúc đẩy các nghị phụ của Thượng Hội đồng Giám mục về châu Á khẩn thiết xin ĐTC kêu gọi các nhà thần học nghiên cứu thêm về Kitô học. Chính ĐTC, trong bất cứ tông huấn, tông thư nào, cũng đều giành một phần để trình bày những điểm mới của Kitô học phù hợp với nền văn hoá của con người thời nay.

- Các nhà truyền giáo xưa kia rất chú ý đến việc tổ chức các lễ hội và văn hoá dân gian để đưa những giá trị của Kitô vào trong đời sống của cộng đồng. Ngày nay, nhiều linh mục dường như quên đi điểm này khiến cho đời sống đạo của người tín hữu quá tập trung vào những lễ nghi phụng vụ, làm cho những giá trị của Kitô giáo không toả rộng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

- Cuối cùng, trong số 48 của tông huấn, ĐTC nhấn mạnh đặc biệt đến việc truyền thông xã hội vì đây là phương tiện hình thành nên các nền văn hoá và các kiểu cách suy tư. Chúng ta có thể dùng các phương tiện truyền thông xã hội để đưa sứ điệp Tin Mừng vào trong “nền văn hoá mới”. Người linh mục cần hiểu biết và sử dụng các phương tiện này (phim ảnh, sách báo, truyền thanh, truyền hình, mạng Internet…) trong sứ mạng tông đồ của mình.

Kết luận

Suy nghĩ về việc hội nhập văn hoá trong tông huấn Giáo Hội tại châu Á là một dịp để mỗi người chúng ta kiểm điểm lại đời sống thánh hiến của mình về các lĩnh vực thể lý, tri thức, đạo đức và mục vụ tông đồ. Tất cả những lĩnh vực này phản ánh những giá trị mà mỗi người chúng ta chọn lựa từ trong nền văn hoá Kitô giáo hay nền văn hoá dân tộc và thể hiện nét đẹp của chúng ra trong đời sống. Như thế, hội nhập văn hoá khởi đầu từ chính mỗi người chúng ta rồi mới lan toả ra trong xã hội và thế giới. Nếu chúng ta chọn lựa đúng những giá trị cao cả thì đời sống thánh hiến biểu lộ sự hội nhập tốt đẹp. Đời sống đó sẽ có sức thu hút những người khác tìm đến và gặp gỡ Đức Kitô ở trong ta cũng như để ta có thể giới thiệu Người và làm chứng cho Người một hiệu quả.

Như thế, việc hội nhập văn hoá sẽ còn tiếp tục kéo dài trong suốt đời sống của từng con người và của cả Giáo Hội nên chúng ta không thể kết thúc vấn đề ở nơi đây…