Muammar Gadhafi và những bài học ‘làm vua’

Cách nay hai tháng khi Tripoli vừa thất thủ, từ nơi ẩn náu bí mật nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi đã đưa ra lời tuyên bố đầy ‘hoang tưởng’ “…tôi đã đi qua các đường phố của Tripoli mà không để lộ tung tích, không ai nhìn thấy… đã chứng kiến những người trẻ tuổi sẵn sàng bảo vệ thành phố của họ" và ông kết thúc ‘giấc mơ’ trở về của mình bằng việc hô hào dân chúng thủ đô "quét sạch lũ chuột ra khỏi Tripoli"

Lời lẽ ngạo mạn, cung cách quái dị ‘không giống ai’ đã từ lâu được xem là ‘thương hiệu’ của Gadhafi. Thế nhưng ông ta không ai ngờ rằng lần “thần khẩu” này lại “hại xác phàm” đến mức khiến ông khi lìa trần thậm chí chẳng còn được nơi túp lều mà là “ống cống” nơi lẽ ra chỉ dành cho “lũ chuột” chứ chẳng phải ‘King of kings - Vua của các vua’ như có lần ông ta tự xưng.

Những chân lý rút ra từ… miệng cống!

Cuộc đời và cách chết của những con người cả nổi tiếng lẫn tai tiếng luôn có những điều khiến người đời thường phải suy nghĩ, ‘ông vua’ Gadhafi cũng vậy.

+ Vì sao một người mặt mũi nom ‘ngầu’ là thế, giết dân không gớm tay là thế, nhưng đến lượt mình đối mặt với cái chết thì lại sợ hãi trốn chui trốn nhủi trong ống cống, van xin “đừng bắn!” khi bị lôi ra? Đó đâu phải là cách chết của “đối đầu vì danh dự” như ông ta viết trong di chúc?

+ Leo lên đến đỉnh cao quyền lực lúc còn rất trẻ chỉ mới 28 tuổi và cai trị đất nước suốt 42 năm liền là trường hợp hiếm ngay cả đối với thể chế quân chủ ‘cha truyền con nối’. Người có số mệnh vương tướng như thế sao lại chết thảm nơi miệng cống, xác bị kéo lê trên đường, nay bị đem chôn nơi hoang mạc, cả ‘hoàng tộc’ lẫn ‘quần thần’ chẳng ai biết đấy là đâu?

Và còn nhiều câu hỏi ‘đau đầu’ khác. Như vì sao lại có chuyện “không rõ ai đã bắn ông ta”? Liệu có do lệnh phải “nhổ cỏ tận gốc” của ai đó cũng giống như cái chết của Ngô tổng thống Việt Nam mình chăng? Bởi để bắn hạ một lãnh tụ uy quyền “vua cua các vua” như Gadhafi ngay cả khi ông ta đã ‘ngã ngựa’ không phải là việc dễ làm đối với bất cứ ai, nếu chẳng phải là người sẵn có máu lạnh.

Cố tổng thống Ngô Đình Diệm diện mạo không ‘dữ dằn’ như đại tá Gadhafi thế mà theo nhiều tài liệu bảo tay đại úy Nhung ‘sát thủ’ có tiếng cũng chỉ dám lén lút làm cái công việc hèn hạ này trong lòng thiết vận xa, thì liệu có thể có chuyện một chiến binh ‘vô danh tiểu tốt’ nào đó của NTC dám ngang nhiên bắn ‘con hùm’ Gadhafi giữa thanh thiên bạch nhật chăng?

Dẫu sao thì sau một tuần lễ ‘làm nóng’ cả thế giới nay linh hồn Gadhafi cũng đã về nơi cần phải đến. Cuộc đời ông ta nếu có gì đáng giá để lại chắc không thể thiếu ba bài học ‘làm vua’ căn bản sau cho những ai còn đang ‘đè đầu cưỡi cổ’ thiên hạ.

1. Thời của đàn áp và bạo ngược với dân chúng không còn là ‘chuyện riêng’ của bất cứ quốc gia nào.

Thế giới ngày nay đã khác rất nhiều so với 20 năm trước. Thật vậy, những ngày qua, sau khi cùng thế giới chứng kiến sự sụp đổ hàng loạt chính thể độc tài Bắc Phi hẳn đã có không ít gia đình Trung Quốc đã cảm thấy xót thương hơn cho số phận không may con em của họ. Những người mà thân thể từng bị nghiền nát bởi xích xe tăng tại quảng trường Thiên An Môn mùa hè 1989, nhưng khi ấy thế giới bên ngoài không mấy ai biết gì về những sự thật hết sức tồi tệ đang xảy đến cho họ. Và ngày nay nếu vẫn chưa có internet thì số phận của rừng người Ai Cập biểu tình tại quảng trường Tahir chắc cũng chẳng khá hơn các sinh viên TQ năm xưa để lật đổ được nhà độc tài Hosni Mubarak hồi đầu năm.

Thế nên, chẳng phải ngẫu nhiên mà Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain trong một phát biểu ngay sau cái chết của Gadhafi đã không ngần ngại cảnh báo “chết này này sẽ khiến các nhà độc tài trên toàn thế giới, bao gồm cả Bashar al-Assad, thậm chí có thể ông Putin, Trung Quốc cảm thấy lo lắng hơn"

Không cần TNS John McCain nêu đích danh hết các chính thể độc tài, thì những gì vừa diễn ra tại Bắc Phi cũng quá đủ để 2011 là năm ‘hắc ám’ nhất đ/v họ trước giờ.

Bởi lẽ không giống như biến cố Đông Âu 20 năm trước một phần là do sự xung đột về ý thức hệ và sắc tộc. Hoa Nhài 2011 là cuộc cách mạng của ‘miếng cơm manh áo’ và đòi hỏi công bằng dân chủ trong xã hội, bắt nguồn từ sự ‘ngọn đuốc sống’ Muhamad Bouazizi sau nhiều lần người bán rau quả xấu số này bị chinh quyền tỉnh Sidi Bouzid, Tunisia ‘hất đổ’ chén cơm.

Những đòi hỏi thiết thực quá chính đáng này ngày càng thu hút đại đa số quần chúng nghèo vùng Bắc Phi ‘vào cuộc’ khiến hàng loạt chính quyền sụp đổ thảm hại quá bất ngờ, đã khiến các chế độ độc tài khác lo lắng là lẽ đương nhiên.

2. Thế giới ngày nay không còn quá bao la để ai đó gieo rắc tội ác và dễ dàng trốn thoát như trong thế kỷ trước.

Thật vậy, nhân loại mới bước sang thiên niên kỷ mới chục năm thế nhưng đã có hơn chục ‘món nợ’ của các nhà độc tài, tội phạm chiến tranh vùng Đông Âu vòng qua Nam Mỹ Châu Phi và cả Campuchia v.v... bị đem ra xét xử tại các tòa án quốc tế.

Trước Gadhafi đã từng có một Sadam Hussein, Osama Bin Laden sau nhiều năm biệt tăm những tưởng đã có thể hạ cánh an toàn đâu đó, nhưng cuối cả hai đều đã không thoát khỏi ‘lưới trời’.

Về hoàn cảnh bị bắt của Gadhafi, tờ ABC News hôm 21/10 có bài “Moammar Gadhafi Dead: How Rebels Killed the Dictator” thuật lại như sau “Khi thành Sirte bị thất thủ một máy bay trinh sát Mỹ không người lái được điều khiển từ từ Las Vegas đã cảnh báo cho lực lượng NATO biết về sự xuất hiện của một đoàn xe 80 chiếc đang chạy trốn khỏi nơi này. Ngay lập tức các máy bay chiến đấu Pháp đã đáp trả bằng một cuộc không kích nhắm vào hai chiếc trong số này. Hiện vẫn chưa rõ các chiến đấu cơ Pháp đã thực sự bắn trúng xe của Ghadafi hay không, nhưng khi các phiến quân tràn đến, phóng viên Gabriel Gatehouse của BBC được họ cho biết là họ vừa lôi nhà lãnh đạo này ra khỏi một ống cống thoát nước gần đó...”

Kể từ sau biến cố 11/9/2001 các máy bay không người lái (drone) của Mỹ cũng đã tiêu diệt được khoảng 2000 tên khủng bố khắp nơi, gồm cả thủ lĩnh Al Qaeda quốc tịch Mỹ Anwar al-Awlaki bị giết tại Yémen trong năm nay.

Rõ ràng loại vũ khí lợi hại này cùng với các hệ thống quan sát điện tử, định vị toàn cầu được giăng mắc khắp nơi đang là nỗi ám ảnh đối sợ hãi với bất cứ tên tội phạm quốc tế nào đang bị truy nã.

3. Độc tài càng lâu, mù quáng càng ‘tợn’!

Thật vậy, với bề dày 42 năm cai trị quốc gia lẽ ra ông Gadhafi phải có thừa mưu lược để nhận ra việc Hội đồng Bảo an LHQ trong đó cả ‘đồng minh’ Trung Quốc đã thông qua tuyệt đối (15/15 phiếu) nghị quyết 1970 (26/2/2011) lên án và cấm vận Libya, rồi vài tuần sau Nghị Quyết 1973 lại tiếp tục được thông qua (17/3/2011) cho phép NATO can thiệp quân sự mà không có bất cứ phiếu chống nào, chứng tỏ 100% chính xác là cả thế giới này đã đồng tình ‘khai tử’ mình rồi!

Một khi cả TQ lẫn Nga đều không phản đối việc ném bom của NATO thì chính quyền Libya có hùng mạnh và chống trả quyết liệt cỡ nào thì cũng chỉ là lần vùng vẫy cuối cùng mà thôi. Thực tế đã cho thấy với khoảng 1000 phi vụ đã thực hiện hơn nửa năm qua, cả thế giới đều biết lực lượng không quân NATO mới là ‘sát thủ’ của Gadhafi chứ không phải quân nổi dậy.

Mà cũng không chỉ ‘mù quáng’ nhất thời. Từ thời điểm 17/3/2011 cho đến khi Tripoli thất thủ 5 tháng trời, một thời gian quá dài đủ để ‘hạ màn’. Thế nhưng, ngay cho đến những ngày cuối cùng bị dồn vào chân tường Sirte, chỉ vài giờ trước khi bị bắt nhiều báo vẫn còn bị ông ta ‘cho ăn quả lừa’ vì tin nhảm nhí đang chiêu mộ binh lính để phản công chiếm lại Tripoli!?

Rõ ràng thật khó tìm được câu trả lời nào thỏa đáng hơn là sự độc tài lâu năm đã khiến mù quáng của Gadhafi trở nên quá… ‘táo tợn’ khi so với sự khôn ngoan sáng suốt của tướng Than Shwe, Miến Điện.

Cả Gadhafi lẫn Than Shwe đều xuát thân từ quân đội lên nắm quyền sau các cuộc chính biến không qua bầu cử, con đường ngắn nhất đến ghế độc tài nhưng Than Shwe kém lâu hơn (1992-2011).

Cách nay chỉ hơn một năm, trước thềm hội nghị ASEAN 16 diễn ra tại Hà Nội (4/2010) khoảng 100 nghị sĩ từ các nước Asean bức xúc trước những vi phạm nhận quyền và dân chủ đã cùng kiến nghị khai trừ Miến Điện ra khỏi khối này. Vậy mà giờ đây… những gì chúng ta đang chứng kiến trong năm nay là một Miến Điện ‘thay da đổi thịt’ hoàn toàn khác hẳn.

Nếu cách mạng Hoa Nhài 2010 đã góp tác động lên giới lãnh đạo Miến Điện khiến họ thay đổi phải nói là ‘cực nhanh’ trong năm 2011, thì với Gadhafi giờ đây nếu còn điều gì đó khiến ông ta đang phải ân hận nơi chín suối, chắc rằng đó phải là sự hối tiếc vì sao Than Shwe thức thời biết lo xa, còn mình… hơn 20 năm trước cũng đã từng một lần có dịp chứng kiến hàng loạt nhà độc tài Đông Âu lâm nạn, vậy mà miệng vẫn cứ nói không?

Sàigòn, 28/10/2011

Alf.Hoàng Gia Bảo