Ấn Độ: Khoảng 200 thanh niên Công giáo và Ấn giáo cùng hát trong ngày hội thánh ca

Mumbai - Giáo xứ Thánh Phêrô, ở Bandra, Mumbai, đã tổ chức Liên hoan Thánh ca lần thứ tám hàng năm cuối tuần qua, với khoảng 200 ca viên trong nhiều ca đoàn thuộc tám giáo xứ ở Mumbai. Trong số các nhóm hát, có Ban Gleehive và Kantori Cadenza, và ca đoàn 71 thành viên của giáo xứ thánh Helena ở Pune, trong đó một nửa số ca viên là người Ấn giáo. Mục tiêu của liên hoan thánh ca là thúc đẩy sự quan tâm đến thánh nhạc trong công chúng.

Cùng qui tụ với nhau, 200 ca viên mở đầu bằng điệp ca Mùa Vọng 'Hãy đến, hãy đến, hỡi Đấng Emmanuel’, sau đó là bài "Chúa Giêsu, Niềm Vui của khát vọng con người” của nhạc sĩ JS Bach. Mặc đồng phục cho liên hoan, mỗi ca đoàn hát hai bài thánh ca.

Đức Cha Robert Tyrala, chủ tịch Liên đoàn quốc tế Pueri Cantores (Thiếu nhi Ca hát), là một khách mời đặc biệt tại sự kiện này. Ngài khen ngợi các ca viên trẻ có trình độ diễn xuất cao. Ngài nói: “Âm nhạc vượt qua nền văn hóa và tôn giáo, và nâng lòng trí lên với Chúa”.

Tổ chức Pueri Cantores là một tổ chức nhằm giáo dục giới trẻ thông qua các giá trị và thánh nhạc Kitô giáo. Ở châu Á, tổ chức này có mặt ở Nhật, Sri Lanka và Hàn Quốc.

Đức Cha Tyrala nói: “Tại Ấn Độ, thánh nhạc là một phương tiện truyền giáo cho Giáo Hội Công Giáo. Tôi nhìn vào các thanh niên nam nữ này, và tôi thấy tương lai của Giáo Hội. Trong khi họ hát, tôi nhìn thấy niềm vui trong mắt họ, vì ân sủng của Thiên Chúa đến với họ. Đó là một kinh nghiệm rất tốt".

Giám mục Tyrala đến châu Á để tham dự một hội nghị về "Giáo Hội tại châu Á, vai trò của các phong trào đạo đức".

Ngài giải thích: "Tôi cảm nghiệm được đời sống nội tâm của Giáo Hội châu Á. Trong lục địa này, người Công giáo là một thiểu số, và tôi nghĩ rằng có một nhu cầu rất lớn cho việc truyền giáo, thông qua các hoạt động giống như tổ chức Cantores Pueri. Thánh nhạc có thể đến với con người, và đóng một vai trò đặc biệt trong việc truyền giáo".

Vì lý do này, Ngài không ngạc nhiên khi thấy nhiều người trẻ Ấn Giáo giữa các ca viên công giáo. Ngài nói: “Phương châm của chúng tôi là ‘Chúng tôi là công cụ hòa bình của các bạn".

“Ở Ấn Độ cũng như ở nơi khác, một số người ngoài Kitô giáo có thể tìm thấy trong thánh ca một thời khắc suy tư, và câu trả lời cho một cái gì đó quan trọng hơn. Phát biểu với chúng tôi vào năm 1999, ĐTC Gioan Phaolô II kêu gọi chúng tôi "hãy là sứ giả của cái đẹp, đức tin, và đức ái”. (AsiaNews 13-12-2011)

Phạm Kim An