WGPSG -- Vào những ngày sau Công nghị 2011 của Tổng Giáo phận TP.HCM, Ông Alessandro Speciale - Phóng viên của Religion News Service và Ucan Agency (PV) - đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn như sau:

PV: Ngài có thể mô tả tình hình tự do tôn giáo ở đất nước của ngài như thế nào?


ĐHY: Tôi nhận thấy quyền con người trên đất nước Việt Nam, nói chung, là được hệ thống luật pháp quy định thành những cái phép với sự kiểm soát chặt chẽ, với những hạn chế, theo nhận thức của những người làm luật và thi hành luật, và tất nhiên là dưới sự lãnh đạo của người Cộng sản. Tuy nhiên, so với thời gian sau năm 1975, hiện nay có sự đổi mới và mở rộng hơn. Tự do tôn giáo cũng ở trong tình trạng đó. Sự kiểm soát chặt chẽ hay mở rộng còn tuỳ thuộc hoàn cảnh cùng quan điểm của những địa phương khác nhau.

PV: Đâu là những hạn chế chính yếu?

ĐHY: Đối với các tổ chức tôn giáo, hiện nay không có quyền tự do xây trường học và bệnh viện, ngoài những nhà trẻ, những phòng khám, những mái ấm chăm lo người nhiễm HIV/AIDS, trẻ mồ côi, khuyết tật, người mang thai ngoài ý muốn.

PV: Tình hình ơn gọi như thế nào? Chủng viện có nhiều chủng sinh không?

ĐHY: Hiện nay, ơn gọi tại Việt Nam còn rất phong phú. Trong giáo phận của tôi, hiện nay có 250 bạn trẻ đang tham dự các lớp dự tu, chờ được vào Đại chủng viện.

PV: Ngài cảm thấy chủ nghĩa ‘thế tục hóa’ có ảnh hưởng như thế nào ở Việt Nam?

ĐHY: Trọng tâm đời sống của nhiều người hiện nay là cơm áo gạo tiền, chứ không phải đạo đức làm người. Lối sống thế tục ảnh hưởng nhiều lên người dân, nhất là các bạn trẻ. Dầu vậy, vẫn còn đông đảo người Công giáo đi nhà thờ, tham gia các sinh hoạt đạo.

PV: Ngài có thể mô tả như thế nào về mối tương quan hiện tại với chính quyền?

ĐHY: Mối quan hệ giữa Nhà Nước và Giáo Hội có những thay đổi tùy theo thời điểm và địa phương. Nhưng nói chung, hiện nay có phần ít căng thẳng hơn những thập niên trước. Cũng có thể nói là có phần cải thiện. Một số bằng chứng cụ thể là sự hiện diện của vị Đại diện Vatican không thường trú tại Việt Nam, HĐGM.VN nay có nhiều Uỷ ban Mục vụ, một số giáo phận có nhiều tổ chức mục vụ, tổ chức tông đồ giáo dân, một số sinh hoạt đạo không cần phải có phép trên văn bản như trước kia.

PV: Cuộc tranh cãi về tài sản của Giáo Hội diễn biến như thế nào? Tài sản đó có được trả lại cho Giáo Hội không?

ĐHY: Từ sau năm 1975, người dân Việt Nam cũng như các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam không còn quyền sở hữu nhà đất. Nhà Nước chủ trương đất đai là sở hữu toàn dân, người dân chỉ có quyền sử dụng đất, còn Nhà Nước quản lý mọi sự. Đang khi đó, Nhà Nước lại chủ trương kinh tế thị trường. Từ đó, sinh ra nhiều tranh chấp trong xã hội cũng như tình trạng tham nhũng, bất công, đặc biệt trong lãnh vực đất đai. HĐGM.VN đã có văn bản đề nghị Nhà Nước tu chính hệ thống luật pháp, nhìn nhận quyền tư hữu là quyền chính đáng của người dân. Trên thế giới ngày nay, hầu hết các quốc gia đều nhìn nhận quyền tư hữu là một trong những quyền căn bản của con người. Theo tôi biết, nhiều nhân sĩ trí thức ngoài Công giáo, kể cả một số cán bộ, cũng đồng ý với quan điểm này.

PV: Có người nói rằng: các Giám mục “quá mềm” đối với chính quyền. Ngài trả lời như thế nào?

ĐHY: Có những bài viết trên mạng truyền thông phê phán Giám mục này, Giám mục kia chạy theo Cộng sản hoặc là làm tay sai cho Cộng sản, thậm chí còn kết tội Vatican thoả hiệp với Nhà Nước Việt Nam. Có lẽ lý do chính là vì họ thấy các Giám mục không làm theo như họ, không dùng mạng truyền thông lên tiếng phản đối, tố cáo việc này việc kia trong xã hội. Thế nhưng, tôi nhận thấy đại đa số người Công giáo không có cùng cái nhìn như vậy. Còn các Giám mục ý thức sứ mạng chính của Giáo Hội là xây dựng sự hiệp thông và loan báo Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu, là Tin Mừng Sự Sống, Tin Mừng Tình Thương, Tin Mừng Bình An cho mọi người. Do đó, các Giám mục theo con đường đối thoại trong ánh sáng chân lý và tình yêu, đã từng góp ý mở đường cho Nhà Nước cải tiến hệ thống luật pháp, nền giáo dục, cách quản trị, nhằm vượt qua những vấn đề nghiêm trọng trong xã hội.

Riêng tôi cũng đã nhiều lần lên tiếng cho người Công giáo, và cho Nhà Nước thấy những bất công trong xã hội, khai mở cho mọi người con đường đổi mới, đổi mới cả cách trị quốc ngày càng mang tính nhân bản, tôn trọng nhân quyền nhân phẩm của mọi người dân, đặc biệt người yếu thế, người lâm cảnh khó khăn. Có người trong Nhà Nước tâm sự với tôi: cái khó nhất trong các công việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, là việc tu thân, là đổi mới suy nghĩ và quan điểm về công bằng xã hội, về nhân phẩm, nhân quyền, về dân chủ, về cách trị quốc. Truyền thống văn hoá Việt Nam quan niệm trị quốc là “dân chi phụ mẫu”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Mặc dù nay thì có những người bảo tôi rằng thời nay thì “con đặt đâu cha mẹ ngồi đó”. Công cuộc đổi mới trong Giáo Hội cũng như trong xã hội, đều cần thời gian và ơn Chúa giúp, cùng sự đồng thuận của con người.

PV: Tại sao hoạt động của Giáo hội trong lãnh vực giáo dục và chăm sóc sức khỏe bị hạn chế? Giáo Hội có thể làm được gì trong các lãnh vực này?

ĐHY: Sau năm 1975, việc chăm lo sức khoẻ và giáo dục mọi người là thuộc độc quyền của Nhà Nước xã hội chủ nghĩa. Gần đây, Nhà Nước có chủ trương xã hội hoá những công việc đó, cho người dân và người nước ngoài tham gia xây trường, xây bệnh viện. Nhưng các tổ chức tôn giáo thì không được tham gia. Hồi tháng 5.2011, hội ý với một số Giám mục trong giáo tỉnh, tôi có đề nghị với Nhà Nước tu chính hệ thống luật pháp, trả lại sự bình đẳng bình quyền cho các tổ chức tôn giáo.

PV: Giáo Hội phản ứng thế nào đối với các tệ nạn xã hội đang ngày một gia tăng trong xã hội – thường do chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tiêu thụ và những quan niệm đạo đức của phương Tây tác động lên?

ĐHY: Riêng tại Thành phố nầy, tôi cố gắng gây ý thức cho mọi người Công giáo làm hai việc. Một là “phòng”, hai là “trị”. “Phòng” qua việc giúp các gia đình, các cộng đoàn phát triển không những thành cái nôi của sự sống mới, mái ấm của tình thương, ngôi trường đầu tiên giáo dục con cái nên người tốt và hữu ích, mà còn thành một thành trì bảo vệ thế hệ trẻ khỏi lây nhiễm những thói hư tật xấu cùng các tệ nạn xã hội. “Trị” qua việc hợp lực với nhau chăm sóc và phục hồi các nạn nhân tại những trung tâm bác ái nhân đạo, tại những mái ấm tình thương...

PV: Ngài có cái nhìn thế nào về tương lai của Giáo Hội – ví dụ trong 5 năm nữa?

ĐHY: Đại Hội Dân Chúa Việt Nam tháng 11.2010, thống nhất mô hình xây Giáo Hội Mầu nhiệm - Hiệp thông - Sứ vụ, và mời gọi người Công giáo Việt Nam chung sức xây Giáo Hội Việt Nam theo mô hình đó. Công nghị giáo phận tháng 11.2011 tạo cơ hội cho mọi thành phần trong giáo phận, theo mô hình trên, chung sức xây mới gia đình tín hữu là Giáo Hội tại gia, xây mới cộng đoàn tu, cộng đoàn giáo xứ, các tổ chức tông đồ giáo dân, là Giáo Hội tại cộng đoàn, xây mới giáo phận cùng các cơ cấu tổ chức mục vụ, là Giáo Hội tại địa phương. Xây mới ngôi nhà Giáo Hội trên nền vững chắc là Lời Chúa, với bốn trụ cột vững bền là Chân Lý và Tình Thương, Công Lý và Hoà Bình. Trong ngôi nhà chung mới, người người, nhà nhà, trong các cộng đoàn tín hữu, sống trọn vẹn ba mối tình hiệp thông. Một là sống trọn tình hiếu thảo với Chúa là Cha trên trời. Hai là sống trọn nghĩa huynh đệ hợp nhất với anh em đồng đạo. Ba là sống trọn nghĩa huynh đệ đồng cảm và chia sẻ với anh em đồng bào và đồng loại. Sống và toả ra ánh sáng chân lý và tình yêu của Chúa nhằm làm chứng nhân và loan truyền Tin Mừng cứu độ cho mọi người.

PV: Di sản của ĐHY Nguyễn Văn Thuận được Giáo Hội Việt Nam cảm nhận và yêu chuộng như thế nào?

ĐHY: Riêng đối với bản thân tôi - có thể nói là người kế nhiệm ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận - ĐHY Phanxicô là tấm gương cho tôi noi theo: những khó khăn gian khổ, những lời kết tội bất công, Ngài đã biến nó thành cơ hội cho ơn Chúa trong lòng Ngài - đặc biệt ơn đức tin, ơn đức cậy, ơn đức mến - phát triển và đơm bông kết trái, vì sự sống và sự phát triển của mọi người.

PV: Giáo Hội Việt Nam làm gì để thực sự là ‘của Việt Nam’ chứ không phải là ‘hàng nhập’ từ nước ngoài?

ĐHY: Sau Công Đồng Vatican II, đã có những nỗ lực giúp cho Giáo hội Công giáo tại Việt Nam mang bộ mặt Việt Nam. Sau năm 1975, người Cộng sản Việt Nam coi Giáo hội Công giáo là một sản phẩm của Phương Tây, là đồng minh của thế lực Âu Mỹ. Nhưng sau mấy thập niên, nhiều người coi Giáo hội Công giáo là một tổ chức ích quốc lợi dân. Đến nay, tôi cảm thấy việc cần phải làm là bước theo đường lối của Chúa Giêsu, hoà nhập vào truyền thống văn hoá xã hội của dân tộc, tìm nơi đó những hạt giống lời Chúa, vun tưới cho những hạt giống đó phát triển và đơm bông kết trái, góp phần vun đắp nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương cho xã hội đất nước Việt Nam hôm nay.

(Nguồn: http://tgpsaigon.net/baiviet-tintuc/20111212/13895)