Hàng năm, Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay đều nói về cám dỗ. Chúa Giêsu vào hoang địa. Sau bốn mươi đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Satan xuất hiện và cám dỗ. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan.
1. Đọc lại câu chuyện Sáng Thế (St 3,1- 7) : Cám dỗ và sa ngã.
Rắn là vật tinh ranh hơn mọi dã thú (3,1a). Rắn là loài có hình thù và cách di chuyển đặc biệt; nó khôn khéo và nguy hiểm làm người ta sợ và ghê tởm. Nhiều tôn giáo (cụ thể tại Canaan) coi rắn như thần và nó có vai trò trong việc ma thuật và biểu tượng sự sinh sản phong phú. Ở đây, rắn biểu tượng cho sự độc ác và khôn khéo, tìm cách phá hoại hạnh phúc con người bằng cách phá đổ mối thân thiện giữa con người với Thiên Chúa. Sách Khôn Ngoan ví rắn là quỷ dữ (Satan): “Chính vì quỷ dữ ganh tỵ, mà cái chết xâm nhập thế gian” (St 2,24); Khải Huyền gọi là Satan, ma quỷ (Kh 12,9); (1Ga 3,8).
Rắn quỷ quyệt đưa ra một câu hỏi bâng quơ: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” (3,1b). Quả là một câu hỏi khôn khéo và nguy hiểm vì có hai nghĩa:
- Không được ăn tất cả, chỉ một số nào đó thôi.
- Không được ăn cây nào cả.
Rõ ràng, lời này có ý xuyên tạc hoàn toàn ý Thiên Chúa, và như thế có tác dụng lôi kéo người nữ vào câu chuyện.
Người nữ phản kháng : Quả cây trong vườn chúng tôi được ăn. Nhưng về quả cây ở giữa vườn thì Thiên Chúa đã phán : các ngươi không được ăn, không được rờ đến kẻo phải chết (3,2). Việc đầu tiên là người nữ thấy cần phải đính chính để bênh vực Chúa, và nói quá đi (không được đụng tới) như thể xác định một lệnh truyền nghiêm nhặt để giữ mình.
Con rắn ngọt ngào dụ dỗ : Chẳng chết chóc gì đâu ! quả nhiên Thiên Chúa biết, ngày nào các ngươi ăn nó, mắt các ngươi sẽ mở ra và các ngươi sẽ nên như những Thiên Chúa biết cả tốt xấu. (3,4-5). Hết sức khôn khéo, rắn không xúi giục ăn trái cấm, nhưng tạo nên trong lòng con người sự nghi ngờ Lời Chúa. Nó quả quyết mình biết Chúa hơn người nữ và thuyết phục bà bớt tin tưởng để phán đoán rằng, biết đâu Thiên Chúa cấm vì sợ con người sẽ bằng mình. Các ngươi sẽ như Êlohim (giống Êlohim) là những kẻ biết thiện ác. Biết không nguyên bằng trí thức nhưng còn là kinh nghiệm; biết là làm chủ được sức mạnh thần bí. Rắn gợi cho con người nghĩ là họ có thể mở rộng cuộc sống vượt qua những giới hạn mà Chúa đã đặt, để họ có quyền định đoạt tốt xấu cho mình nghĩa là định mệnh cuộc đời mình, và như thế là đồng nghĩa với sự từ chối lệ thuộc Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa, tức là kiêu ngạo muốn tách mình ra khỏi Thiên Chúa.
Người đàn bà đã nhìn : quả là cây ăn phải ngon. Mà nhìn thì đã sướng mắt. Nó đáng quý thực, cái cây ấy, để được tinh khôn (3,6). Rắn không nói gì thêm. Cần đi vào yên lặng để những lời cám dỗ trên được lắng sâu vào trí óc và cõi lòng. Nó tác động từ giác quan, đi vào trí khôn tạo lòng muốn. Người nữ ngắm nghía trái cây thấy ngon (giác quan - cảm giác), mát mắt (thẩm mỹ) và đáng thèm khát để được Khôn Ngoan, thông minh như Chúa, nên giống Chúa.
Và bà đã hái lấy quả mà ăn, và bà cũng trao cho chồng ở bên bà đưa cho chồng. (3,6). Người bị dụ dỗ trở hành kẻ dụ dỗ. Nàng chia cho chồng với ước mơ hão huyền là chồng được thông minh như Thiên Chúa.
Tại sao trong tình trạng sáng suốt và quân bình ban đầu, con người có thể bị sa ngã? Xét cho cùng, dầu sao họ cũng chỉ là thụ tạo bất toàn, với thân phận mỏng manh. Điều quan trọng đó là họ luôn có tự do để phán đoán và quyết định.
Và ông đã ăn (3,6). Lời Thánh Kinh thật vắn gọn diễn tả sự yếu đuối, nhu nhược của Ađam và ông đã sa ngã.
Mắt hai người mở ra (3,7). Đúng như lời rắn nói, bây giờ họ thấy một cái gì mới, nhưng cách khác hẳn họ tưởng: thay vì trở nên thần linh biết thiện ác, họ biết mình trần truồng. Tất nhiên, trước khi phạm tội, họ trần truồng nhưng coi đó là tự nhiên và không xấu hổ. Bây giờ sự vô tội đã mất, xấu hổ là dấu chỉ của ý thức tội lỗi họ có; tội đã gây nên trong thẳm sâu con người sự đổ vỡ: thế quân bình và hòa hợp giữa tinh thần và thể xác đã mất, con người không còn làm chủ được mình nữa, và vì thế cảm thấy xấu hổ trước mặt nhau.
Sau khi sa ngã, hai người lẫn trốn Thiên Chúa. Họ đi trốn chứng tỏ lương tâm hối hận vì đã không vâng lời. Tội phá vỡ sự hài hòa với chính mình. Để chạy tội, con người như đổ lỗi cho Chúa: người đàn bà mà Chúa đã đã đặt bên tôi, chính y thị đã hái nơi cây ấy cho tôi, nên tôi đã ăn ( 3,12). Người đàn ông đỗ lỗi cho Chúa : chung quy chỉ vì Chúa cho tôi người đàn bà ở với tôi.
Người nữ đổ tội cho rắn : Con rắn dụ dỗ tôi nên tôi đã ăn (3,13). Cả hai câu nói trên tỏ lộ mối rạn nứt giữa người với nhau. Sự liên đới trong tội bị phủ nhận, người ta đổ trách nhiệm cho nhau. Sự đồng phạm không liên kết con người trước mặt Chúa, nhưng làm họ ra lẻ loi. Tội bắt đầu gây chia rẽ và phá vỡ mối tương quan hài hòa giữa người với nhau.
2. Ý nghĩa “con rắn” và “trái cấm”
Tại sao Kinh Thánh chọn loài “rắn” làm hiện thân cho Satan? Còn “trái cấm” có ý nghĩa hiện sinh gì trong cuộc sống không?
a. Con rắn
Trước tiên, hình ảnh “rắn” rất quen thuộc trong Cựu Ước. Cái tên “Satan” (Quỉ Vương) có sẵn trong các tôn giáo cổ xưa, nhưng Do Thái là tôn giáo đầu tiên cho rắn đội lốt Satan đến cám dỗ con người ăn trái cây “biết lành biết dữ”. Rắn cũng xuất hiện lần nữa khi Môisen và Aaron ném gậy xuống đất hòa thành rắn để Pharao cho dân Chúa đi tự do. Trong sa mạc, Môisen đúc rắn đồng treo lên cây cao, hễ ai bị rắn cắn nhìn vào đó sẽ được khỏi. Có thể hiểu “bị rắn cắn” theo nghĩa rộng như là một sự chùn chân, chán nản, không muốn tiếp tục cuộc hành trình qua sa mạc. Trong 40 năm lưu lạc trong sa mạc, dân Do Thái có lẽ đã tiếp xúc, đụng độ hoặc muốn đồng hóa với các bộ lạc thờ rắn sống trong vùng, và Môisen phải đúc rắn đồng riêng cho dân Do Thái để họ lên tinh thần mà tiếp tục cuộc hành trình về đất hứa. Ngày nay, các nhà khảo cổ đã tìm thấy được một số rắn đồng tại vùng mỏ đồng sa mạc Araba.
Ngoài Kinh Thánh ra cũng có nhiều chuyện thần thoại khác về rắn đã được lưu hành trước đó rất lâu. Chuyện thần thoại Gilgamesh ở xứ Sumeria, kể lại vua Utnaphistim và vợ ông ta đã tìm được một loài cây trường sinh, nhưng trước khi có dịp ăn quả trường sinh thì có một con rắn đã đánh cắp cây quý khỏi tay nhà vua, và từ đó không ai có thể sống đời đời nữa. Điển tích về rắn cướp lấy cơ hội trường sinh bất tử ảnh hưởng ít nhiều vào sự tích Satan hóa thân con rắn đến cám dỗ Evà, từ đó loài người mất đi cơ hội sống đời đời. Phải đợi đến thời Kitô giáo, “trái cấm” được thay thế bằng “Mình và Máu” của Chiên Thiên Chúa. Cũng như thế, Evà , người nữ đem trái cấm đến cho Ađam ăn, sẽ được thay thế bằng Đức Trinh Nữ Maria, người “chưa hề biết đến một người nam”. Ngoài ra, cuộc chiến giữa rắn tiền sử và thần Marduk nói lên nhu cầu hy sinh đổ máu của “thần thánh” để loài người được sống. Khái niệm thần thánh trở thành của lễ hiến tế để đem lại sự sống cho nhân loại có lẽ không xa lạ cho lắm đối với hậu cảnh văn hóa và tôn giáo của Cựu Ước và Tân Ước. Tư tưởng “máu đào tử đạo là hạt giống đức tin” có lẽ cũng mang ảnh hưởng phần nào của khái niệm trên đây.
Với quan niệm của người Á Đông xem rồng như là vật linh thiêng, thì dân tộc Trung Đông cũng tôn thờ rắn vậy. Rắn đại diện cho sự khôn ngoan, nhanh nhẹn và cả sự nguy hiểm, trả thù độc địa nếu cần. Dân tộc xứ Syria xem rắn như một thần phù trợ. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tại các đền thờ, các tạc hình “đầu rắn” vì họ tin thần rắn sẽ cắn chết những kẻ xâm lăng và bảo vệ dân chúng khỏi hiểm nguy bệnh tật. Khi thấy rắn lột da nhưng vẫn sống, người ta tin rắn có bí quyết trường sinh bất tử. Người Hy Lạp có thần Asklepios chữa bệnh mang dấu hiệu hình rắn mà ngày nay vẫn thấy tại các tiệm thuốc tây, văn phòng bác sĩ, hoặc nhà thương. Người Việt tin là rắn có trí nhớ và khả năng trả thù như trong chuyện Nguyễn Trãi giết cả một tổ rắn hổ mang và sau này bị rắn trở lại báo oán (tru di tam tộc).
b. Trái cấm
Vì sự tinh ranh của rắn, Satan đội lốt rắn để đem “trái cấm” đến dụ dỗ con người. Nhưng “trái cấm” có ý nghĩa gì không? Cũng như các ngụ ngôn Đức Giêsu dùng để giảng dạy trong Tân Ước, ngôn ngữ huyền thoại của sách Sáng Thế không phải là loại ngôn ngữ cứng rắn của siêu hình học. Muốn hiểu ý nghĩa sâu sắc của nó chúng ta cần phải đặt mình vào trong bối cảnh và ngữ cảnh của câu chuyện.
Vì thế, ở đây chúng ta hãy giải thích “trái cấm” qua lăng kính hiện sinh. Nếu xét theo kinh nghiệm trưởng thành của mỗi người, chúng ta có thể diễn đạt ý nghĩa của “trái cấm” qua ba giai đoạn sau đây.
Trước tiên, “vườn địa đàng” đại diện cho tuổi còn bé thơ, sống trong vô tư và trần truồng, mọi miếng ăn thức uống đều lệ thuộc vào cha mẹ, chỉ biết chơi đùa với thú vật, mỗi buổi chiều tà cha mẹ dẫn đi chơi hay ngồi nghỉ dưới bóng mát của hàng cây.
Giai đoạn “Ađam và Evà bị cám dỗ” nói lên những khủng hoảng thường gặp phải trong tuổi dậy thì. Đây là cái tuổi thích mạo hiểm và tự do, hay chống đối lại bề trên nhưng không màng đến hậu quả xấu. Ở giai đoạn này, tính tình thì rất nông nổi và bồng bột, dễ bị quyến rũ và sa ngã về tính dục và tình cảm.
Cuối cùng, giai đoạn “sống ngoài vườn địa đàng” nói lên sự trưởng thành, đầy đủ nghị lực và trách nhiệm để tự lập. Đàn ông tự kiếm sống với mồ hôi nước mắt của chính mình, đàn bà mang nặng đẻ đau, nhưng cả hai sẵn sàng chấp nhận mọi vất vả để tạo dựng mái ấm gia đình riêng cho họ. Vườn địa đàng có thiên thần “cầm gươm đứng gác cửa” ngăn chận không cho con người trốn chạy trách nhiệm hay trở về với tổ ấm của cha mẹ, nhưng phải đương đầu với thực tại đau khổ và biết giá trị của sự chọn lựa. Nói cách khác, “trái cấm” đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong đời người. Khi lớn lên không tránh khỏi những sai lầm hay sa ngã, nhưng chỉ qua đó, con người mới làm chủ vận mệnh và chịu trách nhiệm cho sự chọn lựa của mình. Đó có thể là lý do tại sao “trái cấm” được gọi là trái của “cây biết lành biết dữ”. (x. Nội san chia sẽ, số 52, tháng 12, năm 2006, trang 79-82).
3. Chiến thắng cám dỗ theo gương Chúa Giêsu
Trong hành trình về đất Hứa, dân Israel đi trong sa mạc một thời gian dài và đã gặp nhiều cám dỗ: cám dỗ trở lại Ai cập để có bánh ăn; cám dỗ thờ tượng con bê vàng; cám dỗ thử thách Thiên Chúa.
Thánh Gioan Kim Khẩu đã quả quyết : “Trên đời này không ai mà không bị cám dỗ”. Con người “già cái lợi cái răng, nhưng ba cái lăng nhăng không già”.
Như vậy cám dỗ là một cái gì hết sức mạnh mẽ, hết sức lôi cuốn, và rất khó chống cự.
Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ của Satan bằng Lời Chúa và đời sống chay tịnh cầu nguyện, luôn tín thác vào Chúa Cha.
Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Thánh Kinh sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi. Gương của Chúa Giêsu được Tin Mừng Thánh Luca kể rõ: mỗi lần ma quỉ đưa ra một chước cám dỗ thì Chúa Giêsu lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:
-Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa.(Lc 4,5)
-Có lời chép rằng:ngươi phải thờ lạy Chuá là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người.(Lc 4,8)
-Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.(Lc 4, 11).
Dường như suốt cả cuộc đời, Chúa Giêsu luôn bị Satan tấn công : “ Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỹ bỏ đi, chờ đợi thời cơ ”. (Lc 4,13). Nhất là vào những giây phút cuối đời của Người. Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với khổ nạn và cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nổi mồ hôi đổ ra như máu. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “ Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha ”. (Mt 26, 39b) ; “ Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha ”. (Mt 26, 42b).
Chủ yếu cám dỗ của ma quỷ là làm sao tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa Cha. Mỗi người ở mỗi hoàn cảnh đều có thể bị nó cám dỗ để chia cắt tình yêu của mình với Chúa. Dựa vào sức mình, vào khả năng của mình… mà không biết cậy dựa vào tình yêu Chúa thì chúng ta đang bị rơi vào tròng của ma quỷ.
Mùa Chay là thời gian đặc biệt để xét mình, để sám hối canh tân bản thân, nhờ đó mà sống đẹp lòng Chúa mỗi ngày.
Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có kể lại một câu chuyện về mẹ của ngài trong một diễn văn nhân lễ mở tay mừng tân chức như sau: "Cách đây khá lâu có hai linh mục đến thăm mẹ già của tôi tại Úc châu và hỏi bà: "Bà cố có muốn Đức Cha Thuận làm hồng y không?" Bà cụ (nay đã 98 tuổi) trả lời: "Không! Tôi dâng con tôi cho Chúa là để tế lễ Người, như thế là đủ! Tôi chẳng cần con tôi làm hồng y đâu" - "Nhưng lên hồng y sẽ làm vinh danh Chúa hơn!" - "Thế hai cha không làm vinh danh Chúa à?". Mới đây, sau khi Đức Cha Thuận được tấn phong hồng y thực thụ, một trong hai linh mục hôm nọ cùng một vị khác lại gặp bà cụ và hỏi: "Nay Đức Cha Thuận đã lên hồng y rồi, bà cố có vui không?" - "Dạ vui chớ!" - "Sao hôm nọ, bà cố đã trả lời là không muốn con bà làm hồng y!" - "Nay tôi vui vì đó là ơn Chúa cho. Có chức quyền to ở trần đời dễ làm bậy lắm! Còn chức quyền to trong Giáo Hội thì phải lo mà chu toàn theo ý Chúa" - "Vậy bây giờ Đức Cha đã lên hồng y, bà cố cầu nguyện gì cho đức Hồng y?" - "Tôi chỉ cầu nguyện cho con tôi sống đẹp lòng Chúa!" - "Thế thôi à?" - "Vâng, sống đẹp lòng Chúa, đó là điều duy nhất tôi luôn cầu nguyện cho con tôi!".