Các nhà lập pháp của Anh đang cố gắng thông qua một đạo luật nhằm định nghĩa lại hôn nhân để bao gồm cả những người đồng tính luyến ái, trái với tâm thức của đại đa số công dân nước này, là những người luôn luôn muốn bảo vệ định chế hôn nhân hiểu theo nghĩa hiện hành. Mới đây, hãng tin Zenit đã gặp gỡ Ông Peter D. Williams, một nhà hộ giáo Công Giáo và là người phát ngôn của tổ chức Catholic Voices (Tiếng Nói Công Giáo), một sáng kiến muốn sử dụng hữu hiệu các phương tiện truyền thông hiện đại để loan báo đức tin. Ông đã dành cho Zenit cuộc phỏng vấn sau đây.

Zenit: Trong cuộc trưng cầu mới đây của Catholic Voices, con số thống kê cho biết 70% người được trưng cầu chống lại việc tái định nghĩa hôn nhân để bao gồm những cặp đồng phái. Do đâu mà có cái áp lực định nghĩa lại hôn nhân tại Anh về phương diện pháp luật?

Williams: Cố gắng tái định nghĩa hôn nhân chủ yếu phát sinh từ tình hình chính trị tại Vương Quốc Thống Nhất. Ban lãnh đạo của Đảng Dân Chủ Tự Do (Liberal Democrats), một đảng nhỏ trong Chính Phủ Liên Minh, cho các đối tác cao cấp của đảng Bảo Thủ biết rõ: dẫn khởi hôn nhân đồng phái là điều kiện tiên quyết để họ hỗ trợ dự luật thay đổi biên giới bầu cử. Việc thay đổi này hết sức quan trọng đối với ban lãnh đạo của Bảo Thủ, vì nó sẽ loại bỏ sự thiên vị có hệ thống chống lại họ trong các cuộc bầu cử Nghị Viện và cho phép họ thắng thêm một số ghế. Thêm nữa, đạt được một thắng lợi lớn về văn hóa như thế này sẽ tăng cường sự ủng hộ ngay bên trong hàng ngũ Đảng Dân Chủ Tự Do đối với ban lãnh đạo. Ban này hiện đang bị các đảng viên thường và các đảng viên trong Nghị Viện không hài lòng về cung cách họ ủng hộ các chính sách khác của Bảo Thủ. Như thế, đối với cả hai Đảng, lợi ích chính trị hỗ tương đã lên động lực cho động thái này.

Mặt khác, Thủ Tướng David Cameron và những người ủng hộ ông ta muốn có việc tái định nghĩa hôn nhân để bao gồm những cặp đồng phái, vì họ tin rằng trong quá khứ, đảng của họ cũng bị tai tiếng vì bị coi là một đảng ‘tệ’, đầy thiên kiến đối với những người bị lôi cuốn bởi đồng phái. Họ cho rằng nhờ dẫn khởi luật lệ để công nhận hôn nhân đồng phái, việc này sẽ đảo ngược cái nhìn đó và sẽ ‘giải độc’ được nhãn hiệu Tory. Ngoài ra, chính họ cũng khá tự do về phương diện văn hóa, và là các thành viên dễ nhận diện của nhóm ‘ưu tú đô thị’ tự do. Nên họ rất muốn có sự thay đổi này dựa trên chính quan điểm ý thức hệ của riêng họ.

Điều rõ ràng được những điều trên tô đậm là chủ nghĩa vô liêm sỉ chính trị (political cynicism) và những động lực thấp hèn trong cố gắng tái định nghĩa hôn nhân. Tuy nhiên, nó cũng cho thấy rằng vì có đến 70% công chúng không muốn hôn nhân bị định nghĩa lại, nên những người chủ mưu muốn khua động chiến dịch này quả đã xa rời quan điểm và quan tâm thực sự của người dân thường Nước Anh biết là bao nhiêu.

ZENIT: Đâu là những cách cụ thể khiến xã hội bị ảnh hưởng bởi việc tái định nghĩa hôn nhân này?

Williams: Chủ yếu, việc tái định nghĩa hôn nhân sẽ tác động tệ hại lên nền văn hóa của ta. Thẩm quyền luật pháp đã thay đổi cách xã hội tự nghĩ, tự tri giác về chính mình. Khi thay đổi hôn nhân để bao gồm các thành viên của một thiểu số tính dục, tức các cặp đồng phái, ngữ cảnh tốt nhất để dưỡng dục con cái, tức liên hệ giữa chồng và vợ, sẽ không còn được nhà nước coi trọng nữa. Điều này sẽ chính thức hóa quan điểm ngược lại, một quan điểm vốn đã bàng bạc trong hậu cảnh văn hóa của xã hội nước Anh rồi. Vì chính sách hợp thức hóa việc người đồng phái nhận con nuôi, và chỉ thị của luật pháp không đòi khai sinh của đứa trẻ phải kể tên người cha nhưng được phép đăng ký tên ‘bạn đời’ đồng phái của người mẹ, nền văn hóa của xứ sở ta đã bắt đầu khẳng định quan điểm cho rằng người này hay người kia trong hai cha mẹ của đứa trẻ không còn cần thiết cho việc dưỡng dục em nữa. Điều này rõ ràng đi ngược lại lợi ích tốt nhất của trẻ em, những chủ thể nên có cơ may được dưỡng dục với nam tính của cha và nữ tính của mẹ. Định nghĩa lại hôn nhân, là Chính Phủ đã bác bỏ thực tại ấy, và đẩy xã hội ta đi xa hơn về hướng lầm lẫn.

Việc định nghĩa lại hôn nhân cũng sẽ tạo ra một tiền lệ tệ hại về chính trị và văn hóa. Nếu đã thay đổi hôn nhân để bao gồm một thiểu số tính dục đặc thù nào đó, thì tại sao không thay đổi nó để bao gồm bất cứ thiểu số nào khác? Nếu tính bổ túc của người nam và người nữ trong hôn nhân bị định nghĩa tiêu hủy thì tại sao lại không bỏ câu xác quyết rằng chỉ có hai con người mới lập thành một kết hợp vợ chồng? Nếu tình yêu và cam kết của những cặp đồng phái cần được chính thức công nhận vì lợi ích của bình đẳng, thì tại sao lại không chính thức công nhận những người đa hôn hay đa ái (polyamorists)? Cần phải nhấn mạnh rằng các cố gắng luật pháp đã được nhen nhúm tại Gia Nã Đại, tại Hiệp Chúng Quốc và tại Âu Châu để hợp thức hóa đa hôn, chỉ chờ việc hợp thức hóa hôn nhân đồng phái. Bất chấp sự thật là đa hôn gây hại ngay trong nội tại nó, vì sự ghen tương giữa các bên do nó gây ra và hiệu quả nó mang lại trên con cái của những gia đình ấy.

Các hậu quả của việc tái định nghĩa hôn nhân đối với nền văn hóa của ta, và hiệu quả nó đem lại cho chính hôn nhân, gia đình, và quyền lợi trẻ em, là những thực tại ta có thể vững tâm tiên đoán được, và điều đó khiến chúng ta phải làm mọi việc có thể để ngăn cản nó.

ZENIT: Cho dù các giáo hội không bó buộc phải cử hành các nghi thức hôn phối cho các cặp đồng phái, liệu còn có hệ luận nào đối với các định chế tôn giáo vốn chống đối hôn nhân đồng phái hay không?

Williams: Một cách đáng lo ngại, tự do tôn giáo rất có thể bị ảnh hưởng xấu bởi việc tái định nghĩa hôn nhân. Tại Hiệp Chúng Quốc, các tổ chức tôn giáo từng bị buộc phải cung cấp cho người sống trong các liên hệ đồng phái các lợi ích nhân dụng vốn dành cho các các nhân viên có gia đình với người khác phái. Nhiều nhóm khác bị tước mất tài trợ của chính phủ chỉ vì bác bỏ hôn nhân đồng phái. Vì những tấn công đối với tự do tôn giáo đã từng xẩy ra tại Vương Quốc Thống Nhất với Các Qui Định Về Khuynh Hướng Tính Dục và Đạo Luật Bình Đẳng, nên không có lý do gì để nghĩ rằng các hậu quả như trên sẽ không xẩy ra tại đây.

Bất chấp các bảo đảm của Chính Phủ sẽ làm ngược lại, rất có thể các nhóm tôn giáo từ khước việc tổ chức các đám cưới đồng phái sẽ bị tước mất quyền được cử hành hôn phối. Một động thái như thế từng được Mike Weatherly, một Thành Viên Bảo Thủ của Nghị Viện, công khai gợi ý. Và ta không có lý do gì để nghĩ rằng điều ấy không xẩy ra trong tương lai.

Ngoài các hệ luận chính trị và công dân ra, hình như vì việc tái định nghĩa hôn nhân này, các giáo huấn của Giáo Hội về ý nghĩa và mục đích của hôn nhân, cũng như của tính dục con người, có thể bị đẩy thêm ra khỏi các bàn luận công cộng, vì nền văn hóa của ta sẽ càng ngày càng đi xa khỏi sự thật để chạy theo cái hiểu lầm lẫn về cả hai chủ đề ấy. Điều này sẽ gia tăng sự bất khoan dung đối với Giáo Hội, và, nới rộng ra, đối với mọi định chế tôn giáo nào chống lại hôn nhân đồng phái.

ZENIT: Cần phải có các loại hành động nào để duy trì việc định nghĩa hôn nhân như hiện nay?

Williams: Để duy trì và bảo vệ hôn nhân như nó được định nghĩa đúng đắn hiện nay, mọi người thiện chí tại Vương Quốc Thống Nhất cần phải viết cho ủy ban tham khảo của chính phủ hiện nay về hôn nhân đồng phái, và trả lời câu hỏi đầu tiên của ủy ban này, tức câu hỏi hỏi bạn nghĩ gì về đề nghị căn bản. Việc này sẽ giúp ta cơ hội cho Chính Phủ thấy sức mạnh chống đối chính sách của họ, sức mạnh này sẽ khích lệ họ bãi bỏ nó.

Tuy nhiên, điều cũng quan trọng đối với chúng ta là viết cho các Thành Viên của Nghị Viện, bình thản giải thích sự chống đối của ta đối với việc tái định nghĩa hôn nhân, và lý do tại sao họ nên bỏ phiếu chống lại nó, hay ít nhất bỏ phiếu trắng khi dự luật được dem ra trước Nghị Viện. Một vận động như thế đối với các vị dân cử của ta là điều tuyệt đối cần thiết để ta đánh bại các biện pháp của Chính Phủ, vì nó giúp họ ý thức được việc cử tri của họ coi nặng vấn đề này như thế nào, và họ sẽ mất bao nhiêu phiếu nếu họ ủng hộ phía lầm lẫn.

Cách riêng, người Công Giáo từng ngăn cản được các luật lệ tai hại thời Chính Phủ cũ từng đe doạ các trường tôn giáo, chỉ nhờ đủ số người viết thư cho các Thành Viên của Nghị Viện. Trước đây, ta đã từng đứng lên cho lẽ phải, và đã thắng! Nhờ ơn Chúa, ta cũng sẽ thành công một lần nữa.