Mấy ngày nay, người ta thấy rộ lên ở Hoa Kỳ một hiện tượng chưa từng thấy, đó là cuộc đấu tranh quyết liệt của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp và hết sức đoàn kết (lần đầu tiên trong lịch sử Công Giáo Hoa Kỳ) của hàng giáo phẩm, chống lại chính sách của Chính Phủ Obama. Thoạt đầu, cuộc đấu tranh chỉ nhằm chống lại định nghĩa quá chật hẹp về tôn giáo trong chính sách y tế của Chính Phủ này. Nhưng rồi, do thái độ “lật lọng” đánh lộn con đen của Chính Phủ Obama, hàng giáo phẩm Hoa Kỳ “ngửi” thấy một âm mưu lớn hơn nhiều lấp ló đàng sau chính sách y tế mà nếu không cương quyết đấu tranh, nó sẽ biến thành mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm cho tự do tôn giáo nói chung. Vì thừa thắng sông lên, Obama nhất định sẽ áp dụng cùng một chính sách tồi bại ấy cho các lãnh vực cai trị khác nữa.
Tin tức mấy ngày gần đây cho thấy nhậy cảm của hàng giám mục Công Giáo Hoa Kỳ là chính xác. Bởi thế các ngài đã nhận được sự ủng hộ của nhiều tôn giáo khác và cả những người luôn ủng hộ Obama như Sơ Keehan cũng đang bắt đầu nhận ra cái ma quái của Chính Phủ này.
Nhận định về cuộc đấu tranh này, George Weigel, tác giả lừng danh của cuốn tiểu sử về Chân Phúc Gioan Phaolô II, có nhận định như sau, trong một bài báo, tựa là “Tự do tôn giáo: không phải chỉ có Pakistan hay Trung Quốc”:
Khoảng 30 năm trước đây, tôi đã dành khá nhiều thì giờ cho các vấn đề tự do tôn giáo: là điều, trong thời kỳ đơn giản ấy, chỉ có nghĩa là cố gắng xoi mói tin tức về các linh mục và nữ tu ở “Trại Thường Trực 36” và các quần đảo gulag khác. Năm 1982 mà bạn bảo tôi rằng một trong các “khách hàng” của tôi, linh mục Dòng Tên Sigitas Tamkevicius, năm 2012, sẽ là Tổng Giám Mục Kaunas của một Lithuania tự do, thì tôi sẽ cho là bạn quá lạc quan. Còn nếu lúc đó, mà bạn lại bảo tôi rằng rồi ra sẽ có những vấn đề nghiêm trọng về tự do tôn giáo tại Hoa Kỳ, thì chắc chắn tôi sẽ cho bạn là thằng điên.
Ấy thế mà bạn lại đúng ở cả hai chuyện đó, mới khổ!
Nói cho ngay, người Hoa Kỳ có xác tín và lương tâm không chịu cùng một đe doạ từng biến Shahbaz Bhatti thành một người tử đạo tại Pakistan một năm trước đây. Những người Hoa Kỳ tin vào tôn giáo Thánh Kinh và các giáo huấn luân lý của nó không phải giáp mặt với áp lực khôn nguôi mà các Kitô hữu Trung Hoa thường phải giáp mặt vì họ khước từ không chịu nhìn nhận rằng Giáo Hội của họ là một phân bộ của nhà nước. Tuy thế, tự do tôn giáo quả đang bị tấn công tại Hiệp Chúng Quốc này. Cuộc tấn công ở cả lãnh vực văn hóa lẫn pháp lý. Thực là xấu hổ khi chính phủ hiện nay đang bảo hiểm cho cuộc tấn công đầu và là người chủ động chính của cuộc tấn công thứ hai.
Tôi cố gắng phát hiện một số khía cạnh văn hóa của vấn đề và đã khám ra mưu toan, trong đó người ta đang dựng lên cả một “đền thờ” trống vắng giữa lòng nền dân chủ Tây Phương, trong số báo xuân của tạp chí National Affairs qua một bài lấy tựa đề từ Sách Đanien: “Viết Tay Trên Tường” (sau ngày 21 tháng 3, bài này sẽ được posted lên liên mạng tại www.nationalaffairs.com.) Còn về cuộc tấn công pháp lý đối với tự do tôn giáo, bạn thử xem sét mấy điểm sau:
1) Chỉ thị gần đây của Bộ Y Tế Và Dịch Vụ Nhân Bản (HHS), tức chỉ thị buộc mọi chủ nhân (kể cả các định chế tôn giáo với quyền phản đối luân lý, và các chủ nhân thuộc khu vực tư có quyền phản đối luân lý dựa trên giáo huấn tôn giáo) phải làm dễ việc cung cấp phương tiện ngừa thai, triệt sản và các thuốc phá thai như Plan B và Ella cho các công nhân của họ, thực chất là một cố gắng khuất phục các xác tín tôn giáo phải theo ý muốn của chính phủ. Dưới chỉ thị này, chính phủ liên bang sẽ áp đặt cái hiểu của họ về “chăm sóc y tế phòng ngừa” lên toàn thể xã hội Hoa Kỳ. Và nếu điều đó chà đạp lên quyền tự do tôn giáo được long trọng ghi trong Tu Chính Án Thứ Nhất và các điều khoản của Đạo Luật Phục Hồi Tự Do Tôn Giáo, thì kệ xác, hay càng tốt, như chính phủ hình như tin vậy. Phần chắc là chính phủ sẽ thua trong cuộc tấn công bằng pháp lý này, nhưng chủ đích đứng đàng sau nhằm làm xói mòn tự do tôn giáo thì đã quá rõ ràng.
2) Cánh tay quá vươn dài một cách thô bạo của chỉ thị HHS thuộc cùng một loại với các chính sách khác của chính phủ, như chủ trương đáng lưu ý của Ủy Ban Cơ Hội Nhân Dụng Đồng Đều (EEOC) cho rằng các điều khoản về tôn giáo của Tu Chính Án Thứ Nhất không cung cấp bất cứ bảo vệ nào chống lại cánh tay của EEOC trong việc thuê các cơ sở hành nghề của các định chế tôn giáo. Tháng Giêng vừa qua, Tối Cao Pháp Viện đã hạ thủ chủ trương đó với tỷ số 9-0; như thế bức tường lửa hiến pháp vẫn còn đứng vững. Nhưng mưu chước của chính phủ muốn phá xập nó thì, một lần nữa, đã quá rõ ràng.
3) Bộ Tư Pháp đã khước từ không thi hành nghĩa vụ hiến định của mình để bênh vực Đạo Luật Bảo Vệ Hôn Nhân (DOMA) của Liên Bang. Tại sao? Người ta có lý để kết luận rằng việc khước từ không thi hành điều luật pháp đòi chính phủ phải làm là dựa vào thoả hiệp của chính phủ với chủ trương của phe chỉ trích DOMA rằng: ủng hộ thực sự đối với hôn nhân truyền thống (chứ không ủng hộ bằng môi bằng mép như ông tổng thống vốn làm) là hành động cuồng tín vô lý, một sự vu khống mà dường như chính phủ sẵn sàng muốn gán cho những công dân Hoa Kỳ từng diễn hành ở Hoa Thịnh Đốn ủng hộ dân quyền và do đó đã làm cho việc bầu một người Mỹ gốc Phi Châu làm tổng thống trở thành việc có thể.
4) Rồi còn cái Bộ Ngoại Giao nữa, là Bộ hiện đang nói tới “tự do thờ phượng” hơn là nói tới “tự do tôn giáo” khi thảo luận về chính sách nhân quyền quốc tế của Hoa Kỳ. Cái thứ rỗng hóa (dumbing down) từ ngữ này quả tệ hại ở chỗ đủ để bỏ rơi những con người có lương tâm khắp nơi trên thế giới. Nhưng hiện nay, nó còn đang thấm dần vào cả chính sách nội trị nữa: Há những cố gắng được kể ra ở trên không phải là những điển hình cho thấy chính phủ đang rỗng tuếch hóa tự do tôn giáo và thu nhỏ nó lại thành quyền tư riêng như những quyền được giải trí cuối tuần?
Những câu hỏi ấy nên trở thành câu truyện đầu lưỡi từ nay đến ngày bầu cử.
Ngày mai: Viết Tay Trên Tường