Đức Thánh Cha kêu gọi giới trẻ hãy trở nên 'những nhà truyền giáo của niềm vui'

Vatican City (CNA/EWTN News) - Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sẽ thử thách giới trẻ Công Giáo trở thành "những nhà truyền giáo của niềm vui" trong sứ điệp của ngài dành cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới vào Chúa Nhật tới.

"Hãy là chứng nhân nhiệt tình của việc tái truyền giáo! Hãy đến với những người đang đau khổ và những người đang kiếm tìm, và mang đến cho họ những niềm vui mà Chúa Giêsu muốn ban tặng". Đức Thánh Cha cho hay trong bản văn huấn từ của ngài được công bố cho truyền thông hôm 27 tháng Ba.

"Hãy mang nó đến cho gia đình, trường học, trường đại học của các con, và nơi làm việc, bạn bè, bất cứ nơi nào các con sinh sống. Các con sẽ thấy nó loan truyền như thế nào".

Sứ điệp của Đức Thánh Cha đánh dấu Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 27 của Giáo Hội, sẽ được cử hành ở cấp giáo phận vào năm 2012. Chủ đề của năm nay được lấy từ lời khuyên của Thánh Phaolô gửi tín hữu Philipphê: "Hãy luôn vui mừng trong Chúa".

Đức Thánh Cha viết: "Vui mừng là trung tâm của kinh nghiệm Kitô giáo trong một thế giới của buồn phiền và lo âu, niềm vui là chứng tá quan trọng đối với vẻ đẹp và độ tin cậy của đức tin Kitô giáo".

Sau đó ngài giải thích làm thế nào để giới trẻ có thể tìm thấy niềm vui, trải nghiệm về nó sâu sắc hơn và truyền tải nó đến với tha nhân.

Đức Thánh Cha chỉ ra rằng "khát vọng niềm vui ẩn nấp bên trong trái tim của mỗi người nam và nữ" và điều này còn hơn cả "cảm xúc trước mắt và phù du của sự toại nguyện" nhưng là một sự khao khát "một niềm vui hoàn hảo, tràn đầy và lâu dài, có khả năng mang đến 'hương vị' cho sự hiện hữu của chúng ta".

Bản năng này đặc biệt đúng cho thời trẻ, thời mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mô tả như là một trong những giai đoạn "tiếp tục khám phá cuộc sống, thế giới, tha nhân và chính bản thân chúng ta". Đó là giai đoạn "chúng ta bị xao động bởi những lý tưởng cao cả và đưa ra những kế hoạch tuyệt vời".

Nhưng để tìm thấy những gì mang lại "niềm vui thực sự và lâu dài" con người phải tìm kiếm Thiên Chúa. Đức Thánh Cha giải thích điều này rằng bởi vì Thiên Chúa là "một sự hiệp thông của tình yêu vĩnh cửu" và niềm vui bất tận của Ngài "không còn đóng khung trong chính nó, nhưng mở rộng ôm lấy tất cả những người mà Thiên Chúa yêu thương và những người yêu thương Ngài".

Vì lý do này, Thiên Chúa muốn mỗi người trẻ phải "chia sẻ niềm vui thiêng liêng và vĩnh cửu của mình" vì ý nghĩa và giá trị sâu sắc nhất của đời sống họ nằm ở chỗ "được Chúa chấp nhận, chào đón và yêu thương".

Và tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa cho phép giới trẻ nói rằng "Tôi được yêu thương; tôi có chỗ trên trên thế gian này và trong lịch sử; Thiên Chúa yêu thương tôi cách riêng. Nếu Thiên Chúa chấp nhận tôi, yêu tôi và tôi chắc chắn về điều này, thì tôi biết rõ ràng và chắc chắn rằng đó là điều tốt đẹp mà tôi đang sống".

Sau đó Đức Thánh Cha trích dẫn mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa Giêsu thăm nhà ông Giakêu, và Phục Sinh là thời điểm con người gặp Chúa Giêsu và trải nghiệm "niềm vui nội tâm bao la".

Ngài cho hay những ví dụ này nhắc nhở chúng ta rằng "điều ác không có tiếng nói sau cùng trong cuộc đời chúng ta" và "đức tin trong Chúa Kitô Đấng Cứu Độ cho chúng ta biết rằng tình yêu của Thiên Chúa là chiến thắng khải hoàn".

Đức Thánh Cha tiếp tục thúc giục giới trẻ hưởng ứng với "niềm vui tâm hồn " bằng cách không sợ mạo hiểm mạng sống của mình và bằng cách dành "chỗ cho Chúa Giêsu Kitô và Tin Mừng của Ngài".

Ngài cho hay điều này đặc biệt đúng nếu Chúa Kitô "kêu gọi các con đến với đời sống tôn giáo, tu viện, truyền giáo, hoặc chức linh mục", vì Chúa Giêsu "đổ đầy niềm vui cho tất cả những người đáp lại lời mời gọi của Ngài, rời bỏ tất cả mọi thứ để đến với Ngài" và "tận hiến chính mình bằng trái tim trọn vẹn để phục vụ tha nhân". Sau khi trải nghiệm niềm vui mà Chúa Giêsu mang lại, tất cả mọi người được mời gọi để yêu thương tha nhân.

"Vui mừng là lưới tình yêu mà các con có thể bắt lấy các linh hồn; Thiên Chúa yêu thương người tặng niềm vui. Bất cứ ai cho đi niềm vui là cho đi nhiều hơn thế". Đức Thánh Cha trích dẫn lời của Chân phước Têrêsa Calcutta.

Đối với người trẻ, tình yêu này thấm nhuần mọi khía cạnh của đời sống họ để họ học cách yêu thương "nghĩa là kiên định, đáng tin cậy và trung tín dấn thân" nhất là trong học tập, công việc và tình bằng hữu. Ngài lưu ý: "Bạn bè mong đợi chúng ta chân thành, trung nghĩa và trung tín bởi vì tình yêu đích thực kiên trì ngay trong những lúc khó khăn".

Đức Thánh Cha cũng cầu nguyện để giới trẻ sẽ dẫn dắt đời sống "được hướng dẫn bởi một tinh thần phục vụ và không theo đuổi quyền lực, thành công vật chất, và tiền bạc". Sự cám dỗ này là nền văn hóa ngày nay thường "áp lực chúng ta tìm kiếm mục tiêu, những thành tựu và thú vui ngay tức khắc" nuôi dưỡng "tính hay thay đổi hơn là sự kiên trì, làm việc chăm chỉ và trung thành với những dấn thân". Điều này không có gì hơn là sự hứa hẹn "hạnh phúc giả tạo".

"Có bao nhiêu người bị vây quanh bởi của cải vật chất để cuộc sống họ bị lấp đầy với niềm thất vọng, nỗi buồn, và sự trống rỗng! Để có niềm vui bền vững, chúng ta cần phải sống trong tình yêu và sự thật. Chúng ta cần phải sống trong Thiên Chúa".

Ngài cảnh báo con đường cao hơn này sẽ không đạt được mà không thường xuyên té ngã như là "kinh nghiệm tội lỗi, vốn từ chối theo Chúa và lăng mạ tới tình bằng hữu của Ngài, mang lại sự ảm đạm trong lòng chúng ta". Tuy nhiên, Thiên Chúa với lòng thương xót của Ngài "không bao giờ bỏ rơi chúng ta" và luôn luôn đưa ra khả năng "được hòa giải với Ngài và trải nghiệm niềm vui của tình yêu tha thứ và chào đón chúng ta trở lại". Đức Thánh Cha mời gọi: "Các bạn trẻ thân mến, hãy thường xuyên cậy dựa vào Bí tích của Sám Hối và Hòa giải! Đó là bí tích của niềm vui khám phá".

Ngài kết thúc sứ điệp gởi cho giới trẻ của mình bằng cách đưa ra một số kiểu mẫu thánh thiện của người trẻ để họ noi theo. Đầu tiên trong số đó là sinh viên người Ý đầu thế kỷ đầu 20, Chân Phước Pier Giorgio Frassati. Đức Thánh Cha giải thích mặc dù trải qua "nhiều thử thách trong đời sống ngắn ngủi của mình, bao gồm cả một kinh nghiệm lãng mạn khiến ngài tổn thương sâu sắc", Chân Phước Pier Giorgio luôn tìm thấy nơi đời sống Kitô hữu là một niềm vui, "ngay cả khi nó liên quan đến sự đau đớn".

Đức Thánh Cha Bênêđictô tuyên bố kinh nghiệm của vui mừng và đau đớn này giải thích tại sao có sự mô tả bất công và sai sự thật về Kitô giáo như là "một cách thức của cuộc sống bóp nghẹt tự do của chúng ta và ngược lại với mong muốn của chúng ta về hạnh phúc và niềm vui". Ngược lại, các Kitô hữu là "người nam, người nữ thực sự hạnh phúc bởi vì họ biết mình không đơn độc" bởi vì Thiên Chúa "luôn luôn gìn giữ họ trong tay Ngài".

"Tùy thuộc vào các con, những người trẻ theo Chúa Kitô, để cho thế gian thấy rằng đức tin mang lại hạnh phúc và niềm vui, là sự thật, trọn vẹn và lâu dài".