Đại Hội Giới Trẻ Sài Gòn: Người trẻ sống với Niềm Vui Trong Chúa

Chiều tối thứ Bảy 31/03/2012, Đại hội Giới Trẻ Mùa Chay với chủ đề “Niềm Vui Trong Chúa” đã diễn ra tại Trung Tâm Mục Vụ TGP. Sài Gòn. Đây là đại hội được cử hành cấp giáo phận nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 27 của Giáo Hội, chủ đề năm nay được lấy từ lời khuyên của Thánh Phaolô gửi tín hữu Philipphê: "Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa" (Pl 4,4).

Xin xem hình ảnh Đại Hội Giới Trẻ tại đây

Cũng như năm ngoái, từ 13g30 đến 16g00, Ban Mục Vụ Giới Trẻ giáo phận đã tổ chức những đề tài hội thảo (workshops) nhằm trang bị kiến thức về giá trị sống và kỹ năng sống để giới trẻ có thêm hành trang sống trong xã hội hôm nay. Các chủ đề bao gồm: Lương tâm và Trách nhiệm, do cha Giuse Phạm Văn Bình trình bày với sự tham dự của khoảng 80 bạn trẻ; Tự Do trong Chúa do cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền trình bày với sự tham dự của khoảng 80 bạn trẻ; Quản lý thời gian do ông Raymundojeziel trình bày với sự tham dự của khoảng 120 bạn trẻ; Thánh Kinh và người trẻ do cha Giuse Đỗ Quang Khang trình bày với sự tham dự của khoảng 120 bạn trẻ; Khám phá bản thân do cô Cao Thị Anh Hoa trình bày với sự tham dự của khoảng 500 bạn trẻ.

Để tạo sự sinh động và gây bất ngờ cho các bạn trẻ, 15g30 nhạc được trỗi lên, một nhóm các bạn trẻ đã nhảy đồng diễn theo kiểu Flashmob để quy tụ đám đông đang dần tiến vào khoảng sân rộng của Trung tâm Mục Vụ. Từ một nhóm nhỏ, các bạn trẻ đã nhanh chóng hòa vào vũ điệu trẻ trung bắt đầu cho một cuộc hội ngộ vì tình yêu dành cho Chúa Giêsu để cùng nhau chia sẻ, trải nghiệm và sống với không khí tràn ngập niềm vui trong Chúa. Thắm thoát khoảng sân rộng đã đầy ắp người, và những bài hát cử điệu, sinh hoạt được tiếp nối đã tạo bầu khí sôi nổi nơi những người trẻ.

“Iphone đâu? Iphone đâu?”, đó là câu hỏi cha Gioan Lê Quang Việt, Trưởng Ban Mục vụ Giới trẻ TGP. Sài Gòn trong phần phát biểu khai mạc ngày hội. Iphone ở đây chính là tập sách giáo lý dành cho giới trẻ, YouCat với tờ bìa xinh xắn in cách điệu hình ảnh chiếc điện thoại Iphone. Cha Việt đã giới thiệu sơ lược nội dung, ý nghĩa của YouCat và mời gọi các bạn trẻ ký tặng cho nhau quyển sách này để cùng nhau học hỏi về đức tin, để được vui niềm vui trong Chúa.

Đối với người Kitô hữu, Thánh Lễ là một phần của cuộc sống thường nhật để nuôi dưỡng đức tin của mỗi người, nó làm tái hiện hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá đồng thời giúp con người gần gũi với Thiên Chúa hơn. Nhưng Thánh Lễ dường như đã mất đi vị thế quan trọng trong lòng người trẻ và có những người trẻ còn cho rằng tham dự Thánh Lễ là một sự lãng phí thời gian. Phần diễn nguyện với tiết mục kịch “Thánh Lễ với người trẻ” đã nói lên thực trạng thờ ơ, dửng dưng, thậm chí chế nhạo Thánh Lễ của người trẻ. Tiết mục này đã giúp người trẻ ý thức hơn về Thánh Lễ vì đó là hy vọng của nhân loại trước bao thách đố của cuộc sống thế gian.

Bước vào Thánh Lễ, cộng đoàn cử hành tưởng niệm việc Chúa Giêsu vào thành thánh Giêsusalem qua nghi thức rước lá. Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã làm phép lá và rước lá từ phía nhà truyền thống về khán đài chính và chủ tế thánh lễ cùng mười vị linh mục đồng hành với giới trẻ trong giáo phận.

Trong phần giảng lễ, Đức Cha Phêrô cho hay biểu tượng của Ngày Quốc tế Giới Trẻ là Thánh Giá gắn liền với lời mời gọi hy sinh và từ bỏ. Trước những những cám dỗ ngọt ngào của chủ nghĩa cá nhân và hưởng thụ, câu hỏi đặt ra là làm thế nào người trẻ có thể cưỡng lại những cám dỗ và đáp lại tiếng gọi của Thánh Giá?

Đức Cha kể câu chuyện ngụ ngôn thời hiện đại “Con Rùa và Con Cáo” trong đó con cáo muốn ăn thịt rùa nhưng không thể vì mỗi lần cáo xuất hiện thì rùa rút vào cái mai cứng của mình. Ở thế giới toàn cầu hóa, cáo đề nghị mua mai rùa nhưng nó không bán, cáo bèn quảng cáo trên tivi là cáo đã chuyển sang ăn chay. Ngày này qua ngày khác, những quảng cáo đã làm rùa tin điều đó, muốn bán đi cái mai để lấy tiền đi du lịch, nhưng ngày bán cái mai cũng là ngày cuối đời của rùa. Câu chuyện muốn nói đến mặt trận thông tin trong thời đại ngày nay, chiến lược thông tin đầu tiên là phải làm cho người tự mất đi sức đề kháng bảo vệ mình.

Đức Cha cho hay trong mọi lĩnh vực của đời sống khả năng đề kháng là rất quan trọng. Trên bình diện thể lý, căn bệnh AIDS làm cho hệ thống miễn nhiễm suy sụp, cơ thể con người dễ dàng gục ngã trước mọi bệnh tật khác. Trong đời sống tâm lý, những đứa trẻ được nuông chiều quá mức sẽ hình thành tâm lý được phục vụ, khi ra đời, chỉ cần gặp một thử thách khó khăn nhỏ là đã suy sụp. Đời sống đức tin cũng vậy, đối diện với nhiều cám dỗ, làm sao người trẻ trung thành với thập giá trước thực trạng thông tin khó kiểm soát. Đức Cha khuyên người trẻ củng cố khả năng đề kháng của mình bằng Giáo Lý và Lời Chúa. Giáo Lý giúp mình hiểu rõ tôi tin vào ai, tại sao tôi tin vào Chúa Giêsu. Lời Chúa là “khiên che thuẫn đỡ”, là sức mạnh đề kháng trước tấn công của quân thù, cần bám vào Lời Chúa trên cả ba bình diện: tri thức, tình cảm, ý chí. Cần phải học thuộc những câu Lời Chúa quan trọng và căn bản như lời khuyên của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI để yêu mến Lời Chúa, cầu nguyện với Lời Chúa, thực hành Lời Chúa trong cuộc sống. Đức Cha cũng mời gọi người trẻ liên kết với nhau trong các nhóm nhỏ như giáo lý viên, ca đoàn hay các nhóm bác ái để chia sẻ buồn vui, nâng đỡ lẫn nhau trong đời sống.

Giải thích chủ đề ngày hội: “Niềm Vui trong Chúa”, ngài cho hay cũng có nhiều bạn trẻ đang đi tìm niềm vui ngoài Chúa: niềm vui đê mê của ma túy, niềm vui cuồng loạn của những cuộc truy hoan… nhưng là những niềm vui trong chán chường, trống rỗng, vô nghĩa. “Còn niềm vui trong Chúa là niềm vui sâu lắng, vững bền, niềm vui thể hiện trên khuôn mặt, trong tiếng hát, nụ cười của các bạn trẻ trong đại hội này. Đó là niềm vui của Lời Chúa, niềm vui của Thánh Giá. Xin cho niềm vui ấy được lớn mãi trong lòng các bạn để các bạn chia sẻ niềm vui ấy cho bạn bè của mình cũng như cho mọi người các bạn gặp gỡ”.

Sau Thánh Lễ, các bạn trẻ sôi nổi, hào hứng hẳn lên với phần tranh luận, phản biện mang tên “Niềm vui chia sẻ” dài 75 phút. Những bạn trẻ dẫn chương trình đã được phân bố đứng rải rác khắp nơi xen lẫn trong hàng chục ngàn bạn trẻ. Ba đề tài tranh luận gồm: Vô cảm với tương quan hoạt động tôn giáo, các bí tích; Vô cảm với tương quan con người với nhau; Vô cảm với tương quan sự sống. Trước mỗi đề tài tranh luận là đoạn video clip và lời dẫn để nói lên thực trạng nhằm gợi ý các bạn trẻ nói lên quan điểm của mình.

Với đề tài “Vô cảm với tương quan hoạt động tôn giáo, các bí tích”, các bạn đã tranh luận về việc đi lễ hay không đi lễ khi có quá nhiều hoạt động khác trong cuộc sống chi phối, về tình trạng đứng ngoài nhà thờ khi tham dự Thánh Lễ, khi trót phạm tội có nên rước lễ hay không, xưng tội rồi phạm lại chính những tội đã xưng, vậy có nên xưng tội nữa chăng.

Đề tài “Vô cảm với tương quan con người với nhau”, với hình ảnh người Samari nhân hậu đặt ra câu hỏi liệu tình yêu thương của người Samari nhân hậu có còn tồn tại trong người trẻ hôm nay? Các bạn trẻ đã tranh luận trước thực trạng vô cảm khi gặp những sự kiện diễn ra trong cuộc sống hằng ngày: kẹt xe, vượt đèn đỏ, phản ứng khi tai nạn hay cướp của xảy ra, làm việc bác ái để giúp người khác, sự hy sinh vì người khác.

Với đề tài “Vô cảm với tương quan sự sống”, thật đau xót khi xem xong những hình ảnh của nạn phá thai, nạn tự tử. Các bạn trẻ cũng nói lên tâm tình của mình khi sống trong một xã hội đầy cạm bẫy của lối sống hưởng thụ, dễ dãi và nói lên quan điểm khi mình phải rơi vào hoàn cảnh lỡ lầm, giữ lại đứa bé hay phải phạm tội giết người qua việc phá thai hay phải làm gì khi rơi vào hoàn cảnh thất vọng chán chường tột độ với ý nghĩ tự tử.

Để kết thúc phần tranh luận, ca sĩ Xuân Trường đã trình bày nhạc phẩm Vì xưa ta đói. Sau đó, cha Giuse Phạm Văn Bình đã đúc kết phần chia sẻ rằng việc quan tâm đến nhu cầu của người khác là tiêu chuẩn của Nước Trời. Với lối sống không cần biết đến ngày mai, người trẻ là nạn nhân và là tác nhân của tình trạng vô cảm, là tác nhân vì không quan tâm đến những việc không có lợi cho mình, là nạn nhân vì bị bỏ mặc cho xã hội, mạnh ai nấy sống. Sau đó cha đã đưa ra những băng reo về sự quan tâm lẫn nhau để nhắc nhớ những người trẻ hãy sống trong tình yêu mà Chúa dạy cho thế gian.

Hoạt cảnh Phục Sinh với ba tiểu mục Niềm vui đã mất, Niềm vui Cứu Độ và Niềm vui Thập Giá đã dẫn dắt các bạn trẻ đi từ trình thuật Sáng Thế đến vinh quang Phục Sinh của Chúa Kitô. Niềm vui đã mất là màn múa minh họa trình thuật tạo dựng đồng thời màn hình trình chiếu diễn tiến cũa bức vẽ tranh cát công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Niềm vui Cứu Độ là một vở kịch nói đến tâm trạng của một bạn trẻ thất vọng do gặp phải biến cố cha mẹ qua đời khi hay tin đậu đại học, từ đó bạn sa đà vào ăn chơi, sống bất cần đời và đến với Thiên Chúa chỉ bằng hình thức. Niềm vui Thập Giá diễn lại Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên Thập Giá để ban ơn Cứu Độ cho nhân loại. Xen lẫn trong hoạt cảnh, ca sĩ Diệu Hiền đã trình bày nhạc phẩm Tình Chúa thương con để nói lên tâm tình của con người trước ơn Cứu Độ của Chúa.

Cơn mưa lất phất khi trời về khuya cũng không ngăn được lòng sốt sắng của những người trẻ tham dự bầu khí thiêng liêng của buổi Chầu Thánh Thể trước khi kết thúc ngày hội. Sau khi rước Thánh Thể, cộng đoàn đã suy gẫm, suy niệm Lời Chúa, cầu nguyện trước Thánh Thể về sự vô cảm của con người, về Thánh Lễ và người trẻ, cầu nguyện để người trẻ biết tìm đến với giáo lý và Kinh Thánh, cuối cùng là cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng.

22 giờ 15, Đại Hội kết thúc với lời sai đi hy vọng rằng đại hội sẽ là cơ hội trang bị hành trang cho người trẻ vững chãi sống đức tin trong đời sống và lời hẹn gặp lại trong kỳ đại hội năm sau với những bất ngờ thú vị.

Tạ Ân Phúc