Giới Thiệu

Kitô Giáo trong thế kỷ 20 được đánh dấu bằng sự xuất hiện của phong trào đại kết, một phong trào mà gần như các thế kỷ trước chưa bao giờ biết đến. Nhờ phong trào này, người ta có cảm thức hoàn cầu về Kitô Giáo và họ bắt đầu đi tìm sự hợp nhất từng bị thương tổn nặng nề trong các thế kỷ 11 và 16.

Phong trào này, thoạt đầu, là chủ điểm của anh em Thệ Phản, những người lúc ấy hết sức quan tâm tới vấn đề phúc âm hóa thế giới thuộc thế hệ họ. Sau Thế Chiến I, anh em Chính Thống bắt đầu tham gia và đóng góp rất nhiều cho phong trào. Chính Toà Thượng Phụ Đại Kết đã đưa ra sáng kiến thiết lập một liên minh các giáo hội và sáng kiến này dẫn tới Hội Đồng Các Giáo Hội Thế Giới vào năm 1948. Giáo Hội Công Giáo phải đợi sau Thế Chiến II mới bắt đầu có những bước thăm dò về hợp nhất và phải đợi sau Công Đồng Vaticanô II (1962-1965), mới chính thức quan tâm tới vấn đề này, bằng cách công bố các nguyên tắc của nó và nhìn nhận các giáo hội Kitô Giáo khác là hiệp thông với mình, dù một cách không hoàn hảo (Unitatis redintegratio, 3).

Trong khi ấy, nhiều động thái nghiêm túc và tham khảo song phương trên bình diện quốc gia hay quốc tế cũng đã song hành xẩy ra. Các động thái và tham khảo này nhắm vượt qua các chia rẽ có tính cách lịch sử vốn do các thế kỷ trước để lại. Trong đó, có Nhóm Dombes (Le Groupe des Dombes) do linh mục Paul Couturier (chết năm 1953) khởi xướng vào năm 1937, tụ tập một số mục sư Thệ Phản và linh mục Công Giáo của Pháp vốn quan tâm tới vấn đề hợp nhất chung quanh các cuộc đối thoại được tổ chức tại Đan Viện Xitô Đức Bà vùng Dombes. Hiện nay, Nhóm vẫn sinh hoạt đều đặn hàng năm vào khoảng Tháng Chín, gồm 20 nhà thần học Công Giáo và 20 nhà thần học Luthêrô hay Cải Cách khác.

Đây là một hiệp hội tư, không đại diện và cũng không được bất cứ giáo hội chính thức nào bảo trợ, tuy nhiều thành viên của Nhóm vốn làm việc cho Liên Minh Thệ Phản Pháp và Hội Đồng Giám Mục Pháp. Ngoài ra, các nhà thần học Anh Giáo cũng như Chính Thống Giáo thường xuyên được mời tham dự các buổi sinh hoạt của Nhóm. Mục tiêu của nhóm là khai quang con đường tiến tới hợp nhất bằng cách từ từ loại bỏ các trở ngại của sự hợp nhất vốn do các thế hệ trước tạo ra. Ở đây, có hai ý niệm nền tảng: một là metanoia, thay đổi tâm trí, hai là conversio, sẵn sàng nhìn nhận lỗi lầm và cùng nhau hối cải thực sự.

Suốt trong hai thập niên đầu, Nhóm nghiên cứu một loạt các chủ đề thần học như công chính hóa, cứu chuộc, bí tích và giáo hội trong bầu khí đối đầu. Mãi tới năm 1956, giọng điệu hợp tác mới bắt đầu được gióng lên công khai. Nhờ thế từ năm đó tới năm 1970, Nhóm cho công bố một loạt “luận đề” (theses) như “Sự Trung Gian Của Đức Kitô Và Thừa Tác Vụ Của Giáo Hội”, “Giáo Hội Và Nhiệm Thể Đức Kitô”, “Thẩm Quyền Mục Vụ Của Giáo Hội”, “Giáo Hội Như Hiệp Thông Các Thánh”…

Từ năm 1971 tới năm 1998, Nhóm cho công bố một loạt gọi là “tài liệu” (documents) thảo luận sâu rộng hơn và nhấn mạnh tới những điểm đồng thuận giữa các giáo hội như “Hướng Tới Một Đức Tin Thánh Thể?”, “Hướng Tới Việc Hoà Giải Các Thừa Tác Vụ”, “Thừa Tác Vụ Hiệp Thông Trong Giáo Hội Phổ Quát”…

Năm 1987, phần lớn các luận đề và tài liệu trên được gom lại thành bộ “Hướng Tới Hiệp Thông Các Giáo Hội: Phần Đóng Góp Của Nhóm Dombes” (Pour la communion des Églises: l’Apport du Groupe des Dombes) (Paris: Le Centurion, 1988). Bộ tuyển tập thứ hai xuất hiện năm 1991 dưới tựa đề: “Hướng Tới Việc Hồi Tâm Của Các Giáo Hội: Bản Sắc và Biến Đổi trong Tính Năng Động Của Hiệp Thông” (Pour la conversion des Églises: Identité et changement dans la dynamique de la communion) (Paris: Le Centturion).

Điều đáng lưu ý nhất là để thăm dò mức độ dấn thân của cả hai phía đối với diễn trình hồi tâm này, Nhóm Dombes đã dành các cuộc gặp gỡ trong các năm từ 1991 tới 1997 cho việc tranh luận và tìm hiểu vai trò của Đức Maria trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Kết quả của các cuộc tranh luận và tìm hiểu này được trình bày bằng hai cuốn sách nhỏ tựa là “Đức Maria trong Kế Hoạch Thiên Chúa và trong Hiệp Thông Các Thánh: I. Trong Lịch Sử và Sách Thánh” (Marie dans le dessein de Dieu et la communion des saints: I. Dans l’histoire et l’Écriture) (Paris: Bayard Éditions/Le Centurion, 1997) và “II. Tranh Cãi và Hồi Tâm” (II. Controverse et conversion) (1998). Hai cuốn này được nhập làm một dưới tựa đề “Đức Maria: Trong Kế Hoạch Thiên Chúa và trong Hiệp Thông Các Thánh” (1999).

Các chủ đề được đề cập xoay quanh việc hợp tác của Đức Maria vào sự cứu rỗi do Chúa Kitô mang đến; các tín điều Vô Nhiễm Nguyên Tội và Mông Triệu; sự đồng trinh của Đức Maria; và việc cầu nguyện cùng ngài. Nhân cơ hội này, Nhóm đưa ra lời kêu gọi cả hai phía hãy thanh tẩy và điều chỉnh các thái quá trong ngôn từ về Đức Maria và chỉnh sửa các bất cập trong phát biểu ngõ hầu định vị Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, vào đúng chỗ đứng của ngài trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa và trong hiệp thông các Thánh.

Nhận thấy đây là một tài liệu học tập quí giá, quân bình và trung thực của các nhà thần học Công Giáo và Thệ Phản về một chủ đề hết sức nhậy cảm xưa nay, thường được coi là cản trở mạnh mẽ nhất đối với cuộc hợp nhất các giáo hội Kitô Giáo, chúng tôi sẽ lần lượt trình bày nội dung tác phẩm trên. Và ta sẽ ngạc nhiên thấy rằng người Thệ Phản và người Công Giáo cuối cùng vẫn có thể hợp nhất với nhau, bất chấp các dị biệt về Đức Maria, vì các dị biệt này được nhận ra không nhất thiết gây chia rẽ giữa các giáo hội.

Phần I: Đọc Lịch Sử và Thánh Kinh theo đại kết

Trong lời nói đầu của phần này, Mục Sư Alain Blancy và Linh Mục Maurice Jourjon, đồng chủ tịch của Nhóm, nhấn mạnh rằng: Đức Maria không bao giờ từng là nguyên nhân gây chia rẽ giữa các giáo hội. Trái lại, ngài trở thành nạn nhân của các chia rẽ ấy. Kết quả là một số nhân tố tạo chia rẽ đã được phân cực chung quanh ngài và trở thành hiển hiện nơi ngài. Cho nên, Nhóm muốn tập trung nghiên cứu nhân vật vốn có tính biểu tượng đối với đức tin và truyền thống Kitô giáo này. Để mong trả lời được câu hỏi: liệu các bên có thể nói cùng một ngôn từ và cổ vũ việc cùng nhau thay đổi tâm hồn hay không.

Nhóm nhất trí cho rằng kế hoạch Thiên Chúa, như đã được mạc khải trong Thánh Kinh và được đức tin tiếp nhận trong các tuyên tín nhất là 3 điều của Kinh Tin Kính, đã nối kết việc thụ thai đồng trinh và chức phận làm mẹ lại với nhau: Đấng chết thời Phôngxiô Philatô đã được sinh ra từ Trinh Nữ Maria.

Đức tin của giáo hội lúc chưa bị phân chia, là giáo hội hiện vẫn đang hiện hữu trong mỗi người chúng ta, đã đem lại sự hợp nhất cho giáo hội và làm cho hiệp thông các thánh trở thành một thực tại trong toàn bộ tính đầy huyền nhiệm của nó: Ơn cứu rỗi do Chúa Giêsu đem lại hành động không phải do xác tín nhân bản mà là do quyền năng Thiên Chúa. Này, người đàn bà son sẻ đang hạ sinh và Trinh Nữ đang thụ thai! Trong biến cố này, người nghèo đã được nghe tin mừng. Ở hừng đông thiên niên kỷ thứ ba, liệu có nơi nào tuyên tín vào Chúa Kitô Cứu Thế mà lại bác bỏ lòng thủy chung đối với tin mừng này không?

Đức Maria trong các tuyên tín không hề khác với Đức Maria trong Thánh Kinh. Các Tin Mừng thời Thơ Ấu đối với các Tin Mừng Nhất Lãm cũng giống như Tự Ngôn đối với Tin Mừng Gioan, nghĩa là, không hẳn là lịch sử hay tiền sử về Chúa Giêsu cho bằng là chứng tá cho việc hạ mình của Đấng sẽ được nâng lên cao và được gọi là Chúa vì vinh quang Thiên Chúa Cha (xem Pl 2:6-11). Bởi thế, ta hãy cùng nhau lắng nghe sứ điệp ngỏ với Đức Maria và Kinh Magnificat của ngài, vì cùng với chúng, ta tuyên xưng rằng Chúa Giêsu được “xuống thai bởi Chúa Thánh Thần và được sinh ra bởi Trinh Nữ Maria”.

Nhóm đã có thể thanh thản làm việc với nhau nhờ khả năng biết biện phân giữa những gì được đức tin đòi hỏi và những gì lòng sùng kính cho phép. Sự biện phân căn bản này luôn hiện diện suốt trong tài liệu này. Một số tác giả thời Trung Cổ có thể viết: “Về Đức Maria, không bao giờ nói cho đủ được”; nhưng đồng thời, điều không kém quan trọng là phân biệt giữa tự do sùng kính (trong các giới hạn của luật đức tin) và điều duy nhất cần thiết. Về điều duy nhất cần thiết này, Tuyên Tín Augsburg (1530/1580) nhắc đến nguyên tắc Satis est (“Đã Đủ Rồi”): nghĩa là, đã đủ cho sự hiện hữu của giáo hội và sự hợp nhất của giáo hội: “giảng dạy đúng tin mừng và trung thành ban phát các bí tích”. “Phẩm trật các chân lý” được Công Đồng Vatican II đề cập tới cũng phần lớn nói về cùng một quan tâm. Như sẽ thấy, điểm khởi hành là tuyên tín chung như đã thấy trong các kinh tin kính của giáo hội thời sơ khai. Cả Kinh Tin Kính Các Tông Đồ lẫn Kinh Tin Kính Nixêa-Constantinốp (381) đều minh nhiên nhắc đến Đức Maria và tương phản ngài với Philatô, một đàng là lúc sinh một đàng là lúc chết, một đàng là tham dự vào mầu nhiệm nhập thể, một đàng là đồng loã với khổ nạn.

Tính chất tích cực của kết quả đạt được ở phần này là một dấu chỉ đầy khích lệ. Nhóm hân hoan nhận ra rằng các bất đồng của nhóm, tuy còn, nhưng không theo các đường nét cứng cỏi từng chia rẽ các tuyên tín nữa. Kitô hữu từ nay có thể có những xúc cảm bản thân và các thái độ tôn trọng, thậm chí cả sùng kính nữa, đối với Mẹ Chúa Cứu Thế.

Nhóm tạ ơn vì đã có thể làm việc với nhau về một chủ đề từng gây chia rẽ và hiện vẫn còn đang gây chia rẽ. Vì tuy Đức Trinh Nữ Maria là nốt nhạc cần thiết trong bản hòa tấu cứu chuộc, nốt nhạc ấy vẫn chưa nhất thiết tạo được hòa âm nơi chúng ta. Nhưng nguyên sự kiện Nhóm có thể nhìn nhận điều ấy cũng đã là một điều gì đó rồi, nhưng nhất định không phải là việc thú nhận thất bại. Tương lai vẫn đầy hứa hẹn cho đức tin hôm nay.

Chương 1: Các Bài Học Lịch Sử

I. Đức Maria trong Giáo Hội Sơ Khai

Thời sơ khai ở đây được hiểu là thiên niên kỷ đầu tiên. Nhóm Dombes xét tới vai trò của Đức Maria trong các tuyên tín, sau đó, trong các trước tác của giáo phụ và sau cùng trong các tin mừng ngoại thư (apocrypha).

1. Đức Maria trong các tuyên tín

Trong các tài liệu sơ khai, kể cả các tài liệu quan trọng, Đức Maria ít được nhắc tới hơn là trong Tin Mừng. Ngài không được nhắc tới trong các lời giảng dạy của các tông đồ (xem Công Vụ, 2:14-36); cả các tuyên tín sơ khai cũng không nhắc tới ngài. Thực ra, câu chuyện ra sao?

Ta biết các kinh tin kính đã trải qua một diễn trình khai triển khá chậm chạp cho mãi tới đầu thế kỷ thứ ba mới có những kinh đầu tiên. Tuy nhiên, trước đó, đã có những yếu tố để xây dựng nên các kinh tin kính có cấu trúc. Thánh Inhaxiô thành Antiôkia (khoảng năm 110) chẳng hạn, người chuyển tải trực tiếp giáo huấn các tông đồ, trước khi nói tới mầu nhiệm vượt qua, đã nhắc tới việc sinh hạ “thực sự” của Chúa Giêsu: “Theo kế hoạch thần linh, Chúa chúng ta, Chúa Giêsu Kitô, đã được cưu mang trong lòng Đức Maria, được sinh ra từ dòng máu Đavít và cũng từ Chúa Thánh Thần nữa” (1).

Như thế, các tuyên tín vào đầu thế kỷ thứ hai đã nhắc đến sự thụ thai đồng trinh của Chúa Giêsu trong tư cách Con Đức Maria và kể từ đó, mầu nhiệm này đã không ngừng được lặp đi lặp lại. Khoảng năm 180, Thánh Irênê là giáo phụ đầu tiên minh nhiên cho rằng Đức Maria có một chỗ đứng trong lời giảng của các tông đồ. Tường trình của ngài về giáo huấn tông đồ (apostolic kerygma) có đoạn như sau nói về Bà Evà và Đức Maria: “Nhất thiết… phải có một nữ trinh, nhờ trở nên người bào chữa cho một nữ trinh, để hủy diệt sự bất tuân của một nữ trinh bằng sự tuân phục của một nữ trinh” (2).

Thế giá và sự hữu lý của Thánh Irênê, việc ngài dựa vào truyền thống các giáo hội Tiểu Á và đặc biệt dựa vào Thánh Polycarp, và sự hiện hữu của lối so sánh Đức Maria với Bà Evà ở hai chỗ trong công trình vĩ đại “Chống Các Lạc Giáo” của ngài, tất cả đã khuyến khích Nhóm Dombes tin tưởng ngài khi ngài đặt Đức Maria vào kế hoạch cứu rỗi và biện minh cho việc này bằng cách thuật lại lời giảng dạy của các tông đồ. Dưới mắt vị giám mục Thành Lyons, việc giải thích niềm tin vào Chúa Kitô đòi phải nhắc đến việc Người thụ thai đồng trinh và chính Sách Thánh, ngay ở phần đầu tiên cũng đã chứng thực cho việc thâu tóm (recapitulation) Adong vào Chúa Kitô qua việc chuyển dịch sự sống từ Đức Maria qua Evà. Đó chính là đức tin tông truyền mà giáo hội vốn ‘tuyên xưng, giảng dạy và lưu truyền” (3).

Không một kinh tin kính nào lặp lại quan điểm của Thánh Irênê. Nhưng Kinh Tin Kính của Công Đồng Constantinốp năm 381, mà ta quen gọi là Kinh Tin Kính Nixêa-Constantinốp có kể tên Đức Maria, giống như Kinh Tin Kính Các Tông Đồ, là Kinh đã có từ đầu thế kỷ thứ ba:

Kinh Tin Kính Các Tông Đồ: “… Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu là Con Một Đức Chúa Cha, cùng là Chúa chúng tôi, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi Bà Maria đồng trinh”.

Kinh Tin Kính Nixêa-Constantinốp: "Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô… vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế: do quyền phép Chúa Thánh Thần, Người đã sinh ra bởi Trinh Nữ Maria, và đã làm người”.

Trong cả hai Kinh Tin Kính trên, Đức Maria đều được liên kết với Phôngxiô Philatô. Điều này khiến ta chú ý. Đức Maria nhắc ta nhớ đến lúc sinh, Philatô gợi ta nhớ đến lúc chết, cả hai đem lại cho Chúa Kitô các niên biểu lịch sử. Nhưng chứng tá của Đức Maria thuộc một trật tự khác hẳn trật tự của Philatô. Viên chức Rôma là chứng tá của một người giữ vị thế dân chính. Đức Maria làm chứng cho một xác tín không thể nào chê trách được của một người mẹ: ngài biết rõ điều mình làm chứng. Philatô không hề là một chứng nhân, dù là chứng nhân bất đắc dĩ, của biến cố phục sinh. Mầu nhiệm đức tin vượt quá sự hiểu biết của ông ta. Dường như ông ta hoàn toàn xa lạ đối với bản văn trích dẫn tên ông ta. Nhờ đức đồng trinh của mình, Đức Maria là chứng tá của mầu nhiệm nhập thể. Ở đây, ta thấy một biểu thức của đức tin. Trong cả hai Kinh Tin Kính ấy, Đức Maria đều không bị mô tả như một thứ trang trí, như thể ngài chỉ là thành phần của những hoa hoè hoa sói, mầu mè góp phần làm nổi bật một khung cảnh. Vì nếu đức tin tông truyền tập chú vào cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, thì hệ luận song hành là: cũng một đức tin ấy chỉ thành hình được nhờ việc hạ sinh của cùng vị Chúa này dưới ánh sáng sự phục sinh kia.

Khi ta gặp Đức Maria trong giáo hội của bẩy công đồng chung, thì việc nhắc đến ngài trở thành việc tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu; nó nói lên một cách công khai và chính xác việc tôn thờ Người Con của ngài. Đức Tin vào Chúa Giêsu, Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và là Đấng Cứu Thế, Đấng mà Kitô hữu có thể tiếp nhận như tiếp nhận một con cá trong lòng bàn tay họ, xuất phát từ Mẹ Giáo Hội Đồng Trinh (4). Nhưng đức tin này đã được chiếu trở lại, như trong một thứ mờ chồng điện ảnh (cinematic dissolve), lên Mẹ Đồng Trinh Maria.

Các nhà sử học hiểu ngay lập tức lời lẽ của Công Đồng Constantinốp “Người đã sinh ra bởi Trinh Nữ Maria” có nghĩa gì, nó gần như chỉ là một biểu thức lặp lại đức tin tông truyền và đặt căn bản trên lời chứng của các Tin Mừng. Nếu các nhà sử học này căn cứ vào cả bẩy công đồng chung, hẳn họ sẽ cho ta hay: Giáo Hội của các giáo phụ, dù chia rẽ nhau về tín điều chuyên biệt của Canxêđoan và về nền thần học ảnh tượng, nhưng các ngài không hề bất đồng chút nào về đức tin của Giáo Hội này đối với Trinh Nữ Maria, vì đức tin ấy luôn nằm bên trong khuôn thước Thánh Kinh và các tuyên bố về Chúa Kitô.

Thực thế, nói đúng ra, không hề có “tín điều về Đức Maria” tại Êphêsô, và việc nhắc đến Đức Maria đầu hết có chỗ đứng của nó không phải ở tín điều Kitô học của Canxêđoan, mà là ở các Kin Tin Kính. Trong các Kinh Tin Kính này, ta phát biểu đức tin của ta vào Chúa Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng, để cứu vớt ta, đã nhận lấy xác phàm từ Trinh Nữ Maria. Như sẽ thấy sau này, việc tôn kính Đức Maria, từng phát triển một cách tiệm tiến, đã có nhiều nguồn gốc khác song song với tuyên tín nền tảng này là Đấng Cứu Vớt ta đã sinh ra từ Trinh Nữ Maria, người mà bằng sự vâng phục của đức tin, đã tiếp nhận vào lòng mình tác giả của chính sự cứu rỗi của mình.

(còn tiếp)