2. Phía Thệ Phản trong hai thế kỷ 16 và 17

Tại Pháp, trong thời kỳ của Sắc Chỉ Nantes (1598-1685), sự sống chung tín phái tại mọi khu vực địa dư là trường hợp hiếm họa của hiện tượng nhị nguyên tôn giáo. Ít nhất trong lý thuyết và luật pháp, nếu không muốn nói là cả trong thực hành nữa, có sự bình đẳng tín phái, chứ không phải khoan dung tín phái: người Công Giáo Rôma và người Công Giáo Cải Cách (83) sống chung dưới một vị quân vương đơn nhất; việc sống chung này là một thực tại thường trực. Sự phân chia chưa bị coi là không thể tránh thoát; ý thức tín phái vẫn chưa thay thế được ý thức nhất thống; tình gần gũi vẫn còn mạnh đủ để người ta vẫn chỉ coi các tranh cãi gay gắt như là một trong các điều kiện sống đối với thừa tác vụ liên hệ (84). Về phía Thệ Phản, tình gần gũi bên trong một hợp nhất bị phân chia ấy đã khiến nó cảm nhận ra sao trong lãnh vực tranh cãi về Đức Maria?

Trên đây, ta đã thấy rằng các nhà cải cách Thệ Phản của thế kỷ 16 có nhiều ý tưởng tích cực về Đức Maria hơn các hậu duệ của họ thuộc thế kỷ 19 và 20. Tương phản với các hậu duệ này, những người cải cách thuộc thế kỷ 17 vẫn còn trung thành với đường hướng của các nhà cải cách nguyên thủy, nhưng đã không có những khai triển thêm về thực hành song hành với phía Công Giáo Rôma; nguyên tắc Thánh Kinh ngăn cản không cho họ có những bước tiến xa hơn điều Luther và các người đồng thời với ông chủ trương và thực hành. Nhưng nguyên tắc ấy chỉ nói lên điều cần thiết tối thiểu, và các thực hành thánh mẫu quá bên kia điểm ấy, dù có thể bị thách thức, đâu có biện minh được thái độ dửng dưng có tính phản động. Điều có thể nói về Đức Maria mà vẫn tôn trọng nguyên tắc “Sola Scriptura” (chỉ có Thánh Kinh) đã đủ cho bất cứ ai muốn trung thành với Phong Trào Cải Cách.

Nhà thần học cải cách Charles Drelincourt (chết năm 1669) cho ta một điển hình gương mẫu về lòng trung thành ấy. Không hề là một nhân vật ngoài lề, vị mục sư của Giáo Hội Cải Cách Paris này là một trong những người đáng kính và nổi tiếng nhất thời ấy. Ông là một nhà tranh cãi đáng nể và đã tạo được danh tiếng vượt quá phạm vi giáo hội tín phái của ông. Năm 1633, ông cho công bố một khảo luận ngắn tựa là “Danh Dự Phải Có Đối Với Đấng Thánh Và Trinh Nữ Diễm Phúc Maria” (85). Xét theo số người đọc của tác giả, ta có thể coi giáo huấn do ông trình bày là suy nghĩ có thẩm quyền của các nhà thần học Cải Cách và tín hữu thời ông. Mục đích của ông là bác bỏ “sự vu khống phổ biến nhất chống lại chúng ta, cho rằng chúng ta làm mất danh dự Trinh Nữ Diễm Phúc và nói những điều coi thường ngài”.

Theo Drelincourt, Kitô hữu Cải Cách tuyên xưng Đức Maria là “Trinh Nữ”, là “Diễm Phúc”, và là “đấng vẫn đồng trinh ngay cả lúc sinh con và sau khi sinh con”. “Cùng với người xưa”, họ nhìn nhận ngài là “Mẹ Thiên Chúa”, “mãi mãi diễm phúc” và “rạng ngời nhân đức”. Ngài “được sủng ái hơn mọi tổ phụ, tiên tri, và tông đồ, và được hiển dương hơn mọi thiên thần và sêraphim”.

Còn về lòng sùng kính mà mọi Kitô hữu Cải Cách nên có đối với ngài, thì “điều hiển nhiên là Đấng Thánh và Trinh Nữ Diễm Phúc phải được mọi Kitô hữu yêu mến và kính trọng”. Mọi Kitô hữu phải “tôn kính các kỷ niệm về ngài, cử hành các lời ca ngợi ngài một cách hân hoan tuyệt vời”. Họ phải ca ngợi Thiên Chúa “về hồng ân ngài đã tiếp nhận”, “tuân theo các giáo huấn mà Chúa Thánh Thần đã để lại cho ta qua dụng cụ ơn thánh này”, “dâng lên ngài gương sống và tin cách chính trực” và “tán dương sự diễm phúc và hạnh phúc của ngài”.

Tương phản với thần học Rôma, Drelincourt từ khước việc gán cho Đức Maria các tước hiệu “Công Chúa” (Infanta), “Nữ Vương”, “Hoàng Hậu” và “Nhiếp Chính Thiên Đàng”. Người ta sẽ phạm “tội khi quân” khi “gán cho ngài các danh dự vốn chỉ thuộc một mình đức vua mà thôi”. Chỉ đức vua mà thôi mới là “cửa thật, là đấng bào chữa ta, là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại”. Chỉ ở điểm này mới nên áp dụng lời phê phán của Thệ Phản, nghĩa là khi có nguy cơ bóp méo Kitô học: “không những ta xúc phạm đến Chúa Giêsu Kitô, mà ta còn làm mất danh dự của chính Trinh Nữ Thánh Thiện nữa”.

Sự chừng mực cực độ của lòng sùng kính Đức Maria nơi người Cải Cách có mục tiêu tránh việc thờ ngẫu thần. Theo Drelincourt, người Thệ Phản không cử hành các lễ kính Đức Maria hay đọc kinh Kính Mừng, dù “lời lẽ của kinh thật tuyệt vời” chỉ vì những thực hành ấy “đều sai”. Ta sẽ liều mình “xúc phạm đến Trinh Nữ Thánh Thiện cách nặng nề nếu ta tin rằng ngài khoan khoái đối với các nghi lễ này giống như những người thờ ngẫu thần bất hạnh, trong quá khứ, từng sáng chế ra để phụng sự các thần giả của họ”. Thiên Chúa “không sai ta đến với ngài” và ta không nên cầu nguyện với ngài và xin ngài giúp đỡ, chỉ nên ca tụng ngài mà thôi. Drelincourt kêt thúc bằng cách viết rằng: “Trong mọi ưu phiền âu lo của ta, ta đã có Thiên Chúa Ba Ngôi làm nơi trú ẩn rồi”.

3. Phía Công Giáo từ thế kỷ 18 tới cuối thế kỷ 19

Sau một thời gian say mê, bước qua thế kỷ 18, thần học thánh mẫu bước vào một thời kỳ tương đối thanh thản hơn, dù người ta vẫn tiếp tục nhận ra ảnh hưởng của thế kỷ 17 trong một số đặc điểm của thời kỳ mới này. Nhiều lời đã được đưa ra nhằm kêu gọi phải dịu bớt đi hay sửa đổi lại. Do đó, vào năm 1714, sử gia người Ý là Ludovico Antonio Muratori (chết năm 1751) cho công bố bằng tiếng Latinh tác phẩm của ông tựa là “Về Việc Tự Chế Trong Tư Duy Tôn Giáo” (86). Ông công kích nghi thức “lấy máu ăn thề” do Sorbonne khởi xướng và truyền bá ra ngoại quốc, nhất là qua Tây Ban Nha. Đó là việc người ta tuyên hứa sẽ bênh vực ý niệm Vô Nhiễm Thai dù phải đổ máu ra tử đạo. Ông cho việc đó là “một mê tín cần tránh” và nhắc các độc giả của ông nhớ rằng theo Sách Thánh, Chúa Giêsu Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất, chỉ có việc tôn sùng Chúa Kitô là cần thiết để được cứu rỗi, còn việc kêu cầu các thánh và Đức Trinh Nữ, tuy hữu ích, nhưng không thể coi là cần thiết được. Tại nhiều nơi trong giáo hội, các quan điểm này bị coi là gây gương mù gương xấu, nhưng khi được trình lên cho Thánh Bộ Thư Mục (Index Congregation) vào năm 1753, chúng nhận được những phán kết cực kỳ thuận lợi. Đây là một bằng chứng cho thấy thẩm quyền thần học chính thức nhất đã chuẩn nhận các cố gắng nhằm tái lập sự chừng mực.

Khi đương đầu với chủ nghĩa duy lý của Phong Trào Ánh Sáng, các thần học gia thánh mẫu tìm cách chỉ duy trì những điều cốt yếu. Điều này ít nhất đúng cho trường hợp Thánh Anphônxô đệ Liguori (chết năm 1787), đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế và là tác giả của nhiều khảo luận, trong đó có cuốn “Khảo Luận Tín Lý Chống Lại Các Nhà Tự Nhận Là Cải Cách” (1769) và cuốn trước đó với tựa đề “Các Vinh Quang Của Đức Maria” (1750). Một lần nữa, ngài quả quyết rằng Đức Maria là máng chuyển cần thiết của mọi ơn thánh, vì vai trò của ngài chủ yếu là vai trò của “Mẹ xót thương”. Trong vai trò này, ngài cứu vớt kẻ tội lỗi khỏi trầm luân và dọn đường cứu rỗi cho họ. Nhưng bất chấp việc tái khẳng định này, chủ nghĩa duy lý đã chừng mực hóa được nền thần học và cả lòng sùng kính thánh mẫu nữa; do đó, một số giám mục đã gỡ bỏ ảnh tượng và giảm bớt con số các đền thánh mẫu. Việc Đức Giáo Hoàng bãi bỏ Dòng Tên năm 1773 cũng đóng một vai trò, giống như các ý tưởng thời tiền Cách Mạng vậy.

Thế kỷ 19 và thời kỳ Phục Hưng Công Giáo đem lại một mùa đua nở mới cho lòng sùng kính Đức Maria, nhất là dưới hình thức văn chương bình dân phong phú. Một thế kỷ thánh mẫu mới đang xuất đầu lộ diện (từ 1850 tới 1950). Các đặc điểm nổi bật của thời kỳ này là: phục hưng các cuộc hành hương, hiện tượng hiện ra (nhất là tại Lộ Đức), và nhiều chủ trương tín lý. Giữa thế kỷ 19, tức năm 1854, tín điều Vô Nhiễm Thai xuất hiện như một trong các cao điểm của diễn trình phát triển này; tín điều Mông Triệu thì còn mãi ở chân trời khá xa (1950).

Cuộc phục hưng và canh tân tôn giáo của thế kỷ 19 dọn đường cho việc xác nhận về tín lý và huấn quyền nền thần học thánh mẫu vốn đã được thực hành hàng nhiều thế kỷ trước và dần dần mặc lấy hình thức cố định. Sự nhất trí trong giáo hội giữa nền thần học của các trường phái và lòng đạo đức bình dân, giữa phẩm trật định chế và người dân của Giáo Hội Công Giáo Rôma đòi phải có một công bố của huấn quyền có thể phản ảnh được sự nhất trí này. Khung cảnh thánh mẫu đã làm cho việc công bố ấy thành khả hữu.

Chủ trương được tu sĩ Phanxicô thời Trung Cổ Duns Scotus nói ra nhiều năm trước đây, rằng ý niệm Vô Nhiễm Thai đã hợp nhất các sự thật tín lý về tội nguyên tổ và ơn thánh cứu rỗi, đến lúc này đã cung cấp căn bản cho sự nhất trí nói trên, dẫn tới việc xác định dứt khoát vừa nói. Việc Đức Trinh Nữ hiện ra năm 1830 với Thánh Nữ Catarina Labouré (chết năm 1876), một Nữ Tử Bác Ái và là một người phục vụ thường xuyên ở Paris, cùng với “mẫu ảnh lạ lùng” xuất hiện với Đức Trinh Nữ, mang hàng chữ “Ôi Maria, đấng vô nhiễm thai, xin cầu cho chúng con là những người chạy đến cùng bà” đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành tín điều này.

Khi Đức Piô IX, người nổi tiếng về lòng sùng kính Đức Maria, lên ngôi giáo hoàng năm 1846, ngài đã cho tiến hành nhanh hơn diễn trình xác định này, bằng cách, thể theo lời yêu cầu của các giám mục Bắc Mỹ, ngài đã cho phép họ nhận Đức Maria là quan thầy của Hiệp Chúng Quốc. Năm 1848, ngài bổ nhiệm một ủy ban đầu tiên gồm 19 thần học gia để trả lời câu hỏi liệu có thể công bố ý niệm Vô Nhiễm Thai của Đức Maria thành tín điều được không. Năm 1849, sau khi tham khảo các giám mục, Đức Piô IX long trọng tuyên bố câu định nghĩa từng được tranh biện rất lâu và thường bị thách thức này về việc Đức Maria Vô Nhiễm Thai, do đó, đã biến nó thành điều bắt buộc của đức tin.

Xét trong toàn bộ, tín điều mới này đã được khắp thế giới Công Giáo hân hoan đón nhận. Việc công bố nó đem lại cho Giáo Hội Công Giáo Rôma một mặt trận thống nhất. Còn đối với các giáo hội Cải Cách cũng như Chính Thống Giáo, tín điều này đã trở thành một khối đá cản đường nữa. Nó sẽ khiến cho lòng sùng kính Thệ Phản gỡ bỏ hết các vết tích còn lại của trong suy tư và lòng sùng kính thánh mẫu của các nhà Cải Cách nguyên thủy.

Chú thích

(44) Thời kỳ này bắt đầu có các phong trào như Giáo Hội và Phụng Vụ (Église et liturgie) tại Thụy Sĩ nói tiếng Pháp và Huynh Đoàn Thánh Michel (St Michael Confraternity) tại Đức. Việc canh tân phụng vụ và thánh mẫu học của phái Luthêrô hay Cải Cách này nhằm mục đích tiến tới cuộc đối thoại đại kết.
(45) Walter Tappolet, Das Marienlob der Reformatoren (Tubingen, 1962); Max Thurian, Mary, Mother of All Christians, bản dịch của N. Cryer (New York, 1963).
(46) “Các mục tử đừng nên cải vã nhau về các ngày lễ này. Mỗi người được tự do cử hành ngày lễ nào giáo dân trong xứ muốn. Hãy để họ kính, trước hết, các Chúa Nhật, các lễ Truyền Tin, Thanh Tẩy, và Thăm Viếng, các lễ Thánh Gioan Tẩy Giả, Thánh Michael, các Thánh Tông Đồ, và Thánh Maria Mađalêna” (WA 9, 625.22).
(47) Xem WA 27, 242.4 (1528); 27, 475.25-26 (1528); 29, 169.8 (1539).
(48) “Chúng ta cũng được Chúa Thánh Thần làm cho mang thai và tiếp nhận Chúa Kitô vào trong ta một cách thiêng liêng nhờ đức tin” (WA 9, 625.22).
(49) WA 32, 296.16-19.
(50) “Die Gottesmutter” 7, 572.33-573.1; xem Tappolet (chú thích 45 trên đây) 110ff.
(51) Xem WA 7, 575.8-12.
(52) Xem WA 49, 492-98.
(53) “Niềm an ủi và lòng tốt dạt dào của Thiên Chúa vĩ đại đến nỗi những con người nhân bản, nếu chịu tin, đều có thể lợi dụng được kho tàng này: Đức Maria thực sự là mẹ của họ, Chúa Kitô là anh của họ, và Thiên Chúa là Cha của họ” (WA 10/I, 72.19-73.2).
(54) WA 1, 107.22-25
(55) WA 4, 234.5-8
(56) Xem M. Lienhard, Au coeur de la foi de Luther: Jésus Christ (Paris: Desclée, 1991) 59.
(57) WA 10/III, 331.4-11.
(58) WA 10/III, 268,13-18.
(59) Xem WA 52, 681.6-31 (1544).
(60) Xem WA 10/I/1, 62.1763.10.
(61) Theo Luther, lòng sùng kính Đức Maria của thời ông không may đã trở nên một sản phẩm bị bóp méo của Kitô học: Chúa Kitô, bị coi như “quan tòa và lý hình” (WA 10/III, 357.231), đã khiến phát sinh ra một Đức Maria “tuyệt đối dịu ngọt và yêu thương”.
(62) Bênh Vực, điều XXI: “Về việc kêu cầu các thánh” trong A. Birmelé và M. Lienhard, La foi des Églises luthériennes (Paris: Cerf; Geneva: Labor et Fides, 1991) số 278.
(63) Vừa dẫn, số 369.
(64) Vừa dẫn, số 278.
(65) Vừa dẫn, số 390.
(66) “Phép lạ là ngài đồng trinh trước và sau khi sinh [Chúa Kitô]” (Zwingliss Werke 6/1, 288.10-289.5). Cũng như nơi Luther, học lý qui Kitô của Zwingli cũng hàm nghĩa một lòng sùng kính Đức Maria phát sinh từ việc thờ kính và tôn kính Chúa Kitô (ZW 5, 188.10-14). Xem Tappolet (chú thích 45 trên đây) 251.
(67) ZW 1, 412.1-8.
(68) Đừng để Đức Maria làm cho các tín hữu quay mặt khỏi thân phân xã hội khốn cùng của “các thiếu nữ và các phụ nữ bị đặt vào thế nguy hiểm chỉ vì thiếu sắc đẹp hay nghèo khổ” (ZW 3, 52.14).
(69) Calvin cũng áp dụng câu “và Đức Maria giữ mọi điều ấy trong lòng” (Lc 2:51) cho cả Thánh Giuse nữa (CO 46, cột 481).
(70) Xem Các Thể Chế Của Kitô Giáo, bản dịch tiếng Anh của F.L. Battles (Library of Christian Classics 20-21; Philadelphia: Westminster, 1960) IV, 1, 4; ngài là “mẹ tất cả những ai được Thiên Chúa vui lòng tụ họp con cái của Người trong lòng họ” (IV, 1,1;); ngài luôn “chăm sóc và hướng dẫn ta” (IV, 1, 4); chúng ta “được nuôi dưỡng nhờ sự giúp đỡ và thừa tác vụ của ngài” (IV, 1,1).
(71) CO 46, cột 111.
(72) Cả các tông đồ cũng là học trò của ngài; xem CO 46, cột 63. Theo Calvin, vai trò đào luyện của Đức Maria được chỉ rõ tại tiệc cưới Cana: “Hãy làm bất cứ điều gì Người bảo anh em!”. Là một cô giáo giỏi, ngài qui chiếu người ta tới Chúa Kitô và lời Người giảng dạy; ta cũng nên làm như vậy: “Như thế, noi gương Đức Trinh Nữ, ta hãy học cùng một cách biết lắng nghe điều dạy bảo ta trong lời Chúa và đọc lời này với một lòng nhiệt thành đến độ có thể dành cho nó một nơi cư ngụ trong tâm hồn ta và để nó bén rễ trong đó” (CO 46, cột 482).
(73) Cajetan. Ba Mươi Chín Điều về Việc Ngợi Khen và Tôn Kính Trinh Nữ Maria (1525); xem Handbuch der Marienkunde, do W. Beinert và H. Petti chủ biên (Regensburg: pustet 1984) 206.
(74) Xem Michel de Saint-Augustine (chết năm 1684), và cuốn sách của ông tựa là Vita mariaeformis et mariana in Maria propter Mariam, ấn hành năm 1669; theo tác phẩm này, “Đức Maria là phương thế và là mối dây mạnh mẽ nhất liên kết linh hồn với Chúa” (chương 12).
(75) Xem DSp 10 (Paris: Beauchesne, 1980) các cột 461-62.
(76) Henri-Marie Boudon (1624-1702), Dieu seul, ou le saint esclavage de l’admirable Mère de Dieu (Paris, 1667) trong bộ Oeuvres complète của ông, hiệu đính của Migne, 2(1857) cột 378.
(77) Xem DSp 10, các cột 460 và tiếp theo.
(78) Vừa dẫn, các cột 462, 464.
(79) Thí dụ, xem Thư Thứ Chín Viết Cho Một Người Ở Tỉnh Từ Một Trong Các Bạn Hữu Của Ông Ta (tháng 7 năm 1656), trong Pascal, Oeuvres complètes (Paris: Pléiade, NRF, Gallimard, 1954) 753ff.
(80) Trong bài giảng của ông về Việc Tượng Thai Thánh Nữ Đồng Trinh (ngày 8 tháng 12, 1669); xem DSp 10, cột 463.
(81) Antoine Godeau, trong cuốn của ông tựa là L’Assomption de la Vierge; xem DTC 6 (1920) các cột 1470-71.
(82) Xem cuốn sách của Thánh de Montfort Traité de la vraie dévotion à là Sainte Vierge (viết trước năm 1716 nhưng chỉ ấn hành vào thế kỷ 19), trong bộ Oeuvres complètes của ngài (Paris, 1966).
(83) Thành viên nói tiếng Pháp của các Giáo Hội Cải Cách (như các tín hữu Luthêrô chẳng hạn) vẫn gọi mình là “Công Giáo” cho mãi tới đầu thế kỷ 19. Ta thấy một điển hình trong Tuyên Tín Hậu Helvetic (1556) với trang bìa có dòng chữ sau đây: “Tuyên Tín và Trình Bày Thẳng Thắn chân lý đích thực và các điều khoản công giáo” của các giáo hội Thụy Sĩ, và ở tựa đề chương 18: “Về Giáo Hội Thánh Thiện và Công Giáo của Thiên Chúa” . Theo cái nhìn lịch sử, “công giáo tính” chỉ về giáo hội duy nhất điều mà “Cải Cách” (hay “Luthêrô”) chỉ về giáo hội tuyên tín; điều này đúng đối với Giáo Hội “Công Giáo Rôma” bắt đầu từ thế kỷ 16.
(84) Xem Émile G. Léonard, Histoire générale du protestantisme II (Paris: Presses universitaires de France, 1961) 320.
(85) Năm 1639, nhà thần học Pháp André Rivet (chết năm 1651), khoa trưởng phân khoa thần học tại Leiden (Hòa Lan) và được công nhận là người gìn giữ nền chính thống của Cải Cách, đã viết một tác phẩm bằng tiếng Latinh về Trinh Nữ Maria, trong đó, ông khai triển các chủ đề y hệt Drelincourt: tác phẩm của Rivet tựa là Apologia pro sanctissima virgine Maria matre Domini, adv. Veteres et novos antidicomarianitas, Collyridianos et Christiano-categoros, Lib. II absoluta.
(86) De ingeniorum moderatione in religionis negotio (Paris, 1714); xem DTC 10/2 cột 1551, và DSp 10, cột 467.