“Chính tôi là bánh hằng sống từ trời xuống” (Ga 6,51)

Bí tích Thánh Thể biểu hiện một sáng kiến vĩ đại của tình yêu Thiên Chúa đối với con người. Đó là tặng phẩm siêu phàm đã được chuẩn bị lâu dài và chu đáo từ Cựu Ước: qua bánh và rượu của Thượng tế Menkisêđê mang tế trời (St 14,18), bánh lễ đầu mùa (Lv 23,17), bánh nuôi sống Elia đủ sức đi 40 ngày về núi Horeb (3V 19,5-8), nói chung là từ Hy tế Cựu Ước và Manna dùng để nuôi dân trong sa mạc.

Đến Tân Ước: qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, rồi lời tuyên bố của Chúa Giêsu: Ngài là Bánh bởi trời đích thực mà Chúa Cha ban cho thế gian được sống. Tiếp theo là việc chọn lựa, huấn luyện và thánh hóa các môn đệ. Cuối cùng Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục trong bữa Tiệc Ly, trước khi hoàn tất chương trình Khổ nạn và Phục sinh để cứu độ nhân loại.

Manna ngày xưa Chúa ban cho dân Ngài để nuôi sống họ 40 năm trong hoang địa, được gọi là bánh từ trời. Nhưng đó chỉ là hình bóng báo trước về một thực tại siêu việt là chính Đức Giêsu Kitô, như Ngài đã xác định: “Chính tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Lời tuyên bố của Đức Giêsu đã thực sự làm thỏa mãn cơn khát sự sống hằng ấp ủ từ sâu thẳm nội tâm con người qua bao thời đại.

Công Đồng Vat. II khẳng định:“Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo” (LG 11).

Giáo Luật 1983 khẳng định rằng: Bí tích Thánh Thể là “tuyệt đỉnh và nguồn suối của tất cả phụng tự và đời sống Giáo Hội”, là nơi mà các bí tích và hoạt động của Giáo Hội đều qui về và phát xuất. Bí tích Thánh Thể chứa đựng tất cả kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, là chính Đức Kitô, Đấng tự hiến và trở nên lương thực cho Giáo Hội được sống, tăng trưởng và hiệp nhất [1].

1. Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể

Theo truyền thống, trong nhà tiệc ly ở Giêrusalem chính là nơi Chúa Kitô đã cử hành Hiến Tế Tạ Ơn, và thiết lập Bí Tích rất thánh này. Chính nơi đó, Chúa Giêsu đã cầm bánh trong tay, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả hãy cầm lấy mà ăn: Này là mình Thầy bị nộp vì anh em” (x. Mt 26,26; Lc 22,19; 1Cr 11,24). Rồi Ngài cầm trong tay chén rượu nho và nói: “Tất cả hãy cầm lấy mà uống, này là chén Máu Thầy, Máu Giao Ước Mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội” (x. Mc 14,24; Lc 22,20; 1Cr 11,25). Và cũng chính nơi đó, Chúa Giêsu đã truyền: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19).

Việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể đã thực hiện trước dưới hình thức bí tích về những gì Chúa Giêsu sẽ thực hiện trong Tam Nhật Vượt Qua. Ngài cho thấy chính Ngài là chiên hiến tế thực sự, được ấn định nơi dự án của Cha từ khi thành hình thế gian (x. 1Pr,18-20), để canh tân lịch sử và toàn thể vũ trụ.

Đó là một động tác tối hậu của tình yêu và là cuộc giải thoát tối hậu của nhân loại khỏi sự dữ. Thế nhưng “Các Tông Đồ, những người đã tham dự vào Bữa Tiệc Ly có hiểu ý nghĩa những lời từ miệng Chúa Kitô nói không? Có thể là không. Những lời ấy chỉ được sáng tỏ một cách đầy đủ sau Tam Nhật Vượt Qua mà thôi, nghĩa là khoảng thời gian từ chiều Thứ Năm đến sáng Chúa Nhật. Chính trong những ngày đó, mầu nhiệm Vượt Qua được khắc ghi; cũng chính trong ngày đó mà mầu nhiệm Thánh Thể được ghi khắc”[2] .

2. Bí tích Thánh Thể và Giáo Hội

Giáo Hội được khai sinh từ mầu nhiệm Vượt Qua. Chính vì thế mà Thánh Thể, bí tích tuyệt hảo của mầu nhiệm Vượt Qua nằm ở trung tâm đời sống Giáo Hội. Người ta nhận thấy rõ ngay từ những hình ảnh đầu tiên của Giáo Hội mà đã được sách Tông Đồ Công vụ ghi lại: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).

Nền tảng và nguồn gốc của Giáo Hội chính là Tam Nhật Vượt Qua (Triduum pascal), nhưng Tam Nhật nầy như được chứa đựng, được thực hiện trước và “cô đọng lại” mãi mãi trong hồng ân Thánh Thể. Trong hồng ân nầy, Chúa Giêsu đã trao cho Giáo Hội nhiệm vụ hiện tại hóa không ngừng mầu nhiệm vượt qua [3].

Công Đồng Vat. II xác định về Thánh Thể như sau:

“Đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc phục sinh, trong đó khi lãnh nhận Chúa Kitô, tâm hồn ta được tràn đầy ân sủng và bảo chứng cho ta một vinh quang tương lai” (SC 47).

Đức Kitô phục sinh trong quyền năng Thánh Thần của Ngài đã hiện tại hóa ân huệ Thánh Thể mỗi lần Giáo Hội cử hành thánh lễ. Khi cử hành nghi thức này, Giáo Hội kết hợp mật thiết với hy lễ của Chúa Giêsu Kitô và như thế kết hợp mật thiết với việc thi hành thiên chức của Ngài để thờ phượng Thiên Chúa và để cứu độ loài người (x. SC 7). Thế nên Bí Tích Thánh Thể là kho tàng quý giá nhất của Giáo Hội, là trung tâm điểm trao ban sức sống cho toàn bộ thân thể mầu nhiệm Giáo Hội, như Thánh Tông đồ Phaolô đã khẳng định: “Bởi vì chỉ có một Tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Tấm Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17).

Chúa Thánh Thần, Đấng biến bánh và rượu trở nên Mình và Máu Thánh Đức Kitô, cũng biến đổi tất cả những ai đón nhận Thánh Thể với niềm tin để trở thành một chi thể sống động trong Thân Thể của Đức Kitô. Chính Giáo Hội biểu lộ sức sống đầy tràn này và bảo đảm sự hiệp nhất qua việc hiệp thông với Mình và Máu Thánh Đức Kitô: “Khi chúng con được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu của Ngài và được đầy tràn Thánh Thần, xin hãy làm cho chúng con được trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (Lời Nguyện Thánh Thể 3).

Thánh Phaolô đã thốt lên “Mầu nhiệm này thật cao cả” khi ngài nghĩ đến sự kết hợp giữa Đức Kitô và Giáo Hội như một mẫu gương và một mầu nhiệm của bí tích hôn nhân (Ep 5,32).

Thánh Ambrôsiô đã thấy được trong Thánh Thể “món quà hôn lễ” của Đức Kitô cho Hiền Thê của Ngài và thấy được nụ hôn Tình Yêu trong sự hiệp lễ. Chính qua bí tích duy nhất này mà “chúng ta trở nên thân thể của Thân Thể Đức Kitô và xương của Xương Đức Kitô” [4].

Thánh Augustinô đã dạy: “Nếu anh em là thân thể và là chi thể của Chúa Kitô, thì chính anh em là Bí tích đang đặt trên Bàn thờ Chúa; anh em lãnh nhận Bí tích là chính anh em. Khi lãnh nhận, anh em nghe: “Mình Thánh Chúa Kitô” và trả lời Amen. Hãy thực sự trở thành chi thể của Chúa Kitô, để cho lời thưa Amen của anh em là chân thực” (GLCG, số 1396).

Bí Tích Thánh Tẩy tháp nhập ta vào Hội Thánh để rồi Bí Tích Thánh Thể canh tân, củng cố và kiện toàn sự tháp nhập này. Nếu nhờ Bí tích Thánh Tẩy tất cả chúng ta được mời gọi làm nên một thân thể duy nhất, thì Bí Tích Thánh Thể thực hiện ơn gọi đó. Không có Thánh Thể thì đã không có Giáo Hội. Nhờ Thánh Thể mà Giáo Hội còn sống và tồn tại. Chính Bí tích Thánh Thể làm cho cộng đồng nhân loại trở nên một mầu nhiệm của sự hiệp thông, để mang Thiên Chúa đến cho thế giới và mang thế giới trở về với Thiên Chúa.

Thánh Thể làm nên Giáo Hội, nhưng Giáo Hội cũng làm nên Thánh Thể, nghĩa là Giáo Hội cử hành Thánh Thể và nhờ Thánh Thể mà đời sống Giáo Hội luôn được thanh luyện và đổi mới.

3. Thánh Thể - ân huệ tuyệt vời của Thiên Chúa

Thánh Thể mạc khải cho thấy một dự án yêu thương hướng dẫn tất cả lịch sử cứu độ (x. Ep 1,10; 3,8-11). Đây là một đặc ân hoàn toàn nhưng không, là điều hết sức sung mãn của những gì Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta [5]. Công Đồng Vat. II đã xác quyết: Bí Tích Thánh Thể là món quà Đích Thân của Tình Yêu, mà chính Thiên Chúa đã cho đi chính Mình trong nhiệm tích lễ Vượt Qua của Đức Kitô để cho thế gian được sống; là bí tích tuyệt diệu nhất, chứa đựng toàn thể mầu nhiệm cứu độ, là nguồn mạch và tột đỉnh của hành động và đời sống của Hội Thánh, để đưa chúng ta vào sự sống đời đời (SC 8).

Thấu hiểu như vậy, “Giáo Hội đã đón nhận Thánh Thể Đức Kitô là Đức Chúa của mình, không như một hồng ân trong những hồng ân cao quý khác, nhưng như là một hồng ân tuyệt vời nhất, vì hồng ân đó chính là Ngài, là ngôi vị trong nhân tính thánh thiện của Ngài, và là công trình cứu chuộc của Ngài” [6].

Thánh Thể tổng hợp và làm cho hoàn hảo hơn vô số ân huệ của Thiên Chúa đã ban cho nhân loại từ khi tạo thành thế giới. Thánh Thể đã hoàn thành ý định của Thiên Chúa là thiết lập một giao ước cuối cùng với nhân loại. Mặc dù bi kịch của một lịch sử tội lỗi và một lịch sử chối từ Thiên Chúa đã kéo dài từ nguyên thủy, Thiên Chúa vẫn thiết lập cách cụ thể một Giao Ước mới được đóng dấu bởi chính Máu của Đức Kitô.

Cũng như việc cử hành lễ Vượt Qua của người Do Thái trong thời Lời Hứa, Thánh Thể đã cùng đi với dân Chúa trong cuộc hành hương của lịch sử Giao Ước mới. Thánh Thể là một kỷ niệm sống động của ân huệ mà Chúa Giêsu Kitô đã hiến Mình để chuộc lại tội lỗi và sự chết của nhân loại, và để chia sẻ đời sống vĩnh cửu cho họ. Điều này không dừng lại trong dĩ vãng, vì “tất cả những gì Chúa Kitô là, và tất cả những gì Ngài đã làm và đã chịu vì nhân loại đều mang tính chất vĩnh cửu thần linh nên vượt mọi thời gian?”[7] .

Bữa Tiệc Thánh Thể thật sự là một bữa tiệc “thánh” vô cùng lạ lùng trước mắt chúng ta. Trong đó là những dấu chỉ đơn sơ thôi, nhưng lại ẩn chứa tình yêu và sự thánh thiện khôn dò của Thiên Chúa: “Ôi Tiệc Thánh, trong đó Chúa Kitô trở nên lương thực!” (O Sacrum convivium, in quo Christus sumitur!). Tấm bánh Giêsu được bẻ ra để hiến tặng cho chúng ta trên đường lữ hành trần gian là “panis angelorum”: bánh thiên thần. Chúng ta mãi mãi bất xứng với chiếc bánh linh thiêng là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng mà cả trời đất không thể chứa nổi. Vì thế, chúng ta chỉ có thể tiếp cận với tấm lòng khiêm tốn của viên đại đội trưởng trong Tin Mừng: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi” (Mt 8,8; Lc 7,6) [8].

Thánh Thể thật là Mầu Nhiệm vô biên của lòng thương xót Chúa trên cuộc đời mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu có thể làm gì hơn cho chúng ta nữa? Cả cuộc đời ta phải thành lời ca cảm tạ trong mầu nhiệm rất thánh này.

Trong Thánh Thể, Ngôi Lời Nhập Thể cho chúng ta chứng kiến thực sự một tình yêu tuyệt đối “cho đến cùng” (x. Ga 13,1). Cũng vì chúng ta mà có Thánh Thể. Cũng nhờ Thánh Thể mà có chúng ta. Thánh Thể là nền tảng thâm sâu của đức ái Kitô giáo, để chúng ta biết thể hiện cách thâm hậu tình yêu Chúa trong đời sống mình.

4. Hiệu quả của Bí tích Thánh Thể

Hiệu quả cứu độ của hy tế được thực hiện sung mãn trong việc hiệp lễ, khi chúng ta rước Mình và Máu Chúa. Nhờ đó chúng ta được hiệp nhất thâm sâu với Chúa Kitô: nhận lấy chính thân mình Ngài, thân mình mà Ngài đã nộp vì chúng ta trên Thập Giá [9]. Đúng như lời Ngài nói: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn lấy tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57).

Chúa Giêsu đã chủ động trở thành tấm bánh để hòa vào từng giòng máu, từng thớ thịt của chúng ta trong một kết hiệp sâu xa. Người tự tiêu huỷ mình để trở thành thịt máu của con người. Không còn sự kết hợp nào sâu xa khăng khít hơn nữa. Ở đây chúng ta có thể áp dụng điều thánh Augustinô đã nói trong quyển Tự Thuật của ngài về Lời (logos) vĩnh cửu như là lương thực của linh hồn, ngài có cảm tưởng như nghe được rằng: “Ta là lương thực cho những người cao thượng. Hãy trở nên cao thượng, và con sẽ ăn Ta, con sẽ không biến đổi Ta thành con, giống như lương thực thân xác con; nhưng con sẽ được biến đổi thành Ta”.

Đời sống Kitô hữu thật cao cả, vì được diễm phúc đón nhận chính Đức Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, và được biến đổi để trở nên chính Ngài. Thánh Augustinô đã xướng lên: “Hãy hoan hỉ và cảm tạ Thiên Chúa, không những chúng ta đã trở nên những Kitô hữu, nhưng chúng ta đã trở nên chính Đức Kitô” [10].

Hơn nữa, “Sự kết hợp với Đức Kitô đồng thời cũng là sự kết hợp với những người mà Chúa tự hiến thân cho họ. Tôi không thể dành riêng Đức Kitô cho một mình tôi; tôi chỉ có thể thuộc về Ngài trong sự kết hợp với tất cả những ai đã hoặc sẽ thuộc về Ngài” [11].

Qua việc thông hiệp vào Mình và Máu Ngài, Chúa Kitô cũng chuyển thông cho chúng ta Thánh Thần của Ngài. Thánh Ephrem viết: “Ngài gọi bánh là thân thể sống động của Ngài, Ngài đã cho nó tràn ngập chính bản thân Ngài và Thánh Thần của Ngài [12]. Nhờ hồng ân Thánh Thể, Chúa Kitô làm tăng triển trong chúng ta hồng ân của Thánh Thần đã được lãnh nhận trong Phép Rửa Tội, và được trao ban như “ấn tích” trong Phép Thêm Sức.

Bí Tích Thánh Thể nhằm hướng đến điểm chung kết, tiền dự vào niềm vui sung mãn mà Chúa Kitô đã hứa: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, người ấy sẽ sống đời đời, và tôi, tôi sẽ cho họ sống lại ngày sau hết” (Ga 6, 54).

Rước Mình Chúa là nếm trước hương vị thiên đàng “bảo đảm cho vinh quang sẽ tới” [13].

Trong Bí Tích Thánh Thể, tất cả đều diễn tả sự đợi chờ đầy tin tưởng nầy: “Chúng con mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ chúng con”.

Đức Gioan Phaolô II xác quyết: “Ai nuôi mình bằng Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, không cần đợi chờ một thế giới bên kia để nhận lãnh sự sống đời đời, họ đã chiếm hữu nó ngay từ đời nầy, như hoa quả đầu mùa của sự sung mãn sẽ tới, liên hệ đến toàn thể con người” [14].

Cảm thấu được mầu nhiệm Thánh Thể như vậy, ta mới biết tha thiết sống mầu nhiệm cử hành trên bàn thờ. Đó không còn là nghi thức hay nghi lễ, mà là một thực tại: biến sự sống của ta thành sự sống của Chúa, để ta trở thành sự sống cho anh chị em mình. Bởi vậy, những khó khăn, thử thách, đau khổ hằng ngày của ta, nếu được nhìn từ Bí Tích Thánh Thể, thì rõ ràng đó là tấm bánh mầu nhiệm đang được bẻ ra để trao ban cho người khác, đang được nghiền nát dần dần trong từng ngày hiến thân.

5. Chiêm nghiệm Mầu Nhiệm Thánh Thể

Hành động thờ phượng Đức Kitô trong việc cử hành Thánh Lễ không dừng nơi những nghi lễ phụng vụ, nhưng được kéo dài với dấu chỉ hiện diện vĩnh cửu của Ngài. Thánh Anphongsô viết: “Sau các bí tích, thì thờ lạy Chúa Giêsu nơi Thánh Thể là cao cả nhất trong tất cả việc sùng kính, là thân ái nhất đối với Chúa và hữu ích nhất cho chúng ta”.

Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Việc tôn sùng Thánh Thể ngoài thánh lễ mang một giá trị vô song trong đời sống Giáo Hội... Trò chuyện thân mật với Ngài, và nghiêng mình vào lòng Ngài như môn đệ yêu dấu (Ga 13,25), xúc động trước tình yêu vô biên của trái tim Ngài là một điều thiện hảo. Vào thời đại chúng ta, Kitô Giáo phải trổi vượt nhất là trong “nghệ thuật cầu nguyện”. Làm sao ta không cảm thấy có một nhu cầu cần được đổi mới là được ở lại lâu giờ để trò chuyện thiêng liêng, tôn thờ trong im lặng, trong thái độ yêu thương, trước mặt Chúa Kitô hiện diện trong bí tích thánh?” [15].

Chầu hay viếng Thánh Thể là kéo dài sự tưởng niệm sống động thực hữu, và cho ta cảm nghiệm cách riêng sự hiện diện rất thánh của Chúa Giêsu trong nhà tạm: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!” (Ga 11,28). Đó chính là những giây phút ta trải lòng mình ra trước cái nhìn yêu thương của Chúa, cho ta thấy rõ những yếu đuối, sai lầm và tội lỗi; những ước muốn và khuynh hướng xấu trong tận đáy lòng; những ưu tư và khắc khoải trong cuộc sống thường ngày. Đó cũng chính là những giây phút ta cảm nhận được tình thương tha thứ vô cùng nhân hậu, với tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng và bình an, vì ta đang thật sự là chính mình trước sự hiện diện của Đấng Tình Yêu.

Những khi kề cận bên Thánh Thể là những lúc Chúa Giêsu uốn nắn và mở rộng quả tim ta bằng chính ngọn lửa tình yêu mãnh liệt của Ngài. Dù ta là ai hay như thế nào, dù cuộc sống đang ra sao, chỉ cần tham dự hy tế Thánh Thể hay giờ chầu Thánh Thể, ta có thể gặt hái được vô vàn phúc lành và ân huệ thiêng liêng cho đời mình. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch sự sống chứa chan sẽ làm thỏa mãn cơn đói khát sâu thẳm của ta. Sự hiện diện của Chúa là vĩnh cửu, nên thời gian ở bên Chúa cũng là những giây phút mang ý nghĩa vĩnh cửu cho cuộc đời ta. Nơi lòng thương xót Chúa, ta được chữa lành, cảm nghiệm bình an và hạnh phúc chưa từng có. Chẳng ai có thể ban cho ta những ân huệ ấy cách đích thực ngoài một mình Chúa.

Chúng ta có thể dựa vào biến cố Biến Hình của Chúa Giêsu trên núi (x. Mc 9, 2-8) để hiểu được tâm tình của Chúa và để xác tín hơn về việc ở một mình bên Thánh Thể Chúa. Phúc Âm cho thấy Chúa Giêsu chỉ đưa ba môn đệ thân tín đi theo với mình, vì Ngài muốn gặp gỡ với các ông trong sự thân tình. Trong cuộc gặp gỡ này Chúa Giêsu đã biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Cũng vậy, Chúa muốn ta đến với Ngài trong tình thân mật, cùng ta thực hiện một tương giao giữa hai tâm hồn, cùng ta đối thoại riêng tư diện đối diện. Không ai tiếp xúc thân mật với Chúa mà lại không biến đổi đời mình:

Đức Cha Ngô Quang Kiệt chia sẻ việc chiêm nghiệm Thánh Thể như sau: “Tình yêu Chúa sẽ đốt nóng tâm hồn ta, xua tan đi sự thờ ơ nguội lạnh. Sự dịu dàng của Chúa sẽ làm ta bớt đi tính độc ác khắc khe. Sự khiêm nhường của Chúa sẽ diệt trừ thói kiêu căng trong ta. Sự bao dung của Chúa sẽ mở rộng tâm hồn để ta để đón nhận anh em. Sự tha thứ của Chúa sẽ đổi mới tâm hồn, rửa sạch mọi nhơ uế trong ta. Càng gần gũi Chúa, tâm hồn ta càng được thanh luyện khỏi mọi nhỏ nhen ích kỷ. Càng yêu mến Chúa ta càng thêm yêu thương anh em. Càng kết hiệp mật thiết với Chúa ta càng nên giống Chúa”.

Bằng kinh nghiệm thiêng liêng của mình, chân phước Têrêxa Calcutta đã xác tín thâm sâu về tầm quan trọng của việc Chầu Thánh Thể trong cuộc sống Kitô hữu như sau [16]:

- Tôi biết, tôi sẽ không thể làm việc một tuần, nếu tôi không được liên tục tăng sức từ Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, qua việc làm Giờ Thánh hàng ngày.

- Chầu Giờ Thánh là thời gian tốt nhất mà bạn sử dụng trên trái đất.

- Giờ Thánh sẽ làm cho linh hồn bạn mãi mãi vinh quang và đẹp đẽ trên thiên đàng.

- Chúng ta không được để đời mình xa lìa Thánh Thể. Làm như thế ta sẽ suy nhược, không còn tìm đâu ra sức mạnh và niềm vui để phục vụ.

- Trên thập giá, Chúa Giêsu nói: “Tôi khát”. Từ Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục nói với ta: “Cha khát”. Ngài khát tình yêu cá nhân của mỗi người, sự thân mật của mỗi người, cộng đoàn của chúng ta với Ngài trong Bí Tích Thánh Thể.

- Mỗi Giờ Thánh chúng ta chầu đều làm vui lòng Trái Tim Chúa Giêsu. Điều đó sẽ được ghi lại trên thiên đàng và kể lại trong cõi đời đời.

- Để cho một mình ở với Chúa Giêsu, thờ phượng và thân mật với Ngài là quà tặng vĩ đại nhất của tình yêu, là tình yêu dịu dàng của Chúa Cha chúng ta trên Trời.

- Hãy dành thời giờ có thể, càng nhiều càng tốt, ở trước Bí Tích Cực Thánh. Ngài sẽ đổ đầy cho bạn sức mạnh và quyền năng của Ngài.

Đã có bao nhiêu vị thánh thăng tiến trên con đường thánh thiện nhờ lòng yêu mến Thánh Thể, vì Thánh Thể là cội rễ của mọi sự thánh thiện, và nơi ấy, ta được kêu gọi đến đời sống viên mãn trong Thánh Thần (x. SC 94).

6. Phép lạ Thánh Thể

Lòng tin chẳng cần đến phép lạ, nhưng phép lạ kêu gọi lòng tin, và đồng thời củng cố đức tin của chúng ta là những con người yếu đuối mỏng giòn. Vì vậy, Chúa Giêsu đã thực hiện một số phép lạ như dấu chứng hiện diện thực sự của Ngài trong Phép Thánh Thể.

Tại Ý, năm 1263, thành Bolsène, trong nhà thờ Sainte Catherine, một linh mục sau khi đọc lời truyền phép đã nghi ngờ về bánh và rượu trở thành Máu Thịt Chúa Giêsu. Tức thì Máu Thánh chảy xuống đẫm khăn thánh trên bàn thờ. Ðức Giáo Hoàng nghe tin này, bèn ra lệnh đem khăn về để tạm tại nhà thờ Orviette. Sau đó nhà thờ được xây dựng rộng rãi để kính khăn thánh này. Ngày 8-9-1264, Ðức Giáo Hoàng Urbano IV (1262-1268) đã ban hành tự sắc Transiturus, thành lập lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu. Thánh Tôma Aquino đã sáng tác nhiều bài hát vào dịp lễ này: trong số đó có hai bài nổi tiếng là “Tantum Ergo” và “O Salutaris” mà chúng ta vẫn thường hát khi chầu Thánh Thể.

Cũng ở Ý nhiều thế kỷ trước đó, khoảng năm 750 tại Lanciano, trong Đan viện thánh Legonziano (nay là tu viện thánh Phanxiô), một linh mục dòng Basilio đang dâng lễ bỗng trở nên nghi ngờ sự hiện diện của Chúa Giêsu. Lúc truyền phép, sự lạ liền xảy ra ngay trong tay vị linh mục: bánh trở nên thịt sống và rượu trở nên máu tươi rồi đông đặc lại thành 5 cục to nhỏ. Tuy đã trải qua cả ngàn năm rồi, ngày nay vẫn còn thấy rõ miếng bánh đã biến thành thịt này có màu hơi nâu, nhìn dưới ánh sáng thấy màu hồng được đặt trong một mặt nhật.

Năm cục máu trên đã được đặt trong chén thánh bằng kính trưng bày ở nhà thờ Lancianô để giáo dân kính viếng. Trong 12 thế kỷ qua, Giáo quyền đã cho làm nhiều cuộc khảo nghiệm vào những năm 1574, 1637, 1770, 1886. Đến năm 1971, một phòng thí nghiệm của bệnh viện đã thử nghiệm lại bằng những thiết bị khoa học tối tân. Công việc được trao cho ông Odoardo Linoli, giáo sư môn giải phẫu nhân hình, kiêm giáo sư môn bệnh lý, hóa học và hiển vi học, với sự cộng tác của giáo sư Ruggero Bertelli thuộc Đại học đường Siena. Kết quả được công bố vào ngày 04.03.1971 trước giáo quyền, chính quyền, các giới khoa học, văn học và báo chí: Những mảnh thịt màu nâu từ hào quang Mình Thánh là thịt người, thịt cơ tim với đầy đủ yếu tố như một trái tim thực. Máu vàng nâu trong chén thánh được đóng kín thuộc nhóm AB, và có khoáng chất thường có trong tim người. Thịt và máu không có vết tích của một chất nào được dùng để ướp xác cả. Trong máu có các chất clorua, phốt pho, magnesium, potassium, sodium và calcium.

Các di tích này được lưu trữ cho đến nay, dù chịu ảnh hưởng của những xúc tác vật lý, không khí, sinh vật, mà vẫn giữ nguyên tình trạng như thế, khoa học không sao giải thích. Hơn nữa, điều lạ lùng là nếu đem cân một cục máu, trọng lượng vẫn bằng tổng số của cả năm cục. Đem cân riêng lẻ từng cục hay cân chung lại với nhau tổng số vẫn không đổi. Đó là 2 phép lạ Thánh Thể trong tổng số khoảng 22 phép lạ khác đã xảy ra trên thế giới.

7. Sống Mầu Nhiệm Thánh Thể

a. Thuộc về Đức Kitô và trở nên như Ngài

Mầu nhiệm Thánh Thể là mầu nhiệm hiệp thông. Hiệp thông với Đức Kitô mời gọi ta thuộc về Ngài, nên giống Ngài, sống như Ngài, thành con người của Ngài. Trong Ngài, ta cùng chịu đóng đinh vào thập giá, cùng chịu mai táng trong mồ, cùng được trỗi dậy để loan báo và thông truyền sự sống mới của Ngài (Gl 5, 24).

Việc biến đổi nên giống Chúa không phải là sự mời gọi thêm vào từ bên ngoài, nhưng là sự thiết yếu từ tận căn của việc cử hành mầu nhiệm Thánh Thể. Điều chính yếu trong việc cử hành Thánh Thể là “biến-bản-thể” (transubstantiatio). Nếu sự biến đổi bánh rượu trở thành Mình Máu Chúa là do tác động của Chúa Thánh Thần, thì cũng chính tác động của Thánh Thần đó làm biến đổi tâm hồn chúng ta là những người đón nhận Chúa.

Mầu nhiệm Thánh Thể làm nên mầu nhiệm cuộc đời chúng ta. Chính Thánh Thể sẽ biến đổi dần dần tâm hồn những ai khao khát Chúa, để họ trở nên sự hiện diện và hành động của Ngài. Sống mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta nghiệm ra rằng: Thánh Thể là hành vi rất bình thường nhưng cũng rất thần linh; rất con người nhưng cũng rất Thiên Chúa; rất quen thuộc nhưng cũng rất huyền nhiệm; rất gần gũi nhưng cũng rất có tính mạc khải [17].

Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã thể hiện tuyệt vời nhất tính cách của một Thiên Chúa và của một con người. Nơi Thánh Thể, mọi sự đã được liên kết một cách lạ lùng để làm nên công trình sáng tạo mới của Thiên Chúa. Trời và đất, tự nhiên và siêu nhiên, hữu hình và vô hình, không gian và thời gian, hiện tại và tương lai, thực tế và huyền nhiệm, vĩnh cửu và vô thường... đều được kết hợp hài hòa để trở thành thực tại duy nhất của Thánh Thể Chúa. Ngài cũng đã xác định tính cách mới mẻ của chúng ta trong Thánh Thể của Ngài: là những người sống giữa thế gian nhưng thuộc về thế gian, mà “thuộc về Đức Giêsu Kitô” (Rm 1,6).

Nhờ việc rước lấy Mình Chúa, ta mang lấy chính Ngài và trở nên sự hiện hữu của Ngài. Vì thế, con người của Đức Giêsu Thánh Thể phải được hiển hiện một cách sống động trong con người chúng ta. Chúng ta không tạo cho người khác một cái nhìn về bản thân mình nhưng tạo cho người khác cái nhìn chân thật về Đức Kitô, Đấng đang sống trong ta và cũng đang sống trong mọi người. Vì tình yêu, Ngài đã mặc lấy con người của chúng ta, trở nên như chúng ta (ngoại trừ tội lỗi), để khi đáp lại tình yêu, chúng ta cũng chỉ có một cách sống duy nhất là mặc lấy con người của Ngài và trở nên như Ngài.

b. Sống thực tại cánh chung

Như đã trình bày, Mầu Nhiệm Thánh thể mang tính cánh chung. Chiều hướng cánh chung này thúc đẩy bước chân hành trình lịch sử của chúng ta, đem lại một niềm hy vọng sống động cho chính cuộc hiện sinh của mọi người hằng ngày tận tụy với nhiệm vụ của mình. Nếu nhãn quan Kitô giáo mời gọi chúng ta nhìn về “trời mới”, “đất mới” (x. Kh 21,1), thì điều đó không làm suy yếu, mà còn kích thích tâm thức của chúng ta về trách nhiệm đối với trái đất này (x. GS 39).

Dưới sức mạnh tình yêu của Thánh Thể Chúa Giêsu, chúng ta cảm thấy càng phải dấn thân chu toàn những bổn phận trần thế của mình, càng phải có nghĩa vụ đóng góp vào việc xây dựng một thế giới xứng với con người và đáp ứng đầy đủ chương trình của Thiên Chúa [18].

Đức Gioan Phaolô II cho thấy nhiều vấn đề đang làm đen tối chân trời hiện tại của chúng ta, cũng như hàng ngàn mâu thuẫn trong một thế giới “toàn cầu hóa”. Trong đó, những người yếu kém nhất, bé nhỏ nhất, nghèo nàn nhất hình như không còn gì để hy vọng? Chính trong thế giới đó, phải làm sao cho niềm hy vọng Kitô giáo bừng sáng lên! Cũng chính vì thế mà Chúa đã muốn ở lại với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể, ghi khắc vào sự hiện diện của hy tế và bữa ăn của Ngài, lời hứa cho nhân loại được đổi mới nhờ tình yêu của Ngài [19].

Đức Gioan Phaolô II cho thấy thật ý nghĩa khi các sách Tin Mừng nhất lãm tường thuật việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể, còn Tin Mừng Gioan đưa ra trình thuật việc Chúa “rửa chân” để minh họa ý nghĩa thâm sâu của việc ấy, qua đó Chúa Giêsu làm thầy dạy hiệp thông và phục vụ (x. Ga 13,1-20). Còn thánh Phaolô cho thấy thật “bất xứng” đối với một cộng đoàn Kitô hữu khi tham dự vào Bữa Tiệc của Chúa trong một bầu không khí chia rẽ và dửng dưng đối với người nghèo (x.1Cr 11,17-22).

Vì vậy, Đức Thánh Cha xác định: công bố cái chết của Chúa “cho tới khi Ngài lại đến” (1Cr 11,26) đòi buộc những ai tham dự vào Tiệc Thánh Thể cương quyết dấn thân biến đổi cuộc sống, để một cách nào đó cuộc sống ấy hoàn toàn trở thành “Thánh Thể”. Chính hoa quả của sự biến hình cuộc sống và sự dấn thân biến đổi thế giới theo đường lối Tin Mừng, sẽ làm rạng sáng chiều kích cánh chung của việc Cử Hành Thánh Thể và của tất cả đời sống Kitô giáo: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 22,20) [20].

c. Hạ mình và trở nên lương thực như Chúa Giêsu.

Thánh Thể là bí tích của tình yêu, nói lên sự hạ mình của Chúa Giêsu để đi vào lòng ta, một tấm lòng hoàn toàn bất xứng trước tình yêu Chúa. Ngài muốn ban mình cho ta đến độ trở thành lương thực cho ta. Bất cứ khi nào ta nhận lãnh lương thực này, Ngài cũng khơi lên trong ta khát vọng hiến mình cho kẻ khác. Ngài đã “nộp” mình cho ta để ta biết “nộp” mình cho anh em, để sự sống yêu thương của Chúa tiếp tục lan tỏa và làm nên những con người mới của Thánh Thể.

Thực tế, yêu mến Bí Tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành khiêm nhường, sống gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn? Cử hành Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mòn, quên mình, xóa mình trong Chúa để có thể hiến thân cho anh em? Tôn sùng Bí Tích Thánh Thể là gì nếu không phải là để cho“Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).

Những điều ấy phải trở thành hiện thực đối với những ai rước lấy Thánh Thể. Thật sự, Mình Thánh Chúa đang lan tỏa và thấm nhập vào máu thịt của ta để làm cho ta trở nên một Đức Kitô thứ hai (Alter Christus). Và như vậy, Thánh Thể hướng ta đến việc chia sẻ vận mạng của anh em mình; biến ta trở thành tấm bánh cho mọi người, góp phần làm nên cuộc sống mới cho họ.

Đức Cha Helder Camara, Tổng Giám Mục Giáo phận Récite ở Braxil, đã chia sẻ kinh nghiệm thống nhất đời sống hoạt động và chiêm niệm của ngài thế này: “Mỗi sáng, tôi được nuôi dưỡng bằng Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể, rồi suốt ngày, tôi gặp gỡ Đức Kitô nơi anh chị em tôi. Cũng một Chúa Giêsu ở trên bàn thờ và ngoài đường phố”. Bất cứ ai đã được Thánh Thể cảm hóa thì đều nhận ra Ngài nơi anh chị em mình.

Chúng ta dễ quên chân lý này: hiệp nhất với Chúa Kitô phải đưa đến sự hiệp nhất với anh em, vì Chúa Kitô đang hiện diện ẩn dấu nơi anh chị em mình, nhất là nơi những người nghèo khổ và bất hạnh (x. Mt 25).

Hiệp nhất sự sống phải được thể hiện trong sự hiệp nhất lối sống. Lối sống của Chúa Giêsu Thánh Thể là lối sống của tình yêu tự hiến để cho nhân loại được sống, là phục vụ đến hy sinh mạng sống để làm giá cứu chuộc muôn người. Được nuôi dưỡng cùng một Bánh Thánh - là Thịt Máu Chúa Giêsu - thì sự sống của người khác cũng chính là sự sống của bản thân ta. Ơn gọi của chúng ta từ Bí Tích Thánh Thể là chia sẻ chính sự sống của mình cho anh em dưới mọi hình thức, để tạo một cuộc sống bình đẳng, huynh đệ, bình an và hạnh phúc cho nhau.

Cũng một câu chuyện khác về Đức Hồng Y Helder Camara khi ngài về ban phép Thêm sức cho trẻ em trong một xứ đạo. Khi đến nơi, Ngài thấy cả xứ đạo đang quỳ gối đấm ngực khóc lóc, vì đêm trước, kẻ trộm đã lẻn vào nhà thờ lấy cắp những bình đựng Mình Thánh mà hắn tưởng làm bằng vàng. Trước sự xúc phạm đó, Đức Hồng Y đã làm cho mọi người ngạc nhiên trong bài giảng, khi nói: “Tại sao hôm nay anh chị em mới than khóc. Hằng ngày biết bao lần Chúa Giêsu bị nhục mạ, bị hành hạ, bị chà đạp, bị giết chết trong những anh chị em nghèo khổ, vô gia cư, trong các trẻ em không cha mẹ, không gia đình, sao chẳng thấy ai than khóc? Anh chị em không biết sao, những anh chị em ấy chính là Chúa Giêsu, là Thân Mình Chúa Giêsu, là Thánh Thể Chúa.

Nói như thế, Đức Cha không có ý coi nhẹ phép Mình Thánh Chúa, nhưng Ngài có ý nhắc cho ta một khía cạnh thường hay bị lãng quên trong khi cử hành bí tích. Đó phải là cử hành bí tích không chỉ trong nhà thờ mà còn phải cử hành cả ngoài cuộc đời nữa. Thật vậy,“Bí tích Thánh Thể mà không đưa đến hành động thực tiễn của tình yêu thì không còn nguyên vẹn” [21].

d. Thánh Lễ trong cuộc đời

Đức Kitô hôm nay vẫn tiếp tục mời gọi chúng ta như đã mời gọi môn đệ của Ngài: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Mt 14,16). Ơn gọi đích thực của mỗi người chúng ta hệ tại ở việc trở nên tấm bánh được bẻ ra cho sự sống của thế giới cùng với Chúa Giêsu [22].

Khi truyền lệnh: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Chúa Giêsu không chỉ truyền cho ta cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ, mà còn muốn cho ta dâng Thánh Lễ cả ngoài cuộc đời: nghĩa là phải chia sẻ, chịu mọi đau khổ, biết nhẫn nhục, tạo đoàn kết yêu thương, sống cho nhau, vì nhau. Vì sự hiến thân của Chúa Giêsu cho nhân loại mang tính toàn diện, là để mọi người “được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).

Chính trong Mầu nhiệm chúng ta cử hành mà chúng ta phải đẩy lui những tình trạng đối nghịch với phẩm giá con người, mà vì họ, Đức Kitô đã đổ máu mình ra để khẳng định giá trị cao trọng của mỗi con người [23].

Không nối kết với Thánh lễ cuộc đời, sợ rằng Thánh lễ trong nhà thờ sẽ trở thành bùa chú và phản chứng. Ta hãy nhớ lại cử chỉ và lời nói của Chúa Giêsu giống y như nhau khi hoá bánh ra nhiều, khi lập phép Mình Thánh Chúa và khi dùng bữa với các môn đệ làng Emmau. Cả 3 đoạn văn trên đều diễn tả Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, rồi trao cho các môn đệ. Tại sao có sự trùng hợp thế? Thưa vì Chúa Giêsu muốn cho ta hiểu rằng, Bí tích không chỉ là một nghi lễ, nhưng là một thực tại:

- Nếu trong Thánh lễ, Chúa Giêsu ban phát lương thực nuôi linh hồn, thì ngoài cuộc đời, Ngài đã ban lương thực nuôi thân xác.

- Nếu trong Thánh lễ, Chúa Giêsu dâng mình cho Chúa Cha dưới hình bánh rượu, thì ngoài cuộc đời, Ngài đã tự hiến mình trên thánh giá.

- Nếu trong Thánh lễ, Chúa Giêsu dưới hình bánh bị bẻ ra để phân phát, thì ngoài cuộc đời, thân xác Ngài cũng đã bị bẻ ra trong những sỉ nhục, hành hình.

- Chúa Giêsu không chỉ dâng một lễ vật nào đó, nhưng đã dâng chính bản thân mình. Ngài không chỉ cử hành một bí tích, nhưng chính bản thân Ngài đã trở thành bí tích. Ngài không chỉ bẻ ra một tấm bánh mà bẻ chính thân mình ra để ban phát cho mọi người.

- Làm sao có thể gọi Thánh Lễ là một bữa tiệc huynh đệ (Agape) nếu ta vẫn còn giữ trong lòng những thù hận ghen ghét hoặc chưa giao hòa với nhau? Làm sao có thể đi dự Thánh lễ nếu ta vẫn còn làm ngơ với biết bao anh em đói khổ và thiếu thốn chung quanh mình? Làm sao có thể dâng Thánh lễ nếu ta chưa dám hy sinh và hiến mình cho anh em?

Bởi vậy thánh Phaolô đã khuyên chúng ta: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Ngài” (Rm 12,1).

Kết luận

Cuối cùng, chúng ta hướng về Đức Maria, mà Đức Gioan Phaolô II gọi là “Người Nữ Thánh Thể”: “Suốt cả cuộc đời, Đức Maria là một phụ nữ của Thánh Thể” (EE 53). Mẹ đã sống mầu nhiệm Thánh Thể trước cả khi Bí tích này được thiết lập [24]. Qua Kinh Thánh, chúng ta biết cả cuộc đời của Mẹ là sự cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng, và trao ban Chúa Giêsu cho trần thế:

- Nếu Thánh Thể là lời chất vấn ý nghĩa hiện hữu của chúng ta, thì Đức Maria đã trải qua sự chất vấn ấy (x. Lc 1,29).
- Nếu Thánh Thể là một thách đố của niềm tin, thì Đức Maria đã trải nghiệm những thách đố này (x. Lc 1,34).
- Nếu Thánh Thể là lời mời gọi xin vâng trọn vẹn, thì nơi Đức Maria, với lời Fiat, có còn lời xin vâng nào trọn vẹn hơn nữa không? (x. Lc 1,38).
- Nếu Thánh Thể là lời ngợi khen cảm tạ, thì lời kinh Magnificat của Mẹ là lời ngợi khen cảm tạ tuyệt vời nhất (x. Lc 1,46-55).
- Nếu Thánh Thể là lời mời gọi khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, thì có ai khao khát và tìm kiếm Thiên Chúa hơn Mẹ nữa? (x. Lc 2,48).
- Nếu Thánh Thể là lời mời chia sẻ vận mạng của tha nhân, thì Đức Maria đã chia sẻ trọn vẹn vận mạng của Con mình và của cả nhân loại (x. Ga 2, 3).
- Nếu Thánh Thể là đường dẫn tha nhân đến gặp Thiên Chúa, thì hơn ai hết, Mẹ đã là cầu nối đưa dẫn mọi người đến gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe và thực hiện lời Người (Ga 2, 5) [25].

Hãy học với Đức Maria! Mẹ chúng ta. Dưới mái trường của Mẹ, cuộc sống của chúng ta cũng trở nên một “Thánh Thể” trọn vẹn, mở ra với Thiên Chúa và với tha nhân, có khả năng biến đổi điều xấu thành điều tốt dưới sức mạnh của tình yêu và hiệp thông huynh đệ.

Bí Tích Thánh Thể đã được trao tặng cho chúng ta, để toàn bộ cuộc sống chúng ta cũng nên giống như cuộc sống của Đức Maria.

Cùng với tâm tình cầu nguyện của thánh Tôma Aquinô, nhà thần học lừng danh và cũng là thi nhân say đắm Chúa Kitô Thánh Thể, ta hãy mở rộng tâm hồn mình để chiêm ngưỡng mục tiêu mà con tim ta đang hướng tới, đang khao khát an bình và hạnh phúc, là chính Đức Kitô [26]:

“Lạy Mục Tử nhân lành, Bánh đích thực!
Xin thương xót chúng con.
Xin nuôi dưỡng chúng con, che chở chúng con.
Xin cho chúng con nhìn thấy thiện hảo tuyệt vời trong cõi đất dành cho kẻ sống.
Chúa biết và có thể làm mọi sự.
Chúa là lương thực của chúng con trên trần gian này.
Xin đem chúng con lên cõi cao xanh để là thực khách và thừa kế muôn đời trong gia đình các thánh. Amen”.


Chú thích
[1] GL 897; PO 5,1; 14,2.
[2] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, số 2
[3] Như trên, số 5.
[4] Cabasilas, La vie en Chrits, IV, 30, trad. M.H.Congourdeau
[5] Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 8.
[6] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, số 11.
[7] Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 1085.
[8] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, số 48.
[9] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, số 16.
[10] Augustinô, Tract in Joh 21,8. Giáo Lý giáo Hội Công Giáo, số 795.
[11] Đức Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est, số 14.
[12] Bài giảng lễ IV tuần thánh; CSCO 413/Syr.182, 55.
[13] Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô- Kinh Chiều II, Thánh ca Magnificat.
[14] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, số 18.
[15] Gioan Phaolô II, Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 25.
[16] http://www.xuanha.net/ChuaThanhthe/ChauTT-Teresacalcutta.htm
[17] Henri M. Nouwen, The only necessary thing, Claretian Publications, 2004, p. 202.
[18] Gioan Phaolô II, Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, số 20.
[19] Như trên.
[20] Thông Điệp Ecclesia de Eucharistia, số 20.
[21] Bênêđíctô XVI, Thông điệp Deus caritas est, số 14.
[22] Bênêđictô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis, số 88.
[23] Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est, số 89.
[24] Bênêđictô XVI, Thông điệp Deus Caritas est,, số 55.
[25] http://www.daminhvn.net/mau-nhiem-man-coi/tai-lieu/5697-song-bi-tich-thanh-the
[26] Thông điệp Ecclesia de Eucharistia, số 62.