NGHỆ AN - Trời mưa tầm tã không ngớt, từng hạt mưa như những viên đạn cao su bay thẳng vào mặt, làm chúng tôi e ngại trên con đường thăm lại giáo điểm Con Cuông thuộc miền Tây Nghệ an. Trên chiếc xe máy theo chân một nhóm bạn trẻ, chúng tôi đã phải cố gắng mới “vượt biên” qua các chốt công an, để tới được nhà nguyện Con Cuông đi dự Thánh lễ Chúa Nhật. Có một điều lạ, tại huyện Con Cuông này chính quyền sợ Tôn giáo và đang có những cách đối xử thô bạo với những người theo đạo. Phải chăng Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân như Mác nói?

10km 5 chốt công an giao thông để,… hạn chế dân đi dự lễ

Dù đã được cảnh báo trước, nhưng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên bởi các chốt công an giao thông nhiều bất thường so với khoảng cách đoạn đường. Con đường dẫn vào nhà nguyện khoảng 10 km bắt đầu từ thị trấn Con Cuông nhưng có đến 5 chốt công an giao thông, cứ 2 km một chốt. Ngay chốt đầu tiên chúng tôi đã bị chặn lại kiểm tra giấy tờ và một số thông tin khác. Trời mưa lạ chã cũng không cản nổi sự nhiệt tình của các anh công an. Một anh trong chốt lao ra thật nhanh ngăn chúng tôi lại:

- Hỏi: Các anh đi mô (đâu)?

- Đi lễ Chúa nhật, chúng tôi đáp lại.

- Công an: Ở đây không được đi lễ, bị cấm. Không được tụ tập đông người.

- Đi lễ là tự do tín ngưỡng, đảng không cấm... Lời một bạn trẻ.

Anh công an nói vòng vo mấy câu rồi để chúng tôi đi. Chạy tiếp vài cây số, xe chúng tôi dừng lại khi một anh công an dơ dùi cui chắn ngang đường. Cũng với cách làm việc rập khuôn, như một cái máy được lập trình sẵn chúng tôi làm các “thủ tục” tương tự, rồi anh cho qua. Trên đường đi chúng tôi đếm được 3 chốt nữa, mỗi chốt gồm 3 đến 4 người. Trên đoạn đường dẫn vào nhà nguyện, người tham gia giao thông đều bị công an kiểm duyệt chặt chẽ, nếu là giáo dân đi dâng lễ ắt sẽ bị hoạnh họe này nọ, rồi lấy đủ lí do để cấm giáo dân không được đi lễ ở nhà nguyện Con Cuông. Chúng tôi chưa thấy ở một địa phương nào trên cả nước, giáo dân lại “được quan tâm” như vậy.

“Quấy rối” hay “ con rối quấy”

Cảnh tượng đập vào mắt chúng tôi thật hoảng hốt và bất ngờ, một chiếc xe công an được đỗ ngay trước cổng nhà nguyện, chĩa hai loa phóng thanh rú lên inh ỏi náo động vào nhà nguyện, công an đứng dày hai mặt đường, trong lúc đó giáo dân vẫn đang dâng Thánh lễ Chúa nhật trong nhà nguyện.

Khung cảnh xung quanh nhà nguyện cũng mang đầy không khí căng thẳng và lộn xộn: Nhận thấy có rất nhiều công an chìm, công an nổi đang “làm nhiệm vụ”, các loại xe chuyên dụng chở tội phạm, xe cảnh sát giao thông đỗ hai bên đường, một số bà con bản làng cũng đứng từng tốp để xem diễn biến và bàn tán huyên náo, thấp thoáng mấy chú công an mặc quân phục nhảy qua bờ tường vào nhà nguyện, sân nhà nguyện đông nghịt người, tiếng người hò hét, nói chuyện xôn xao, chỉ loáng thoáng nghe tiếng đọc kinh của giáo dân ri rỉ…

Trong khu vực nhà nguyện, có rất nhiều người tụ tập nói chuyện và hò hét ồn ào nhằm cản trở linh mục và giáo dân dâng lễ. Qua quan sát và theo lời kể, cứ vào ngày chúa nhật dưới sự chỉ đạo của chủ tịch huyện Con Cuông, UB mặt trận huyện điều động công an và nhóm “quần chúng tự phát” vào quấy rối. Đến đây, chúng tôi không còn ngạc nhiên khi thấy số lượng công an, và nhóm “quần chúng tự phát” nhưng thật ra là nhóm xã hội đen cùng một số thanh niên ô hợp tập trung để quấy rối giáo dân dâng lễ. Cũng một cách làm việc máy móc hệ thống từ một hệ tư tưởng, nhằm triệt tiêu Tôn giáo như ở Thái Hà, Đồng Chiêm, Cồn Dầu,… làm vậy chẳng khác gì chính quyền đã bôi nhọ trên mặt mình và lại càng thể hiện bản chất vô thần, hay đúng hơn họ đang sợ Tôn giáo.

Suốt cả Thánh lễ hai chiếc loa phóng thanh với công suất lớn hướng về nhà nguyện, luôn phát ra những lời đe dọa, vu khống không có căn cứ với linh mục và giáo dân. Mục đích để cản trở, gây khó ngại cho giáo dân dâng lễ. Chúng tôi tham dự Thánh lễ nhưng không biết nên nói đây là Thánh lễ hay đi xem những con rối công an, quần chúng tự phát đang khuấy động, quấy rối giáo dân. Mặc dù trên loa phóng thanh nói rằng, linh mục và giáo dân đến dâng lễ là quấy rối, làm náo động bản làng, mất trật tự, gây bức xúc cho người dân, nhưng “trăm nghe không bằng mắt thấy”, có “mục sở thị” mới biết được tình hình tại giáo điểm Con Cuông căng thẳng đến mức nào. Một Thánh lễ của người Công giáo nhưng đại đa số là công an, cán bộ huyện xã, quần chúng tự phát đến để quấy rối. Trong nhà nguyện Linh mục JB. Nguyễn Đình Thục cùng giáo dân dâng Thánh lễ Chúa nhật, còn ở ngoài nhà nguyện (cách một bức tường) thì quần chúng tự phát và công an tha hồ hò hét, chửi bới những lời xúc phạm đến Tôn giáo, những lời lẽ khiếm nhã và vô văn hóa, cộng với tiếng loa phát thanh công suất lớn làm mất sự trang nghiêm, thánh thiện của một Thánh lễ. Chúng ta biết rằng, Thánh lễ được coi là tinh hoa, là trung tâm điểm của người Công giáo.

Mọi người đến tham dự Thánh lễ đều rất bức xúc và phẫn nộ, với những việc làm trắng trợn của chính quyền huyện Con Cuông khi xâm phạm đến tự do Tôn giáo người dân. Nên nhớ, đạo hay Tôn giáo là “đường lối, nguyên tắc mà con người có bổn phận giữ gìn và tuân theo trong cuộc sống xã hội (theo Từ điển Tiếng Việt của Trung tâm từ điển học).

Theo lời kể của sơ Đinh Thị Bắc, “Thánh lễ Chúa nhật nào nhà nguyện cũng náo động, đông vui như thế này nhưng sau thánh lễ khung cảnh trở lại bình thường”. Tôi hỏi người dân bản làng, họ nghĩ sao? Nghe sơ trả lời, tất cả đều có thiện cảm tốt với các sơ và những người đến dự lễ. Hơn nữa dân làng còn bức xúc hơn khi chính quyền cứ đến mỗi Chúa nhật lại điều động công an, và kêu gọi nhóm thanh niên xấu trong làng để làm náo động và quấy rối…

Đọc thông điệp vàng

Trên chiếc xe máy chạy thẳng về xuôi, tôi nhớ mãi hình ảnh và cái bắt tay giữ chặt, không muốn buông của ông Trận, ông là chủ nhà đã dâng mảnh đất làm nhà nguyện và cũng là nòng cốt cho giáo điểm Con Cuông. Từ lúc ngôi nhà nguyện Con Cuông hình thành, gia đình ông đã bị chính quyền huyện Con Cuông khủng bố và đàn áp thẳng tay, lúc thì đánh đòn kinh tế vào gia đình ông, khi thì cho công an hoạnh họe này nọ...

Có lẽ vì thế mà, hôm nay trông khuôn mặt ông thật mệt mỏi, đôi mắt ông không còn tinh ranh như lần tôi gặp ông nữa nhưng đã có gì đó trong sâu thẳm bờn chờn vô định, cộng với vóc người nhỏ thẻ trông ông thật tội nghiệp và chút đáng thương. Cái bắt tay của ông cũng thật níu kéo lạ thường, như muốn nhắn gửi bao nỗi niềm tâm trạng vô bờ, cái bắt tay của ông như đang khao khát, đang trông chờ một chút gì đó nhưng có lẽ ông biết nỗi chờ mong đó còn vẻ xa xăm lắm. Tôi đã phải lúng túng trước cái bắt tay chân thành của ông. Nhưng tôi đặt tin tưởng nơi người đàn ông kiên cường này. Ông là mẫu người cho thế hệ truyền giáo hôm nay tại đất nước Việt nam. Ông đã dám can trường vì giáo hội chắc giáo hội sẽ không bỏ rơi ông?

Tôi đoán được mười mươi thông điệp từ cái bắt tay của ông đã trao cho tôi. Và tôi cầu mong Gp Vinh sẽ có những đường hướng, để mau chóng thay đổi tình hình tại giáo điểm Con Cuông.