Các quan chức Mỹ ở Iraq nói họ đang tìm kiếm giải pháp để chấm dứt đánh nhau ở Falluja nhưng cảnh báo sẽ tái tục tấn công nếu hòa đàm thất bại.

Một thỏa hiệp ngưng bắn tạm thời đang diễn ra, trong lúc đàm phán tiếp tục nhằm chấm dứt một tuần đụng độ giữa quân Mỹ và những người nổi dậy Sunni.

Thiếu tướng Mỹ Mark Kimmitt nói việc tạm ngưng các hoạt động thù địch nhằm cho phép các đàm luận được tiếp tục.

Hôm chủ nhật, tổng thống Mỹ George W Bush mô tả các sự kiện trong tuần qua là 'cam go'.

Phát biểu sau khi dự một buổi lễ nhà thờ nhân dịp lễ Phục sinh ở Texas, ông Bush nói khó biết liệu những gì tồi tệ nhất đã kết thúc hay chưa.

Tạm yên lặng

Tiếng súng đã không hoàn toàn yên lặng ở Fallujah, nhưng cuộc hưu chiến đúng là xem ra phần lớn đã được giữ vững.

Một giới chức quân sự cao cấp của Mỹ cho hay đã có tiến triển trong các cuộc thương thuyết, nhưng thủy quân lục chiến Hoa Kỳ vẫn ở lại vị trí của họ ở vòng đai thị trấn và các thường dân tiếp tục trốn lánh e ngại là cuộc ngưng bắn có thể không kéo dài.

Sau một tuần lễ giao tranh dữ dội với cả quân nổi dậy Sunni và Shia thì quân đội Hoa Kỳ, trong lúc này, xem ra đang cho các cuộc đàm luận một cơ may.

Trên cả hai mặt riêng rẽ, các nỗ lực trung gian nay đang tiến diễn và đã có thêm tiến triển về các con tin ngoại quốc bị bắt cóc trong vòng vài ngày qua ở Iraq.

Ðài truyền hình al-Jazeera đã trình chiếu các hình ảnh các tay súng đeo mặt nạ với 7 người bị bắt giữ, dường như là các tài xế xe tải từ Thổ Nhĩ Kỳ và ở nhiều nước Á châu.

Những người cầm giữ con tin nói họ phóng thích những người đàn ông sau khi những người này cam kết không hợp tác với phe liên quân và sau khi có sự can thiệp của các giáo sĩ Hồi Giáo.

Nhưng vẫn chưa thấy nói gì đến số phận của ba thường dân Nhật Bản cũng đã bị bắt giữ.

Ông Bush cứng rắn

Tổng thống Bush đang trải qua kỳ nghỉ Phục sinh tại trang trại của ông ở Texas, nhưng có vẻ tổng thống Mỹ không có một ngày nghỉ xả hơi trọn vẹn.

Ông phải để mắt tới Iraq, và trong lúc đó cũng phải chú ý xem tình hình ở Iraq sẽ tác động thế nào đến uy tín và triển vọng tái đắc cử tổng thống của ông.

Vì thế bên cạnh bài diễn văn đọc trên đài phát thanh hôm thứ Bảy, ông Bush cũng có một thông điệp đặc biệt cho người dân Mỹ trong ngày chủ nhật phục sinh hôm qua:

""Dĩ nhiên tôi cầu nguyện hàng ngày mong sao có ít đi thương vong. Nhưng tôi biết những gì chúng ta đang làm ở Iraq là đúng đắn, đúng đắn cho hòa bình lâu dài, và cũng đúng cho nền an ninh đất nước chúng ta." "

Những quan chức trong chính quyền tổng thống Bush đã sử dụng các show truyền hình sáng hôm qua để khẳng định rằng quân đội Mỹ, người dân Mỹ cũng như người Iraq phải duy trì lòng tin vào lúc ngày chuyển giao quyền lực đang tới gần.

Quan chức cao nhất của Mỹ ở Iraq, Paul Bremer, cũng đã tuyên bố tương tự, và nói thêm sự cam kết của Mỹ tại Iraq sẽ không chấm dứt vào ngày 30-6:

""Người Iraq không muốn chúng tôi ra đi. Trong các cuộc trưng cầu dư luận có một nghịch lý. Họ không muốn chúng tôi ở đây bởi vì họ không muốn bị chiếm đóng. Nhưng họ cũng không muốn chúng tôi ra đi bởi vì họ biết họ có vấn đề về an ninh. Những vấn đề mà họ sẽ phải tự mình đối phó sau ngày 1-7." "

Nhưng thời điểm đang khó khăn cho tổng thống, và lại là món quà bất ngờ cho các đối thủ của ông.

Trong đó có cả người trong đảng Cộng hòa, ví dụ như người từng tranh cử chức ứng viên tổng thống của đảng, thượng nghị sĩ John McCain.

Đã một năm trôi qua kể từ khi chế độ Saddam Hussein sụp đổ và thượng nghị sĩ John McCain rất muốn nhắc nhở một ngày khác. Đó là ngày 1-5 năm ngoái khi tổng thống Bush loan báo chiến tranh đã kết thúc:

"Cũng đúng khi nói rằng các trận đánh lớn đã chấm dứt bởi vì quả thật chúng đã chấm dứt, chúng ta giờ đây đang chiến đấu chống lại một sự nổi dậy mạnh mẽ, nhưng không phải là một xung đột lớn."

"Tôi nói, cũng giống như trước đây, rằng: Chúng ta phải chiến thắng, chúng ta sẽ chiến thắng tại Iraq. Chúng ta phải làm những gì cần thiết. Nhưng nhân dân Mỹ cần được cho biết chắc thách thức khó khăn đến mức nào, và họ sẽ ủng hộ nó."
(BBC)