Nhận Định Kết Thúc Về Cuộc Thảo Luận

Trước hết, tôi phải ngỏ lời cám ơn. Đặc biệt, tôi xin cám ơn Đức Thánh Cha đã có những lời thân hữu và tin tưởng khi ủy thác cho tôi thực hiện phúc trình này. Tôi cũng xin cám ơn mọi người vì đã kiên nhẫn lắng nghe tôi khá lâu. Tôi phải ngỏ lời cám ơn cả các phản ứng tích cực lẫn các phản ứng ít nhiều có tính phê phán. Tôi không muốn và không thể đi vào từng phản ứng riêng rẽ, chỉ xin giới hạn vào ba điểm sau đây:

1. Chúng ta đồng ý rằng lời dạy của Chúa Giêsu, theo đó, con người nhân bản không thể nào phân rẽ điều Thiên Chúa đã kết hợp (Mt 19:6), phải là khởi điểm và là nền tảng của mọi suy tư của ta. Không ai nghi ngờ tính bất khả tiêu của một cuộc hôn nhân bí tích đã thành sự và hoàn hợp (ratum et consumatum).

Thực thế, chúng ta cũng không được tách biệt lời Chúa Giêsu dạy ra khỏi ngữ cảnh toàn diện của sứ điệp của Người về nước Thiên Chúa và về tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Đúng hơn, chúng ta đồng ý phải giải thích lời lẽ của Người trong ngữ cảnh này. Cũng thế, ta phải hiểu tín lý về tính bất khả tiêu của hôn nhân trong tương quan nội tại với các mầu nhiệm của đức tin, như Công Đồng Vatican I vốn dạy (DH 3016), và trong phẩm trật các chân lý đức tin, như Công Đồng Vatican II dạy trong Sắc Lệnh về Đại Kết số 11. Do đó, chúng ta phải hiểu và hiện thực hóa lời dạy của Chúa Giêsu và giáo huấn của Giáo Hội trong tương quan với sứ điệp của Chúa Giêsu về lòng thương xót vô lượng của Thiên Chúa đối với mọi người hối cải và muốn được Người thương xót. Làm như thế, chúng ta đồng ý rằng lòng thương xót không phải là một thứ ơn thánh rẻ tiền. Vì nó không miễn chước việc hồi tâm của bản thân và lẽ dĩ nhiên, không loại bỏ sự thật. Lòng thương xót luôn được nối kết với sự thật, nhưng ngược lại, sự thật cũng nối kết với lòng thương xót. Lòng thương xót là nguyên tắc chú giải học để giải thích sự thật. Nó là điều cần thiết để thi hành sự thật trong tình yêu (Ep 4:15).

Ta còn một nguyên tắc chú giải học khác nữa. Theo cách hiểu của Công Giáo, ta phải giải thích lời dạy của Chúa Giêsu trong ngữ cảnh của toàn bộ truyền thống Giáo Hội. Trong trường hợp của ta, truyền thống này không hề có tính độc tuyến (unilinear), như người ta vốn quả quyết. Có những vấn đề thuộc lịch sử và nhiều ý kiến chuyên môn khác nhau mà ta không thể đơn thuần làm ngơ. Giáo Hội luôn cố gắng đi tìm con đường trung dung giữa chủ nghĩa khắt khe và chủ nghĩa lỏng lẻo, nghĩa là tìm cách áp dụng sự thật trong yêu thương.

2. Tính độc đáo của mọi con người là thành tố căn bản của nền nhân học Kitô Giáo. Không con người nhân bản nào đơn thuần chỉ là một điển hình của bản tính nhân loại nói chung, và không một con người nhân bản nào bị phán xử duy nhất bằng qui luật tổng quát. Chúa Giêsu không bao giờ nói tới chủ nghĩa này hay chủ nghĩa nọ, bất kể là chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa tương đối hay chủ nghĩa đa dục (pansexualism)… Trong một dụ ngôn, Người nói tới Người Chăn Chiên Tốt Lành bỏ 99 con chiên lại để đi tìm 1 con chiên lạc, để rồi vác nó lên vai khi tìm thấy nó và đưa nó về đàn. Chúa nói: “cũng thế, tôi bảo các ông: thiên đàng hân hoan vì 1 người tội lỗi biết ăn năn hơn 99 người công chính không cần phải ăn năn” (Lc 15:1-7).

Nói cách khác, không hề có người ly dị và tái hôn nói chung, mà đúng hơn, chỉ có những cá nhân ly dị và tái hôn trong các tình huống rất khác nhau, mà ta cần phải phân biệt cẩn thận. Cũng không có tình huống khách quan nói chung tạo ngăn trở cho việc cho phép rước lễ, mà đúng hơn có nhiều tình huống khách quan rất khác nhau. Thí dụ, nếu một người đàn bà bị bỏ rơi mà không hề có một chút lỗi lầm nào và, vì lợi ích của con cái, bà cần một người chồng hay một người cha, và bà trung thực cố gắng sống cuộc sống Kitô hữu trong cuộc hôn nhân và gia đình thứ hai theo luật dân sự, và dưỡng dục con cái thành Kitô hữu, đồng thời tham dự giáo xứ một cách gương mẫu, một điều rất thường xẩy ra, thì điều này cũng thuộc loại tình huống khách quan, nhưng khác trong yếu tính với một tình huống, tiếc thay, cũng rất thường xẩy ra là: một ai đó bước vào cuộc hôn nhân thứ hai theo luật dân sự một cách ít nhiều dửng dưng đối với tôn giáo và sống ít nhiều như người không thực hành đạo.

Do đó, ta không nên khởi đi từ một quan niệm trong đó tình huống khách quan bị rút gọn vào một điểm duy nhất. Đúng hơn, ta phải nghiêm túc tự hỏi liệu ta có thực sự tin sự tha tội mà ta vốn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính hay không và ta có thực sự tin một ai đó phạm lỗi lầm, rồi ăn năn, và không thể đảo ngược được lỗi lầm ấy mà không rơi vào một mặc cảm tội lỗi mới, nhưng đã làm mọi điều có thể làm được, vẫn có thể nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, và liệu lúc ấy ta có thể từ khước việc giải tội cho họ hay không? Đấy phải chăng là lập trường của Người Chăn Chiên Tốt Lành và Người Samaritanô nhân hậu?

Đối với những trường hợp đặc thù như trên, không như các giáo hội Chính Thống, truyền thống Công Giáo nhất định không thừa nhận nguyên tắc oikonomia (khoan dung), nhưng truyền thống này biết một nguyên tắc tương tự gọi là epikeia (thích nghi vào hoàn cảnh cụ thể), biện phân thần khí và thuyết đồng cái nhiên (equiprobabilism) của Thánh Anphôngsô đệ Liguori. Truyền thống này cũng nhìn nhận cái hiểu của trường phái Tôma về nhân đức khôn ngoan (prudence) vốn là một nhân đức nền tảng giúp áp dụng qui luật tổng quát vào tình huống cụ thể (mà theo nghĩa của Thánh Tôma Aquinô, không liên quan gì tới đạo đức học hoàn cảnh).

Tóm lại, trong vấn đề đang bàn, không hề có giải pháp tổng quát cho mọi trường hợp. Đây không phải là vấn đề cho phép chung người ly dị và tái hôn nói chung. Mà đúng hơn, ta phải nghiêm túc lưu ý tới tính độc đáo của mọi con người và của mọi tình huống và thận trọng phân biệt và quyết định từng trường hợp một. Bằng cách này, con đường hồi tâm và đền tội, như hình thức được Giáo Hội sơ khai thừa nhận, không phải là con đường của quảng đại quần chúng, mà đúng hơn là con đường của các Kitô hữu đặc thù, có thái độ nghiêm túc thực sự đối với các bí tích.

3. Chân Phúc John Henry Newman từng viết một khảo luận lừng danh tựa là “Về Việc Tham Khảo Tín Hữu Trong Các Vấn Đề Đức Tin”. Ngài chứng minh rằng trong cuộc khủng hoảng Ariô ở hai thế kỷ thứ 4 và thứ 5, không phải các giám mục, mà đúng hơn là các giáo dân đã duy trì được đức tin của Giáo Hội. Thời ấy, Chân Phúc Newman bị nhiều người cực lực phê phán, nhưng nhờ tuyên bố như thế mà ngài đã trở thành người tiền phong của Công Đồng Vatican II, một Công Đồng, một lần nữa, đã nhấn mạnh tới giáo huấn cảm thức đức tin, một cảm thức mà tín hữu nào, nhờ phép rửa, cũng được ân ban (Lumen Gentium, các số 12, 35).

Điều cần là phải xem trọng cảm thức đức tin của các tín hữu, nhất là vì nó có liên quan tới chủ đề của chúng ta ở đây. Chúng ta hiện diện ở đây trong mật nghị hội Hồng Y đều là người độc thân; tuy nhiên, đại đa số tín hữu sống thực niềm tin của họ vào tin mừng gia đình trong các gia đình cụ thể và đôi khi trong các tình huống khó khăn. Cho nên, chúng ta nên lắng nghe lời chứng của các tín hữu cũng như phải lắng nghe những gì các đồng sự mục vụ và các huấn đạo viên về chăm sóc mục vụ gia đình muốn nói với chúng ta. Họ vốn có nhiều điều muốn nói với chúng ta. Bởi thế, toàn bộ vấn đề không thể được quyết định bởi một ủy ban chỉ gồm các vị Hồng Y và giám mục mà thôi. Điều này không loại bỏ việc quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay Thượng Hội Đồng trong đồng thuận với Đức Giáo Hoàng.

Trong vấn đề này, hiện đang có nhiều mong chờ trong Giáo Hội. Dĩ nhiên, không phải mong chờ nào cũng được thể hiện. Nhưng sẽ là một thất vọng lớn lao nếu chúng ta chỉ lặp lại những giải đáp vốn dĩ giả thiết phải luôn được nêu ra. Là các chứng nhân của hy vọng, chúng ta không nên để mình bị hướng dẫn bởi một khoa chú giải sợ sệt. Cần một thứ can đảm và trên hết một thứ bộc trực theo nghĩa Thánh Kinh (parrhesia). Nếu không muốn điều đó thì chúng ta không nên tổ chức một thượng hội đồng về chủ đề này, vì như thế tình thế sau đó sẽ trở nên tồi tệ hơn trước. Ít nhất, chúng ta cũng nên hé cánh cửa để giáo dân hy vọng và mong chờ và ít nhất cho họ một dấu hiệu để họ thấy rằng về phần chúng ta, chúng ta coi trọng các hy vọng cũng như các vấn nạn, các lo âu và nước mắt của biết bao Kitô hữu nghiêm túc.

Lời bạt: Ta có thể làm gì?

Những cuộc đàm đạo trong nhiều năm qua với các mục tử, huấn đạo viên về hôn nhân và gia đình, và với các cặp vợ chồng bị ảnh hưởng đã được thực hiện trước khi có các suy tư được trình bày với mật nghị hội Hồng Y lần này. Liền ngay sau bài trình bày, các cuộc đàm đạo kiểu trên đã lập tức diễn ra lần nữa. Trước hết, các anh em tinh thần muốn biết ngay điều họ nên làm và có thể làm một cách cụ thể. Các câu hỏi của họ là điều dễ hiểu và chính đáng. Tuy nhiên, không hề có những công thức đơn giản; ta cũng không thể đưa ra một số giải pháp nào đó trong Giáo Hội với một chiếc búa tạ, bất luận bằng cách dùng thế giá riêng của ta hay bằng cách chấp nhận tư thế đe dọa. Cần đưa ra nhiều bước khác nhau ngõ hầu đạt tới một giải pháp nhất trí được ưa chuộng hơn.

Bước thứ nhất, nói chung, bao gồm việc, một lần nữa, trở nên có khả năng nói về các vấn đề tính dục, hôn nhân, và gia đình, và tìm được lối thoát ra ngoài tính cứng ngắc của sự im lặng thúc thủ dưới ánh sáng một tình huống nhất định nào đó. Nguyên vấn đề điều gì được phép điều gì bị cấm mà thôi không giúp ích chi được nữa. Các vấn đề hôn nhân và gia đình, trong đó, vấn đề người ly dị và tái hôn chỉ là một vấn đề, dù là vấn đề cấp bách, thuộc một ngữ cảnh bao quát hơn đó là vấn đề làm thế nào người ta có thể tìm được hạnh phúc và thành toàn trong đời họ. Bàn về hồng phúc tính dục, từng được Đấng Tạo Hóa ban tặng và ủy thác cho con người nhân bản, một cách có trách nhiệm và thoả đáng, trong yếu tính, vốn thuộc đề tài này. Tính dục được giả thiết phải dẫn ta ra khỏi tính chật hẹp và tính cô độc của chủ nghĩa duy cá nhân chỉ biết nhìn vào trong và dẫn ta tới cái Anh/cái Em của một hữu thể nhân bản khác và tới cái Chúng Tôi của cộng đồng nhân bản. Tách biệt tính dục khỏi các mối liên hệ nhân bản toàn diện đó và rút gọn nó vào việc làm tình mà thôi không dẫn ta tới sự giải thoát được tán dương nhiều như vừa nói, mà đúng hơn, dẫn ta tới việc tầm thường hóa và thương mại hóa tính dục. Cái chết của tình yêu gợi dục và sự lão hóa của xã hội Tây Phương là các hậu quả. Hôn nhân và gia đình là những ổ kháng cự cuối cùng chống lại việc kinh tế hóa cách tính toán lạnh lùng và việc máy móc hóa cuộc sống. Ta có mọi lý do để hỗ trợ chính nghĩa hôn nhân và cuộc sống gia đình hết khả năng ta và, trên hết, để hỗ trợ và khuyến khích người trẻ tiến theo con đường này.

Bước thứ hai bên trong Giáo Hội là một nền linh đạo mục vụ đổi mới biết loại bỏ quan điểm duy pháp lý và một chủ nghĩa nghiêm khắc phi Kitô Giáo chuyên đặt những gánh nặng không ai chịu nổi lên vai người ta, những gánh nặng mà các giáo sĩ vốn không muốn vác và cũng không thể chịu đựng được (xem Mt 23:4). Với nguyên tắc oikonomia của họ, các Giáo Hội Đông Phương đã khai triển được một phương cách vượt trên cả nghiêm khắc lẫn lỏng lẻo, mà từ đó, ta có thể học hỏi theo đại kết. Ở Tây Phương, ta biết nguyên tắc epikeia, tức công bình trong các trường hợp cá thể, mà theo Thánh Tôma Aquinô, vốn là sự chính trực cao hơn. Oikonomia không chủ yếu là một vấn đề thuộc nguyên tắc giáo luật, mà đúng hơn, là một thái độ tâm linh và mục vụ căn bản trong việc áp dụng tin mừng như một người cha tốt lành trong gia đình, được hiểu như một oikonomos (nhà kinh bang tế thế), hoạt động phù hợp với mô thức nhiệm cụ cứu rỗi của Thiên Chúa. Trong nhiệm cục cứu rỗi của Người, Thiên Chúa đi qua rất nhiều bước với dân của Người và từng đi một con đường thật dài với Giáo Hội trong Chúa Thánh Thần. Cũng tương tự như thế, Giáo Hội được giả thiết đồng hành với dân khi họ càng ngày càng tiến tới mục tiêu đời họ và trong diễn trình này, Giáo Hội nên ý thức việc này: cả các mục tử cũng đang trên đường lữ thứ và rất thường đi sai, phải bắt đầu lại như mới. Và, nhờ lòng thương xót khôn cùng của Thiên Chúa, các vị vẫn có thể bắt đầu đi bắt đầu lại không ngừng.

Oikonomia không phải là con đường rẻ tiền hay một lối thoát đầy mưu chước. Như Martin Luther từng phát biểu chính xác trong luận đề đầu tiên của Chín Mươi Lăm Luận Đề của ông năm 1517, cần phải coi trọng sự kiện này: toàn bộ cuộc sống Kitô hữu là một cuộc sống thống hối, nghĩa là, một cuộc sống không ngừng suy đi nghĩ lại, tái định hướng như mới (metanoia). Việc ta hay quên điều đó và thường lãng quên bí tích thống hối, cũng là bí tích thương xót, một cách có tội, là một trong những vết thương sâu nhất của Kitô Giáo đương thời. Cho nên, con đường thống hối (via paenitentialis) không chỉ là một điều dành cho người ly dị và tái hôn, mà dành cho mọi Kitô hữu. Chỉ khi nào ta bắt đầu nền chăm sóc mục vụ theo nghĩa sâu sắc và toàn diện như thế này, ta mới thực hiện được tiến bộ, từng bước một, trong những vấn đề còn đang tồn đọng.

Bước thứ ba bao gồm việc cả định chế thực thi các suy nghĩ nhân học và tâm linh này. Bí tích hôn nhân cũng như bí tích Thánh Thể không phải là việc tư riêng, cá nhân; chúng có đặc tính cộng đoàn và công cộng và do đó, có khía cạnh pháp chế. Nghi thức hôn phối của Giáo Hội giả thiết phải được cả cộng đoàn, cụ thể là giáo xứ, chia sẻ, trong khi nghi thức hôn phối dân sự đặt dưới sự che chở của hiến pháp và hệ thống luật pháp của quốc gia. Nhìn dưới ngữ cảnh rộng lớn hơn này, các thủ tục giáo luật về hôn nhân cần được tái định hướng về tâm linh và mục vụ. Ngày nay, hiện đã có sự nhất trí rộng dài cho rằng các thủ tục đơn phương về hành chánh và pháp chế, theo nguyên tắc phải hành động theo ý kiến chắc hơn (tutiorism) (1), không thể tạo công bằng cho sự lành mạnh và phúc lợi của người ta và các hoàn cảnh sống cụ thể và thường là phức tạp của họ. Đây không phải là lời yêu cầu nới lỏng hơn nữa và mở rộng việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu (annulment), nhưng là lời yêu cầu đơn giản hóa và tăng tốc các thủ tục này và, trên hết, là lời yêu cầu lồng chúng vào các cuộc đàm luận cũng như huấn đạo mục vụ và tâm linh, trong tinh thần Đấng Chăn Chiên Lành và Người Samaritanô Nhân Hậu.

Trên hết, bước thứ tư đang được tranh luận một cách nóng bỏng liên quan tới các hoàn cảnh trong đó, việc tuyên bố cuộc hôn nhân đầu vô hiệu không thể có được hoặc, như trong nhiều trường hợp, việc ấy không được ước muốn vì không trung thực. Giáo Hội nên khuyến khích, đồng hành, và, dù gì, cũng phải hỗ trợ những người, sau cuộc ly dị dân sự, quyết định đi theo con đường khó khăn khác với việc ở độc thân. Các hình thức mới của giáo hội tiểu gia có thể là những trợ giúp vĩ đại ở đây để cung cấp cho họ một căn nhà thiêng liêng mới mẻ. Con đường cho phép người ly dị và sau đó tái hôn theo dân luật được chịu các bí tích thống hối rồi Thánh Thể trong các hoàn cảnh cụ thể, sau một thời kỳ tái định hướng, đang được xem sét trong một số trường hợp cá biệt với sự thuận tình hay im lặng chấp thuận của giám mục. Sự không nhất quán này giữa qui định chính thức và thực hành im lặng tại địa phương không phải là một tình huống tốt đẹp. Ngay cả khi khoa giải nghi học không thể áp dụng hay không được ước muốn, ta cũng nên có những tiêu chuẩn có tính bó buộc và được công khai nhận diện. Tôi đã cố gắng đưa ra giải pháp này trong bài thuyết trình của tôi. Dĩ nhiên, cố gắng này có thể được cải thiện. Tuy nhiên, hy vọng của rất nhiều người sẽ được biện minh khi Thượng Hội Đồng sắp tới, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và sau khi cân nhắc mọi quan điểm, có thể chỉ ra một con đường tốt đẹp để mọi người có thể chấp nhận (2).

Ghi Chú

1. Bản tiếng Anh cho hay Tutiorism là một chủ trương đạo đức học cho rằng trong các trường hợp không có sự chắc chắn tinh thần (moral certitude), thì nên chọn con đường “an toàn hơn” hay nghiêm nhặt hơn cho hành động luân lý.

2. Một trợ cụ rất khôn ngoan về tâm linh và mục vụ, theo đường hướng Thánh Anphôngsô đệ Liguori, thánh quan thầy của nền thần học luân lý, là cuốn sách nhỏ dễ đọc của Bernard Haring: No Way Out? Pastoral Care of the Divorced and Remarried (Middlegreen, England: St Paul Publications, 1990)