Các Thành viên của Hội đồng Đại kết các Giáo hội ở Slovakia thân mến,

Tôi xin ngỏ cùng qúy vị lời chào thân ái và tôi cảm ơn qúy vị đã chấp nhận lời mời của tôi và đến đây với tôi. Tôi đến đây với tư cách một người hành hương ở Slovakia, và qúy vị ở đây với tư cách là những vị khách được chào đón tại Tòa sứ thần này! Tôi rất vui vì cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với qúy vị. Đó là một dấu hiệu cho thấy đức tin Kitô giáo là - và mong muốn là - hạt giống hợp nhất và men của tình huynh đệ ở đất nước này. Tôi cảm ơn Đức Thượng Phụ, hiền đệ thân yêu Rastislav, vì sự hiện diện của ngài. Tôi biết ơn Đức Giám Mục Ivan, Chủ tịch Hội đồng Đại kết, vì những lời lẽ của ngài đã làm chứng cho cam kết của ngài tiếp tục đồng hành với nhau trong việc chuyển từ xung đột sang hiệp thông.



Các cộng đồng của qúy vị đã có một khởi đầu mới sau nhiều năm bị chế độ vô thần bách hại, khi quyền tự do tôn giáo bị bóp nghẹt hoặc đàn áp nghiêm khắc. Rồi, cuối cùng, tự do đó đã trở lại. Bây giờ, qúy vị đang chia sẻ trải nghiệm trưởng thành tương tự, trong đó qúy vị đang tiến tới chỗ khám phá ra việc được sống niềm tin của qúy vị trong tự do đẹp đẽ xiết bao, nhưng cũng khó khăn như thế nào. Vì luôn có cơn cám dỗ muốn quay trở lại với cảnh nô lệ, không phải nô lệ cho một chế độ, mà là một thứ nô lệ thậm chí còn tồi tệ hơn: một ách nô lệ bên trong.

Đó là điều Dostoevsky đã cảnh cáo trong Truyền thuyết về Tòa Dị Giáo Vĩ đại nổi tiếng của mình. Chúa Giêsu trở lại trái đất và một lần nữa bị cầm tù. Quan tòa Dị giáo nói thẳng: Ông ta buộc tội Chúa Giêsu đã đánh giá quá cao tự do của con người. Ông ta nói với Người: “Ông muốn đi vào thế giới tay không, với lời hứa tự do mà họ, trong sự đơn sơ và rối loạn bẩm sinh thậm chí không thể tưởng tượng nổi, một thứ tự do kinh hoàng và đáng sợ, vì không bao giờ có điều gì chịu không nổi đối với con người bằng phải tự do!" (Anh em nhà Karamazov, Phần II, Quyển V, Ch. 5). Ông ta thậm chí còn đi xa hơn nữa, nói thêm rằng con người rất muốn đánh đổi tự do của họ để có được một chế độ nô lệ thoải mái hơn: đó là phục tùng ai đó sẽ quyết định thay cho họ, miễn là họ có bánh ăn và an toàn. Ông ta thậm chí còn trách móc Chúa Giêsu vì đã không chọn trở thành Xêda, để khuất phục lương tâm con người và thiết lập hòa bình bằng vũ lực. Thay vào đó, Chúa Giêsu tiếp tục đề nghị tự do, trong khi nhân loại kêu gào “bánh mì và một chút gì khác thế”.

Các hiền đệ thân mến, cầu mong điều này đừng xảy ra với chúng ta! Chúng ta hãy giúp nhau đừng bao giờ rơi vào cạm bẫy của việc hài lòng với bánh mì và một chút gì khác thế. Đó là một nguy hiểm mà chúng ta tự động cảm thấy một khi chúng ta nghĩ rằng các tình huống đang trở lại bình thường, khi chúng ta cảm thấy mọi sự đã lắng xuống và chúng ta được an ổn trong niềm hy vọng có được một cuộc sống an bình và yên tĩnh. Lúc đó, mục tiêu của chúng ta không còn là “sự tự do mà chúng ta có trong Chúa Giêsu Kitô” (Gl 2: 4), chân lý của Người đã giải phóng chúng ta (x. Ga 8:32), mà là dựng cọc định mức không gian và các đặc ân, điều mà trong tương quan với Tin Mừng, là “bánh mì và một chút gì khác thế”. Ở đây, từ trái tim Châu Âu, chúng ta có thể tự hỏi: các Kitô hữu chúng ta có mất đi phần nào lòng nhiệt thành đối với việc rao giảng Tin Mừng và làm chứng tiên tri không? Sự thật của Tin Mừng có giải thoát chúng ta không? Hay chúng ta nghĩ chúng ta tự do khi có thể xác định được các vùng an toàn cho phép chúng ta giữ được mọi điều trong quyền kiểm soát và bình thản đi theo con đường của mình mà không gặp phải những trở ngại đặc thù? Bằng lòng với bánh mì và sự an toàn, có phải chúng ta đã mất đà trong việc tìm kiếm sự hợp nhất mà Chúa Giêsu vốn đã cầu xin cho có, một sự hợp nhất chắc chắn đòi hỏi sự tự do trưởng thành phát sinh từ những quyết định chắc chắn, từ sự chịu đựng và hy sinh, nhưng đó cũng là lý do để thế giới tin tưởng (xem Ga 17:21)? Chúng ta đừng chỉ quan tâm đến những điều có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng cá thể của chúng ta. Tự do của anh chị em chúng ta cũng là tự do của chúng ta, vì tự do của chúng ta không trọn vẹn nếu không có tự do của họ.

Tại những lãnh thổ này, việc truyền giảng Tin Mừng bắt đầu bằng tình anh em và được đóng ấn bởi hai anh em thánh Cyril và Methodius của Texalônica. Là những nhân chứng của một Kitô giáo vẫn được đánh dấu bằng sự hợp nhất và nhiệt thành rao giảng Tin Mừng, xin các ngài giúp chúng ta kiên trì trên hành trình của mình bằng cách nuôi dưỡng hiệp thông huynh đệ của chúng ta nhân danh Chúa Giêsu. Vì vấn đề này, làm thế nào chúng ta có thể hy vọng rằng Châu Âu sẽ khám phá lại cội nguồn Kitộ giáo của họ khi bản thân chúng ta không bắt rễ sâu vào hiệp thông trọn vẹn? Làm sao chúng ta có thể mơ về một Châu Âu không có ý thức hệ nếu chúng ta thiếu can đảm đặt tự do của Chúa Kitô trước nhu cầu của từng nhóm tín hữu cá thể? Thật khó mà mong chờ Châu Âu ngày càng chịu ảnh hưởng và làm cho phong phú bởi Tin Mừng nếu chúng ta không bối rối trước sự kiện, trên lục địa này, chúng ta chưa hoàn toàn hợp nhất và không quan tâm đến nhau. Những lợi ích đặc thù, lý lẽ lịch sử và các liên hệ chính trị không nên là những trở ngại không thể vượt qua trên con đường của chúng ta. Xin các Thánh Cyril và Methodius, “tiền hô của chủ nghĩa đại kết” (Thánh Gioan Phaolô II, Slavorum Apostoli, 14) giúp chúng ta nỗ lực hết sức làm việc cho việc hòa giải sự đa dạng trong Chúa Thánh Thần. Xin các ngài giúp chúng ta đạt được sự hợp nhất, mà không đồng nhất, có khả năng trở thành dấu chỉ và nhân chứng cho sự tự do của Chúa Kitô, Chúa là Đấng đã nới lỏng các ràng buộc của quá khứ và chữa chúng ta khỏi mọi sợ hãi và lo âu.

Vào thời các ngài, các thánh Cyril và Methodius đã cho phép Lời Chúa thành xương thịt trên các vùng đất này (x. Ga 1:14). Sau đây tôi xin chia sẻ với qúy vị hai gợi ý như lời khuyên huynh đệ để truyền bá Tin Mừng tự do và hợp nhất ngày nay. Gợi ý thứ nhất liên quan tới chiêm niệm. Một đặc điểm khác biệt của các dân tộc Slav, một đặc điểm mà qúy vị cùng được kêu gọi để bảo tồn, là tinh thần chiêm niệm, trên cơ sở đức tin trải nghiệm, vượt ra ngoài các khái niệm triết học và thậm chí cả thần học để nắm lấy mầu nhiệm. Qúy vị hãy giúp đỡ lẫn nhau để vun đắp truyền thống linh đạo này, điều mà Châu Âu rất cần đến. Giáo hội ở phương Tây đặc biệt khao khát điều này, để khám phá lại vẻ đẹp của việc thờ phượng Thiên Chúa và tầm quan trọng của việc không xem cộng đồng đức tin chủ yếu theo các chương trình và tính hiệu năng của tổ chức.

Gợi ý thứ hai liên quan đến hành động. Sự hợp nhất không đạt được bao nhiêu bởi ý hướng tốt và sự đồng thuận về một số giá trị chung, nhưng bằng cách cùng nhau làm một điều gì đó cụ thể cho những người đưa chúng ta đến gần Chúa nhất. Họ là ai? Họ là những người nghèo, vì trong họ, Chúa Giêsu hiện diện (x. Mt 25,40). Tham gia vào các công việc bác ái có thể mở ra những chân trời rộng lớn hơn và giúp chúng ta đạt được nhiều tiến bộ hơn trong việc vượt qua định kiến và hiểu lầm. Đó cũng là một phẩm chất theo truyền thống rất quan trọng ở đất nước này, nơi mà các học sinh học thuộc lòng bài thơ có những dòng rất đẹp sau đây: “Khi một người lạ gõ cửa nhà chúng ta với sự tin tưởng chân thành: dù người đó có thể là ai, dù đến từ gần hay ở xa, ngày hay đêm, ơn phúc của Chúa vẫn chờ đợi trên bàn của chúng ta ”(SAMO CHALUPKA, Mor ho!, 1864). Xin cho quà phúc Thiên Chúa hiện diện trên bàn ăn của tất cả mọi người, để dù chưa được dùng chung bữa ăn Thánh Thể, chúng ta vẫn có thể cùng nhau nghinh đón Chúa Giêsu bằng cách phục vụ Người trong những người nghèo khó. Đó sẽ là một dấu hiệu hùng hồn hơn muôn vàn lời nói, và sẽ giúp xã hội dân sự hiểu, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn này, rằng chỉ khi đứng về phía những người yếu đuối nhất, tất cả chúng ta mới có thể sống sót qua đại dịch hiện nay.

Các anh chị em thân mến, tôi cảm ơn sự hiện diện của anh chị em và hành trình mà anh chị em đang cùng nhau thực hiện. Lòng tốt và sự hiếu khách đặc trưng của người dân Slovakia, truyền thống chung sống hòa bình và sự hợp tác của anh chị em vì phúc lợi của đất nước là những điều quý giá cho việc truyền bá Tin Mừng. Tôi khuyến khích anh chị em theo đuổi hành trình đại kết của mình, rất cần thiết và phong phú. Tôi đảm bảo với anh chị em sẽ nhớ đến anh chị em trong lời cầu nguyện của tôi, và tôi xin anh chị em, làm ơn, hãy nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện của anh chị em.

Cảm ơn anh chị em.