Lúc 10g sáng Chúa Nhật 10 tháng 10, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Cùng đồng tế với ngài có các Hồng Y, Giám Mục và Linh Mục tham dự Thượng Hội Đồng.
Các bài đọc trong thánh lễ được lấy từ Phụng Vụ của Chúa Nhật 28 Mùa Quanh Năm.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Tiến hành Thượng Hội Đồng có nghĩa là cùng đi trên một con đường, cùng nhau bước đi. Chúng ta hãy nhìn vào Chúa Giêsu. Đầu tiên, Chúa Giêsu gặp người đàn ông giàu có trên đường; sau đó Ngài lắng nghe những câu hỏi của anh ta, và cuối cùng Ngài giúp anh ta phân định những gì anh ta phải làm để có thể hưởng sự sống vĩnh cửu. Gặp gỡ, lắng nghe và phân định. Tôi muốn suy ngẫm về ba động từ đặc trưng cho Thượng Hội Đồng này.
Đầu tiên là gặp gỡ. Bài Tin Mừng bắt đầu bằng việc nói về một cuộc gặp gỡ. Một người đàn ông đến gần Chúa Giêsu và quỳ xuống trước Ngài, hỏi Ngài một câu hỏi quan trọng: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời?” (câu 17). Một câu hỏi quá quan trọng đòi hỏi sự chú ý, thời gian, sự sẵn lòng gặp gỡ người khác và sự nhạy cảm với những gì làm họ áy náy. Chúa không đứng xa cách; Ngài không tỏ ra khó chịu hay bị quấy rầy. Thay vào đó, Ngài hoàn toàn hiện diện với người này. Ngài cởi mở để gặp gỡ. Không có gì khiến Chúa Giêsu thờ ơ; mọi thứ đều được Chúa quan tâm. Gặp gỡ mặt đối mặt, nhìn thẳng vào đôi mắt, và chia sẻ lịch sử của mỗi cá nhân. Đó là sự gần gũi tiêu biểu của Chúa Giêsu. Chúa biết rằng cuộc đời của ai đó có thể thay đổi chỉ bằng một cuộc gặp gỡ. Tin Mừng chứa đầy những cuộc gặp gỡ như vậy với Chúa Kitô, những cuộc gặp gỡ nâng đỡ và mang lại ơn chữa lành. Chúa Giêsu không vội vã, hay nhìn vào đồng hồ để kết thúc buổi họp. Ngài luôn phục vụ người bên cạnh, lắng nghe những gì người đó nói.
Khi chúng ta bắt đầu quá trình này, chúng ta cũng được kêu gọi trở thành những chuyên gia trong nghệ thuật gặp gỡ. Không phải bằng cách tập trung quá nhiều cho việc tổ chức các sự kiện hoặc lý thuyết hóa về các vấn đề, cho bằng dành thời gian để gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau. Dành thời gian để cầu nguyện và thờ phượng – đó là hình thức cầu nguyện mà chúng ta thường bỏ qua - dành thời gian để thờ phượng và lắng nghe những gì Thánh Linh muốn nói với Giáo hội. Đã đến lúc phải nhìn vào mắt người khác và lắng nghe những gì họ nói, để xây dựng mối quan hệ, nhạy cảm với các câu hỏi của anh chị em chúng ta, để chúng ta được phong phú hóa bởi sự đa dạng của các đặc sủng, ơn gọi và thừa tác vụ. Mỗi cuộc gặp gỡ - như chúng ta đã biết - đều đòi hỏi sự cởi mở, lòng dũng cảm và sự sẵn sàng để bản thân được thử thách bởi sự hiện diện và những câu chuyện của người khác. Nếu đôi khi chúng ta trốn chạy trong các giao thức hoặc muốn trình bày một hình ảnh sang cả - tinh thần giáo sĩ và lịch sự, trong đó tôi là Đức ông hơn là Cha – thì kinh nghiệm gặp gỡ sẽ thay đổi chúng ta; thường xuyên nó mở ra những khả năng mới và bất ngờ. Sau buổi đọc kinh Truyền Tin hôm nay, tôi sẽ gặp một nhóm người đường phố đến với nhau đơn giản chỉ vì một nhóm người đã cố gắng lắng nghe họ, đôi khi chỉ lắng nghe họ là đủ. Và từ sự lắng nghe đó, họ đã thành công trong việc tạo ra một con đường mới. Thiên Chúa thường chỉ ra những con đường mới theo cách này. Ngài mời chúng ta bỏ lại những thói quen cũ của chúng ta. Mọi thứ sẽ thay đổi khi chúng ta có thể gặp gỡ Ngài và gặp gỡ nhau một cách chân thành, không cần hình thức hay giả vờ, nhưng chỉ đơn giản bằng con người thật của chúng ta.
Động từ thứ hai là lắng nghe. Cuộc gặp gỡ thực sự chỉ nảy sinh từ việc lắng nghe. Chúa Giêsu đã lắng nghe câu hỏi của người đàn ông đó và những mối quan tâm về tôn giáo và hiện sinh ẩn sau câu hỏi đó. Ngài đã không đưa ra một câu trả lời chung chung hoặc đưa ra một giải pháp đóng gói sẵn; Ngài không giả vờ đáp lại một cách lịch sự, chỉ đơn giản như một phương cách nhằm đuổi anh ta đi và tiếp tục con đường của mình. Chúa Giêsu lắng nghe, bất kể mất bao nhiêu thời gian cần thiết; Ngài không vội vàng. Quan trọng nhất, là Chúa Giêsu không ngại lắng nghe người thanh niên ấy bằng trái tim chứ không chỉ bằng đôi tai. Thật vậy, Chúa Giêsu không chỉ đơn giản trả lời câu hỏi của người thanh niên giàu có; Chúa để anh ta kể câu chuyện đời mình, nói một cách tự do về bản thân mình. Chúa Kitô nhắc nhở anh ta về các điều răn, và người đàn ông bắt đầu kể về tuổi trẻ của mình, chia sẻ hành trình tôn giáo và nỗ lực tìm kiếm Thiên Chúa của anh ta. Điều này xảy ra bất cứ khi nào chúng ta lắng nghe bằng trái tim: mọi người cảm thấy rằng họ đang được lắng nghe, không bị phán xét; họ cảm thấy tự do kể lại những kinh nghiệm của chính họ và cuộc hành trình tâm linh của họ.
Chúng ta hãy tự hỏi mình một cách thẳng thắn trong suốt tiến trình Thượng Hội Đồng này: Chúng ta có giỏi lắng nghe không? “Thính giác” của trái tim chúng ta tốt đến mức nào? Chúng ta có cho phép mọi người bộc lộ bản thân, bước đi trong đức tin dù họ gặp khó khăn trong cuộc sống, và trở thành một phần của đời sống cộng đồng mà không bị cản trở, từ chối hoặc phán xét không? Tham gia vào một Thượng Hội Đồng có nghĩa là đặt chúng ta vào cùng một con đường như Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể. Nó có nghĩa là đi theo bước chân của Chúa, lắng nghe lời Ngài cùng với lời nói của người khác. Nó có nghĩa là ngạc nhiên khám phá rằng Chúa Thánh Thần luôn làm chúng ta kinh ngạc, khi gợi ý những con đường mới và những cách nói mới. Học cách lắng nghe lẫn nhau là một bài tập chậm và có lẽ mệt mỏi’. Hãy lắng nghe các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, tất cả những người đã được rửa tội - và tránh những phản ứng giả tạo, nông cạn và được đóng gói sẵn. Thánh Linh yêu cầu chúng ta lắng nghe những thắc mắc, mối quan tâm và hy vọng của mọi thành phần Giáo hội, mọi người và mọi quốc gia. Và lắng nghe thế giới, trước những thách thức và thay đổi mà nó đặt ra trước mắt chúng ta. Chúng ta đừng làm cách âm trái tim chúng ta; nhưng phải làm sao để chúng ta không bị bao vây trong những điều chắc chắn của chúng ta. Quá thường là những điều chắc chắn của chúng ta có thể khiến chúng ta đóng cửa. Chúng ta hãy lắng nghe lẫn nhau.
Cuối cùng, hãy phân định. Gặp gỡ và lắng nghe không tự nó kết thúc, và để lại mọi thứ như trước đây. Ngược lại, bất cứ khi nào chúng ta tham gia vào cuộc đối thoại, chúng ta cho phép mình được thử thách, để thăng tiến trên một cuộc hành trình. Và cuối cùng, chúng ta không còn như xưa nữa; chúng ta đã thay đổi. Chúng ta thấy điều này trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúa Giêsu cảm thấy rằng người trước mặt mình là một người tốt và ngoan đạo, tuân theo các điều răn, nhưng Ngài muốn dẫn dắt anh ta đi xa hơn, vượt ra ngoài việc đơn thuần tuân giữ các giới luật. Thông qua đối thoại, Chúa giúp anh ta phân định. Chúa Giêsu khuyến khích người đó nhìn vào bên trong, dưới ánh sáng của tình yêu mà chính Chúa đã thể hiện qua cái nhìn của Người (xem câu 21), và nhận biết trong ánh sáng đó điều gì mà trái tim anh ta thực sự trân trọng. Và theo cách này, giúp anh ta khám phá ra rằng anh ta không thể đạt được hạnh phúc bằng cách lấp đầy cuộc sống của mình chỉ bằng việc tuân giữ các giới răn nhiều hơn, nhưng bằng cách trút bỏ bản thân, bán đi bất cứ thứ gì đang chiếm chỗ trong trái tim anh ta, để có chỗ cho Thiên Chúa.
Đây cũng là một bài học quý giá cho chúng ta. Thượng Hội Đồng là một tiến trình của sự phân định tâm linh, sự phân định của Giáo Hội, diễn ra trong sự tôn thờ, trong cầu nguyện và đối thoại với Lời Chúa. Bài đọc thứ hai hôm nay cho chúng ta biết rằng Lời Chúa “là lời hằng sống, linh nghiệm, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, thấu suốt đến nỗi phân rẽ linh hồn với thần trí, gân cốt với tuỷ não, phân tách tình cảm với ý nghĩ của tâm hồn” (Dt 4: 12). Lời Chúa hiệu triệu chúng ta đến với sự phân định và mang lại ánh sáng cho quá trình đó. Lời Chúa hướng dẫn Thượng Hội Đồng, ngăn không cho nó trở thành một đại hội của Giáo hội, một nhóm học tập hay một cuộc tụ họp chính trị, một quốc hội, nhưng đúng hơn là một sự kiện đầy ân sủng, một tiến trình chữa lành được hướng dẫn bởi Thánh Linh. Trong những ngày này, Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta, như đã từng kêu gọi người đàn ông giàu có trong Tin Mừng, hãy trút bỏ chính mình, hãy giải thoát mình khỏi tất cả những gì thuộc về thế gian, kể cả những mô hình mục vụ hướng nội và hướng ngoại của chúng ta; và tự hỏi mình Chúa muốn nói gì với chúng ta trong thời điểm này. Và hướng đi nào Chúa muốn dẫn dắt chúng ta.
Anh chị em thân mến, hãy cùng nhau lên đường vui vẻ! Cầu xin cho chúng ta là những người hành hương yêu mến Tin Mừng và đón nhận những điều ngạc nhiên của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đừng bỏ lỡ những cơ hội đầy ân sủng sinh ra từ sự gặp gỡ, lắng nghe và phân định. Với xác tín hân hoan rằng, ngay cả khi chúng ta tìm kiếm Chúa, Người luôn đến gặp chúng ta trước với tình yêu của Người.
Source:Holy See Press Office