Theo tin Tòa Thánh, trong buổi yết kiến chung Thứ Tư, 27 tháng 10, diễn ra tại Đại sảnh Phaolô VI trong nội thành Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về Thư Thánh Phaolô VI gửi tín hữu Galát. Tuần này ngài nhấn mạnh tới hoa trái của Chúa Thánh Thần. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài:



Lời rao giảng của Thánh Phaolô hoàn toàn tập trung vào Chúa Giêsu và Mầu nhiệm Vượt qua của Người. Trên thực tế, Thánh Tông đồ tự giới thiệu mình như một nhân chứng của Chúa Kitô, và là Chúa Kitô bị đóng đinh (xem 1 Cr 2: 2). Với các tín hữu Galát, bị cám dỗ muốn đặt căn bản lòng đạo của họ trên việc tuân thủ các giới luật và truyền thống, ngài nhắc nhở rằng trung tâm của ơn cứu rỗi và đức tin là cái chết và sự phục sinh của Chúa. Ngài làm như vậy bằng cách đặt trước mặt họ thực tại thập giá của Chúa Giêsu. Do đó, ngài viết: "Ai đã mê hoặc anh em là những người đã được thấy hình ảnh Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá phơi bày ra trước mắt?” (Gl 3: 1). Ai đã mê hoặc anh chị em để anh chị em rời xa Chúa Kitô bị đóng đinh? Đó là một khoảnh khắc khủng khiếp đối với người Galát….

Ngày nay, có nhiều người vẫn tìm kiếm sự an toàn tôn giáo hơn là tìm kiếm Thiên Chúa hằng sống và chân thật, tập chú vào các nghi lễ và giới luật thay vì đón nhận tình yêu của Thiên Chúa bằng toàn thể con người của họ. Và đây là cơn cám dỗ của những người theo trào lưu cực đoan mới, không phải sao? Trong số những người dường như sợ phải tiến bộ, và những người thụt lùi vì họ cảm thấy an toàn hơn: họ tìm kiếm sự an toàn của Thiên Chúa chứ không phải Thiên Chúa của sự an toàn …. Đây là lý do tại sao Thánh Phaolô yêu cầu người Galát trở lại với điều chủ yếu - trở về với Thiên Chúa, với điều chủ yếu, không phải các điều an toàn của Thiên Chúa: điều chủ yếu - với Thiên Chúa, Đấng ban sự sống cho chúng ta trong Chúa Kitô bị đóng đinh. Ngài đích thân làm chứng cho điều này: “Tôi đã bị đóng đinh với Chúa Kitô; không còn phải là tôi sống nữa, mà là Đức Kitô sống trong tôi ”(Gl 2:20). Và ở phần cuối của bức Thư, ngài quả quyết: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (6:14).

Nếu chúng ta đánh mất sợi chỉ xuyên suốt đời sống thiêng liêng, nếu hàng ngàn vấn đề và suy nghĩ tấn công chúng ta, chúng ta hãy lưu ý lời khuyên của Thánh Phaolô: chúng ta hãy đặt mình trước Chúa Kitô bị đóng đinh, chúng ta hãy bắt đầu lại từ Người. Chúng ta hãy cầm lấy Tượng Chịu Nạn trong tay, ôm chặt nó vào lòng. Hoặc thậm chí chúng ta có thể dành chút thời gian để chầu Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu là Bánh được bẻ ra cho chúng ta, Bị đóng đinh, Phục sinh, là quyền năng của Thiên Chúa, Đấng tuôn đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta.

Và bây giờ, vẫn được Thánh Phaolô hướng dẫn, chúng ta hãy tiến thêm một bước nữa. Chúng ta hãy tự hỏi mình: điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta gặp Chúa Giêsu Bị đóng đinh trong lời cầu nguyện? Cùng một điều như đã diễn ra trên thập giá: Chúa Giêsu gục đầu xuống và trao Thần Khí (x. Ga 19:30), tức là Người đã hiến mạng sống của mình. Và Thần Khí tuôn ra cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu là nguồn suối của đời sống thiêng liêng. Người thay đổi các cõi lòng: không phải các việc làm của chúng ta. Người là Đấng thay đổi cõi lòng, không phải những điều chúng ta làm, nhưng hành động của Chúa Thánh Thần trong chúng ta thay đổi cõi lòng của chúng ta! Người hướng dẫn Giáo hội và chúng ta được kêu gọi tuân theo hành động của Người, Đấng thổi ở đâu và như thế nào tùy ý Người. Hơn nữa, chính việc ý thức rằng Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên mọi người, và ân sủng của Người đang hoạt động không loại trừ ai, đã thuyết phục ngay cả những Tông đồ miễn cưỡng nhất rằng Tin Mừng dành cho mọi người chứ không phải cho một số ít người được đặc ân. Và những người tìm kiếm sự an toàn, một nhóm nhỏ, tìm kiếm những điều rõ ràng như hồi đó, họ sống “như hồi đó”, họ xa cách với Chúa Thánh Thần, họ không cho phép Chúa Thánh Thần tự do đi vào trong họ. Như thế, đời sống cộng đồng được tái sinh trong Chúa Thánh Thần; và luôn luôn nhờ Người mà chúng ta nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu của mình và tiếp tục tham gia vào trận chiến thiêng liêng của chúng ta.

Chính cuộc chiến đấu thiêng liêng là một giáo huấn quan trọng khác trong Thư gửi tín hữu Galát. Thánh Tông đồ trình bày hai trận tuyến đối lập nhau: một bên là “công việc của xác thịt”, và bên kia là “hoa trái của Chúa Thánh Thần”. Công việc của xác thịt là gì? Đó là những tác phong trái với Thần Khí Thiên Chúa. Thánh Tông đồ gọi chúng là những công việc của xác thịt không phải vì có điều gì đó sai trái hoặc xấu xa về cơ thể con người chúng ta. Thay vào đó, chúng ta thấy ngài vốn nhấn mạnh đến thực tại xác thịt con người mà Chúa Kitô đã mang lên thập giá! Xác thịt là một từ ngữ chỉ chiều kích trần thế của con người, tự nó đóng khung trong cuộc sống hàng ngang, tuân theo bản năng thế gian và đóng cửa đối với Chúa Thánh Thần, Đấng nâng chúng ta lên và mở lòng chúng ta ra với Thiên Chúa và những người khác. Nhưng xác thịt cũng nhắc nhở chúng ta rằng mọi điều sẽ già đi, mọi điều sẽ qua đi, khô héo, trong khi Chúa Thánh Thần ban sự sống. Do đó, Thánh Phaolô liệt kê những việc làm của xác thịt qui chiếu vào việc sử dụng tính dục một cách ích kỷ, đến những thực hành ma thuật liên quan đến việc thờ ngẫu thần và tất cả những gì phá hoại các mối tương quan liên ngã như “thù hằn, ghen ghét, bất hòa, chia rẽ, bè phái, đố kỵ…” (x. Gl 5:19-21): tất cả những điều này là sự thật - chúng ta có thể nói như vậy – của xác thịt, của hành vi chỉ là “con người”, là con người bệnh hoạn. Vì làm người có giá trị của nó, nhưng đây là con người bệnh hoạn.

Trái lại, hoa trái của Chúa Thánh Thần là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5: 22-23), như thánh Phaolô đã viết. Các Kitô hữu, những người trong phép rửa đã “mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3:27), được mời gọi sống như vậy. Có thể là một cuộc linh thao tốt, chẳng hạn, như đọc bảng liệt kê của Thánh Phaolô và xét hành vi của chúng ta xem có tương ứng với nó hay không, nếu chúng ta thực sự sống theo Chúa Thánh Thần, nếu chúng ta muốn mang các hoa trái này của Người. Những hoa trái bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ: cuộc đời tôi có mang những hoa trái này không? Có phải Chúa Thánh Thần ban cho tôi hay không? Chẳng hạn, ba hoa trái đầu tiên được liệt kê là bác ái, hoan lạc, bình an: một người mà trong họ Chúa Thánh Thần cư ngụ có thể được nhận ra nhờ những đặc điểm này. Người sống bình an, người sống hoan lạc và người sống bác ái. Chúa Thánh Thần được nhìn thấy nhờ ba đặc điểm này.

Giáo huấn của Thánh Tông đồ cũng đặt ra một thách thức khá lớn cho các cộng đồng của chúng ta. Đôi khi, những người tiếp cận với Giáo hội có ấn tượng rằng họ đang phải đối diện với một khối dày đặc các quy tắc và luật lệ: nhưng không, đấy không phải là Giáo hội! Đấy có thể là bất cứ hiệp hội nào. Nhưng, trên thực tế, vẻ đẹp của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô không thể được nắm bắt dựa trên quá nhiều điều răn hay một nhãn quan luân lý được phát triển trong nhiều lớp lang có thể làm chúng ta quên mất tính đơm hoa kết trái nguyên thủy của tình yêu được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện, từ đó chứng tá bình an và hoan lạc phát sinh. Cũng vậy, sự sống của Chúa Thánh Thần, được phát biểu trong các Bí tích, không thể bị bóp nghẹt bởi một hệ thống quan liêu luôn ngăn cản ta lãnh nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng khơi mào cho việc hoán cải cõi lòng. Và biết bao lần chính chúng ta, các linh mục hay giám mục, tuân theo quá nhiều thủ tục bàn giấy trong việc ban bí tích, tiếp đón người ta, đến nỗi họ nói: “Không, tôi không thích điều đó”, và họ không đến, và nhiều lần họ không thấy nơi chúng ta quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng tái sinh, Đấng làm cho mọi người trở nên mới mẻ. Do đó, chúng ta có trách nhiệm to lớn phải loan báo Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại, được hơi thở của Thần khí yêu thương làm cho sinh động. Vì chính một mình Tình yêu này mới có sức mạnh thu hút và thay đổi cõi lòng con người. Cảm ơn anh chị em