Lúc 11g sáng thứ Năm 4 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô và các vị trong Giáo triều Rôma đã đồng tế thánh lễ tại bàn thờ Ngai Tòa bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô để cầu nguyện cho một số đông đảo đến mức choáng váng các Giám Mục, Tổng Giám Mục và Hồng Y qua đời trong khoảng thời gian 12 tháng qua.
Tổng cộng có đến 17 Hồng Y, và 191 Giám Mục và Tổng Giám Mục đã ly trần chỉ trong vòng một năm. Tuổi già là một yếu tố nhưng như Đức Thánh Cha nói trong bài giảng của ngài, nhiều vị đã ra đi vì coronavirus.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Anh chị em thân mến, việc học nghệ thuật chờ đợi Chúa quan trọng biết bao! Chờ đợi Ngài một cách thanh thản, tự tin, xua đuổi những bóng ma, những kẻ cuồng tín và những tiếng ồn ào; giữ gìn, đặc biệt là trong thời gian thử thách, một sự im lặng đầy hy vọng. Đây là cách chúng ta chuẩn bị cho thử thách cuối cùng và lớn nhất của cuộc sống, là cái chết. Nhưng trước hết là những thử thách của thời điểm này, có những thập giá mà chúng ta đang phải mang vác, và chúng ta cầu xin Chúa ban cho ân sủng để có thể chờ đợi ở đó, ngay tại đó, cho sự cứu rỗi sắp đến từ Ngài.
Mỗi chúng ta cần trưởng thành trong việc này. Trước những khó khăn, rắc rối của cuộc sống, khó mà có được sự kiên nhẫn và khó giữ được bình tĩnh. Sự khó chịu tăng lên và sự chán nản thường đến. Do đó, chúng ta có thể bị cám dỗ mạnh mẽ bởi sự bi quan và cam chịu, nhìn thấy mọi thứ đen đủi, quen dần với những giọng điệu chán nản và những lời than thở, tương tự như lời của tác giả bài đọc Một nói lúc đầu nói: “Tôi tự nhủ: cuộc sống của mình nay chấm dứt, hy vọng nơi Chúa cũng tiêu tan” (câu 18). Trong thử thách, ngay cả những ký ức tốt đẹp trong quá khứ cũng không thể an ủi được, bởi vì phiền não khiến tâm trí chúng ta chú tâm vào những khoảnh khắc khó khăn. Và điều này càng làm tăng thêm nỗi chua xót, dường như cuộc đời là một chuỗi bất hạnh liên tiếp, như chính tác giả thừa nhận: “cuộc đời con vất vưởng ngậm đắng nuốt cay.” (câu 19).
Tuy nhiên, tại thời điểm này, Chúa đưa ra một bước ngoặt, chính xác là vào thời điểm mà trong khi tiếp tục đối thoại với Ngài, dường như mọi sự đã đến đường cùng. Trong vực thẳm, trong nỗi thống khổ của điều vô nghĩa, Chúa đến gần để cứu, trong khoảnh khắc đó. Và khi sự cay đắng lên đến đỉnh điểm, niềm hy vọng lại bất ngờ nở rộ. Thật là tồi tệ khi chúng ta đến tuổi già cùng với một trái tim cay đắng, một trái tim thất vọng, một trái tim phê phán những điều mới lạ, thật là khó. Tác giả sách Ai Ca nói: “Đây là điều con suy đi gẫm lại, nhờ thế mà con vững dạ cậy trông” (câu 21). Hãy lấy lại hy vọng trong giây phút cay đắng. Trong cơn đau đớn, ai ở gần Chúa mới thấy Ngài mở đau khổ ra, biến nó thành một cánh cửa để hy vọng đi vào. Đó là một kinh nghiệm Phục sinh, một chặng đường đau thương mở ra cuộc sống.
Bước ngoặt này xảy ra không phải vì các vấn đề đã biến mất, không, nhưng bởi vì cuộc khủng hoảng đã trở thành một cơ hội mầu nhiệm để thanh lọc nội tâm. An khang thịnh vượng, trên thực tế, thường khiến chúng ta trở nên mù quáng, hời hợt, kiêu hãnh. Đó là cách mà sự sung túc lèo lái chúng ta. Mặt khác, việc vượt qua thử thách, nếu được sống trong niềm tin nồng nhiệt, bất chấp sự khó khăn và nước mắt, khiến chúng ta được tái sinh, và chúng ta thấy mình khác với quá khứ. Một Giáo Phụ của Giáo Hội đã viết rằng “đau khổ là điều tốt nhất dẫn chúng ta đến việc khám phá những điều mới” (Thánh Grêgôriô Thành Nazianzo, Ep. 34). Thử thách đổi mới, bởi vì nó giật sập nhiều thứ lãng phí và dạy chúng ta nhìn xa hơn, vượt ra ngoài bóng tối, để tận mắt chạm vào thực tại rằng Chúa thực sự cứu độ và Ngài có quyền năng biến đổi mọi thứ, ngay cả cái chết. Ngài để chúng ta vượt qua những nút thắt không phải để bỏ rơi chúng ta, mà là để đồng hành cùng chúng ta. Vâng, vì Chúa luôn đồng hành, đặc biệt trong những cơn đau, như một người cha làm cho con mình phát triển tốt bằng cách ở bên cạnh con trong khó khăn mà không làm thay cho con. Và trước khi chúng ta để những giọt lệ lăn trên khuôn mặt của chúng ta, đôi mắt của Thiên Chúa là Cha chúng ta đã đỏ lên vì mủi lòng. Người khóc trước chúng ta, tôi dám nói như thế. Đau đớn vẫn còn là một mầu nhiệm, nhưng trong mầu nhiệm này, chúng ta có thể khám phá theo một cách mới về tình phụ tử của Thiên Chúa, Đấng đến thăm chúng ta trong thử thách, và đến nói với tác giả của sách Ai Ca: “Chúa xử tốt với ai tin cậy Người, với ai hết lòng tìm kiếm Chúa” (câu 25).
Ngày nay, đối diện với mầu nhiệm của cái chết được cứu chuộc, chúng ta cầu xin ân sủng để nhìn nghịch cảnh bằng con mắt khác. Chúng ta hãy xin thêm sức mạnh để biết sống trong thinh lặng thanh thản và vững dạ chờ mong Chúa cứu độ, không than phiền, không cằn nhằn, không để mình ngã lòng. Điều xem ra là một hình phạt cuối cùng lại hóa ra là một ân sủng, là một minh chứng mới về tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Biết cách chờ đợi ơn cứu rỗi của Chúa trong im lặng - không huyên thuyên, nhưng trong im lặng - là một nghệ thuật, trên con đường nên thánh. Hãy phát triển nó. Thật là quý giá trong thời đại chúng ta đang sống: bây giờ, hơn bao giờ hết, không cần phải la hét, kích động kêu gào, than thở; mỗi người cần làm chứng cho đức tin, đó là một niềm tin ngoan ngoãn và đầy hy vọng với cuộc sống của mình. Niềm tin là thế này: ngoan ngoãn và hy vọng chờ đợi. Người Kitô hữu không giảm bớt sức nặng của đau khổ, không, nhưng người ấy nhìn lên Chúa và dưới đòn thử thách, người ấy tin cậy vào Người và cầu nguyện: người ấy cầu nguyện cho những người đau khổ. Người ấy luôn hướng mắt về Thiên đàng, nhưng đôi tay luôn dang rộng trên mặt đất, để phục vụ người lân cận một cách cụ thể. Ngay cả trong khoảnh khắc của nỗi buồn, của bóng tối, luôn có sự phục vụ.
Với tinh thần này, chúng ta hãy cầu nguyện cho các vị Hồng Y và Giám mục đã rời xa chúng ta trong năm qua. Nhiều người trong số các ngài đã chết vì Covid-19, trong những tình huống khó khăn làm trầm trọng thêm sự đau khổ. Xin cho những anh em này của chúng ta bây giờ được hưởng niềm vui từ lời mời gọi của Tin Mừng, lời mà Chúa nói với các đầy tớ trung thành của Người: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.” (Mt 25: 34).
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana