Bộ Y tế Ba Lan đã đưa ra một tuyên bố hôm Chúa Nhật làm rõ rằng việc phá thai có thể được thực hiện khi tính mạng của người mẹ gặp rủi ro.
Tuyên bố được đưa ra sau các cuộc biểu tình ở một số thành phố trên khắp đất nước sau khi một luật sư cho rằng luật phá thai của nước này phải chịu trách nhiệm cho cái chết của một phụ nữ 30 tuổi khi cô ấy đang mang thai đến tuần thứ 22. Một số nhà thờ Công Giáo đã bị tấn công.
“Trong trường hợp xảy ra tình huống đe dọa đến tính mạng hoặc sức khỏe của người phụ nữ ví dụ như nghi ngờ nhiễm trùng khoang tử cung, băng huyết, v.v., việc chấm dứt thai kỳ là hợp pháp”, tuyên bố cho biết như trên khi đề cập đến luật đã được thông qua vào năm 1993, cho phép phá thai trong các trường hợp thứ nhất là hiếp dâm hoặc loạn luân; thứ hai là nếu tính mạng hoặc sức khỏe của người mẹ gặp rủi ro; và thứ ba là thai nhi có những bất thường.
Trong tuyên bố ngày 7 tháng 11, Bộ Y tế cho biết “cần phải nhấn mạnh rằng các bác sĩ không được sợ hãi khi đưa ra các quyết định rõ ràng dựa trên kinh nghiệm và kiến thức y khoa sẵn có của họ.”
Vào tháng 10 năm 2020, Tòa án Hiến pháp đã ra phán quyết rằng việc phá thai đối với trường hợp thứ ba, khi một đứa trẻ có những bất thường, là vi hiến. Việc sửa đổi luật có hiệu lực vào ngày 27 tháng Giêng, khi phán quyết được công bố trên Tạp chí Luật của nước này. Như thế, luật mới của Ba Lan vẫn cho phép phá thai trong 2 trường hợp hiếp dâm hoặc loạn luân; hay nếu tính mạng hoặc sức khỏe của người mẹ gặp rủi ro.
Người phụ nữ, chỉ được gọi là Izabela, đã chết vì nhiễm trùng huyết vào ngày 22 tháng 9 tại một bệnh viện ở Pszczyna. Theo một báo cáo, thai nhi của cô bị thiếu nước ối và cô đã gặp phải các biến chứng trong suốt thai kỳ.
Luật sư của gia đình, Jolanta Budzowska, lập luận rằng các quy định hạn chế chặt chẽ hơn đối với việc phá thai ở Ba Lan kể từ phán quyết tháng 10 năm 2020 khiến các bác sĩ phải “chờ đứa bé chết” thay vì thực hiện phá thai.
“Chúng tôi bày tỏ sự cảm thông và tiếc thương chân thành đến gia đình của bệnh nhân đã qua đời,” ban quản lý bệnh viện Pszczyna cho biết trong một tuyên bố.
Các cuộc biểu tình im lặng phản đối lệnh cấm phá thai đã được tổ chức ở Krakow, Warsaw và Gdansk vào ngày 1 tháng 11, để đáp lại những cáo buộc của luật sư. Theo BBC, bệnh viện cho biết quyết định của họ dựa trên sự lo lắng cho hai mẹ con.
Bệnh viện ở Pszczyna đã đồng ý “hoàn toàn công khai hợp tác với tất cả các cơ quan có thẩm quyền” trong quá trình điều tra và báo cáo rằng hai bác sĩ làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân đã bị đình chỉ trong khi tình hình đang được xem xét.
Khi luật hiện hành của Ba Lan có hiệu lực vào tháng Giêng năm 2021, Tòa án Hiến pháp khẳng định rằng “một đứa trẻ chưa sinh, với tư cách là một con người - một người được hưởng phẩm giá bẩm sinh và bất khả xâm phạm, một đối tượng có quyền được sống; và hệ thống pháp luật, theo Điều 38 của Hiến pháp, phải bảo bảo đảm sự bảo vệ thích đáng cho lợi ích trung tâm này”.
Trước khi luật mới có hiệu lựv. dữ liệu của Bộ Y tế cho thấy 40% các ca nạo phá thai là do phát hiện thai nhi mắc hội chứng Down.
Source:Catholic News Agency