Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trước thềm cuộc họp khoáng đại của các Giám Mục Hoa Kỳ, hôm 11 tháng 11, ông đã có một bài nhận định nhan đề “Bishops, Public Officials, and Holy Communion: Once Again”, nghĩa là “Một lần nữa nói về các Giám mục, những công chức, và việc Rước lễ.”
Tại Hoa Kỳ có hai tờ báo có tên khá giống nhau là National Catholic Register, với chủ trương phò sinh và đề cao các giáo huấn của Giáo Hội; và một tờ khác là National Catholic Reporter, với chủ trương phò lựa chọn, hay pro-choice, hay nói cụ thể là phò phá thai. Trong những ngày này, National Catholic Reporter tung ra luận điểm cho rằng Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đang vũ khí hóa bí tích Thánh Thể để chống lại cá nhân ông Joe Biden và bà Nancy Pelosi.
Trong bài này, Tiến sĩ George Weigel, giải thích lập trường của các Giám Mục Hoa Kỳ. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh
Khi Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ chuẩn bị nhóm họp tại Baltimore, các quan niệm sai lầm về một dự thảo tuyên bố của hội nghị liên quan đến sức sống thánh thể và tính toàn vẹn của Giáo hội ở Hoa Kỳ đã bùng lên. Sự nhầm lẫn bắt nguồn từ các nguồn tin Công Giáo trực tuyến và các phương tiện truyền thông xã hội, đã trở nên trầm trọng hơn bởi một cơ quan báo chí luôn xuyên tạc những gì các giám mục đang làm. Tôi hy vọng những điều làm rõ sau đây là hữu ích.
Dự thảo tuyên bố không nhắm chủ yếu vào các chính trị gia. Giáo Hội Công Giáo là một Giáo Hội thánh thể; như Thánh Gioan Phaolô II đã viết trong thông điệp cuối cùng của ngài, “Giáo hội kín múc sự sống của mình từ Bí tích Thánh Thể”. Khi niềm tin Công Giáo vào mầu nhiệm Thánh Thể - tức là sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô giữa chúng ta – phai nhạt, thì Giáo hội sẽ tàn lụi. Khi việc thực hành thánh thể sa sút, Giáo hội mắc phải căn bệnh hao mòn. Đức tin thánh thể nhạt nhòa và thực hành thánh thể lỏng lẻo đã là những nét đặc trưng của đời sống Công Giáo Hoa Kỳ trong nhiều thập kỷ. Các giám mục đã quyết tâm giải quyết “tình trạng thâm hụt thánh thể” này trước khi COVID-19 đẩy nhanh sự sụt giảm số lượng người tham dự Thánh lễ, trước cả khi ông Biden được tuyên bố là ứng cử viên tổng thống, và trước khi bà Pelosi định nghĩa lại việc giết thai nhi là “chăm sóc sức khỏe sinh sản”.
Bất cứ điều gì các giám mục nói về hoàn cảnh giáo hội và cá nhân của các quan chức Công Giáo có những hành động phủ nhận những chân lý thiết yếu, đã được dạy dỗ dứt khoát của đức tin Công Giáo, đều đã được đề cập đến trong bối cảnh rộng lớn hơn, đó là là sự háo hức của các giám mục trong việc phục hồi sức sống và lòng tôn kính Thánh Thể trong toàn Giáo hội. Tuy nhiên, việc hồi sinh một Giáo hội thánh thể đòi hỏi những người trong Giáo hội phải có một sự rõ ràng mới về bản chất của cộng đồng thánh thể — và những hành động nào khiến người Công Giáo xa lánh thánh thể.
Các giám mục không bao giờ có ý định đưa ra một tuyên bố “từ chối” Rước lễ cho Tổng thống Biden. Câu thần chú trên phương tiện truyền thông rằng “một số giám mục bảo thủ” muốn “từ chối” việc rước lễ cho Tổng thống Biden đã được lặp đi lặp lại thường xuyên đến mức làm cho người ta tin là thật. Không phải như thế, và chưa bao giờ như thế. Sự thật thẳng thắn của vấn đề là Điều 1405 của Bộ Giáo luật trong đó trao cho Đức Giáo Hoàng quyền áp đặt các hình phạt của giáo hội đối với các nguyên thủ quốc gia. Nhưng điều đó không hề kết thúc vấn đề: không hề.
Vấn đề xứng đáng để Rước Lễ không chỉ giới hạn trong câu hỏi liệu ai đó có đang ở trong tình trạng mắc tội trọng hay không. Chẳng có tin tức nào nói rằng quan niệm về tội trọng đã bị suy giảm nghiêm trọng trong Giáo Hội Công Giáo ở thế kỷ 21. Và điều chắc chắn đúng là, nếu ý thức mình đang ở trong tình trạng tội trọng, người ta nên tìm kiếm sự hòa giải với Thiên Chúa và Hội Thánh qua bí tích hòa giải trước khi rước lễ; đây là nền tảng của đạo Công Giáo, bắt nguồn từ thư thứ nhất của Thánh Phaolô gởi các tín hữu thành Cô-rinh-tô (1 Cr 11: 27–29): “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống bất xứng với Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”. Nhưng sự thiếu hiểu biết hoặc không có khả năng phán đoán về trí tuệ và đạo đức có thể khiến những người thiếu năng lực như vậy không mắc phạm tội trọng. Vì vậy, vấn đề xứng đáng để rước lễ không nên chỉ đóng khung trong phạm vi tội trọng.
Hơn nữa, đó không phải chỉ là vấn đề với các quan chức Công Giáo, những người có hành động cố ý thúc đẩy văn hóa cái chết. Không ai biết liệu những người đàn ông và đàn bà này có đang ở trong tình trạng trọng tội hay không. Những gì chúng ta biết, và những gì chúng ta không thể nào mà lại không biết, là những người đàn ông và đàn bà này đã tuyên bố, bằng những hành động công khai của họ, rằng họ không hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo. Đó là lý do tại sao, vì sự liêm chính của mình, họ không nên ra mặt để rước lễ. Nếu họ ngoan cố cứ làm như vậy, ngay cả khi đã được hướng dẫn và khuyên bảo thích hợp, thì các mục tử của Hội Thánh nên hướng dẫn họ không được hành động trong Thánh Lễ như thể họ đang hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh.
Các sự kiện gần đây ở Rôma không có gì thay đổi. Bất kể Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói gì hay không nói gì vào ngày 29 tháng 10 với Tổng thống Biden - người đã được biết đến với các thành tích xuyên tạc trước đây - vấn đề cơ bản trước các giám mục vẫn là sức sống thánh thể của Giáo hội tại Hoa Kỳ. Để tái lập một đạo Công Giáo sôi nổi về thánh thể sẽ mất nhiều năm dạy giáo lý và rao giảng hiệu quả, và những nỗ lực đó không thể bắt đầu ngay. Tuy nhiên, việc phục hưng Thánh Thể sẽ bị cản trở nghiêm trọng, nếu các giám mục không thẳng thắn giải quyết việc rước lễ bởi những người không hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội — và kêu gọi những người Công Giáo lạc đàn này ăn năn và hoán cải sâu sắc hơn với Chúa, điều này sẽ cho phép họ rước lễ một cách toàn vẹn với tư cách là những chi thể được hòa giải trong Nhiệm Thể Chúa Kitô.
Source:First Things