Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Síp và Hy Lạp từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 12. Đây là chuyến tông du thứ 35 của Đức Thánh Cha trong triều Giáo Hoàng của ngài, và là chuyến tông du thứ ba sau khi đại dịch coronavirus bùng phát trên thế giới làm gián đoạn các chuyến tông du của ngài trong 15 tháng.

Tổng quan

Síp, tiếng Anh là Cyprus /saɪ-pɹəs/, có tên gọi chính thức là Cộng hòa Síp, là một đảo quốc có chủ quyền nằm tại phần phía đông của biển Địa Trung Hải. Đây là đảo có diện tích và dân số lớn thứ 3 trong biển này chỉ sau Sicily và Sardinia của Ý. Diện tích tổng cộng là 9,250 km2, trong đó có 10km2 là lãnh hải.

Síp nằm về phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ, phía tây của Syria và Li Băng, cách bờ biển Nam Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 80 km. Vị trí bao quát và thuận lợi trên các đường dẫn đến kênh đào Suez đã nâng cao tầm quan trọng về chiến lược của đảo quốc này. Hai dãy núi Kyrenias trải dài ở bờ biển phía Bắc và dãy Troodhos phía Tây Nam chiếm phần lớn đất đai trên đảo, bị phân cách bởi đồng bằng trũng trải dài ở giữa.

Theo các bằng chứng khảo cổ học thì con người đã có những hoạt động đầu tiên trên đảo từ khoảng thiên niên kỷ thứ 10 trước Chúa Giáng Sinh và nơi đây có một số di tích giếng nước thuộc vào hàng cổ nhất trên thế giới. Người Hy Lạp bắt đầu đến định cư tại đảo vào thiên niên kỷ 2 trước Chúa Giáng Sinh. Do có vị trí chiến lược, hòn đảo đã lần lượt bị nhiều thế lực lớn chiếm đóng, như Đế quốc Assyriô, Ai Cập và Ba Tư, Đế quốc Ottoman, và sau đó là người Anh.

Ngày nay Síp là một quốc gia có chủ quyền, và là một địa điểm du lịch lớn, nổi tiếng tại Địa Trung Hải. Síp có một nền kinh tế tiên tiến với thu nhập cao, đồng thời có chỉ số phát triển nhân văn rất cao. Cộng hoà Síp là một thành viên của Khối Thịnh vượng chung Anh từ năm 1961 và là một thành viên tham gia sáng lập của Phong trào không liên kết tuy nhiên, nước này đã rời khỏi phong trào khi gia nhập Liên minh Âu Châu vào năm 2004.

Dân số của Síp là 776,000 dân trong đó 77% là người Hy Lạp, 18% là người Thổ Nhĩ Kỳ và số còn lại nhập cư từ các quốc gia khác, nhiều nhất là người Li Băng. Tháng 7 năm 2006, hòn đảo trở thành một thiên đường an toàn cho những người Li Băng tị nạn vì cuộc xung đột giữa Israel và quân du kích Hezbollah.

78% dân số theo Chính Thống Giáo Hy Lạp và 18% theo Hồi Giáo.

Lịch sử cận đại

Đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ đã cai trị hòn đảo này từ năm 1571 đến 1878. Sau đó, Síp nằm dưới quyền quản trị của Đế quốc Anh vào năm 1878 và chính thức bị Anh Quốc thôn tính vào năm 1914. Sau giai đoạn đấu tranh giành độc lập bằng hình thức dân tộc chủ nghĩa bạo lực trong thập niên 1950, Síp chính thức được trao trả độc lập vào năm 1960.

Năm 1963, bạo lực giữa hai cộng đồng người Síp gốc Hy Lạp và gốc Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nổ ra, rồi sau đó kết thúc khi đại diện của cộng đồng gốc Thổ Nhĩ Kỳ có được vị trí trong chính phủ. Ngày 15 tháng 7 năm 1974, các phần tử dân tộc chủ nghĩa gốc Hy Lạp tiến hành đảo chính trong nỗ lực nhằm hợp nhất hòn đảo vào Hy Lạp.

Động thái này dẫn tới việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội xâm chiếm Síp 5 ngày sau đó. Thổ Nhĩ Kỳ chiếm được một phần lãnh thổ nay là Bắc Síp. Ước tính có trên 150,000 người Síp gốc Hy Lạp và 50,000 người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ phải di chuyển chỗ ở. Một nhà nước ly khai của người Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập vào năm 1983. Tuy nhiên, động thái này bị cộng đồng quốc tế lên án và chỉ có duy nhất Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia công nhận nhà nước mới này. Tranh chấp vẫn tiếp tục diễn ra cho đến tận ngày nay.

Chính trị

Síp là một quốc gia cộng hoà theo Tổng thống chế. Lãnh đạo nhà nước và lãnh đạo chính phủ là Tổng thống, tổng thống được bầu qua một quá trình phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ 5 năm. Quyền hành pháp do chính phủ đảm nhiệm và quyền lập pháp thuộc Nghị viện trong khi nhánh Tư pháp độc lập với cả nhánh lập pháp và hành pháp.

Hiến pháp năm 1960 quy định hành pháp, do một Tổng thống Síp gốc Hy Lạp và một Phó tổng thống Síp gốc Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu. Hai người này được các cộng đồng của mình bầu lên với nhiệm kỳ 5 năm và mỗi người đều có quyền phủ quyết đối với một số quyết định hành pháp và lập pháp. Quyền lập pháp thuộc Nghị viện, với các đại biểu cũng được bầu lên trên căn bản tỷ lệ người Síp gốc Hy Lạp và gốc Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Síp hiện nay là ông Nicos Anastasiades. Ông sinh ngày 27 tháng 9 năm 1946 đã giữ chức Tổng thống Síp từ năm 2013. Ông tái đắc cử vào năm 2018. Trước đó, ông là lãnh đạo của Đảng Dân chủ từ năm 1997 đến năm 2013 và là Thành viên Quốc hội thuộc đơn vị Limassol từ năm 1981 đến năm 2013.

Ông theo Chính Thống Giáo Hy Lạp, đã kết hôn với Andri Moustakoudi vào năm 1971 và họ có hai con gái. Ông có một anh trai sinh đôi và một em gái. Gia đình Anastasiades đã hai lần bị dính líu vào các tai tiếng liên quan đến thị thực nhập cảnh. Năm 2001, anh trai sinh đôi của anh, là Pambos Anastasiades, bị kết án 18 tháng tù giam vì vai trò của anh ta trong một vụ bê bối về giấy phép lao động, được giới truyền thông gọi là “thị thực màu hồng”, cụ thể là giấy phép lao động cho phụ nữ nước ngoài làm việc trong ngành mại dâm bất hợp pháp. Năm 2019, gia đình Anastasiades lại dính líu với vụ “thị thực vàng” thu tiền của các doanh nhân Nga được cấp quyền công dân Síp.

Giáo Hội Công Giáo tại Síp

Đa số người Síp gốc Hy Lạp là thành viên của Giáo hội Chính thống Hy Lạp, trong khi hầu hết người Síp Thổ Nhĩ Kỳ là tín đồ Hồi giáo Sunni. Síp được kể là một trong những quốc gia có số người vô thần ít nhất tại Liên minh Âu Châu, cùng với Malta, Rumani, Hy Lạp và Ba Lan.

Tổng thống đầu tiên của Síp, Makarios III, là một Đức Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo. Giáo hội Chính thống Síp được coi là quốc giáo.

Sự hiện diện của người Armenia ở Síp có từ năm 578. Hiện tại, Giáo Hội Armenia Tông Truyền vẫn duy trì được sự hiện diện đáng chú ý của mình với khoảng 3,500 người, chủ yếu sinh sống ở các khu vực đô thị Nicosia, Larnaca và Limassol.

Các tu sĩ dòng Phanxicô đã có mặt ở Síp kể từ khi Dòng Phanxicô được thành lập. Thật vậy, Thánh Phanxicô thành Assisi sinh năm 1182 và qua đời năm 1226, đấng sáng lập Dòng Phanxicô, đã đi qua Síp trong chuyến hành trình đến các Thánh Địa. Vào ngày 24 tháng 6 năm 1219, Thánh Phanxicô khởi hành từ Ancona, Ý, để đi đến Akko, một thị trấn phía bắc của Palestine trước khi đến Damietta, Ai Cập. Vào thời đó, tàu chủ yếu là tàu tuần duyên, tức là tầu chạy dọc theo bờ biển chứ không có tầu lớn vượt biển. Thời đó, từ Ancona muốn đến các bờ biển của Palestine, thì phải đáp một con tàu chạy dọc theo các cảng dọc theo bờ biển của Ý, Hy Lạp, xung quanh bán đảo Peloponese, Crete, quần đảo Cyclades, bờ biển Anatolia, đảo Rhodes, Cyprus, và cuối cùng đến Akko.

Người ta tin rằng Thánh Phanxicô đã dừng chân ở Síp một thời gian và nhìn thấy hòn đảo xinh đẹp này. Trong nhà thờ Công Giáo ở Kyrenia có một viên đá cẩm thạch nhỏ được chạm khắc những hình ảnh tượng trưng cho Thánh Phanxicô và một số anh em của ngài xuống tàu tại bến cảng Kyrenia. Có một điều chắc chắn là các tu sĩ Phanxicô đã ở Síp khi Thánh Phanxicô vẫn còn sống.

Hiện nay, Giáo Hội tại Síp có bốn giáo xứ, thuộc Tòa Thượng Phụ Latinh Giêrusalem. Đó là Nhà thờ Thánh Giá ở thủ đô Nicosia, Nhà thờ Thánh Catêrina ở quận Limassol, Nhà thờ Đức Mẹ Đầy Ân Phúc ở quận Larnaca, Nhà thờ Thánh Phaolô ở quận Paphos.

Người Công Giáo chỉ mới có mặt một cách đáng kể tại Síp từ tháng 7 năm 2006, sau cuộc giao tranh kinh hoàng giữa Israel và quân du kích Hezbollah, khiến người Công Giáo Li Băng chạy qua đây. Đến nay, có khoảng 10,000 người Công Giáo ở Síp, tương ứng với hơn 1% dân số. Hầu hết người Công Giáo ở Síp theo nghi lễ Maronite.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha

Theo dự trù, ngày thứ Năm, 2 tháng 12, Đức Thánh Cha sẽ rời Rôma để bay đến quốc đảo Síp, hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Larnaca lúc 3 giờ chiều, nơi sẽ có lễ nghi chào đón chính thức. Vào lúc 4 giờ chiều, ngài sẽ gặp gỡ các linh mục, những người thánh hiến, phó tế, giáo lý viên, và các thành viên của các hiệp hội Tông đồ hiện diện ở Síp tại Nhà thờ Đức Mẹ Đầy Ân Phúc của Công Giáo nghi lễ Maronite. Sau đó lúc 17h15, sẽ có lễ nghi đón tiếp tại Phủ Tổng thống Nicosia. Kế đó, là cuộc gặp gỡ xã giao với Tổng thống Síp và cuộc gặp gỡ với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Ngày hôm sau, vào sáng thứ Sáu, Đức Giáo Hoàng sẽ có chuyến thăm xã giao tới Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos II, Tổng Giám mục Chính thống của Síp tại Tòa Tổng Giám mục ở Nicosia, sau đó là cuộc gặp với Thánh Công Đồng tại Nhà thờ Chính thống ở Nicosia. Kế tiếp, Đức Thánh Cha sẽ cử hành một thánh lễ tại “Sân vận động GSP” ở Nicosia. Vào buổi chiều, ngài sẽ tham dự một buổi Cầu nguyện Đại kết với những người Di cư tại Nhà thờ Giáo xứ Thánh Giá ở Nicosia.

Thứ Bảy, 4 tháng 12, Đức Giáo Hoàng sẽ rời Síp để bay đến thủ đô Hy Lạp là Athens, hay còn gọi là Nhã Điển.
Source:Wiki