Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Síp và Hy Lạp từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 12. Đây là chuyến tông du thứ 35 của Đức Thánh Cha trong triều Giáo Hoàng của ngài, và là chuyến tông du thứ ba sau khi đại dịch coronavirus bùng phát trên thế giới làm gián đoạn các chuyến tông du của ngài trong 15 tháng.

Tổng quan

Hy Lạp, tên gọi chính thức là Cộng hòa Hy Lạp, là một quốc gia có chủ quyền thuộc khu vực Nam Âu. Hy Lạp nằm ở phía nam của bán đảo Balkan, giáp với Albania, Bắc Macedonia và Bulgaria về phía bắc, Thổ Nhĩ Kỳ và biển Aegea bao bọc phía đông và phía nam đất nước còn biển Ionia nằm ở phía tây. Phần lớn địa hình của Hy Lạp là núi non hiểm trở. Lãnh thổ Hy Lạp có rất nhiều những hòn đảo lớn nhỏ thuộc khu vực biển Địa Trung Hải.

Hy Lạp rộng 131,957 km2 trong đó có 130,647 km2 là đất liền và 1,310 km2 lãnh hải.

Hy Lạp là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của thời kỳ cổ đại, có ảnh hưởng sâu rộng đến các nền văn minh khác xung quanh khu vực Địa Trung Hải cũng như để lại nhiều di sản, thành tựu triết học, tôn giáo, văn hóa, khoa học, nghệ thuật cho nhân loại tới tận ngày nay. Đây là nơi ra đời của nền dân chủ, triết học phương Tây, Thế vận hội Olympic cùng rất nhiều phát minh, sáng chế, nghiên cứu khoa học, nghệ thuật khác. Đến thời kỳ trung cổ, Hy Lạp trở thành một bộ phận của Đế chế Byzantine, rồi sau đó lại nằm trong Đế chế Ottoman trong gần 4 thế kỷ. Năm 1821, người Hy Lạp nổi dậy khởi nghĩa, đấu tranh giành độc lập.

Đất nước Hy Lạp ngày nay là một quốc gia phát triển. Hy Lạp là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc, NATO, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Tổ chức Thương mại Thế giới. Năm 1981, Hy Lạp trở thành một thành viên của Liên minh Âu Châu.

Thủ đô của Hy Lạp là Athens hay còn gọi là Nhã Điển. Theo ước tính vào tháng 7 năm nay, Hy Lạp có 10,570,000 dân, trong đó 90% theo Chính Thống Giáo Hy Lạp, và 2% theo Hồi Giáo.

Lịch sử cận đại

Vào khoảng cuối thế kỷ III, Đế chế La Mã phân chia thành hai phần: phía tây và phía đông. Hy Lạp trở thành một phần của Đế chế Đông La Mã, sau này đổi tên thành Đế chế Byzantine. Đế chế Byzantine là một nhà nước trung cổ theo Kitô Giáo, trong đó tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ chính thức. Tuy nhiên sau đó, đế chế này đã dần dần bị suy yếu trước những cuộc tấn công của người Hồi giáo và cuối cùng sụp đổ vào năm 1453.

Dưới sự cai trị tàn bạo của Đế chế Ottoman theo Hồi giáo, một bộ phận lớn trí thức người Hy Lạp đã nhập cư vào Tây Âu, đặc biệt là Ý. Họ đã góp phần rất lớn trong Phong trào Phục hưng tại Âu Châu thời trung cổ. Một bộ phận khác thì rời bỏ bán đảo Hy Lạp và đến sống tại những vùng núi hoang vu hẻo lánh hay những hòn đảo trên biển Aegean, nơi mà Đế chế Ottoman không thể áp đặt hệ thống chính trị và tôn giáo của họ lên người Hy Lạp. Những cộng đồng người Hy Lạp được củng cố với nhau do cùng chung cơ sở tôn giáo là Chính thống giáo và tôn giáo đã đóng vai trò khá quan trọng trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho Hy Lạp sau này.

Tháng 3 năm 1821, cuộc chiến tranh giành độc lập Hy Lạp chống lại Đế chế Ottoman bùng nổ mạnh mẽ. Cuộc chiến này kéo dài cho đến tận năm 1829, khi nền độc lập của nước Hy Lạp non trẻ chính thức được công nhận tại Nghị định thư Luân Đôn. Năm 1832, Đế chế Ottoman đã phải thừa nhận nền độc lập của Hy Lạp trong Hiệp ước Constantinople.

Ngày 28 tháng 10 năm 1940, nhà độc tài Ý Benito Mussolini gửi tối hậu thư yêu cầu Hy Lạp đầu hàng và cho quân phát xít chiếm đóng lãnh thổ. Người Hy Lạp đã kiên quyết nói không và đứng về phe Đồng Minh chống lại lực lượng phát xít. Ngay lập tức, quân phát xít Ý đã tràn vào chiếm đóng Hy Lạp từ miền nam Albania nhưng đã vấp phải sự kháng cự hiệu quả của quân đội Hy Lạp. Tiếp theo đó là trận đánh tại dãy núi Pinlus đã khiến cho quân Mussolini bị đẩy lùi. Lúc đó, Adolf Hitler mới nhận ra vị trí chiến lược của Hy Lạp và hạ lệnh cho quân phát xít Đức và Bulgaria tràn vào lãnh thổ nước này.

Sự xâm lược của phát xít Đức vào ngày 6 tháng 4 năm 1941 đã hoàn thành việc chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Hy Lạp. Nước này trở thành một chiến trường ác liệt cho đến ngày 12 tháng 10 năm 1944, khi thành phố Athens được quân Đồng Minh giải phóng. Trong thời gian cai trị của phát xít Đức, nhiều người Do Thái tại Hy Lạp đã bị đẩy vào các trại tập trung và giết hại. Nạn đói sau chiến tranh đã giết chết khoảng 300.000 người.

Sau khi được giải phóng khỏi ách cai trị của phát xít Đức, cuộc nội chiến Hy Lạp bùng nổ giữa những người cánh tả và cánh hữu. Cuộc chiến kéo dài từ năm 1946 đến năm 1949, khi lực lượng cánh tả bị đánh bại tại trận Grammos-Vitsi. Trong các thập niên 1950, 1960, Hy Lạp đã đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và vững chắc do nằm trong Kế hoạch Marshall của Mỹ.

Bắt đầu từ năm 1965, Hy Lạp lâm vào một cuộc khủng hoảng chính trị khiến tình hình đất nước trở nên hỗn loạn và rơi vào một chế độ đậc tài.

Ngày 20 tháng 7 năm 1974, Thổ Nhĩ Kỳ tấn công đảo Síp. Cuộc khủng hoảng sau đó đã dẫn đến sự sụp đổ của chế độ độc tài tại Hy Lạp vào ngày 23 tháng 7 năm 1974.

Ngay sau khi chế độ độc tài sụp đổ, cựu thủ tướng Konstantinos Karamanlis đã từ Pháp trở về Hy Lạp và thành lập Đảng Dân chủ Mới. Chính phủ dân chủ được tái thành lập tại Hy Lạp và bản hiến pháp dân chủ của nước cộng hòa được ban hành vào năm 1975. Chế độ quân chủ ở Hy Lạp chính thức bị giải tán trong một cuộc trưng cầu dân ý cùng năm.

Chính trị

Hy Lạp là một nước cộng hòa theo thể chế dân chủ đại nghị. Tổng thống là người đứng đầu đất nước và được lựa chọn bởi quốc hội với nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên sau cuộc sửa đổi hiến pháp vào năm 1986, quyền lực của tổng thống đã bị cắt giảm đáng kể và bây giờ hầu như chỉ mang tính nghi thức. Thủ tướng là người đứng đầu chính phủ Hy Lạp và có quyền lực chủ yếu trong các công việc của quốc gia.

Quốc hội Hy Lạp có tổng cộng 300 ghế. Những cuộc bầu cử quốc hội thường được tổ chức 4 năm một lần tuy nhiên tổng thống có quyền giải tán quốc hội và tổ chức bầu cử sớm. Từ khi Hy Lạp quay trở về tiến trình dân chủ từ năm 1975, Hy Lạp đã trở thành một quốc gia theo chế độ đa đảng. Hai đảng có vai trò quan trọng nhất trên chính trường Hy Lạp là Đảng Tân Dân chủ và Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Hy Lạp.

Tổng thống Hy Lạp ngày nay là bà Katerina Sakellaropoulou, một tín hữu Chính Thống Giáo Hy Lạp, và là phụ nữ đầu tiên làm tổng thống ở quốc gia này. Bà sinh ngày 30 tháng 5 năm 1956, đã giữ chức Tổng thống Hy Lạp kể từ ngày 13 tháng 3 năm ngoái 2020. Trước khi được bầu làm Tổng thống Hy Lạp, Sakellaropoulou từng là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Bà hiện sống với luật sư Pavlos Kotsonis và đã có một con từ cuộc hôn nhân trước đó.

Thủ tướng Hy Lạp là ông Kyriakos Mitsotakis, theo Chính Thống Giáo Hy Lạp, thuộc Đảng Tân Dân Chủ. Kyriakos Mitsotakis sinh ngày 4 tháng 3 năm 1968) là một chính trị gia người Hy Lạp và là Thủ tướng Hy Lạp kể từ ngày 8 tháng 7 năm 2019. Ông là con trai của cựu Thủ tướng Konstantinos Mitsotakis. Trước đó, Thủ tướng Hy Lạp là ông Alexis Tsipras, một người vô thần thuộc Phong trào Xã hội Chủ nghĩa Hy Lạp. Alexis Tsipras nhậm chức Thủ tướng ngày 21 tháng 9 năm 2015 và lập tức tung ra các chính sách chống lại các giá trị truyền thống của Kitô Giáo.

Ngày 23 tháng 7, 2018, một trận hỏa hoạn kinh hoàng đã diễn ra tại các khu vực quanh thủ đô Athens làm hơn 60 người bị thiệt mạng. Nơi bị thiệt hại nặng nhất là Mati, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hy Lạp. Sáng thứ Ba 24 tháng 7, ít nhất 26 thi thể gồm đa số là phụ nữ và trẻ em đã được tìm thấy. Dường như họ đã cố chạy ra biển nhưng ngọn lửa kinh hoàng đã chụp xuống họ. Thi thể của 26 người này trong tư thế như ôm cứng lấy nhau trước khi chết.

Tính chất bất ngờ và kinh hoàng của trận hỏa hoạn đã khiến nhiều nhà bình luận liên hệ biến cố này với thảm họa được mô tả trong Kinh Thánh. Nhiều người cho rằng đó là hậu quả của các đường lối bài Kitô Giáo của Alexis Tsipras. Nhờ đó, chỉ vài tháng sau, Đảng Tân Dân Chủ đã chiến thắng vẻ vang.

Giáo Hội Công Giáo tại Hy Lạp

Năm 1054 đã xảy ra biến cố lớn trong đời sống Giáo Hội là cuộc đại ly giáo Đức Thượng Phụ Michael Celarius, Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople và Đức Thánh Cha Lêo IX đã bất đồng sâu sắc đến mức đôi bên đã ra vạ tuyệt thông cho nhau vì những bất đồng liên quan đến tín lý và đặc biệt là về vai trò lãnh đạo Giáo Hội của Đức Giáo Hoàng, Giám mục Rôma.

Từ đó trên mảnh đất Hy Lạp gần như chỉ có Chính Thống Giáo. Dưới thời Đế chế Ottoman, việc hình thành một cộng đồng Công Giáo theo nghi lễ Đông phương nhưng hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh chỉ có thể thực hiện được sau năm 1829 khi Quốc Vương Mohammed II loại bỏ các hạn chế trước đó.

Một linh mục Công Giáo nghi lễ Latinh, là Cha John Marangos, bắt đầu công việc truyền giáo trong Chính thống giáo Hy Lạp ở Constantinople vào năm 1856 và cuối cùng thành lập được một nhóm rất nhỏ người Công Giáo theo nghi lễ Đông phương. Năm 1878, ngài chuyển đến Athens, nơi ngài qua đời năm 1885, và công việc của ngài tại Constantinople được tiếp tục bởi Cha Polycarp Anastasiadis, một cựu sinh viên tại Trường Thần học Chính thống giáo tại Halki. Vào những năm 1880, các cộng đồng Công Giáo Byzantine cũng được hình thành tại hai ngôi làng ở Thrace.

Năm 1895, các Thừa Sai người Pháp bắt đầu làm việc tại Constantinople, nơi các ngài thành lập một chủng viện và hai giáo xứ Công Giáo Byzantine nhỏ bé.

Vào ngày 11 tháng 6 năm 1911, Đức Giáo Hoàng Piô X đã thành lập một Giáo Hạt Tòng Nhân cho người Hy Lạp ở Đế quốc Ottoman và vào ngày 28 tháng 6 năm đó, bổ nhiệm Cha Isaias Papadopoulos làm giám mục tiên khởi. Ngài được kế vị vào năm 1920 bởi Đức Cha George Calavassy. Nhiệm vụ của ngài là giám sát việc di tản của hầu như toàn bộ cộng đồng Công Giáo Byzantine từ Constantinople sang Athens, và từ hai ngôi làng ở Thrace đến một thị trấn ở Macedonia. Đây là một phần của cuộc trao đổi dân cư chung diễn ra giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu những năm 1920. Năm 1922, Đức Cha Calavassy dời các văn phòng của mình đến Athens, và vào năm 1923, Giáo Hạt Tòng Nhân được nâng lên hàng Miền Phủ Doãn Tông Tòa. Năm 1932, Miền Phủ Doãn Tông Tòa được chia thành hai: Đức Cha Calavassy vẫn ở Athens, trong khi một Giám Mục khác được bổ nhiệm đến Istanbul.

Mặc dù sự hiện diện của người ở Hy Lạp đã làm dấy lên sự giận dữ của hàng giáo phẩm Chính thống giáo địa phương, những người Công Giáo Hy Lạp này vẫn quyết tâm phục vụ đồng hương của họ bằng các công việc bác ái và trợ giúp xã hội. Năm 1944, họ thành lập bệnh viện Pammakaristos ở Athens, được biết đến như một trong những bệnh viện tốt nhất trên toàn quốc.

Giáo Hội Chính thống giáo Hy Lạp vẫn rất thù địch với ý tưởng về sự tồn tại của Giáo Hội Công Giáo tại Hy Lạp, mà họ coi đó là sự sáng tạo vô lý của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh thổ Chính thống giáo. Ở Hy Lạp ngày nay, các linh mục Công Giáo vẫn bị cấm mặc các phẩm phục đặc trưng của hàng giáo sĩ. Năm 1975, một giám mục mới được bổ nhiệm cho người Công Giáo Byzantine ở Hy Lạp đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Tổng giám mục Chính thống giáo của Athens.

Cộng đồng Công Giáo Hy Lạp vẫn còn rất nhỏ, chỉ khoảng 6,000 tín hữu. Ở Hy Lạp, hầu hết các tín hữu sống ở Athens, trong khi ở Thổ Nhĩ Kỳ, một giáo xứ nhỏ tồn tại ở Istanbul, hiện không có linh mục. Có bảy linh mục phục vụ Giáo Hội ở Hy Lạp, tất cả đều tuân giữ luật độc thân linh mục và theo nghi thức Latinh.

Ngày 2 tháng 2, 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Manuel Nin, dòng Salêsiêng làm Giám Mục Miền Phủ Doãn Tông Tòa Hy Lạp thay cho Đức Cha Dimitrios Salachas vì lý do tuổi tác. Đức Cha Manuel Nin năm nay 65 tuổi. Đức Cha Dimitrios Salachas 82 tuổi.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô

Thứ Bảy, 4 tháng 12, Đức Giáo Hoàng sẽ rời Síp để bay đến thủ đô Hy Lạp là Athens, hay còn gọi là Nhã Điển, nơi ngài dự kiến sẽ đến lúc 11:10 giờ địa phương. Lễ nghi tiếp đón chính thức sẽ diễn ra tại Sân bay Quốc tế Athens, sau đó là buổi lễ đón tiếp tại Phủ Tổng thống. Tại đây, Đức Thánh Cha sẽ có cuộc gặp gỡ xã giao với Tổng thống Cộng hòa, và Thủ tướng, và sau đó là cuộc họp với chính quyền địa phương, xã hội dân sự và ngoại giao đoàn.

Buổi chiều, Đức Thánh Cha sẽ có một chuyến thăm xã giao đến Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II, của Athens và Toàn Hy Lạp, tại Tòa Tổng Giám mục Chính thống giáo, tiếp theo là cuộc gặp gỡ của phái đoàn Tòa Thánh và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo Hy Lạp tại “Phòng ngai vàng”.

Cuối ngày hôm đó, ngài sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, tu sĩ, những người thánh hiến, chủng sinh và giáo lý viên của cộng đồng Giáo hội địa phương tại Nhà thờ Thánh Dionysius ở Athens. Kết thúc buổi tối, ngài sẽ có cuộc gặp gỡ riêng với các linh mục, tu sĩ Dòng Tên tại Tòa Sứ thần Tòa thánh ở Athens.

Sáng Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng sẽ đến Đảo Lesbos của Hy Lạp để thăm những người tị nạn tại “Trung tâm Tiếp nhận và Nhận dạng” ở thị trấn Mytilene. Sau đó, ngài quay trở lại Athens vào buổi chiều để cử hành thánh lễ lúc 16:45 tại “Phòng hòa nhạc Megaron”. Buổi tối, ngài sẽ chào đón chuyến viếng thăm xã giao đáp lễ của Đức Tổng Giám Mục Hieronymos II tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens.

Cuối cùng, vào sáng thứ Hai, ngày 6 tháng 12, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tiếp đón Chủ tịch Quốc Hội tại Tòa Sứ thần Tòa Thánh ở Athens. Sau đó, ngài sẽ gặp gỡ những người trẻ tại Trường Thánh Dionysius do các Nữ tu Dòng Ursula ở Maroussi, Athens điều hành. Sau cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha ra sân bay quốc tế Athens. Tại đây sẽ có lễ nghi tiễn biệt. Đức Thánh Cha sẽ khởi hành về Rôma lúc 11:30.
Source:ECPA