Ít nhất 5 trong số 9 thẩm phán tối cao xem ra nghiêng về phía bác bỏ khuôn khổ cho phép phá thai vốn được vụ Roe v. Wade thiết lập năm 1973

Biểu tình phò sinh trước Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ngày 1 tháng 12, 2021 (ảnh của Olivier Doulier'AFP'Getty)


Lauretta Brown Nation của National Catholic Register, ngày 3 tháng 12, 2021 có bài viết với nội dung đáng vui sau đây:

Những người ủng hộ sự sống và ủng hộ việc phá thai ra về sau khi nghe các luận điểm miệng trong vụ Dobbs kiện Y tế Phụ nữ Jackson hôm thứ Tư, đều tin rằng những ngày tuân thủ khuôn khổ được đặt ra trong vụ Roe kiện Wade năm 1973 hợp pháp hóa việc phá thai có thể đã đến hồi kết thúc.

Ít nhất năm trong số chín thẩm phán của Tối cao Pháp viện bày tỏ sự hoài nghi về tiêu chuẩn khả năng sống sót (viability) được quy định trong vụ Roe và được tái khẳng định trong phán quyết Casey kiện Planned Parenthood của Tòa án năm 1992. Ngoài ra còn có những câu hỏi hóc búa liên quan đến tính hợp hiến của quyền phá thai được đặt ra ở RoeCasey cũng như những tiến bộ trong 50 năm qua đã nêu ra nhiều nghi vấn đối với các phán quyết này. Một số chuyên gia pháp lý nói với tờ Register rằng có khả năng tòa án sẽ bác bỏ vụ Roe kiện Wade.

Trong các lập luận miệng, các thẩm phán đã xem xét câu hỏi, trong trường hợp Mississippi cấm phá thai lúc thai nhi đã 15 tuần, “tất cả các lệnh cấm trước khi thai nhi có khả năng sống còn đối với các vụ phá thai tự chọn có vi hiến hay không”. Vụ này là vụ xem xét lại vụ Roe quan trọng nhất kể từ phán quyết Casey.

Sherif Girgis, phó giáo sư luật tại Đại học Notre Dame và là cựu thư ký cho Thẩm phán Samuel Alito, nói với tờ Register rằng “có rất nhiều người vào lúc 9:59 sáng nay có thể nói với bạn rằng không có cơ hội họ sẽ bác bỏ vụ Roe, nhưng đến lúc kết thúc cuộc tranh luận, họ cho biết đó lại là kết quả có thể xảy ra nhất”.

Girgis nói, “Lý do là Thẩm phán [Brett] Kavanaugh, người được nhiều người coi là lá phiếu quyết định (swing vote), đã nói khá rõ ràng rằng theo ông nghĩ, Hiến pháp vốn để việc phá thai cho người dân quyết định”.

Kavanaugh mô tả lập trường của Mississippi là “vì Hiến pháp trung lập, nên tòa này cũng nên trung lập một cách thận trọng đối với vấn đề phá thai, không phò phá thai mà cũng không phò sự sống, nhưng vì, theo người ta nói, Hiến pháp không cho chúng ta thẩm quyền, chúng ta nên để nó [việc phá thai] cho các tiểu bang và chúng ta nên trung lập một cách thận trọng đối với vấn đề và ở đây, tôi nghĩ, người ta nói rằng chúng ta nên quay trở lại lập trường trung lập đối với vấn đề xã hội gây tranh cãi đó thay vì tiếp tục chọn đứng về phe nào trong vấn đề đó”.

Girgis nói rằng Kavanaugh “có ý nhấn mạnh rằng đó là lập trường ôn hòa thực sự vì vậy lập trường trung dung không phải chỉ lật ngược một phần vụ Roe, lập trường trung dung là lấy điều này ra khỏi tòa án hoàn toàn và để các tiểu bang tự đi theo một trong hai hướng”.

Robert George, giáo sư luật học McCormick tại Princeton, nói với tờ Register rằng trong những nhận xét đó, Kavanaugh “vừa cho thấy ý hướng của mình vừa cố gắng thực hiện một chút giáo dục công. Ông ta muốn công chúng biết rằng nếu Tối cao Pháp viện đảo ngược vụ Roe, điều đó không có nghĩa là việc phá thai sẽ đột nhiên trở thành bất hợp pháp. Nó có nghĩa là quyết định về những quy định nào, nếu có, sẽ được áp dụng vào việc phá thai hoặc những hạn chế hoặc cấm đoán sẽ nằm trong tay những người hành động thông qua các đại diện được bầu của họ. Tòa án chỉ đơn giản là thoát ra khỏi vấn đề".

Megan Wold, một luật sư hành nghề về luật phúc thẩm và luật hiến pháp, đồng thời là cựu thư ký luật của Thẩm phán Alito và là cựu phó tổng luật sư ở Ohio, nói với Register sau những lập luận bằng miệng rằng “rất có khả năng Roe và hậu duệ của nó là Casey sẽ bị bác bỏ hoàn toàn". Bà nói "đa số các thẩm phán cho thấy quan điểm này: Roe sai khi được phán quyết, nó không nhất quán với lịch sử và truyền thống của chúng ta, nó bị qua mặt bởi các tiến bộ của khoa học y tế, nhưng cả những thay đổi trong luật lệ nữa".

Các giới hạn của tiền lệ

Wold làm nổi bật việc Kavanaugh chất vấn, trong đó “ông ta nêu rõ một danh sách dài các tiền lệ quan trọng của Tối cao Pháp viện mà mọi người đều công nhận là những thời điểm quan trọng trong lịch sử Tối cao Pháp viện, tất cả đều là những phán quyết bác bỏ các phán quyết trước chúng. Ý tưởng cho rằng tòa án luôn tuân thủ tiền lệ của mình hoặc không bao giờ sửa đổi những gì đã làm đơn giản là không đúng".

Wold cũng đề cập đến việc chất vấn của Thẩm phán Alito liên quan đến việc “liệu bạn có thể bác bỏ một tiền lệ chỉ vì nó sai hay không” có ý nói đến cuộc trao đổi mà ông đã thực hiện với luật sư của chính phủ, Tổng Luật sư Elizabeth Prelogar. Thẩm phán Alito hỏi Prelogar về vụ Plessy kiện Ferguson, vụ án năm 1896 trong đó Tối cao Pháp viện thấy rằng các luật lệ phân biệt chủng tộc không vi phạm Hiến pháp. Vụ việc đã bị bác bỏ trong phán quyết năm 1954 của Tòa Brown kiện Hội đồng Giáo dục.

Alito khẳng định, “Giả sử Plessy kiện Ferguson được tái tranh luận vào năm 1897, thì mọi chuyện không có gì thay đổi. Há không đủ hay sao khi nói rằng đó là một phán quyết sai lầm quá đỗi vào ngày nó được đưa ra và bây giờ nó có nên bị bác bỏ không?”

Ông nhấn mạnh thêm: “Liệu một phán quyết có thể bị bãi bỏ chỉ vì nó sai một cách lầm lẫn, ngay cả khi không có gì thay đổi giữa thời điểm đưa ra phán quyết đó và thời điểm tòa án được yêu cầu xem xét xem liệu có nên bác bỏ nó hay không?” Prelogar trả lời rằng, “tòa án này, không, không bao giờ bác bỏ trong tình hình đó chỉ dựa vào kết luận rằng phán quyết ấy sai. Nó vốn luôn áp dụng các nhân tố stare decisis và cũng thấy rằng chúng cho phép bác bỏ trong trường hợp đó". (Stare decisis, tiếng Latinh có nghĩa là tuân giữ những điều đã được phán quyết, là nguyên tắc pháp lý dựa vào tiền lệ, khi quyết định các trường hợp tương tự xẩy ra sau đó).

Wold ghi nhận rằng “tôi nghĩ chính phủ đang ở trong tình thế rất lúng túng để lập luận, một cách vô nghĩa rằng không, bạn phải để các nhân tố stare decisis này phát huy tác dụng”. Theo bà, với những cuộc trao đổi như thế này, “các thẩm phán đang cho thấy một là, chúng tôi nghĩ, vụ Roe đã bị phán quyết sai lầm; và hai là, có thể có đủ yếu tố đúng ở đó, nhưng chúng tôi cũng có những yếu tố này khi chúng tôi xem xét tiền lệ của chúng ta và chúng ta thường giữ lại chúng trừ khi một số nhân tố nào đó được đáp ứng. Và hiện người ta đang thảo luận nhiều về những nhân tố đó đã được đáp ứng ở đây, đó là sự hiểu biết về khoa học và pháp lý của chúng ta đã tiến bộ [kể từ vụ Roe và vụ Casey], đó là chúng ta đã biết nhiều hơn về sự sống của thai nhi, đó là chúng ta biết nhiều hơn về các lưu tâm của cả hai bên".

Katie Glenn, cố vấn các vấn đề của chính phủ tại American United for Life, nói với Register rằng “xét theo nhiều cách, phong trào phò sự sống đang đạt được những gì họ yêu cầu”, vì các thẩm phán đã hỏi “nhiều câu hỏi hay, có thực chất” bao gồm một điểm được Chánh án John Roberts nêu ra, "rằng chúng ta là một trong bảy quốc gia trên thế giới có việc phá thai suốt thai kỳ".

Thẩm phán Sonia Sotomayor cho biết động thái bác bỏ vụ Roe có tính cách “chính trị” và đã hỏi Tổng Luật sư bang Mississippi, Scott Stewart, “liệu định chế này có sống thoát nổi cái mùi hôi thối mà điều này tạo ra trong nhận thức của công chúng rằng Hiến pháp và việc đọc nó chỉ là hành vi chính trị không?”

Stewart trả lời rằng “mối bận tâm về việc điều này dường như có tính cách chính trị buộc tòa án phải đưa ra một phán quyết có cơ sở rõ ràng trong Hiến pháp, trong văn bản, trong cấu trúc, trong lịch sử và truyền thống, và điều này được thực hiện với việc cẩn thận xem xét các nhân tố stare decisis mà chúng ta đã đặt ra”. George nhận định về mối quan tâm của Sotomayor rằng "bất cứ điều gì tòa án làm, bên thua đều buộc tội tòa án là chính trị."

Cũng nên lưu ý, bà thẩm phán Sotomayor này, 1 trong 3 thẩm phán muốn bác bỏ đạo luật hạn chế phá thai của tiểu bang Mississippi, trong phiên tòa hôm nay, đưa ra nhiều luận điểm rất trẻ con. Theo National Review (https://www.nationalreview.com/2021/12/dobbs-supreme-court-oral-arguments-live-updates/), bà ta bảo phải cho người ta phá thai vì nhiều phụ nữ không đủ tiền mua thuốc ngừa thai và cái đau của thai nhi chỉ là cái đau phản xạ giống như cái đau của một người não bộ đã chết nhưng vẫn có phản ứng khi lấy kim đâm vào chân họ!

Khả năng sống còn không còn giá trị?

Wold nói rằng một điều rõ ràng từ việc chất vấn, là nguyên tắc phân biệt bằng khả năng sống còn này không có mấy giá trị bởi vì đối với các tiểu bang lưu ý tới sự sống của thai nhi, thì trước hay sau khả năng sống còn cũng như nhau thôi, các bà mẹ cũng thế, trước hay sau khả năng sống còn y như nhau. Không có lý do gì khiến khoảnh khắc đó lại quan trọng và một số thẩm phán thực sự đã nhắm điều đó trong cuộc thẩm vấn của họ.

Chánh thẩm phán Roberts hỏi “nếu bạn nghĩ rằng vấn đề chỉ là chuyện lựa chọn, phụ nữ nên có sự lựa chọn chấm dứt thai kỳ của họ, giả sử rằng có một thời điểm mà họ có sự lựa chọn công bằng, cơ hội để lựa chọn thì tại sao 15 tuần lại là một đường ranh không thích đáng? Vì khả năng sống còn, dường như đối với tôi, không liên quan gì đến việc lựa chọn. Nhưng, nếu nó thực sự là một vấn đề lựa chọn, thì tại sao 15 tuần lại không đủ thời gian?”

Julie Rikelman, luật sư của Y tế Phụ nữ Jackson trong vụ này, nói với Chánh Thẩm phán Roberts rằng “không có khả năng sống còn, sẽ không có điểm dừng lại. Các tiểu bang sẽ gấp rút cấm phá thai hầu như ở bất cứ thời điểm nào của thai kỳ. Chính Mississippi cũng có lệnh cấm 6 tuần, lệnh mà nó đang bảo vệ với những lập luận rất giống với những gì họ đang sử dụng để bảo vệ lệnh cấm 15 tuần".

George nói rằng chánh thẩm phán liên tục nghe “từ cả hai phía rằng nếu không có khả năng sống còn thì không có tiêu chuẩn nào khác mà bạn có thể cho rằng có bất cứ điểm tựa hợp lý nào trong Hiến pháp. Tất nhiên, đối với những người trong chúng tôi chống lại vụ Roe, đó là một trong các khiếu nại của chúng tôi - rằng chính tiêu chuẩn khả năng sống còn không có điểm tựa nào trong Hiến pháp. Không có cơ sở hiến pháp nào để tin rằng khả năng sống còn tạo ra bất cứ sự khác biệt nào đối với tư cách luân lý hoặc tư cách nhân vị [personhood] của một đứa trẻ chưa sinh hoặc đối với sự lưu tâm của các tiểu bang liên quan đến sự sống của thai nhi”.

Alito nói về khả năng sống còn, “Lập luận triết học là gì, tức lập luận triết học thế tục để nói đây là đường ranh thích hợp? Có những người nói rằng các quyền của tư cách nhân vị nên được coi là đã bắt đầu vào thời điểm thai nhi có được những đặc điểm độc lập nhất định. Nhưng khả năng sống còn lệ thuộc vào kỹ thuật y khoa và thực hành y khoa. Nó đã thay đổi. Nó có thể tiếp tục thay đổi”.

Không có cơ sở ở giữa

Trong các cuộc tranh luận bằng miệng, Thẩm phán Neil Gorsuch hỏi Rikelman, "Nếu, giả như tòa án mở rộng tiêu chuẩn gánh nặng quá mức cho các quy định trước khi có khả năng sống còn, thì theo quan điểm của bà, điều đó có khả thi hay không?" Bà ấy trả lời rằng "không có khả năng sống còn, việc đó sẽ không thể hoạt động được." Và sau đó bà nói với Alito rằng "gánh nặng quá mức mà không có khả năng sống còn, sẽ tương đương với việc bác bỏ vụ Casey và vụ Roe vì đường ranh khả năng sống còn là trung tâm của những vụ này".

Girgis nói rằng trong các cuộc tranh luận bằng miệng, điều trở nên rõ ràng là “trong khi chánh thẩm phán hỏi về điều đó nhiều lần, không ai nghĩ rằng sẽ có một cơ sở ở giữa. Các luật sư của chính phủ Biden, luật sư của các doanh nghiệp phá thai đều nói rằng, ‘Không có cơ sở ở giữa nào hợp nguyên tắc, tất cả hoặc không có gì cả”. Gorsuch đã làm họ rõ ràng về điều đó.

Ông nói thêm, “Không ai trong số các thẩm phán khác có vẻ quan tâm đến cơ sở ở giữa. Không ai khác trong cuộc thảo luận đề nghị một cơ sở ở giữa. Vì vậy, nếu họ duy trì đạo luật, nếu không có cơ sở ở giữa, nếu không ai ngoại trừ chánh thẩm phán tỏ ý muốn làm như vậy và Thẩm phán Kavanaugh rõ ràng đang cho thấy ông ta nghĩ rằng vấn đề này nên thuộc về các tiểu bang, thì thật khó thấy họ có thể làm bất cứ điều gì ngoài việc lật ngược vụ Roe”.

Wold ghi nhận rằng "cả hai bên sẽ đến tòa án để nói rằng nếu qúi vị duy trì lệnh cấm của Mississippi và nếu qúi vị cho phép các hạn chế đối với thời điểm trước khi có khả năng sống còn, qúi vị đang bác bỏ vụ Roe kiện Wade và thực sự không có cơ sở ở giữa". Bà nói rằng thực ra cũng có “rất nhiều thiện chí trong số sáu thành viên của tòa án không duy trì khả năng sống còn, 1 điều mà cả hai bên đều cho rằng đang bác bỏ vụ Roe".

Bà nói thêm rằng “điều đáng chú ý là không có thẩm phán nào nêu rõ một số loại tiêu chuẩn nào có thể thay thế vụ Roe. Đã có rất nhiều cuộc thảo luận về đường ranh khả năng sống còn và nó có đứng vững hay không, nhưng không ai dự phóng một số cách mới để cân bằng các lưu tâm này của cả hai bên... Chính các thẩm phán, dường như họ không nói rõ vị trí của cơ sở ở giữa nơi chúng ta có thể hình dung lại quyền phá thai và nếu nó vẫn còn đó thì phải bị hạn chế cách nào đó. Đó là điều ấm lòng đối với những người phò sự sống và nó có khả năng đánh dấu sự sụp đổ của vụ Roe".

Glenn nói rằng cả hai bên trong vụ này thực sự đều nói, "ở đây không có con đường ở giữa". Một khả thể bà nhận thấy là "kiểu phân chia tỷ lệ 5-1-3 với ý kiến cho rằng chánh thẩm phán đứng một mình trong việc viết lý thuyết của riêng ông về nẻo đường tốt nhất nên theo”. Theo bà, “ông ấy đang cố gắng tìm ra cơ sở ở giữa ấy, nhưng chính các bên thì thực sự không dành chỗ nào cho một điều như thế”.

Theo George, “Câu hỏi đáng lưu ý nhất lúc này là Chánh Thẩm phán Roberts sẽ làm gì? Nếu năm thẩm phán, như tôi nghi ngờ, chuẩn bị bác bỏ vụ Roe thì ông ta sẽ tham gia với họ, hay ông ta sẽ viết một ý kiến đồng tình, hay ông ta sẽ tham gia phe bất đồng? Ít có khả thể ông ta sẽ tham gia phe bất đồng vì ông ta dường như ra dấu hiệu muốn cho thấy: ông ta muốn duy trì luật Mississippi, nhưng không chắc chắn sẽ bỏ phiếu để bác bỏ vụ Roe”.

George nói tiếp, mặt khác, "nếu vụ Roe bị đảo ngược, ông ta [Chánh Thẩm phán Roberts] có thể lý luận rằng tốt hơn nên tạo tỷ số 6-3 hơn là đa số nhỏ hơn 5-4, đó sẽ là một cách an toàn hơn để làm, một điều sẽ giúp đem lại cho phán quyết nhiều ưu thế hơn là đa số nhỏ hơn".