HÀNH HƯƠNG NƠI CHA GIUSE TRẦN NGỌC THANH OP ĐÃ TỪNG SỐNG VÀ CHẾT
(NHÂN GIỖ 1 NĂM CHA GIUSE TRẦN NGỌC THANH OP)

Sau ngày cố linh mục GIUSE TRẦN NGỌC THANH OP, đặc trách giáo họ Saloong, nằm trên địa bàn xã Saloong, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum (trực thuộc giáo xứ Đăk Mot - giáo phận Kontum) bị sát hại bi thương và bi thảm chừng chưa đầy năm tháng, chúng tôi đã có chuyến hành hương về thăm nơi ngài đã từng sinh sống, làm việc và phục vụ.

Giáo họ Saloong cách thành phố Kontum chừng trên 70 dưới 80 cây số về phía Tây Bắc. Đây là vùng đất nhiều nhạy cảm, gần sát biên giới Việt - Lào, bị nhiều hạn chế về mặt diễn tả đức tin. Trước khi cha Thanh bị thảm sát, đã từng có linh mục trong giáo phận Kontum cũng bị hành hung. Cư dân ở đây thưa thớt. Hầu hết giáo dân là đồng bào thiểu số vừa nghèo, vừa lạc hậu, thậm chí đói khổ.

Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh OP sinh ngày 10.8.1981 tại Sài Gòn. Ngài được thụ phong linh mục ngày 4.8.2018. Sau ngày lãnh chức thánh, theo nguyện vọng của cha, Bề trên sai cha về phục vụ tại giáo họ Saloong cho đến khi bị đoạt mạng chiều muộn ngày 29.1.2022 trong lúc đang ngồi tòa giải tội. Đó là một buổi chiều cuối cùng của năm cũ Tân Sửu chuẩn bị Giao thừa để chuyển sang Nhâm Dần 2022.
Chuẩn bị tròn một năm, ngày cha Thanh bị hại, tôi muốn ghi lại những điều mình đã tận mắt chứng kiến.

I. GIÁO HỌ SALOONG (MỘT PHẦN CỦA GIÁO XỨ ĐĂK MOT).

Giáo xứ Đăk Mot nằm trên địa bàn thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum. Giáo xứ Đăk Mot có 6 giáo họ, 6 làng, 2 thôn. Một trong 6 giáo họ của Đăk Mot là giáo họ Saloong.

Giáo họ Saloong có 2 giáo điểm là giáo điểm thôn Giang Lố I và giáo điểm thôn Giang Lố II (cách Giang Lố I khoảng 2 km). Cả 2 giáo điểm đều có 100% đồng bào Xêđăng Công Giáo.

Các linh mục dòng Đaminh hiện diện và coi sóc giáo họ Saloong từ năm 2014. Sau một thời gian ngắn phục vụ tại Saloong, các ngài đã xoay sở để có được một nhà cộng đoàn tại thôn Giang Lố I vừa làm nơi quý linh mục và tu sĩ của dòng trú ngụ, vừa làm nơi nội trú và nuôi dạy một số nam thiếu niên người sắc tộc.

Cha Giuse Trần Ngọc Thanh, vị mục tử đổ máu trong khi đang ngồi tòa giải tội được Bề trên cử về giáo họ Saloong này kể từ sau khi được phong chức linh mục năm 2018. Cha Giuse Thanh đã từng sống và làm việc trong ngôi nhà ở Giang Lố I này với tư cách là linh mục quản nhiệm giáo họ Saloong để trông coi nhà cộng đoàn, trông coi các thiếu niên nội trú, cử hành phụng vụ và bí tích hàng ngày...

Cũng tại Giang Lố I, các linh mục dòng Đaminh tiếp tục linh hoạt để có thêm một mảnh đất cách nhà cộng đoàn vài chục mét làm nơi cử hành các nghi lễ phụng vụ, cử hành thánh lễ và bí tích hàng ngày...

Hiện tại, nơi sinh hoạt tôn giáo tại Giang Lố I này, tuy được gọi là nhà nguyện, nhưng thực chất chỉ là một mái che tạm bợ chừng 70 mét vuông. Đây cũng là nơi, sinh thời, cha Giuse Trần Ngọc Thanh dâng thánh lễ mỗi ngày.

Vì đường xa, đồng thời đến nơi đã quá trưa, nhiều anh chị em trong đoàn của chúng tôi mệt mỏi, đã vào "mái hiên - nhà nguyện" Saloong này tạm nghỉ ngơi, cầu nguyện và chụp ảnh bên di ảnh của cha Thanh.

Căn phòng và ngôi nhà mà cha Thanh đã từng sống và làm việc, nay đã có chủ mới. Cha Antôn Phạm Minh Châu đã thay thế cha Thanh.
Vì tôn trọng quyền riêng tư của từng người, chúng tôi đã không thể chụp bất cứ tấm hình nào về căn phòng và vật dụng bên trong căn phòng mà cha Thanh đã để lại.

Khi đến thăm Giang Lố I, đoàn chúng tôi được cha Antôn Phạm Minh Châu, người thay thế cha Giuse Thanh tiếp đón và đãi cơm trưa.

II. GIÁO ĐIỂM THÔN GIANG LỐ 2.

Sau khi thăm nhà nguyện giáo họ Saloong (đúng hơn phải gọi là "mái - che - nguyện" Saloong), đoàn chúng tôi đến viếng chính nơi cha Giuse Trần Ngọc Thanh tử nạn. Đó là nhà nguyện Giang Lố 2.

Dẫn vào nhà nguyện là một cổng chào khá cao. Trước đây, khi nhìn hình ảnh chiếc cổng này trên các trang mạng, chúng tôi cứ tưởng nó được làm bằng chất liệu chắc chắn. Nhưng không. Nó được làm bằng tre nứa!

Vào đến nhà nguyện, chúng tôi hết sức bất ngờ về tất cả sự nghèo nàn của cái gọi là "nhà nguyện". Có lẽ phải gọi là "cái chòi nguyện" thì chính xác hơn.

Trần nhà nguyện thấp đến nỗi cái nóng của ban trưa như đang phả lên đầu chúng tôi. Nó chỉ cao hơn đầu một chút. Trần và vách nhà nguyện đều làm bằng những thanh gỗ tạp hoặc bằng tre và che chắn bằng những tấm tôn cũ kỹ, thậm chí rách nát.

Khuôn viên nhà nguyện độ chừng 40 thước vuông. Nền nhà nguyện không được đắp cao, chỉ là một khoảng đất được lát xi măng vừa đủ cho phần không gian của nhà nguyện. Nền cung thánh vừa bé, vừa thấp, chỉ cao hơn nền nhà nguyện chừng một tấc.

Duy nhất chỉ có mặt dựng của cung thánh được xây bằng tường gạch. Trên bức tường ấy chỉ có cây thánh giá và nhà tạm là tương đối nổi bật và to so với khuôn viên nhà nguyện. Tất cả còn lại, từ bàn thờ, bục giảng, đến chiếc ghế chủ tế đều hết sức đơn sơ, nhỏ bé.

Ngay phía trước bàn thờ là nơi đặt di ảnh cố linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh khá trang trọng và đẹp, với đầy đủ hoa tươi và nhang khói. Nó đẹp nhất so với tất cả mọi bày trí trong nhà nguyện, đủ để thấy mức độ của lòng yêu mến và thương nhớ mà người dân ở đây dành cho vị mục tử kính yêu của mình...

Bên phải cung thánh là một cái chái, tạm gọi là "cánh gà" dành cho ca đoàn. Nơi đây, ngoài cây đàn organ, chúng tôi không thấy có bất cứ cái gì khác có giá trị. Khi dự lễ, anh chị em ca đoàn ngồi trên những chiếc ghế nhựa loại nhỏ và thấp.

Đối diện cung thánh, phía cuối nhà nguyện, là nơi đặt tòa giải tội. Tại đây, đang khi ngồi tòa giải tội, cha Thanh bị sát hại.

Mảnh đất nơi đặt nhà nguyện cũng không phải là đất chung của giáo phận. Một gia đình tốt bụng đã cho mượn đất để giáo họ Saloong dựng cái "chòi nguyện" này, nhằm giúp bà con người sắc tộc đang sinh sống quanh vùng có nơi thờ tự và diễn tả đức tin của mình.

Sinh thời, cũng giống như cha Antôn Phạm Minh Châu, người phụ trách giáo họ Saloong hiện tại, cố linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh cũng từng đến nhà nguyện Giang Lố 2 này để dâng thánh lễ vào hai buổi chiều thứ tư và thứ bảy hàng tuần.

Rất tiếc, sau khi cha Giuse Thanh qua đời, tất cả những vật dụng có liên quan đến ngài, hầu như đều không được giữ lại. Chúng tôi không hiểu vì sao, tất cả chúng, hoặc bị hủy, bị đốt, bị thay đổi hoặc bị mang đi nơi khác?

Chiếc áo dòng trắng thấm máu của ngài cũng không còn...

Thậm chí tòa giải tội và chiếc ghế mà cha Thanh ngồi trong khi giải tội đều được thay bằng chiếc tòa và chiếc ghế khác.

Tu sĩ Antôn Phan Văn Giáo, chứng nhân cụ thể và rành mạch nhất về cái chết của cha cố Thanh cũng được thuyên chuyển đến nơi khác ngay sau đó...

Máu cha Thanh thấm xuống nền xi măng cũng được kỳ cọ kỹ. Phải quan sát kỹ lắm, chúng tôi mới nhìn thấy một chút vết máu còn sót lại trên nền xi măng, nhưng cũng không rõ ràng...

Chúng tôi đã viếng Mình Thánh Chúa trong nhà nguyện này và thầm thĩ cầu nguyện.

Chúng tôi cũng đã viếng và cầu nguyện trước di ảnh cố linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh...

III. CHA GIUSE TRẦN NGỌC THANH OP.

1. Được Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận là nhà Truyền giáo đầu tiên trong Giáo Hội của năm 2022 chịu đổ máu và hy sinh mạng sống. Ngài cũng là vị Truyền giáo nối gót đại đa số các vị Truyền giáo hiến dâng mạng sống tại chính nơi mình mang Tin Mừng yêu thương đến để phụng sự Thiên Chúa và phụng sự ơn phần rỗi nơi tâm hồn con người.

2. Được một thần học gia Công Giáo nổi tiếng, linh mục tiến sĩ Roger J. Landry, người Mỹ, hiện là Phái Bộ của Vatican tại Liên Hiệp quốc gọi là "Vị Tử đạo của Bí Tích Giải Tội". Trong một bài viết nhan đề "The Martyrs of the Sacrament of Confession" (Các vị Tử Đạo của bí tích hòa giải), có đoạn cha Landry viết:
"Vào ngày 29 tháng Giêng, Cha Giuse không biết điều gì đang chờ đợi mình sau Thánh lễ khi ngài mặc một chiếc dây choàng màu tím và ngồi xuống để nghe xưng tội. Nhưng việc thực hành bình thường cuộc tử đạo tại tòa giải tội chắc chắn đã chuẩn bị cho ngài những gì Chúa biết là sẽ đến. Và sự tử đạo của ngài đối với bí tích của lòng thương xót của Chúa Kitô là một lời nhắc nhở sâu sắc đối với những vị giải tội đồng nghiệp của ngài, và thực sự cho tất cả các tín hữu, về tầm quan trọng của bí tích, sự hy sinh xứng đáng mà bí tích bao hàm và sự sống mà bí tích này ban phát".

3. Được nhiều người yêu mến, kính phục, khóc thương và gọi tên như chính người thân mà họ được diễm phúc chung dòng máu.

4. Được dâng kính vô số lượt viếng thăm nơi an nghỉ, đồng thời với việc dâng kính niềm thương cảm, sự kính nể, lòng tri ân qua vô số bia ghi ơn, hoa tươi, hương khói và những nghĩa cử từ trầm tư tưởng nhớ và cầu nguyện, cho đến quỳ lạy tạ...

5. Được anh em tu sĩ cùng hội dòng không ngừng thương yêu, tiếc nhớ, nhất là những anh em cùng lớp và có nhiều mối liên hệ thân thiết khác thổn thức, đau xót...

6. Được nói đến nhiều, thậm chí rất nhiều trên nhiều phương tiện truyền thông, trên các trang mạng xã hội ngoài nước và các cá nhân làm truyền thông.

7. Được anh chị em giáo dân ở các nơi mà cha đã từng phục vụ vô cùng thương nhớ, vô cùng đau khổ. Nỗi thương yêu và đau đớn ấy, trong lòng họ, những con người bình dị, chân phương và nghèo khổ ở vùng cao, khó có thể có gì bù đắp, khó có thể nguôi ngoai...

8. Riêng bản thân mình, tôi chỉ được biết cha Thanh sau khi ngài đã nằm xuống qua nhiều tình cảm, hình ảnh, hoạt động và đời sống mà ngài để lại, cũng như qua vô số hình ảnh và tình cảm mà quá nhiều người còn sống dành cho ngài, tôi có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng: CHA GIUSE TRẦN NGỌC THANH:
- Con người của năng lượng sống. Bởi nơi ngài tràn đầy năng lượng sống;
- Con người của lý tưởng sống. Bởi nơi ngài tràn đầy lý tưởng sống;
- Con người của đam mê sống. Bởi nơi ngài tràn đầy đam mê sống;
- Con người của tình yêu sự sống. Bởi nơi ngài toát lên vẻ đẹp của tình yêu dành cho sự sống.
- Con người của những lý tưởng, những ấp ủ, những hoài bão. Bởi từ những gì được biết, tôi vẫn cảm nhận, con đường ngài đã từng sống là con đường lồ lộ lý tưởng, ấp ủ và hoài bão của một tâm hồn tận hiến.

Cha Thanh bất chấp mọi giang khổ, bất chấp sự nghèo khó, bất chấp mọi giới hạn về phương tiện cũng như hoàn cảnh, dù sinh ra và lớn lên tại đô thị lớn và thuộc gia đình khá giả, lại chỉ mang trong tâm hồn một khối nghị lực lao vào cánh đồng truyền giáo để chia sẻ, để sống cùng, để vui và để dâng trọn niềm vui cho chân lý đức tin, cho tình yêu không ngừng hướng về người nghèo.

Phải yêu sự sống, người ta mới có thể hiến dâng sự sống. Phải yêu sự sống vô cùng, người ta mới có thể hiến dâng đến đỉnh điểm sự sống của bản thân. Phải yêu sự sống đến nỗi không còn có bất cứ chướng ngại nào có thể cản lối, người ta mới có thể hiến dâng sự sống của mình đến trào tràn, đến lai láng...

Tôi thấy nơi cha Thanh, từ những hình ảnh đời thường, qua nụ cười, qua ánh mắt đôn hậu, qua những lần lao động chân tay, qua những cử chỉ thân thiện, qua việc sẵn sàng sống và hòa mình cùng đồng bào sắc tộc, việc nâng niu gần gũi trẻ con người bản sắc..., đến việc cử hành phụng tự, cả những tiếng tăm mà ngài để lại sau khi chết, là cả một tình yêu dành cho sự sống đến vô cùng.

Chính tình yêu sự sống ấy, khiến ngài lao mình vào mà vui hiến dâng sự sống của bản thân. Hiến dâng cho đến nỗi, cuộc sống của ngài, ơn gọi của ngài như chỉ còn có một nơi để diễn tả, để gắn chặt, để trao dâng. Nơi đó chính là chốn lâm viên mà đặc thù của nó là những con người không chỉ nghèo mà còn nghèo xơ xác.

Cứ theo cách nghĩ của con người mà nói, nếu cha Thanh không gắn chặt sự sống, không gắn chặt ơn gọi của mình với nơi bằng phẳng thì ít gập ghềnh thì bạt ngàn ấy ("bằng phẳng" và "gập ghềnh" ở đây hiểu theo cả hai nghĩa đen và bóng), chưa chắc ngài phải chịu một cái chết nghiệt ngã và tang thương đến vậy.

Vì thế, với tình cảm của riêng mình, tôi đoan chắc rằng, ngài yêu sự sống và đã yêu đến cùng. Ngài yêu đến nỗi đánh đổi cho sự sống bằng sự sống của chính mình. Bởi đó, dòng máu tươi đổ ra lênh láng từ trên đỉnh đầu là đỉnh cao, là điểm kết, là tiếng nói chung cuộc của một đời hiến dâng sự sống bản thân cho cả một sự sống nơi cõi người mà ngài hằng quý yêu, ấp ủ...

Hôm nay, nhân kỷ niệm đầy năm ngày cha Thanh rời bỏ trần thế, tôi xin được ghi lại cuộc hành hương nơi ngài đã sống và chết cùng những cảm nhận như trên. Chỉ xin được thắp nén hương lòng để tưởng nhớ cha, người anh em cùng lý tưởng linh mục với tôi.

Kính xin cha Giuse Trần Ngọc Thanh, người được vinh phúc hiến dâng sự sống của bản thân và được vô số anh chị em khắp nơi vinh danh, cầu nguyện cho chúng ta. Xin cho mỗi chúng ta, vì tấm gương tử đạo và lòng mến Chúa cao cả của ngài mà hăng say phụng sự Chúa và không ngần ngại làm chứng cho Chúa mọi nơi, mọi lúc, bền bỉ và kiên trung đến trọn kiếp sống của từng người chúng ta.