Nguyễn Trung Tây
Thánh Joseph Freinademetz, SVD - Lễ Kính 29/1
Linh Đạo Truyền Giáo



Thánh Joseph Freinademetz, SVD sinh ngày 15 tháng 4 năm 1852. Ngài là một trong hai vị thánh của Dòng Ngôi Lời (vị kia là thánh Tổ Phụ Arnold Jassen, SVD). Thánh Joseph có lẽ đã sống một cuộc đời linh mục triều êm đềm tại một giáo xứ địa phương, nếu ngài không đáp trả lời mời gọi rao giảng Tin Mừng tới lương dân. Ngọn lửa truyền giáo hun đúc trong hồn mang ngài tới gặp thánh Tổ phụ Arnold Janssen, SVD. Chia tay đời sống linh mục triều, thánh Joseph gia nhập Dòng Ngôi Lời. để rồi nhận được bài sai truyền giáo tại Trung Hoa. Mặc dù yêu mến gia đình, quê hương và văn hóa Landin-Áo của mình, sau khi bước chân xuống tàu sang Hồng Kông, thánh Joseph đã không bao giờ quay trở về quê hương nữa.

Cha Joseph nhắm mắt lại chết đi ngay trên chính mảnh đất truyền giáo Trung Hoa. Vào ngày 5 tháng 10 năm 2003, Đức Giáo Hoàng Phaolô II phong thánh cho ngài cùng với Lm Arnold Janssen, SVD, đấng sáng lập Dòng Ngôi Lời.

Thánh Joseph Freinademetz, SVD nổi bật với đời truyền giáo mang đậm sắc thái của linh đạo truyền giáo. Phân tích dưới lăng kính truyền giáo học, ngài cũng chính là một trong nhiều hình mẫu cho những nhà truyền giáo của ngày hôm nay.

A. Tình Yêu Ngọn Lửa
Cha Joseph là người sở hữu một trái tim nhiệt thành. Nói một cách khác, thánh nhân được Thiên Chúa ban tặng một món quà đặc biệt, đó là, “tình yêu ngọn lửa.” Tình yêu ngọn lửa này có khả năng thiêu đốt tất cả mọi chướng ngại vật xuất hiện cản trở bước đường hành hương của ngài. Và đây cũng chính là linh đạo truyền giáo của ngài.

Là người Ladin (Áo quốc), ngài yêu mến quê hương, ngôn ngữ, văn hóa, gia đình và bạn bè Ladin tại thôn làng Oies và giáo xứ St. Martin. Nhưng, cha Joseph cuối cùng bỏ lại tất cả lại sau lưng bởi tiếng gọi truyền giáo. Bởi “tình yêu ngọn lửa,” Ngài lên đường, sống đời tu sĩ truyền giáo tại phố nhỏ Steyl của Hòa Lan. Trong lá thư gửi tới bạn bè, cha Joseph viết, “Tôi chia sẻ rất thành thật với bạn, ngay cả nếu có được ba ngàn vương quốc để tôi phải hy sinh để lại sau lưng quê nhà thân yêu và bạn bè thương yêu cho một vùng đất xa lạ, tôi cũng không đánh đổi. Chỉ có tình yêu vào Đức Giêsu và linh hồn đã khiến tôi rời bỏ tất cả.”

Giống như người đã kiếm ra kho tàng chôn trong thửa ruộng và người thương buôn kiếm ra viên ngọc vô giá (Matt 13:44-47), sau khi biết mình có ơn gọi truyền giáo, cha “về nhà.” Với niềm vui rộn ràng, ngài “bán tất cả những gì” mình có, để sở hữu viên ngọc quý (Matt 13:44). Đó là, ơn gọi sống đời truyền giáo.

Khi đã nhận ra ơn gọi truyền giáo, ngài nuôi dưỡng ơn gọi. Ngay cả khi đối diện với những khó khăn trên hành trình truyền giáo, cha Joseph vẫn không bỏ cuộc. Ngài vẫn trung thành với ơn gọi truyền giáo đến giờ phút cuối. Cha Joseph bởi thế định nghĩa chữ yêu như sau, “Ngôn ngữ mà mọi người đều có thể hiểu là ngôn ngữ tình yêu.”

B. Từ Bỏ
Cha Joseph đã từ bỏ tất cả để đi theo những bước chân của Đức Giêsu truyền giáo. Giống như Đức Giêsu, cha Joseph cũng sẵn sàng từ bỏ tất cả cho vương quốc Kitô. Nét từ bỏ này có thể nhận ra qua hành động bỏ lại sau lưng những gì thân quen. Tại Trung Hoa, cha từ bỏ tư tưởng và lăng kính Âu Châu để mang vào tâm hồn và thể xác đời sống, văn hóa, lương thực Trung Hoa.

Những người có khả năng trải qua những cuộc biến đổi như thế này đều là những người mang trong người tình yêu ngọn lửa. Với tình yêu nhiệt thành cho vương quốc Kitô, cha Joseph đã sẵn sàng đối diện tất cả những thử thách và trải qua những điều cần thiết để đổi thay tâm hồn của chính ngài.

C. Mầu Nhiệm Vượt Qua
Cha Joseph không chỉ sẵn sàng từ bỏ nhưng ngài còn dám rời bỏ khu vực an toàn, vượt biên giới để đi tới, và sống với những nền văn hóa xa lạ cho sứ vụ truyền giáo. Cha Joseph đã nếm vị đắng sau khi bỏ lại sau lưng quê nhà và văn hóa Ladin thân yêu cho một nền văn hóa Đức-Hòa Lan tại thôn Steyl, Hòa Lan.

Sau khi rời bỏ Âu Châu cho vùng trời Viễn Đông, ngài lại gặp những khó khăn với một nền văn hóa Trung Hoa xa lạ.

Trên vùng đất mới, cha Joseph lại trải qua những đau khổ nội tâm, gây ra bởi văn hóa mới, lương thực mới, và ngôn ngữ mới.

Nhưng cha Joseph F. vẫn sẵn sàng nếm vị mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu. Ngài vác thánh giá và chết đi như Thầy Chí Thánh. Cha Joseph sau cùng đã phục sinh như Đức Kitô Phục Sinh.
Sau những trải nghiệm với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô, thánh nhân trở thành một con người mới. Con người này mơ ước ngôi mộ nằm giữa những ngôi mộ của người Trung Hoa. Trên tất cả, ngài mong ước trở thành một người Trung Hoa trên thiên đàng.

D. Ứng Dụng Linh Đạo Truyền Giáo của Thánh Joseph Freinademetz
Tương tự như nhà truyền giáo Đức Giêsu và thánh Joseph Freinademetz, nhà truyền giáo của ngày hôm nay phải có khả năng:
(1) Rao giảng vương quốc Kitô với tình yêu ngọn lửa,
(2) Sẵn sàng vượt đường biên để gặp gỡ và đối thoại với con người của nền văn hóa mới, những người đang đói khát bánh mì và nước hằng sống Đức Giêsu Kitô,
(3) Sống đời dựng lều giữa những ngôi lều của đàn chiên mình đang chăm sóc như “Ngôi Lời đã dựng lều giữa” thế gian (John 1:14),
4) Yêu mến vô điều kiện đàn chiên được gửi tới cho công tác mục vụ. Cũng như thánh Joseph, những nhà truyền giáo phải có tinh thần khiêm nhường chấp nhận học hỏi những điều tốt lành từ chính đàn chiên mình đang chăm sóc. Thánh Joseph thực sự ra đã nhận được ơn hoán cải từ chính những người Trung Hoa, những người mà thoạt tiên thánh nhân đã từng nghĩ ngài sẽ hoán cải họ. Tương tự như thế, những nhà truyền giáo của ngày hôm nay phải có khả năng truyền giáo và rồi tạo điều kiện để chính họ cũng được đàn chiên hoán cải và thay đổi tâm hồn của họ.□

Tài liệu tham khảo
— Bornemann, Fritz. As Wine Poured Out: Blessed Joseph Freinademetz SVD – Missionary in China 1879-1908. Rome: Divine Word Missionaries, 1984.
— Joyce, Walter. Fools for the Sake of Christ. Manila: Arnoldus Press, 1975.
— Hollweck, Sepp. Joseph Freinademetz: Serving the People of China. Ed. Stefan Ueblackner. Trans. Jacqueline Mullberge. Rome: Divine Word Missionaries, 2003.
— Reuter, Jacob. Joseph Freinademetz: South Tyrol’s Outstanding Missionary to the Far East. Rome: Divine Word Missionaries, 1975.