Chương mười bốn: bằng chứng gián tiếp


Liệu có bất cứ sự kiện hỗ trợ nào bênh vực việc Phục sinh không?

Không có nhân chứng nào chứng kiến Timothy McVeigh chất hai tấn chất nổ chế tạo từ phân bón vào một chiếc xe tải thuê Ryder. Không ai nhìn thấy anh ta lái chiếc xe đến trước tòa nhà liên bang ở thành phố Oklahoma và kích nổ quả bom khiến 168 người thiệt mạng. Không có máy quay phim nào đã chụp được hình ảnh anh ta chạy trốn khỏi hiện trường.

Tuy nhiên, một bồi thẩm đoàn đã có thể kết luận quá sự nghi ngờ hợp lý rằng McVeigh đã phạm tội đối với hành động khủng bố trong nước tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa K. Tại sao? Bởi vì từng sự kiện một, từng vật trưng bầy một, từng nhân chứng một, các công tố viên đã sử dụng bằng chứng gián tiếp để xây dựng một lý lẽ xít xao chống lại anh ta.

Trong khi không ai trong số 137 người được gọi đến bục nhân chứng đã nhìn thấy McVeigh phạm tội, lời khai của họ đã gián tiếp cung cấp bằng chứng về tội lỗi của anh ta: một doanh nhân cho biết McVeigh đã thuê một chiếc Ryder xe tải, một người bạn cho biết McVeigh đã nói về việc đánh bom tòa nhà vì tức giận chống lại chính phủ, và một nhà khoa học nói Quần áo của McVeigh có chứa chất nổ khi anh ta bị bắt giam. Các công tố viên củng cố điều này với hơn bảy trăm cuộc trưng bầy, từ biên lai nhà trọ và taxi đến sổ ghi điện thoại, chìa khóa xe tải, hóa đơn từ một nhà hàng Trung Quốc. Trong hơn mười tám ngày, họ khéo léo dệt nên một mạng lưới bằng chứng thuyết phục mà McVeigh không cách chi có thể thoát ra được.

Lời khai của nhân chứng tận mắt được gọi là chứng cớ trực tiếp vì người ta mô tả dưới lời tuyên thệ họ đã trực tiếp chứng kiến bị cáo phạm tội ra sao. Mặc dù lời khai này thường có tính thuyết phục, nhưng đôi khi nó có thể tùy thuộc vào những ký ức mờ nhạt, định kiến, và thậm chí hoàn toàn bịa đặt. Ngược lại, bằng chứng gián tiếp được tạo thành từ các sự kiện gián tiếp từ đó các suy luận có thể được rút ra một cách hợp lý (1). Hiệu quả tích lũy của nó có thể không hề kém mạnh mẽ - và trong nhiều trường hợp còn có thể mạnh mẽ hơn cả trình thuật của nhân chứng tận mắt.

Hãy hỏi Timothy McVeigh. Rất có thể anh ta nghĩ rằng anh ta không phạm tội bằng cách tránh các nhân chứng tận mắt, nhưng anh ta vẫn sa vào án tử tù do những sự kiện gián tiếp tố cáo anh ta một cách tàn khốc như bất cứ nhân chứng trực tiếp nào có thể làm.

Sau khi xem xét bằng chứng thuyết phục bênh vực ngôi mộ trống, và những lời tường thuật của nhân chứng tận mắt về Chúa Giêsu phục sinh, bây giờ đã đến lúc để tôi tìm kiếm bất cứ bằng chứng gián tiếp nào có thể củng cố lý lẽ bênh vực việc Phục sinh. Tôi biết nếu một sự kiện phi thường như việc phục sinh của Chúa Giêsu đã thực sự xảy ra, lịch sử sẽ tràn ngập bằng chứng gián tiếp ủng hộ nó.

Nhiệm vụ đó lại đưa tôi đến miền nam California, lần này là tới văn phòng của một giáo sư, người kết hợp thành thạo các chuyên môn về lịch sử, triết học và khoa học.



Cuộc phỏng vấn thứ mười ba: J.P. Moreland, Ph.D.

J. P. Moreland có mái tóc xám đen, ria mép bạc và gọng kính vàng khiến ông trông già hơn tuổi năm mươi của ông một chút. Tuy nhiên, ông tràn đầy năng lực. Ông nói một giọng nói sôi động và nhiệt tình, thường xuyên nghiêng về phía trước trong chiếc ghế xoay của mình để nhấn mạnh quan điểm, đôi khi nhảy người lên một chút, gần như thể lao ra và bóp cổ tôi bằng lập luận.

"Tôi thích điều này," ông thốt lên như thế trong một lần nghỉ giải lao ngắn - lần duy nhất trong cuộc trò chuyện của chúng tôi khi ông quả quyết điều hiển nhiên.

Đầu óc có tổ chức cao của Moreland làm việc rất có hệ thống, có luận lý, đến nỗi ông dường như dễ dàng xây dựng lý lẽ của mình bằng những câu và cả đoạn văn trọn vẹn, mà không lãng phí từ ngữ hoặc những suy nghĩ không liên quan, sẵn sàng cho việc sửa bản in và in ấn. Khi máy ghi âm của tôi dừng lại, ông cũng tạm dừng, cho tôi thời gian để nạp cuộn băng mới, và sau đó lại tiếp nối chính xác nơi ông đã dừng lại, không bỏ lỡ một chữ.

Mặc dù Moreland là một triết gia nổi tiếng (có bằng tiến sĩ từ Đại học Nam California) và len lỏi một cách thoải mái qua thế giới khái niệm của Kant và Kierkegaard, ông không hoàn toàn sống trong trừu tượng. Kinh nghiệm của ông về khoa học (ông có bằng hóa học của Đại học Missouri) và thông thạo lịch sử (như đã được thể hiện qua cuốn sách xuất sắc của ông Scaling the Secular City [Vẽ bản đồ đô thị thế tục] đã giữ chặt ông vào thế giới hàng ngày và ngăn chặn ông bập bềnh trong suy nghĩ thuần túy mây khói.

Moreland, người cũng có bằng thạc sĩ thần học từ Dallas Theological Seminary, hiện là giáo sư tại Trường Thần học Talbot, nơi ông giảng dạy trong chương trình thạc sĩ về triết học và đạo đức.

Các bài báo của ông đã được công bố trên hơn ba mươi tạp chí chuyên nghiệp, chẳng hạn như American Philosophical Quarterly [Tam Cá Nguyệt San Triết học Hoa kỳ], Metaphilosophy [Siêu hình học]; và Philosophy and Phenomeological Research [Nghiên cứu Triết học và Hiện tượng học]. Ông từng viết, đồng tác giả hoặc biên tập hàng chục cuốn sách, bao gồm Christianity and the Nature of Science [Kitô giáo và Bản chất của Khoa học]; Does God Exist? [Thiên Chúa có hiện hữu không?] (một cuộc tranh luận với Kai Nielsen); The Life and Death Debate [Cuộc Tranh Luận về sự Sống và sự chết]; The Creation Hypothesis [Giả thuyết sáng tạo]; Beyond Death: Exploring the Evidence for Immortality [Bên kia cái chết: Khám phá bằng chứng về sự bất tử]; Jesus under Fire [Chúa Giêsu bị tấn công]; và Love Your God with All Your Mind [Yêu Thiên Chúa của Bạn Hết Tâm Trí].

Ngồi xuống với Moreland trong văn phòng nhỏ nhưng ấm cúng của ông, tôi biết rằng bằng chứng gián tiếp là số nhiều hơn là số ít. Nói cách khác, nó được xây từng viên gạch một cho đến khi có một nền tảng vững chắc trên đó các kết luận có thể tự tin dựa vào. Vì vậy, tôi bắt đầu cuộc phỏng vấn của chúng tôi với một thách thức thẳng thắn: "Ông có thể cho tôi năm mảnh bằng chứng gián tiếp có tính thuyết phục rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết không?"

Moreland chăm chú lắng nghe câu hỏi của tôi rồi hỏi, "Năm thí dụ? Năm điều không ai tranh cãi?"

Tôi gật đầu. Nghe thế, Moreland đẩy lui ghế ra khỏi bàn, và khởi đầu mảnh bằng chứng đầu tiên của ông: những cuộc đời đã thay đổi của các môn đệ và việc họ sẵn sàng chết vì niềm tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết.

Trưng bày 1: Các Môn đệ chết cho các niềm tin của họ

Moreland bắt đầu, "Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, những người theo Người chán nản và phiền muộn. Họ không còn tin rằng Chúa Giêsu được Thiên Chúa sai đến, vì họ tin bất cứ ai bị đóng đinh đều bị Thiên Chúa nguyền rủa. Họ cũng đã được dạy rằng Thiên Chúa sẽ không để Đấng Mêxia của Người phải chịu chết. Vì vậy, họ giải tán. Phong trào của Chúa Giêsu gần như đã ngưng lại.

“Rồi, sau một thời gian ngắn, chúng ta lại thấy họ từ bỏ nghề nghiệp, tụ tập lại với nhau và cam kết truyền bá một thông điệp rất chuyên biệt-rằng Chúa Giêsu Kitô là Đấng Mêxia của Thiên Chúa, chết trên thập giá, đã sống lại và được họ nhìn thấy còn sống.

“Và họ sẵn sàng dành phần còn lại của cuộc đời để công bố điều này, mà không cần bất cứ sự đền đáp nào theo quan điểm của con người. Không phải như thể có một biệt thự đang chờ đợi họ trên Địa Trung Hải. Họ phải đối diện với một cuộc sống khó khăn. Họ thường không có thức ăn, ngủ ngoài trời, bị chế giễu, đánh đập, bỏ tù. Và cuối cùng, hầu hết trong số họ đã bị xử tử bằng những cách rất cực hình.



“Để làm gì? Vì các ý hướng tốt lành? Không, bởi vì họ đã được thuyết phục hoàn toàn chắc chắn rằng họ đã nhìn thấy Chúa Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết. Điều ông không thể giải thích là làm thế nào cái nhóm người đặc thù này đã đạt tới niềm tin đặc biệt này mà không có trải nghiệm nào về Đấng Kitô phục sinh. Không hề có lời giải thích thỏa đáng nào khác."

Tôi cắt ngang bằng câu phản bác, "Vâng, nhưng... Vâng, tôi đồng ý, họ sẵn sàng chết vì niềm tin. Nhưng”, tôi nói thêm “người Hồi giáo, Mormons, và những người theo Jim Jones và David Koresh cũng như thế. Điều này có thể cho thấy họ cuồng tín, nhưng ta hãy đối đầu với nó: nó không chứng minh rằng những gì họ tin là đúng."

Xoay người trực diện với tôi, trồng cả hai chân vững chắc trên sàn nhà, Moreland nhấn mạnh, "Khoan đã – ông hãy suy nghĩ cẩn thận về sự khác biệt.

"Người Hồi giáo có thể sẵn sàng chết vì niềm tin của họ rằng Allah tự mặc khải với Muhammad, nhưng sự mặc khải này đã không được thực hiện một cách có thể quan sát công khai. Vì vậy, họ có thể sai lầm về nó. Họ có thể chân thành nghĩ rằng đó là sự thật, nhưng họ không thể biết được sự kiện, vì họ không tận mắt chứng kiến.

“Tuy nhiên, các tông đồ sẵn sàng chết vì điều chính họ nhìn thấy tận mắt và sờ tận tay. Họ ở một vị trí duy nhất không chỉ tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết nhưng biết chắc chắn. Và khi ông đã có mười một người đáng tin cậy không hề có động cơ thầm kín, không có gì để đoạt lợi và rất nhiều điều để mất mát, tất cả đều nhất trí rằng họ đã quan sát thấy điều gì đó bằng chính đôi mắt của họ - thì hẳn ông khá khó khăn trong việc giải thích nhằm bác bỏ điều đó."

Tôi mỉm cười vì tôi đã đóng vai trạng sư của quỷ bằng cách nêu ra phản bác của tôi. Thật ra, tôi biết ông nói đúng. Thực vậy, điều khác biệt quan trọng này là mấu chốt trong hành trình tâm linh của riêng tôi.

Nó đã được nêu ra cho tôi cách này: Người ta chết vì niềm tin tôn giáo của họ nếu họ chân thành tin rằng chúng là sự thật, nhưng người ta sẽ không chết vì niềm tin tôn giáo của họ nếu họ biết niềm tin này sai.

Trong khi hầu hết mọi người chỉ có thể có niềm tin rằng niềm tin của họ là đúng, các môn đệ ở trong một vị trí biết hoàn toàn chắc chắn về việc Chúa Giêsu có sống lại từ cõi chết hay không. Họ tuyên bố họ đã nhìn thấy Người, nói chuyện với Người và ăn uống với Người. Nếu họ không hoàn toàn chắc chắn, họ sẽ không để mình bị tra tấn đến chết vì đã tuyên bố rằng sự Phục sinh đã diễn ra” (2).

Tôi nói, "OK, tôi tin chắc điều đó, Nhưng ông còn điều gì nữa không?”

Trưng bầy 2: Sự hoán cải của những kẻ hoài nghi

Moreland nói tiếp, “Một bằng chứng gián tiếp khác, đó là có những người hoài nghi cứng rắn không tin vào Chúa Giêsu trước khi Người bị đóng đinh - và ở một mức độ nào đó đã sẵn sàng chống lại Kitô giáo- đã quay hẳn lại và chấp nhận đức tin Kitô giáo sau cái chết của Chúa Giêsu. Không có lý do chính đáng cho điều này ngoài việc họ đã trải nghiệm Chúa Kitô phục sinh”.

Tôi nói, “Rõ ràng ông đang nói về Giacôbê, em Chúa Giêsu, và Saolô thành Tatsơ, người đã trở thành tông đồ Phaolô. Nhưng thực sự ông có bằng chứng đáng tin cậy rằng Giacôbê đã từng là một người hoài nghi Chúa Giêsu không?"

Ông nói, "Vâng, tôi có. Các sách Tin Mừng cho chúng ta biết gia đình Chúa Giêsu, bao gồm cả Giacôbê, cảm thấy xấu hổ trước những gì Người tuyên bố Người là. Họ không tin vào Người; họ đối đầu với Người. Trong Do Thái giáo cổ thời, điều rất xấu hổ đối với gia đình của một giáo sĩ Do Thái là không chấp nhận ông ta. Vì vậy, các tác giả Tin Mừng sẽ không có động cơ để bịa đặt ra sự hoài nghi này nếu nó không đúng sự thật.

"Sau đó, nhà sử học Josephus nói với chúng ta rằng Giacôbê, em của Chúa Giêsu, thủ lĩnh của hội thánh Giêrusalem, bị ném đá cho chết vì tin tưởng vào anh mình. Tại sao cuộc sống của Giacôbê thay đổi? Thánh Phaolô cho chúng ta biết: Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra với ông. Không có lời giải thích nào khác."

Thật vậy, không có lời giải thích nào xuất hiện trong tâm trí tôi, tôi bèn hỏi, "Còn Saolô?".

Moreland trả lời, “Là một người Pharisiêu, ngài ghét bất cứ điều gì trái với truyền thống Do Thái. Đối với ngài, phong trào phản động mới được gọi là Kitô giáo này sẽ là đỉnh cao của sự bất trung. Thực vậy, ngài giải quyết sự thất vọng của mình bằng cách hành quyết những người theo Kitô giáo khi ngài có cơ hội.

"Đột nhiên ngài không những chỉ nhẹ nhàng với các Kitô hữu mà còn tham gia phong trào của họ! Làm sao chuyện này có thể xảy ra được? Thì, mọi người đều đồng ý Thánh Phaolô đã viết thư Galát, và chính ngài kể cho chúng ta trong bức thư đó điều đã khiến ngài quay ngược hẳn 180 độ và trở thành người đề xướng chính của Niềm tin Kitô giáo. Bằng chính ngòi bút của mình, ngài nói rằng ngài đã nhìn thấy Chúa Kitô phục sinh và nghe Chúa Kitô chỉ định ngài làm một trong những người theo chân Người."

Tôi chỉ đợi Moreland đưa ra quan điểm này, để tôi có thể thách thức ông bằng một phản bác của nhà phê bình Kitô giáo Michael Martin. Ông ấy nói rằng nếu bạn coi sự trở lại của Thánh Phaolô như bằng chứng cho sự thật của Phục sinh, bạn nên kể Việc Muhammad trở lại đạo Hồi như bằng chứng cho sự thật Chúa Giêsu đã không phục sinh, vì người Hồi giáo phủ nhận phục sinh!

Tôi nói với Moreland, "Trong căn bản, ông ấy nói rằng các giá trị hiển nhiên của việc trở lại của Thánh Phaolô và việc trở lại của Muhammad triệt tiêu lẫn nhau, Thành thật mà nói, đó dường là một điểm có giá trị. Há ông không thừa nhận rằng ông ta đúng hay sao?"

Moreland không cắn câu. Ông nói bằng giọng đầy tự tin, "Chúng ta hãy xem sự trở lại của Muhammad. Không ai biết bất cứ điều gì về nó. Muhammad cho rằng ông đã đi vào một hang động và có một trải nghiệm tôn giáo trong đó Allah mạc khải kinh Koran cho ông. Không có nhân chứng nào khác để xác minh điều này. Muhammad không đưa ra bất cứ dấu hiệu kỳ diệu công khai nào để chứng nhận bất cứ điều gì.

"Và ai đó có thể dễ dàng có những động cơ thầm kín khi đi theo Muhammad, bởi vì trong những năm đầu, Hồi giáo được truyền bá chủ yếu nhờ chiến tranh. Những người theo Muhammad đã đoạt được ảnh hưởng chính trị và quyền lực đối với những ngôi làng bị chinh phục và ‘hoán cải' thành Hồi giáo bằng thanh kiếm.

"Ông hãy tương phản điều trên với những tuyên bố của những người theo Chúa Giêsu lúc ban đầu, trong đó có Thánh Phaolô. Họ tuyên bố đã nhìn thấy các sự kiện công cộng mà người khác cũng thấy. Đây là những điều đã xảy ra ở bên ngoài tâm trí của họ, không chỉ trong tâm trí của họ.

"Hơn nữa, khi Thánh Phaolô viết thư Côrintô thứ 2- mà không ai tranh cãi là chính ngài viết - ngài nhắc nhở người Côrintô rằng ngài đã làm nhiều phép lạ khi ngài ở với họ trước đó. Ngài chắc chắn sẽ thật ngu ngốc khi đưa ra tuyên bố này nếu họ biết ngài đã không làm như vậy."

Tôi hỏi, "còn trọng điểm của ông?".

Ông nói, “Hãy nhớ rằng, không phải là sự kiện đơn giản khi Thánh Phaolô thay đổi quan điểm của ngài. Ông phải giải thích ngài có sự thay đổi đặc thù này ra sao về niềm tin hoàn toàn đi ngược lại nền giáo dục của ngài; ngài nhìn thấy Chúa Kitô phục sinh ra sao trong một sự kiện công cộng được chứng kiến bởi những người khác, mặc dù họ không hiểu nó; và ngài thực hiện các phép lạ ra sao để hỗ trợ tuyên bố của mình như một tông đồ."

Tôi nói, “Được, rất được. Tôi đã thấy trọng điểm của ông. Và tôi xin thừa nhận, đó là một trọng điểm tốt." Sau đó, tôi ra hiệu để ông nói tiếp mảnh bằng chứng tiếp theo của ông.

Trưng bầy 3: Các thay đổi trong các cơ cấu xã hội chủ chốt

Để giải thích loại bằng chứng gián tiếp tiếp theo của ông, Moreland phải cung cấp một số thông tin căn bản quan trọng về văn hóa Do Thái.

Moreland giải thích: “Vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái bị bách hại trong bảy trăm năm bởi người Babylon, người Assyria, người Ba Tư, và bây giờ bởi người Hy Lạp và người La Mã. Nhiều người Do Thái đã bị phân tán và sống như những tù nhân ở các quốc gia khác này.

"Tuy nhiên, ngày nay chúng ta vẫn thấy người Do Thái, trong khi chúng ta không thấy người Hittite, Perizzites, Ammonites, Assyria, Ba Tư, Babylon và những người khác đã sống trong thời gian đó. Tại sao? Bởi vì những người này đã bị các quốc gia khác bắt giữ, kết hôn lẫn lộn và đánh mất bản sắc dân tộc của họ.

"Tại sao điều đó không xảy ra với người Do Thái? Bởi vì những điều đã tạo nên người Do Thái thành người Do Thái – các cơ cấu xã hội đã mang lại cho họ bản sắc dân tộc – cực kỳ quan trọng đối với họ. Người Do Thái sẽ truyền lại những cơ cấu này cho con cháu của họ, cử hành chúng trong các cuộc họp của hội đường mỗi ngày Sabát, và củng cố chúng bằng các nghi lễ của họ, bởi vì họ biết nếu không làm như vậy, chẳng bao lâu sau sẽ không còn người Do Thái nào nữa. Họ sẽ bị đồng hóa vào các nền văn hóa đã chiếm giữ họ.

Và có một lý do khác giải thích tại sao những định chế xã hội này lại quan trọng đến vậy: họ tin rằng những định chế này được Thiên Chúa giao phó cho họ. Họ tin rằng việc từ bỏ các cơ sở này sẽ đồng nghĩa với việc linh hồn của họ sẽ bị đày xuống địa ngục sau khi chết.

Bây giờ một thầy rabbi tên là Giêsu xuất hiện từ một khu vực thuộc giai cấp thấp hơn. Thầy giảng dạy trong ba năm, tập hợp được những người hạ và trung đẳng, gặp rắc rối với chính quyền, và bị đóng đinh cùng với ba mươi nghìn người Do Thái khác, bị hành quyết trong khoảng thời gian này.

Nhưng năm tuần sau khi thầy bị đóng đinh, hơn mười ngàn người Do Thái đã theo chân thầy và tuyên bố rằng thầy là người khởi xướng một tôn giáo mới. Và ông nên nhớ điều này: họ sẵn lòng từ bỏ hoặc thay đổi tất cả năm định chế xã hội mà họ đã được dạy từ thời thơ ấu là có tầm rất quan trọng cả về mặt xã hội học lẫn thần học.”

Tôi nói, "Vì vậy, ngụ ý là một điều gì đó lớn lao đang diễn ra".

Moreland nói lớn, "Một điều gì đó rất lớn đang diễn ra!"

Còn 1 kỳ