Cách mạng hóa đời sống Do Thái

Tôi mời Moreland trình bầy đủ năm cơ cấu xã hội nói trên và giải thích những người theo Chúa Giêsu đã thay đổi hoặc từ bỏ chúng ra sao.

Ông nói: “Thứ nhất, từ thời Ápraham và Môsê, họ đã được dạy rằng họ cần phải dâng của lễ bằng thú vật trên cơ sở hàng năm để chuộc tội lỗi của họ. Thiên Chúa sẽ chuyển tội lỗi của họ sang con vật đó, và tội lỗi của họ sẽ được tha thứ để họ có thể ở vị thế chính trực đối với Người. Nhưng đột nhiên, sau cái chết của người thợ mộc thành Nadarét này, những người Do Thái này không còn dâng của lễ nữa.

Thứ hai, người Do Thái nhấn mạnh việc tuân giữ lề luật mà Thiên Chúa đã trao cho họ qua Môsê. Theo quan điểm của họ, đây là điều phân cách họ với các quốc gia ngoại giáo. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn sau cái chết của Chúa Giêsu, người Do Thái bắt đầu nói rằng bạn không thể trở thành một thành viên chính trực trong cộng đồng của họ chỉ bằng cách tuân giữ luật Môsê.

Thứ ba, người Do Thái cẩn thận giữ ngày Sabát bằng cách không làm bất cứ điều gì ngoại trừ việc sùng kính tôn giáo vào mỗi thứ Bảy. Đây là cách họ có được vị thế đúng đắn với Thiên Chúa, bảo đảm ơn cứu rỗi cho gia đình họ và ở vị thế đúng đắn với quốc gia. Tuy nhiên, sau cái chết của người thợ mộc Nadarét này, truyền thống một nghìn năm trăm năm này bị thay đổi đột ngột. Các Kitô hữu kia đã thờ phượng vào hôm Chúa nhật-tại sao? Vì đó là ngày Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết.

“Thứ tư, người Do Thái tin vào thuyết độc thần - chỉ có một Thiên Chúa. Trong khi các Kitô hữu dạy một hình thức độc thần hơi khác, họ nói rằng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một Thiên Chúa. Điều này hoàn toàn khác với những gì người Do Thái tin tưởng. Những người này coi đó là đỉnh cao của dị giáo khi nói rằng ai đó có thể vừa là Thiên Chúa vừa là con người. Tuy nhiên, người Do Thái bắt đầu tôn thờ Chúa Giêsu là Thiên Chúa ngay trong thập niên đầu tiên của Kitô giáo.

“Và thứ năm, các Kitô hữu này hình dung Đấng Mêxia là một người chịu đau khổ và chết vì tội lỗi của thế giới, trong khi người Do Thái đã được huấn luyện để tin rằng Đấng Mêxia là một nhà lãnh đạo chính trị sẽ tiêu diệt quân đội La Mã".

Với bối cảnh đã được thiết lập đó, Moreland bắt đầu tấn công bằng lời lẽ tu từ, nhìn tôi bằng ánh mắt mãnh liệt và kiên định của ông. Ông nói, “Lee ạ, anh có thể giải thích ra sao việc tại sao trong một khoảng thời gian ngắn không chỉ một người Do Thái mà cả một cộng đồng người Do Thái gồm ít nhất mười nghìn người sẵn lòng từ bỏ năm thực hành chính từng phục vụ họ về mặt xã hội học và thần học trong nhiều thế kỷ? Lời giải thích của tôi rất đơn giản: họ đã thấy Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết."

Trong khi quan điểm của Moreland cực kỳ gây ấn tượng, tôi thấy ngày nay mọi người có vấn đề trong việc người ta hiểu nó ngày nay. Tôi nói với ông rằng người Mỹ thế kỷ 20 rất khó đánh giá đúng bản chất triệt để của sự biến đổi này.

Tôi nói, “Ngày nay người ta có đức tin linh động. Họ nhảy qua nhẩy lại giữa Kitô giáo và tín ngưỡng Tân đại. Họ học đòi Phật giáo, họ trộn hổ lốn và tạo ra nền linh đạo của riêng họ. Đối với họ, việc thực hiện những thay đổi mà ông vừa đề cập dường như không phải là vấn đề lớn."

Moreland gật đầu. Rõ ràng ông đã nghe thấy phản bác này trước đây. "Tôi muốn hỏi một người như vậy, 'Niềm tin yêu quý nhất của bạn là gì?

Bố mẹ bạn có là những người tốt không? Giết người có vô luân không? Hãy nghĩ xem điều gì đó phải triệt để đến mức nào mới khiến bạn thay đổi hoặc từ bỏ niềm tin mà bạn vô cùng trân trọng. Bây giờ chúng ta đang bắt đầu tiến gần hơn.'

"Hãy nhớ rằng đây là toàn bộ cộng đồng những người đang từ bỏ niềm tin quý giá đã được truyền qua nhiều thế kỷ và họ tin rằng đó là từ chính Thiên Chúa. Họ đang làm điều đó mặc dù họ đang gây nguy hiểm cho phúc lợi của chính họ, và họ cũng tin rằng họ đang có nguy cơ đày đọa linh hồn họ xuống địa ngục nếu họ sai.

“Hơn nữa, họ không làm điều này bởi vì họ đã nảy ra những ý tưởng hay hơn. Họ rất hài lòng với những truyền thống cũ. Họ đã từ bỏ chúng vì họ đã nhìn thấy những điều kỳ diệu mà họ không thể giải thích được và điều đó buộc họ phải nhìn thế giới một cách khác."

Tôi nhận xét rằng chúng ta là những người theo chủ nghĩa cá nhân phương Tây thích sự thay đổi về kỹ thuật và xã hội học. Các truyền thống không đáng kể bao nhiêu đối với chúng ta."

Moreland trả lời, "Tôi xin đồng ý. Nhưng những người này coi trọng truyền thống. Họ sống trong thời kỳ mà điều gì càng cũ càng tốt. Thực thế, đối với họ, họ có thể lần giở một ý tưởng trở lại càng xa xưa thì càng có nhiều khả năng nó đúng sự thật. Vì vậy, vươn tới những ý tưởng mới là đi ngược với cách chúng ta là hiện nay.

Ông kết luận, “Tin tôi đi, những thay đổi này đối với cơ cấu xã hội Do Thái không những chỉ là các điều chỉnh nhỏ ngẫu nhiên- chúng hoàn toàn vĩ đại. Đây chẳng khác gì một trận động đất xã hội! Và động đất không xảy ra mà không có nguyên nhân."

Trưng bầy 4: Rước lễ và Rửa tội



Moreland coi việc xuất hiện của các bí tích rước lễ và rửa tội trong Giáo Hội tiên khởi như một bằng chứng gián tiếp nữa rằng biến cố Phục Sinh là có thật. Nhưng tôi vốn có một số nghi ngờ.

Tôi hỏi, "Há không phải là tự nhiên hay sao khi các tôn giáo tạo ra các nghi thức và thực hành riêng của họ? Mọi tôn giáo đều có chúng. Nên làm thế nào điều đó có thể chứng minh được điều gì về Sự Phục Sinh?”

Ông trả lời, “À, nhưng chúng ta hãy xem xét việc Rước lễ một chút đã. Điều kỳ lạ là những người theo Chúa Giêsu ban đầu này đã không tụ họp cùng nhau để cử hành những lời dạy của Người hay Người thật tuyệt vời xiết bao. Họ đến với nhau thường xuyên để có một bữa ăn cử hành vì một lý do: để tưởng nhớ việc Chúa Giêsu đã bị giết công khai một cách kỳ cục và nhục nhã.

"Hãy nghĩ về điều này theo nghĩa hiện đại. Nếu một nhóm người yêu John F. Kennedy, họ có thể gặp nhau thường xuyên để tưởng nhớ ông trong việc đối đầu với Nga, thúc đẩy quyền công dân, và nhân cách lôi cuốn của ông. Nhưng họ sẽ không cử hành sự kiện Lee Harvey Oswald đã giết ông!

"Tuy nhiên, điều đó tương tự như điều các Kitô hữu đầu tiên đã làm. Ông giải thích điều đó ra sao? Tôi giải thích nó cách này: họ nhận ra rằng việc giết Chúa Giêsu là một bước cần thiết để đạt được một chiến thắng lớn hơn nhiều. Vụ giết Người không phải là lời cuối cùng - lời cuối cùng là Người đã chiến thắng cái chết cho tất cả chúng ta bằng cách sống lại từ cõi chết.

Họ cử hành việc hành quyết vì họ tin chắc rằng họ đã nhìn thấy Người sống lại ra khỏi ngôi mộ."

Tôi hỏi, "Còn phép rửa tội thì sao?”.

"Giáo Hội tiên khởi đã tiếp nhận một hình thức rửa tội từ nền dưỡng dục Do Thái của họ, gọi là lễ rửa tội cho người tân tòng. Khi dân ngoại muốn tuân theo luật Môsê, người Do Thái sẽ rửa tội cho những người ngoại giáo đó nhân danh thẩm quyền Thiên Chúa của Israel. Nhưng trong Tân Ước, người ta được rửa tội nhân danh Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần - nghĩa là họ đã nâng Chúa Giêsu lên địa vị Thiên Chúa trọn vẹn.

“Không những chỉ có thế, phép rửa tội còn là một cử hành cái chết của Chúa Giêsu, giống như Rước lễ. Bằng cách ở dưới nước, ông đang cử hành cái chết của Người, và khi được đưa lên khỏi mặt nước, ông đang cử hành sự kiện này là Chúa Giêsu đã được nâng lên sự sống mới".

Tôi ngắt lời bằng cách nói, "Ông đang cho rằng những bí tích này không chỉ đơn thuần được thích ứng từ các tôn giáo gọi là huyền bí."

Moreland trả lời, "Và vì những lý do chính đáng. Đầu tiên, không có bằng chứng rành rành nào cho thấy bất cứ tôn giáo huyền bí nào cũng tin vào các vị thần chết đi và sống lại, cho đến sau thời kỳ Tân Ước. Vì vậy, nếu có bất cứ vay mượn, thì họ đã vay mượn của Kitô giáo.

"Thứ hai, việc thực hành phép rửa bắt nguồn từ phong tục của người Do Thái, và người Do Thái rất phản đối việc cho phép những ý tưởng của người ngoại hoặc người Hy Lạp ảnh hưởng đến sự thờ phượng của họ. Và thứ ba, hai bí tích này có thể đã có từ thời cộng đồng Kitô giáo sớm nhất - quá sớm để không chịu ảnh hưởng của bất cứ tôn giáo nào khác len lỏi vào sự hiểu biết của họ về ý nghĩa cái chết của Chúa Giêsu”.

Trưng bầy 5: Sự Xuất hiện của Giáo Hội

Moreland mở đầu điểm cuối cùng này bằng cách nói, "Khi một chuyển dịch văn hóa lớn diễn ra, các nhà sử học luôn tìm kiếm các sự kiện có thể giải thích nó.”

Tôi nói, “Vâng, điều đó có lý”.

“OK, vậy chúng ta hãy nghĩ về sự khởi đầu của Giáo Hội Kitô giáo. Chắc chắn nó đã bắt đầu ngay sau cái chết của Chúa Giêsu và lan truyền nhanh đến nỗi trong khoảng thời gian có thể là hai mươi năm, nó thậm chí đã đến cung điện của Xêda ở Rome. Không những chỉ có thế, nhưng phong trào này đã chiến thắng một số ý thức hệ cạnh tranh và cuối cùng áp đảo toàn bộ đế quốc La Mã.

“Bây giờ, nếu ông là người sao Hỏa nhìn xuống thế kỷ thứ nhất, ông nghĩ Kitô giáo hay Đế quốc La Mã sẽ tồn tại? Có lẽ ông sẽ không bỏ tiền vào một nhóm người khố rách áo ôm mà thông điệp chính là một người thợ mộc bị đóng đinh từ một ngôi làng vô danh đã chiến thắng ngôi mộ. Vậy mà nó lại đã thành công đến nỗi hôm nay chúng ta đặt tên con là Phêrô và Phaolô và những chú chó của chúng ta là Xêda và Nêrông! "Tôi thích cách C. F. D. Moule, Học giả Tân Ước của Cambridge, nói: 'Nếu việc đi vào hiện hữu của người Nadarét, một hiện tượng được chứng thực một cách không thể phủ nhận bởi Tân Ước, đã rạch một lỗ hổng lớn trong lịch sử, một lỗ hổng có kích thước và hình dạng của sự Phục sinh, nhà sử học thế tục đề xuất điều gì để ngưng nó lại?'" (3)

Mặc dù đây không phải là điểm mạnh nhất của Moreland, vì các phong trào tôn giáo khác cũng xuất hiện và lan rộng, nên bằng chứng gián tiếp không chỉ dựa vào sức mạnh của một sự kiện. Thay vào đó, nó là sức nặng tích lũy của một số sự kiện mà cùng nhau chúng làm cho bàn cân hướng về một kết luận. Và với Moreland, kết luận này thật rõ ràng.

Ông nói, "Hãy xem, nếu ai đó muốn xem xét bằng chứng gián tiếp này và đi đến phán quyết rằng Chúa Giêsu đã không trỗi dậy từ cõi chết- tốt thôi. Nhưng họ phải cung cấp một giải thích thay thế hợp lý cho cả năm trong số các sự kiện này.

"Hãy nhớ rằng, chắc chắn là những sự kiện này đúng sự thật; vấn đề trong câu hỏi là làm thế nào để giải thích chúng. Và tôi chưa bao giờ thấy lời giải thích nào tốt hơn là sự Phục Sinh.”

Tôi nhẩm ôn lại đoạn băng về bằng chứng gián tiếp: sự sẵn lòng của các môn đệ chịu chết vì điều họ đã trải nghiệm; cuộc sống cách mạng của những người hoài nghi như Giacôbê và Saolô; những thay đổi triệt để trong cơ cấu xã hội được người Do Thái ấp ủ trong nhiều thế kỷ; sự xuất hiện đột ngột của việc rước lễ và rửa tội; và sự xuất hiện và phát triển đáng kinh ngạc của Giáo Hội.

Với tất cả năm sự kiện không ai tranh cãi, tôi phải đồng ý với Moreland rằng Sự Phục Sinh, và chỉ có Sự Phục Sinh, mới làm cho chúng có ý nghĩa. Không có lời giải thích nào khác được gần như thế. Và đó mới chỉ là bằng chứng gián tiếp. Khi tôi thêm bằng chứng thuyết phục là ngôi mộ trống của Chúa Giêsu, và chứng từ đầy thuyết phục về các lần hiện ra sau Phục sinh của Người, lý lẽ xem ra đủ để kết luận.

Đó cũng là đánh giá của Ngài Lionel Luckhoo, luật sư lỗi lạc và khôn khéo với 245 vụ giết người liên tiếp được trắng án một cách đáng kinh ngạc đã giúp ông có một vị trí trong Sách Guinness Thế giới về Kỷ lục trong tư cách luật sư thành công nhất thế giới. Hai lần được Nữ hoàng Elizabeth phong chức Hiệp sĩ, cựu chánh án và nhà ngoại giao này đã phân tích, trong vài năm, một cách nghiêm ngặt các sự kiện lịch sử về sự Phục sinh trước khi tuyên bố, "Tôi nói một cách dứt khoát rằng bằng chứng về sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô áp đảo đến độ nó buộc ta phải chấp nhận nhờ bằng chứng, một việc không chừa chỗ nào cho sự nghi ngờ."

Nhưng khoan đã. Còn nhiều điều nữa.

Đi bước cuối cùng

Cuộc phỏng vấn của chúng tôi đã kết thúc, Moreland và tôi đang nói đùa về túc cầu khi tôi rút máy ghi âm ra khỏi ổ điện và bắt đầu cất các ghi chú của mình đi. Mặc dù tôi hơi vội để bắt chuyến bay trở về Chicago, ông đã nói điều gì đó khiến tôi phải dừng lại.

Ông nhận xét, "Có một loại bằng chứng khác mà ông chưa hỏi".

Tôi nhẩm ôn lại cuộc phỏng vấn của chúng tôi. Tôi nói, “Tôi chịu thua. Nó là gì vậy?"

Ông nói, "Chính cuộc gặp gỡ liên tục với Chúa Kitô phục sinh vốn xảy ra khắp nơi trên thế giới, trong mọi nền văn hóa, với mọi người từ mọi loại hậu cảnh và nhân cách - được giáo dục tốt và không, người giàu và người nghèo, người suy nghĩ và người cảm nhận, đàn ông và đàn bà. Tất cả đều làm chứng rằng hơn bất cứ điều đơn nhất nào trong cuộc sống của họ, Chúa Giêsu Kitô đã thay đổi họ."

Moreland nghiêng người về phía trước để nhấn mạnh. "Đối với tôi, điều này cung cấp bằng chứng cuối cùng - không phải là bằng chứng duy nhất mà là bằng chứng xác nhận cuối cùng rằng thông điệp của Chúa Giêsu có thể mở ra cánh cửa dẫn đến một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô phục sinh”.

Tôi nói, “giả sử ông có một cuộc gặp gỡ như thế. Xin cho tôi biết về nó."

"Năm 1968, tôi là sinh viên hoài nghi chuyên ngành hóa học tại Đại học Missouri, khi tôi đối diện với sự kiện này: nếu tôi khảo sát các tuyên bố của Chúa Giêsu Kitô một cách có phê phán nhưng với một tâm trí cởi mở, thì sẽ có đủ bằng chứng để tôi tin nó.

“Vì vậy, tôi đã thực hiện một bước đức tin theo cùng một hướng mà bằng chứng đã chỉ ra, bằng cách tiếp nhận Chúa Giêsu như Đấng tha thứ và lãnh đạo của tôi, và tôi bắt đầu liên hệ với Người - với Chúa Kitô phục sinh - một cách rất thực chất và liên tục.

“Trong ba thập niên, tôi đã có hàng trăm đáp ứng chuyên biệt cho những lời cầu nguyện, tôi đã có những điều xảy ra mà đơn giản không thể giải thích được bằng các lý lẽ tự nhiên, và tôi đã trải nghiệm một cuộc sống thay đổi vượt xa bất cứ điều gì tôi có thể tưởng tượng."

Nhưng, tôi phản đối, người ta cũng trải nghiệm sự thay đổi cuộc sống trong các tôn giáo khác, vốn có giáo lý mâu thuẫn với Kitô giáo. Nên tôi hỏi, “Há không nguy hiểm hay sao khi đưa ra quyết định dựa trên kinh nghiệm chủ quan?".

Ông nói, "Hãy để tôi làm rõ hai điều. Đầu tiên, tôi không nói, 'Chỉ cần tin vào kinh nghiệm của bạn.' Tôi chỉ muốn nói, 'Hãy sử dụng tâm trí của bạn một cách bình tĩnh và cân nhắc các bằng chứng, và sau đó để kinh nghiệm xác nhận bằng chứng.' Thứ hai, nếu điều được bằng chứng này chỉ ra là đúng-nghĩa là, nếu tất cả các bằng chứng này thực sự xác nhận sự sống lại của Chúa Giêsu- thì chính bằng chứng đòi một thử nghiệm qua trải nghiệm."

Tôi nói, "Xin ông định nghĩa thử nghiệm đó".

“Thử nghiệm qua trải nghiệm là, 'Người vẫn còn sống, và tôi có thể tìm thấy điều này bằng cách liên hệ với Người.' Nếu ông ở trong một bồi thẩm đoàn và nghe đủ bằng chứng thuyết phục ông về tội phạm của ai đó, thì sẽ không có nghĩa khi dừng lại ở bước cuối cùng của việc kết tội anh ta. Và cũng thế đối với người ta, khi chấp nhận bằng chứng về sự phục sinh của Chúa Giêsu mà không thực hiện bước cuối cùng là thử nghiệm nó qua trải nghiệm sẽ là bỏ lỡ nơi mà bằng chứng cuối cùng đã chỉ cho họ."

Tôi nói, "Vì vậy, nếu bằng chứng rõ ràng chỉ cho ta hướng này, sẽ chỉ hợp lý và hợp luận lý khi bước theo nó vào lãnh vực kinh nghiệm."

Gật đầu tán thành, ông nói, "Điều đó chính xác. Đó chính là xác nhận cuối cùng của bằng chứng. Thực thế, tôi xin nói điều này: bằng chứng kêu gào việc thử nghiệm qua trải nghiệm."

Tài liệu đọc thêm

Green, Michael. Christ Is Risen: So What? [Chúa Kitô Phục Sinh: Thì Sao?] Kent, England: Sovereign World, 1995.

McDowell, Josh. The Resurrection Factor [Nhân Tố Phục Sinh], 105-20. San Bernardino, Calif: Here's Life, 1981.

Moreland, J. P. Scaling the Secular City [Vẽ Bản đồ cho thành phố thế tục]. Grand Rapids: Baker, 1987.

Moule, C. F. D. The Phenomenon of the New Testament [Hiện tượng Tân Ước]. London: SCM Press, 1967.

Ghi chú

1.Black, Black’s Law Dictionary [Từ điển Luật], 221

2.Xem Josh McDowell, More than a Carpenter [Hơn Một Bác Thợ Mộc] (Wheaton, Ill. Living Books, 1977) 60-71

3. Moule, C. F. D. The Phenomenon of the New Testament [Hiện tượng Tân Ước]. (London: SCM Press, 1967), 3.

4. Donald McFarlan, chủ biên The Guiness Book of World Records (New York:Bantam, 1991), 547.

5. Clifford, The Case for the Empty Tomb[Lý lẽ bênh vực ngôi mộ trống], 112.