Các hệ luận của bằng chứng

Các bạn có nhớ câu chuyện của James Dixon trong phần dẫn nhập của sách này không? Bằng chứng đã chỉ rõ một cách mạnh mẽ tội lỗi của anh ta đối với việc bắn một trung sĩ cảnh sát Chicago. Anh ấy thậm chí còn thừa nhận anh ấy đã làm điều đó!

Tuy nhiên, khi một cuộc điều tra kỹ lưỡng hơn được tiến hành, đột nhiên một sự thay đổi xảy ra: kịch bản phù hợp nhất với sự thật là trung sĩ đã mưu hại Dixon, người vô tội đối với vụ bắn. Dixon được trả tự do, và chính viên trung sĩ đã bị kết án. Khi chúng ta kết thúc cuộc điều tra của chúng ta để tìm lý lẽ bênh vực Chúa Kitô, thật đáng để xem lại hai bài học lớn từ câu chuyện đó.



*Đầu tiên, việc thu thập bằng chứng đã thực sự kỹ lưỡng chưa?

Có, nó đã được thu thập kỹ lưỡng. Tôi đã chọn các chuyên gia có thể quả quyết lập trường của họ và bảo vệ nó bằng các bằng chứng lịch sử mà sau đó tôi có thể kiểm tra thông qua việc đối chiếu. Tôi không chỉ quan tâm đến ý kiến của họ mà thôi; tôi muốn sự thật. Tôi thách thức họ với các lý thuyết hiện tại của những người vô thần và các giáo sư cấp tiến. Căn cứ vào hậu cảnh, uy tín, kinh nghiệm và tính cách của họ, các học giả này đã thừa điều kiện để trình bày các dữ kiện lịch sử đáng tin cậy liên quan đến Chúa Giêsu.

*Thứ hai, cách giải thích nào phù hợp nhất với tính tổng thể của Chứng cớ?

Đến ngày 8 tháng 11 năm 1981, luận đề huyền thoại của tôi, mà tôi đã kiên trì bám vào bao nhiêu năm nay đã bị tháo gỡ triệt để. Hơn thế nữa, tính hoài nghi báo chí của tôi đối với thể siêu nhiên đã tan chảy trước những bằng chứng lịch sử ngoạn mục rằng sự phục sinh của Chúa Giêsu là một biến cố lịch sử có thật. Thực thế, tâm trí tôi không thể gợi ra một lời giải thích đơn nhất nào phù hợp với bằng chứng của lịch sử gần tốt như câu kết luận rằng Chúa Giêsu là người mà Người tuyên bố Người là: Con một và duy nhất của Thiên Chúa.

Chủ nghĩa vô thần mà tôi đã ôm ấp quá lâu oằn mình dưới sức nặng của sự thật lịch sử. Đó là một kết quả tuyệt vời và triệt để, chắc chắn không phải là những gì tôi đã dự đoán khi tôi bắt tay vào quá trình điều tra này. Nhưng theo ý kiến tôi, đó là một quyết định do sự kiện bắt buộc. Tất cả những điều đó đã dẫn tôi đến câu hỏi "Vậy thì sao?". Nếu điều này đúng thì nó tạo được sự khác biệt nào? Có một số hệ luận rõ ràng.

*Nếu Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, những lời dạy của Người phải hơn hẳn các ý tưởng tốt lành của một người thầy thông thái; chúng là những hiểu biết thần linh sâu sắc trên đó tôi có thể tự tin xây dựng đời mình.

*Nếu Chúa Giêsu đặt tiêu chuẩn cho luân lý, thì bây giờ tôi có thể có một nền tảng vững chắc cho các lựa chọn và quyết định của tôi, hơn là dựa trên những bãi cát luôn thay đổi của động cơ cá nhân và tự cho mình là trung tâm.

*Nếu Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết, Người vẫn còn sống hôm nay và sẵn sàng để tôi gặp gỡ trên căn bản bản thân.

*Nếu Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, Người có thể mở cánh cửa của sự sống đời đời cho cả tôi nữa.

*Nếu Chúa Giêsu có sức mạnh thần thiêng, Người có khả năng siêu nhiên để hướng dẫn tôi, giúp đỡ tôi và biến đổi tôi khi tôi đi theo Người.

*Nếu Chúa Giêsu đích thân biết nỗi đau mất mát và đau khổ, Người có thể an ủi và động viên tôi giữa sóng gió mà chính Người đã cảnh cáo là điều không thể tránh khỏi trong một thế giới bị tội lỗi làm băng hoại.

*Nếu Chúa Giêsu yêu tôi như lời Người nói, Người luôn quan tâm đến lợi ích tốt nhất của tôi. Điều đó có nghĩa tôi không có gì để mất và có mọi thứ để đạt được bằng cách cam kết bản thân với Người và mục đích của Người.

*Nếu Chúa Giêsu là người mà Người tuyên bố Người là (và hãy nhớ rằng, không có nhà lãnh đạo các tôn giáo lớn nào khác thậm chí có cao vọng là Thiên Chúa), trong tư cách Đấng Tạo Hóa của tôi, Người hoàn toàn xứng đáng được lòng trung thành, vâng lời và tôn thờ của tôi.

Tôi nhớ viết những hệ luận này trên tập giấy khổ 216 x 356 milimét của mình và rồi ngả người ra sau ghế. Tôi đã đạt đến đỉnh cao của cuộc hành trình dài gần hai năm của tôi. Cuối cùng cũng đến lúc giải quyết câu hỏi cấp bách nhất: "Bây giờ thì sao?"

Công thức đức tin

Sau một cuộc đích thân điều tra kéo dài hơn sáu trăm ngày và vô số giờ, phán quyết của riêng tôi về lý lẽ bênh vực Chúa Kitô đã rõ ràng. Tuy nhiên, khi ngồi vào bàn làm việc, tôi nhận ra tôi cần nhiều hơn một quyết định trí thức. Tôi muốn thực hiện bước trải nghiệm mà J. P. Moreland đã mô tả trong lần phỏng vấn trước.

Tìm cách để điều đó diễn ra, tôi với lấy cuốn Kinh thánh và mở đến chỗ Gioan 1:12, một câu tôi từng gặp trong cuộc điều tra của tôi: "Tuy nhiên, đối với tất cả những ai đã tiếp nhận Người, đối với những người tin vào danh Người, Người đã ban cho quyền trở thành con cái Thiên Chúa."

Các động từ chủ chốt trong câu đó nói rõ một cách chính xác như toán học điều cần thiết phải đi, vượt quá việc thuận ý trí thức về thiên tính của Chúa Giêsu và bước vào một mối liên hệ liên tiếp với Người bằng cách trở thành người được nhận vào gia đình Thiên Chúa: tin + nhận = trở thành.

1. Tin

Là một người được đào tạo về báo chí và luật pháp, tôi được huấn luyện để đáp ứng các sự kiện, đến bất cứ nơi nào chúng dẫn tới. Đối với tôi, các dữ kiện đã chứng minh một cách thuyết phục rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa đã chết trong tư cách là người thay thế tôi để trả hình phạt mà tôi đáng phải chịu vì điều sai trái mà tôi đã phạm phải.

Và có rất nhiều việc làm sai trái. Tôi sẽ chước cho mình sự bối rối phải đi vào chi tiết, nhưng sự thật là tôi đã đang sống một lối sống phàm tục, say sưa, tự thu mình và vô luân. Trong sự nghiệp của mình, tôi đã đâm sau lưng các đồng nghiệp để đạt được một lợi thế bản thân và đã thường xuyên vi phạm tiêu chuẩn pháp lý và đạo đức trong việc đeo đuổi các câu chuyện. Trong cuộc sống bản thân, tôi đã hy sinh vợ con trên bàn thờ thành công. Tôi là một kẻ nói dối, một kẻ dối trá và một kẻ lừa dối.

Trái tim tôi đã thu nhỏ tới điểm trở thành đá cứng đối với bất cứ ai khác. Động lực chính của tôi là niềm khoái lạc bản thân - và trớ trêu thay, tôi càng khao khát tìm kiếm nó, thì nó càng trở thành khó nắm bắt và tự hủy hoại.

Khi tôi đọc trong Kinh thánh rằng những tội lỗi này đã ngăn cách tôi với Thiên Chúa, Đấng thánh thiện và trong sáng về mặt luân lý, điều này vang vọng như là chân thật. Chắc chắn Thiên Chúa, Đấng mà tôi đã phủ nhận sự hiện hữu của Người trong nhiều năm, dường như cực kỳ xa xôi, và điều trở nên hiển nhiên là tôi cần thập giá của Chúa Giêsu để bắc cầu qua vực thẳm đó. Thánh Tông đồ Phêrô nói: “Chính Chúa Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi –Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa" (1Pr 3:18).

Bây giờ tôi đã tin tất cả những điều này. Bằng chứng của lịch sử và của chính kinh nghiệm của tôi quá mạnh mẽ để làm ngơ.

2. Nhận

Mọi hệ thống đức tin khác mà tôi từng nghiên cứu trong quá trình điều tra của tôi đều dựa trên kế hoạch "làm". Nói cách khác, nó là điều cần thiết để người ta làm điều gì đó - thí dụ, sử dụng bánh xe cầu nguyện của Tây Tạng, bố thí, hành hương, đầu thai, phá nghiệp khỏi những lỗi lầm trong quá khứ, sửa đổi tính cách của họ - cố gắng tìm đường phần nào đó trở lại với Thiên Chúa. Mặc dù đã cố gắng hết sức, rất nhiều người chân thành vẫn không làm được.

Kitô giáo là độc nhất. Nó dựa trên kế hoạch "đã làm"- Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta trên thập giá điều mà chúng ta không thể tự mình làm được: Người đã trả án tử hình mà chúng ta đáng phải chịu vì cuộc nổi loạn và điều sai trái của chúng ta, để chúng ta có thể trở nên hòa thuận với Thiên Chúa.

Tôi đã không phải đấu tranh và phấn đấu để cố gắng làm điều bất khả là làm cho mình xứng đáng. Nhiều lần Kinh Thánh nói rằng Chúa Giêsu cung cấp cho ta sự tha thứ và cuộc sống vĩnh cửu như một hồng phúc nhưng không nghĩa là không thể kiếm được (xin xem Rm 6:23; Ep. 2:8-9; Tt 3:5). Nó được gọi là ân sủng - ân sủng kỳ diệu, ơn ban nhưng không. Nó có sẵn cho bất cứ ai tiếp nhận nó trong một lời cầu nguyện ăn năn chân thành. Thậm chí cả một người như tôi.

Đúng, tôi phải thực hiện một bước đức tin, như chúng ta thường làm trong mọi quyết định của chúng ta trong cuộc sống. Nhưng đây là sự khác biệt chủ yếu: tôi không còn phải cố gắng lội ngược dòng chống lại dòng bằng chứng mạnh mẽ; thay vào đó, tôi đã chọn đi theo cùng một hướng mà dòng chảy của các sự kiện đang chảy. Đó là điều hữu lý, đó là điều hợp lý, đó là điều hợp luận lý. Hơn nữa, một cách nội tâm và không thể giải thích được, đó cũng là điều tôi cảm nhận được Thánh Thần Thiên Chúa thúc đẩy tôi làm.

Vì vậy, vào ngày 8 tháng 11 năm 1981, tôi đã nói chuyện với Thiên Chúa một cách chân thành trong một lời cầu nguyện từ đáy lòng và không chỉnh sửa, thừa nhận và từ bỏ hành vi sai trái của tôi, và tiếp nhận hồng ân tha thứ và cuộc sống vĩnh cửu thông qua Chúa Giêsu. Tôi thưa với Người rằng với sự giúp đỡ của Người, tôi muốn đi theo Người và con đường của Người từ đây trở đi.

Không có tia chớp, không có câu trả lời nghe được, không có cảm giác râm ran. Tôi biết một số người cảm thấy một cảm xúc dâng trào trong giây phút như vậy; tuy nhiên, đối với tôi, có một điều gì khác thế nhưng cũng phấn khích không kém: có sự dâng trào của lý trí.

3. Trở nên

Sau khi thực hiện bước đó, từ Gioan 1:12, tôi biết rằng tôi đã vượt qua ngưỡng cửa bước vào một trải nghiệm mới. Tôi đã trở thành một điều gì đó khác: một đứa con của Thiên Chúa, mãi mãi được nhận vào gia đình của Người nhờ Chúa Giêsu lịch sử, phục sinh. Thánh Tông đồ Phaolô nói, “Cho nên, phàm ai ở trong Chúa Kitô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr. 5:17).

Điều chắc chắn là, theo thời gian khi tôi cố gắng làm theo lời dạy của Chúa Giêsu và cởi mở với sức mạnh biến đổi của Người, các ưu tiên của tôi, các giá trị của tôi, và tính cách của tôi đã (và tiếp tục) dần dần thay đổi. Tôi càng muốn động cơ và quan điểm của Chúa Giêsu thành của riêng tôi. Nói theo diễn giải của Martin Luther King Jr., tôi có thể chưa là con người tôi nên trở thành hay con người, với sự giúp đỡ của Chúa Kitô, một ngày nào đó tôi sẽ là - nhưng cảm ơn Thiên Chúa, tôi không phải là người như trước đây!

Có thể điều đó nghe có vẻ thần bí đối với bạn; Tôi không biết. Không lâu trước đây, nó quả thần bí đối với tôi. Nhưng nay, nó rất thực đối với tôi và với những người chung quanh tôi. Thực thế, sự khác biệt trong cuộc sống của tôi triệt để đến nỗi vài tháng sau khi tôi trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, đứa đứa con gái 5 tuổi của chúng tôi, Alison, đến gần vợ tôi và nói: "Mẹ ơi, con muốn Thiên Chúa làm cho con những gì Người đã làm cho bố.”

Đây là một cô bé chỉ biết có một người cha phàm tục, giận dữ, nặng lời, và thường vắng mặt. Và mặc dù cháu chưa bao giờ phỏng vấn một học giả, chưa bao giờ phân tích dữ kiện, không bao giờ điều tra bằng chứng lịch sử, cháu vẫn đã thấy cận kề ảnh hưởng mà Chúa Giêsu có thể có trên cuộc sống của một con người. Thực vậy, cháu nói, "Nếu đây là những gì Thiên Chúa làm cho một con người, thì đó là điều con muốn cho con."

Nhìn lại gần hai thập niên, tôi có thể thấy rõ ràng rằng ngày mà cá nhân tôi thực hiện quyết định tìm lý lẽ bênh vực Chúa Kitô không là gì khác hơn biến cố bản lề của trọn cuộc đời tôi.

Vươn tới phán quyết của chính bạn

Bây giờ đến lượt bạn. Ngay từ đầu, tôi đã khuyến khích bạn tiếp cận bằng chứng trong cuốn sách này trong tư cách một bồi thẩm viên công bằng và không thiên vị cũng như có thể, rút ra kết luận của bạn dựa trên sức nặng của bằng chứng. Cuối cùng phán quyết là của bạn và của riêng bạn. Không ai khác có thể bỏ phiếu thay cho bạn. Có lẽ sau khi đọc hết chuyên gia này đến chuyên gia nọ, lắng nghe lập luận này đến lập luận khác, thấy các câu trả lời cho câu hỏi này đến câu hỏi nọ, và thử nghiệm bằng chứng bằng luận lý học và lương tri của bạn, bạn đã thấy, như tôi, rằng lý lẽ bênh vực Chúa Kitô có tính cách quyết định.

Phần tin của Gioan 1:12 đã được xác định chắc chắn; tất cả những gì còn lại là tiếp nhận ân sủng của Chúa Giêsu, và sau đó bạn sẽ trở thành con trai hoặc con gái của Người, tham gia vào một cuộc phiêu lưu tâm linh có thể phát triển suốt phần còn lại của cuộc đời bạn và vào cõi vĩnh hằng. Đối với bạn, thời gian dành cho bước trải nghiệm này đã đến và tôi không thể khuyến khích bạn nhiều hơn để bạn mạnh mẽ thực hiện bước đó với sự nhiệt tình.

Mặt khác, có thể các câu hỏi vẫn còn lẩn khuất đâu đây đối với bạn. Có thể tôi chưa đề cập đến phản bác cao nhất trong tâm trí của bạn. Được thôi. Không một cuốn sách nào có thể đề cập đến mọi sắc thái. Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng số lượng thông tin được tường trình trong các trang này ít nhất sẽ thuyết phục bạn rằng điều hợp lý - trên thực tế, điều bắt buộc- là tiếp tục cuộc điều tra của bạn.

Xác định nơi bạn nghĩ rằng bằng chứng cần phải được củng cố và sau đó tìm kiếm câu trả lời bổ sung từ các chuyên gia được kính trọng. Nếu bạn tin rằng bạn đã nghĩ ra một kịch bản có thể giải thích các sự kiện tốt hơn, hãy sẵn sàng để nó được xem xét kỹ lưỡng. Hãy sử dụng các nguồn trong cuốn sách này để tìm hiểu sâu hơn. Hãy học hỏi Kinh thánh (một gợi ý: The Journey, một ấn bản Kinh thánh đặc biệt được thiết kế cho những người chưa tin đó là lời của Thiên Chúa) (5).

Hãy quyết tâm rằng bạn sẽ đạt được một phán quyết khi bạn đã thu thập đủ lượng thông tin, biết rằng bạn sẽ không bao giờ có được một cuộc giải quyết trọn vẹn cho mọi vấn đề. Thậm chí, bạn có thể muốn thì thầm một lời cầu nguyện với Thiên Chúa, Đấng mà bạn không chắc chắn hiện hữu, yêu cầu Người hướng dẫn bạn đến sự thật về Người. Và nhờ tất cả những điều này, bạn sẽ có được sự khích lệ chân thành của tôi khi bạn tiếp tục cuộc tìm kiếm tâm linh của bạn.

Đồng thời, tôi cảm thấy có nghĩa vụ mạnh mẽ phải thúc giục bạn biến điều này thành vấn đề nóng bỏng nhất trong cuộc sống của bạn. Đừng tiếp cận nó một cách hờ hững hoặc cẩu thả, bởi vì có rất nhiều điều đang đè nặng lên kết luận của bạn. Như Michael Murphy đã nói một cách khéo léo, "Chính chúng ta, chứ không phải chỉ đơn thuần là điều mình cho là sự thật - đang bị đe dọa trong cuộc điều tra." (6) Nói cách khác, nếu kết luận của tôi trong lý lẽ bênh vực Chúa Kitô là đúng, tương lai và cõi đời đời của bạn tùy thuộc vào cách bạn đáp trả Chúa Kitô. Chúa Giêsu từng tuyên bố: “Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết" (Ga 8:24).

Đó là những lời nghiêm chỉnh, được đưa ra từ một quan tâm chân thực và yêu thương. Tôi trích dẫn chúng để nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này và với hy vọng rằng chúng sẽ thúc đẩy bạn tích cực và xem xét kỹ lưỡng lý lẽ bênh vực Chúa Kitô.

Tuy nhiên, cuối cùng, hãy nhớ rằng một số phương án không khả thi. Bằng chứng tích lũy đã đóng chúng lại. Hãy quan sát C. S. Lewis, Giáo sư lỗi lạc và từng hoài nghi của đại học Cambridge, người cuối cùng đã bị thuyết phục bởi bằng chứng bênh vực Chúa Giêsu.

Ở đây, tôi đang cố gắng ngăn chặn bất cứ ai nói điều thực sự ngu ngốc, điều mà người ta thường nói về Người: “Tôi sẵn sàng tin nhận Chúa Giêsu như một bậc thầy luân lý vĩ đại, nhưng tôi không chấp nhận việc Người tự nhận là Thiên Chúa”. Đó là điều duy nhất chúng ta không nên nói. Một người chỉ đơn thuần là một con người mà dám nói những điều Chúa Giêsu đã nói, chắc chắn không phải là một bậc thầy luân lý vĩ đại. Anh ta hoặc là một kẻ mất trí... hoặc, nếu không, anh ta là Ác quỷ của Địa ngục. Bạn phải tự quyết định lấy. Hoặc người đàn ông này đã và đang là Con Thiên Chúa: hoặc ông ta là một người điên hoặc một điều gì đó tồi tệ hơn. Bạn có thể làm Người câm họng coi như một người ngu ngốc, bạn có thể khạc nhổ vào Người và giết Người như một tên ác quỷ; hoặc bạn có thể sụp xuống chân Người và gọi Người là Chúa và là Thiên Chúa. Nhưng chúng ta đừng tới với bất cứ điều vô nghĩa trịch thượng nào về việc Người là một thầy dạy nhân bản vĩ đại. Người đã không để điều ấy mở ra cho chúng ta. Người không có ý định đó. (7)

Ghi chú

(1).A.N. Sherwin-White, Roman Society and Roman Law in the New Testament [Xã hội và Luật lệ La Mã trong Tân Ước] (Oxford:Clarendon Press, 1963), 188-91.

(2).Blomberg, “Where do we start studying Jesus” [Ta bắt đầu nghiên cứu về Chúa Giêsu ở chỗ nào] trong Wilkins and Moreland, Jesus under Fire [Chúa Giêsu bị tấn công], 43.

(3) Craig, The Son Rises [Chúa Con sống lại), 102.

(4). Julius Müller, The Theory of Myths, in Its Application to the Gospel History, Examined and Confuted [Thuyết huyền thoại và áp dụng của nó vào lịch sử Tin Mừng, Khảo sát và Bác bỏ](London: John Chapman, 1844) 26, trích dẫn trong Craig, The Son Rises, 101.

(5). The Journey [hành trình] (Grand Rapids: Zodervan, 1996)

(6). Michael Murphy, “The Two-Sided Game of Christian Faith” [trò chơi hai mặt của Kitô giáo] trong John Warwick Montgomery, chủ biên, Christianity for the Tough-Minded [Kitô giáo cho người có tâm trí kiên quyết] (Minneapolis: Bethany House, 1973) 125, trích dẫn trong Ankerberg and Weldon, Knowing the Truth about the Resurrection [Biết sự thật về Phục sinh], 44.

(7). C.S. Lewis, Mere Christianity [Chỉ là Kitô giáo] (New York:Macmillan-Collier, 1960), 55-56.