NĂM ĐỨC TIN 2013 – HÀNH HƯƠNG CHÂU ÂU: BURGOS - SALAMANCA

Từ Lộ Đức đến Burgos hơn 400km. Trời mưa tầm tả và thời tiết quá lạnh lẽo. Ở mỗi trạm dừng chân, chúng tôi cảm nhận được cái lạnh thấu xương, mặc mấy lớp áo ấm mà người vẫn cứ run run, miệng xuýt xoa “lạnh quá”. Đến trưa, chúng tôi đến Burgos, viếng thăm Đền Thánh Loyola. Từ xa, nhìn Nhà thờ với dáng vẻ cổ kính và khuôn viên rộng lớn. Mưa và lạnh nên ai cũng vội chạy vào Nhà thờ. Mọi người quỳ gối viếng Chúa và chiêm ngắm những tác phẩm nghệ thuật trên cung thánh, trên trần và trên các bức tường. Bên trong Nhà thờ có nhiều Nhà nguyện ở chung quanh với những cột đá cẩm thạch nhiều màu sắc khác nhau thật lộng lẫy.

Xem hình ảnh

Sau đó hướng dẫn viên đưa chúng tôi đi tham quan những nơi liên quan đến cuộc hoán cải của Thánh Inhaxiô. Hướng dẫn chương trình tham quan đã được thu âm bằng nhiều ngôn ngữ. Chọn phần tiếng Việt Nam, chúng tôi lắng nghe về hành trình hoán cải và nên thánh của Inhaxiô, đi đến những căn phòng giới thiệu về cuộc đời của thánh nhân. Đến Nhà nguyện “hoán cải” chúng tôi dâng thánh lễ. Cha Đa, Phó Xứ Bình thuận chủ tế và giảng lễ. Hôm nay thứ bảy nên có nhiều đoàn hành hương đến cầu nguyện và dâng lễ.

1. Tiểu sử Thánh Inhaxiô

Thánh Inhaxiô sinh tại Loyola vào năm 1491, trong một gia đình quí tộc xứ Basque của Tây Ban Nha. Inhaxiô là người em út trong số 13 người con. Thời niên thiếu, Ignatiô được nhà vua chọn làm người hầu cận, tiếp đến là chiến sĩ trong quân đội hoàng gia.

Năm 1509, Inhatiô tòng quân Antonio Manrique de Lara, Duke thành Najera và Viceroy thành Navarre với mục đích là được thăng tiến thành một công tước. Dưới sự lãnh đạo của Duke, Inhaxiô đã tham gia nhiều trận đánh mà không bị thương tích gì.

Ý Chúa thật nhiệm mầu. Sức mạnh lại bày tỏ qua sự yếu đuối như lời thánh Phaolô:“…vì quyền năng của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối ” (2 Cr 12,9). Ngày 20 tháng 5 năm 1521, cột mốc ghi dấu đặc biệt. Quân Pháp đánh chiếm thành Pamplona. Inhaxiô bị một viên đạn đại bác bắn gảy chân và bị thương nặng. Bức tượng bằng đồng phía ngoài hành lang kể lại sự kiện này.Trở về sống dưỡng bệnh trong lâu đài của gia đình, Inhaxiô giết thời giờ bằng cách đọc những sách kể lại những hành động phi thường và lãng mạng của các hiệp sĩ. Các Nữ tu đã đem đến cho ngài cuốn “Cuộc đời Chúa Kitô” và cuốn “Hạnh các thánh”. Dần dần, những cuốn sách này thu hút tâm trí ngài. Lương tâm bị đánh động, từ đó ngài khởi đầu một hành trình lâu dài và đau khổ khi trở về với Ðức Kitô. Có một lời cầu nguyện cho các hối nhân mà Inhaxiô rất tâm đắc: "Lạy Chúa, xin hãy chấp nhận mọi đặc quyền, mọi ký ức, mọi hiểu biết và toàn thể ý chí của con. Ngài đã ban cho con tất cả những gì con có, tất cả con người của con, và con xin phó thác chúng cho thánh ý của Ngài, để Ngài tùy ý sử dụng. Con chỉ xin Chúa ban cho con tình yêu và ơn sủng. Ðược như thế, con đã giàu sang đủ và không dám đòi hỏi gì nữa".

Vào năm 1522, được thấy Mẹ Thiên Chúa trong một thị kiến, ngài thực hiện cuộc hành hương đến đan viện dòng Biển Ðức ở Monserrat. Ở đây, ngài xưng thú tội lỗi, mặc áo nhặm và đặt thanh gươm trên bàn thờ Ðức Maria, thề hứa sẽ trở nên một hiệp sĩ cho Ðức Mẹ.

Trong khoảng thời gian một năm, ngài sống gần Manresa, có khi thì ở với các tu sĩ Ða Minh, có khi thì ở nhà tế bần, nhưng lâu nhất là sống trong một cái hang ở trên đồi để cầu nguyện. Chính trong thời gian hoán cải này, Linh Thao là con đường thiêng liêng đặc biệt và ngài bắt đầu một công trình mà sau đó rất nổi tiếng, đó là cuốn “Những Thao Luyện Tâm Linh”.

Vào năm 1523, ngài rời Manresa đến Roma và Giêrusalem, là nơi ngài sống nhờ việc khất thực và hăng say hoán cải người Hồi Giáo ở đây. Vì lo sợ cho tính mạng của ngài, các tu sĩ Phanxicô khuyên ngài trở về Barcelona. Tin tưởng rằng, kiến thức uyên bác sẽ giúp đỡ tha nhân cách thiết thực hơn, ngài dành 11 năm tiếp đó trong việc học ở Alcalá, Salamanca và Paris.

Sau khi đi hành hương ở Đất Thánh về, Inhaxiô quyết định trở thành một linh mục. Việc này đòi hỏi ngài phải bắt đầu lại việc học hành. Inhaxiô đã cố gắng học tiếng La tinh và ghi tên vào học ở Đại học Paris.Trong lúc theo học ở Paris, ngài đã thu phục được một nhóm nhỏ sinh viên thành lập một hội đoàn trong đó có Phanxicô Xaviê và Pierre Fabre.

Vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15-8-1534, bảy sinh viên Đại Học Paris cùng nhau đến nhà nguyện Các Thánh Tử Đạo ở Montmatre (Crypte du Martyrium de Montmartre) để tuyên khấn. Chân phước Phêrô Favre, linh mục duy nhất của nhóm, dâng lễ, một lễ dành riêng cho họ. Trước khi rước Mình Thánh Chúa, mỗi người lần lượt đọc lời khấn đã viết sẵn. Trong tinh thần này, bảy anh em đã ý thức được một tâm tình: Tất cả là những người Bạn của Chúa Kitô. Trong số bảy người đó, ngoài Thánh Inhaxiô ra còn có Thánh Phanxicô Xaviê. Khi viếng thăm nhà nguyện Các Thánh Tử Đạo ở Montmatre, chúng tôi đọc được một bảng bằng đồng viết bằng tiếng La tinh: “Societas Jesu Quae Sanctum Ignatium Loyolam Patrem agnoscit, Lutetiam matrem Hic nata est. – Dòng Tên sinh tại nơi đây. Cha: Thánh Inhaxiô, Mẹ: Paris”.

Sau thời gian sống ở Paris, Inhaxiô và nhóm bạn bảy người đã nuôi mộng sẽ đi Giêrusalem và dấn thân ở đó. Tuy nhiên, họ cũng có một ý tưởng thứ hai, là nếu điều kiện không cho phép họ đi Giêrusalem, thì tất cả sẽ xin tự nguyện tùng phục Đức Thánh Cha, và sẽ đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì để phục vụ Giáo Hội.

Khi từng người lần lượt đã đến Roma, họ nhận được sự chúc lành của Đức Thánh Cha, Ngài cũng cho phép họ đi Đất Thánh và Ngài còn cho phép tất cả được chịu chức Linh Mục.

Trong năm đó, năm 1537, vì điều kiện không cho phép, nên việc đi Giêrusalem phải hoãn lại, và với thời gian, Chúa đã muốn hướng đi khác cho những người trẻ này. Đặc biệt trong thời gian này Inhaxiô đã có được một thị kiến tại La Storta: “Một hôm khi còn cách xa Roma mấy dặm, đang khi cầu nguyện trong một nhà thờ, Inhaxiô nhận thấy một sự thay đổi lớn lao trong tâm hồn, và thấy rõ ràng Chúa Cha đặt ông cùng Chúa Kitô, con của Ngài. Inhaxiô không thể nào nghi ngờ điều đó chỉ biết rằng Chúa Cha đặt mình cùng Chúa Con” (Hồi ký I-nhã số 96). Đó chính là một trong những kinh nghiệm giúp Inhaxiô và các anh em nhận ra được ơn gọi để trở nên những người kết thân với Chúa Kitô, trở nên những môn đệ của Ngài và cùng Ngài lên đường phục vụ Thiên Chúa và các linh hồn.

Trong thời gian này, các anh em tiếp tục sống tinh thần tông đồ, giúp các các linh hồn, và đưa mọi người về với Đức Kitô đúng theo tinh thần của Linh Thao. Đây cũng là một trong những trọng tâm sống của họ. Các anh em đều tiếp tục xây dựng cuộc sống của mình trên đặc sủng Linh Thao. Họ cũng nhận định và suy nghĩ về tương lai của mình. Một trong những điều họ suy nghĩ là: “Nên đặt tên cho nhóm bạn mình là gì đây?”. Với tâm tình “là những người bạn trong Chúa Kitô”, tất cả đều đồng tâm chọn chính tên của Đấng đã làm cho mọi người yêu mến và ao ước phục vụ. Vì thế, họ đã chọn tên cho nhóm là: “Societatis Jesus – Cộng đoàn Giêsu hữu”.

Sau đó, vào Mùa Chay năm 1539 tại Roma, Inhaxiô và các bạn đã nhất trí xin lập một dòng tu mới. Đức Thánh Cha Phaolô III đã chính thức phê chuẩn Dòng Chúa Giêsu vào năm 1540, với tên gọi “Cộng đoàn Giêsu hữu”. Thánh Inhaxiô được bầu làm bề trên đầu tiên. Ở đây xin mở ngoặc để phần nào trả lời cho câu hỏi: “Tại sao ở Việt Nam lại kêu Dòng Chúa Giêsu là Dòng Tên?“ Vì khi Dòng Chúa Giêsu vào Việt Nam, thì trong bối cảnh xã hội thời đó, ai kêu tên của Ông Bà Cha Mẹ, đặc biệt tên của Chúa, thì rất phạm thượng, nên “Dòng Chúa Giêsu” đã được kêu là “Dòng Tên”, để không phạm húy, để mọi người dễ chấp nhận, và cũng dễ dàng cho anh em Giêsu Hữu thời đó trong việc truyền giáo.

Khi Dòng Tên được phê chuẩn và hình thành, Inhaxiô và các anh em đã quyết định một vài điều liên quan đến đời sống thiêng liêng và phục vụ. Cộng đoàn Dòng Tên sẽ không có giờ kinh phụng vụ chung, tu sĩ dòng không có áo dòng như các tu viện và dòng Tu thời đó, và Dòng Tên cũng không là một tu viện với một “chỗ gối đầu” êm ấm, được bao quanh bởi bốn bức tường kiên cố. Nhưng tại sao lại có những quyết định như thế? Đơn giản là các tu sĩ Dòng Tên cần phải sống ơn gọi tông đồ mà Thiên Chúa đã mời gọi. Vì thế, họ đã chọn lựa một số cách thức giúp họ dễ dàng thi hành sứ mạng tông đồ hơn. Vì thế, tu viện của Dòng Tên sẽ là phố phường và thế giới, nơi các tu sĩ Dòng Tên đặt chân tới để giúp các linh hồn và phục vụ anh chị em. Đó chính là tinh thần sống của Inhaxiô, một người lữ hành, và của những anh em Dòng Tên từ xưa cũng như hôm nay.

Từ đó trở đi, theo gương của Chúa Giêsu, các tu sĩ Dòng Tên đã đi đến từng phố phường, làng mạc…, để đem Tin Mừng của Chúa đến khắp mọi nơi, cùng chia sẻ và giúp đỡ từng tâm hồn nhận ra được tình yêu của Chúa, tin vào Tin Mừng của Ngài, và tập sống theo mẫu gương của Đức Kitô. Đặc biệt, ở đâu cần giúp đỡ hơn, ở đâu khó khăn hơn, ở đâu Tin Mừng Chúa cần “nở hoa” hơn thì các anh em Dòng Tên quyết tâm lên đường dấn thân nơi đó. Vì vậy mà Phanxicô Xaviê đã phải xa lánh nhóm bạn, đáp tàu đến một vùng đất xa xôi và lạ lẫm ở Ấn Độ và Nhật Bản, Mattheo Ricci và Adam Schall ở Trung Quốc, Alexandre de Rhode (cha Đắc Lộ) ở Việt Nam, và còn bao tu sĩ Dòng Tên khác đã đặt chân lên Nam Mỹ, Châu Phi.

Ngoài ra, môi trường phục vụ của dòng Tên ngày xưa, cũng như hiện nay với trên 20 ngàn tu sĩ tại 127 quốc gia, không giới hạn ở một chân trời nào cả. Không chỉ có chân trong triều đình nhà Vua thời xưa, mà còn ở những góc phố dơ bẩn tại Manila thời nay. Không chỉ ở tại những đại học danh tiếng như Georgetown University – Hoa Kỳ, mà còn tại những vùng hoang vu đất đỏ ở Việt Nam. Thực vậy, nơi nào Vinh Danh Thiên Chúa hơn, thì các tu sĩ Dòng Tên có mặt ở đó. (Lm Nguyễn Ngọc Thế, SJ).

Trong khi các bạn đồng hành được Đức Giáo Hoàng sai đi truyền giáo thì Inhaxiô vẫn ở Roma, chăm sóc tổ chức mới của ngài nhưng vẫn dành thời giờ để thành lập các nhà cho cô nhi, cho người tân tòng. Ngài thành lập Trường Roma (sau này là Ðại Học Grêgôriô), với mục đích là trường này sẽ trở nên khuôn mẫu cho các trường của Tu Hội.

Trong thị kiến ở La Storta, Inhaxiô xin và đã được “Chúa Cha xin Đức Giêsu vác thập giá nhận Inhaxiô làm người phục vụ”, và Đức Giêsu vác thập giá đã nói với Inhaxiô: “Ta muốn con phục vụ chúng ta”.

Thánh Inhaxiô qua đời ngày 31-7-1556, hưởng thọ 90 tuổi. Đức Giáo Hoàng Phaolô V phong chân phước cho ngài vào ngày 27-7-1609. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XV phong thánh ngày 13-3-1622. Lễ kính Thánh Inhaxiô vào ngày 31-7 hằng năm.

Thánh Inhaxiô đích thực là một nhà thần bí. Ngài tập trung vào đời sống tâm linh dựa trên các nền tảng thiết yếu của Kitô Giáo như Thiên Chúa Ba Ngôi, Ðức Kitô, Bí Tích Thánh Thể. Linh đạo của ngài được tỏ lộ trong châm ngôn của Dòng Tên “ad majorem Dei gloriam” nghĩa là "để Thiên Chúa được vinh danh hơn". Trong quan niệm của ngài, sự tuân phục là một đức tính nổi bật nhằm đảm bảo cho thành quả và sự năng động của tu hội. Mọi hoạt động phải được hướng dẫn bởi lòng yêu mến Giáo Hội thực sự và tuân phục Ðức Thánh Cha vô điều kiện. Vì lý do đó, mọi thành viên của dòng phải khấn lời thề thứ tư, đó là phải đến bất cứ đâu mà Đức Giáo Hoàng đã sai đi để cứu rỗi các linh hồn.

Các linh mục Dòng Tên gồm những nhà bác học, thần học, giáo dục, khoa học cho đến những nhà truyền giáo danh tiếng và nhiều đấng tử đạo. Những thần học gia vĩ đại, con cái của Thánh Inhaxiô như: Pierre Teilhard de Chardin (1881-1955) và Henri de Lubac (1896-1991) của Pháp, Karl Rahner (1904-84) của Đức, Bernard Lonergan (1904-84) của Canađa và John Courtney Murray (1904-67) của Hoa Kỳ, Hans Urs von Balthasar (1905-88), người Thụy Sĩ…Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng là Tu sĩ Dòng Tên. Đến ngày 1 tháng 1 năm 2012, tổng số tu sĩ Dòng Tên là 17.637 tu sĩ, trong đó có 12.526 linh mục, 1.470 tu huynh, 2.896 học viên và 745 tập sinh, phục vụ tại 133 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới trong 84 tỉnh dòng, 5 miền độc lập và 10 miền phụ thuộc. Các tu sĩ của Dòng có mặt trong hầu hết các hoạt động của Giáo Hội (suy tư thần học, giảng thuyết, mục vụ giới trẻ, giúp Linh thao, truyền giáo…) cũng như của xã hội (giáo dục, truyền thông, phục vụ người tị nạn và di dân,…) nhằm phục vụ và thăng tiến con người. Họ là các thần học gia, các vị linh hướng, giáo sư, kỹ sư, nhạc sĩ, nhân viên xã hội, tâm lý gia, bác sĩ, luật sư, nhà báo, nhà truyền giáo…(x.dongten.net).

Khi dâng lễ ở Nhà nguyện “hoán cải”, tôi suy gẫm về ơn trở lại của thánh nhân. Nhờ đọc sách thiêng liêng mà Inhaxiô được biến đổi.Thiên Chúa đã dùng sách thiêng liêng như một khí cụ để hoán cải Inhaxiô. Việc đọc sách thiêng liêng đã tạo nên nhiều vị thánh. Nhờ việc đọc sách thiêng liêng, con người trau dồi tri thức về giáo lý Kitô Giáo, đồng thời tìm được những kiến thức cho cuộc thưa chuyện mỗi ngày với Thiên Chúa. Một cuốn sách thiêng liêng hay có thể được coi như một người bạn tốt.

Thời đại kỹ thuật số hôm nay, các phương tiện truyền thông hằng ngày luôn tấn công con người bằng những âm thanh và hình ảnh thế tục, nó muốn tách lìa từng người ra khỏi Thiên Chúa. Một quyển sách tốt có thể trở thành một người bạn tuyệt vời, một nhà tư vấn khôn ngoan. Một quyển sách tốt là một kho tàng tâm linh. Một vài phút suy niệm về một bài đọc thiêng liêng sẽ giúp chúng ta gần Chúa hơn.

2. Đền Thánh Loyola

Năm 1921, Đền thánh Loyola trở thành Tiểu Vương cung Thánh đường. Nhà thờ ở giữa một quần thể rộng lớn với nhiều tòa nhà nối liền nhau, mặt tiền rộng khoảng 150m. Trong các tòa nhà đó, các Tu sĩ Dòng Tên xứ Basque hoạt động và làm việc. Trung tâm Linh thao, thư viện với hàng trăm đầu sách, Đài Phát thanh Loyola, nhà đào tạo, và trung tâm chăm sóc các cha Dòng Tên cao niên.

Đền thánh Loyola nằm ở Azpeitia xứ Basque thuộc miền bắc Tây Ban Nha. Đây là một tổng thể nhà kiến trúc theo phong cách Baroque Churrigueresque rất hoành tráng. Đền thờ được xây dựng vào thế kỷ XVII và XVIII bao quanh lâu đài nhỏ nơi sinh trưởng của Thánh Inhaxiô Loyola.

Từ lâu, Casa Santa thuộc quyền sở hữu của gia đình Onaz Loyola. Năm 1682, nhờ sự can thiệp của Nữ hoàng Marie Anne của Áo, Dòng Tên đã sở hữu căn nhà này. Lúc ấy, Bề trên Tổng quyền là cha Paul Oliva đã yêu cầu kiến trúc sư người Ý là Carlo Fontana thiết kế Đền thánh gắn với một học viện. Bản thiếu kế nguyên thủy của Nhà thờ hình bát giác, có một mái vòm rộng lớn với ngọn tháp lồng kính để lấy ánh sáng trời. Martin Zaldua đã sửa đổi bản thiết kế và thêm vào gian giữa hình tròn. Năm 1708, đã có người đến cư ngụ tại đây. Nhà thờ được thánh hiến và học viện chức chính thức hoạt động vào năm 1738.

Cánh phía bắc của tòa nhà chưa hoàn thành khi các cha Dòng Tên bị Vua Charles III trục xuất khỏi Tây Ban Nha vào năm 1767. Như tất cả các tài sản của Dòng Tên lúc bấy giờ, Đền thánh đã bị quyền lực hoàng gia trưng thu. Thế kỷ XIX đầy hỗn loạn: Dòng Tên quay trở lại Tây Ban Nha vào năm 1816 sau khi bị trục xuất hơn 5 lần. Cuối cùng, Đền thánh được hoàn thành vào năm 1888. Năm 1885, toàn bộ quần thể kiến trúc được Dòng Tên thuê với hợp đồng 60 năm. Hợp đồng cho thuê được gia hạn vào năm 1945 và 2005. Tuy nhiên Casa Santa đã được nhượng cho các cha Dòng Tên vào năm 1991.

Sau thánh lễ, chúng tôi đi về trung tâm thành phố Burgos, nơi đây cách Thủ đô Madrid gần 250km. Nghe giới thiệu, Burgos luôn làm say mê bao du khách bởi vẻ đẹp quyến rũ của những đền đài, thánh đường, những cây cầu lịch sử, những khu phố cổ, những cửa hiệu độc đáo, phong cách sống khác biệt, và nhiều hình tượng bò tót (một loại bò mộng dùng đấu bò, một biểu tượng của Tây Ban Nha) giữa các công viên, đường phố.

3. Nhà Thờ Chính Tòa Burgos (Di sản văn hóa thế giới)

Thành phố Burgos vừa cổ kính vừa hiện đại, đặc biệt với ngôi Nhà thờ Chính tòa nổi tiếng.

Burgos cũng là một đại diện trong số sáu thành phố của Tây Ban Nha đang nỗ lực trở thành “thủ đô văn hóa của Chân Âu” vào năm 2016.

Là một trong ba Nhà thờ lớn nhất của Tây Ban Nha, Nhà thờ Burgos được xây dựng từ năm 1221 và hoàn thành năm 1567.

Nhà thờ được dâng kính cho Đức Trinh Nữ Maria.

Với phong cách kiến trúc Gothic điển hình, Nhà thờ được xây bằng đá vôi trắng vươn cao với tất cả sự uy nghi và hướng thượng.

Dường như toàn bộ lịch sử nghệ thuật kiến trúc Gothic cổ điển đã được đúc kết trong kiến trúc tuyệt vời của ngôi Nhà thờ này; cùng với bộ sưu tập độc đáo các tác phẩm nghệ thuật, bao gồm tranh vẽ, phần mộ và những cửa kính màu rất đặc trưng đã làm nên những di sản văn hóa thế giới.

Trong Nhà thờ vẫn lưu giữ mộ của Fernan Gonzalez và El Cid là hai vị anh hùng cứu quốc nổi tiếng trong cuộc chiến của người Tây Ban Nha chống lại người Moors từ thế kỷ VIII cho đến thế kỷ XI.

Để đi hết Nhà Thờ Burgos, phải mất cả tiếng đồng hồ. Nhà thờ tọa lạc bên dòng sông, một cây cầu cổ bắc ngang qua. Nhìn từ xa, trong nắng chiều, Nhà thờ tuyệt đẹp vươn cao giữa khung cảnh thanh bình. Vòng ra phía sau Nhà thờ, những ngôi nhà đủ sắc màu chung quanh mang lại nét tươi vui nơi miền đất linh thiêng tĩnh mặc này.

Mặt tiền chính của Nhà thờ được lấy cảm hứng từ các Nhà thờ Chính tòa Paris và Reims ở Pháp. Bao gồm ba gian với hai tháp cao vuông. Phần tháp hình xoắn ốc ở trên chịu ảnh hưởng của Đức được thêm vào trong thế kỷ XV do Juan de Colonia thiết kế.

Vào thăm bên trong, chúng tôi thấy Nhà thờ có kích thước rộng lớn và mô hình kiến trúc độc đáo. Hơn 300 năm xây dựng mới hoàn thành nên đây là một kỳ công của trí tuệ và lao động qua nhiều thế hệ. Vua Ferdinand III của xứ Castile và Đức Cha Mauricio người Anh, Giám mục Burgos đã cho phép xây dựng ngôi Nhà thờ này. Công trình khởi công từ ngày 20 tháng 7 năm 1221 trên chính địa điểm của Nhà thờ Chính tòa cũ.

Nhà thờ mang nét kiến trúc Gothic của Pháp, dù nét kiến trúc phục hưng được thêm vào sau này ở thế kỷ XV và XVI. Đỉnh tháp chính hình chóp nón cao 88m. Mặt sàn Nhà thờ mang hình Thánh giá với gian giữa với chiều dài 106m và lối đi hai bên rộng rãi. Trên ba cửa ra vào của mặt tiền chính Nhà thờ có hai ngọn tháp vươn cao và duyên dáng với những đỉnh tháp hình chóp nón. Bàn thờ, nhà nguyện và những công trình kỷ niệm trong Nhà thờ là những điểm thú vị về mặt nghệ thuật và lịch sử. Có 15 Nhà nguyện bên trong Nhà thờ được thêm vào ở lòng giữa và cánh ngang. Phía Tây Bắc có một Tu viện rất đẹp từ thế kỷ XIV. Phía Tây Nam có Tòa Tổng Giám mục.

Cửa của cánh ngang phía bắc được gọi là de Portada la Coronería, có tượng của 12 Tông Đồ. Phía trên có những cửa sổ hình vòm cung. Cửa của cánh ngang phía nam, có những bức hình mô tả các Thánh sử đang viết sách tại bàn làm việc.

Bàn thờ chính lần đầu tiên được thánh hiến năm 1260, sau đó việc xây dựng bị gián đoạn gần 200 năm trước khi tiếp tục khởi công lại. Nhà thờ Chính tòa được hoàn thành vào năm 1567, với việc thêm vào ngọn tháp hình chóp nón để lấy ánh sáng mặt trời.

Kiến trúc sư người Pháp vào thế kỷ XIII và một người Đức vào thế kỷ XV trực tiếp chỉ đạo xây dựng. Năm 1417, Đức Giám Mục Burgos tham dự Công đồng Constance, sau đó ngài trở về cùng với nhà xây dựng bậc thầy là Juan de Colonia, ông này hoàn tất hai tòa tháp hình chóp bằng đá.

Trong các vị Giám mục Burgos, nổi tiếng nhất vào thế kỷ XV là Giám mục Allphonsus Sancta Maria, ngài vừa là học giả vừa là sử gia.

Có những thay đổi quan trọng vào thế kỷ XV và XVI về những ngọn tháp hình chóp nón ở mặt tiền chính của Nhà thờ. Simon de Colonia thiết kế ngôi nhà nguyện Constable, Juan de Vallejo thiết kế lọng tán bàn thờ. Đây là những yếu tố của nét kiến trúc Gothic tiên tiến đem lại cho Nhà thờ những nét nổi bật. Công việc quan trọng cuối cùng là Phòng thánh của Nhà nguyện Thánh Thecla được xây dựng vào thế kỷ XVIII, vào thời gian này các tượng điêu khắc theo phong cách Gothic ở cửa ra vào mặt tiền chính Nhà thờ cũng được thay đổi.

Vào đầu thế kỷ XX, một vài cấu trúc liền vách của Nhà thờ Chính tòa bị loại bỏ, chẳng hạn như dinh thự của vị Tổng Giám mục và tầng trên của Tu viện. Vẫn còn phong cách Gothic của Nhà thờ Chính tòa, cho dù bên trong một số nghệ thuật trang trí theo phong cách Phục hưng và Baroque.

Nhà thờ có nhiều tác phẩm của các kiến trúc sư và điêu khắc gia của gia đình Colonia (Juan, Simón và Francisco), cùng với các điêu khắc gia như Gil de Siloé, Felipe Vigarny, Juan de Anchieta, và điêu khắc gia kiêm kiến trúc sư Diego de Siloé, Cristóbal de Andino thực hiện những cửa sổ có chấn song và hoa văn bằng sắt, họa sĩ Sebastiano del Piombo vẽ bức tranh "Thánh Gia trong cuộc hành trình", và còn nhiều nhiều tác phẩm khác nữa, hướng dẫn viên không nhớ nổi…

Một số yếu tố được nhiều người quan tâm trong ngôi Thánh đường là tượng Papamoscas (người bắt ruồi), một bức tượng được thiết kế khi nghe chuông điểm giờ vang lên thì nó mở miệng ra. Phần mộ của Mudarra theo phong cách Roman, người anh ghẻ báo thù của cho cái chết của bảy hoàng tử xứ Lara (được đem từ Tu viện San Pedro de Arlanza về Nhà thờ Chính tòa), ghế ngồi của ca đoàn được chạm khắc, phần mộ của Giám mục Mauricio, phần mộ của El Cid và vợ là Dona Jimena.

Nhà thờ Chính tòa được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào ngày 31 tháng 10 năm 1984.

Hôm nay ngày Chúa Nhật V Phục Sinh. Chúng tôi dâng lễ tại Nhà nguyện hình bát giác Condestable theo phong cách Gothic Flamboyant, các cửa kính màu hình chữ nhật trên đỉnh là hình chóp nón, hình các hiệp sĩ, thiên thần và sứ giả tạo thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Cha Tú, Phó xứ Trung chánh chủ tế và giảng lễ. Tạm biệt Burgos, chúng tôi lên đường đi Fatima với chặng đường dài 650km. Trên đường ghé vào viếng thăm Nhà thờ Salamanca.

4. Nhà Thờ Chính Tòa Salamanca

Salamanca là một thành phố ở phía tây của Tây Ban Nha. Salamanca được xây dựng từ thời Trung Cổ nằm cách biên giới Bồ Đào Nha 80km và là một thành phố nổi tiếng nhất Âu Châu vào thời Phục Hưng. Thời đó, nó được mệnh danh là Thành Phố Vàng ‘El Ciudad Dorada’ với những kiến trúc tuyệt đẹp bằng sa thạch. Thành Salamanca nằm trên ngọn núi bên dòng sông Rio Tormes, do một tộc Celtic xây dựng để phòng thủ. Nơi đây, có một cây cầu dài 150m có 26 vòm, trong đó có 15 nhịp vòm có gốc La Mã, phần còn lại được xây vào thế kỷ XVI. Người Hannibal chiếm Salamaca vào thế kỷ III trước Công Nguyên. Sau đó bị người La Mã chiếm, họ gọi là Helmantica hay Salamantica.

Năm 1988, khu phố cổ được thừa nhận là một địa điểm Di Sản Thế Giới UNESCO. Salamanca được bầu là Thủ Đô Văn Hóa Âu Châu năm 2002 và là nơi tổ chức Hội Nghị Thượng Đỉnh các nguyên thủ quốc gia Ibero-Hoa Kỳ vào tháng 10-2005. Salamanca nằm trong địa hạt Castilla y Leon, một trong những khu vực chính của Tây Ban Nha. Vì thế mà lá cờ hiện nay có hình con Sư Tử (Leon) và lâu đài (Castilla).

Gần bên Plaza có hai Nhà thờ sát nhau. Nhà Thờ Cũ (Catedral Viejo) xây theo kiểu Roman vào thế kỷ XII. Vòm nóc bên trong là một tuyệt tác.

Kế bên là Nhà Thờ Mới (Catedral Nueva) kiểu Gothic xây từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII mới hoàn thành.

Bên ngoài Nhà Thờ mới có hai chi tiết thu hút du khách thập phương. Năm 1992, khi trùng tu lại những chỗ hư bên ngoài, kiến trúc sư Jeronimo Garcia đã cho thêm vào viền trang trí bên cửa hình phi hành gia đang bay bổng trong không gian. Tượng hình này đem lại nhiều thú vị và thắc mắc cho dân Salamantinos và du khách. Tại sao lại có hình phi hành gia ở Nhà thờ đã có mặt từ vài trăm năm trước?

Theo giải thích của một tài liệu về trùng tu cho biết, các nhà trùng tu thường dùng một biểu tượng đặc biệt nhất liên hệ với thời điểm sửa chữa để đánh dấu cột mốc thời gian đó. Đây cũng như là một thứ chữ ký có ghi ngày tháng. Phi hành gia là biểu tượng cho thế kỷ thứ XX, dùng để đánh dấu mốc trùng tu vào năm 1992.

Cạnh đó cũng có một tượng hình con rồng đang ăn cà rem. Phải chăng biểu tượng này ghi dấu lúc trùng tu vào thời điểm mùa hè nóng bức nên con rồng cũng ăn kem?.

Còn giờ đây, cuối mùa xuân, khi chúng tôi ngước mắt nhìn lên rồi suy đoán thì ai cũng run cầm cập vì lạnh 2 độ c và gió thổi buốt giá đến thịt xương.

Đã quá trưa mà mới có chút nắng ấm. Lúc trời lạnh lẽo, nắng nhớ mình không được ưu ái như mưa, nên nắng chiếu những vệt ấm thật hiền hòa để ai cũng thích nắng. Nắng xứ này thật khôn, biết "nhập gia tuỳ tục", biết ân cần tiếp chúng tôi người xứ nhiều nắng.

Lối vào chính của Nhà thờ Chính tòa gồm 3 vòng cung, dẫn đến 3 gian dọc của Nhà thờ. Cả ba lối vào này được chạm trổ công phu. Chúng tôi vào tham quan bên trong, trầm trồ chiêm ngưỡng và hát khen chúc tụng tạ ơn Thiên Chúa. Sau cung thánh, có những Nhà nguyện đẹp thanh thoát. Giữa lòng Nhà thờ, có phòng dành riêng cho các Kinh sỹ hát kinh thần vụ. Dưới tầng hầm bên hông, một bảo tàng viện nhỏ của Nhà thờ Chính tòa.

Nhà thờ được xây dựng vào giữa thế kỷ XVI và XVIII theo hai phong cách kiến trúc là Gothic và Baroque. Chính Vua Ferdinand V vùng Castile đã ủy nhiệm việc xây dựng từ năm 1513. Năm 1733, Nhà thờ được thánh hiến. Năm 1887, Hoàng gia công bố một sắc lệnh đây là công trình quốc gia.

Trong kỹ thuật xây dựng, phong cách kiến trúc Gothic hợp nhất với phong cách Phục hưng mới, tạo nên phong cách Plateresco đặc trưng Tây Ban Nha. Tuy nhiên, Nhà thờ này vẫn giữ lại nét Gothic vì các Đấng Bản quyền muốn Nhà thờ mới hài hòa với Nhà thờ cũ. Vì vậy, Nhà thờ mới được xây dựng vẫn tiếp tục theo phong cách Gothic trong suốt thế kỷ XVII và XVIII. Suốt thế kỷ XVIII, có hai yếu tố được thêm vào là một mái vòm kiểu Baroque ở phần cánh ngang và ở phần cuối là tháp chuông cao 92m.

Bức tường của Nhà thờ mới tựa vào bức tường phía bắc của Nhà thờ cũ. Vì lý do này, Nhà thờ cũ được gia cố và tháp chuông được xây dựng tại đây. Hai kiến trúc sư chính là J. Gil de Hontanón và con trai là Rodrigo.

Rời Nhà thờ Salamanca, chúng tôi đi ăn trưa tại nhà hàng Tàu với cơm Việt Nam thật ngon miệng và lên đường đi Bồ Đào Nha, đến trung tâm hành hương Đức Mẹ Fatima.

(còn tiếp)