Trong phần “Con người tôn giáo”, Nữ tu Mary T. Clark có phổ biến nhiều chú giải của Thánh Tôma về cầu nguyện và nhiều kinh nguyện do ngài soạn thảo. Chúng tôi xin trích dịch dưới đây:



Trình bầy Kinh Lạy Cha

“Lạy Cha chúng con ở trên trời”. Lời kinh của Chúa là lời kinh tốt đẹp nhất trong mọi lời kinh. Mọi lời kinh đều cần phải có 5 điều phẩm tính ưu việt tìm thấy ở đấy. Một lời kinh nên có tính tin tưởng, có thứ tự, thích đáng, đạo hạnh và khiêm nhường.

Nó nên có tính tin tưởng: “cho nên, chúng ta hãy đến gần tòa ơn thánh một cách tin tưởng” (Dt 4:16). Nó không nên thiếu đức tin, như có lời phán: “Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự” (Gcb 1:6). Quả là hữu lý khi tin tưởng vào lời kinh này, vì Đấng phù trợ và khẩn cầu khôn ngoan nhất cho chúng ta đã soạn ra nó: “Trong Người, ẩn giấu mọi kho tàng khôn ngoan và hiểu biết” (Cl 2:3), và về Người đã có lời chép: “vì chúng ta có Đấng bào chữa với Chúa Cha, tức Chúa Giêsu Kitô, Đấng công chính” (1Ga 2:1). Do đó, Thánh Cyprianô nói (về Kinh Lạy Cha) rằng: “Vì chúng ta có Chúa Giêsu Kitô làm Đấng bào chữa với Chúa Cha cho các tội lỗi của chúng ta, nên khi chúng ta cầu nguyện vì các thiếu sót của mình, chúng ta sử dụng chính lời lẽ của Đấng bào chữa của chúng ta”.

Hơn nữa, chúng ta càng tin tưởng kinh nguyện này hơn vì Đấng dạy nó cho chúng ta nhân từ lắng nghe lời kinh của chúng ta cùng với Chúa Cha, như đã tuyên bố trong Thánh Vịnh: “Nó sẽ kêu đến Ta và Ta sẽ khứng nghe nó” (Tv 90:15). Do đó, Thánh Cyprianô quả quyết, “Nó là kinh nguyện thân ái, quen thuộc, và đạo hạnh để khẩn cầu Chúa bằng chính lời lẽ của Người”. Và do đó, không ai kết thúc lời kinh này mà không có hoa trái. Thánh Augustinô nói rằng các tội nhẹ của chúng ta nhờ nó được tha thứ (Enchir. 78).

Hơn nữa, lời cầu nguyện của chúng ta phải thích đáng, để, trong lời cầu nguyện, Thiên Chúa được xin những điều thích đáng đối với người cầu xin. Thánh Gioan thành Đamascênô nói rằng, “cầu nguyện là cầu xin điều đúng và thích đáng từ Thiên Chúa” (Về Đức Tin Chính Thống III, 24). Lời cầu nguyện của chúng ta đôi khi không được khứng nghe khi chúng ta cầu xin một điều không tốt cho chúng ta: “anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý” (Gcb 4:3). Rất khó mà biết điều phải xin, vì khó mà biết điều để ước ao; nên Thánh Phaolô nói, “vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải” (Rm 8:26). Chúa Kitô chính là một bậc thầy; Người day chúng ta nên cầu xin những gì khi các tông đồ nói: “Lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11:1). Bất cứ điều gì Người dạy chúng ta cầu nguyện chúng ta nên cầu nguyện điều đó cách thích đáng. Thánh Augustinô vốn nói, “chúng ta chỉ có thể lặp lại điều tìm thấy trong Kinh Lạy Cha nếu chúng ta cầu nguyện cách thích đáng và xứng đáng” (Epist. 130).

Các ước muốn của chúng ta phải có trật tự như thế nào, thì lời cầu nguyện của chúng ta cũng thế, vì cầu nguyện chỉ là việc nói ra các ước muốn của chúng ta. Thế thì, thứ tự đúng đắn là thích những điều thiêng liêng hơn nhữ điều thân xác, và những điều trên trời hơn những điều chỉ là dưới đất. Điều này phù hợp với những lời đã chép: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6:33). Ở đây, Chúa nhấn mạnh rằng trước hết chúng ta nên tìm kiếm những điều ở trên trời rồi mới cầu xin những điều vật chất.

Lời cầu nguyện của chúng ta nên có tính đạo hạnh vì sự phong phú trong lòng đạo đức làm cho việc hy sinh cầu nguyện trở thành đáng được Thiên Chúa chấp nhận: “Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài. Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca” (Tv 63:5-6). Lòng sùng kính thường nguội đi khi lời kinh quá dài, nên Chúa chúng ta dạy chúng ta tránh nhiều lời khi cầu nguyện: “Khi các con cầu nguyện, đừng nhiều lời” (Mt 6:7). Và Thánh Augustinô nói với chúng ta: “Đừng kéo dài lê thê lời cầu nguyện của anh chị em, nhưng bao lâu lòng sốt mến còn đó, hãy để lời cầu nguyện tiếp tục” (Epist. 130). Đó là lý do Chúa soạn kinh nguyện của Người ngắn. Lòng sốt sắng trong cầu nguyện phát sinh do đức ái, tức tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và người lân cận, và trong kinh nguyện này, cả hai rất rõ ràng. Tình yêu chúng ta dành cho Thiên Chúa sẽ rõ ràng khi chúng ta thưa với Thiên Chúa “lạy Cha chúng con”; và tình yêu của chúng ta dành cho người lân cận sẽ rõ ràng khi chúng ta thưa “Lạy Cha chúng con... xin Cha tha nợ chúng con” và điều này dẫn chúng ta đến việc yêu người lân cận.

Lời cầu nguyện nên khiêm nhường: “Người đoái nghe lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường” (Tv 101: 18 [bản Phổ Thông]). Điều này hiển nhiên trong dụ ngôn người Biệt Phái và người Thu Thuế (Lc 18: 9-15), cũng như trong lời lẽ của Giuđítha: “Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường và hiền lành luôn làm Ngài hài lòng” (Gđt 9:16). Cũng một lòng khiêm nhường đó được tìm thấy trong kinh nguyện này vì khi một người không tự phụ về quyền lực riêng mình nhưng hy vọng mọi sự họ cầu xin ở quyền năng Thiên Chúa, thì họ có lòng kiêm nhường đích thực.

Chúng ta nên ý thức rằng ba điều tốt lành phát sinh từ việc cầu nguyện. Trước nhất, cầu nguyện hữu hiệu và hữu ích như là phương thuốc chữa các sự xấu xa. Nhờ thế, nó giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi chúng ta đã phạm: “chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con. Vì thế, ai là người hiếu trung với Chúa sẽ kêu cầu Ngài lúc gặp cảnh gian truân” (Tv 31:5-6). Trên thập giá, người ăn trộm đã cầu nguyện và được tha thứ: “Ngay hôm nay, con sẽ được ở cùng Ta trên thiên đàng” (Lc 23:43). Người Thu Thuế cũng đã cầu nguyện và “ra về được công chính hóa” (Lc 18:14). Người cầu nguyện được giải thoát khỏi sợ tội lỗi tương lai cũng như các gian nan thử thách và buồn rầu trong linh hồn: “Ai trong anh em buồn sầu ư? Họ hãy cầu nguyện” (Gcb 5:13). Nó cũng giải thoát người ta khỏi những kẻ bách hại và thù địch: “Thay vì đáp trả tình yêu, họ đã gièm pha con, nhưng con chuyên chăm cầu nguyện” (Tv 18:4).

Thứ hai, cầu nguyện hữu ích cũng như hữu hiệu trong việc ban cho ta mọi sự như ước muốn: “khi các con cầu nguyện, mọi sự các con xin, các con hãy tin các con sẽ nhận được” (Mc 11:24). Nếu các lời cầu nguyện của chúng ta không được đáp ứng, là bởi vì chúng ta không kiên tâm cầu nguyện, mặc dù “chúng ta phải cầu nguyện luôn luôn, cầu nguyện không ngừng” (Lc 18:1), hoặc vì chúng ta không cầu xin điều dẫn chúng ta tới ơn cứu rỗi nhiều nhất. Thánh Augustinô quả quyết, “Chúa tốt lành của chúng ta thường không ban cho ta điều chúng ta ước ao, vì thực sự nó là điều chúng ta không cần”. Thánh Phaolô là mẫu gương tốt về điều này vì ngài từng 3 lần cầu xin cho nọc xác thịt được lấy khỏi ngài, nhưng lời cầu nguyện này đã không đưọc khứng nghe (2Cr 12:7).

Thứ ba, cầu nguyện sinh ích bao lâu nhờ nó, chúng ta trở nên bằng hữu của Thiên Chúa: “xin cho lời cầu nguyện của con bay lên như hương trầm trước nhan Chúa” (Tv 140:2).

Kinh nguyện của Chúa trong Vườn Diệtsimani

1.“Và đi xa hơn một chút, Người xấp mặt xuống đất, cầu nguyện rằng: ‘Lạy Cha’” (Mt 26:39).

Ở đây, Chúa đề nghị với chúng ta 3 điều kiện phải giữ khi cầu nguyện:

a. Nơi tĩnh mịch: vì đi xa hơn một chút, nên Người đã tự tách ra khỏi cả những người chính Người đã chọn. “Còn anh em, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh em, Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6:6). Nhưng nên lưu ý rằng Người không đi thật xa, chỉ xa một chút thôi để chứng tỏ rằng Người không cách xa những người nương tựa vào Người và để họ thấy Người cầu nguyện và học cầu nguyện như Người.

b. Khiêm nhường: Người xấp mặt xuống đất, do đó, làm gương khiêm nhường cho chúng ta. Sở dĩ như thế, vì khiêm nhường là điều cần thiết cho việc cầu nguyện và vì Thánh Phêrô từng nói: “Vâng, dù con có chết vì Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26:35). Cho nên, nếu Chúa xấp mặt, là để tỏ cho chúng ta thấy chúng ta không nên tin vào sức mạnh của riêng chúng ta.

c. Sốt sắng tôn sùng, khi Người nói “lạy Cha”. Điều thiết yếu là khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta cầu nguyện do lòng sốt sắng tôn sùng. Người thưa “Lạy Cha” vì Người là Con Thiên Chúa một cách độc đáo; chúng ta chỉ là con nuôi của Thiên Chúa mà thôi (trong Mt 26).

2. “Nếu có thể, xin cất chén này khỏi con. Nhưng không theo ý con, mà theo ý Cha” (Mt 26:39).

Ở đây, ta hãy xem xét phương hướng chung của việc cầu nguyện. Chúa Kitô cầu nguyện theo sự thúc đẩy của bản chất cảm quan, nghĩa là, lời cầu nguyện của Người như lời bào chữa cho các cảm quan nói lên các xu hướng của cảm quan Người, qua cầu nguyện đề nghị với Thiên Chúa điều ước muốn của các cảm quan của Người gợi ý. Và Người làm thế để dạy chúng ta 3 điều:

a. Người đã mặc lấy bản chất thực sự của con người với mọi xu hướng tự nhiên của con người.

b. Phù hợp với xu hướng tự nhiên của họ, con người được phép ước muốn một điều Thiên Chúa không muốn.

c. Con người phải bắt các xu hướng của mình lệ thuộc ý muốn của Thiên Chúa. Bởi thế, Thánh Augustinô mới nói: “Chúa Kitô, khi sống làm người, đã chứng tỏ một xu thế nhân bản tư riêng khi Người nói ‘hãy cất chén này khỏi con’. Đó là xu thế của con người, ý muốn riêng của con người và, có thể nói, ước muốn tư riêng của Người. Nhưng Chúa Kitô, vì muốn là một con người có trái tim đúng đắn, một con người qui hướng về Thiên Chúa, đã thêm ngay, ‘tuy nhiên, đừng theo ý con, mà theo ý Cha’”.

Và trong lời kinh này, Người dạy bằng gương sáng cách chúng ta sắp xếp các xu hướng của chúng ta để chúng đừng đối nghịch với luật Thiên Chúa. Nhờ thế, chúng ta học được rằng không có gì sai trong việc chúng ta rút lui khỏi những điều vốn tự nhiên gây hại, bao lâu chúng ta đem các xúc cảm của chúng ta đứng cùng hàng với ý muốn Thiên Chúa.

Chúa Kitô có hai ý chí, một từ Cha của Người vì Người vốn là Thiên Chúa và ý chí kia vì Người là người thật. Người bắt ý chí nhân bản này, trong mọi sự, phục tùng Cha của Người; trong việc này, Người làm gương để chúng ta cũng làm như thế. “vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6:38).

“Thế mà Chúa Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:8-9).

1.Chúa Kitô đã chết cho những kẻ vô đạo (cùng chỗ, câu 6). Đây là một điều vĩ đại nếu chúng ta lưu ý Đấng chết ấy là ai, cũng là việc cao cả nếu chúng ta chịu lưu ý Người chết vì ai. Vì ít có ai chết cho người công chính nghĩa là bạn khó tìm thấy bất cứ ai chịu chết để cứu một người vô tội; không, dù có lời chép, “Người công chính tiêu vong, thế mà chẳng ai lưu tâm đến” (Is 57:1).

Cho nên, quả thực Thánh Phaolô đã nói rằng ít khi có ai muốn chết. Có thể có người, rất hiếm có người vì hết sức can đảm có thể mạnh dạn chết cho một người tốt lành. Nhưng việc này rất hiếm hoi, vì lý do đơn giản là hành động như thế là điều vĩ đại nhất. Chúa chúng ta chính Người đã nói, “không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu hiến mạng sống mình vì bạn bè” (Ga 15:13).

Nhưng giống như điều Chúa đã làm, chết cho kẻ làm điều ác và cho kẻ ác, người ta chưa thấy bao giờ. Do đó mà chúng ta hết sức bỡ ngỡ đặt câu hỏi tại sao Chúa Kitô đã làm như vậy.

2. Thực vậy, nếu phải hỏi tại sao Chúa Giêsu chết cho kẻ ác, câu trả lời là qua cách này, Thiên Chúa giới thiệu tình yêu của Người cho chúng ta. Qua cách này, Người muốn chứng tỏ rằng Người yêu chúng ta bằng một tình yêu vô giới hạn, vì ngay lúc chúng ta còn là những kẻ tội lỗi, Chúa Kitô vẫn đã chết cho chúng ta.

Chính cái chết của Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa, vì chính Con của Người, Đấng Người ban cho để chết mà việc đền bù đã được thực hiện cho chúng ta. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con một của Người (Ga 3:16). Và như thế, như tình yêu Thiên Chúa Cha dành cho chúng ta được biểu lộ trong việc Người ban Chúa Thánh Thần cho chúng ta thế nào, thì bằng cách này, nó cũng được biểu lộ qua việc Người ban Con một của Người như vậy.

Thánh Tông đồ nói rằng Thiên Chúa giới thiệu, do đó muốn nói rằng tình yêu của Thiên Chúa là một điều không thể đo lường được. Điều này được chứng tỏ bằng chính sự kiện của vấn đề, nghĩa là sự kiện này: Người ban Con của Người để chết cho chúng ta, và nó cũng được chứng tỏ bởi lý do loại người chúng ta vốn là và Người đã chết cho loại người đó. Chúa Kitô được khuyến khích chết cho chúng ta không phải vì bất cứ công phúc nào của chúng ta khi chúng ta vẫn còn là những kẻ tội lỗi. Thiên Chúa (Đấng giầu lòng thương xót) ” Nhưng Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” (Eph. 2:4).

Kỳ tới: Các Kinh nguyện do Thánh Tôma soạn thảo