Theo tin Tòa Thánh, ngày 4 tháng 11, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tới Đền thờ Hồi giáo trong Cung điện Hoàng gia Sakhir (Awali) để gặp gỡ Hội đồng Trưởng Lão Hồi giáo. Nhân dịp này, ngài đã đọc bài diễn văn sau đây:



Thưa hiền đệ, Tiến sĩ Ahmad Al-Tayyeb, Đại Imam của Al-Azhar,
Thưa các thành viên của Hội đồng Trưởng lão Hồi giáo,
Thưa qúy bạn,
As-salamu alaikum!

Tôi gửi đến các bạn lời chào thân ái và bày tỏ niềm hy vọng đầy tính cầu nguyện rằng hòa bình của Đấng Tối Cao sẽ xuống trên mỗi người các bạn: trên các bạn, những người mong muốn phát huy hòa giải để tránh chia rẽ và xung đột trong các cộng đồng Hồi giáo; trên các bạn, những người nhìn thấy trong chủ nghĩa cực đoan một mối nguy hiểm xói mòn tôn giáo chân chính; trên các bạn, những người cam kết xóa bỏ những diễn giải sai lầm, những giải thích, qua bạo lực hiểu lầm, đã khai thác và làm hại niềm tin tôn giáo. Ước mong hòa bình sẽ xuống và tồn tại trên các bạn: những người mong muốn truyền bá hòa bình bằng cách khắc ghi trong trái tim người ta các giá trị tôn trọng, khoan dung và ôn hòa; trên các bạn, những người tìm cách khuyến khích các mối liên hệ hữu nghị, tôn trọng và tin cậy lẫn nhau với những người, như tôi, là tín hữu của một truyền thống tôn giáo khác; trên các bạn, các anh chị em, những người cố gắng cung cấp cho những người trẻ một nền giáo dục đạo đức và trí thức chống lại mọi hình thức thù hận và bất khoan dung. As-salamu alaikum!

Thiên Chúa là nguồn hòa bình. Xin Người giúp chúng ta trở thành các máng chuyển hòa bình của Người tới khắp mọi nơi! Ở đây, trước sự hiện diện của các bạn, một lần nữa tôi muốn khẳng định rằng Thiên Chúa của hòa bình không bao giờ gây chiến tranh, không bao giờ kích động hận thù, không bao giờ ủng hộ bạo lực. Chúng ta, những người tin tưởng vào Người, được kêu gọi cổ vũ hòa bình bằng các công cụ hòa bình, chẳng hạn như gặp gỡ, đàm phán kiên nhẫn và đối thoại, đó là dưỡng khí cho việc chung sống hòa bình. Trong số các mục tiêu của các bạn là việc truyền bá văn hóa hòa bình dựa trên công lý. Tôi muốn nói với các bạn rằng đây thực sự là con đường, con đường duy nhất, để đi, vì hòa bình “‘ là hiệu quả của công bình’(Gaudium et Spes, 78). Hòa bình được sinh ra từ tình huynh đệ; nó phát triển thông qua cuộc đấu tranh chống lại bất công và bất bình đẳng; nó được xây dựng bằng cách chung tay giúp đỡ những người khác” (Diễn văn tại Buổi đọc Tuyên bố Cuối cùng và Kết thúc Đại hội VII Các Nhà Lãnh đạo các Tôn giáo Truyền thống và Thế giới, ngày 15 tháng 9 năm 2022). Hòa bình không thể chỉ để công bố; nó phải được giúp đỡ để bắt rễ. Và điều này có thể thực hiện được bằng cách loại bỏ các hình thức bất bình đẳng và kỳ thị làm phát sinh bất ổn và thù nghịch.

Tôi cảm ơn các bạn vì những nỗ lực của các bạn trong vấn đề này, vì sự chào đón mà các bạn đã dành cho tôi, và vì những lời các bạn đã nói. Tôi đã đến giữa các bạn với tư cách là một người tin Thiên Chúa, như một người anh em và như một người hành hương hòa bình. Tôi đến giữa các bạn để chúng ta có thể cùng nhau hành trình, theo tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi, người vốn thích nói: “Khi bạn thông báo hòa bình bằng miệng, hãy bảo đảm để hòa bình lớn hơn trong trái tim bạn” (Truyền thuyết về Thánh Phanxicô bởi Ba Người Đồng Hành, XIV, 58: FF 1469). Tôi rất có ấn tượng khi thấy ở những vùng đất này, phong tục chào đón khách không chỉ là bắt tay mà còn đặt tay lên trái tim của mình như một biểu hiệu âu yếm. Như thể muốn nói: “Bạn sẽ không cách xa tôi, bạn đi vào trái tim tôi, vào cuộc sống của tôi”. Tôi cũng đặt tay lên trái tim mình một cách tôn trọng và trìu mến, khi tôi dõi nhìn từng người trong số các bạn và chúc tụng Đấng Tối Cao đã cho chúng ta có thể gặp gỡ nhau.

Tôi tin rằng càng ngày chúng ta càng cần gặp gỡ nhau, hiểu biết và quý trọng nhau, đặt thực tại lên trước ý tưởng và đặt con người lên trước ý kiến, cởi mở với thiên đường trước những khác biệt trên trái đất. Chúng ta cần đặt tương lai của tình huynh đệ trước một quá khứ đối kháng, vượt qua những định kiến và hiểu lầm lịch sử nhân danh Đấng là nguồn gốc của hòa bình. Thật vậy, làm sao các tín đồ của các tôn giáo và nền văn hóa khác nhau có thể sống cạnh nhau, chấp nhận và tôn trọng lẫn nhau nếu chúng ta vẫn xa cách và tách biệt? Chúng ta hãy để mình được hướng dẫn bởi câu nói của Imam Ali: "Con người có hai loại: họ là anh chị em trong tôn giáo hoặc đồng loại nam và nữ trong nhân loại", và vì vậy cảm thấy được kêu gọi quan tâm đến tất cả những người mà kế hoạch thần linh đã đặt bên cạnh chúng ta trên thế giới. Chúng ta hãy khuyến khích nhau “quên đi quá khứ và chân thành đạt được sự hiểu biết lẫn nhau, và vì lợi ích của tất cả mọi người, giữ gìn và cổ vũ hòa bình, tự do, công bằng xã hội và các giá trị đạo đức” (Nostra Aetate, 3). Đây là những nhiệm vụ mà chúng ta phải gánh vác trong tư cách những nhà lãnh đạo tôn giáo: trong một thế giới ngày càng bị tổn thương và chia rẽ, mà dưới bề mặt hoàn cầu hóa, đang cảm thấy lo lắng và sợ hãi, các truyền thống tôn giáo vĩ đại phải là trái tim hợp nhất các chi thể của cơ thể, phải là linh hồn mang lại hy vọng và sự sống cho những khát vọng cao nhất của nó.

Trong những ngày này, tôi đã nói về sức mạnh của sự sống, vốn tồn tại trong những sa mạc khô cằn nhất bằng cách dựa vào những dòng nước của sự gặp gỡ và chung sống hòa bình. Hôm qua, tôi đã nói như vậy bằng cách đề cập đến "Cây sự sống" rất đáng chú ý tìm thấy ở đây tại Bahrain này. Trong bài đọc Kinh Thánh mà chúng ta vừa nghe, cây sự sống được đặt ở trung tâm của khu vườn nguyên thủy, trung tâm của kế hoạch tuyệt vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại, một thiết kế hài hòa nhằm bao trùm mọi tạo vật. Tuy nhiên, loài người đã quay lưng lại với Đấng Tạo Hóa và trật tự mà Người đã thiết lập, và đó là khởi đầu của những vấn đề và sự mất cân bằng, theo lời tường thuật trong Kinh thánh, nối tiếp nhau nhanh chóng. Những cuộc cãi cọ và sát hại giữa anh em với nhau (x. St 4); những biến động và thảm họa môi trường (x. St 6-9), lòng kiêu hãnh và xung đột xã hội (x. St 11)... Nói tóm lại, một cơn lũ sự dữ và chết chóc nổ bùng từ trái tim con người, xổ lồng từ tia lửa ác độc do cái ác ẩn núp ngay ở cửa tâm hồn chúng ta (x. St 4: 7), để phá hủy khu vườn hài hòa của thế giới. Tất cả những điều xấu xa này đều bắt nguồn từ việc chúng ta chối bỏ Thiên Chúa và anh chị em của chúng ta, khiến chúng ta không còn nhìn thấy Tác giả của sự sống và không còn coi chúng ta là người canh giữ anh em của chúng ta nữa. Kết quả là, hai câu hỏi mà chúng ta đã nghe vẫn còn nguyên giá trị. Bất cứ truyền thống tôn giáo nào được người ta tuyên xưng, hai câu hỏi đó vẫn là một thách thức đối với mọi cuộc đời và mọi thời đại: "Ngươi đang ở đâu?" (St 3: 9); "Em ngươi đang ở đâu?" (St 4: 9).

Các bạn thân mến, các anh em trong Ápraham và là những người tin vào Thiên Chúa duy nhất thân mến: những tệ nạn xã hội, quốc tế, kinh tế và cá nhân, cũng như cuộc khủng hoảng môi trường trầm trọng của thời đại chúng ta mà chúng ta đã suy tư ở đây hôm nay, cuối cùng bắt nguồn từ sự ghẻ lạnh đối với Thiên Chúa và người lân cận của chúng ta. Do đó, nhiệm vụ duy nhất và không thể tránh khỏi của chúng ta là: giúp nhân loại khám phá lại những nguồn sống đã bị lãng quên, dẫn dắt những người đàn ông và đàn bà uống từ những suối nguồn của sự khôn ngoan cổ xưa, và đưa các tín hữu đến gần hơn với việc thờ phượng Thiên Chúa và gần gũi hơn với anh chị em của chúng ta, những người mà vì họ Người đã tạo ra trái đất.

Và chúng ta có thể làm điều này bằng cách nào? Trong yếu tính, có hai phương thế: cầu nguyện và tình huynh đệ. Đó là những vũ khí của chúng ta, khiêm tốn nhưng hữu hiệu. Chúng ta không được để mình bị cám dỗ bởi những phương thế khác, những con đường tắt không xứng đáng với Đấng Tối Cao, Đấng mang danh Hòa bình bị ô nhục bởi những người đặt niềm tin vào quyền lực và nuôi dưỡng bạo lực, chiến tranh và buôn bán vũ khí, “buôn bán sự chết”, thông qua các khoản chi ngày càng tăng, đang biến ngôi nhà chung của chúng ta thành một kho vũ khí vĩ đại. Nằm đằng sau tất cả những điều này, có biết bao âm mưu mờ mịt và mâu thuẫn đáng lo ngại! Thí dụ, chúng ta hãy nghĩ tới tất cả những người buộc phải di cư khỏi vùng đất của họ do các xung đột được trợ cấp bằng cách mua vũ khí lỗi thời với giá cả phải chăng, chỉ để rồi sau đó bị lộ diện và phản bội ở các biên giới khác qua các thiết bị quân sự ngày càng tinh vi hơn. Bằng cách này, hy vọng của họ bị giết chết hai lần! Giữa những viễn cảnh bi thảm này, trong khi thế giới theo đuổi những ảo tưởng sức mạnh, quyền lực và tiền bạc, chúng ta được kêu gọi công bố, với sự khôn ngoan của các bậc trưởng lão và cha ông của chúng ta, rằng Thiên Chúa và người lân cận phải được đặt lên trên hết, chỉ có tính siêu việt và tình huynh đệ mới cứu được chúng ta. Việc khám phá những nguồn sống này tùy thuộc vào chúng ta; nếu không, sa mạc của nhân loại sẽ ngày càng khô cằn và chết chóc. Trên hết, chúng ta phải làm chứng, bằng việc làm của chúng ta hơn là chỉ bằng lời nói của chúng ta, rằng chúng ta tin vào điều này, vào hai sự thật này. Trách nhiệm của chúng ta trước Thiên Chúa và trước nhân loại rất lớn lao. Chúng ta phải là những mô hình mẫu mực của những gì chúng ta rao giảng, không những trong cộng đồng và trong nhà của chúng ta - vì điều này không còn đủ nữa - mà còn trước một thế giới hiện nay đã thống nhất và hoàn cầu hóa. Chúng ta, các hậu duệ của Ápraham, tổ phụ của các dân tộc trong đức tin, không thể chỉ quan tâm đến những người “của riêng chúng ta”, nhưng khi chúng ta ngày càng đoàn kết hơn, chúng ta phải nói với toàn thể cộng đồng nhân loại, với tất cả những ai sống trên trái đất này.

Mong sao, trong sâu thẳm trái tim của họ, mọi người đàn ông và đàn bà cùng đều hỏi những câu hỏi quan trọng này. Làm người nghĩa là gì? Tại sao có đau khổ, xấu xa, chết chóc và bất công? Điều gì đang chờ đợi chúng ta sau cuộc sống này? Đối với nhiều người, đắm chìm trong thế giới của chủ nghĩa duy vật thực dụng và chủ nghĩa tiêu dùng đến làm người ta tê liệt, những câu hỏi này nằm im ngủ mê. Đối với những người khác, họ bị đè nén bởi những cơn đói khát và nghèo khổ làm mất nhân tính. Chúng ta hãy nhìn vào cái đói và cái nghèo ngày nay. Trong số những lý do dẫn đến sự lãng quên những điều thực sự quan trọng này, chúng ta nên kể sự sơ suất của chính mình, sự tai tiếng của việc chúng ta bị cuốn vào những việc khác và không công bố Thiên Chúa, Đấng ban hòa bình cho cuộc sống và hòa bình đem lại sự sống cho người nam và người nữ. Thưa các anh chị em, chúng ta hãy hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề này; chúng ta hãy theo dõi cuộc họp của chúng ta ngày hôm nay; chúng ta hãy cùng nhau hành trình! Chúng ta sẽ được chúc lành bởi Đấng Tối Cao và những tạo vật nhỏ nhoi nhất và dễ bị tổn thương vốn được Người ưu tiên yêu thương: người nghèo, trẻ em và người trẻ, những người sau bao đêm đen đang chờ đợi bình minh của ánh sáng và hòa bình mọc lên. Cảm ơn các bạn.