Chương bẩy: Giáo hội được xem xét trong tính toàn vẹn của nó (vừa trong vinh quang vừa trong thời gian) và Giáo hội chỉ được xem xét như đang ở trong thời gian



Nhận xét sơ bộ

1. Người ta biết rằng Giáo hội hiện hữu dưới ba trạng thái khác nhau, đó là trạng thái Thiên đàng, trạng thái dưới đất, trạng thái Luyện ngục. Khi người ta nói "Giáo hội vinh quang", "Giáo hội lữ hành", "Giáo hội đau khổ", người ta không chỉ định ba Giáo hội khác nhau, nhưng cùng một Giáo hội, cùng một ngôi vị của Giáo hội, dưới ba trạng thái vừa đề cập. Chủ đề của cuốn sách này không liên quan gì đến Giáo hội đau khổ, do đó tôi sẽ không nói gì về Giáo Hội này, ngoại trừ việc Giáo hội của thiên đàng và của trái đất liên tục đến trợ giúp Giáo Hội ấy bằng lời cầu nguyện của mình, cũng như Giáo hội của thiên đàng liên tục đến trợ giúp Giáo hội trên trái đất bằng những lời cầu nguyện và bởi soi dẫn của mình.

2. Chương này được dành cho Giáo hội Thiên đàng và Giáo hội dưới đất. Điều cần thiết là phải hiểu rằng chúng, như tôi vừa nói, là cùng một Giáo hội duy nhất dưới hai trạng thái khác nhau. Đây là một tín lý cổ điển {1} và một học thuyết mà tôi tin là được tất cả các nhà thần học công nhận. Jean Bréhal đã đề cập đến nó bằng những thuật ngữ rõ ràng nhất tại phiên tòa phục hồi Gioanna thành Arc.

Vì tầm quan trọng được cuốn sách này dành cho ngôi vị của Giáo hội, người ta sẽ không ngạc nhiên khi tôi hình dung tín lý này dưới ánh sáng của ý tưởng trung tâm về tư cách ngôi vị siêu nhiên được Thiên Chúa ban cho Giáo hội.

3. Bây giờ chúng ta sẽ cố gắng mở rộng và đào sâu suy nghĩ của chúng ta về Giáo Hội, khi xem xét Giáo Hội không chỉ trong tình trạng lữ hành ở trần gian, mà còn trong tình trạng vinh quang trên Thiên Đàng.

Thiên đàng, - người ta thấy ngày nay một số sinh viên trong các ngành khoa học thánh có vẻ khó chịu vì hạn từ này. Tuy nhiên, không ai mong đợi các phi hành gia, trong các chuyến thám hiểm của họ, sẽ gặp gỡ các thiên thần và các linh hồn diễm phúc; và người ta, nhờ những phép ẩn dụ tự phát nhất và tự nhiên nhất mà con mắt gợi ý cho tâm trí, người ta sẽ luôn tiếp diễn nói "thiên đàng" để biểu thị thế giới vô hình một cách tượng trưng.

Khi Chúa Giêsu Kitô dạy chúng ta đọc: “Lạy Cha chúng con, là Đấng ngự ở trên Trời,” Người chỉ sử dụng một cách nói tượng trưng đơn thuần để chỉ mầu nhiệm trong đó sự siêu việt vô hạn của Thiên Chúa bao trùm chính nó. Và sự chỉ danh mang tính biểu tượng này đã hoàn toàn chính đáng, và vẫn mãi mãi có giá trị, do sự kiện duy nhất này là chúng ta cần phải ngẩng đầu lên để nhìn được bầu trời; ở đây, những biểu kiến khả giác đóng vai hành động duy nhất, và chúng tự áp đặt lên chúng ta một cách không thể cưỡng được, khi chúng cho chúng ta thấy bầu trời, cùng với những ích lợi nó mang lại cho chúng ta bởi mặt trời của nó và cùng với sự sáng lạn nó dùng để thắp sáng đêm đen, như dấu hiệu tuyệt vời của vương quốc vô hình được vũ trụ của chúng ta cung ứng, nơi các tinh thần sống với Thiên Chúa.

Tôi hoàn toàn ý thức rằng vũ trụ học của người xưa đã nhầm lẫn mọi sự bằng cách che đậy cảm thức tượng trưng thuần túy này bằng một cảm thức thể lý, và bằng cách khiến cho thiên đàng của những người được diễm phúc bị coi như một nơi thể lý được chuẩn bị trên các thiên cầu để làm nơi cư trú của họ, - nơi của sự bất hủy: một điều mang lại cơ sở tồi tệ nhất cho trí tưởng tượng của chúng ta. Nhưng may mắn thay, tất cả những điều này đã bị khoa học hiện đại quét sạch, đến nỗi "thiên đàng" của người được chọn không còn liên quan gì đến "thiên đàng" của các nhà thiên văn học nữa, {2} ngoại trừ liên quan đến sự kiện này: là thiên đàng của các nhà thiên văn học vẫn là và sẽ mãi mãi là biểu tượng của thiên đàng kia do bản năng tự phát của trái tim con người.

Hai trạng thái của Giáo hội. Giáo Hội không những kéo dài và tiến bộ trong thời gian, mà còn trong cả khoảng thời gian kéo dài vốn thuộc vinh quang

1. Điểm đầu tiên cần được lưu ý ở đây là tư cách ngôi vị được Giáo hội đón nhận một cách siêu nhiên, nhờ hình ảnh Chúa Kitô đã in sâu trong mình, được ban cho Giáo Hội mãi mãi. Ngôi vị của Giáo hội là không thể bị hủy hoại.

Vì chúng ta sống trong thời gian, nên cũng chính trong thời gian mà chúng ta có khuynh hướng tự nhiên xem xét mọi hữu thể hiện hữu được chúng ta nói về. Đối với Giáo hội cũng vậy. Lúc đầu, khi chúng ta suy nghĩ Giáo Hội là không thể hủy hoại được, điều này có nghĩa là đối với chúng ta, Giáo Hội ở đó giữa chúng ta, trong thời gian, cho đến cuối mọi thế kỷ và của mọi thế hệ (và quá đó nữa, đến tận lãnh vực của những người sống lại, nhưng lúc đó, thời gian đã ngừng lại, ít nhất như chúng ta biết, và do đó các suy tư của chúng ta về chủ đề này cũng dừng lại).

Nói cách khác, sự xem xét của chúng ta có liên quan tới ngôi vị của Giáo hội được xem xét trong trạng thái lữ hành của Giáo Hội, hay trong cuộc lữ hành trần thế. Việc xem xét này là điều bình thường hơn và là điều cần thiết; nhưng điều đó không đủ, vì nó chỉ đề cập đến một trong hai trạng thái trong khi, điều quan trọng đối với chúng ta ở đây là phải xem xét Giáo hội dưới cả hai: tính hai mặt sẽ chỉ chấm dứt khi các thể xác sống lại, khi vũ trụ vật chất, hoàn toàn được hòa giải với chiến thắng cái chết, sẽ được biến đổi trong vinh quang, và được hòa nhập để phục vụ nó trong cõi hạnh phúc của các tinh thần.

2. Trạng thái khác theo đó Giáo Hội hiện hữu là trạng thái vinh quang và hưởng phước hạnh. Khoảng kéo dài trong đó Giáo Hội sống, và ý niệm của nó đã được các nhà thần học khai triển chi tiết, không phải là thời gian, vốn được liên kết với khả năng biến đổi thiết yếu của hữu thể vật chất, trong bản thể vốn là chủ thể đang trở thành; nó là khoảng kéo dài của riêng các thuần thần, mà người ta gọi là aevum hoặc éviternité [hữu thủy vô chung tính, chú thích của người dịch], và là điều, liên quan tới chính hữu thể của những linh hồn này, chỉ là sự cố định trong hiện hữu, không có biến đổi hay kế tục, nhưng đi kèm với sự biến đổi và kế tục đối với các hoạt động được chúng sản sinh. Thí dụ, mỗi lần một thiên thần hướng suy nghĩ của mình về một đối tượng mới, có thể nói, ngài đánh dấu aevum không thể phân chia, trong đó ngài hiện hữu mãi mãi, ở điểm ban đầu và ở điểm cuối cùng của một hoạt động mà, trong tính bất động của một khoảnh khắc kéo dài, trùng hợp với một dòng chảy nào đó của thời gian chúng ta. Chính trong khoảng kéo dài của các thuần thần này, và là trung gian giữa thời gian và vĩnh cửu, Giáo hội trong trạng thái vinh quang theo đuổi sự hiện hữu của mình, và ở đó, khi được tách khỏi thân xác họ, từng linh hồn của những người được chọn bước vào. Các thiên thần thánh thiện đã bắt đầu nhìn thấy Thiên Chúa cách vĩnh viễn ngay tức khắc, ngay khi được tạo dựng, các ngài đã chọn vâng lời Người và tách mình ra khỏi các thiên thần kiêu ngạo. Đức Hồng Y Journet nói với chúng ta (III, trang 207), chính trong lúc Nhập thể, - Tôi thích nói hơn rằng: ở cuối quỹ đạo diễm phúc Khổ nạn-Phục sinh-Thăng thiên, - ân sủng của các ngài (hầu như đã có tính Kitô [Christique] bởi lý do Đấng Kitô sẽ đến) đã trở nên thực sự và hoàn toàn Kitô bởi lý do Chúa Kitô đã đến, và thế giới cõi phúc đã trở thành Giáo Hội của Chúa Kitô trên Thiên đàng. Đối với các linh hồn nhân bản, tất cả những ai kể từ Ađam và Eva biết ăn năn {3} đều được cứu nhờ công của Chúa Kitô sẽ đến nhưng chỉ được hưởng phúc sau khi Người đã đến. Họ chờ đợi trong "lòng của Ápraham". Và chính "sau cuộc Khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu", sau khi công việc cứu chuộc được hoàn thành, họ đã "nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa mặt đối mặt"{4}.

Nhưng Giáo Hội của Chúa Kitô đã đến mới là đối tượng cho những suy tư của chúng ta. Giáo Hội này bắt đầu vào Lễ Ngũ Tuần{5}; và vô vàn các vị thánh được Giáo Hội này sinh ra kể từ đó và là những người nhìn thấy Thiên Chúa và ca ngợi Người, và là những người cầu nguyện với con người hết thế hệ này sang thế hệ nọ, đã cùng với các thiên thần lập ra điều người ta gọi là Giáo hội Thiên đàng.

Ngôi vị của Giáo hội trong trạng thái vinh quang, trong yếu tính, cũng là một như ngôi vị của Giáo hội trong tình trạng lữ hành trên trần thế. Giáo Hội cùng là một ngôi vị duy nhất không thể bị hủy hoại. Nhưng trên Thiên đàng, các chi thể của Giáo Hội (cùng với các thiên thần thánh thiện) là các linh hồn diễm phúc tách lìa khỏi thể xác của họ, trong khi ở dưới đất, họ là những người bị thương bởi tội lỗi của Ađam, và được cứu, nếu họ không từ khước ân sủng, bởi Máu của Chiên Thiên Chúa{6}.

Chúng ta nên lưu ý rằng sự bất tử của linh hồn con người không đòi hỏi sự bất hủy của nhân vị, vì nhân vị là linh hồn và thể xác hòa quyện với nhau, và linh hồn tách biệt, về mặt bản thể học, không còn là một ngôi vị nữa. Nhưng linh hồn của Giáo Hội (nghĩa là ơn thánh hóa, một ơn mà ở trên Thiên Đàng là vinh quang hay ơn thánh hoàn tất) không bao giờ phải tách rời; nó sinh động hóa cơ thể của nó trên Thiên đàng cũng như ở dưới đất, - ở đây những người có nhân vị, nối tiếp nhau từ thế hệ này sang thế hệ nọ, ở đó những người có linh hồn nhân bản bị tách rời chờ đợi sự phục sinh của cơ thể của họ. Đây là lý do tại sao tư cách ngôi vị hữu thể học của Giáo hội, - tư cách ngôi vị siêu nhiên nhận được bởi lý do là hình ảnh Chúa Kitô được Giáo hội mang trong mình, - không hề bị gián đoạn. Ngôi vị của Giáo hội là một ngôi vị đơn nhất trong trạng thái đi đường ở đây trên trái đất này và trong trạng thái vinh quang vĩnh cửu.

Chúng ta hãy nghĩ đến những con người được tư cách ngôi vị của Giáo hội đảm nhận, những người, thí dụ, vào thế kỷ thứ năm, đã sống ở đây trên trái đất khoảng thời gian một thế hệ. Do đó, họ ít hơn nhiều so với con số linh hồn, cũng được tư cách ngôi vị của Giáo Hội đảm nhận, những linh hồn mà kể từ khi Thánh Phêrô bắt đầu chăn dắt đoàn chiên của Đấng Cứu Rỗi đã bước vào vinh quang vĩnh cửu. Ngày nay, khi các Kitô hữu đã sống hai mươi thế kỷ lịch sử, thì con số linh hồn được tư cách nhân vị của Giáo hội đảm nhận, trong vinh quang, vô cùng lớn hơn con số những con người, cùng thời với chúng ta, cũng được tư cách ngôi vị của Giáo hội đảm nhận, đang lữ hành dưới thế này với chúng ta. Giáo hội, tiếp tục ở đây trên trái đất này với chúng ta. Và cũng chính cùng một ngôi vị siêu nhiên của Hiền thê Chúa Kitô đã ôm ấp trong mình hai đám đông này, một đám đông đã ở trên Thiên đàng, còn nhóm kia thì còn sống ít thời gian nữa trên trái đất, nơi mà các thế hệ phát sinh từ Giáo Hội sẽ kế tục nó.

Như thế, Giáo hội trong trạng thái lữ hành trên trần thế xuất hiện như một điểm tiền tiêu (avancée), - sống và tồn tại lâu dài theo thời gian, từ thế hệ này sang thế hệ nọ, dưới sự cai quản của các vị đại diện của Chúa Kitô kế tục nhau, - của Giáo hội trong trạng thái vinh quang vốn sống và tồn tại trong hiện hữu hữu thủy vô chung [eviternity], và dưới sự cai quản trực tiếp của chính Chúa Kitô (ở đó các vị Giáo hoàng đã trở về hàng ngũ dân thường [rang]). Và tư cách ngôi vị của Giáo Hội cùng một lúc, trên trái đất, thì phong ban cho các chi thể của mình trạng thái ân sủng, trên Thiên Đàng, thì, cùng với con số các thiên thần thánh thiện, ban cho các chi thể của mình trạng thái các linh hồn được chúc phúc, mà số lượng không ngừng tăng lên kể từ Lễ Ngũ Tuần, và là những linh hồn từ trần gian phó mình cho sự sống vĩnh cửu như dòng nước chảy ra từ vết thương của Chúa Giêsu.

Ngôi vị của Giáo hội xét trong tính toàn vẹn của nó, theo như nó đang tiến cùng một lúc vừa trong vĩnh cửu vừa trong thời gian, hay chỉ xét theo như nó đang tiến trong thời gian

1. Do đó, nếu người ta muốn tạo cho mình một ý niệm hoàn chỉnh về ngôi vị của Giáo hội vào một thời điểm nào đó của lịch sử thế giới, thì, điều cần là phải xét Giáo Hội: cả theo thời điểm này lúc mà Giáo Hội đang tồn tại và tiến bước trong trạng thái lữ hành của mình ở đây trên trái đất này và trong sự tối tăm sáng láng của đức tin [translumineuse obscurité de la foi), lẫn theo lúc, dọc theo điều, trong lịch sử thế giới, là một quá khứ ngày càng kéo dài hơn, Giáo Hội không ngừng lớn lên về đám đông trong trạng thái vinh quang của mình, trong đó, Giáo Hội tồn tại và tiến bước bên ngoài thời gian, một cách vĩnh cửu, được phúc hưởng nhan Thiên Chúa{7}.

Tôi cho rằng việc xem xét Giáo hội trong tính toàn vẹn của nó có một tầm quan trọng lớn, cũng như sự phân biệt mà nó hàm ngụ: Ngôi vị của Giáo hội, Hiền thê của Chúa Kitô, xuát hiện trước suy nghĩ của chúng ta dưới một khía cạnh kép; Giáo Hội có thể được xem xét chỉ như khi Giáo Hội tồn tại và tiến bước trên trái đất này và theo thời gian, hoặc cả như khi, kể từ ngày Lễ Ngũ Tuần, Giáo Hội tồn tại và tiến bước trên Thiên đàng và trong hiện hữu vĩnh cửu, lẫn khi Giáo Hội tồn tại và tiến bước trên trái đất này và trong thời gian. Cách xem xét Giáo hội đầu là chuyện bình thường và cần thiết, nhưng nó không đầy đủ và không đủ.

2. Các kỷ nguyên có thể xuất hiện (chúng ta hãy nghĩ đến cuộc khủng hoảng thuyết Ariô) trong đó số lượng lớn hơn các thành viên của Giáo hội dưới thế đang trong diễn trình thẩn thơ: lúc ấy, tính phổ quát của ân sủng và sự trợ giúp thần linh của những người không còn sai lạc ít nhiều trong đức tin sẽ giảm thiểu nhiều về trương độ. Nhưng trong Giáo Hội Thiên đàng, có vô số những người được nhìn thấy Chúa, và họ không quên trái đất, họ không ngừng cầu nguyện cho anh em của họ đang trên đường lữ thứ ở đây trên trái đất này, họ gửi cho những người này người nọ trong số này các linh hứng của họ, họ trợ giúp và soi sáng các vị thánh đang đau khổ trên thế giới này, họ có những phương tiện riêng để can thiệp vào công việc của Giáo Hội này, Giáo Hội mà khi rời khỏi trái đất này họ chắc chắn đã không rời bỏ, vì ở trên Thiên đàng và dưới trái đất chỉ có một Giáo hội đơn nhất dưới hai trạng thái khác nhau.

Nói tóm lại, ngôi vị của Giáo Hội là cùng một ngôi vị ở đây và ở đó, điều cần là xem xét Giáo Hội cùng một lúc ở cả trên trời lẫn dưới đất, để thấy rằng điều Giáo hội đang là vào những thời điểm tồi tệ nhất trong đó được xem xét theo khía cạnh Giáo Hội chỉ là Giáo Hội của trái đất, thì Giáo Hội có vẻ có nguy cơ bị hủy hoại, và để hiểu cùng một lúc rằng cổng Địa ngục sẽ không bao giờ thắng được Giáo Hội.

3. Con Người, khi Người trở lại, Người có tìm thấy đức tin trên trái đất nữa hay không? Chính Người đã đặt câu hỏi này{8}, do đó, có ý nói tới quyền tự do của con người. Như thế, người ta có thể nghĩ rằng, mặc dù Tin Mừng đã được rao giảng khắp nơi, nhưng chỉ một bầy chiên rất nhỏ sẽ giữ được đức tin, - một đức tin nhiệt thành và trong sáng đến mức sẽ bù đắp được sự bội giáo của một số lượng lớn trước mặt Thiên Chúa.

Chính bầy chiên rất nhỏ này sẽ vẫn được tư cách ngôi vị của Giáo Hội đảm nhận ở đây trên trái đất này. Nhưng nó sẽ có với nó toàn bộ đám đông gồm các linh hồn được diễm phúc tụ họp lại trên Thiên Đàng, cũng được cùng một tư cách ngôi vị đảm nhận, cùng với những linh hồn của Ađam và Evà, kể từ ngày Sa ngã và ăn năn, và là thiên đàng được số người khôn lường góp tay tạo thành. Ngôi vị của Giáo hội, được xem xét cả trong trạng thái lữ hành trên trần thế lẫn trong trạng thái vinh quang vĩnh cửu, sẽ rực rỡ hơn bao giờ hết.

Và vào ngày cuối cùng, như tôi đã lưu ý, tính hai mặt của các trạng thái này sẽ chấm dứt; Giêrusalem Thiên đàng sẽ ngự xuống đất, các linh hồn sẽ nhập vào thân xác sống lại của họ; và kết hợp với đám đông mênh mông gồm các người được sống lại sẽ là bầy chiên nhỏ gồm những nhân chứng của đức tin vẫn còn sống trên đất, nay sẽ bước vào vinh quang mà không còn biết chi đến sự chết nữa{9}.

Chính như thế cô dâu sẽ đi gặp chàng rể.

Bàn rộng về Giáo Hội Thiên đàng

1.Các thiên thần và các linh hồn tách biệt, các thuần thần diễm phúc được hưởng nhan Thiên Chúa vĩnh viễn không thay đổi, nhờ đó họ tham dự vào chính sự vĩnh cửu của Thiên Chúa. Nhưng trong tính hữu thủy vô chung vốn là khoảng thời gian của riêng họ, ngoài việc hưởng nhan Chúa, họ sống cuộc sống cao nhất mà hữu thể tạo dựng có thể tận hưởng, - cuộc sống của những hoạt động tình yêu và chân lý tối cao trong sự viên mãn khôn lường của hòa bình tối cao. Họ dành cho Ba Ngôi Thiên Chúa sự thờ phượng ngợi khen và tạ ơn, mỗi người suy niệm trong im lặng thiêng liêng mầu nhiệm Thập giá cứu chuộc và các mầu nhiệm mặc khải khác, họ thờ lạy Chúa Kitô trong vinh quang, họ cầu nguyện cho loài người và mỗi người theo chức vụ của mình, bận bịu với những sự việc của thế giới chúng ta và với diễn trình lịch sử của chúng ta, và với mỗi linh hồn bất tử được tạo ra ở đây trên trái đất; họ sống giữa họ trong một tình yêu thương lẫn nhau, đó là sự hiệp thông hoàn hảo của các thánh, họ trò chuyện với nhau (Họ nói với nhau những tâm sự kỳ diệu xiết bao, những câu chuyện kỳ diệu xiết bao!), họ không ngừng bẻ bánh sự thật với nhau. Và trong tất cả những điều này, họ vui mừng được thực hiện ý muốn của Đức Chúa Cha.

Ở đây, tôi xin lưu ý điều này việc chiêm ngưỡng yếu tính Thiên Chúa tuyệt đối là điều khôn tả, không thể truyền đạt được; điều được thấy trong đó, không thể tách chia được khỏi nó, không thể được diễn đạt và truyền đạt bằng bất cứ từ ngữ tâm trí nào, vì điều này vô cùng vượt xa khả năng của mọi tinh thần thụ tạo; nó hấp thụ hết, nó thu hút hết vào nó ánh nhìn của những linh hồn đã lìa xác và của những thuần thần mà nó vốn ban phước. Các khái niệm mà họ sử dụng để diễn đạt với bản thân những điều họ biết, và để truyền đạt cho nhau những suy nghĩ của họ, theo cách thức của thiên thần, {10} – chính trong ánh sáng của khoa học phú bẩm (science infuse)mà họ sản xuất chúng trong chính chúng; và cũng chính trong ánh sáng của những ý tưởng phú bẩm mà người cao nhất trong số họ hướng dẫn những người khác, trong việc cởi mở với họ bằng một lòng hảo tâm vô hạn của đức ái.

2. Trong Giáo Hội Thiên đàng, các linh hồn diễm phúc bình đẳng với các thiên thần, họ có vị trí của mình ở các cấp độ khác nhau trong phẩm trật của họ, - kể cả cấp độ cao nhất, - và cũng qua họ phát xuất luồng ánh sáng khiến kiến thức có thể truyền đạt được về các mầu nhiệm của thiên nhiên và của ân sủng, thoạt đầu được Thiên Chúa phú bẩm cho trí hiểu thụ tạo cao quý nhất, qua sự bao la của thế giới vô hình.

Trí hiểu cao quý nhất trong tất cả các trí hiểu thụ tạo là trí hiểu của Chúa Kitô trong bản tính nhân loại của Người. Và ngay sau trí hiểu này, xuất hiện trí hiểu nhân bản vốn là tạo vật gần gũi nhất với Thiên Chúa, đó là Nữ vương Thiên đàng và Nữ vương các thiên thần. Trong linh hồn Đức Trinh Nữ Maria trong vinh quang, khoa học phú bẩm, mà ngài nhận được trực tiếp từ Chúa Kitô, có tính phổ quát hơn và hoàn hảo hơn bất cứ tạo vật đơn thuần nào khác; chính Đức Maria trong Giáo Hội Thiên đàng đã chiếu sáng vị cao nhất trong các thiên thần (và có lẽ, tại sao không, một số linh hồn con người được nâng cao như ngài hơn các thiên thần; vì dù sao, con người có một đặc ân cao hơn thiên thần, điều mà chỉ con người mới có thể có được: họ có thể là một người tử vì đạo, hiến dâng mạng sống của mình cho Thiên Chúa...)

Tôi xin nói thêm rằng nếu người ta nghĩ về vực thẳm vô tận của sự siêu việt thần linh, và sự kiện là ngay cả khi được nhìn trong diệu kiến [vision béatifique], Yếu tính Phi tạo cũng sẽ không bao giờ được một tinh thần thụ tạo thấu hiểu, xem ra đối với tôi, người ta có thể nghĩ rằng luồng ánh sáng, mà qua khoa học phú bẩm, làm cho các thuần thần và các linh hồn diễm phúc biết đến chiều sâu của Thiên Chúa, sẽ không ngừng phát triển, - trên Thiên đàng và sau đó trong vũ trụ vật chất được biến đổi vào thời điểm phục sinh, - xuyên suốt khoảng thời gian vô tận mà người ta gọi là tính hữu thủy vô chung (évernité): chỉ một mình Thiên Chúa tận hưởng sự vĩnh cửu, tức thời khoảng độc nhất không có bắt đầu hay kết thúc, nhưng chứa đựng mọi sự.

3. Để hình dung một cách trọn vẹn về tính không thể sai lầm của Giáo hội, - điều được thực thi không chỉ trong các vấn đề đức tin, nhưng trong các vấn đề luân lý, và cả trong phán quyết mà Giáo hội đưa ra khi phong thánh, - chúng ta phải nhìn dưới tầm nhìn của chúng ta, trong một khối duy nhất, Giáo hội của Thiên đàng và Giáo hội của trái đất, Giáo hội thấy và Giáo hội tin.

Không cần phải nói rằng Giáo Hội Thiên đàng là hoàn toàn không thể sai lầm, vì Giáo hội được cố định trong diệu kiến, và vì sự giảng dạy được ban bố ở đó là sự soi sáng của tinh thần cho tinh thần trong ánh sáng của Thiên Chúa. Việc không thể sai lầm hệ ở chỗ điều được “nhìn thấy” hoặc nắm bắt bằng trực giác bởi tất cả các trí hiểu của Thiên đàng, người ta có thể nói rằng sự không thể sai lầm này là một điều không thể sai lầm “nội tại” trong cộng đoàn bao la của những người được chọn.

Sự bất khả sai lầm cũng có tính nội tại trong Giáo hội trên trái đất, một Giáo Hội qua chính đời sống thần học của mình và, như Công đồng Vatican II đã nói (Ch. II, Sect. 12), nhờ "cảm thức siêu nhiên của đức tin" hiện diện trong " dân thánh của Thiên Chúa "(trong universitas fidelium, hay điều tôi gọi là tính phổ quát ân sủng của Giáo hội) "không thể sai lầm trong đức tin." Nhưng sự không thể sai lầm trong credendo [trong việc tin], về phía đối tượng, đòi điều kiện phải có việc không thể sai lầm trong docendo [trong việc giảng dạy] của huấn quyền. Đến nỗi, Giáo hội trên mặt đất chỉ không thể sai lầm vì nó có ở giữa nó Đức Giáo Hoàng {11} được hỗ trợ bởi giám mục đoàn hợp nhất với ngài, trong khi để không thể sai lầm, Giáo hội thiên đàng không cần đến Đức Giáo Hoàng và huấn quyền.

Tôi đã nói ở trên rằng Giáo hội Thiên đàng liên tục đến để trợ giúp Giáo hội mặt đất bằng những lời cầu nguyện và linh hứng của mình. Cần phải đi xa hơn nữa, và nói rằng sự không thể sai lầm của Giáo hội mặt đất trong các vấn đề đức tin có sự kiện này làm nền tảng hữu thể học, đó là nó và Giáo hội thiên đàng chỉ là một ngôi vị đơn nhất và như nhau, ngôi vị của Giáo hội dưới hai trạng thái khác nhau: đến nỗi ngôi vị của Giáo Hội, trong trạng thái lữ hành, đương nhiên, vì tính thống nhất của mình, chỉ có thể, in credendo [trong việc tin], thực thi sensus fidei [cảm thức đức tin] của riêng dân thánh Thiên Chúa, và in docendo [việc dạy dỗ] đề xuất cho chúng ta bằng ngôn ngữ con người các chân lý mạc khải của Thiên Chúa, vốn là đối tượng đức tin của chúng ta, bằng cách tin và dạy cùng một điều mà trong trạng thái ân sủng hoàn tất, nó thấy trên thiên đàng. Như thế, chính Giáo hội, chính ngôi vị của Giáo hội, nói với chúng ta qua phương tiện là huấn quyền của mình. Tôi biết rằng huấn quyền không thể sai lầm, bao lâu nó còn tham dự vào vương quyền của Chúa Kitô và được Chúa Thánh Thần trợ giúp. Nhưng điều này hoàn toàn không loại trừ vai trò trung gian thủ diễn ở đó bởi ngôi vị của Giáo hội. Như thế, sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần và thẩm quyền của Chúa Kitô băng qua ngôi vị Giáo hội nói với chúng ta, qua công cụ các ngôi vị của các chi thể của Giáo hội, những người được ủy nhiệm để dạy dỗ chúng ta.

Chính như tiếng nói của Giáo hội trong trạng thái thiên đàng và trong trạng thái trần thế của nó cùng một lúc mà hàng giám mục (huấn quyền thông thường) hợp nhất với vị lãnh đạo của Giáo hội mặt đất và các Công đồng hợp nhất với vị lãnh đạo Giáo hội mặt đất (huấn quyền phi thường), đã dạy dỗ không thể sai lầm tất cả các chi thể của Giáo Hội mặt đất. Và nếu chỉ có một mình Đức Giáo Hoàng, khi ngài nói ex cathedra, nghĩa là, theo các điều khoản được sử dụng bởi Công đồng Vatican I{12}, "khi chu toàn chức năng mục tử và tiến sĩ của tất cả các Kitô hữu, ngài định nghĩa, thông qua thẩm quyền tông đồ tối cao của mình, tín lý về các vấn đề đức tin hoặc luân lý phải được Giáo hội hoàn vũ tuân giữ," có quyền dạy dỗ toàn thể Giáo hội trên mặt đất một cách không thể sai lầm, chính lúc đó ngài là tiếng nói của ngôi vị Giáo hội, một Giáo hội, cũng như Giáo hội Thiên đàng, đã qua ngài chuyển giao tính không thể sai lầm của Giáo hội, lúc, như Giáo hội ở mặt đất, Giáo hội mở rộng phạm vi không thể sai lầm của Giáo hội tin.

Còn tiếp

______________________________________________________

Ghi chú

{1} Xem Ch. Journet, sđd., cuốn II, tr. 1174; và cuốn III, trang 187-200: "Đó là học thuyết của Thánh Augustinô và Thánh Tôma Aquinô, của Thánh Bernard và Thánh Gioan Thánh Giá."

{2} Nếu đó là vấn đề thân xác hiển vinh của Chúa và của Đức Maria, thì chúng phải hiện hữu, như các thân xác, kể từ khi Thăng thiên và Mông triệu, ở một địa điểm vật lý. Vì các nhà khoa học nói với tôi rằng vũ trụ đang giãn nở, do đó có giới hạn, tôi nghĩ một cách khá đơn giản rằng hai thân xác hiển vinh này hiện hữu bên ngoài vũ trụ. Dường như đối với tôi, người ta có thể quan niệm rằng các thân xác này tự phá giới hạn trong không gian toán học (tự nó, hoàn toàn có tính lý tưởng), một nơi mà sự hiện hữu của chính chúng trở thành hiện thực và cùng trương độ với chúng.

Tuy nhiên, có thể liên quan đến điểm cuối cùng này, nếu, theo tôi nghĩ, chúng ở bên ngoài và quá bên kia trọn bộ vũ trụ của chúng ta (Há Thánh Tôma, III, 57, 4, đã không dạy, như Thánh Phaolô, Êphêsô 4:10, rằng Chúa Kitô đã lên "cao trên các tầng trời," super omnes coelos đó sao?), tuy nhiên vẫn theo nghĩa biểu tượng được chỉ ra ở trên mà chúng ta nói rằng chúng "đang ở trên Thiên đàng." Dù chúng ở đâu về mặt thể xác (và chắc chắn đó không phải là thiên đàng của các nhà thiên văn học), Chúa Giêsu Kitô và Mẹ của Người ở gần Thiên Chúa một cách thiêng liêng hơn bất cứ tạo vật nào khác, và chia sẻ sự vinh hiển của Thiên Chúa ở một mức độ tối cao.

{3} Tôi tin vào sự ăn năn này với Thánh Irênê (xem Ch. Journet, L'Église du Verbe Incarné, cuốn III, tr. 549). - Về ân sủng dự ứng, x. sđd., tr. 350.

{4} Xem Đức Bênêđíctô XII, Const. Benedictus Deus, Denz.-Schön., 1000. - Các linh hồn người công chính trước thời Chúa Kitô, và những người chờ đợi Người đến, thấy mình được hạnh phúc sâu xa, vì họ được ân sủng, tham dự vào sự sống thần linh, nhưng, vì họ chưa được phúc kiến, nên vẫn còn phải ước muốn: hạnh phúc và ước muốn chắc chắn lớn hơn nhiều so với những đứa trẻ chết mà không được Rửa tội hoặc không có nghi thức có khả năng thay thế nó, và trước khi có thể thực hiện lựa chọn đạo đức đầu tiên của chúng, và những người sẽ không bao giờ nhìn thấy yếu tính Thiên Chúa. (Tuy nhiên, họ không trải qua đau khổ bên trong hay bên ngoài, -- xem St. Thomas, De Malo, q. 5, a. 3, - và tận hưởng tất cả hạnh phúc mà chỉ thiên nhiên có thể ban tặng, - xem Journet, sđd., II, các tr. 773-779. – Trường hợp các trẻ em chết mà không được rửa tội đã được nhà triết học đặc biệt lưu ý, vì nó chứng minh cho sự kiện này là mọi trình độ hữu thể cuối cùng sẽ nên trọn, kể cả việc bành trướng hoàn toàn tự nhiên của con vật được ban tặng lý trí, một con vật mang trong mình mong muốn tự nhiên được nhìn thấy Nguyên nhân của hữu thể, nhưng, trong trường hợp được xem xét, không chịu các sai lệch mà lý trí bị tổn thương vốn đẩy chúng ta tìm kiếm vật thay thế để thỏa mãn nó.)

Tại sao những người công chính chết trước khi Chúa Kitô đến đã phải chờ đợi lâu dài như thế? Về trường hợp Ápraham (câu 8 đến câu 19) và Môsê (câu 23 đến câu 29), và của nhiều người khác "mà thế gian không xứng đáng với họ", Thánh Phaolô nói với chúng ta, trong Chương 11 của Thư gửi tín hữu Do Thái (39 -40): " Nhờ đức tin, tất cả các nhân vật đó đã được chứng giám, thế mà họ không đạt được những điều Thiên Chúa đã hứa. Quả thật, Thiên Chúa đã trù liệu cho chúng ta một phần phúc tốt hơn, nên không muốn cho họ đạt tới hạnh phúc trọn vẹn." (Xem SPICQ, trong Études bibliques, L'Épitre aux Hébreux, cuốn II, trang 368.)

Việc Chúa Kitô xuống Ngục Tổ tông [Hades] là một tín điều. Các Tiến sĩ thánh bất đồng về những điểm phụ liên quan đến những gì Người làm ở đó (xem Journet, sđd., III, trang 551-552). Nhưng về điểm mà người công chính bị giữ trong cảnh chờ đợi chỉ được nhìn thấy Thiên Chúa sau khi Chúa Giêsu đã giải thoát họ khỏi đó bằng cách hiện ra với họ, thì truyền thống tông đồ đã nhất trí truyền từ đời này sang đời khác, và do đó, tôi nghĩ (tôi thú thật là hơi tiếc) rằng điểm đang bàn không phải chỉ là một phỏng đoán của các Giáo phụ về việc xuống ngục tổ tông, nhưng phải được xem như là liên quan đến cả đức tin. Ở đây có một điển hình đặc biệt có ý nghĩa về sự kiện này là đức tin thần học không chỉ dựa vào điều đã là đối tượng của một định nghĩa Công đồng hoặc của một định nghĩa ex cathedra; không những kho tàng đức tin còn được giao phó cho giáo huấn của huấn quyền thông thường, nhưng hơn nữa nó còn nội tại trong điều tôi gọi (Ch. V, tr. 38) là tính phổ quát của ân sủng của Giáo hội (x. tr. 53, nhân nói tới sensus fidei [cảm thức đức tin] của Giáo Hội Hoàn vũ).

Để trở lại việc Xuống ngục Tổ tông, nhưng lần này liên quan đến điều mà về chủ đề của nó chỉ là vấn đề quan điểm, Thánh Tôma, cùng với nhiều vị khác, nghĩ rằng (Sum. Theol., III, q. 52) Chúa Kitô không đến thăm nơi đó chỉ để ban cho họ ánh sáng vinh quang vĩnh cửu, mà Người còn nói chuyện với những kẻ bị giam cầm (trong những điều kiện như thế nào thì không ai biết, kể cả Thánh Tôma). Đối lập với ý kiến vừa rồi (52, 8), tôi muốn nghĩ rằng, nhờ một hành động ân xá của vương quyền, Chúa Kitô cũng đã giải thoát khỏi Luyện ngục những người mà Người muốn, ngay cả khi họ chưa hoàn tất thời gian thanh tẩy.

{5} Đây là điều mà Đức Hồng Y Journet gọi là thời đại thứ ba của Giáo hội. Xem thêm, Ch. VIII, n. 3 và Ch. IX, n. 7.

{6} Ở đây trên trái đất này, Chúa Kitô, Đấng mà ngôi vị là Thiên Chúa, thấy Người trong bản chất nhân loại của Người cùng một lúc dưới trạng thái vinh quang ở phần cao hơn của linh hồn Người, vì ở đó, Người được Diệu kiến, và dưới trạng thái lữ hành trong phần dưới của linh hồn Người, vì ở đó, Người tiến triển trong ân sủng và đức ái. (Xem cuốn sách của tôi de la grâceet de l'humanité de Jésus [Về Ân sủng và Nhân tính của Chúa Giêsu).

Ngôi vị của Giáo hội, vốn là một ngôi vị hoàn toàn nhân bản (ngôi vị tập thể duy nhất và được cá thể hóa một cách siêu nhiên bởi sự hiệp nhất hoàn hảo của hình ảnh Chúa Kitô in sâu trong nó), cùng một lúc thấy mình dưới trạng thái vinh quang và dưới trạng thái lữ hành bởi các chi thể đã lập thành ra mình, và khác nhau trong hai trường hợp, - trường hợp các linh hồn diễm phúc (và những thiên thần thánh thiện), và trường hợp những người đang trên đường tới cùng đích của họ.

{7} Thánh Augustinô mời gọi chúng ta xem xét Giáo hội trong tính toàn diện của nó. "Trật tự đúng của Kinh Tin Kính đòi Giáo hội phải phụ thuộc vào Chúa Ba Ngôi, như, người ta có thể nói, vào Đấng cư ngụ Nhà của chính Người, vào Thiên Chúa đền thờ của chính Người, vào Đấng sáng lập kinh thành của chính Người. Và ở đây, Giáo Hội phải được hiểu một cách trọn vẹn - không những Giáo hội của những phần tử đang lữ hành trên mặt đất, từ khi mặt trời mọc cho đến khi mặt trời lặn luôn ca tụng Danh Chúa (xem Tv 113: 3), và ca một bài ca mới (Kh 5:9) sau khi kết thúc thời gian bị giam cầm cổ xưa của nó, nhưng cả Giáo hội ở trên trời, từ ngày dược tạo dựng luôn luôn tuân phục Thiên Chúa và chưa trải qua bất cứ cuộc sa ngã nào để làm nó bị thương." Enchiridion, c. 15, n. 56.

{8} Lc 18: 8.

{9} Xem 1Tx. 4: 14-17.

{10} Liên quan đến việc truyền đạt tư tưởng hoàn toàn phi vật chất này ("kiểu nói" của các thiên thần), cũng như liên quan đến sự chiếu sáng của thiên thần, và cách thức trong đó nó chiếu xuống, trong những tấm ánh sáng khả niệm, từ các thiên thần cao nhất và gần nhất với Thiên Chúa tới những thiên thần ít cao hơn, những vị đầu tiên phân chia các quan niệm phổ quát hơn của họ để thích ứng chúng với khả năng của những vị thứ hai, và để làm cho những món quà tặng họ về tất cả những gì họ biết đẹp đẽ hơn, xin xem bài viết của tôi "Le tenant-lieu de théologie chez les simples," Nova et Vetera, Tháng 4-Tháng 6, 1969, trang 90-93.

{11} Trong những vấn đề tín điều, Giáo Hội Chính thống Greco-Slavonic (mà tôi sẽ trở lại trong Chương X) đã dừng lại ở điều nó tuyên xưng và giảng dạy lúc tách khỏi Rôma. Không tiến bộ trong việc giải thích đức tin tông đồ, tôi xin nói rằng nó bất động hơn là không thể sai lầm.

{12} Denz.-Schdn., 3074.