Trật tự Bí tích

1. Trật tự bí tích hoàn toàn thuộc về tính nguyên nhân dụng cụ. Chỉ một mình Thiên Chúa mới là nguyên nhân gây ra hiệu lực của các lời Bí tích, trong tư cách tác nhân chính sử dụng chúng như dụng cụ{16}. Đó là lý do tại sao một Bí tích thực sự có hiệu lực bởi một thừa tác viên xấu về mặt đạo đức cũng như bởi một thừa tác viên tốt về mặt này, và bởi một thừa tác viên đãng trí cũng như bởi một thừa tác viên chú ý; tôi sẽ trở lại điểm vừa rồi trong giây lát.

Tuy nhiên, điều trên chưa nói hết sự việc. Thực vậy, tôi nghĩ rằng khi xem xét việc chỉ một mình Thiên Chúa như tác nhân chính mới làm cho bí tích thành hiệu, ta nên thêm một xem xét khác về thừa tác viên như chủ thể nhân bản được thúc đẩy như một dụng cụ khi họ đọc các lời bí tích: đến nỗi chúng ta phải phân biệt giữa tính dụng cụ, đối với một mình Thiên Chúa, của các lời bí tích và hành động nhân bản tạo ra chúng bao lâu hành động này lấy chúng làm thuật ngữ [terme], và tính dụng cụ, đối với Thiên Chúa và ngôi vị của Giáo hội, của người mà từ họ, các lời kia đã phát xuất, và của hành động mà nhờ đó họ tạo ra chúng bao lâu nó phát xuất từ chủ quan tính của họ.

Trong việc xem xét thứ hai này, tôi xin nói rằng chủ thể con người (và hành động của họ bao lâu nó phát xuất từ họ trong tư cách chủ thể) đồng thời là dụng cụ của Thiên Chúa và là dụng cụ của ngôi vị Giáo hội. Quả thực, cần phải nhận xét rằng nếu ngôi vị của Giáo hội phục vụ như một dụng cụ {17} cho Thiên Chúa và cho Chúa Kitô, thì, theo nghĩa tôi vừa nói, Giáo Hội, theo trật tự riêng của các tạo vật đơn thuần, đồng thời vẫn có thể là tác nhân chính thứ hai, sử dụng như công cụ chi thể này hay chi thể nọ, đặc biệt thừa tác viên này hay thừa tác viên nọ của mình.

Tính nguyên nhân của ngôi vị Giáo hội này hoàn toàn không can thiệp chi vào tính thành hiệu của các lời bí tích (chỉ tùy thuộc vào Thiên Chúa). Nhưng làm thế nào ngôi vị của Giáo hội, trong trật tự tạo vật, lại không phải là tác nhân chính, sử dụng linh mục như dụng cụ (và hành động của ngài bao lâu nó phát xuất từ ngài trong tư cách chủ thể), nếu quả linh mục thực hiện Bí tích hành động in persona totius Ecclesiae, nhân danh ngôi vị của toàn thể Giáo Hội?

Tại sao một Bí tích thực sự thành hiệu bởi một linh mục đãng trí cũng như bởi một linh mục chăm chú? Bởi vì, theo Thánh Tôma {18}, linh mục quả là một dụng cụ được thúc đẩy, và tự chuyển động cách nào đó, nhưng điều cần thiết là trong ngài phải có ý định "làm điều Chúa Kitô và Giáo hội làm". Nhưng giả dụ ý định này không có trong tâm trí của linh mục, hoặc một sự đãng trí làm ngài không chú ý đến nó, thì ý định buộc phải có vẫn có ở đó, quia minister sacramenti agit in persona totius Ecclesiae, bởi vì thừa tác viên của Bí tích hành động nhân danh ngôi vị của toàn thể Giáo hội. Những lối nói như agit in persona totius Ecclesiae hay ex parte totius Ecclesiae {19} chỉ có ý nghĩa có thể chấp nhận được nếu người ta hiểu rằng ngôi vị của Giáo hội lúc đó là tác nhân chính thứ hai {20}. Điều cần thiết là ý định của Giáo hội phải thực sự ở đó, và thực sự hoạt động. Chính ý định của ngôi vị Giáo hội, qua tư cách dụng cụ của linh mục, đã lên mô thức và sinh động hóa hành động của linh mục.

Điều này có nghĩa gì, nếu không phải là khi linh mục thực hành Bí tích, hành động của ngài, bao lâu lấy các lời bí tích làm thuật ngữ, chắc chắn là dụng cụ của một mình Thiên Chúa; nhưng cũng chính hành động này, xét như phát xuất từ quyết định của chủ thể nhân bản, đồng thời là dụng cụ của Thiên Chúa và là dụng cụ của Giáo hội, một ngôi vị, cũng được Thiên Chúa và Chúa Kitô thúc đẩy, đã thúc đẩy chủ thể con người này là linh mục hành động, qua một thúc đẩy có tính dụng cụ, hay nói cách khác Giáo Hội hành động qua tư cách dụng cụ của linh mục? Chính ngôi vị của Giáo hội nói qua vị linh mục, khi vị linh mục, dù đãng trí hoặc xấu xa về mặt đạo đức, thốt ra những lời bí tích.

Tôi biết tôi rất liều lĩnh khi đề xuất như thế một giải thích bổ sung cho luận thuyết cổ điển về các Bí tích. Nhưng vì tôi đã tiến hành viết cuốn sách này, nên điều cần thiết là tôi không bỏ sót gì trong những điều đối với tôi xem ra thiết yếu{21}.

2. Do đó, cần phải nói rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới là tác nhân chính thực hiện bí tích, bằng cách tạo ra tính thành hiệu của các lời bí tích do vị linh mục xướng lên. Nhưng chúng ta không nên do dự nói thêm rằng ngôi vị Giáo Hội, trong trật tự tạo vật, là tác nhân chính (thứ hai) khác cũng dùng như dụng cụ thừa tác viên bí tích trong lúc chủ thể nhân bản này, bất chấp đãng trí hay không chú ý, xướng lên những lời chỉ một mình Thiên Chúa làm cho thành hiệu.

Khi một linh mục hay một giáo dân ban phép rửa cho một người nào, chính ngôi vị của toàn thể Giáo Hội ban phép rửa cho họ qua tư cách dụng cụ của vị linh mục này hay người giáo dân này. Khi một linh mục ban phép tha tội cho một hối nhân, chính ngôi vị của Giáo Hội ban cho họ phép tha tội qua tư cách dụng cụ của vị linh mục này. Cũng một điều này xẩy ra với mọi bí tích khác.

Và khi một linh mục dâng hy tế thánh lễ, chính ngôi vị của Giáo Hội dâng hy tế thánh lễ này qua tư cách dụng cụ của vị linh mục này. Ở đây, tôi tự nhắc nhớ rằng ngôi vị của Giáo Hội là ngôi vị duy nhất và y như nhau trong trạng thái vinh quang và trong trạng thái lữ hành trên trái đất: chính Giáo Hội trên trái đất dâng hy tế thánh lễ; nhưng vì Giáo Hội cùng là một ngôi vị y như thế ở trên trời và dưới thế, nên ta có thể nói rằng nhờ Giáo Hội dưới thế và tư cách dụng cụ của linh mục Giáo Hội này, mà Giáo Hội ở trên trời cũng dâng cùng hy tế này, “được dâng trên bàn thờ Thiên Chúa toàn năng bởi bàn tay thiên thần của Người”, per manus sancti Angeli tui {22}. Vì cũng chính, và trước hết, chính Chúa Kitô dâng hy tế này qua tư cách dụng cụ của vị linh mục và của Giáo Hội.

Trật tự tài phán và huấn quyền

1.Ngược với trật tự bí tích, trật tự tài phán và huấn quyền, qua đó, nhân viên của Giáo Hội quản trị, thi hành sứ mệnh mục vụ của mình đối với dân Thiên Chúa và giảng dậy họ, nói chung đã đóng một vai trò khá lớn vào tư cách nguyên nhân chính của các thừa tác viên của Giáo Hội. Nhưng như tôi đã vừa chỉ ra, tư cách nguyên nhân dụng cụ cũng đóng vai trò của nó ở đây: vì rất thường diễn ra việc các đầy tớ vĩ đại của Giáo Hội, hữu danh hay vô danh, vốn lên tiếng và hành động suốt trong nhiều thời đại như dụng cụ của Chúa Thánh Thần, và của ngôi vị Giáo Hội như tác nhân chính thứ hai. Vậy nên, tôi cũng ghi chú rằng tư cách nguyên nhân dụng cụ (do đó vô ngộ) và tư cách nguyên nhân chính (do đó có thể sai lầm) hoà lẫn với nhau.

Chính đó là điều đã diễn ra, chẳng hạn, với các thánh tiến sĩ, các thánh giảng thuyết, các thánh truyền giáo. Và đối với tôi, xem ra nó đã diễn ra, trước hết, với các giáo phụ; khi đọc các ngài, người ta tự cảm thấy rất nhiều khoảnh khắc được hưng phấn bởi một luồng khí thần linh, phát xuất từ Chúa Thánh Thần và thông qua ngôi vị của Giáo Hội; trong khi trong những khoảnh khắc khác, người ta chỉ gặp các bóng ma của Platông hay của Plotin trong các trước tác này, hay các bóng ma bất tất của các thời đại những người này sống, với những lo toan bút chiến và rủi ro tranh đấu mà chúng mang theo.

2. Nhưng khi nói đến huấn quyền thông thường của Giáo Hội, lúc đó, nếu tư cách nguyên nhân chính duy trì phần của nó trong những điều liên quan tới cách phân phối giáo huấn, hạ thấp từ từ để tới được dân Kitô giáo hic et nunc [ở đây và lúc này], nó hoàn toàn phụ thuộc vào tư cách nguyên nhân dụng cụ với tính vô ngộ của nó, là tư cách duy nhất hoạt động trong việc giảng dạy các chân lý đức tin đã ban bố một cách phổ quát suốt trong nhiều thế kỷ bởi hợp đoàn Giám Mục, nói cách khác, trong “huấn quyền thông thường của toàn thể Giáo Hội rải rác khắp mặt đất {23}”.

Và khi đụng tới huấn quyền ngoại thường, các sắc lệnh công đồng về các vấn đề đức tin và phong hóa và các định tín được các vị Giáo Hoàng đưa ra ex cathedra, thì lúc đó (mặc dù, trong khía cạnh soạn tác, văn phong của các văn kiện công đồng hay Giáo Hoàng không tránh khỏi mang các dấu ấn, khi thì hoa mỹ khi thì hết sức thận trọng, của văn phong giáo hội học thời đó), Đức Giáo Hoàng, lên tiếng ex cathedra hay các Giám Mục được ngài triệu tập trong công đồng, hành động - tôi hiểu một cách chặt chẽ, điều được nhắm tới trong những điều các ngài nói là giáo huấn chính thức cần được ban bố (trong khi các vấn đề bên lề không thuộc tầm nhắm này không phải là chất liệu của đức tin) - các ngài hành động dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần như các tác nhân dụng cụ của ngôi vị Giáo Hội, hiểu theo nghĩa tổng thể (chính ngôi vị này được thúc đẩy bởi Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần), khi ngôi vị này, trong sự hợp nhất có tính yếu tính của nó như Giáo Hội nhìn và Giáo Hội tin, nhưng trước hết như một Giáo Hội nhìn, mở rộng phạm vi vô ngộ của Giáo Hội dưới thế. Như thế, các ngài là tiếng nói của ngôi vị Giáo Hội hiểu theo nghĩa tổng thể nói với con người {24}, và chính tính vô ngộ của Giáo Hội được thông truyền cho các ngài.

Các thông điệp của Đức Giáo Hoàng

1.Một vấn đề đặc biệt, khá khó hiểu nhưng tôi không thể bỏ qua là nói tới các thông điệp của Đức Giáo Hoàng. Đó không phải là các văn kiện vô ngộ; tuy nhiên, chúng có một thẩm quyền đòi trí hiểu của chúng ta phải nhất trí với. Làm thế nào giải thích được việc này? Vì trí hiểu không có khả năng tán thành điều chỉ có tính cách hoàn toàn có tính tôn vinh. Nó chỉ có thể tán thành điều được đề xuất với nó dựa vào thẩm quyền của một lời nói nếu nó biết chắc nhờ thế mà nó nắm được điều đúng trong tay.

Do đó, tôi nghĩ rằng sẽ không đủ nếu nói rằng thông điệp không phải là một văn kiện vô ngộ. Phải nói thêm rằng nó luôn mang lại cho chúng ta tính vô ngộ hay chứa đụng điều đúng một cách vô ngộ. Nói cách khác, tư cách nguyên nhân chính và tư cách nguyên nhân dụng cụ hoà lẫn trong đó. Nếu nó không phải là một văn kiện vô ngộ, thì phần nào đó, người viết nó đã hành động như nguyên nhân chính, liều mình sa vào thế tự đánh lừa mình đến một mức nào đó, dù khôn ngoan đến đâu. Nếu nó đòi tâm trí tôi phải tán thành, thì, cũng phần nào đó, và là phần quan trọng trong yếu tính, chính vì người viết ra nó đã hành động như nguyên nhân dụng cụ của Chúa Thánh Thần và ngôi vị Giáo Hội và do đó không thể tự đánh lừa mình. Tôi dám nói rằng khi Đức Giáo Hoàng soạn thảo một thông điệp, chính ngài trình bầy, giải thích và khai triển, theo cách của ngài, một điều đã được suy gẫm lâu dài về một chủ đề được ánh sáng từ trên cao soi sáng một cách thần linh. Theo nghĩa này, há người ta lại không thể nói rằng một thông điệp tuy không phải là một văn kiện ex cathedra một cách chính thức, nhưng một cách tiềm ẩn quả là một văn kiện ex cathedra hay sao?

Do đó, ước mong sao người ta chăm chú lưu ý tới nội dung chân thực một cách vô ngộ có trong đó: phương thế dùng cho mục đích này chính là việc biện phân những gì thông điệp muốn truyền tải như mục đích tích cực và có ý định thiết yếu là dạy dỗ chúng ta {25}. Tôi không hoài nghi gì về chân lý của điều đó, dù tôi có thể hoài nghi lý lẽ này hay lý lẽ nọ được xem xét, hay mong ước những bổ sung mà việc thiếu chúng làm tôi khó chịu. Và nếu tôi không thể thực hiện việc biện phân đang bàn, luôn vẫn còn với tôi việc nói rằng Đức Giáo Hoàng khôn ngoan hơn tôi đến nỗi điều ngài nói trí hiểu của tôi lãnh nhận như một chất quặng qúy giá mà nó biết là chứa những vỉa vàng hay các chân lý không thể hoài nghi {26}.

2. Có ba cách để tán thành một thông điệp. Cách thứ nhất là cúi lạy nó một cách hoàn toàn tôn kính trong khi vẫn càu nhàu chống lại nó và phán đoán nó như không hợp thời và ít có cơ sở. Để không xúc phạm, tôi thích hãm mình không chọn cách thứ nhất này hơn.

Cách thứ hai là tán thành nó như thể từ đầu đến cuối, nó là một văn kiện vô ngộ. Người đọc một thông điệp như thế là đã cho nhiều hơn điều đòi hỏi nơi họ. Nhưng nếu họ thực hiện nó trong tinh thần đức tin, điều này, đối với họ, có thể là dịp được nhiều ân sủng lớn lao.

Cách thứ ba là cách tôi vừa đề cập, và tôi tin là thông thường. Nó đòi người ta phải làm một cố gắng thuộc trí hiểu (có thể sống đức tin, nếu người ta là một người dốt nát quê mùa, không biết vận dụng trí hiểu hay không?). Nhưng cách thứ ba này không làm cho việc thành công của cố gắng thành điều kiện cho việc tán thành văn kiện Giáo Hoàng.

Sự chính xác cuối cùng về ý niệm nhân sự của Giáo Hội

1.Tôi bắt đầu chương này bằng cách ấn định trong vài giòng điều tôi hiểu thế nào là “nhân sự của Giáo Hội” và ai là những người làm thành phần của nó. Tôi đã kết thúc chương này bằng một vài xem xét liên quan đến những vị mà từ các ngài nhân sự của Giáo Hội nhận được thẩm quyền của mình, suốt trong lịch sử, tuy người ta không thể coi các ngài như thành phần của nhân sự này.

Theo nghĩa tôi hiểu về hạn từ này, phải nói rằng Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục đứng ở đỉnh nhân sự của Giáo Hội, như các tiến sĩ của đức tin và mục tử của đoàn chiên Chúa Kitô: Đức Giáo Hoàng, kế vị Thánh Phêrô; các Giám Mục, kế vị các tông đồ. Do đó, có nên nói Thánh Phêrô và các tông đồ khác cũng là thành phần của nhân sự Giáo Hội hay không? Tôi không dám quả quyết. Nếu Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục làm thành nhân sự cao cấp của Giáo Hội, thì chính vì thẩm quyền của các ngài là thẩm quyền của Thánh Phêrô và các tông đồ khác theo nghĩa thẩm quyền này có thể chuyển giao. Nhưng nơi các tông đồ cũng có một thẩm quyền và một đặc ân tuyệt đối không thể chuyển giao {28}. Các vị là những người được chính Chúa Kitô lựa chọn và thiết lập (có thể là sau Phục sinh, như Thánh Phaolô) hoặc (như Thánh Mátthia và Barnabé) bởi chính hợp đoàn tông đồ, dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, để trở thành các nền tảng lịch sử của Giáo Hội Chúa Kitô, các thầy dạy mãi mãi của Giáo Hội và các chuẩn mực đức tin của Giáo Hội, và để, đối với mọi thế kỷ về sau, lời các ngài làm cho dân Thiên Chúa biết chân lý mạc khải đã được Chúa Kitô đem đến sự viên mãn của nó. Ở dưới thế này, các ngài ở nguồn gốc Giáo Hội của Chúa Kitô đã đến, chính qua các ngài, dưới bàn tay toàn năng của Người, Chúa Kitô đã thiết lập Giáo Hội và làm Giáo Hội hiện hữu.

Đồng thời, các ngài được thiết lập trong Giáo Hội như trụ cột mà dây chuyền những người lập thành nhân sự của Giáo Hội bám vào, để diễn tiến mọi thời tiếp nối nhau. Làm thế nào các ngài lại có thể làm cho chính các ngài trở nên thành phần của dây chuyền này được? Là các dụng cụ của Chúa Kitô để làm xuất hiện trong thời gian ngôi vị của Giáo Hội trong hành động hoàn tất, tức Giáo Hội của Chúa Kitô đã đến {29}, làm thế nào các ngài có thể là thành phần của nhân sự vốn giả thiết đã được thành lập và đang theo đuổi sự kéo dài của nó, và giống như nó, trong một số trường hợp nhất định nào đó, vốn là các tác nhân dụng cụ của nó? Các ngài chỉ là dụng cụ của một mình Chúa Kitô mà thôi.

Các ngài đã phục vụ Giáo Hội dưới mặt đất nhiều hơn và tốt hơn bất cứ ai dưới thế này: nhưng trong tư cách các bậc thầy của Giáo hội để suy nghĩ mãi mãi, bạn đồng hành ở dưới thế này, nếu tôi có thể nói như thế, của Chúa Kitô phục sinh, và là dụng cụ của Người trong công trình xây nền cho Giáo Hội Người.

2. Vậy, như tôi đã viết ở đầu chương này, nếu “các đầy tớ có tước vị của Giáo Hội, đặc biệt những người từ cao đến thấp của phẩm trật được trao thẩm quyền trên dân Thiên Chúa” tạo thành nhân sự của Giáo Hội, chính là vì họ xuất hiện sau thời đại lửa (âge de feu) tức thời đại xây nền Giáo Hội. Nơi những con người mà chức năng và thẩm quyền chỉ được trao ban để bảo tồn Giáo Hội trong hiện hữu và sự trường tồn của Giáo Hội trong thời gian, phần nguyên nhân chính, với khả năng có thể sai lầm, nhanh chóng trở nên lớn hơn nhiều so với những đại vĩ nhân về sự thánh thiện bị thúc ép bởi các đặc sủng ‘phải-làm-cho-xuất-hiện-trong-hữu-thể [charismes du fair-surgir-dans-l’être]’. Còn về phần tư cách nguyên nhân dụng cụ, nó không còn đốt cháy mỗi vị bằng ngọn lửa anh hùng như các tông đồ trong công trình xây nền, cho bằng từ nay các ngài là dụng cụ của Chúa Kitô và của Giáo Hội; vì lý do yếu đuối và tầm thường của con người, đôi khi các ngài đánh mất ơn linh hứng của Thiên Chúa: do đó điều cần là, trong một số trường hợp nhất định, các ngài cũng phải là dụng cụ của ngôi vị Giáo Hội đang hoàn tất ở dưới thế này công trình của Thiên Chúa.

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng và các Giám Mục không được chính Chúa Kitô chọn và chỉ định hay do đoàn tông đồ của Người chọn lựa, nhưng được lựa chọn bởi những con người mà đối với họ rất có thể xẩy ra việc, khi chiều theo các thương tích của bản tính ta hay các hoàn cảnh lịch sử, họ tự đánh mất ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, đến mức Thiên Chúa cho phép, bất luận trong trường hợp chính cộng đoàn Kitô giáo chỉ định các thủ lãnh của mình, như đã diễn ra thời sơ khai, hay như thời nay, các Hồng Y bầu Giáo Hoàng, hay Đức Giáo Hoàng cử nhiệm các Giám Mục. Về phần ngôi vị của Giáo Hội, ngôi vị này ban cho các thành viên của nhân sự mình, qua bí tích truyền chức thánh, một thẩm quyền phát xuất từ Thiên Chúa, nhưng không phải ngôi vị này chỉ định và chọn lựa các ngài, các ngài được chọn và chỉ định bởi các thành viên khác của nhân sự Giáo Hội. Chuyện không thể tránh được và rất thông thường là nhân sự này tự tuyển lựa; đến nỗi, bằng bất cứ danh hiệu nào, kể cả danh hiệu chỉ định {30}, ngôi vị Giáo Hội cũng không can dự vào những điều nhân sự của mình làm hoặc nói nếu không phải trong mức độ họ là tác nhân dụng cụ đối với mình.

Ghi Chú

{1} Xem cuốn sách của tôi De la grâce et de l’humanité de Jésus [Về Ân sủng và Nhân tính của Chúa Giêsu], trang 50-87. Theo cách giải thích mà tôi đã đề xuất ở đó, chính ở phần cao hơn hoặc lãnh vực siêu thức của linh hồn Người mà trên trái đất, ân sủng của Chúa Kitô là vô hạn (ân sủng của Chúa Giêsu như đấng comprehensor [chiêm nhân]). Ở phần dưới của linh hồn Người, hay thế giới ý thức, ân sủng này hữu hạn (ân sủng của Chúa Giêsu như đấng viator [lữ hành]), và nó không ngừng phát triển cho đến khi chết trên Thập giá.

{2} Xem cuốn sách tuyệt đẹp của Cha M. J. Nicolas về mầu nhiệm Đức Maria, Théotokos, Tournai, Desclée, 1965.

{3} Như Công đồng Vatican II đã nhắc lại (Lumen Gentium, số 60), Chúa Kitô là Đấng Trung gian duy nhất, theo nghĩa đầy đủ và chặt chẽ của hạn từ này. Nhưng Thánh Tôma (Sum. Theol., III, 26, 1) nói rằng không có gì ngăn cản việc gọi những người khác ngoài Chúa Kitô là những người trung gian, theo nghĩa đệ nhị đẳng và có tính "thừa tác vụ". Và theo nghĩa này, sự trung gian của Đức Maria "hoàn toàn đứng hàng đầu, hoàn toàn độc đáo. Nếu những tạo vật mà Thiên Chúa, nhờ sự Nhập thể của Người, mang tới gần Người nhất cũng là những người mà Người kết hợp chặt chẽ trong hành động của Người hơn những người khác, thì quả thực chính Mẹ của Người được Chúa Kitô kết hợp với chính Người trước hết và chặt chẽ hơn bất cứ điều gì khác vì công trình 'thần hoá' thế giới của Người, vì việc mở rộng phổ quát các hiệu quả của việc Nhập thể... Tại mỗi thời điểm trong ba thời điểm này: Nhập thể, Cứu chuộc, Sự sống vinh hiển của Chúa Kitô, sự trung gian của Đức Mẹ là sự mở rộng tư cách mẫu thân Thiên Chúa của ngài cho loài người " M. J. Nicolas, Théotokos, Desclée, 1965, tr. 190.

{4} Quadragesimale de evangelio aeterno, sermo X, cap. 3, Opera omnia, Lyon, 1650, t. II, tr. 57. "Nam omnium gratiarum quae humano genero subsunt, sicut quod Deus generalis est dator et Christus generalis mediator, sic per gloriosam Virginem generaliter dispensantur. Nam ipsa est collum Capitis nostri, per quod omnia Spiritualia dona Corpori ejus mystico Communicationantur. Ideo Cant. 7 de ipso dicitur: Collum tuum sicut turri s eburnea [Vì như Thiên Chúa là đấng ban phát chung và Chúa Kitô là đấng trung gian chung của mọi ân sủng ban xuống cho loài người thế nào, thì chúng cũng được ban phát cách chung qua Đức Trinh Nữ vinh hiển như thế. Vì ngài là cổ của Đầu chúng ta, qua đó tất cả các ân phúc thiêng liêng được thông truyền đến Nhiệm thể của Người. Chính vì thế Sách Diễm ca 7 đã nói rằng: Cổ em như tháp ngà]. (Cant. VII, 5; xem V, 4)."

{5} Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh tới vai trò mô hình mẫu của Đức Maria đối với Giáo hội. Xem Lumen Gentium, Ch. 8, các số 63, 64, 65.

{6} Giáo hội của Chúa Kitô sắp đến, kể từ cuộc sám hối của Ađam và Evà, là Giáo hội đang được chuẩn bị. Giáo hội ở đây trên trái đất chỉ được thành hình một cách chính thức - với cấu trúc hữu cơ của nó trong hiện thể [en acte] đã hoàn tất, và với tư cách ngôi vị của nó – như là Giáo hội của Chúa Kitô đã đến, sau những lưỡi lửa của Lễ Ngũ tuần đã xuống trên các Tông đồ và trên Nữ vương của các ngài.

Tôi có khuynh hướng nghĩ rằng Giáo Hội trên Thiên đàng được thành lập một cách chính thức, với thân thể của Giáo hội được hợp nhất dưới Lãnh tụ hằng sống của mình, và với tư cách ngôi vị của Giáo hội, kể từ ngày Thăng thiên, - như thế, ở đây trên trái đất, trong một thời gian (như từ Lễ Ngũ tuần trong điều liên quan đến Giáo hội trên trái đất), Đức Trinh Nữ Maria là dụng cụ mà Thiên Chúa đã sử dụng để ban cho Giáo hội tư cách ngôi vị trên Thiên đàng và dưới đất.

{7} Ngoại trừ tư cách ngôi vị của Đức Trinh Nữ Maria, mà nhờ tư cách dụng cụ của nó, chúng ta vừa thấy, Giáo hội tiếp nhận tư cách ngôi vị của mình, và là nội tại với tư cách ngôi vị này.

{8} Nếu họ đánh mất ân sủng và đức ái, chứ không mất đức tin.

{9} Nếu họ mất đức tin.

{10} Đây là lý do tại sao những câu hỏi mà các nhà thần học thời Trung cổ tự đặt ra liên quan đến một vị Giáo hoàng trở nên lạc giáo, đối với tôi, xem ra hoàn toàn có tính học thuật. Xem xét trường hợp này, với một giả thuyết mà tôi cho là vô cớ, cần phải nói, với Đức Hồng Y Journet và các nhà thần học đang được đề cập, rằng Công đồng sẽ không hề truất phế vị Giáo hoàng lạc giáo này (như thể Công đồng cao hơn Đức Giáo Hoàng), nhưng chỉ để ghi nhận sự kiện lạc giáo giáo, sự kiện chính ngài, do lạc giáo của mình, không còn là một thành viên của Giáo hội, đã tự tước bỏ địa vị tối thượng của mình trong Giáo hội; tóm lại, Công đồng sẽ chỉ phải "ghi nhận một sự kiện đã hoàn tất" (Xem Ch. Journet, "Le Pape et l'Eglise," trên nhật báo La Croix, ngày 3 tháng 10 năm 1969.)

{11} Mỗi vị trong số các vị cho chúng ta thấy một số khía cạnh của khuôn mặt Giáo Hội, không vị nào trong số các vị cho chúng ta thấy khuôn mặt đó một cách trọn vẹn; vì không ai thánh thiện như Giáo Hội. Trong mỗi vị đều xuất hiện sự hoàn hảo của lòng bác ái, - theo phương thức riêng của vị này, - nhưng những giới hạn của cá nhân vị này và những giới hạn của môi trường và thời đại của vị này cũng tự bộc lộ ra.

{12} Xem Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Thánh, số 84: " Theo truyền thống xa xưa của Kitô giáo, Kinh Nhật Tụng được lập ra để thánh hiến trọn ngày đêm bằng lời ngợi khen Thiên Chúa. Vì, thực ra, khi các linh mục chu toàn đúng nghi thức bài ca ngợi khen tuyệt diệu đó, cũng như những người khác được ủy nhiệm làm công việc đó theo sự thiết định của Giáo Hội, hoặc các Kitô hữu hợp cùng linh mục cầu nguyện theo thể thức đã được chuẩn nhận, thì thực là tiếng của chính Hiền Thê nói với Ðấng Phu Quân mình, và hơn thế nữa, còn là lời cầu nguyện của Chúa Kitô và thân thể Người dâng lên Thiên Chúa Cha”.

Đã dẫn số 99: “... Kinh Nhật Tụng là tiếng nói của Giáo Hội, nghĩa là của toàn Nhiệm Thể công khai ngợi khen Thiên Chúa”.

{13} Tôi không quên rằng những người xúi giục ly giáo và những người lạc giáo nổi tiếng, cả họ nữa, trước nhất, đã là các thành viên, và thường là những thành viên rất đáng kể, của nhân sự Giáo hội; nhưng họ đã đoạn tuyệt với Giáo Hội, và do đó nằm ngoài lĩnh vực suy tư hiện tại của tôi.

{14} Xem cuốn sách của chúng tôi Dieu et la permission du mal [Thiên Chúa và sự cho phép cái ác]. - Nếu sáng kiến đầu tiên về hư vô không diễn ra, thì chuyển động thần linh, đầu tiên nhận được như có thể bẻ gẫy, sau đó đã trở thành không thể bẻ gẫy.

{15} Họ hoàn thành nó một cách tự do, vì giả sử ý chí của họ trước đây đã bị biến thái, họ có thể làm cho bản thân ra bất lực, đã chọn điều ác, không thể tiếp nhận sự thúc đẩy thần linh có tính dụng cụ này (vốn khởi đầu được ban cho như không thể bị bẻ gẫy). Họ cũng có thể trộn lẫn vào điều họ được thúc đẩy như dụng cụ phải làm các yếu tố do họ phát minh ra nhưng không thể chính trực.

{16} Xem Sum. theol., III, 64, 1.

{17} Theo nghĩa rộng của hạn từ này, theo nghĩa Thiên Chúa sử dụng ngôi vị ấy để thúc đẩy thừa tác viên của bí tích, như tôi chỉ ra ở đây, và theo nghĩa chính Chúa Kitô dâng lên Thiên Chúa hy tế Thánh lễ thông qua tư cách dụng cụ của Giáo Hội. - Xem ghi chú 21.

{18} Sum. theol., III, 64, 8, c và ad 1, ad 2.

{19} III, 64, 1, ad 2.

{20} Sẽ là điều vô ích nếu nghĩ rằng cách diễn đạt chỉ mang ý nghĩa pháp lý đơn thuần và "hành động nhân danh ngôi vị của Giáo hội" chỉ để hành động như đại diện cho Giáo Hội: vì lúc đó, nếu ý định của Giáo hội không có nơi linh mục, những lời được xướng lên bởi "người đại diện" chỉ thuộc các hiện tượng bề ngoài và hư cấu. Điều cần thiết là ý định của Giáo hội phải thực sự ở đó, ngay cả khi linh mục bị phân tâm và thiếu chú ý. (Nếu đại diện của một quốc gia nói với một quốc gia đang có chiến tranh "đất nước của tôi gửi cho các bạn một nghìn chiếc máy bay để giúp các bạn", và nếu những chiếc máy bay này không thực sự được gửi đi, thì những bảo đảm mà người đại diện này đưa ra chỉ là vẻ bề ngoài và hư cấu).

{21} Để tóm tắt tất cả, tôi xin nói rằng theo trật tự bí tích, có ba ngôi vị cần xem xét:

Thiên Chúa toàn năng, Đấng sử dụng nhân tính của Chúa Kitô, dụng cụ gắn liền với thiên tính của Người, và là Tác nhân chính, tối cao và tuyệt đối đầu tiên;

Ngôi vị thánh thiện và không thiếu sót của Giáo hội, Người Dâng hiến ở đây trên trái đất sự thờ phượng và hy tế, và là Người Thực hiện các Bí tích, người vừa là tác nhân chính thứ hai, vừa là tác nhân dụng cụ của Thiên Chúa, theo nghĩa rộng của chữ này;

Thừa tác viên của Bí tích, là tác nhân dụng cụ theo nghĩa chặt chẽ, Ngôi vị Giáo hội sử dụng tư cách dụng cụ này theo nghĩa họ là chủ thể nhân bản mà nhờ đó Giáo Hội hành động, và tư cách dụng cụ mà Thiên Chúa sử dụng để tạo hiệu lực cho những lời nói người này xướng lên và những cử chỉ mà người ấy thực hiện khi ban các Bí tích và khi dâng Hy lễ.

{22} Lễ Quy của Thánh lễ.

{23} Đức Piô IX, Denz.-Schön., 2879. - x. Charles Journet, L'Église du Verbe Incarné, Cuốn II, tr. 534.

{24} Xem ở trên, Ch. VII, trang 55-56.

{25} Chính vì ý định chủ yếu này, tôi hiểu lời quả quyết của Đức Piô XII khi ngài nói (thông điệp Humani Generis) rằng giáo huấn của các thông điệp thuộc về huấn quyền thông thường.

{26} Xem Charles Journet, L'Église du Verbe Incarné, Cuốn II, tr. 568, chú thích 1. (Ngôn ngữ của tôi rất khác, nhưng những gì tôi dùng để nói, tôi tin là rất phù hợp với ghi chú rất soi sáng này.) – Cũng nên xem Georges M. M. Cottier, Régulation des naissances et développement démographique, Paris, Desclée De Brouwer, 1969, Dẫn nhập, tr. 9.

{27} Tôi có thể đưa ra các thí dụ, những thí dụ tôi có từ các Kitô hữu nhiệt thành mà tôi rất vinh dự được làm bạn.

{28} Xem Ch. IX, trang 84-85 và chú thích 15.

{29} Như chúng ta đã thấy ở Ch. III, nếu đúng là Thiên Chúa ban cho Giáo hội tư cách ngôi vị siêu nhiên bởi lý do Giáo Hội là hình ảnh của Chúa Kitô mà Giáo hội mang trong mình, người ta phải kết luận rằng chỉ với tư cách Giáo hội của Chúa Giêsu đã đến, Giáo hội mới bắt đầu nhận được tư cách ngôi vị này. Trước đó, vào những giai đoạn khác nhau trong đó Giáo hội vẫn còn đang trong giai đoạn phác thảo dần dần thành hình, ân sủng của Chúa Kitô đã đến chắc chắn làm cho một “ngôi vị tinhthần” như vậy khao khát trở thành ngôi vị theo nghĩa đệ nhất đẳng và hữu thể học của hạn từ này. Nhưng chính một khi Chúa Kitô đã đến thì mới xảy ra trường hợp như vậy, và nhờ thế, mầu nhiệm Giáo Hội mới được hoàn tất.

Xem ở trên, chú thích 6 của Chương XI.

Bản tiếng Anh của Đại học Notre Dame còn có ghi chú {30}

{30} Về Đức Giáo Hoàng, nên nói thêm rằng việc lựa chọn ngài, - bất kể thể thức bầu cử ra sao, - ngụ ý chính ngôi vị của Giáo hội phần nào chấp nhận hoặc phê chuẩn, theo nghĩa, với tư cách tác nhân chính sử dụng đoàn cử tri như một nguyên nhân dụng cụ, Giáo Hội không muốn đoàn cử tri này chỉ định bất cứ ai không có khả năng hướng dẫn con thuyền (Thánh Phêrô) và bảo tồn nguyên vẹn việc thông truyền đức tin. Nếu không có sự chấp nhận hoặc phê chuẩn như vậy, một điều vốn làm cho giám mục Roma trở thành nhà lãnh đạo của Giáo hội trên trái đất, các thành viên của toàn bộ phẩm trật được thành lập dưới sự bảo trợ của ngài và hiệp thông với ngài không thể được coi là "nhân sự của Giáo hội."

Hơn nữa, sự lựa chọn đang bàn không liên quan gì đến công trạng riêng của người được chỉ định như vậy (tốt nếu ngài là một vị thánh, tệ trong trường hợp ngược lại). Đây là vấn đề đem tới cho Triều Giáo Hoàng, trong những hoàn cảnh lịch sử nhất định (và đôi khi không may), một người đủ tư cách để cai quản dân Kitô giáo trong tất cả những gì liên quan đến đức tin và kho tàng sự thật được mặc khải. Có người đã nhận xét rằng “bỏ sang một bên phong tục và chuyện chính trị," việc cai quản của một kẻ buôn thần bán thánh, vênh vang say xỉn và sa đọa như Alexander VI "nói chung vẫn có lợi cho Giáo hội. Vị giáo hoàng này đã chứng tỏ luôn là người biết quan tâm bảo vệ tín lý: ngài đã ban hành một số sắc chỉ liên quan đến các vấn đề tín điều và về sự thờ phượng. Ngài đã cố gắng truyền bá đức tin, đặc biệt ở Tân Thế giới, được khám phá vào đầu triều đại Giáo hoàng của ngài." (J. Paquier, Dictionnaire de théologie catholique, t. 1, trang 726-727).