Nguyên văn bằng tiếng Anh do John L. Allen Jr., phóng viên của tờ National Catholic Reporter (Tường thuật viên Công Giáo Quốc Gia) tường trình từ Vatican. Thứ Sáu, ngày 30 tháng 11 năm 2007.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI chính thức cho phép phát hành thông điệp “Spe Salvi,” được xem như là phần thứ hai của bộ tam thông điệp dựa trên nhân đức đối thần, đó là, đức tin, đức cậy và đức mến, với chủ đề: “Được cứu độ trong niềm hy vọng.” Điều này được trích dẫn trong thư của Thánh Phaolô gởi cho giáo đoàn Rôma, “Chính trong niềm hy vọng mà chúng ta được cứu rỗi.” (Rm 8: 24).

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI lý luận, chỉ có người Kitô hữu đích thực, thấu hiểu được ý nghĩa niềm hy vọng, có thể cứu vớt thế giới khỏi quyền lực hủy diệt của ý thức hệ và những mong đợi hoang tưởng nơi chính trị như là vị cứu tinh.

Thông điệp đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã được xuất bản vào tháng 12 năm 2005, với tựa đề “Deus Caritas Est” (Thiên Chúa là tình yêu). Một lần nữa, nhân đức đối thần được trưng dẫn bởi thánh Phaolô trong thơ thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô: “Hiện nay đức tin, đức cậy đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1Cor 13:13).

“Chúng ta cần hy vọng, dù nhiều hay ít, trong cuộc sống hằng ngày,” Đức Giáo Hoàng viết trong thông điệp “Spe Salvi” được phát hành bởi tòa thánh Vatican, hôm thứ Sáu, ngày 30.11.2007, “Nhưng tất cả những điều này chưa đủ, nếu không có niềm hy vọng vĩ đại, vượt trên tất cả mọi sự khác. Niềm hy vọng vĩ đại này chỉ có thể là Thiên Chúa.

Chính điều này đã thúc đẩy Đức Giáo Hoàng Biển Đức đặt mối quan tâm chính yếu vào những điều hệ trọng dưới triều đại giáo hoàng của ngài: đó là cương quyết tập trung vào trọng tâm căn cước tính của Công Giáo, và tính chất đặc trưng của những sứ điệp thiêng liêng mà Giáo Hội cống hiến cho thế giới.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức viết: “Kitô Giáo cần am tường về niềm hy vọng và tự phê bình về thế giới hiện đại trong khi đối thoại, vì đó là điều cần thiết. Trong cuộc đối thoại như vậy, cả người Kitô hữu, trong chừng mực hiểu biết và kinh nghiệm của họ, cần học hỏi điều gì thực sự kết thành niềm hy vọng của họ, điều gì họ có thể cống hiến, và ngược lại, điều gì họ không thể ban tặng cho thế giới. Sự tự phê bình về thế giới hiện đại phải dẫn đến việc tự kiểm thảo Kitô Giáo hiện nay. Kitô Giáo luôn luôn cần phải đổi mới cách học hỏi, hầu hiểu biết về chính mình, dựa trên nguồn gốc căn nguyên của đạo.

Sáng hôm nay (Thứ Sáu, ngày 30.11.2007), tại phòng họp báo tòa thánh, ĐHY Georges Cottier, dòng Đa Minh, nguyên thần học gia tại phủ Giáo Hoàng dưới thời cố Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, cho biết: “Thông điệp (Spe Salvi) chứng thực cho thấy nhân đức hy vọng là điều thiết yếu cho văn hóa và nền nhân bản đích thực.

ĐHY Cottier nói tiếp, thông điệp cũng minh họa cho thấy thế nào là niềm hy vọng của người Kitô hữu, hy vọng không có nghĩa là trốn chạy khỏi thế giới mà ta đang sống, nhưng nó là động lực thúc đẩy người Kitô hữu tích cực dấn thân phục vụ tha nhân và phục vụ thế giới.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã đan kết chặt chẽ những chủ đề quen thuộc, được trải rộng ra nơi thông điệp, cho những ai từng làm quen với tư tưởng của ngài. Tỷ dụ, ngài nhấn mạnh và lập đi, lập lại nhiều lần rằng: niềm tin Kitô Giáo không đặt giới hạn trên sự tự do của con người hoặc trên việc sử dụng lý trí, nhưng đúng hơn giúp lý trí và tự do đạt đến sự viên mãn cùng đích của nó. Ngài cũng thỉnh thoảng đề cập đến điều mà ngài mô tả như là một sự sai lầm cơ bản của chủ thuyết Marxít, đó chính là đặt trọn niềm hy vọng của nó vào chủ nghĩa vật chất.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức muốn thông điệp này xuất hiện vào thời điểm trong mùa giáng sinh, vì giáng sinh là đại lễ của mầu nhiệm nhập thể, được hiểu như là biểu tượng chính yếu của niềm hy vọng Kitô Giáo theo truyền thống. Ngày mai, thứ Bảy (01.12.2007), Giáo hội bước vào mùa vọng, hướng về đại lễ giáng sinh. Với thông điệp “Spe Salvi”, Đức Giáo Hoàng Biển Đức xác minh cái ‘biệt hiệu’ được gán cho là giáo hoàng của những nguyên tắc cơ bản – quyết tâm nhấn mạnh đến những chân lý căn bản của đức tin Kitô Giáo.

Những dấu chỉ thoạt tiên cho thấy thông điệp (Spe Salvi) có khả năng hấp dẫn và lôi cuốn đông đảo các tín hữu Công Giáo, gồm đủ mọi thành phần; ngay cả nhóm cải cách tại Đức Quốc “Wir Sind Kirche” (chúng tôi là giáo hội), tỷ dụ: một trong những nhà phê bình khắt khe đối với Joseph Ratzinger trong nhiều năm qua, tuyên bố là bức thông điệp “Spe Salvi” đã gây ấn tượng sâu sắc và tạo sự lôi cuốn mạnh mẽ.

Thêm vào đó, tập trung vào đề tài tình yêu và hy vọng trong hai thông điệp đầu tiên, cũng gây hậu thuẫn cho mục đích đại kết của ĐGH Biển Đức, vì Kitô hữu chưa từng bị phân chia về hai nhân đức này trong lịch sử. Nhưng ngược lại, nỗ lực tìm hiểu về đức tin đã được bùng lên.

Lễ thánh Andrê cũng là lễ bổn mạng của Thượng Phụ Constantinople (Giáo Hội Chính Thống Giáo), điều này cũng cho thấy một khía cạnh nữa trong chủ trương đại kết. ĐHY Cottier sáng nay còn nói rằng, bản văn của thông điệp có thể trở thành hiến chương cho sự hiệp nhất đối với sự khác biệt tuyên xưng đức tin giữa các Kitô hữu. ĐHY Cottier còn đưa ra nhận xét, cho thấy Đức Giáo Hoàng Biển Đức đồng ý trích dẫn Helmut Koester, học gỉa Kinh Thánh Tin Lành trong thông điệp của ngài.

Federio Lombardi, linh mục dòng Tên, phát ngôn viên của tòa thánh, phát biểu tại phòng họp báo sáng nay ở Rôma - Thứ Sáu, 30.11.2007- tiết lộ cho thấy thông điệp (Spe Salvi) hoàn toàn được trước tác bởi Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI. Ngài còn cho biết, thực tình thì các cố vấn giáo hoàng đã và đang soạn thảo một thông điệp khác, có chủ đề về xã hội, và họ đã ngạc nhiên khi thấy Đức Giáo Hoàng Biển Đức quyết định hoàn tất công trình này trước, thông điệp Spe Salvi hoàn toàn do chính ngài soạn thảo trong mùa phục sinh và mùa hè tại điện Gandolfo (Ý).

Cha Lombardi nói công việc soạn thảo thông điệp về xã hội sẽ được tiếp tục. Trong bản văn của thông điệp Spe Salvi, Đức Giáo Hoàng Biển Đức đã trưng dẫn một loạt các vị gần đây được phong thánh và những vị anh hùng Công Giáo, từ Mẹ Josephine Bakhita đến cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, vị hồng y người Việt không thể bị quên lãng, ngài đã bị giam hơn 13 năm trong nhà tù cộng sản, và chính ngài đã viết cuốn sách dựa trên kinh nghiệm của chính bản thân (trong thời gian bị tù đày), với tựa đề, Prayers of Hope (tạm dịch Lời Nguyện Hy Vọng).

Đức Giáo Hoàng Biển Đức cũng đã suy niệm tỷ mỉ trên các đoạn Sách Thánh khác nhau, có liên quan đến sự hy vọng. Trong nhiều vấn đề đang bàn luận, Đức Giáo Hoàng Biển Đức cố gắng giải quyết vấn nạn hiện gây nên nhiều sự tranh luận, đó là cần phải hiểu thế nào về từ Hy Lạp – Hypostasis [1]– trong thư gởi tín hữu Do Thái, chương 11, cho thấy “Đức tin là chất liệu cho những điều ta hy vọng.” (Do Thái 11:1). Đức Giáo Hoàng Biển Đức lý luận rằng: sự bảo đảm này không giống như Martin Luther đề nghị, coi đó như là một cảm giác chủ quan đối với cá nhân người tin, nhưng thực chất nó là thực tại khách quan dựa trên chân lý (hay sự thật) của đức tin Kitô Giáo.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức cũng đã phủ nhận lối chú giải cá nhân về niềm hy vọng. Ngài biện luận rằng: niềm hy vọng Kitô Giáo hướng đến Cộng Đoàn cứu rỗi (chúng ta được cứu rỗi như là một tập thể chứ không phải riêng rẽ từng cá nhân), dẫn tín hữu thoát khỏi ngục tù của bản ngã.

Trong những đoạn sau, thông điệp bàn đến những đề tài thần học kinh điển, như vấn nạn của sự dữ (nguyên nhân sự dữ bởi đâu mà ra?), phán xét cánh chung, luyện ngục và hỏa ngục.

“Chính trong niềm hy vọng mà chúng ta được cứu độ,” dù chủ yếu là sự suy niệm thiêng liêng, nhưng điều đó không có nghĩa là nó thiếu các áp dụng thực tế cho tín lý và chính trị. Vào thập niên 1980, khi cao điểm của cuộc tranh chấp giữa chủ thuyết Công Giáo và Thần học giải phóng diễn ra, vào thời điểm đó, Hồng Y Joseph Ratzinger đã đưa ra các lý lẽ cho rằng, một số xu hướng thời nay phủ nhận những hình thức siêu nhiên của niềm hy vọng, dẫn đến hệ qủa là họ tìm kiếm giải pháp cứu rỗi ngang qua thế lực chính trị trần thế, mở ngõ cho chủ nghĩa cực đoan.

Trong cuộc phỏng vấn dài vào năm 1985 về cuốn sách với nhan đề “The Ratzinger Report” (Tạm dịch Báo Cáo của Ratzinger), Giáo Hoàng Biển Đức thời đó, nguyên là bộ trưởng bộ giáo lý và đức tin đã lên tiếng cảnh báo xu hướng san bằng niềm hy vọng với lịch sử trần thế, cho nên chỉ có thân thể và lương thực (bánh), chứ không phải linh hồn và Lời Chúa, được xem như là hàng đầu.

Hồng Y Ratzinger cũng đã liên kết niềm hy vọng với qúa khứ, được xem như là quan trọng, của việc tiếp nối và ý thức mạnh mẽ về căn tính Công Giáo.

“Đầu độc qúa khứ không mang lại niềm hy vọng: chính nó tự hủy diệt các cảm-quan cơ bản,” Ngài viết trong tác phẩm Seek That Which is Above (tạm dịch Tìm kiếm những gì trên trời). “Chỉ có kẻ nào có trí nhớ thì mới có thể hy vọng.”

Mặc dù thông điệp Spe Salvi gây được nhiều sự chú ý, điều đó không có nghĩa là những phản ứng ban đầu đều hoàn toàn tích cực. Ví dụ, “Wir Sind Kirche” (Chúng tôi là giáo hội) đã đưa ra ba câu hỏi then chốt liên quan đến thông điệp.

1. Tại sao thông điệp không dựa nhiều vào Gaudium et Spes, Vui Mừng và Hy Vọng, Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay thuộc Công Đồng Vaticanô II (1962-1965), được xem như là hiến chương cho công việc canh tân Giáo Hội Công Giáo?

2. Tại sao Giáo Hoàng Biển Đức XVI không đặt vấn đề là với hệ thống kỷ luật và cơ cấu hiện hành của Giáo Hội có thực sự cổ võ cho bầu khí hy vọng?

3. Không biết thông điệp này có phát sinh hy vọng thực sự cho việc phát triển đối với sự hiệp nhất và tinh thần đại kết?

[1] Hypostasis: 1. (Triết học) bản thể, lập thể; nguyên lý căn bản; 2. (Trong thần học Chúa Ba Ngôi) Một trong 3 ngôi Thiên Chúa; 3. Hypostatic union (Trong mầu nhiệm nhập thể), khi bàn về bản tính chủ yếu của Chúa Giêsu thì được xem như là: Lưỡng vị đồng tính, nghiã là bản tính T.C và bản tình loài người là một trong Đức Giêsu Kitô.